1.Obama thất bại ở Crimea(VB)-2.Obamacare và cuộc bầu cử..(NV)-3.Nghị sĩ California cùng hai chục người bị truy tố-4.Bộ ngoại giao

Obama thất bại ở Crimea

Nguồn:vietbao.com-28/03/2014 (Hình minh họa trên Net:Bán đảo Crimea -NN sưu tầm)

 

Thật là một thất bại của Mỹ trong vụ Nga thôn tính bán đảo Crimea. Thất bại này thuộc về TT Obama của Mỹ. Ông chủ hoà hoá ra chủ bại. Ông khom lưng xoa dịu nhượng bộ Nga trong vụ Syria vượt lằn ranh đỏ. Ông cấp tiến, thiếu kinh nghiệm dày dặn về CS của những chánh trị…… gia Bảo thủ Mỹ. Ông không hiểu qui luật đấu tranh hay chiến tranh thực chất của CS, là chỉ có địch và ta ai thắng ai, một mất một còn, chớ không có thoả hiệp, tương nhượng, hai bên đều có lợi, sống chung hoà bình là hình thức CS tuyên truyền mà thôi. Tội cho Liên Âu nói chung và đặc biệt bà Thủ Tướng Merkel của Đức, nước mạnh nhứt của Liên Âu bị ảnh hưởng của chánh quyền Obama đồng minh Mỹ, nên bị văng miển, cũng thất bại như TT Obama trước TT Putin, một nguyên đại tá KGB của liên xô đang cai trị nước Nga với một chế độ độc tài CS mà không có đảng tên CS thôi.
Cựu Đại tá KGB, đương kiêm TT Nga Putin không cần nổ một tiếng súng, đã chiếm được bán đảo Crimea của Ukraina, sáp nhập vào nước Nga một cách dễ dàng. Mỹ và Liên Au trừng phạt, đóng băng tài khoản, không cấp visa cho một số nhân vật Nga và Ukraina thân Nga (nhưng Tây Phương vuốt mặt mà nể mũi Nga, không dám đụng đến Ô Putin, trừ TT Putin ra) và không liên quan quân sự với Nga, không họp G8 với Nga ở sochi. TT Putin đâu có ngán, mắt đổi mắt răng đổi răng, trả đũa trừng phạt cố vấn của TT Obama, chủ tich hạ viện Mỹ và hai thượng nghị sĩ thế lực của Mỹ.
Uy tín của TT Putin trong chánh quyền và dân chúng Nga tăng cao kỷ lục, đến mức 70%. Nó như diều gặp gió, ngọn gió từ lâu TT Putin đã lợi dụng tinh thần quốc gia Đại Nga và tình hoài cổ Liên xô thổi phòng lên cho dân chúng quên gông cùm của chế độ Putin. Công ty tín dụng của Mỹ Master và Vista cho biết trừng phạt của Mỹ chỉ ảnh hưởng 1% khách hàng Nga của công ty mà thôi. Công luận Tây  Bắc Mỹ cho biết lập trường trong chánh phủ Obama bị phân hoá, ngoại giao, quân sự đòi biện pháp cứng rắn với Nga, còn kinh tế thương mại chỉ muốn trừng phạt nhẹ nhàng thôi, sợ ảnh hưởng bất lợi đến Liên Âu rồi lan truyền đến Mỹ.
Còn TT Obama thì uy tín sụt giảm năng nề. Dân chúng Mỹ thấy rõ sai lầm của Ông, một tổng thống Mỹ hoàn toàn khác với những vị tiền nhiệm. Khác với TT Reagan bảo thủ người đã kêu gọi giựt sập bức tường Bá Linh, kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Khác với TT George W.Bush tân Bảo thủ đưa tinh thần tự do, dân chủ truyền thống của Mỹ, của Jefferson ra thế giới, với lời hứa nơi nào người dân đứng lên đòi tự do, dân chủ, Mỹ sẽ đứng bên cạnh.
TT Obama cấp tiến, thiên tả, đã lầm lẫn nặng nề. Ông đã hoà dịu với Nga, với TC, với Việt Cộng. Ông xoa dịu, nhượng bộ, vuốt ve, chiều chuộng Nga dù Nga và TC hành động như thời Chiến Tranh Lạnh đối với Mỹ trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhưng nhìn kỹ Mỹ chẳng được gì từ Nga, trong thái độ và hành dộng chủ hoà hoá ra chủ bại của TT Obama. TT Obama bước chân vào toà Bạch Ốc là khởi đầu xoa dịu Nga. Ông bỏ dự án Mỹ thiết lập lá chắn chống hoả tiễn tại Ba Lan và Cộng Hòa Sec, thay thế bằng một dự án nhỏ hơn để chiều Nga, đặt ở Rumani.
Ông lo rút quân toàn diện khỏi Iraq và từ từ khỏi Afghanistan. Ông không thiết tha hợp tác quân sự với Liên Âu ở Phi Châu. Ông không nghe ý kiến của Liên Âu, phải cứng rắn với TT Assad độc tài giết dân Syria bằng quân đội với vũ khí của Nga bán cho. Ông chiều Nga, tự phản bội lời hứa để TT Syria vượt lằn ranh đỏ mà đi nghe Nga, thực hiện sáng kiến của Nga giải trừ vũ khí hoá học của Syria, bù lại không tấn công Syria, khiến Nga cứu được chế độ độc tài Assad do Nga yễm trợ.
TT Obama thường thụ động trong các hồ sơ nóng như vấn đề nguyên tử của Iran, vấn đề diệt chủng của TT Syria thân Nga, vấn đề nguyên tử của CS Bắc Hàn, hễ thấy Nga hậu CS và TC đang CS kiên quyết thì ông xoa dịu, im lặng, nhượng bộ.
Thái độ hành động của TT Obama “cả nể” Nga và TC và thái độ và hành dộng bành trướng của Nga và TC làm cho công luận Mỹ càng ngày càng đánh giá thấp về hiểu biết và kinh nghiệm CS của TT Obama. Có người bạo miệng nhận định thái độ và hành động của TT Obama làm chánh quyền liên bang phình ra, ôm đồm, bao sân, là hành động ‘xã hội chủ nghĩa’, một danh từ xấu trong xã hội Mỹ.
Cho nên uy tín hay mức được lòng dân của TT Obama xuống một cách thảm hại. Trước thảm bại Crimea mà ông thất bại ê chề, hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy uy tín của TT Obama chỉ nằm ở mức 40%. Tiêu biểu như thăm dò của trường đại học Quinnipiac nói 54 phần trăm cử tri Mỹ được hỏi không tán thành thành tích của TT Obama, so với 39 phần trăm tán thành. Ngoài ra, lần đầu tiên có tới 52% cử tri Mỹ nói Ông Obama thiếu thành thực và không đáng tin cậy. Nhưng thăm dò nhận xét, ông được điểm khá về việc đối phó với khủng bố, nhưng kém và tệ về chính sách đối ngoại, di trú, và ngân sách liên bang. Thăm dò này chỉ chưa nói lên thất bại ngoại giao của ông trong biến cố Crimea, mà TT Obama thua TT Putin sát ván.
Còn một số lớn những nhân vật phân tích chính trị Mỹ cho TT Obama quá yếu trong đối phó với TT Putin, làm cho đối phương TT Putin thừa thắng xông lên, có thể lấy ba tỉnh của Moldavia giáp giới nga và Ukraina.
Không những TT Putin Nga hậu CS lợi dụng cái yếu, không cương quyết của TT Obama, mà Chủ Tich Tập Cận Bình của TC cũng có thế lợi dụng cái yếu này của TT obama. Ô Bình một tướng cướp biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương lại công khai dạy đời TT Obama nên công bình trong những tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông khi hai ông gặp nhau trong hội nghi nguyên tử ở Âu châu. Ai cũng biết TC bỏ phiếu trắng trong dư thảo nghị quyết của Mỹ và Liên Âu trừng phạt Nga, là vì, TC và Nga có nhiều vấn đế rắc rối về biên giới, chớ không phải TC khéo léo ủng hộ Mỹ.
Sau cùng sống là hy vọng nên cố gắng TT Obama còn gần 2 năm nhiệm kỳ nữa. Ông là một nhà trí thức, biết sai thì can đảm sửa. Và thất bại mà biết sửa chữa, rút kinh nghiệm là mẹ thành công. Như khi ứng cử ông hết lời phê bình chỉ trích TT Bush đưa quân qua đánh Afghanistan, nhưng lúc lên làm tổng thống có đủ hồ sơ mật, cố vấn chuyên môn, ông tăng cho chiến trường Afghanistan mấy chục ngàn quân. Và ông cũng quyết tâm như TT Bush, bắt trùm khủng bố Bin Laden đem về chết hay sống, như khi ông chấp nhận và theo dõi toán người nhái Mỹ đột kích Bin Laden. Còn mới đây, sau trận Crimea Ông thua sát ván, Ông đi Liên Âu vận động cô lập Nga ra khỏi G8, siết trừng phạt Nga về giao dịch ngân hàng, họp tác quân sự; rất kết quả./.(Vi Anh)
……………………………………………………….

Obamacare và cuộc bầu cử giữa kỳ 2014
Nguồn:nguoiviet.comTuesday, April 01, 2014
Nguyễn Văn Khanh
Chưa bao giờ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vui như ngày hôm nay, cũng chưa bao giờ dàn nhân viên Tòa Bạch Ốc nở nụ cười tươi như ngày hôm nay, ngay chính Phó Tổng Thống Joseph Biden thường ngày hay đứng chỗ dành riêng cho vai phụ cũng tươi cười bước lên hàng đầu bắt tay thăm hỏi mọi người.
Hình ảnh vui tươi đó là hình ảnh diễn ra tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc khi Tổng Thống Obama loan báo tin 7.1 triệu người đã ghi danh mua bảo hiểm y tế qua chương trình Afordable Care Act – gọi tắt là ACA nhưng cả nước Mỹ đều biết đến dưới tên Obamacare. Trong bài nói chuyện, Tổng Thống Obama dẫn mọi người đi từ ngày đầu khi ông vận động Quốc Hội thông qua dự luật “đảm bảo tất cả mọi người dân Hoa Kỳ đều có bảo hiểm y tế,” nhắc lại cả chuyện mới 6 tháng trước đây hệ thống điện toán heathcare.gov gặp trục trặc khiến những người ủng hộ lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong khi hạn chót mọi người phải ghi danh mua bảo hiểm là ngày 31 Tháng Ba 2014 mỗi lúc một gần kề.

Tổng Thống Barack Obama nói chuyện tại Vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba, tuyên bố có hơn 7 triệu người ghi danh Obamacare. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)
Nhưng cuối cùng “chúng ta đã đạt chỉ tiêu” – ông hãnh diện khoe khi đưa ra con số 7.1 triệu người đăng ký, nhấn mạnh ở điểm dù đây không phải là một đạo luật hoàn hảo nhưng “những cuộc tranh luận đòi hủy bỏ luật này đã chấm dứt,” Obamacare “sẽ là đạo luật ở lại với mọi người dân” (“The debate over repealing this law is over. It’s here to stay”) ông nói thật to giữa tiếng reo hò của những người ủng hộ, trong đó một số không nhỏ là những vị dân cử của đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ đạo luật do ông khởi xướng.
Phía Tòa Bạch Ốc hân hoan, nhưng cánh Cộng Hòa đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác. Bản thông cáo do Trung Tâm Thông Tin Cộng Hòa Thượng Viện đưa ra có đoạn viết rằng “phía Tòa Bạch Ốc có thể đang trỗi nhạc ăn mừng, nhưng (tiếng nhạc đó) vẫn không xóa được nỗi lo âu của bao nhiêu người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế Obamacare với giá đắt hơn.” Ông Brad Dayspring, một chiến lược gia Cộng Hòa đang làm việc tại trung tâm còn nói với các nhà báo rằng, “Chẳng hay ho gì đâu, người dân bị buộc phải mua Obamacare vì họ sợ phải đóng phạt,” do đó “ngay chính những người từ đầu đã không đồng ý với luật này cũng phải cắn răng, bỏ tiền ra mua cho xong chuyện, tránh rắc rối với chính quyền.” Bên Hạ Viện, nhân viên dưới quyền ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cũng bận rộn đưa ra kết quả những cuộc thăm dò mới nhất, đại để cho thấy tỷ lệ người ủng hộ Obamacare vẫn thấp hơn số người chống đối, xem đó là “dấu hiệu chính trị” xác nhận “đánh mạnh vào Obamacare vẫn là đòn ăn khách ở cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào đầu tháng 11 tới đây.”
Ðiều đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện nói ra cũng là điều ngay chính các viên chức thân cận của Tổng Thống Obama đang nghĩ đến. Tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết trong những cuộc thảo luận, dàn cố vấn đặc trách quốc nội của ông Obama dự đoán từ giờ đến tháng 11 “suy nghĩ của người dân về Obamacare sẽ không thay đổi,” cho dù “chuyện đòi hủy bỏ Obamacare là điều không thể xảy ra.” Giới thạo tin tại Washington còn nói là sau những cuộc họp đó, dàn cố vấn chính trị của tổng thống đồng ý với đề nghị Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mary Landrieu của tiểu bang Louisiana đưa ra là “phải nhấn mạnh tới 2 điểm, thứ nhất Obamacare đem lại quyền lợi cho người dân, thứ nhì là chính tổng thống cũng nói đây chưa hẳn đã là một đạo luật hoàn hảo, sẵn sàng sửa đổi để phục vụ dân chúng tốt hơn.”
Chưa rõ kế sách đó sẽ được thực hiện như thế nào, chỉ thấy những ứng cử viên Dân Chủ tranh cử tại các tiểu bang đa số cử tri không ủng hộ Obamacare không vội vã lên tiếng ca ngợi thành quả mà Tổng Thống Obama nói đến, có người còn không muốn đưa ra bất kỳ lời bình luận nào liên quan tới Obamacare.
“Ðó là điều chẳng ngạc nhiên,” nhà phân tích độc lập Mark O’Hanlon của tiểu bang Florida trả lời. “Cả 2 đảng và tất cả các ứng cử viên đều chú ý đến cuộc bầu cử một ghế dân biểu ở Florida hồi tháng trước và rút tỉa bài học quan trọng đối với họ. Trong cuộc bầu cử này, đại diện cho đảng Dân Chủ là bà Alex Sink hết lòng ủng hộ Obamacare, cuối cùng bà ta thua ứng cử viên Cộng Hòa David Jolly, người từ ngày đầu đã hứa với cử tri là nếu được chọn ông sẽ bỏ phiếu chống Obamacare.” Bài học đó, theo ông O’Hanlon, “là bài học cho thấy các ứng cử viên Dân Chủ phải thật khéo léo khi nói đến Obamacare” và “cách hay nhất là cho cử tri biết họ không hoàn toàn ủng hộ Obamacare, chỉ xem đó là bước đầu tiên để giúp mọi người có bảo hiểm y tế, nhưng đồng thời phải cam kết sẽ sửa đổi luật này cho tới khi thật hoàn hảo để tất cả đều tham gia chứ không phải chỉ có 7 triệu người.”
Ý kiến của ông O’Hanlon chính là điều đang được Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mark Begich thực hiện khi vận động tái tranh cử tại Alaska. Biết trước là cuộc tranh cử kỳ này rất khó khăn cộng với dư luận chống đối Obamacare vẫn còn cao ở tiểu bang nhà, Thượng Nghị Sĩ Begich là chính trị gia đầu tiên gọi điện thoại cho Tòa Bạch Ốc, yêu cầu gia hạn ghi danh, đồng thời trình bày cho mọi người biết là ông sẽ tiếp tục thúc đẩy các đồng viện “sửa đổi sao cho tốt hơn, cho người dân được nhiều chọn lựa hơn.” Trong cuộc tiếp xúc với báo chí, ông Begich nói rằng “con số 7 triệu người có bảo hiểm y tế là con số rất đáng chú ý” nhưng “vẫn chưa đủ, còn phải làm nhiều hơn nữa.”
“Vẫn chưa đủ” cũng là điều những chiến lược gia Dân Chủ nói đến khi được hỏi về ảnh hưởng của Obamacare với cuộc bầu cử giữa kỳ 2014. Ðiển hình là một trong những chiến lược gia đang làm việc với Văn Phòng Ðảng Dân Chủ Trung Ương nhìn nhận “đạt được chỉ tiêu 7 triệu người ghi danh là dấu hiệu tốt, nhưng chưa đủ để các ứng cử viên (Dân Chủ) dùng đó làm khẩu hiệu cho cuộc tranh cử năm nay.” Ông này nói thêm “con số 7 triệu người ghi danh giúp làn sóng chống đối giảm bớt, nhưng vẫn chưa thay đổi được cục diện của cuộc bầu cử,” vì thế cách hay nhất cho các ứng cử viên Dân Chủ “là đừng nói gì về Obamacare, chỉ nói đến điều này khi có người nêu thắc mắc.”
Ðề nghị đó được ông Mo Elleithee của Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử cho đảng Dân Chủ khéo léo ủng hộ bằng phát biểu cho rằng “bên Cộng Hòa thất bại khi đòi hủy bỏ Obamacare, bên Cộng Hòa thất bại khi đe dọa là Obamacare sẽ đem lại nỗi kinh hoàng cho quốc gia. Thế nào họ cũng sẽ nói điều đó, cứ để cho họ nói, vì người dân đã biết rõ những điều lợi luật này đem lại.” Ông Elleithee kết thúc bằng câu “nếu không có lợi, tại sao lại có hơn 7 triệu người ghi danh.”
……………………………………………..

Nghị sĩ California cùng hai chục người bị truy tố
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, April 04, 2014
SAN FRANCISCO (AP) – Một thượng nghị sĩ tiểu bang California cùng hơn 20 bị cáo vừa chính thức bị truy tố trong cuộc càn quét bài trừ nạn bê bối chính trị và tội phạm có tổ chức, theo loan báo của các giới chức hôm Thứ Sáu.
Quyết định truy tố của đại bồi thẩm đoàn do văn phòng biện lý liên bang công bố, thay cho đơn khiếu tố tội hình sự nộp hồi tuần trước.

Cựu thượng nghị sĩ tiểu bang California, Leland Yee. Hình chụp tại California ngày 26 Tháng Ba, 2014. (Hình: AP Photo/Ben Margot, File)
TNS Leland Yee thuộc đảng Dân Chủ, cùng 19 người khác bị bắt hôm 26 Tháng Ba. Ông bị truy tố tội âm mưu móc nối một nhân viên chìm của FBI với một đại lý buôn vũ khí ở Philippines, đổi lại ông nhận được đóng góp cho quỹ tranh cử, và thêm tội đổi tiền lấy ảnh hưởng chính trị.
Tổng số có 29 người bị truy tố liên quan đến cuộc điều tra hoạt động tội ác có tổ chức về một tổ chức xã hội có tính cách băng đảng ở Chinatown, San Francisco. Chín trong số bị cáo hiện còn tại đào.
Báo Sacramento Bee trích dẫn hồ sơ quyên góp tranh cử cho thấy ông Yee đi Philippines hai lần vào 2008 và 2012. Ủy ban vận động của ông Yee từng trả $894 cho chuyến bay đến Manila “để gặp các giới chức Phi” hồi Tháng Chín 2008.
Tờ Bee cũng báo cáo rằng ông Yee chi ít nhất $62,000 tại nhà hàng New Asia ở Chinatown, nơi FBI nói từng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt của Chee Kung Tong, vốn là tổ chức trọng tâm của vụ án. (TP)
……………………………………………….
‘Bộ Ngoại giao quyết định bắt thả tù?’
Nguồn:BBC – chủ nhật, 13 tháng 4, 2014

Ông Đặng Xương Hùng nói Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chia sẻ vai trò quyết định bắt hay thả ai.
Cựu quan chức Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích các mục tiêu mà Hà Nội muốn đạt được để đổi lại cho lần thả tù nhân chính trị và lương tâm đang diễn ra và cho rằng Bộ Ngoại giao có vai trò cao trong quyết định “bắt hay thả” ai.
Trao đổi với BBC hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói:
“Bắt ai, thả ai, thì cái này tất nhiên nó được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi,
“Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền (LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ, rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,
“Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy.”
‘Năm mục tiêu chính’
“Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh”
Ông Hùng cho rằng Việt Nam có năm mục tiêu chính và cũng là các động cơ đằng sau quyết định thả các tù nhân mới đây, trong đó có các ông Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Nguyễn Hữu Cầu.
Ông nói: “Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh,”
“Tạo hình ảnh nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi.”
Theo cựu quan chức ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang nhắm là gia nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp Việt Nam giảm đi lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.
“TPP là một trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi, nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn,” ông Hùng nói với BBC.

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics