1.P Q Thanh và con đường lưu vong(DLB)2.Dũng chơi Trọng bằng báo(VB)3.Vẫn Đỏ nhưng bớt giáo điều(RFA)

Phùng Quang Thanh và con đường lưu vong

Nguồn:danlambao.com

bo truong quoc phong-thanh 2.jpg1

Vũ Đông Hà (Danlambao) – Trong một xã hội độc tài bị bưng bít thông tin, khi truyền thông được xem là một trong những phương tiện / vũ khí để cai trị và bảo vệ quyền lực của kẻ cầm quyền, thì cái gọi là “tin chính thống” lại thường là những tin tức “đứng xa sự thật nhất”. Đặc biệt là khi đụng đến những mảng tối về nhân sự, những cuộc thanh trừng nội bộ, hành vi tiêu cực hay tài sản của cán bộ lãnh đạo. Trong trường hợp của Phùng Quang Thanh và với bài học của Nguyễn Bá Thanh còn chưa xanh cỏ, với kinh nghiệm về những cuộc thanh trừng của cộng sản Việt, Nga, Tàu trong suốt chiều dài lịch sử đầy máu của nó, chúng ta lại càng tin rằng những điều gì được phát ra từ những cái miệng loa của đảng về Phùng Quang Thanh thì người dân nên nghĩ ngược lại.

Tình trạng “biến mất” của Phùng Quang Thanh (PQT) trong những tháng ngày rất sôi động của sân khấu chính trị Việt Nam đã dấy lên nhiều chiều hướng suy luận:

PQT sang Pháp chữa bệnh. Luồng suy luận này được dẫn dắt bởi nguồn tin “chính thống”, qua cửa miệng của 2 nhân vật đứng đầu trong Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ TƯ. Tuy nhiên, giống như vở kịch “tau có chi mô” và tình trạng “không không thấy” để rồi dẫn đến kết cuộc mà ai cũng biết trước về số phận Nguyễn Bá Thanh, vở kịch PQT-dập-ngực-xơ-phổi vừa mở màn đã có nhiều lỗ hổng. Một trong những lỗ hổng làm lộ bản chất láo khoét là cách sắp xếp tình tiết thời gian một cách khiên cưỡng và vô lý: PQT đang ở Pháp vào ngày 19.06.2015 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian), lại phải bay ngược về lại Việt Nam để hội chẩn bệnh tình với chuyên gia y tế Pháp (1) tại Hà Nội, lại đáp máy bay trở lại Paris vào ngày 24.06.2015 để được điều trị. Xin đọc lại bài Từ “vở tuồng” Nguyễn Bá Thanh đến “sự cố” Phùng Quang Thanh và “bóng dáng” của Nguyễn Tấn Dũng.

Nếu so sánh tình trạng sức khoẻ của Phùng Quang Thanh (bị ho, thử máu không thấy có triệu chứng gì nguy hiểm, không có dấu hiệu ung thư… trước khi đến Pháp) với nhu cầu chính trị cần có mặt của PQT tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ 5, lẫn chuyến Mỹ du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì quyết định tự đặt mình ra khỏi chính trường sôi động không thể là của PQT.

Do đó, PQT đã bị “mời ra chỗ khác chơi”. Nếu vậy, “mời ra khỏi chỗ khác chơi” được thực hiện dưới hình thức nào? Đây là phần của tin đồn và suy luận – phần gần với sự thật hơn so với tin chính thống vì nó sẽ được nhiều người bổ xung, khám phá. Tương tự như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh, chúng ta chỉ có thể tiến gần đến sự thật khởi đi bằng phương pháp loại trừ trong lý luận và chỉ có thời gian mới dần dần hé lộ ra những sự thật mà nhà cầm quyền không thể che giấu mãi.

Một trong những tin đồn đầu tiên về số phận của PQT là ông ta bị ám sát. Xác xuất chuyện này xảy ra tương đối thấp. PQT là một bộ trưởng vừa mới gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Việc một lãnh đạo quân đội, là thượng khách của quốc gia bị ám sát, tin ám sát được lan truyền trên mạng mà chính phủ Pháp vẫn dấu kín, truyền thông tự do Pháp không săn tin là điều không thể xảy ra. Chuyện PQT cùng tuỳ tùng đi chơi, không có những thành viên bảo vệ yếu nhân của an ninh Pháp đi cùng cũng là điều khó tin.

Do đó chúng ta cần gỡ rối cái bùi nhùi PQT dựa vào “vị trí quan điểm chính trị” của Thanh nằm ở đâu trong tiến trình đảng CSVN bắt tay với Mỹ để dẫn đến chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng, trong đó được tháp tùng bởi một đoàn tuỳ tùng hầu hết là tay chân của Nguyễn Tấn Dũng.

*

Vào ngày 1 tháng 6, 2015, tại Hà Nội, Phùng Quang Thanh đã cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng (1). Tuyên bố này này chỉ là bước khởi đầu, có những thoả thuận tương đối nhỏ như “Hoa Kỳ sẽ cung cấp một gói 18 triệu USD cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để mua sắm những tàu tuần tra; đồng thời đang hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam xây dựng và phát triển Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình” nhưng lại có một thông điệp chính trị rất lớn: Đây là mốc khởi hành cho con đường hợp tác trong đó 2 bộ quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt tay nhau để bảo vệ chủ quyền VN và quyền lợi của Hoa Kỳ tại biển Đông. Tuyên bố quốc phòng chung này cũng là phát súng lệnh tiến bước cho con đường Việt-Mỹ chống Tàu mà bước kế đến là Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt-Mỹ tại Washington DC.

Bước khởi đầu của con đường này, dưới góc nhìn của Hoa Kỳ, khó mà có thể được suôn sẻ nếu nó được dẫn đầu từ phía VN bởi một kẻ luôn chiếm giải nhất trong cuộc đua nịnh Tàu. Mục tiêu chiến lược be bờ của Mỹ, cụ thể là ngăn chận sự bành trướng, tái tạo đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên biển Đông của Bắc Kinh sẽ khó đạt được những kết quả mong muốn nếu từ phía “đối tác” Việt Nam, người bộ trưởng đứng đầu quân đội có ý chí bảo vệ biển Đông thì ít (hay không có) mà bảo vệ Bắc Kinh thì nhiều: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc.”

Viên sỏi PQT trong đôi giày Việt-Mỹ bộc lộ rõ ngay trong buổi họp báo sau khi Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng được công bố. Khi được hỏi

“Hoa Kỳ đang yêu cầu các quốc gia trong khu vực Biển Đông dừng ngay các hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo. Tại cuộc hội đàm sáng nay, VN có đưa ra cam kết nào sẽ chấm dứt các hoạt động như vậy không?” (2)

Lưu ý trong câu hỏi này, người hỏi cố tình nhắc đến điều Hoa Kỳ yêu cầu / mong muốn, với Bộ trưởng QP Hoa Kỳ Ashton Carter đứng ngay bên cạnh nhìn, thì PQT đã trả lời:

“VN vừa qua cũng có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của VN. Như các bạn biết, VN hiện đang đóng quân trên 19 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi thì chúng tôi chỉ cho kè kín lại xung quanh để tránh sóng đánh lở, đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân, quản lý trên đảo có cuộc sống an toàn”.

“Ở các đảo chìm, chúng tôi cũng chỉ xây dựng những nhà nhỏ, ở ít người và không mở rộng ra. Tính chất, quy mô của chúng tôi hoàn toàn là vấn đề dân sự”.

Khoan nói đến đúng/sai khi đứng về phía quan điểm VN, PQT đã không khéo léo trong vai trò đối tác, cách nói của PQT cũng là luận điệu của Bắc Kinh khi Hoa Kỳ đặt vấn đề với Bắc Kinh về hành vi xây dựng trái phép. Đó là chưa nói đến việc PQT biết rõ VN chẳng có xây dựng bao nhiêu trong khi Bắc Kinh đã dồn dập những hoạt động xây dựng tại Trường Sa ở tốc độ chóng mặt – như ông từng trả lời phóng viên sau chuyến đi thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2014: “Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.” (3)

Từ vị trí thân Tàu, lo lắng người dân Việt Nam chống Tàu, đến quan điểm về những hành vi của Tàu tại biển Đông, PQT còn bị mất điểm nặng với Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền. Ngay sau cuộc hội kiến giữa hai vị bộ trưởng quốc phòng, PQT đã họp báo và tuyên bố: “Các vấn đề về nhân quyền không nên được liên kết với quyết định của Hoa Kỳ về việc hoàn toàn tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam”. (4)

Điều đó cho thấy ông Ashton Carter sẽ khó mà làm việc với PQT trong những thương thảo thuộc lãnh vực quốc phòng khi mà người đối tác PQT nhất định không xem nhân quyền là một điều kiện tiên quyết của Mỹ cho những đồng thuận lớn hơn, ngoài phạm vi quốc phòng (như TPP) giữa hai bên. Bây giờ nhìn lại Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ (5) với những điều khoản về nhân quyền chúng ta thấy rõ điều đó.

Do đó, PQT phải ra đi trong ván cờ thương lượng Việt-Mỹ.

Người ủng hộ cho chuyện ra đi này nhiều nhất là Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng, những tướng lãnh đang lo lắng về tình trạng bất mãn tràn lan và cao độ của quân đội đối với cha con Phùng Quang Thanh, Phùng Quang Hải, đồng thời cũng ngắm nghé chiếc ghế Bộ trưởng cũng đồng lòng nhất trí. Tất cả được thể hiện qua hình ảnh của ngày đại hội thi đua quyết thắng toàn quân 01/07.

Tháng 6, 2015, Bắc Kinh đem giàn khoan HD-981 vào biển Đông. Một lần nữa biển Đông dậy sóng. Bộ quốc phòng Việt Nam im lặng như nước hồ thu. Tháng 6, Phùng Quang Thanh phải ra khỏi chính trường trước ngày đại hội toàn quân 01.07.2015 và dĩ nhiên phải trước ngày Nguyễn Phú Trọng đáp xuống phi trường Andrews.

*

Sau Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng, PQT đã:

– 8/6, tiếp Thiếu tướng Pehin Tawih, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Brunei.

– 9/6, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Slovakia Martin Glavac.

– 10/6, tiếp Herve Ladsous – Phó tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình.

– 19/6 gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhân dịp đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang có chuyến làm việc tại châu Âu. (6)

“Lịch trình” trên cho thấy những hoạt động của PQT rất lu mờ, trong bối cảnh chính trị sôi động của tháng 6 bao gồm tình hình biển Đông và những vận động thương thảo quan hệ Việt-Mỹ. Trong thông tin về chuyến đi châu Âu, nói rằng “gặp bộ trưởng quốc phòng Pháp nhân dịp đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang có chuyến làm việc tại châu Âu…” như là PQT có một chuyến công tác lớn tại Âu châu và “nhân tiện” gặp ông Jean-Yves Le Drian. Thật sự, PQT không có một hoạt động nào khác ngoài cuộc gặp này.

Do đó, chúng ta có thể giả định rằng PQT đã được dàn xếp để qua Pháp với lý cớ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Vì chỉ là sự dàn xếp cho “mục tiêu khác” cho nên đây chỉ là một cuộc gặp xã giao, kèm theo những thông báo cũng rất ngoại giao nhưng hoàn toàn không có một ký kết chính thức nào. Mục tiêu là để dọn đường cho PQT “ra đi” êm thắm.

Trong sự sắp xếp tưởng êm thắm này, bùng lên tin đồn PQT bị ám sát. Do đó, vở kịch PQT-dập ngực-xơ phổi buộc phải ra đời. PQT “được” cho bay từ Pháp về lại VN sau ngày 19.06 để chuyên gia y tế Pháp TẠI VN hội chẩn, gặp ông Phạm Gia Khải vào ngày 22/6 tại Việt Nam và qua lại Pháp ngày 24/6 để chuyên gia y tế Pháp TẠI Pháp chữa trị (6)

Xác suất cao là PQT vẫn ở lại Pháp từ sau lần gặp bộ trưởng quốc phòng Jean-Yves Le Drian vào ngày 19/6 cho đến nay. Tương lai của PQT rơi vào 2 tình huống sau:

1. Sau khi mọi sự cho tiến trình gần Mỹ xa Tàu đã xong, PQT trở về VN và tuyên bố từ nhiệm vì lý do sức khoẻ suy yếu, sau khi bị mổ và lấy đi cục u… thân tàu trong phế phủ.

2. Sau một thời gian tịnh dưỡng, loa mồm của đảng tuyên bố rằng các bác sĩ Pháp (nhưng giữ bí mật, không nói là bác sĩ tên gì) khuyên PQT nên ở lại Pháp để được “theo dõi” và chữa trị dài hạn. Đồng chí Đỗ Bá Tỵ sẽ “tạm thời” thay thế đồng chí PQT trong vai trò Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Cho đến bây giờ, dựa vào kinh nghiệm của những tên tướng lưu vong trên thế giới, xác suất là PQT sẽ ở lại Pháp, nhiệm vụ chính của hắn sẽ không còn là biển Đông, biển Nam gì cả mà chỉ lo quản trị những trương mục đang nằm ở Thuỵ Sĩ; cùng với quý tử Phùng Quang Hải ngày đêm chuyển ngân từ trong ra ngoài và tìm cách cho bầy đàn thê tử hạ cánh an toàn.

Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com

……………………………………………………………….

Dũng Chơi Trọng Bằng Báo
Nguồn:vietbao.com- 08/07/2015

Vi Anh

Nói gì thì nói, chớ thế nào người nắm Nhà Nước cũng nhiều nhân tài vật lực hơn bên Đảng dù là đảng cầm quyền độc tài đảng trị toàn diện như đảng CSVN. Trong cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực, ngôi vị giữa Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng nắm đảng quyền và Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng nắm Nhà Nước, hơn một lần phe TT Dũng đã dùng báo điện tử và báo giấy phòng chống cuộc tấn công của Tổng Trọng. Cả hai lần Dũng thắng vẻ vang. Tiêu biểu như khi Tổng Trọng dùng Quốc Hội đảng cử dân bầu tính hạ Dũng bằng kiểu cho điểm tin nhiệm, với blog Chân Dung Quyền Lực phản công ủng hộ Dũng, bôi bẩn phe Trọng, chuyển bại thành thắng. Thay vì bị Trọng chơi sát ván, TT Dũng lại được Quốc Hội phê điểm cao hạng nhứt, còn Tổng Trọng lọt xuống tới hạng 8. Và mới đây phe Nguyễn tấn Dũng dùng hai tờ “báo” giấy ruột chơi Trọng hai cú suýt sứt tay gãy gọng trước khi Trọng công du Mỹ.

Đó là hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên là hai tờ báo “ruột” của CS gốc Miền Nam. Xuất phát tại Saigon từ khi những người CS gốc Miền Nam mà Mỹ gọi là Việt Cộng hay VC, ra “tiếp thu” Saigon Gia Định, trong đó có Tướng Trần văn Trà bên quân sự và Võ văn Kiệt bên chánh trị. Đa số người viết hai báo này gồm một số đảng viên CS gốc Nam, dân 30/4 gốc Saigon chẳng biết đi ra Bắc hay đi A là gì, nhưng khá rành kinh tế, chánh tri, kinh tế, báo chí, nhân tinh thế thái của dân chúng của VN Cộng Hoà. Chỉ khoảng 10 năm sau, chính Ô. Võ văn Kiệt “bắc tiến” với chiến lược gọi là chuyển sang kinh tế thị trường, dân chúng gọi là “đổi mới kinh tế”, cứu chế độ CS không đột quỵ, dân chúng khỏi ăn “độn” khi Liên xô đột quỵ. Hai tờ báo của hai đoàn thế lớn của đảng là Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng “bung ra”, phát huy trở thành hai tờ báo phát hành cao nhứt và có mặt khắp nước.

Trước khi Trọng lên máy bay đi Mỹ, báo Thanh Niên, trên báo giấy phát hành cả nước, và trên Thanh Niên online phổ biến khắp thế giới qua Internet, đưa tin Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tổ chức ngày 1/7/2015 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng cổ động quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Dân tộc, với Hiến pháp. Rõ là một tin chấn động toàn quốc, phải đi tin hàng đầu trang nhứt. Hồi đó tới giờ, theo truyền thống CS đã thành công thức trên “báo đài”, quân đội trung thành với Đảng sau đó mới tới Tổ quốc và Nhân dân. Điều đó đã quá quen thuộc, coi như đương nhiên rồi. Nên dư luận trên mạng, Internet bùng nổ. Cư dân mạng, các nhà báo tự do, blogger chánh trị coi TT Dũng là người đổi mới, coi nhẹ ý niệm trung thành với Đảng, mà nhấn mạnh vai trò bảo quốc an dân của quận đội, rất cần trong thời TC xâm lấn biển đảo VN. Lời tuyên bố về nhiệm vụ của quân đội là phục vụ Tố Quốc, của TT Dũng cũng rất được lòng dân Việt và chánh quyền của các nước dân chủ trong vùng.

Cú đấm Tổng Trọng thứ hai bằng hai tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Hai báo đánh cách làm sáng tỏ tin đồn Đại Tướng Phùng quang Thanh, Bộ Trưỏng Quốc Phòng, cột trụ của Tổng Trọng, gia nô của TC đi Pháp mổ ung bướu. Trước đó cả tuần có rất nhiều tin đồn gần 1 tháng ít ai thấy mặt Ông, sau khi Ông “hồ hởi phấn khởi” đi tận biên giới TQ gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng TC. Tin đồn dầu tiên loan tải trên mạng xã hội facebook, từ trang VietPres USA cho biết Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa bị ám sát bằng súng giảm thanh và bị trúng 2 viên đạn trước một ngôi nhà tại Paris vào hôm 26/6/2015. Cũng có người đồn Ông bị lột chức, cô lập, thanh toán như vị tương cao cấp nhứt vốn là dượng rể của vua CS Bắc Hàn Kim Yung Un là cháu tử hình chồng của cô ruột mình một cách tàn bạo.

Đồn đoán lên cao điểm khi trong Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tổ chức ngày 1/7/2015 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng cổ động quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, người ta không thấy Tướng Thanh, và cái ghế của Ông lại có một tướng khác ngồi. Đúng lúc đó thì tờ báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương loan tin trước nhứt. Tuổi Trẻ nói Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giải phẫu cắt khối u ở phổi ở một bịnh viện của Pháp. Báo còn nói thêm trước đây hồi còn trẻ Ông bị một sức đập rất mạnh vào ngực và một tháng qua Ông ho nhiều, có khi ho ra máu, nên đi Pháp trị, đã mổ cắt khối u nhưng đang thử nghiệm coi phải ung thư phổi hay không.

Cái kiểu đính chánh này là đổ dầu vào lửa đốt sinh mạng chánh trị của Tướng Thanh. Là một người nay đã 66 tuổi mà bị mổ phổi, cắt khối u, dù cho không bị ung thư thì cũng thành liệt lão khó mà hồi dương để tiếp tục làm bộ trưởng quốc phòng. Còn nếu bị ung thư phổi đang trị phóng xạ thì tóc rụng, người co rút, da thâm, má hóp, ốm o gầy mòn không thể làm việc, bó buôc xin nghỉ, còn không thì cũng phải có người thế vị cái chức vụ quốc phòng là phải làm việc rất nhiều và cực. Cái gì chớ việc TT Dũng thay thế Bộ Trưởng Quốc Phong Thanh dễ như ăn cháo cá rút xương thôi; Quốc Hội đã dành cho Ông quyền bỗ khuyết bộ trưởng khi Quốc Hội hưu khoá.

Ngươi Miền Nam hay nói hay không bằng hên. Đây là một cơ hội bằng vàng Trời cho TT Dũng để triệt hạ cánh tay mặt của Tổng Trọng.Tiền lệ thay thế đã có ngay trong lịch sử cử nhiệm nhân sự Đảng. Đảng CSVN có quy định là những ứng cử viên đảm nhận chức vụ từ uỷ viên trung ương trở lên phải đảm bảo sức khoẻ thực hiện cương vị hết nhiệm kỳ 5 năm. Trường hợp Ô. Hồ Đức Việt lúc trước là uỷ viên BCT được dự trù Đại Hội Đảng phong làm Tổng Bí Thư. Ông phải rời khỏi Bộ Chánh Trị, mất sự đề cử vào chức TBT trước đây vì bệnh tình bị phát hiện trước ngày đại hội Đảng toàn quốc. Còn Ông Phùng Quang Thanh bây giờ được dự tính sắp đặt là chủ tịch nước hay tổng bí thư trong đại hội tới đây. Tin tức về bệnh tình của ông Thanh như những bác sĩ bão vệ sức khoẻ của Trung Ương Đảng nói Ông đang trị tại Pháp thì ông cũng không thể đảm nhận chức vụ quan trọng cho một nhiệm kỳ dài đến 5 năm. Thế là rồi đời, tiêu sinh mạng chánh trị của một cột trụ của Tổng Trọng đối thủ của TT Dũng.

Phe TT Dũng gốc CS Miền Nam nói chết một con nhòn một mủi, khoẻ và chắc ăn cho TT Dũng trong kỳ Đại hội Đảng khóa 12 năm 2016. Chức Tổng Bí Thư nhiều triễn vọng vào tay Ông. Từ đó phe đảng đổi mới kinh tế, hướng theo Mỹ, cứng rắng với TC có thể thúc đẩy Ông củng cố quyền hành nắm thêm, kiêm luôn Chủ Tịch Nước, hỏng chừng./.(VA)

……………………………………………………………………………………

Vẫn Đỏ nhưng bớt giáo điều?
Nguồn:RFA-Nam Nguyên, phóng viên RFA-2015-07-03

co dong.jpeg1

Tranh cổ động chào mừng ngày 2/9 tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 28/8/2014.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Đảng sau Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ thể hiện điều gọi là mới mẻ bớt giáo điều hơn các nhà lãnh đạo khác của chế độ, khi ông là người đầu tiên xếp vị trí của Đảng đi phía sau Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp.

Báo chí Việt Nam trong đó có Thanh Niên Online đưa tin, trong dịp tham dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tổ chức ngày 1/7/2015 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Dân tộc, với Hiến pháp. Lâu nay, tất cả các nhà lãnh đạo của nhà nước cộng sản Việt Nam khi phát biểu chính trị đều rập khuôn công thức quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng sau đó mới tới Tổ quốc và Nhân dân.

Khái niệm quân đội phải trung thành với Đảng sau đó mới đến Tổ quốc và Nhân dân là một sự quen thuộc đến hiển nhiên ở Việt Nam và chỉ từ khi mạng xã hội bùng nổ, các nhà báo tự do, giới blogger mới có nhiều bài viết châm biếm về khái niệm gọi là không giống ai này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện một sự điều chỉnh đáng chú ý, dù rằng ở vế thứ hai ông vẫn xác định quân đội phải nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước….

Ông ấy cũng không coi nhẹ chuyện trung thành với Đảng đâu ạ, đến câu sau thì ông ấy nói rất kỹ về điều đó… những ai mà nghĩ rằng có một sự thay đổi gì lớn… thì họ nên đọc kỹ lời phát biểu của ông Thủ tướng.
-TS Nguyễn Quang A

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hàm chứa sự thay đổi nào hay không trong khái niệm quân đội Việt Nam trước tiên là phải trung thành với Đảng. TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện độc lập từ Hà Nội nhận định:

“Không có gì là mới cả, bởi vì ông ấy nói trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân rồi với Hiến pháp. Thực sự thứ tự đó cũng giống như ở trong Hiến pháp là Tổ quốc Nhân dân rồi Đảng. Tôi nghĩ có thể ông ấy hơn những người khác có những đầu óc cũ kỹ của thời xưa đặt Đảng lên trên đầu, còn ông Thủ tướng tuân thủ đúng như lời văn của Hiến pháp vừa rồi. Nhưng ông ấy cũng không coi nhẹ chuyện trung thành với Đảng đâu ạ, đến câu sau thì ông ấy nói rất kỹ về điều đó… những ai mà nghĩ rằng có một sự thay đổi gì lớn… thì họ nên đọc kỹ lời phát biểu của ông Thủ tướng.”

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Khóa 10 từ Hà Nội nói với chúng tôi, là ông không thấy có sự thay đổi gì trong phát biểu của Thủ tướng vì khái niệm Quân đội trung thành với Đảng không xa lạ với Việt Nam. Theo ông, dư luận bên ngoài chú ý nhiều tới thứ tự câu chữ khi nói về sự trung thành của quân đội, vì thực sự có sự khác biệt giữa các quốc gia. GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Nếu mà nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước thì có vấn đề ấy thật là bởi vì ngay cả trong những qui định có tính chất pháp luật thì quân đội là tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên trung thành với Đảng là cách ở Việt Nam nghe cũng quen rồi và cũng bình thường.”

Đối với các ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, quân đội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có lời thề trung thành và bảo vệ tổ quốc, còn ở Việt Nam thì quân đội có lời thề theo trình tự là trung thành với Đảng sau mới đến Tổ quốc và nhân dân. Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên đã thay đổi trình tự gần hơn với quan niệm chung trên thế giới được nhìn nhận như thế nào. GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Tôi cũng nghĩ rằng, một quân đội thì trước hết phải vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của quốc gia. Tất cả những giá trị khác theo tôi nó cũng xoay quanh giá trị cốt lõi ấy. Một đất nước nào thì dân tộc và quốc gia cũng được coi là giá trị trung tâm, tất cả những giá trị khác kể cả chính trị …đều phải xoay quanh giá trị này thôi. Vì vậy Thủ tướng có nói phải trung thành với Tổ quốc thì cũng là quan niệm bình thường thôi.”

co dong 2
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) tổ chức tại Milan, Ý vào ngày 16 tháng 10 năm 2014.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đảo ngược trình tự về nhiệm vụ của quân đội, ông mong muốn quân đội một lòng xây dựng quân đội ngày cảng vững mạnh về mọi mặt; kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Trong những văn kiện đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và đây có lẽ cũng là điểm mới của Đại hội 12, nêu rất cao lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tôi coi xác định như thế là đúng, thế còn các hệ thống chính trị, lực lượng chính trị hay tất cả những cái khác thì phải coi đó là cốt lõi lợi ích dân tộc của một quốc gia là hàng đầu. Vì vậy quân đội là quân đội nhân dân được nhân dân nuôi nấng, được trang bị bằng tiền thuế của người dân thì trước nhất phải bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Thế còn đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị theo qui định Điều 4 Hiến pháp là lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị thì quân đội có trách nhiệm bảo vệ Đảng. Tôi nghĩ Thủ tướng nói như thế là đúng.
Cần minh bạch thông tin

Đọc các báo trên mạng tuần này, như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VnExpress chúng tôi ghi nhận tin Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giải phẫu cắt khối u ở phối ở Pháp và sắp trở về Việt Nam. Tuy vậy những thông tin chính thức xuất hiện ngày 2/7/2015 chậm một tuần sau khi ông Phùng Quang Thanh đã rời Việt Nam và trên các trang facebook râm ran tin đồn ông bị ám sát chết.

GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Cũng có thể do thói quen mang tính truyền thống, cũng có thể do tính nguyên tắc của mỗi nước. Xưa nay cán bộ cao cấp đi chữa bệnh điều trị thì không bao giờ loan báo, hình thành lệ thường như thế. Vài ngày qua có những tin tức như vậy nên cũng cần có thông báo như cách để cải chính lại những tin không đúng. Bình thường nếu không có những tin đồn đoán thì chắc cũng chẳng đưa. Tôi nghĩ đưa tin đó ra bởi vì có tin trên mạng nói ông ấy gặp nạn ở Paris thì việc đưa tin là một cách cải chính.”

Tôi được bạn bè cho biết ông Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh, ông được mổ cũng năm ba ngày rồi. Những thông tin như thế họ phải có nghĩa vụ đưa ra để cho dư luận được biết nhưng mà họ không đưa ra.
-TS Nguyễn Quang A

Ở những quốc gia văn minh dân chủ, chính phủ công khai thông tin về tình trạng sức khỏe của các giới chức cao cấp kể cả thủ tướng, tổng thống để người dân được biết. Có ý kiến cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam cần thay đổi tư duy về vấn đề này. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Đấy là một sự thiếu khôn ngoan của họ về vấn đề bí mật thông tin. Bởi vì họ càng giấu bao nhiêu, càng bí mật bao nhiêu thì càng làm cho dư luận nghi ngờ. Bản thân tôi được bạn bè cho biết ông Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh, ông được mổ cũng năm ba ngày rồi. Những thông tin như thế họ phải có nghĩa vụ đưa ra để cho dư luận được biết nhưng mà họ không đưa ra và đến sáng nay thì Tuổi Trẻ mới đưa và vừa rồi ở trong buổi chiêu đãi quốc khánh Mỹ tôi gặp một vài người, họ cho biết Tuổi Trẻ đang bị kiểm điểm. Tôi nghĩ rằng đấy là một cách rất là không khôn ngoan về việc minh bạch thông tin và chính việc không minh bạch thông tin đã làm cho sự chính danh của chế độ cộng sản này bị xói mòn đi. Điều này họ phải tự trách mình vì chính họ làm hỏng cho họ.”

Theo Infonet và Tiền Phong Online, chiều 2/7 GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Paris Pháp chữa bệnh từ ngày 24/6/2015 vừa qua. Ông Thanh đã được giải phẫu cắt bỏ khối u xơ ở phổi. Tình trạng sức khỏe của Đại tường Phùng Quang Thanh là ổn định không có diễn biến xấu và tới đây sẽ về Việt Nam. Tuy vậy bản tin không xác định bao giờ ông Bộ trưởng trở về nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh 66 tuổi là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng và được dự báo ở trong danh sách ứng cử các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong kỳ Đại hội Đảng khóa 12 năm 2016. Ông Phùng Quang Thanh nổi tiếng về những phát biểu thân Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh có ngăn trở bước đường công danh của ông hay không.

………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics