1.Ông NP Trọng tái đắc cử..2-Kinh tế VN và ông NT Dũng(RFA)3.Di sản NT Dũng(DL)4.Cần lấy lại niềm tin..

Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư
Nguồn: RFA 27.01.2016

chuc tbt.jpg1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa tái đắc cử chức tổng bí thư ĐCSVN hôm 27/1/2016 tại đại hội đảng lần thứ 12 tổ chức tại Hà Nội.
AFP photo

Hôm nay, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa XII đã bỏ phiếu chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thứ, tiếp tục vai trò lãnh đạo đảng mà ông đã giữ từ năm 2007 đến giờ.

Năm nay 72 tuổi, ông Trọng là người lớn tuổi nhất trong danh sách 200 ủy viên mới được Đại Hội bỏ phiếu ủng hộ hôm thứ Ba vừa rồi. Ông ở trong danh sách những người “đặc biệt” được giữ lại, với mục đích “đảm bảo tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và giữ vững đoàn kết, thống nhất trong đảng”.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng được ủng hộ để ở lại và tiếp tục vị trí tổng bí thư là điều đã được nói đến trước ngày Đại Hội XII diễn ra.

Ngoài ra, Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa XII cũng bỏ phiếu chọn người vào Bộ Chính Trị.

Mặc dù danh sách chính thức sẽ được công bố sáng ngày mai để Đại Hội thông qua, những dựa theo tin tức chúng tôi ghi nhận được từ những nguồn tin khác nhau, Bộ Chính Trị sẽ gồm 19 người, tức tăng 3 người so với khóa trước.

Chúng tôi cũng được biết là trong danh sách, các nhân vật đứng sau ông Tổng Bí Thư là ông Trần Đại Quang, người được nói sẽ giữ vai trò chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, được nói là sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, được nói sẽ lãnh trách nhiệm chủ tịch quốc hội.

Cùng với ông Trọng, ba người có tên vừa nêu đều từng được đồn đoán ở trong danh sách “tứ trụ” trước ngày Đại Hội Đảng diễn ra, và được xác nhận với báo chí qua trình bày của những viên chức cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước.

Cũng theo danh sách chúng tôi có được, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị cũng có tên trong danh sách các ủy viên Bộ Chính trị. Nếu điều này đúng, Đại Tướng Lịch sẽ là tân bộ trưởng quốc phòng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng được nghe nói trong số những người vào Bộ chính trị có Thượng Tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công An. Một lần nữa, nếu điều này đúng, ông Tô Lâm sẽ được thăng đại tướng, và là người giữ chức bộ trưởng bộ công an.

Những nguồn tin chúng tôi tiếp xúc cũng cho biết việc bà trương Thị Mai, Chủ Nhiệm Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội có tên trong Bộ Chính trị là dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn giải quyết những vấn đề đang được người dân quan tâm như giáo dục, y tế. Những người đưa nhận xét này cũng nhắc lại sự kiện mặc dù được đảng đề cử nhưng cả Bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Bộ Trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận đều thất cử.

Một điểm khác cũng được nói tới là trong danh sách Bộ Chính Trị có tên ông Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông. Những người chúng tôi tiếp xúc đều tỏ vẻ thắc mắc, không hiểu tại sao ông Thăng lại được chọn ở trong cơ cấu quan trọng và quyền uy nhất nước.

Cũng xin nói thêm là theo tin tức chúng tôi có được, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ giữ vai trò tổng bí thư khoảng 2 năm hoặc tối đa là 3 năm, sau đó trao quyền lãnh đạo đảng lại cho một người khác.

Câu hỏi đang được đặt ra là nhân vật đó là ai? Hiện đã có nhiều đồn đoán, trong đó có người nói với chúng tôi rằng một trong những người sáng giá là ông Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, và cũng có người cho rằng vẫn còn quá sớm để thể biết người sẽ thay thế cho ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

…………………………………………………………..

Kinh tế Việt Nam và ông Nguyễn Tấn Dũng
Nguồn: Kính Hòa & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-01-27

chuc tbt 2.jpg1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội đảng 12 hôm 21/1/2016
AFP photo

Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa 12 sẽ kết thúc ngày 28 này sau khi vừa bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới với các cơ chế tối cao ở trên như Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và Tổng bí thư đảng. Trong mấy tháng liền, việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội đã gây chú ý vỉ yếu tố nhân sự lãnh đạo. Trong số bốn người lãnh đạo cao cấp nhất có vai trò của Thủ tướng, tập trung vào khả năng, lập trường và thành tích của ông Nguyễn Tấn Dũng sau hai nhiệm kỳ cầm đầu Hội đồng Chính phủ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về thành tích đó qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Kính Hòa: Xin kính chào ông Nghĩa. Được biết ông không mấy theo dõi diễn biến hậu trường của việc tổ chức Đại hội đảng vừa qua tại Hà Nội. Nhưng Đại hội năm nay lại có nhiều khác biệt so với trước đây vì một yếu tố nhân sự là ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị đứng hàng thứ ba sau Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, sẽ ra đi hay ở lại vối trách nhiệm cao hơn. Những đồn đại dồn dập và đầy mâu thuẫn trong mấy tuần liền cho thấy là có tranh đoạt quyền lực trong nội bộ về thành tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 10 năm cầm đầu Hội đồng Chính phủ. Thưa ông Nghĩa, dù ông không thích nêu ý kiến về chọn lựa nhân sự của Đại hội đảng, Diễn đàn Kinh tế vẫn muốn hỏi ông một câu về kinh tế, là kinh tế Việt Nam ra sao khi có hoặc khi không có ông Nguyễn Tấn Dũng trong vị trí lãnh đạo?

Lãnh đạo là tiên liệu, đảng Cộng sản Việt Nam không biết tiên liệu.
– ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi sẽ làm một số thính giả và độc giả của chúng ta thất vọng vì lạc đề nói chuyện Đài Loan trước khi trả lời câu hỏi của anh Kính Hòa!

Đi trước Việt Nam hai chục năm theo chiến lược phát triển kinh tế thị trường dưới chế độ độc đảng khá độc tài và lại nằm dưới tầm đạn của Trung Quốc mà tôi sẽ gọi là Trung Cộng cho chính xác, Đài Loan là một phép lạ kinh tế đích thực, với nhiều thành tựu về phẩm chất xã hội, tổ chức và kỹ thuật rất đáng theo dõi để học hỏi. Dù an ninh là một ưu tiên sinh tử, Đài Loan cũng tự chuyển hóa từ chế độ độc đảng có tinh thần xã hội chủ nghĩa của ông Tưởng Kinh Quốc qua chế độ dân chủ và đúng 20 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa mà người Tầu được trực tiếp đi bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu để chọn lựa người lãnh đạo là Tổng thống. Năm đó là 1996 và Trung Cộng đã bắn hỏa tiễn qua đầu dân Đài Loan để uy hiếp.

Nhưng việc dân chủ hóa vẫn thành và sau bốn năm cầm quyền của Tổng thống Lý Đăng Huy thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng từ lục địa lưu vong qua vào năm 1949, năm 2000 người dân đã bầu lên Tổng thống Trần Thủy Biển thuộc đảng đối lập là đảng Dân chủ Tiến bộ, hay Dân Tiến. Qua hai nhiệm kỳ Dân Tiến, Đài Loạn lại có Tổng thống thuộc Quốc Dân Đảng là ông Mã Anh Cửu. Mươi ngày trước, người dân Đài Loan lại đi bầu Tổng thống và Quốc hội, lần này đảng Dân Tiến trở lại cầm quyền sau 10 năm đối lập, với bà Thái Anh Văn sẽ là Tổng thống và một cơ chế Lập pháp do đảng Dân Tiến chiếm đa số áp đảo.

Kính Hòa: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã rất ngắn gọn trình bày về hoàn cảnh Đài Loan. Hiển nhiên là ông có ý so sánh, nhưng với mục tiêu gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi sở dĩ nhìn ra khỏi Việt Nam và nhắc đến Đài Loan, chứ không nói thêm về Nam Hàn, vì mình có thể rút tỉa nhiều bài học. Con trai của ông Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc đã được đào tạo tại Liên Xô và có tinh thần xã hội chủ nghĩa, là chú trọng đến an sinh và công bằng xã hội dù theo kinh tế thị trường với một đảng độc tài và thủ cựu.

Vậy mà chính quyền Tưởng Kinh Quốc dần dần cải cách về chính trị, để trên thành quả kinh tế chói lọi mà cho người dân thêm quyền chọn người lãnh đạo và trực tiếp phê phán Chính phủ. Kết quả là Quốc Dân Đảng phải cạnh tranh với đối lập để tranh thủ lòng dân, có lúc cầm quyền, có lúc phải ngồi ghế đối lập rồi lại trở về vai trò lãnh đạo. Đài Loan đã tự chuyển hóa như vậy 20 năm trước, khi Đông Á bị khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 1997-1998.

Trong 10 năm cầm quyền vừa qua của Mã Anh Cửu dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, Đài Loan đã đi theo chủ trương khắng khít hợp tác với Bắc Kinh, nhưng tình hình kinh tế và nhất là xã hội lại sa sút nên dân chúng đã ào ạt bầu cho đảng đối lập để tìm con đường ra khỏi bóng rợp của Bắc Kinh. Bài học ở đây là người dân có lợi nhất, họ thực sự làm chủ tương lai và vận mệnh và các đảng chính trị thay nhau cầm quyền phải quan tâm đến lòng dân.

Việt Nam chưa được vậy dù chẳng gặp hoàn cảnh nguy nan về an ninh của Đài Loan. Trách nhiệm là ở đảng Cộng sản Việt Nam, khi cầm quyền liên tục từ 40 năm qua mà làm xứ sở tụt hậu, chẳng khi nào bắt kịp Đài Loan hay Nam Hàn tại Đông Bắc Á và nay vẫn còn thua kém các nước Đông Nam Á. Đại hội đảng vừa qua đã gây thất vọng, cho thấy đảng này không xứng đáng cầm quyền và nên tự chuyển hóa để khỏi tự tiêu vong như nhiều đảng độc tài khác.

chuc tbt 3
Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Bộ Chính trị bước xuống bỏ phiếu tại Đại hội đảng toàn quốc tại Hà Nội hôm 26/1/2016. AFP photo

Kính Hòa: Thưa là ông thất vọng nhất ở những điểm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoài chuyện tranh đoạt quyền lực rất đáng chê trách, tôi thất vọng ở tầm nhìn của giới lãnh đạo. Mười năm trước, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại Quốc tế WTO và bước vào một thời kỳ hội nhập mới, còn có lợi hơn Đài Loan là một nước bị Trung Cộng cô lập về ngoại giao. Vậy mà Việt Nam không tự chuẩn bị cho việc hội nhập đó sau 15 năm đàm phán và bị khủng hoảng trong các năm 2007-2008 nhồi trong nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009. Lãnh đạo là tiên liệu, đảng Cộng sản Việt Nam không biết tiên liệu.

Chuyện thứ hai là Việt Nam cũng vừa trải qua bảy năm đàm phán để hội nhập ở cấp cao hơn, đó là thành đối tác của Hiệp ước Xuyên Thái bình dương TPP, vừa được thông qua ngày năm Tháng 10. Sau Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội XII người ta mới hiểu là Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo và kiểm soát từng bước đàm phán việc hội nhập lớn lao này vào môi trường kinh doanh mở rộng của TPP, của Liên hiệp Âu châu và khối ASEAN của 10 Quốc gia Đông Nam Á, với rất nhiều triển vọng mà cũng có nhiều thách đố về cạnh tranh.

Chỉ đạo và kiểm soát việc thương thuyết ra sao, theo các tiêu chuẩn nào và tại sao? Người dân không được biết về mấy điều then chốt ấy, lại càng khó biết Chính phủ Việt Nam sẽ thực thi cam kết với quốc tế như thế nào khi mà Nhà nước và Quốc hội vẫn nằm dưới hệ thống quyền lực mơ hồ và mờ ám của đảng ở đằng sau? Đã vậy, những chỉ thị của lãnh đạo đảng lại đi ngược với những cam kết về kinh tế, xã hội và luật pháp với quốc tế khi khẩu hiệu “định hướng xã hội chủ nghĩa” và vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước vẫn có giá trị như mệnh lệnh tối cao về kinh tế.

Những nghi vấn chính đáng ấy cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam cứ xoay trong chân không, chẳng hề chịu trách nhiệm trước quốc dân và nhờ vậy đảng viên lại có thêm đặc quyền đặc lợi khi được đảng đưa vào vị trí điều hành bộ máy nhà nước. Thành tích tham nhũng của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng là hậu quả tất nhiên, dù rằng ông ta có khả năng vượt mọi kỷ lục.

Kính Hòa: Nói về thành tích, câu hỏi được nêu ra là viễn ảnh kinh tế Việt Nam nếu có hay không có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi tường thuật trận đấu đá đằng sau Đại hội đảng ở Hà Nội, báo chí quốc tế đã sai lầm trong cách đánh giá Nguyễn Tấn Dũng là có tinh thần cải cách, thân Mỹ và có ma lực lôi cuốn quần chúng. Họ có cái nhìn phiến diện vì không hiểu là đảng viên cao cấp mà được đảng đưa vào vị trí điều hành bộ máy nhà nước rồi tiếp cận với kinh tế và quốc tế đều phải có ngôn ngữ văn minh và phổ biến của thị trường nên được hiểu lầm là muốn cải cách.

Thứ hai, sau khi lên làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều chọn lựa tai hại cho kinh tế Việt Nam qua sự hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước mô phỏng từ Trung Cộng chứ chẳng phải là các “chaebols” của tư doanh Nam Hàn, với hậu quả là vay thả giàn và vỡ nợ hàng loạt từ năm 2008. Chuyện nợ xấu đang đe dọa kinh tế Việt Nam cũng từ đó mà ra.

Thứ ba, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cho các dự án tai hại của Trung Cộng tại những khu vực sản xuất và vùng chiến lược của lãnh thổ Việt Nam nên gây nguy hiểm cho an ninh tổ quốc. Kinh tế Việt Nam trôi vào vị trí vệ tinh của Trung Cộng là dưới triều Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải là dưới thời ông Phan Văn Khải. Sau đấy, cũng nhờ đặc quyền trong khu vực kinh tế nhà nước mà ông Nguyễn Tấn Dũng có thể mở ra cơ hội kinh doanh cho tay chân và thân tộc để có một mạng lưới cấu kết của các nhóm lợi ích riêng, ngụy danh là tư nhân, trong khi bót nghẹt tư doanh và chẳng giúp gì cho sức cạnh tranh của Việt Nam. Thứ năm, nạn đàn áp dân chủ và bách hại những ai phê phán hành động bành trướng xâm lược của Trung Cộng đã lên tới cao điểm vào thời cầm quyền của ông Dũng. Bảo rằng ông ta có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh là nói chuyện sừng thỏ lông rùa!

Nói cho công bằng, Thủ tướng Dũng giữ tinh thần chia chác sòng phẳng với anh em nên mạng lưới quyền lực và tiền tài của ông có mở rộng hơn là của các đảng viên phụ trách về tổ chức và lý luận của đảng. Cái gọi là ma lực lôi cuốn hay “charisma” mà báo chí quốc tế nói đến thật ra rổn rảng hơi đồng. Nếu Việt Nam còn có một Thủ tướng như vậy thì chẳng thể hội nhập vào thế giới văn minh được.

Kính Hòa: Chúng ta bước qua kịch bản kia, là nếu không còn ông Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu Hội đồng Chính phủ thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

Nói cho công bằng, Thủ tướng Dũng giữ tinh thần chia chác sòng phẳng với anh em nên mạng lưới quyền lực và tiền tài của ông có mở rộng hơn là của các đảng viên phụ trách về tổ chức và lý luận của đảng.
– ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi khởi đầu với trường hợp Đài Loan thì xin kết thúc với Đài Loan. Sau hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến đã bị điều tra về tội tham nhũng và nay phải chấp nhận công lý của một chế độ dân chủ pháp trị, có nhà nước pháp quyền chứ không phải đảng quyền. Có khi ông Dũng sẽ may mắn hơn ông Trần Thủy Biển nhờ đảng Cộng sản vẫn còn cầm quyền. Nhưng tài sản của ông và gia đình đang nằm tại Hoa Kỳ lại thuộc về hệ thống pháp luật khác nên ta có thể nhớ đến tiền lệ là số phận và tiền tài của Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân cách nay đúng 30 năm.

Nói về tương lai kinh tế Việt Nam sau 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì tôi chẳng lạc quan hơn vì đảng Cộng sản vẫn còn đó và giới hạn tiềm lực của quốc dân.

Thứ nhất, trong kịch bản lý tưởng như qua lối phát biểu chung chung đã được nghe trong Đại hội, thì Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải nêu thẳng vấn đề cải tổ pháp chế để minh định vai trò độc lập của nhà nước, là độc lập với đảng. Tôi cho rằng Việt Nam phải tách đảng ra khỏi nhà nước thì mới cải tiến về hành chính và kinh tế được.

Thứ hai, trên cơ sở đó, Chính phủ mới có thể thành lập hay cải tiến thể chế để có định chế và hạ tầng luật pháp mang tính chất yểm trợ kinh tế, ổn định xã hội và phát huy văn hóa giáo dục, là yếu tố cần thiết cho kinh tế. Còn lại, các chi tiết kỹ thuật khác, dù có ưu tiên hay khẩn cấp, thì vẫn có thể tiến hành sau khi tháo gỡ ách tắc chính trị và tư duy ở thượng tầng.

Chúng ta sẽ chỉ thấy chuyện này kể từ Tháng Năm, khi Quốc hội khóa mới xuất hiện, y hệt như tại Đài Loan. Quốc hội Việt Nam là vật trang trí của đảng hay sẽ có thực quyền cũng là một vấn đề cho tương lai. Còn lại đảng Cộng sản không có tương lai khi cái gì cũng muốn nắm mà cái đầu lại trống rỗng, chỉ rổn rang khẩu hiệu của một thời đã qua, năm năm lại nghe thấy một lần.

Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

…………………………………………………………

Di sản Nguyễn Tấn Dũng

Nguồn:danluan.com- 27/01/2016
Nguyễn Quang Duy
Tác giả gửi tới Dân Luận

Ván cờ đã kết thúc Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vai trò, Nguyễn Tấn Dũng ra đi không hẹn ngày trở lại.

Sau 20 năm trong Bộ Chính Trị và 10 năm làm Thủ Tướng ông Dũng để lại di sản như sau:

Thứ nhất, nợ quốc tế cao ngất trời. Nợ đến độ không còn ai muốn cho vay. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới phải đặt câu hỏi “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới”?

Thứ hai, vay phải trả. Người Việt từ bé đến già mỗi người đã nợ quốc tế hằng ngàn Mỹ Kim và mỗi người mỗi năm phải trả cả vốn lẫn lời hằng trăm Mỹ Kim.

Thứ ba, nợ thay vì đầu tư để phát triển con người như giáo dục, y tế hay phát triển nông thôn thì được đầu tư vào các công trình to lớn không mang lại lợi ích thiết thực như nhà máy lọc dầu Dung Quất, các đập thủy điện, các cao tốc, các đại doanh nghiệp nhà nước… Hệ quả khủng hoảng toàn diện: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa…

Thứ tư, môi trường và tài nguyên khai thác bừa bãi. Tài nguyên kiệt quê môi trường bị hủy hoại.

Thứ năm, một nền kinh tế gia công mua nguyên vật liệu từ ngoại quốc về chế biến xong xuất cảng. Một đất nước dựa trên xuất cảng lao động.

Thứ sáu, một thời kỳ với dân oan bị chiếm đất cao chưa từng có.

Thứ bảy, một guồng máy cai trị đầy tham nhũng. Từ trung ương đến đến địa phương tiêu sài hoang phí, nhiều đơn vị đã công khai vỡ nợ.

Thứ tám, một guồng máy an ninh, được giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ước tính ít nhất lên tới 6,7 triệu hay cứ sáu người thì một người làm cho an ninh. Số người chết trong tù càng ngày càng tăng.

Thứ chín, con số tù nhân chính trị cao chưa từng có với phương cách xuất cảng tù nhân trao đổi quyền lợi với Tây Phương.

Thứ mười, nói mà không làm. Biển Đông đã bị Trung cộng chiếm đóng, ngư dân mất quyền ra biển kiếm sống, hải phận, không phận thường xuyên bị xâm nhập.

Đừng lầm tưởng Nguyễn Tấn Dũng là một nhà cải cách. Ông là một nhà cai trị đã triệt để thực hiện các quyết định do Bộ Chính Trị đảng Cộng sản đưa ra. Mọi công khai tranh luận và phân hóa trong đảng thể hiện sự sai lầm do các quyết định và dẫn đến các di sản nói trên.

Việt Nam sẽ gia nhập TPP, gia nhập sân chơi quốc tế, sân chơi của các đại công ty. Đừng lầm tưởng TPP là cứu cánh của tự do dân chủ. Các quốc gia vì quyền lợi Việt Nam một nước đông lao động và lao động rẻ tiền.

Nếu thể chế không thay đổi Việt Nam sẽ mãi mãi là một khu gia công hàng hóa quốc tế. Nhập nguyên liệu người chế biến kiếm sống qua ngày.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta quên vai trò Quốc Tế Vận, nhưng cần hiêu rõ tự do dân chủ phải do chính người Việt Nam giành lại.

Đừng mơ cách mạng Việt Nam sẽ xảy ra như Đông Âu hay Miến Điện.

Đừng mơ Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi thái độ với Trung cộng như Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Lào đã và đang làm.

Mỗi đất nước có 1 sắc thái riêng một hoàn cảnh riêng. Muốn Việt Nam thoát cộng thoát Tàu cần hiểu rõ và dựa vào khả năng có được của chính dân mình. Việc tới sẽ tới Việt Nam rồi cũng có tự do dân chủ.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
27/01/2016

– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160127/di-san-nguyen-tan-dung#sthash.QUKcE50D.dpuf

………………………………………………………………………………………..

‘Đảng cần lấy lại niềm tin trong dân’

Nguồn:BBC-22 tháng 1 2016

bui Q Vinh.jpg1
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tại London 09/2015

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng 12, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư, ông Bùi Quang Vinh, nói rằng việc phải đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.

Đảng là lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước “cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đại hội toàn quốc”, theo vị Bộ trưởng có quan điểm cải cách được báo chí Việt Nam trích lời.

Nhắc lại Đại hội Đảng cách đây năm năm và những chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã được thông qua, ông trích dẫn chiến lược đã nêu rõ phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp.

“Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển. Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế và đạt được một số kết quả nhất định.

“Nhưng đổi mới về chính trị hầu như chưa làm, chính vì vậy mà công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn,” ông Vinh nói.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhanh chóng gây tiếng vang với báo chí Việt Nam và được trích dẫn, đăng tải rộng rãi ngay ngày thứ nhì của kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam 12.
Đảng cần nghiêm khắc với chính mình

Đánh giá 30 năm qua, ông cho rằng “thành tựu lớn nhất là đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường” và nhờ đó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống, đưa đất nước phát triển.

Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.
Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh

“Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.

“Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nói tới việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế và một lần nữa ông nhắc lại đây là một yêu cầu hết sức cấp bách của Việt Nam.

“Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.

“Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.”

Ông Vinh tin rằng “Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới, tự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc.”
Đổi mới phát triển là cấp bách hơn bao giờ hết

bui Q Vinh 2.jpg1

Về đổi mới kinh tế, Bộ trưởng Vinh đã không quên so sánh với các nước trong vùng:

“Mọi so sánh đều khập khiễng, vì chúng ta phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất.

“Nhưng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.

“Hơn nữa, yêu cầu đổi mới phát triển với Việt Nam cấp bách hơn bao giờ hết,” ông Vinh nói.

Và để làm được những đổi mới cấp bách này, ông nêu ra ba trụ cột chính:

Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường.
Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người.
Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt nhân chuyến thăm London dự Diễn đàn kinh tế tháng 9/2015, Bộ trưởng Vinh nói “Việt Nam đang nghiên cứu đế có một chọn lựa cơ chế nào để người dân có thể tham gia vào việc chọn ra người lãnh đạo cao nhất cho đất nước và cũng có thể hạ bệ họ khi họ không làm được lời hứa cam kết trước nhân dân, trước dân tộc”.

…………………………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics