1.Nội chiến phe nhóm "đồng chí thù địch"-2.Bà Clinton:.."biển Hoa Kỳ"(VOA)3.Thực chất Hội nghị Trung Ương 4(BBC)4.Phản ứng ..5.

Nội chiến phe nhóm ‘đồng chí thù địch’
Nguồn:VOA-13.10.2016

    Bùi Tín

 

(Từ trái sang) Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, ngày 28/1/2016.

Tình hình chính trị ở Việt Nam đang sôi động. Vụ cá chết và ngư dân ngắc ngoải ven biển miền Trung chưa nguôi thì vụ Formosa mới ở Cà Ná – Ninh Thuận phía Nam lại nóng lên. Vụ tư lệnh Quân khu II chết bí hiểm, rồi cán bộ cao cấp bắn nhau ở Yên Bái chưa yên thì lại nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh biệt tăm, thách thức Tổng Trọng từ hang hốc nào chưa ai biết, làm náo loạn cả triều đình đang nghiêng ngả.

Nhân vật trung tâm hiện nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng có nhiều lý do để mất ngủ. Ông ra lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh trong nước và quốc tế nhưng còn nhiều trắc trở. Ông ra lệnh bắt gấp nhóm 4 cán bộ cấp cao trong ngành dầu khí vốn là bộ hạ của Trịnh Xuân Thanh, đứng đầu là Vũ Đức Thuận. Ông yêu cầu 8 ngành phải vào cuộc sớm, đó là Ban Bí thư Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, và Tòa án Nhân dân tối cao.

Từ nơi bí mật, “đồng chí” Trịnh Xuân Thanh của ông đã sớm tuyên bố từ bỏ đảng, không chờ ông ra lệnh cho Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ, còn thách thức ông mở phiên tòa công khai đúng luật. Trịnh Xuân Thanh đã chọn các luật sư trong nước là Trần Vũ Hải và Lê Công Định, và sẵn sàng tiết lộ những sự thật bị che dấu mấy chục năm nay chung quanh các đề án viện trợ và đầu tư quốc tế ODA và FDI hàng trăm tỷ đô la đã bị xà xẻo, chia chác vụng trộm, các quà biếu cho Tổng Bí thư – như pho tượng vàng của Formosa Hà Tĩnh đưa biếu riêng ông Trọng… Quyết tâm của Tổng Trọng là phải triệt hạ những nhân vật trong ngành dầu khí đã kết thành nhóm, thành bè phái hàng 30 năm nay, hiện đã nhằm thẳng vào 2 nhân vật trọng yếu hơn là Đinh La Thăng và Vũ Huy Hoàng, đều từng là thủ trưởng trực tiếp của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và phe nhóm.

Trong khi mở cuộc điều tra và xét xử các nhóm tham nhũng nói trên, ông Trọng và cận thần ráo riết bao vây nhóm bộ hạ và gia đình của Nguyễn Tấn Dũng, vốn là “đồng chí thù địch số một” của Tổng Trọng hàng chục năm nay. Các công ty, ngân hàng của con gái, con rể của ông Dũng, của các con, bà chị họ của ông Dũng cũng đang bị điều tra.

Tham vọng của ông Trọng rất lớn, nhưng không dễ gì thực hiện, vì các nhóm lợi ích chống lại ông không ít ỏi yếu kém. Nhìn quanh ông, ngay trong Bộ Chính trị, hoặc ngay 3 vị khác trong Tứ trụ, không ai mặn mà gì với ông. Gần ông nhất là nhà tuyên huấn Đinh Thế Huynh uy tín thấp, phe cánh non. Rồi Thủ tướng Phúc, nhưng ông này kém bản lĩnh lại mang tiếng là khôn ranh, láu cá, ít nhân cách, ưa hưởng lạc, có tài sản lớn bất minh, con cái hư hỏng nổi tiếng đất Quảng Nam. Bà Kim Ngân mới lên chức, chưa tự khẳng định, ăn nói có vẻ khinh dân cao ngạo, dạy đời, vụng về khi tiếp khách nước ngoài. Đáng lo nhất với ông là tướng Trần Đại Quang, có thực lực lớn, trong tay là cả ngành công an, cảnh sát, lại đang có tham vọng soán ngôi tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước như bên Tàu. Tướng Quang là ngôi sao đang lên, khôn ngoan, kín đáo, thâm hiểm, lại đang nắm chặt hơn 300 tướng Công an đang tại chức vốn là bộ hạ của ông ta, trong đó đáng kể nhất là tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An đương chức.

Chính do tình hình trên mà ngày 19/9 vừa qua, ông Trọng cho công bố quyết định của Bộ Chính trị cử tổng bí thư tham gia Thường vụ Đảng ủy Bộ Công an gồm 7 người (trong Đảng ủy Bộ Công an gồm 16 ủy viên). Rõ ràng Tổng Trọng lo rằng Bộ Công an có lực lượng vũ trang lớn khắp nơi có thể vuột ra khỏi tầm lãnh đạo của tổng bí thư nếu mình không có mặt thường trực trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của lực lượng này.

Đối với Quân đội Nhân dân, Điều lệ Đảng Cộng sản quy định tổng bí thư đồng thời là bí thư Quân ủy Trung ương. Trong điều lệ và quyết định vừa qua, không có quy định tổng bí thư kiêm luôn bí thư đảng ủy Công an. Chức này hiện thuộc tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Điều này cho thấy ông Trọng vẫn chưa yên tâm nắm trọn lực lượng này như mong muốn, còn là kẽ hở trong ý đồ thâu tóm quyền lực tuyệt đối, giữa cuộc nội chiến phe nhóm “các đồng chí thù địch”, đang sinh tử sống mái với nhau.

Tổng Trọng vừa hé lộ mưu đồ hạ “nốc ao” Tướng Quang bằng cách ra lệnh cho Ban Bí thư quy định ngày sinh các quan chức đảng viên phải chiếu theo giấy khai sinh gốc và tài liệu khi vào đảng làm bằng. Ai cũng biết Tướng Quang đã ăn gian, sửa năm sinh từ 1950 thành 1956, tự trẻ hóa 6 năm, để ở lại Trung ương, vì đã quá tuổi 65 tại Đại hội XII, nhưng lại khai là mới 59 tuổi.

Điều đáng chú ý là cuộc nội chiến giữa các nhóm “đồng chí thù địch” càng mở rộng, thì nhân dân càng thích thú, nhận ra bộ mặt thật của chế độ toàn trị độc đảng, từ tin cậy mù quáng hồi xưa chuyển sang hoài nghi chê trách và đến nay lại chuyển sang thất vọng và khinh bỉ, xầm xì lên án ở mọi nơi, lên án công khai, chê trách, không còn sợ hãi như xưa. Nên họ dám xuống đường từ vài trăm đến vài nghìn, rồi vài chục nghìn như các giáo dân ở giáo phận Vinh – Xã Đoài, họ kéo nhau đến các phiên tòa công khai mà đóng cửa không cho công dân tham dự, đón mừng tặng hoa các chiến sỹ dân chủ ra tù.

Không ai làm mất uy tín của đảng bằng chính những người lãnh đạo cao nhất. Cuộc nội chiến sinh tử đang diễn ra ở thượng tầng lãnh đạo phơi bày cơ chế của đảng đang tan vỡ từng mảng nhỏ. Mỗi phe nhóm càng lo vơ vét quyền lực và lợi ích riêng tư, mặc cho cuộc sống gay go khổ cực của nhân dân, bỏ mặc nhân dân, thì nhân dân càng mất niềm tin, khinh bỉ họ như một bầy sâu mọt. Một nền “văn hóa khinh bỉ” đã hình thành ngày càng sâu đậm đối với lãnh đạo tha hóa. Đảng tự thủ tiêu tính chính đáng của mình, nhân dân dần dần cách ly, xa rời, khinh bỉ đảng. Vậy rồi đây đảng còn sống với ai ?

Nét mới khởi sắc của công luận là người dân thường, dù là nông dân, lao động, công dân, viên chức, tuổi trẻ, phụ nữ, giáo viên, luật sư, nhà kinh doanh lương thiện đều chung một ý nghĩ: chế độ này thối nát quá rồi, tận cùng tha hóa rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa.

Phải mở ra con đường sống khác cho dân tộc, cho toàn dân, cho các thế hệ tương lai. Đây là luồng suy nghĩ chung sẽ cứu nguy cho đất nước này, không thể khác.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

 ………………………………………………………………………………..  

Bà Clinton: Mỹ có thể gọi Thái Bình Dương là ‘biển Hoa Kỳ’

Nguồn:VOA-14.10.2016

Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton từng nói rằng nếu Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông thì Mỹ cũng có thể gọi Thái Bình Dương là “biển Hoa Kỳ”.

Những email mới nhất được WikiLeaks tiết lộ cho biết bà Clinton đã nói như vậy trong một bài phát biểu với các lãnh đạo của tập đoàn tài chính đa quốc của Mỹ Goldman Sachs vào năm 2013, 8 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ ngoại trưởng Mỹ.

Khi còn giữ chức vụ ngoại trưởng, bà Clinton là cánh tay phải của tổng thống Barack Obama, bà đóng góp vào việc hoạch định và quảng bá cho chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ, xoay trục sang châu Á nhằm củng cố phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sau khi Trung Quốc tìm cách bành trướng thế lực trong khu vực, và đẩy mạnh ý định độc chiếm biển Đông.

Năm 2010, bà Clinton, lúc đó còn là bộ trưởng ngoại giao dưới quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên đưa ra vấn đề “tự do hàng hải” trên biển Đông tại một hội nghị của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Hà Nội. Đó cũng là thời gian bắt đầu có sự gia tăng căng thẳng về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Biển Đông được coi là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nơi qua lại của gần 50% thương mại toàn cầu. Qua tiết lộ của WikiLeaks, bà Clinton nói đó là một phần lý do vì sao Trung Quốc muốn thống lĩnh toàn bộ biển Đông. Bà nói với các lãnh đạo ngân hàng của Goldman Sachs trong cuộc gặp mặt riêng năm 2013 rằng Mỹ cần phải kiềm chế Bắc Kinh để ngăn, không để hình thành “một sợi dây thòng lọng siết chặt thương mại thế giới.”

Bà Clinton nói bà đã đối đầu với các quan chức Trung Quốc về vấn đề biển Đông trong suốt thời gian làm bộ trưởng ngoại giao.

Trung Quốc đã vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền của họ trên hầu hết biển Đông. Nhưng những tuyên bố này đã bị các nước cũng đòi chủ quyền một phần biển Đông, như Việt Nam và Philippines, mạnh mẽ phản đối. Trong vụ kiện do Philippines phát động chống các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye hồi tháng 7 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của cái gọi là “đường lưỡi bò” cho rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc là không có cơ sở.

Theo South China Morning Post, Breibart.com

……………………………………………………………………

Thực chất Hội nghị Trung ương 4

 Nguồn:BBC-13 tháng 10 2016

Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo về tình trạng “tự diễn biến” và ‘suy thoái’ gây hậu quả “khôn lường”, theo truyền thông Việt Nam.


NA SON NGUYEN/ AFP/Getty Images
Tổng Bí thư Việt Nam cảnh báo về ‘hậu quả khôn lường’ trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4

Bàn về thực chất và hiệu quả của Hội nghị này, nhà quan sát xã hội dân sự, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 13/10/2016:

“Tôi thấy rằng toàn bộ những động tĩnh để dẫn đến Hội nghị Trung ương này, rồi bài phát biểu những vấn đề mà ông Tổng Bí thư xới lên, tôi không biết những người khác đọc ra những cái gì, nhưng tôi đọc ra toàn thấy vị là ‘đấu tranh nội bộ’ ở đây mà thôi.

“Tất cả những chuyện về suy thoái, chuyện về diễn biến rồi tự diễn biến, rồi tự chuyển hóa hay điều gì đó, thì ‘nhằm triệt phe phái’, nó không hợp. Bởi vì như tôi nói, bản thân hệ thống này sinh ra tất cả những căn bệnh đấy mà đúng như một bạn đọc nào đấy đã bảo rằng nó ‘ung thư mọi nơi’, ‘chạy khắp tứ tung’ rồi.

    Tôi thấy rằng toàn bộ những động tĩnh để dẫn đến Hội nghị Trung ương này, rồi bài phát biểu những vấn đề mà ông Tổng Bí thư xới lên, tôi không biết những người khác đọc ra những cái gì, nhưng tôi đọc ra toàn thấy vị là ‘đấu tranh nội bộ’ ở đây mà thôi
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A

“Cho nên tất cả những ‘bài ấy’ là những bài để họ tự làm với một vẻ là trị cái này, trị cái kia để làm an dân; bức xúc của người dân bây giờ lên một mức cùng cực rồi thì dùng những thủ pháp này, thủ pháp kia để cho nó xì cái bức xúc đó đi một chút, nhưng mà ở bên trong, lõi của nó là ‘tranh nhau ghế’, tranh nhau quyền và làm so để mà hạ được những đối thủ.

“Tôi thì tôi đọc ra như thế, có thể cách đọc của tôi nó hơi cực đoan, nhưng tôi nghĩ như vậy,”từ Bắc Ninh, Tiến sỹ Quang A nêu quan điểm với Bàn tròn của BBC.
Tìm cơ chế khác

Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân, người mới đây có bài viết về Hội nghị TƯ 4 trên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ, bình luận thêm về thực chất của sự kiện này, ông nói:

“Thực chất của Hội nghị Trung ương 4, thứ nhất, là nó tiến hành các hội nghị thường kỳ, 6 tháng một lần, trong một nhiệm kỳ, một khóa của Đảng; thứ hai là Hội nghị Trung ương 4 tìm lối đi trong bối cảnh mà các khái niệm, các định nghĩa về quản trị xã hội hiện nay đã lỗi thời, cản trở Việt Nam hội nhập.

“Thứ ba là tìm cơ chế khác, tôi nghĩ là như vậy, để giải quyết bức xúc xã hội. Thí dụ như bây giờ vấn đề Formosa giải quyết như thế nào? Đóng cửa Formosa thì chắc là không, nhưng phải có một biện pháp phù hợp.
Image copyright FB Nguyễn Quang A

“Thì biện pháp này có khi lại làm cho Đảng phải ra những quyết định mà từ trước đến giờ Đảng chưa muốn thực hiện. Thí dụ như có những tin đồn hiện nay như sẽ cho ngưng chức (một cựu quan chức tỉnh ủy Hà Tĩnh) là gọi là một tác nhân đầu tiên góp phần chính yếu vấn đề đưa Formosa đi vào hoạt động… Đó là tôi cũng nghe một tin đồn thế thôi.

“Đó là xử đến cấp Ủy viên Trung ương (nếu có) thì đó cũng là một tiền lệ mới, từ trước đến giờ, vì vấn đề sai phạm pháp luật, hay là tham nhũng, thì cũng ít có khi nào mà xử các Ủy viên Trung ương lắm. Còn xử những Ủy viên Bộ Chính trị trước đây, chẳng hạn như ông Hoàng Văn Hoan, ông Trần Xuân Bách, thì nó chỉ là vấn đề chính trị, vấn đề đường lối, vấn đề quan điểm.

    Hội nghị Trung ương 4 tìm lối đi trong bối cảnh mà các khái niệm, các định nghĩa về quản trị xã hội hiện nay đã lỗi thời, cản trở Việt Nam hội nhập.
Blogger Nguyễn An Dân

“Đây (nếu có) sẽ tạo ra một tiền lệ mới trong đảng về vấn đề xử lý, chứ không xử thì không yên với dân được về vấn đề Formosa đâu,” blogger Nguyễn An Dân, một người làm việc trong lĩnh vưc tư vấn chính trị, chính sách ở Việt Nam nói với BBC.
Xa cách lý thuyết – thực tế

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), nêu quan điểm về thực chất của Hội nghị, ông nói:

“Đến Hội nghị Trung ương 4 kỳ này, tôi có cảm giác là ông Nguyễn Phú Trọng đang bế tắc, nó khác hẳn với tâm thế được coi là thắng lợi gần như trọn vẹn của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 12, và dường như ông lặp lại một phương pháp luận từ thời ông ở Tạp chí Cộng sản, chứ không phải đi vào tình hình nước sôi, lửa bỏng như là bà con hay nhắc tới, điều mà dân có thể ‘chết ngay lập tức’, ‘chết đứ đừ’ lập tức.
Image copyright Việt Nam Thời Báo IJAVN
Image caption Diễn văn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN tại Hội nghị TƯ4 ‘không có’ hoặc ít có từ nào nhắc tới sự cố và vụ việc môi trường Formosa, theo TS Phạm Chí Dũng.

“Sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế vẫn là một căn bệnh kinh khủng, căn bệnh mấu chốt và từ đời này sang đời khác của những người cộng sản, đặc biệt là những người ‘cộng sản kinh viện’ như ông Nguyễn Phú Trọng. Và đó là tử huyệt của Chủ nghĩa Cộng sản, nếu có chủ nghĩa cộng sản đó. Đó là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn nêu.

“Vấn đề thứ hai, không có gì ngạc nhiên nếu trong diễn văn ‘chào mừng’ Hội nghị Trung ương 4, tôi dùng từ ‘chào mừng’ của ông Nguyễn Phú Trọng, lại không có từ Formosa nào ở trong đó, hoặc là nếu có, cũng chỉ ít mà thôi, tại vì nếu chúng ta so sánh thì sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014, thì thậm chí sau đó là Hội nghị Trung ương và sau đó Quốc hội cũng không có một báo cáo công khai nào và một Nghị quyết nào về vấn đề Biển Đông.

    Biển Đông lớn như thế mà còn không đặt ra thì huống chi là vấn đề Formosa, tôi cho rằng đây cũng là một sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế và người ta đang muốn ba không: ‘không nghe, không thấy, không biết’ và cuối cùng sẽ là không còn cái gì hết
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Biển Đông lớn như thế mà còn không đặt ra thì huống chi là vấn đề Formosa, tôi cho rằng đây cũng là một sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế và người ta đang muốn ba không: ‘không nghe, không thấy, không biết’ và cuối cùng sẽ là không còn cái gì hết,” Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) nói với BBC.
‘Cũng chưa hiểu lắm’

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), nhà phân tích về chính trị và chính sách, chiến lược, chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm về một khía cạnh trong thực chất của kỳ Hội nghị, ông nói:
Image copyright Phuong Ngo
Image caption Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng bản thân trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ‘họ cũng chưa hiểu lắm’ về chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

“Những chuyện khác như chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, đến ngay trong bài mở đầu ấy, ông cũng nói rằng phải xem thêm vì bản thân trong nội bộ họ (BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), họ cũng chưa hiểu lắm.

“Đưa ra chuyện ấy để mọi người ở trong Hội nghị Trung ương ấy bàn để xong rồi người ta công bố cái bàn (luận) ấy ra, rồi mình xem xem là họ hiểu như thế nào?”, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC.
Yêu cầu cho Hội nghị

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị hôm 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

    Đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?
Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.

“Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: ‘Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này…”

Và nhà lãnh đạo của ĐCSVN đặt ra một số câu hỏi, yêu cầu cho Hội nghị:

“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?”

…………………………………………………

Phản ứng của giáo dân Phú Yên
Nguồn:RFA-Hoàng Dung– 2016-10-15


Thiếu nhi thánh thể nhà thờ Phú Yên

Vào ngày 14 tháng 10 năm 2016, trên mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt văn thư của UBND tỉnh Nghệ An, gửi cho tòa giám mục giáo phận Vinh, yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam và không bố trí linh mục Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong văn thư này của UBND tỉnh Nghệ An, họ đã đưa ra 3 điều để cáo buộc cha Nam.

Linh mục Đặng Hữu Nam lợi dụng các buổi lễ để rao giảng kích động giáo dân tại các nhà thờ mà linh mục Nam tới làm lễ. Linh mục Nam cũng thường xuyên tiếp đón, tiếp xúc các thành phần, đối tượng Việt Tân, giúp một số người trú ngụ trong nhà thờ giáo xứ Phú Yên, để chống đối nhà nước.

Linh mục Đặng Hữu Nam đã tổ chức kêu gọi môt số đối tượng biểu tình cũng như dẫn dầu giáo dân giáo xứ Phú Yên nộp đơn khiếu kiện Formosa tại Tòa án Kỳ Anh vào các ngày 26 và 27 tháng 09 vừa rồi.

Văn bản gửi cho Giám mục Giáo phận Vinh cũng khẳng định giáo dân cũng như chức sắc thuộc giáo phận Vinh không đồng lòng với các hoạt động của Linh Mục Đặng Hữu Nam cho nên việc Linh mục Nam ở lại không được hoan nghênh.

Vào năm 2013, khi sự việc xảy ra ở giáo họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên, khi đó Linh mục Nam còn quản xứ Bình Thuận, thì Linh mục đã lên án mạnh mẽ những hành động của chính quyền Nghệ An là lợi dụng chức vụ để đàn áp, đánh đập, kết án bà con ở giáo xứ Mỹ Yên.

Vào cuối năm 2015, khi đó Linh mục Nam đã về quản xứ quản xứ Phú Yên, giáo hạt Thuận Nghĩa, trong lúc cha đi chữa bệnh về thì có khoảng 26 tên côn đồ đã chặn xe để hành hung và đánh ông, khi còn cách giáo xứ Phú Yên chừng 2km, sự việc này sau đó cũng không được chính quyền làm sáng tỏ.

Giáo dân nói gì?

Tuy nhiên, đáp lại những cáo buộc của chính quyền cộng sản Nghệ An thì ông Báu, thành viên ban hành giáo giáo xứ Phú Yên cho biết, Linh mục Nam là 1 vị mục tử tốt lành, luôn quan tâm đến đời sống của bà con giáo dân, cha là người luôn lên án và chống lại những bất công trong xã hội, nhất là cha đã đồng hành với bà con giáo xứ để đòi lại quyền lợi của bà con trong việc bà con chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra mà không được đền bù, hơn nữa ông cũng cho biết, những lời bịa đặt, kích động của chính quyền Nghệ An đối với Linh mục Nam thì người dân không còn tin.

Ông Báu chia sẻ: “Những lời bịa đặt và vu khống đó của chính quyền cộng sản, thì bây giờ nó quá thừa, dân người ta nghe người ta đọc, người ta nhìn thì người ta càng thêm tức người ta bỏ ngoài ta, người ta không lấy gì làm đều nữa bởi vì họ làm nhiều sự dối trá quá đi”

Ông Phi một giáo dân xứ Phú Yên cũng cho biết, khi đọc được thông báo đó của chính quyền Nghệ An, thì người dân ở đây rất phẫn nộ, vì họ toàn viết sai sự thật, Linh mục Nam là người chỉ đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho bà con giáo dân, chứ không làm gì sai cả: “Chính quyền Nghệ An nói sai sự thật thì người dân cũng rất bất đồng về điều này”

Chia sẻ với chúng tôi về điều này, Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết:

“Thứ nhất là công văn này của tỉnh Nghệ An gửi cho Toà Giám Mục và một số cha trong giáo phận chứ không gửi cho tôi. Qua các công văn đó đã thể hiện rất là rõ cũng như bộ mặt của nhà cầm quyền vì điều đó có lẽ chúng ta cũng thấy rất là nhiều, còn với tôi thì tôi vẫn rất bình thường bởi vì từ lâu tôi đã tập thân mình bị nhiễm trước sự vu chụp của nhà cầm quyền và đặc biệt là chúng tôi hay nói là từ mồm đảng tôi đã miễn nhiễm trước truyền thông của mồm đảng. Còn việc mà họ làm như thế đúng sai và căn cứ của pháp luật như thế nào thì chúng ta cũng có thể phân tích để nó ngay trong nội hàm của công văn đó.”

Linh mục Nam cũng cho biết thêm, từ chiều ngày 14 tháng 10, khi người dân đọc được thông báo, thì bà con giáo dân đã tập trung về giáo xứ để chia sẻ đồng hành với cha, cũng như có ý định lên UBND xã, huyện Quỳnh Lưu để phản đối nhưng cha ngăn cản, bên cạnh đó cũng có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến để chia sẻ, động viên và đồng hành với cha.

“Phần dân thì họ rất phận nỗ người ta cảm thấy vô cũng bức xúc trước những điều này không chỉ là người giáo dân mà thôi mà cả những người chưa có niềm tin tôn giáo may thay cả những người tôn giáo bạn người ta cũng phận nỗ rất là nhiều về thái độ cũng như cách hành xử và đặc biệt với nội dung của công văn của chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh Nghệ An gửi cho Toà Giám Mục”

Người dân mong muốn?

Trong văn thư của UBND tình Nghệ An họ yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh đuổi cha Nam ra khỏi giáo xứ Phú Yên, cũng như tỉnh Nghệ An, tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên lại mong muốn cha ở lại, để đồng hành với bà con, nhất là đồng hành với bà con trong việc khởi kiện Formosa, đền bù cho bà con.

Ông Báu cho biết, ông rất muốn Linh mục Nam ở lại giáo xứ Phú Yên “Riêng em, thì em muốn cha Nam sẽ mãi ở giáo xứ Phú Yên, có nhiều người dân cũng biết tin đó, nhưng họ chỉ cười họ nói, trừ khi Đức Giám Mục luân chuyển cha đi thôi, chứ đố thằng nào mà chuyển cha đi, dân không muốn cha đi, cha mà đi thì dân cũng đi”

Ông Phi cũng cho biết, người dân ở giáo xứ Phú Yên không ai muốn Linh mục Nam chuyển đi.”Nếu Đức Giám Mục chuyển cha Nam cha Nam mới có quyền đi, chứ người dân chúng tôi không bao giờ muốn cha Nam đi”

Linh mục Nam cũng cho biết, Đức Giám Mục giáo phận Vinh đã gặp cha Nam để nói chuyện về văn thư của UBND tỉnh Nghệ An, tuy nhiên cha Nam cũng chia sẻ dù trong hoàn cảnh nào cha Nam đều tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của vị chủ chăn giáo phận.

Linh mục Nam chia sẻ: “Trước tiên Đức Giám Mục giáo phận đã liên lạc và đã gặp tôi để nói chuyện trong nội dung văn thư này, tôi vẫn luôn tin tưởng vị giám mục của tôi luôn hành xử đúng luật và khôn ngoan, và ơn Chúa và luôn thể hiện bản sắc của mình cũng như tôn giáo mà Ngài đang lãnh đạo”

Dư luận cũng phản đối rất quyết liệt văn thư này của UBND tỉnh Nghệ An và họ cho rằng UBND tỉnh Nghệ An đã làm sai quy định của pháp luật, đưa ra những điều vô lý, vô căn cứ để quy kết cho Linh mục Nam, bên cạnh đó còn đưa ra yêu cầu vô lý ngoài thẩm quyền của mình khi yêu cầu tòa giám mục giáo phận Vinh chuyển Linh mục Nam đi.

Facebook Trần Bang bày tỏ mong muốn: “Ủng hộ Đức Giám Mục, các Linh mục Giáo phận Vinh, đặc biệt ủng hộ Linh mục Đặng Hữu Nam giáo xứ Phú Yên và nhân dân 5 tỉnh miền Trung quyết tâm đòi công lý cho tất cả nạn nhân thảm họa Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam.

…………………………………………………………….

Philippines: Một thành viên Tòa án Tối cao dọa truất phế tổng thống Duterte
Nguồn:RFI-Thanh Phương -15-10-2016 16:07

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm tầu tuần tra mới do Nhật Bản cung cấp, ngày 12/10/2016.
REUTERS/Damir Sagolj

Hôm qua, 14/10/2016, ông Justice Antonio Carpio, một thành viên của Tòa án Tối cao Philippines, đã cảnh báo tổng thống Rodrigo Duterte rằng ông có thể bị truất phế nếu không bảo vệ được lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Ông Carpio nói : « Một khi mất chủ quyền trên bãi cạn Scarborough, chúng ta sẽ mất vĩnh viễn ». Ông khẳng định không bảo vệ chủ quyền quốc gia là vi phạm Hiến pháp và nếu tổng thống Duterte nhượng chủ quyền trên bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc, ông có thể bị truất phế.

Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đã quân sự hóa các đảo, đồng thời đã bắt đầu xây các công trình trên bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.

Theo ông Carpio, Philippines phải bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế vì đó là nhiệm vụ mà Hiến pháp đề ra và cách duy nhất để bảo vệ đó là phải đưa các tàu tuần tra đến đây để ngăn chặn các tàu ngoại quốc xâm nhập vùng này.

Ông Carpio là một trong những người chủ trương tiến hành các cuộc tuần tra chung Philippines-Mỹ, mà tổng thống Duterte muốn chấm dứt. Hôm thứ Ba (11/10/2016), khi dự buổi bế mạc các cuộc trập trận chung Mỹ-Phi, ông Carpio đã khẳng định rằng những cuộc tuần tra này là rất quan trọng để các cường quốc biển xác quyết quyền tự do hàng hải.

Mỗi năm Hoa Kỳ và Philippines vẫn mở các cuộc tập trận chung, nhưng thời gian gần đây tổng thống Duterte vẫn liên tục tuyên bố rằng cuộc tập trận chung năm nay sẽ là tập trận cuối cùng giữa hai nước.

Ông Duterte cũng đã từng nói rằng ông không muốn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và theo ông, tạm thời nên để vấn đề Scarborough sang một bên. Vào tuần tới, tổng thống Duterte sẽ viếng thăm Trung Quốc, dẫn theo một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu với hy vọng tìm được hàng tỷ đầu tư từ Trung Quốc.

  ……………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics