1.Pháp mừng Quốc khánh 2017 với ..(RFI)2.Cái chết của ông Lưu Hiểu Ba(RFA)3.Vuột ông Trịnh Xuân Thanh: Thách thức ..(NV)4.Mỹ ..

Pháp mừng Quốc khánh 2017 với Mỹ là khách mời danh dự
Nguồn:RFI – Trọng Nghĩa – 14-07-2017 13:51


Phi đội Thunderbirds của Mỹ trên bầu trời Paris, Pháp, ngày 14/07/2017.
Reuters

Paris hôm nay, 14/07/2017 đã tưng bừng cử hành lễ Quốc khánh với buổi duyệt binh truyền thống trên đại lộ Champs-Elysées. Đúng 100 năm sau ngày sang châu Âu tham chiến bên cạnh đồng minh trong cuộc Thế Chiến Thứ I, Mỹ đã trở thành khách mời danh dự của Pháp trong lễ kỷ niệm năm nay.

Trên khán đài danh dự ở quảng trường Concorde, Paris, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện diện bên cạnh đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron để xem duyệt binh, trong lúc một đơn vị lính Mỹ có vinh dự mở đầu đoàn quân đi xuôi từ Khải Hoàn Môn xuống Concorde, và trên bầu trời Paris, phi đội biểu diễn F-16 của Không Quân Mỹ khoe tài cùng đội Patrouille de France của Pháp.

Cuộc diễn binh năm nay quy tụ hơn 3.700 quân nhân, 211 chiếc xe đủ loại trong đó có 62 chiếc môtô, 241 con ngựa, 63 phi cơ và 29 chiếc trực thăng.

Để vinh danh nước Mỹ, một đơn vị được mệnh danh là « Sammies », tên đặt cho lính Mỹ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất, đã đi đầu đoàn diễn binh. Trước đó, cũng xẻ dọc đại lộ Champs-Elysées là phi đội 6 chiến đấu cơ F-16 Thunderbirds của Mỹ, cùng 2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor đã bay tiếp, theo sau đội bay biểu diễn Patrouille de France của Pháp.

Lần sau cùng mà một tổng thống Mỹ tham dự lễ Quốc khánh Pháp là vào năm 1989, với tổng thống Mỹ thời ấy là George H. Bush được mời đến Paris nhân kỷ niệm 200 năm Cách Mạng Pháp.

……………………………………………….

Thông điệp của thế giới và các nhà đấu tranh ở Việt Nam gửi ông Lưu Hiểu Ba
Nguồn: Cát Linh, RFA -2017-07-13


Ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Hội đồng Nobel ngồi kế tấm ảnh của ông Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 ở Oslo.
Photo by AFP

Chỉ trong vòng vài phút sau khi thế giới được tin người đoạt giải Khôi nguyên Hoà bình Lưu Hiểu Ba qua đời, hàng loạt các hãng truyền thông lớn của thế giới, và các nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến, người lên tiếng vì môi trường, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam cũng đồng loạt đăng bài viết chia sẻ về cuộc đời, cảm kích về sự nghiệp đấu tranh của ông.
Từ thế giới

    Hãy yên nghỉ, chúng tôi ở đây, và Lưu Hiểu Ba cũng ở đây với chúng tôi.
– Nghệ sĩ, nhà hoạt động nổi tiếng thế giới Ngải Vị Vị

Sau khi có tin về sự ra đi của ông Lưu Hiểu Ba, tin nhận được từ hãng thông tấn AP cho biết những người ủng hộ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc. Ông Vương Đan, một trong những người lãnh đạo phong trào phản kháng dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, kêu gọi các chính phủ và người dân trên toàn thế giới phải lên tiếng để bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba được rời Trung Quốc, nơi bà đang bị quản thúc tại gia.

Hãng thông tấn AP trích lời ông Vương viết, “Lưu Hiểu Ba, người thầy đáng kính của tôi, anh trai yêu dấu của tôi, bạn đã chịu quá nhiều khó khăn, hãy yên nghĩ.”

Thủ lĩnh phong trào dù vàng Hồng Kong, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đăng trên trang tweeter của anh lời cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp bước con đường của ông, tranh đấu cho nền dân chủ của Hồng Kong và Trung Quốc.”

Nghệ sĩ, nhà hoạt động nổi tiếng thế giới Ngải Vị Vị đã viết: “Hãy yên nghỉ, chúng tôi ở đây, và Lưu Hiểu Ba cũng ở đây với chúng tôi.”
Đến Việt Nam

Từ Việt Nam, Facebooker Ngô Thanh Tú, từ Bình Thuận viết trên trang cá nhân của ông: “Cái chết của ông Lưu làm người dân Việt Nam nhớ đến thầy giáo Đinh Đăng Định, người đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc xây dựng các nhà máy khai thác Bauxite ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Không chấp nhận tiếng nói trái chiều, nhà cầm quyến CSVN đã giam cầm thầy giáo Định trong những nhà tù khắc nghiệt nhất nhằm đè bẹp ý chí của ông.

Cũng như Lưu Hiểu Ba, bất chấp những lên án và kêu gọi thả thầy giáo Định, nhà cầm quyền CSVN quyết tâm giam cầm ông và chỉ thả khi ông mắc bịnh hiểm nghèo và chết không nhắm mắt (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) một thời gian ngắn sau đó.”

Thầy giáo, tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định cũng chính là nhân vật được nhà đấu tranh Nguyễn Chí Tuyến nhắc ngay đến khi được hỏi về ảnh hưởng của ông Lưu Hiểu Ba đối với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.


Một người dân bày tỏ thương tiếc trước di ảnh của ông Lưu Hiểu Ba. Photo by AFP

“Đối chiếu với những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ví dụ như thầy Đinh Đăng Định, thầy cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt và bỏ tù. Đến lúc thầy gần chết thì người ta mới đưa ra khỏi nhà tù, về nhà một thời gian sau thì thầy chết.

Với ông Lưu Hiểu Ba thì nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với ông cũng chả khác gì.

Thế nhưng cái nguyện vọng cuối đời của ông ấy là ông ấy nói nếu chết thì ông ấy mong muốn được chết trên một đất nước tự do, tức là ông ấy không muốn chết trên đất nước Trung Quốc, không muốn chết trên chế độ bạo tàn của Cộng sản.”

Năm 2008, ông Lưu Hiểu Ba bị giam giữ. Một năm sau ông bị kết án 11 năm tù giam vì “kích động lật đổ chính quyền” sau khi ông cho ra đời tuyên ngôn mang tên “Hiến chương 2008”, kêu gọi việc xem xét và cải cách dân chủ hệ thống chính quyền của Trung Quốc.

Năm 2010, trong lúc đang trong tù giam, ông được trao giải Nobel Hoà bình. Do ông thể tham dự, giải thưởng đã được đặt trên một chiếc ghế trống, cùng với tấm ảnh chân dung của ông được phóng lớn treo bên cạnh.

Nói về thời khắc “nhận” giải thưởng Nobel Hoà Bình của ông Lưu Hiểu Ba, ông Nguyễn Chí Tuyến liên tưởng đến ngày trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017 cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Hôm đó, bà cũng không thể có mặt vì đang bị giam giữ do bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Hình ảnh chung

Theo ông Nguyễn Chí Tuyến, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những ví dụ điển hình cho thấy sự tương đồng về cách đối xử của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến.

“Tôi nhìn qua trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba thì tôi thấy tất cả những gì của Việt Nam và Trung Quốc thì hoàn toàn không khác nhau gì mấy về tất cả thủ đoạn cũng như gọi là chiêu trò của Đảng cộng sản với người bất đồng chính kiến.”

    Tôi nhìn qua trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba thì tôi thấy tất cả những gì của Việt Nam và Trung Quốc thì hoàn toàn không khác nhau gì mấy về tất cả thủ đoạn cũng như gọi là chiêu trò của Đảng cộng sản với người bất đồng chính kiến.
– Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Đường Văn Thái, cho biết blogger Mẹ Nấm và những nhà hoạt động đấu tranh khác đang bị giam cầm trong tù chính là hình ảnh của những Lưu Hiểu Ba ở Việt Nam.

“Điều đó là điều hiển nhiên. Như vừa rồi phiên toà xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một ví dụ rất điển hình. Cách đối phó cũng như cách hành xử với nhà bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền Cộng sản thì như nhau cả thôi. Chẳng qua nó gọi là phiên bản F1, F2”

Nhà đấu tranh Trần Bang, từ Sài Gòn trả lời chúng tôi qua email cho rằng cách thức nhà nước Trung Quốc đối với ông Lưu Hiểu Ba ngay cả những ngày cuối đời không khác với phản ứng của nhà nước Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong nước.

“Đúng là có sự tương đồng giữ Trung Quốc và Việt Nam trong việc phản ứng với những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến thường liên hệ rằng “nếu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Bắc Kinh thắng lợi thì Trung Quốc đã chuyển hoá sang dân chủ như Liên Xô, Đông Âu… thì độc tài Cộng sản Việt Nam cũng đã sập.”

Còn rất nhiều những lời chia sẻ của thế giới và của người Việt Nam gửi đến ông, người Trung Quốc đoạt giải Khôi nguyên Hoà Bình vì những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ngay trên đất nước của ông. Xin mượn câu nói của chính ông Lưu Hiểu Ba: “Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết” để kết thúc cho bài viết Thông điệp của thế giới và các nhà đấu tranh ở Việt Nam gửi về ông Lưu Hiểu Ba.Thông điệp của thế giới và các nhà đấu tranh ở Việt Nam gửi ông Lưu Hiểu Ba
………………………………………………………

Vuột ông Trịnh Xuân Thanh: Thách thức chồng chất ông Nguyễn Phú Trọng

Phạm Chí Dũng
Nguồn:nguoiviet.com- July 9, 2017

Không ai có thể chắc chắn về “nhất thể hóa,” chiến dịch khổng lồ “thay máu nhân sự” của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, sẽ đạt được kết quả khả quan nào. Và cũng chẳng ai dám đoan chắc vị thế chính trị của ông tại đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 sẽ ra sao.

“Mở đường cho người ta tiến…”

Quyết tâm “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” của ông Trọng vừa được tôn tạo do một phát biểu “lạ” của chính ông: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa.”

Phát ngôn trên xuất hiện trong ngữ cảnh ông tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 23 Tháng Sáu vừa qua.

Chi tiết đáng chú ý là kể từ ngày phát lệnh “việc cần làm ngay” vào Tháng Sáu, 2016, chưa bao giờ ông Trọng lại thể hiện tâm thế “mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” – một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong chiến dịch “tìm và diệt” ông Thanh.

Vào đầu quý tư năm ngoái, ông còn rất mạnh mẽ trên mặt báo chí về “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát.” Nhưng đến cuối năm 2016, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Đông Anh, Hà Nội, ông Trọng như than thở về vụ Trịnh Xuân Thanh: “Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian.” Dù tinh thần “bắt bằng được,” “không trốn được đâu” vẫn được ông kiên định lặp đi lặp lại, nhưng lần đó ông còn thòng thêm một đoạn “nhưng phải có thời gian.”

Đến Tháng Ba, bất chợt rộ lên tin ông Thanh sắp bị dẫn độ về Việt Nam.

Khỏi phải nói, ai cũng hiểu rằng nếu ông Thanh bị cảnh sát một nước nào đó bắt giữ và áp dụng dẫn độ về Việt Nam, thì ông Trọng sẽ hởi lòng hởi dạ đến thế nào để hoàn thiện vế sau lời cảnh cáo “không trốn được đâu…” của ông trước đây.

Vụ việc “hồi hương” này – có tầm vóc không những không thua kém mà còn hơn cả vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015 – hẳn sẽ tạo nên một cơn địa chấn chính trị ở Việt Nam và khiến nhiều người phải mất ăn mất ngủ và mất mật.

Thậm chí bàn cờ chính trị quốc gia, mà phần thắng chưa biết thuộc về ai, có thể bị đảo lộn vì sự hiện diện thình lình của ông Thanh ở Việt Nam…

Những kẻ tàng hình đã ra đi

Thời gian là nhân chứng rõ ràng nhất: Gần tròn một năm từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm ra lệnh cho các cơ quan chức năng “xử” ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đã quyết tâm từ bỏ đảng để trở thành “nhà đấu tranh dân chủ” vẫn bóng chim tăm cá ở một nơi xa xôi nào đó. Thậm chí cả động tác “Bộ Công An phối hợp chặt chẽ với Interpol quốc tế để truy nã Trịnh Xuân Thanh” cũng chưa có bất kỳ hứa hẹn nào sẽ phát huy tác dụng. Mọi thứ cứ như thể bị cố trì kéo và sẽ dần nhạt nhòa theo thời gian.

Mặc dù lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh có “thâm niên” gần bằng thời gian tính từ lúc Tổng Bí Thư Trọng quyết định tham gia vào thường vụ đảng ủy công an trung ương để chỉ đạo cụ thể, cho tới nay hầu hết phát ngôn của giới quan chức có trách nhiệm, đặc biệt trong ngành công an, vẫn không lóe ra được tia sáng nào cho triển vọng đưa ông Thanh về “đoàn tụ ở quê hương.”

Vào quý tư năm 2016, thậm chí một nhân vật gạo cội của Bộ Công An là Thứ Trưởng Lê Quý Vương còn gián tiếp xác nhận khả năng ông Thanh vẫn ung dung tự tại khi trả lời báo chí “Có lẽ Trịnh Xuân Thanh cũng đang theo dõi qua mạng (về kỳ họp Quốc Hội).”

Từ đó đến nay, không chỉ ông Thanh bặt tăm mà ông Vương cũng chẳng thấy phát ngôn gì thêm.

Động tác mới đây của Bộ Công An truy nã toàn quốc ông Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc công ty cổ phần Hóa Dầu Và Xơ Sợi Dầu Khí (PVTEX), thậm chí còn cho phép bất cứ ai cũng có thể bắt ông Duy, có lẽ cũng chẳng nói lên được gì nhiều. Báo điện tử Zing đưa tin rằng, theo nguồn tin riêng của báo này, vào ngày 22 Tháng Mười, 2016, ông Duy đã xuất cảnh qua cửa khẩu Nội Bài, Hà Nội.

Cho tới nay, không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy ông Duy đang ở Việt Nam để ai cũng có thể bắt và giao nộp cho công an.

Chưa kể một nhân vật khác của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) – Lê Chung Dũng – cũng như thể tàng hình trước mũi công an.

Cứ như một trò ú tim, thi thoảng không khí rộ lên đôi chút nhưng rồi sau đó mọi chuyện lại lắng vào thinh không.

Tinh thần quyết tâm của tổng bí thư cũng bởi thế lắng dần theo ngày tháng.

Những kẻ tàng hình còn ở lại

Dù chưa chính thức thừa nhận thất bại, nhưng cái cách mà ông Trọng trần tình về ông Thanh “mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” đang phản ảnh tâm thế quá đỗi thất vọng và ngổn ngang của ông.

Nhiều khả năng là trong quá trình “xác minh làm rõ” vụ Trịnh Xuân Thanh, những người bên đảng đã đụng phải một “bức tường” ghê gớm. Tức một thế lực chính trị rất lớn, liên quan sâu đến nội bộ và cả bên đảng.

Và đến đó thì ngừng. Rút dây động rừng…

Một nguy cơ rất lớn đặt ra hiện thời là một khi đã để vuột Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng rất có thể sẽ thất bại. Dù chỉ là một quan chức nhỏ, nhưng ông Thanh lại được cho là liên quan đến nhiều quan chức cao, thậm chí nằm trong cả một đường dây quyền lực. Nếu chấp nhận để vuột Trịnh Xuân Thanh, ông Trọng sẽ đồng thời phải thừa nhận ngay bên cạnh cái ghế tổng bí thư của ông là một thế lực tàng hình đang ngạo mạn cười đắc thắng…

Để có thể dẫn tới ngay cả chủ trương “kiểm tra tài sản 1,000 quan chức” mà ông Trọng khởi xướng sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Cách nói của ông Trọng như thể vớt vát thể diện trước vụ Trịnh Xuân Thanh cũng có thể khiến dư luận chợt nhận ra rằng quyền lực của tổng bí thư lại một lần nữa có dấu hiệu suy giảm, tương tự vào thời gian quý tư năm 2016.

Sau thắng lợi lớn hạ được “thành trì” Đinh La Thăng tại Hội Nghị Trung Ương 5 vào Tháng Năm, 2017, hiện tượng đáng mổ xẻ là ông Trọng vẫn chưa “hình sự hóa” được bất kỳ đối tượng nào mà ông nhắm đến, kể cả trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương. Tương quan đối chọi trong chính trường Việt Nam cũng bởi thế lại một lần nữa rơi vào thế giằng co, bất định.

………………………………………………………………………

Mỹ Tấn Công Phủ Đầu Bắc Hàn?
Nguồn:vietbao.com- 14/07/2017

 Vi Anh

   Một cuộc thách thức của CS Bắc Hàn đầy xúc phạm đối với Mỹ. Ngay đúng vào ngày Quốc khánh của đất nước và nhân dân Mỹ, 4 tháng 7, CS Bắc Hàn phóng hoả tiễn Hwasong-14, bay trên không trung gần 40 phút, đạt độ cao 2.802 km và đi được quãng đường 933 km thì rớt. Chính “thằng nhóc phì lũ”, tên do Thượng Nghị sĩ Chủ Tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng Viện đặt cho Kim Jong-un, kẻ đã ra lịnh và thị sát tại hiện trường cuộc thử nghiệm này, mừng cười lên như điên, vinh thăng người chỉ huy cuộc thử nghiệm này. Một số chuyên viên Mỹ xác nhận đó là hoả tiễn liên lục địa tầm xa có thể mang đầu đạn, có thể phóng tới tiểu bang Alaska trên bờ Thái bình dương của Mỹ.

TT Trump của Mỹ tuyên bố đang tính tới “những điều tàn khốc” dành cho CS Bắc Hàn nhưng khẳng định sẽ không vạch “giới hạn đỏ” giống như người tiền nhiệm Barack Obama. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson quả quyết Mỹ “không bao giờ chấp nhận Triều Tiên phát triển vũ khí nguyên tử”. Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Bà Nikki Haley đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới và nói nếu Nga, Trung Quốc không ủng hộ hành động này, “chúng tôi sẽ tự làm theo cách của mình”. Liên quân Mỹ – Hàn sau đó đã tiến hành cuộc tập trận chung, phóng hàng loạt hoả tiễn ra biển Nhật Bản nhằm “gửi thông điệp cảnh cáo” tới CS Bắc Hàn.

Trung Quốc, đồng minh kinh tế chính của CS Bắc Hàn, và Nga thì kêu gọi Bắc Hàn ngưng chương trình hoả tiễn đạn đạo để đổi lấy việc ngưng các hoạt động tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Nam Hàn.

Nhật Bản hôm thứ Ba nói “những khiêu khích lặp đi lặp lại như thế này là hoàn toàn không thể chấp nhận được” và đã lên tiếng phản đối.

Tại Nam Hàn, ngày 5 tháng 7 năm 2017, Quân đoàn 8 và quân đội Nam Hàn báo động đỏ, ra lịnh cấm trại quân nhân, phối hợp mở cuộc tập trận lớn, có nữ Ngoại Trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha thị sát. Quân Đoàn 8 của Mỹ là quân đoàn 67 năm trước trong Chiến Tranh Triều Tiên đã anh dũng đánh đuổi quân Tàu, Hàn Cộng chạy dài khỏi Nam Hàn và ở lại giúp bảo vệ độc lập tự do, an ninh ổn định cho Nam Hàn tức Hàn Quốc, hiện trở thành siêu cường kinh tế hạng 5 ngang hàng với TB Cali của Mỹ.

Gần đây quân lực Mỹ điều Tướng Lương xuân Việt, sau khi vinh thăng lên Thiếu Tướng, xuất thân từ một gia đình quân đội VN Cộng Hoà, nhiều kinh nghiệm chiến tranh chống CS, được cử làm tư lịnh phó đặc trách hành quân của Quân đoàn 8, bộ tư lịnh chỉ cách CS Bắc Hàn 80 km. Quân Đoàn này mới đây cùng lực lượng bạn Nam Hàn sáng sớm ngày 5/7 diễn tập, tung một loạt hỏa tiễn chiến thuật bắn vào vùng lãnh hải biên giới phía đông Nam Hàn. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nói với các phóng viên: “Đây là một hệ thống có thể được khai triển nhanh chóng, cung cấp chính xác và cho phép liên minh Nam Hàn-Mỹ tham gia vào một loạt các mục tiêu quan trọng trong mọi điều kiện thời tiết.”

Kinh nghiệm hành quân và hiện tình căng thẳng của Mỹ với CS Bắc Hàn cho thấy, nếu Mỹ đánh CS Bắc Hàn, Mỹ sẽ tấn công phủ đầu, để làm tê liệt khả năng chiến tranh huỷ diệt của CS Bắc Hàn đối với thủ đô Seoul và đất nước Nam Hàn và một phần Nhựt, hai nước còn khoảng 100.000 binh sĩ Mỹ.

Mỹ tấn công CS Bắc Hàn trước không phải vì sợ CS Bắc Hàn dùng hoả tiễn mang đầu đạn nguyên tử phóng tới Mỹ, tiểu bang Cali hay Alaska. Chắc chắn tình báo, trinh sát, không thám Mỹ biết CS Bắc Hàn chưa có khả năng đó. Chắc chắn Bộ Quốc phòng, Quân đội Mỹ cũng đã dự trù những giàn hoả tiễn lá chắn để diệt hoả tiễn của bất cứ nước thù địch nào bắn vào nước Mỹ. Tiêu biểu như Quân đoàn 8 đang thử nghiệm xem có sơ xuất gì không, đã thấy kết quả lá chắn, phòng chống rất hữu hiệu. Và Mỹ cũng có những toạ độ mà kẻ thù đặt giàn hoả tiễn tấn công Mỹ. Cỡ CS Bắc Hàn cái miệng khoa trương ồn ào, chớ cả một hai chục năm nữa chưa chắc có khả năng phòng chống hoả tiễn liên lục địa như Mỹ.

Có người nói CS Bắc Hàn có trên một triệu quân, có rất nhiều giàn trọng pháo chĩa xuống thủ đô Seoul của Nam Hàn và các căn cứ Mỹ. Có chiến tranh xảy ra, CS Bắc Hàn sẽ trải thảm Seoul bằng trọng pháo, đó là lý do Mỹ dè dặt trong chiến tranh với CS Bắc Hàn, và đó cũng là lý do tân Tổng Thống Nam Hàn muốn hoà giải với CS Bắc Hàn.

Biện luận này do các “báo đài” của Đảng Nhà Nước CSVN một chế độ ủng hộ CS Bắc Hàn đồng chí của họ thường biện luận không tấn công CS Bắc Hàn. CSVN là chế độ thường chở hàng trăm tấn gạo cho không “đồng chí anh em Bắc Hàn” tiếng là để cứu đói cho dân nhưng thực tế là nuôi quân đội CS Bắc hàn “anh em”.

Nhưng CS nói lui mà làm bộ quên nói tới cho tròn “logic”. Khi Mỹ tấn công Saddam Hussein ở Iraq không một chiến đấu cơ nào của Không Quân Iraq lên chống đỡ. Sau này báo chí Mỹ tiết lộ vì các máy computers điều khiến truyền tin, lịnh lạc hoàn toàn bị đóng băng bởi tin tặc (?!). Mấy chục năm đã quá nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật của Mỹ là quê hương của computer và Internet và Nam Hàn là nước sản xuất những máy điện thoại di động vô cùng tiên tiến. Triệt tiêu hệ thống truyền tin quân sự của CS Bắc Hàn nếu cần phải làm, chỉ là việc dễ như ăn nhanh cái bánh mì McDonald vậy.

Và nhiều lý cho chiến lược, chiến thuật để Mỹ khi tấn công CS Bắc Hàn, Mỹ sẽ đánh phủ đầu. Chắc chắn Mỹ sẽ dập nát các cơ sở quân sự của Bắc Hàn, bằng máy bay, hoả tiễn, trọng pháo, tia laser từ ngoài biển, từ trên trời tấn công vào. Mỹ sẽ dùng hoả lực cày nát các cứ điểm chiến lược, chiến thuật, dưới hầm ngầm thì đã có bom địa chấn do một khoa học gia Mỹ gốc Việt chế, sức ép, tiếng động sẽ giết chết người ở dưới hầm sâu bằng bê tông, cốt sắt. Và triết lý dùng quân của Mỹ là không tiếc tiền vũ khí, luôn tiền pháo, cày nát trận địa mới đổ quân để ít tốn sinh mạng quân nhân rất quí.

Đừng quên rằng Mỹ đã đưa về Á châu Thái bình dương hai Hạm đội: 3 và 7. Vùng biển của CS Bắc Hàn là điểm 1 và Biển Đông VN là điểm hai. Ngoài biển của CS Bắc Hàn Mỹ có 3 hàng không mẫu hạm, cả mấy trăm chiến hạm và máy bay chiến đấu. Còn CS Bắc Hàn hầu như không quân và hải quân không đáng kể.

Vấn đề đặt ra là CS Bắc Hàn hiện có vũ khí tầm xa chưa. Một số chuyên gia tin rằng cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba cho thấy Bắc Hàn đã có một hỏa tiễn có thể đi tới tận Alaska. Tuy nhiên, hỏa tiễn đó có mang được đầu đạn nguyên tử hay không, CS Bắc Hàn có đầu đạn nguyên tử chưa vẫn là vấn đề chưa rõ đối với công luận. Nhưng tình báo Mỹ, không ảnh Mỹ có thể biết vì đó là điều quan trọng sanh tử của Mỹ.

Và sau cùng, coi như phần chắc, không như Chiến tranh Triều Tiên sau Thế Chiến 2, nếu Mỹ đánh CS Bắc Hàn Nga và TC sẽ không có quyền lợi thiết thực gì để tham chiến, nhảy vào giúp CS Bắc Hàn.

Trung Quốc, đồng minh kinh tế chính của Bình Nhưỡng, và Nga đã kêu gọi Bắc Hàn ngưng chương trình tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc ngưng các hoạt động tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Nam Hàn. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G-20 đã diễn ra tại Đức hôm 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý cần phải ngưng cả chương trình hoả tiễn nguyên tử quy mô lớn của Triều Tiên lẫn các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.

Còn TT Trump thì bất mãn Chủ Tịch TC đã không áp lực CS Bắc Hàn ngưng thử nghiệm như đã thoả hiệp./.(VA)

………………………………………………………….</

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics