1.Phan Nghị,một cây bút phóng sự của 20 năm Văn học Miền Nam(DTL)2.Bàng Bá Lân(dtl.com)MORE

LGT-Xin mời quý độc giả đọc lại bài nhận định của tác giả Du Tử Lê về “cây bút phóng sự Phan Nghị” đã được đăng trên website này trước đây – Trân trọng -NN

-o0o-
20/05/2011: Phan Nghị,một cây bút phóng sự của 20 năm Văn học Miền Nam
Category: Nhạc Và Thơ Chọn lọc – Tạp Ghi Văn Nghệ
Posted by: Tbl Đọc: 4649 lần

Từ trái qua Hoàng Song Liêm, Văn Quang, Phan Nghị. (Hình: Tác giả cung cấp)

Tác giả: Du Tử Lê

Tôi không biết có phải vì thể loại phóng sự, một thể loại rất gần với ký sự, đòi hỏi nơi người viết, nhiều công phu, cũng như phải sống thực với đề tài, hay thâm nhập thực tế bằng cách nào đó, mà trong bộ “Nhà Văn Hiện Ðại” của Vũ Ngọc Phan, người ta chỉ thấy có ba nhà văn được đề cập là Tam Lang-Vũ Ðình Chí, Thiên Hư-Vũ Trọng Phụng và, Trọng Lang-Trần Tán Cửu mà thôi. (1)

Nhiều phần, có thể như nhà văn Vũ Ngọc Phan phân tích trong phần mở đầu chương “Những nhà viết phóng sự”:

“Lối văn này thật hoàn toàn mới mẻ ở nước ta, cũng như ở các nước, nó là con đầu lòng của nghề viết báo (…)Về những vấn đề lớn lao cần phải điều tra rất kỹ để mong sửa chữa, cải cách, không thể dùng liên tiếp những bài bút chiến để đập vào tâm trí người ta, nên nhà viết báo…

… thường dùng một lối tả thực như văn ký sự, trào phúng như văn châm biếm, cảm người như văn tiểu thuyết mà trong lại bao gồm tất cả lối bút chiến về người lẫn lối bút chiến về việc, nói tóm lại, dùng cái lối tạo nên một thể linh hoạt và có hiệu lực vô cùng: Lối phóng sự.” (2)

Sự kém “phồn thịnh” đó, cũng tái hiện trong sinh hoạt báo chí miền Nam, 20 năm! Dù số lượng báo cũng như số lượng ký giả ở giai đoạn này, lớn gấp bội so với thời tiền chiến. Nếu tính đến tháng 4 năm 1975, những cây bút phóng sự của miền Nam có thể đếm trên đầu ngón tay. Như Văn Quang, Thương Sinh (một bút hiệu khác của Duyên Anh-Vũ Mộng Long), Nguyễn Ðình Thiều, Phan Nghị… Trong số đó, Phan Nghị là tên tuổi nổi bật nhất. (3)

Nếu không kể phóng sự nổi tiếng “Bờ Lờ” tức “Buôn Lậu” viết trong khoảng thời gian từ 1952 tới 1953, đăng tải trên nhật báo Tia Sáng ở Hà Nội, thì khi vào Saigon, nhà báo Phan Nghị đã nổi tiếng với hai phóng sự được in thành sách, là các cuốn “Ðường mòn Hồ Chí Minh,” và “Xứ sở trăm đảo ngàn hoa” (viết sau chuyến thăm Nhật Bản.)

Theo nhà văn Văn Quang, một trong vài bạn thâm giao với ký giả Phan Nghị thì:

“Phan Nghị thường sống thật, viết thật những gì ông đã tận mắt nhìn thấy, đã trải qua. Như phóng sự buôn lậu thì chính ông thời đó đã từng cùng cánh buôn bán thuốc tây lậu từ ‘thành’ như Hải Phòng, Hà Nội ra vùng kháng chiến (khoảng từ 1948 đến 1954). Hồi đó gọi là ‘vùng tề’, gồm những tỉnh lỵ, thành phố do Quân đội Liên Hiệp Pháp cai trị và ‘vùng tự do’ hay ‘hậu phương’ do phía gọi là Việt Minh kiểm soát…”

“Năm 1954, Phan Nghị làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luận, sau đổi thành nhật báo Chính Luận. Sau 1975 ông tiếp tục viết phóng sự xã hội và dịch bài vở từ báo Pháp cho nhiều nhật báo và tuần báo ở Sài Gòn…”

Một thành viên trong tòa soạn nhật báo Chính Luận cho biết, về phương diện chuyên môn, ban biên tập Chính Luận đánh giá rất cao, những phóng sự dài cũng như ngắn của Phan Nghị.

“Những phóng sự của Phan Nghị, luôn căn cứ trên những sự kiện có thật, là đòi hỏi đầu tiên của thể loại này. Bên cạnh đó, ông lại có những ghi nhận hay phê bình nhậy bén, thông minh, giúp cho người đọc thấy được rõ ràng hơn, mặt bên kia của nội dung thể tài được đề cập. Tuy nhiên, về mặt đời thường, Phan Nghị là người có nhiều cá tính mạnh mẽ…” Nhân vật này nói.

Ở khía cạnh đời thường, trong bài viết nhan đề “Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị,” Văn Quang đã ghi nhận về bạn ông như sau:

“…Phan Nghị có tính rất đặc biệt ‘không giống ai’. Tôi quen anh từ những năm anh mới vào Sài Gòn năm 1954, khi ấy tôi làm mấy tờ báo quân đội, anh làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luận, (sau này đổi thành Chính Luận). Ðôi khi anh cũng ‘áo giáp mũ sắt’ đi làm phóng sự chiến trường. Nét đặc biệt tôi nhận thấy ở anh là tính giản dị, ăn nói văng mạng, không cần ý tứ làm gì cho mệt và bất cứ ai rủ anh tham gia cuộc chơi nào anh cũng đi ngay. Cờ bịch thì ‘thập bát ban võ nghệ’ món nào anh cũng biết, món nào anh cũng thích chơi và chơi theo kiểu đam mê lăn lóc. Vừa đi làm phóng sự về, rủ anh đi đánh phé, đánh chắn, binh sập xám… anh sẵn sàng đi ngay, dù trong túi chỉ còn rất ít tiền cũng cứ đi rồi tính sau (…)”

“Anh thường tự coi mình là một thứ ‘cao bồi già’, sẵn sàng gây chuyện và xắn tay áo tung ra quả đấm liền (…)Nhưng bản chất anh là một người thẳng thắn, chân thật, không lèo lá, có bất cứ chuyện gì anh cũng cứ nói tuột ra. Là người ‘ruột để ngoài da’, chuyện có sao nói vậy không giữ được cái gì trong lòng. Phan Nghị không bao giờ biết chưng diện, quần áo anh mặc thế nào xong thì thôi, không cầu kỳ, không làm dáng, không ra vẻ, không đóng kịch…”

Ở đời thường, Phan Nghị, như mô tả của nhà văn Văn Quang là người “…không bao giờ biết chưng diện, quần áo anh mặc thế nào xong thì thôi, không cầu kỳ, không làm dáng, không ra vẻ, không đóng kịch”…

Nhưng khi tác nghiệp, ngược lại, ông cho thấy tính nghiêm túc trong những phóng sự của mình. Như gia công tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ đề tài. Ði ngược lại quá khứ, để làm thành những đối chiếu với hiện tại. Nhờ thế, người đọc có được bức tranh xã hội đa chiều và, nhiều sắc màu.

Như trong phóng sự “Phở Sài Gòn Xưa và Nay,” viết sau tháng 4 năm 1975, Phan nghị cho thấy “phở” vốn là một món ăn “đặc sản” của miền Bắc, đã có mặt tại miền Nam từ những năm (19)51, 52… cùng một thời gian với hai nhà hát ả đào, một ở xóm Monceau và một ở xóm Ðại Ðồng. Chứ không phải đợi tới cuộc di cư vĩ đại 1954, phở mới theo chân người Bắc vào Nam. Nhưng:

“Cả hai thứ ấy đều rất xa lạ với người Saigon thuở đó. Kiếm được một quan viên biết cầm trống chầu không phải chuyện dễ. Cho nên họ chỉ cầm cự được một hai năm rồi dẹp tiệm, mặc dù họ đã biến nó thành một hình thức như ‘kem sờ’ ở Bờ Hồ (Hà Nội) vào những năm 30 hoặc như ‘bia ôm’ của Saigon hôm nay. Và phở cũng chịu chung một số phận với nó. Người ta chỉ thích hủ tíu, hoành thánh, bánh xếp nước… Chỉ có độc một tiệm phở được gọi là ‘Phở Tuyệc’, nằm trên đường Turc (nay thuộc khu vực Ðồng Khởi) là kiên trì bám trụ.”

“Phải đợi tới sau năm 1954, phở mới thực sự thực hiện một bước nhảy vọt từ Bắc vào Nam. Phở khởi đầu sự bành trướng của nó vào giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 60. Có cả một dãy phố phở nằm trên hai con đường Pasteur và Hiền Vương.”

Sau khi đã tìm về tận “đầu nguồn” của Phở ở miền Nam, họ Phan mới đưa dẫn độc giả tới những nét chấm phá, nhưng đặc thù chung quanh món ăn phổ thông này. Ðó là những bài… “thơ phở,” những… “câu đối phở” từng được lưu truyền trong giới “nghiện phở”.

Một trong những “câu đối phở” mà nhà báo Phan Nghị ghi lại trong phóng sự của ông, đó là câu:

“Nạc, mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi không tái giá.”

Câu đối này, theo họ Phan do một “khách làng… phở” thay mặt bà chủ còn trẻ của một tiệm phở nổi tiếng sau thời điểm (19)63 ở Saigon, có chồng chết sớm, nhưng dứt khoát không chịu đi thêm bước nữa. Mặc dù bà được rất nhiều “hào kiệt” theo đuổi! Phan Nghị viết:

“Câu đối sặc sụa mùi phở, nhưng hóc búa nhất là cụm từ ‘tái giá’, nó vừa có nghĩa là ‘đi bước nữa’ lại vừa có nghĩa là ‘phở tái giá’. Cũng như ‘da trắng vỗ bì bạch’ của bà Ðiểm đố Trạng Quỳnh vậy. Hơn ba mươi năm trôi qua, câu đối ấy hiện nay vẫn chỉ có một vế.” (Bđd.)

Tuy căn bản của thể phóng sự xã hội là “người thực, việc thực,” nhưng trong phóng sự của Phan Nghị, đôi chỗ, người đọc cũng gặp được những mô tả rất tượng hình, như đoạn văn sau đây, khi ông viết về ông chủ một tiệm phở… chui ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội:

“Ông Bắc Hải đựng quốc lủi trong cái bong bóng trâu, giấu ở trước bụng, cái áo phủ bên ngoài. Khách nào muốn uống, giơ cái ly xây chừng ra, ông cởi khuy áo, tháo cái nút vòi bong bóng rồi xịt một phát vào ly. Rượu vừa đúng tới mép ly, không tràn ra một giọt nào. Ông bảo đó là cả một nghệ thuật, phải tập mất một tháng mới thực hiện thành công thao tác ấy…” (Bđd.)

Tôi không biết, phóng sự “Phở Sài Gòn Xưa và Nay” có phải là phóng sự sau cùng của nhà báo Phan Nghị, người sống lương thiện một đời với cây bút của mình? Nhưng kể từ 9 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2004, tức ngày 1 tháng 5 năm Giáp Thân, họ Phan đã vĩnh viễn ra đi trước sự chứng kiến của 5 người con và, một bạn cố tri: Nhà văn Văn Quang.

Ðể kết thúc bài viết này, tôi muốn mượn một đoạn văn của Văn Quang, trích từ bài viết “Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị,” (ngày 18 tháng 6 năm 2004), như nén hương truy-tưởng một nhà báo của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, không còn nữa:

“…Phan Nghị đã sống như chính những gì anh đã viết và bây giờ anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Kể từ hôm nay độc giả sẽ không còn có dịp đọc những phóng sự thời đại nóng bỏng của anh nữa.”

“Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị và tôi vẫn thấy như phút này anh đang mỉm cười, vẫy tay chào bạn bè và độc giả của mình. Tôi muốn mượn hai câu thơ của anh Mặc Thu sáng tác trước lúc lâm chung cách đây ba năm để tiễn người bạn thân thiết của tôi: ‘Vào cuộc tung hoành không biết mỏi / ra đi thanh thản tựa như về’.”

Du Tử Lê,

(17-5-2011)

Chú thích:

(1) “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan gồm 4 quyển; riêng quyển thứ tư, có hai tập Thượng và Hạ. Trọn bộ 5 tập do nhà Thăng Long xuất bản tại Saigon, 1960. Theo tác phẩm này thì, nhà văn Tam Lang / Vũ Ðình Chí nổi tiếng với phóng sự “Tôi kéo xe.” Vũ Trọng Phụng (Thiên Hư) nổi tiếng với những phóng sự như “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”… trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết. Trọng Lang / Trần Tán Thuật nổi tiếng với phóng sự “Trong làng chạy” (viết về thế giới kẻ cắp ở Hà Nội khoảng giữa thập niên (19)30…

(2) Sđd., trang 557.

(3) Ký giả Phan Nghị tên thật là Phan Văn Nghị, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1925 tại Hà Nội. Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 2006, tại Saigon, hưởng thọ 81 tuổi.

Nguồn:dutule.com

………………………………………………………………………………….

1.Thơ Du Tử Lê-2.Mandalay-trang Kinh Phật giáo Miến Điện(TN Thắng/NV)3.Nước sông Seine dâng cao ..(NV)
1.Bản tin về Tuyển tập Tùy Bút Du Tử Lê-2.Duy nhất,một ngọn cờ Tổ Quốc(DTL)3.Phan Lạc Phúc-Nhớ NC Đàm-Trần Cao Lĩnh-4.
1.Nhạc sĩ N.T Cang-t.t và hết(DTL)2.’Đất nước mình ngộ quá..(TT Lam)3.Biểu tình vì môi trường..(RFA)4.Nỗi đau của cá..(BBC)
1.Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang-Bài 2(DTL)*-2.Kỷ niệm về Nguyên Sa(DTL)3.Hề Charlot-
1.Nhạc sĩ Lê Hựu Hà-Bài 2(DTL)2.Những con sông tràn ngập bèo và rác(RFA)3.Chè xanh, thuốc lào ở Hà Nội(NV)
1.Nhạc sĩ Lê Hựu Hà-Bài 1(DTL)*2.Cuba:Nhạc Rock,cánh cửa..(RFI)3…Biểu tượng chim Đại bàng –
1.Họa sĩ Phạm Tăng-bài 1&2(DTL)2.Đọc Đặng Phú Phong với Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật(VB)3.DTL giới thiệu sách mới của ĐP Phong
1.Du Tử Lê: Nhà văn Vũ Thư Hiên-Kỳ 1 đến kỳ 5(dutule.com)2.Tân TT Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải ỏ Biển Đông–
1.Chúc mừng Giáng Sinh 2015-Năm mới 2016-2.Hang đá Bê-Lem-3.Mùa lễ lạt-4.Con đường của Chúa ..
1.Happy Thanksgiving 2015-(NN)2.Mùa thu của ‘Bản Tình ca Mùa Đông'(TN Thắng)3.Văn Quang:Bây giờ là mùa thu,tôi đi tìm dĩ vãng ..

………………………………………………………………………….

Văn Học Nghệ Thuật | Một Bài Thơ Cũ

BÀNG BÁ LÂN – Chưa Bao Giờ Thương Thế
Nguồn:dutule.com-(06/06/2016 03:37 PM) (Xem: 109)
Tác giả : Bàng Bá Lân (Hình:Wikipedia)

Bàng Bá Lân (17/12/1912-20/10/1988) tên thật là Nguyễn Xuân Lân, là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Ông người làng Đôn Thư (tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), nhưng sinh ra ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Năm 1916-1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1920-1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu. Năm 1929-1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên “Tiếng thông reo”.
Trước 1945 ông có: Tiếng thông reo (1934), Xưa (in chung với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939-1945).

Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956), Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957). Năm 1969, xuất bản các tập truyện: “Người vợ câm”, “Vực xoáy”, “Gàn bát sách” (phiếm luận) và tập thơ “Vào thu”. Ông cũng cho in hai quyển sách “Kỷ niệm văn”, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san “Bông lúa” vào thập niên 1950 ở Sài Gòn. Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm “Kỷ niệm văn”, “Thi sĩ hiện đại” quyển 3, hồi ký “Trọn đời cho thơ” (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân “Anh em Lumière”, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v…

Chưa Bao Giờ Thương Thế

Ðời ta bao lần dại,
Chỉ vì nhiều tự áị
Ðòi hỏi nơi người tình
Một lòng yêu băng trinh.

Em yêu ta đã rõ,
Còn thử thách hoài hoài.
Năm với năm là mười,
Vẫn chưa cho là đủ!

Hơn một chút là giận,
Chưa chi đã vội hờn.
Ðể làm em đau buồn,
Không tiếc lời cay đắng…

Em cắn răng chịu đựng
Phản ứng thiệt dịu dàng.
Ðược thể, ta lại càng
Làm em thêm đau khổ!

Em được gì kia chứ?
Mà phải chịu đau buồn.
Ta được gì kia chứ?
Mà làm em đau thương.

Ðêm nay em chợt ghé,
Em mở lòng cho xem:
Ôi thương em, thương em!

Chưa bao giờ thương thế!

………………………………………………………………..

Những bài thơ khác của Bàng Bá Lân (Sưu tầm trên Net)

Cổng làng

Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.

Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở. Ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.

Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.

Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.

Ngày mùa lúa chín thơm đưa…,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng xuân ngày hội cổng làng,
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.

Bàng Bá Lân

…………………………………………………………………………………

Tịch Mịch

Lửa hè đốt bụi
tre vàng,
Trưa hè ru ngủ xóm làng say sưa.
Khóm chuối lá bơ phờ nghĩ ngợi
Rặng cau gầy nghển với trời cao
Trong nhà, ngoài ngõ quạnh hiu,
Đầu thềm con Vện thiu thiu giấc nằm.
Trong nhà lá tối tăm lặng lẽ,
Tiếng ngáy đều nhè nhẹ bay ra
Võng dây chậm
chạp khẽ đưa
Ru hai bà cháu say sưa mộng dài…
Cháu bỗng cựa, rẫy hoài khóc đói,
Tỉnh giấc mơ, bà vội hát lên:
“Ạ ơi…” mấy tiếng. Rồi im.
Nhện tường ôm trứng nằm yên mơ màng.
Ruồi bay thong thả nhẹ nhàng
Muỗi vo ve khóc bên màn thiết tha
Hơi th
ở nóng luồn qua khe liếp
Làm rùng mình mấy chiếc diềm sô.
Bụi nằm lâu chán xà nhà
Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu…

Bàng Bá Lân

……………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics