1.Phía bên kia những bài thơ 'cà rỡn' của Nguyễn Bắc Sơn(DTL/NV)-2.Sự im lặng ngọt ngào-3.Tiếng ve mùa cũ(Sean Bảo/VB)-

Phía bên kia những bài thơ ‘cà rỡn’ của Nguyễn Bắc Sơn
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, May 23, 2014

Du Tử Lê

N B Son

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn . (Hình: antgct.cand.cọmvn)

Cuối thập niên 1960s, một tiếng thơ lạ, bất ngờ xuất hiện, tạo được sự chú ý của nhiều độc giả ở miền Nam, khởi đầu từ giới trẻ. Những người phải nhập ngũ vì lệnh tổng động viên mới, do chiến tranh leo thang, tới hồi khốc liệt. Ðó là tiếng thơ Nguyễn Bắc Sơn.

Những xao động, như một trận bão trong tách trà và, những xốn xang như những câu hỏi lớn về ý nghĩa chiến tranh? Sự sống và lẽ chết của con người, tựa con tin trong bàn tay lạnh lùng của thảm kịch? Không lâu sau, tiếng thơ họ Nguyễn nhận được sự chú ý đặc biệt giới cầm bút, dù đứng phía nào nơi quảng trường bom/đạn.

Nhiều thành phần, nhiều lớp độc giả bị xao động và, xốn xang bởi thơ Nguyễn Bắc Sơn, không phải vì thơ họ Nguyễn mang đến cho sinh hoạt văn chương miền Nam thuở đó, những cách tân mới mẻ! Chúng cũng không hề là những mũi khoan tiền phong khai quật một mỏ quặng triết lý nhân sinh khẩn, thiết! Mà chúng chỉ là những bài thơ tác giả cố tình tự lố bịch hóa mình, lố bịch hóa đời thường của mình, trên phông cảnh chiến tranh sống/chết vô nghĩa:

“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui.”

Hoặc:

“Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sông
Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.”

Hoặc nữa:

“Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan…”

Nhưng mặt khác của chủ tâm lố bịch hóa sinh hoạt hàng ngày của mình, tiếng thơ họ Nguyễn cũng có tác dụng lột trần phần nào những lý tưởng kiên cưỡng được những người có mưu đồ, chụp chiếc mũ đầy mầu sắc rực rỡ ý nghĩa cho chiến tranh. Sự lộ bịch hóa chiến tranh của ông, đồng nghĩa với sự lố bịch hóa tất cả những hô hoán, chiêng trống ồn ào ở hai lằn ranh Quốc/Cộng:

“Vì sao ta đến đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng

Vì sao người đến đây làm giặc
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Ðưa đẩy ngươi trong cát bụi mù”

Hoặc:

“Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi.”

Và, khi họ Nguyễn gom một số bài thơ để in trong tập “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” (CTVN & T) thì dư luận lập tức vạch một lần ranh bênh/chống quyết liệt. (1)

Theo một bài viết của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên thì:

“…Hai mươi bảy bài thơ phơi trải trong Chiến Tranh Việt Nam… Tôi đã được đón nhận (thời đó) bằng những thái độ khác nhau: Các nhà làm chính trị và đạo đức giả cầy gọi thơ Nguyễn Bắc Sơn là ‘con sâu bệnh hoạn’, là ‘phản chiến, khiếp nhược’, các em tiểu thư khuê các vừa nhắm mắt vừa đọc, vừa thè lưỡi rụt đầu vừa run bần bật những khoái cảm sũng nước. Và chỉ có những kẻ bị xô đẩy vào chốn ‘du côn, du đãng’ mới đồng cảm được tiếng thơ bi hài lồng lộng bão cát, chói chang lửa đỏ và dầm dề mưa lũ…” (2)

Nhưng ngược lại, thi phẩm của tác giả những bài thơ cố tình lố bịch hóa mình, diễu cợt mọi sự việc chung quanh đời thường của mình, trên phông cảnh chiến tranh sống/chết vô nghĩa kia, cũng được nhiều cây bút tên tuổi ngợi ca. Nhà văn Chu Tử, trong một bài viết về thơ Nguyễn Bắc Sơn trên tuần báo Ðời số 9, đề tháng 11 năm 1969, viết:

“(Thơ Nguyễn Bắc Sơn) có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang, đánh giặc không lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi, thương xót kẻ thù như ruột thịt…” (3)

Hoặc nhà văn Doãn Quốc Sỹ, trên tạp chí Văn số 185, đề ngày 1 tháng 9, 1971:

“…Ðọc thơ Nguyễn Bắc Sơn tôi có liên tưởng đến tiếng thơ Quang Dũng trong bài ‘Tây Tiến’, chỉ khác thơ Quang Dũng là kết tinh của một hoàn cảnh bi hùng, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn là kết tinh một hoàn cảnh bi hài.” (4)

Riêng nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, trong bài viết của mình, đã ghi xuống những cảm nghĩ ông, sau nhiều chục năm đọc lại thi phẩm “CTVN & T” của Nguyễn Bắc Sơn, như sau:

“…Những tra khảo tâm óc dường như chưa hề có câu trả lời, không thể trả lời nổi, để cuối cùng phó mặc mọi sự đẩy đưa. Mặc kệ tất. Thằng nào giương cao ngọn cờ cứ giương, đứa nào hò hét cứ hò hét, cứ xông tới và trốn chạy, xông tới và ngã xuống, chiến thắng và bại trận. Tất cả đan chéo vào nhau như đường gươm ma thuật của phái Bạch Mi. Riêng ta bỏ tuốt cái phía trước và phía sau, bỏ cái quyền uy và khuất phục để làm một kẻ lãng đãng khói sương trong khói lửa mịt mùng, kinh lợm:

“Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo”

“Không lạ, không xa mà cũng chẳng nhọc nhằn lý giải theo phép biện chứng khi mà guồng máy xay thịt cứ nghiền nát từng cánh tay, bàn chân, thân thể con người. Những công dân, những đồng bào, họ không bao giờ muốn thân xác mình biến thành món thịt băm; họ đâu muốn bắn giết nhau. Chỉ có các ngài chính trị lợi dụng sự cả tin, phều ra chút nước bọt để tranh giành quyền lợi cá nhân theo mộng tranh bá đồ vương, nên ‘lúc này đây ta không thèm đánh giặc’. Ta ‘không thèm đánh giặc’ bởi trong đầu óc ta luôn nghĩ:

“Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi… (5)

Du Tử Lê
(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:

(1) “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn, xuất bản lần đầu năm 1972.

(2): Nguyễn Lệ Uyên: “Nguyễn Bắc Sơn người thọc chân vào làng thơ như một kẻ ‘du côn chữ nghĩa’ và tiếng thơ bi hài.” Nguồn “vanchuongplus.”

(3), (4), (5) Trích Nguyễn Lệ Uyên, nđd.

…………………………………………………….

FW: SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO, một đoản văn hay cho cuối tuần…

Mời đọc một truyện ngọt ngào..
dq

SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược Khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa của thành phố NewYork để trở về nhà.
Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà đúng 7 giờ để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ theo truyền thống của gia đình họ. Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đang đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để giao lưu với nhau.
Wendy hiểu được thuật ngữ ra dấu bằng tay vì trong những năm đầu đại học cô đã tình nguyện làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật nên cô đã học được cách ra dấu tay để trò truyện với những người câm điếc.
Vốn tính chịu khó học hỏi, Wendy đã khá thông thạo thuật ngữ này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm xe, Wendy đã “nghe lóm” được câu chuyện của hai người.
Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì “trả lời” là anh không biết nơi chốn đó. Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực này nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái.
Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay để “nói” trong câu chuyện của họ.
Khi xe lửa đến trạm thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi địa chỉ email cho nhau.
Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò chuyện dùng tin nhắn của điện thoại di động rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau.
Chàng trai kia tên là Jack và cô gái tên là Debbie.
Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập khẩu và ở cách nhà Wendy không xa .
Từ những tin nhắn điện thoại, email thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai dần dần tiến đến chổ trở thành bạn thân lúc nào không hay.
Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong công viên nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghỉ ngơi.
Tuy phải ra dấu để trò chuyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện mà cô lại có dịp trau dồi “thủ thuật” để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn. Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu “I Love You” thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.
Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào chatroom đấu láo với bạn bè, mỗi khi Wendy đặt câu hỏi “Bạn có thể có tình yêu với một người câm điếc hay không?” thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát.
Điều này đã khiến cho Wendy bị dày vò không ít.
Vào dịp lễ Tạ ơn năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu: “Wendy có chịu làm bạn gái của mình không?” Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc nhưng sau đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong nội tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân.
Quả nhiên cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái “lầm đường lạc lối” trở về.
Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ có vận động tới để làm thuyết khách.
Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack, cô còn cho mọi người biết là thái độ lạc quan, đầu óc thực tế, tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi hơn những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.
Gia đình sau khi nghe giải bày đã không còn quá khắc khe phê bình, mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người.
Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12 sau khi mọi người đã hưởng được một đêm Giáng sinh bình yên cho tâm tư lắng đọng. Wendy đã có quyết định trong đầu, nếu như cha mẹ, anh chị của cô có những cử chỉ, hành động khinh miệt Jack thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để nhờ sự gia ơn và chúc lành của Thiên chúa. Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack, anh mỉm cười ra dấu cho cô:
– Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.
Đó là lần đầu tiên trong đời cô sinh viên trường dược rơi những giọt lệ cảm động,vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:
– Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà con thường nhắc đến.
Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh.
Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bổng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ miệng của Jack:
-Trời đất, em biết nói à ?
Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.
Mọi người ngoài cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

……………………………….

Tiếng Ve Mùa Cũ
Nguồn:vietbao.com-22/05/2014

Sean Bảo

Mua cu.jpg1

Hình ảnh Thiếu nữ và tiếng ve mùa cũ.

Tuổi thơ của tôi cũng như bạn đã từng đi qua những mùa hè nóng bỏng râm ran tiếng ve sầu. Tiếng ve âm vang trong lớp học với hoa phượng đỏ tràn đầy ngoài song cửa. Và những câu thơ ngụ ngôn của La Fontaine:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con…

Đó là một trong những bài học ấu thơ khuyên nhủ tuổi học trò chăm chỉ học hành cần mẩn như kiến, đừng lo ca hát chơi bời say sưa như ve. Để ngày sau đông giá hối tiếc…

Nơi tôi và bạn ở, đâu đâu cũng có ve khi hè về. Nhưng trong những ngôi nhà vườn, những vòm cây cao, những con đường ngập lá cỏ thì tiếng ve ra rả và thênh thang hơn suốt ngày. Những tiếng ve ấy lại càng âm vang xa và nhiều hơn khi cất lên trong mấy ngả tường thành, trong mấy vòm cổng nội phủ…Khi hoa phượng đỏ bắt đầu nở rộ, khi sen mặt hồ bắt đầu thoáng hương, những trái nhản lồng chín vàng trên cây và tiếng trống trường tưởng chừng như sắp lắng. Thì vang lên trong không gian ngập sắc màu và hương thơm cây trái ấy là tiếng ve. Lúc nhè nhẹ, lúc hân hoan, lúc thét gào…một khúc giao hưởng ngày hè.

Những tiếng ve ngày hè rộn ràng, háo hức và lấp lánh màu nắng vui, không như tiếng ve đêm. Bởi ve thường hát khi tìm bạn trong ánh ngày. Chỉ có những chú ve cô đơn xấu trai, kém tài và thiếu may mắn còn nỉ non trong đêm tối. Những tiếng ve đêm hè thật buồn cứ rơi chập chờn trong vườn đêm, lúc nhặt lúc thưa. Như muộn màng trách nhau những thủy chung tình ái. Rồi yên ắng chìm sâu trong bóng đêm mùa hạ tưởng chừng như an phận. Giấc ngủ đến với những ước mơ đời vui chợt bị đánh thức khuấy động bởi tiếng ve, nhiều lúc thảng thốt nghe như tiếng rao đêm của những mảnh đời nghèo khó, chân đất trên muôn ngõ vắng thôi còn xôn xao. Những tiếng ve đêm tưởng chừng như tiếng thở dài của lòng, khi thao thức nằm trăn trở chờ sáng…

Bọn trẻ ngày ấy không có nhiều trò chơi và thú giải trí gì cho ngày hè ngoài những trận đá banh chân đất, nướng cám vò đất sét đi câu cá tràu, trèo cây hái trái phượng ăn và đi câu ve bằng cần tre có dính chút nhựa mít đầu ngọn. Những con ve đực nằm yên trong vòm lá, kêu inh ỏi bạn tình mà không hề lưu ý đến những cần tre nhỏ dính keo vào cánh từ những chú bé nghịch ngợm.

Cuộc đời của ve thật nhiều điều kỳ thú và mang đầy triết lý. Điểm đặc thù là chu kỳ sống có một không hai của chúng. Ve nằm lặng lẽ dưới mặt đất trong nhiều năm liền (từ 3 đến 17 năm tùy loài). Đến một ngày đầu hè ấu trùng trồi lên mặt đất, leo lên cây, lột vỏ nhộng “kim thiền thoát xác” hong khô đôi cánh cứng và…ca hát. Sau khi tìm được bạn tình, yêu thương, đẻ trứng trên cành lá. Hai tháng hè ngắn ngủi yêu thương rồi chết, trứng trưởng thành rớt vào lòng đất, nằm kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm nữa để làm lại một đời ca hát.

Có lẽ hình tượng hóa thân từ trứng – ấu trùng – đến một đôi cánh đẹp; từ nhiều năm ẩn dật náu thân trong lòng đất, trước khi đến với đời sống ngắn ngủi, rồi ra đi để lại một tiếng vọng mùa hè âm vang; tiếng ve sầu là nguồn thi hứng cho đời. Bàng bạc nhiều nhất trong những vần thơ Haiku Nhật Bản. Hảy nghe những câu thơ của Basho, thấm đượm mùi thiền. Khi lạc quan yêu đời thì tiếng ve cứ hồn nhiên giửa mùa hè ngắn ngủi, chẳng có vẻ gì sắp chết:

Cicadas singing
No sign
of dying soon.
.
Ve sầu ca hát miên man.
Sá gì cái chết, màng chi cuối hè

Khi lắng đọng nội tâm, chỉ một tiếng ve sầu cô đơn, như nỗi lặng thinh đơn côi, thấm sâu vào đá tảng. Thật trầm sâu triết lý như một công án thiền:

Lonely silence
a single cicada’s cry
sinking into stone.
.
Ôi trong tỉnh lặng sa mù
Tiếng ve chìm lắng sâu vào đá xưa

Đó là những tiếng ve đơn độc. Khi ve cùng cất tiếng râm ran thì âm thanh như tiếng bè trầm, rồi dần lên cao, lên cao và trải dài miên man như không dứt như tiếng đại hùng chung.

Temple bell
also sounds like it is
cicada’s voice
.
Lặng nghe một tiếng chuông chùa
Âm vang như thể lời ve nguyện cầu

Hay như tiếng ve chiều hôm nắng quái, thổn thức một hiện hữu giữa muôn trùng đại ngã, nơi chênh vênh đầu vực, cuối ghềnh đời của nhà thơ Maeda Fura:

The dawn cicada
makes itself heard
at this cape
.
Con ve chiều lên tiếng
mủi đất biển nơi này
Tiếng ve hay tiếng sóng
đánh thức một đời say

Và thảng thốt như trong xa xăm phôi pha, chợt vắng tiếng ve nỉ non, một thời reo vui như tình, trong thơ của Ishida Hakyo:

Utterly distant
when this one oil cicada
stops its cries
.
Từ em xa cách tột cùng
Khi ve thôi đã khóc cùng chia ly

Người Nhật với nghệ thuật bonsai và haiku đã cho thấy sự đam mê và tỉnh thức trong từng nhánh cây, ngọn cỏ, hòn sỏi đến tiếng ve. Ngôn ngử Nhật dành biết bao nhiêu từ cho ve: Hatsuzemi là con ve đầu tiên cất tiếng ca, Semishigure là tiếng ve như mưa rào, Aburazemi là tiếng ve reo như dầu sôi, Kumazemi là tiếng ve ồn ào ra rả, Oshizemi là ve cái không tiếng kêu và Utsusemi là cái vỏ không khi ve lột xác…

Chu kỳ đời sống đặc thù của kiếp ve sầu cũng làm nên những câu chuyện cổ kỳ thú ở Hy Lạp: Rằng có một chàng trai tên là Eunomos, đánh đàn cithara (loại đàn cổ giống đàn lyre, tiền thân của đàn guitar) Trong một cuộc thi âm nhạc, vừa khi chàng bật âm cao cuối cùng để kết thúc giai điệu tuyệt vời thì dây đàn cithara đứt. Thần kỳ thay một chú ve sầu bay vào đậu trên cây đàn và hát thay cung bật. Eunomos thắng cuộc thi đó! Tiếng ve tượng trưng cho âm nhạc.

Cũng trong truyền thuyết Hy Lạp xưa, theo Plato thì nhà triết gia Socrates ngồi dưới gốc cây ven sông một chiều hạ, đàm đạo cùng người học trò Phaedrus (nghỉa là sáng suốt) trên cao tiếng ve hát râm ran. Socrates bảo Phaedrus đừng bao giờ xao lảng và buồn ngủ, hãy bàn đến những vấn đề minh triết. (Bởi theo Socrates đời sống có 4 đặc ân làm con người say đắm: lẽ tiên tri ngày mai – Sự giải thoát ràng buột hiện tại – Thi ca và Tình Ái.) Những chú ve vừa ca hát vừa lắng nghe những đàm thoại của họ. Sau đó bay về trình báo điều lành với những nàng Thơ Muse. Socrates bảo rằng từ trước khi những vị thần thi ca Muses ra đời, thì những con ve mang hình hài người. Khi âm nhạc đến trong đời, những con người (mang kiếp ve sầu) này say đắm ca nhạc. Họ cống hiến một đời ca hát đến quên ăn quên uống, đến thân xác tan biến. Những vị thần Muses thưởng cho những con người này hóa thành ve, cất tiếng ca miên trùng, được ca hát nỉ non mà không màng ăn uống nghỉ ngơi. Hát ca từ khi chào đời đến khi lìa trần, chỉ đôi lần thấm giọng bằng những hạt sương non, ve là hóa thân của thi ca và đời sống khắc kỷ của người thi sĩ.

We know that you are royally blest Cicada. When among the tree-tops, you sip some dew and sing your song; for every single thing is yours.

(Scratching the 17-year Poetic Itch. Mười bảy năm nôn nao – bài thơ cổ khiếm danh thế kỷ thứ 5)

Sau khi hóa thân vươn đôi cánh mềm, hong khô và mãnh liệt ca hát, ve sầu để lại chiếc vỏ khô mang dấu tích của một quá khứ trầm tư đầy hoài cảm. Như câu thơ của Stuart Dybek:

Chiếc vỏ của một con ve bám vào màn cửa là tất cả những gì còn sót lại từ bài ca chói chang rộn rã đêm qua. (Mùa thu nhiệt đới.)

Tiếng ve sầu miên man trở về hoài niệm những tháng năm xưa quê nhà. Có nghe lòng rung rung giọt sầu khi nhớ về kỷ niệm ấu thơ.

Nhà anh đầu suối
Nhà em cuối dòng
Suối có một lòng
Sao tình đôi ngả
Kể từ mùa hạ
Tê tái ve sầu
Đêm thắp đèn dầu
Chúng mình ngồi học
Giờ anh đi đâu
Chong đèn, em khóc
(Chong đèn. Phạm Thiên Thư)

Tê tái tiếng ve như tiếng lòng là vậy. Bởi tiếng ve làm khuấy động một khung trời ngày thơ, một mùa hè chia ly khi cùng chung nhau một đời suối, mà tình trôi mấy ngả… của một nhà thơ làm ngất ngây đời – đạo. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ một nỗi hờn của cỏi lòng người cư sỹ khi tự tình:

Còn nghe được tiếng ve sầu
Còn yêu đốm lửa đêm sâu bập bùng
Quê người trên đỉnh Trường Sơn
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu (Tự Tình. Tuệ Sỹ).

Nhìn kiếp ve sầu không khỏi chạnh lòng nhớ đến kiếp người. Nếu có 17 năm nằm thao thức trong lòng đất, thì một chiều hôm đầu hạ, có chú ve non oằn mình vươn ra thân xác hẹp, thoát thai hóa thân làm đôi cánh phù vân. Rồi cất tiếng ca đồng vọng chỉ trong hai tháng hè ngắn ngủi. Hỏi sao lòng không bùi ngùi, thơ không ngừng rơi và nhạc không ngơi bay? Tiếng ve đó dù đơn côi lẻ loi cũng đủ làm đau một phiến đá, làm trở mình một con sóng đầu ghềnh, làm nối lại một cung tơ đành đoạn và làm minh triết một tỉnh thức kiếp người. Như tiếng đại hồng chung âm vang trong đêm hè vô minh.

Và tiếng ve đó ở trời Tây biêng biếc hay trời Đông mênh mang, có một giây phút thực tại khi lòng chùng xuống một hoài niệm ngàn trùng. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi như một sát na. Chỉ một tiếng ve nức nở của đầu hè háo hức hay nuối tiếc tâm khảm. Thì tiếng ve đó đủ làm xao động một bờ vai gầy nặng trỉu những mê hoan:

Hôm nay chợt nhớ thương người.
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.
(Trần Dạ Từ)

Bây giờ là tháng Năm, chắc phượng đã thắm nơi quê cũ cùng tiếng ve miên man. Những cậu bé mười sáu, mười bảy tuổi thôi còn đi bắt ve sầu. Những cô bé tóc thề nay đã biết buồn vân vê tà áo học và bắt đầu lo âu về ngày mai bất toàn. Mười bảy năm niên thiếu có chuẩn bị gì cho đời những hân hoan? Mười bảy tuổi hoa niên qua đi ngắn ngủi như mười bảy âm vận trong bài thơ haiku. Kiêu sa mà đầy vọng động, thiết tha như mười bảy năm ve nằm trong lòng đất.

Mười bảy năm mê muội
trong lòng đất ăn năn.
Một đêm hè trở giấc
thoát thai cánh ve sầu.
Uống giọt sương của lá,
hát một mùa phiêu du.
Lại về trong lòng đất.
Tiếng ve vọng thiên thu (SB)

Như tiếng âm vang trong lòng cũ. Một trưa đầu hạ ở xứ người. Có câu thơ vụng về năm chữ. Rơi xuống thềm hoang một phận người. Cũng mong như tiếng ve sầu kêu vang giửa tháng năm mùa hè, đủ đánh thức một chút hiện hửu nhỏ nhoi trong kiếp mù sa luân hồi tội nghiệp.

Sean Bảo. Tháng Năm, 2014

…………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics