1.Quỳnh Giao hát,viết như đi tìm chân dung mình qua học thuật..(DTL)2.Tạp ghi Quỳnh Giao-3.PG Cổn,từ âm nhạc tới Hoàng Hạc(DTL)

Quỳnh Giao hát,viết như đi tìm chân dung mình qua học thuật .

Du Tử Lê

Nguồn:Các bài viết dưới đây được trích đăng từ :”Sơ Lược 40 Năm VHNT Việt-1975-2015-Quyển 2-Tác giả Du Tử Lê .

anh QG con be.jpg1

Nữ ca sĩ Quỳnh Giao 5 tuổi(Hình Quỳnh Giao)

Tôi, nhiều lần được thấy chị bước ra sân khấu, dịu dàng với nụ cười trẻ thơ, đứng giữa một Mai Hương, đằm thắm, một Kim Tước trầm, tịnh – Hợp ca, những ca khúc được coi là bất tử của nền tân nhạc Việt Nam, trên, dưới năm mươi năm.

Tôi, nhiều lần được thấy chị khoan thai bước tới, ngồi xuống chiếc dương cầm, đơn ca, những ca khúc, tự thân vốn đòi hỏi nơi người thưởng ngoạn một trình độ, một cảm quan không phổ thông, đại chúng.hát,viết- Du Tử Lê- Tạp ghi-Phạm Gia Cổn-Hoàng Hạc

Tôi nhiều lần được nghe tiếng hát chị thao thiết, chênh vênh trên những nát tan; sâu, kín nơi những nồng nàn tình khúc, thất lạc.

Đó là những lúc tôi một mình, với đĩa nhạc, với tiếng hát sang cả, lênh đênh niềm xa, vắng của chị.

Đó là những lúc, không một hình ảnh cụ thể nào của chị diễn ra trước mắt tôi. Nhưng chẳng vì thế mà, tôi không thể hình dung chị.

Trong đời thường, tôi không có cơ hội giao tiếp quá nhiều với chị, để mọi nét đặc thù của một nhân dáng, một dung nhan, trở thành nhàm, nhạt.

Trong đời thường, tôi cũng không có quá ít cơ hội tiếp xúc với chị, để ở mức độ chẳng một ngưng đọng nào, khắc, rạch đậm nét trong tôi.

Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi sáng, thả bước chân đầu ngày trên đường phố Saigòn.

Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi trưa, rừng, cây, Hoa Thịnh Đốn.

Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi tối, ngọn đèn, quây quần, tình thân, California.

Hình ảnh nào, nơi người nữ, mang tên Quỳnh Giao, (vừa kể,) nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, với tôi, vẫn là hình ảnh gần xa, bước ra từ âm nhạc.

Tôi muốn gọi, đó là hình ảnh của một Quỳnh Giao, nhạc sĩ…

Hình ảnh nào, nơi người nữ, mang tên Quỳnh Giao, (vừa kể,) từ rất sớm, đã có lấy cho riêng mình, một thổ ngơi, một phong cách, với tôi, cũng vẫn là hình ảnh gần xa, bước ra từ dương cầm, từ tiếng hát.

Tôi muốn gọi, đó là hình ảnh của một Quỳnh Giao, ca sĩ.

Nhưng, tôi thực sự bất lực. Tôi thực sự không thể hình dung, lúc một Quỳnh Giao nhạc sĩ, bước tới (và,) ngồi xuống, bàn viết.

Tôi không thể hình dung, hình ảnh chị, khi cúi xuống, những trang văn xuôi, truyện ngắn…

Tôi không thể hình dung, chị với những đoạn văn, viết về thảm kịch của sự bất phân chia giữa thân, tâm một nghệ sĩ; giữa tài năng và diện mạo: Hai mặt đối nghịch của đồng xu số kiếp!

Nhưng tôi cảm nhận được cái sóng sánh đến muốn trào, lăn của những rung cảm thầm kín nơi một Quỳnh Giao, nhà văn, qua văn xuôi.

Quỳnh Giao không chỉ hát như một ca sĩ đã thành danh, (mà,) Quỳnh Giao còn hát, như nhà văn đi tìm chân dung và, linh hồn mình, qua thi, ca, nữa.

Du Tử Lê
2005

=======

Tạp ghi Quỳnh Giao:

Chiều Vàng với Tôn Thất Niệm

Sinh thời, nhà văn Mai Thảo rất trọng nghề văn và những người sống vì văn chương, báo chí. Nhưng cũng vì thế mà ông lại thiếu kiên nhẫn với những người giàu có, như y sĩ, lâu lâu viết văn một cách tài tử mà cũng tự xưng là nhà văn. Ông không coi họ là nhà văn, hoặc nói theo lối xưa, nhất định không ngồi chung chiếu!

Vậy mà con người khắt khe ấy lại rất thích nghe Luật Sư Khuất Duy Trác hát nhạc của Cung Thúc Tiến, chuyên viên Bộ Kinh Tế của Sàigòn thời xưa! Với Mai Thảo, cái nghiệp cầm ca có được trường hợp giảm khinh, và một chiếu riêng trên lãnh vực nghệ thuật!

Thật ra, Duy Trác đã lẫy lừng là một ca sĩ trước khi trở thành luật sư và nổi tiếng hơn nữa vì hát một cách tài tử. Ông thích thì hát, để làm hài lòng chính mình, và chọn bài hát với mỹ quan của một người trí thức.

Trong giới y sĩ, một trường hợp tương tự và có lẽ đầu tiên là của Thu Hà.

Thu Hà bước vào nhạc từ khi còn là sinh viên y khoa, với kỹ thuật rất gần với một danh ca là Châu Hà, trầm ấm và tròn trịa. Hát cùng thời và thân thiết với Tuyết Hằng, một giọng nữ rất đẹp được Hoàng Thi Thơ mời hát giọng chính trong các vở nhạc kịch, Thu Hà tiếp tục lên sân khấu sau khi tốt nghiệp bác sĩ. Ban ngày là lương y như từ mẫu, ban đêm, Thu Hà đội khăn mặc áo gấm hát giữ bè cho ban tam ca Ðông Phương tại Ðêm Màu Hồng.

Người nghe thường hiểu lầm về các ca sĩ hát bè phụ. Trong ban tam ca Ðông Phương, Thu Hà và Tuyết Hằng giữ bè phụ cho Hồng Vân hát giọng chính vì hai người rất giỏi về nhạc lý, cùng học nhạc pháp ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, và hát có kỹ thuật hơn. Hoài Bắc Phạm Ðình Chương cũng hát bè phụ cho người anh là Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long chính là vì ông giỏi về kỹ thuật và là cái hồn nhạc của ban hợp ca danh tiếng này. Cần nhắc lại như vậy cho công bằng khi nhớ đến Thu Hà và Tuyết Hằng của mấy chục năm về trước, và những người hát bè phụ.

Có một giọng nam trong ngành y khoa cũng nổi tiếng trước khi trở thành bác sĩ là Trung Chỉnh, tiếng hát lừng danh trên truyền hình Sàigòn cùng với Hoàng Oanh, khi Sàigòn bắt đầu có Ti-vi. Trẻ trung và tươi vui trong các bài song ca với Hoàng Oanh về đời lính và cô em hậu phương, Trung Chỉnh hát rất rõ lời và được mọi giới yêu chuộng.

Ðó là về những giọng ca bác sĩ trước 1975.

Ra tới hải ngoại, chúng ta có trường hợp của Bích Liên.

Giới yêu nhạc biết tới giọng ca Bích Liên trước khi để ý tới Bác Sĩ Bích Liên, một giọng ca đầy kỹ thuật của người có rèn luyện thanh nhạc. Y như Duy Trác, Bích Liên hát cho nghệ thuật hơn là thị hiếu của đám đông nên chọn bài rất kỹ, rất kén người nghe, với sự điêu luyện rất độc đáo.

Cũng trong giới y khoa, Hà Thúc Như Hỷ là một bác sĩ chuyên nghiệp có giọng ca trầm ấm và làn hơi phong phú. Nhưng ông không hát thường xuyên và cất tiếng hát là khiến bằng hữu sững sờ, vui thích. Nhiều người trong ngành y khoa có giọng ca rất đạt, hát còn vững hơn những ca sĩ chuyên nghiệp, như trường hợp của hai chị em Ngọc Sương và Như An. Hoặc giọng “bass” rất trầm của Bác Sĩ Vũ Duy Hiển, êm nhẹ và tình cảm như Vương Ðức Hậu, trầm ấm như Phạm Gia Nghị.

Ðấy là những người hành nghề y khoa nhưng yêu nhạc và hát cho nghệ thuật hơn là một cách sinh nhai. Nếu chú ý, chúng ta cảm được nhiều điều hay và đẹp về nhạc. Quần chúng nghe nhạc của họ cũng thuộc thành phần biết nghe, và biết thưởng thức bằng tai hơn là bằng mắt.

Trong thế giới ấy, có một người lại đi ngược với mọi người. Là ca sĩ trước khi thành bác sĩ, và khi trở thành lương y thì lại ra khỏi làn sóng nhạc.

Ðó là Tôn Thất Niệm.

Ông đi hát và nổi tiếng đã từ lâu lắm rồi, từ đài phát thanh Huế rồi vào Sàigòn với đài Pháp Á, hát cùng Minh Trang – thân mẫu của người viết. Ông cũng có thời gian đã hát tại đài phát thanh Ðà Lạt. Nhớ lại về nghệ thuật và âm sắc, Tôn Thất Niệm là giọng ca độc đáo ở giữa hai danh ca Anh Ngọc và Duy Trác.

Giọng Tôn Thất Niệm “trong” và “dày” hơn giọng Duy Trác. Vì trong hơn nên có nét láy thật ý nhị, dịu dàng, nhưng vì dày hơn nên cũng có chất “trượng phu” rất đặc biệt của Anh Ngọc. Thời xưa, khi làng tân nhạc còn váng vất với những tiếng hát Quách Ðàm, Ngọc Bảo của Hà Nội, Anh Ngọc, Tôn Thất Niệm và Duy Trác đã đem lại một thế giới âm thanh khác, đàn ông hơn, thanh lịch hơn. Và Sàigòn văn minh hơn.

Hơn hẳn sau này…

Thời gian qua đã quá lâu, những đĩa nhạc “33 tours” đã là dư âm thời cũ. Nếu còn nhớ lại, người nghe phải nhắc mãi đến Ðêm Tàn Bến Ngự hay Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước qua tiếng hát Minh Trang. Và không thể quên được Chiều Vàng, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay hay Tiếng Chuông Chiều Thu với tiếng hát Tôn Thất Niệm.

Ðấy là những đỉnh cao giờ này ít nam ca sĩ nào vươn tới.

Cứ nói về nghệ thuật diễn đạt thì lại nhớ đến cách Tôn Thất Niệm dẫn vào Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, một tuyệt chiêu. Kể từ đấy, thấy ánh chiều vàng là người ta nhớ đến Tôn Thất Niệm:

Trên đồi xanh, chiều đã xuống dần

Mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng…!

Hoặc lúc nhấn giọng để vào điệp khúc của Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Ðoàn Chuẩn:

Gửi gió cho mây ngàn bay,

Gửi bướm đa tình về hoa.

Gửi thêm ánh trăng, màu xanh ái ân

Về đây với Thu trần gian…

Cũng như câu kết trong Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ:

Chuông reo mùa nắng mới, tình ta đẹp bao nhiêu

Lòng anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều (u ù)…

Ðấy là giọng ca ấm áp, dịu dàng, tình tứ, nghe mãi không chán. Tôn Thất Niệm có cách luyến láy rất khác người, mềm mại mà không ẻo lả, tình tứ mà không say đắm. Rất chừng mực. Nếu đã được nghe, và còn nhớ, chúng ta sẽ thấy là chưa ai hát ba ca khúc ấy tuyệt vời hơn Tôn Thất Niệm!

Ngày xưa, Tôn Thất Niệm cùng Minh Trang là đôi song ca nổi tiếng. Người viết xưng hô là “cậu Niệm” và được ông từ tốn kể lại rằng mình chỉ biết hát chứ còn kém về nhạc lý nên thường nhờ mẹ giữ nhịp cho chắc. Hai người đã song ca bài Bến Cũ của Anh Việt rất được yêu thích và vẫn còn được nhắc nhở như một chuẩn mực của thời trước!

Tôn Thất Niệm cũng kể lại “sự nghiệp quốc tế” của hai người khi Bến Cũ đã vang vọng tại Manila của Phi Luật Tân trong một tuần lễ văn hóa. Hai nghệ sĩ của Việt Nam hát “quện” đến nỗi thiên hạ (thiên hạ đây là người Phi!) tưởng là đôi uyên ương, dù Minh Trang lớn hơn cả chục tuổi. Người xưa kể lại rằng thời đó Tôn Thất Niệm đẹp trai lắm, hát rất hay nên dĩ nhiên là có nhiều cô ái mộ. Nhưng cậu Niệm chỉ mê mợ thôi, một người đẹp trong gia đình Nguyễn Tường.

Vì vậy mà đại đăng khoa xong là tiểu đăng khoa, và Bác Sĩ Tôn Thất Niệm xuất hiện thì tiếng hát Tôn Thất Niệm cũng dứt ngang, ở lúc sung mãn nhất.

Cách đây khá lâu, trong một “ngày Hoàng Tộc”, khán giả tại California bỗng được thấy một chiều đông Hà Nội qua bài Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ. Quỳnh Giao và Tôn Thất Niệm song ca! Hai thế hệ trong một ca khúc thuộc loại trữ tình nhất của Việt Nam. Giọng Tôn Thất Niệm vẫn thanh lịch ấm áp, hơi ngân dài và chuỗi ngân rất dày và chắc. Ðấy là một cách diễn tả nghệ thuật nhất của một ca khúc nghệ thuật tuyệt đẹp.

Cũng vì vậy mà người viết mới đề nghị Tôn Thất Niệm cùng thực hiện lại bài này trong đĩa nhạc Ngàn Thu Áo Tím. Ông nhận lời như một cách ghi lại giọng ca của mình. Sau cùng lại do dự, và thôi! Cách hòa âm và lối hát với một dàn nhạc thời bây giờ khiến ông ngần ngại. Quỳnh Giao mời Anh Dũng hát chung và quả nhiên là ca khúc đem lại thành công, nhưng chúng ta vẫn tiếc là không còn được nghe lối trình bày thật trân trọng và lãng mạn của Tôn Thất Niệm.

Chúng ta không thiếu bác sĩ. Nhưng vẫn tiếc sự trân quý nghệ thuật của những người biết hát vào một thời đã qua… và đang dần tắt như trong một buổi chiều vàng.

…………………………………

Tân nhạc Việt Nam sau di cư và trước di tản *

Quỳnh Giao

Danh ca QG 1

Người Việt lãng mạn của chúng ta thường bị giằng xé với hai giấc mơ tương phản.

Sống tại vùng chật hẹp với giang hồ sông nước là sự cách trở, chúng ta mơ chân trời xa lạ “như lũ chim quyết tung trời mây”… Và dù có gặp “biển hồ mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp,” chúng ta vẫn “thề quyết ra đi từ đây.” Nhạc sĩ Lâm Tuyền ghi lại cho tiềm thức chung cái giấc mơ đó.

Thế rồi, khi đã toại lòng với “bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà, nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời,” thì cũng chính tâm hồn lãng mạn ấy hát khúc ngày về. Giấc mơ hồi hương là phần tương phản của cái chí tung hoành đi tìm đất lạ.

Nếu đọc lại nhiều bài viết của Vũ Hoàng Chương thì có thể mường tượng ra giấc mơ giang hồ đó. Nó trải rộng trong hồn thơ chứ vẫn thu hẹp vào khoảnh đất nhỏ xíu. Từ Nam Ðịnh đến Hà Nội đã là một phiêu lưu. Lên tới núi rừng Việt Bắc thì đấy là cõi bạt ngàn!…

Quỳnh Giao nhắc lại Lâm Tuyền hay Vũ Hoàng Chương vì nhớ tuổi ấu thơ thao thức của mình khi sắp được đi Vũng Tầu! Lên tới Ðà Lạt thì đã tựa như vào Thiên Thai trong cổ tích….

Thế rồi một biến cố đã giập giấc mơ vào thực tại. Với nhiều người thì đấy là cơn ác mộng.

Hiệp định Genève năm 1954 chia đất nước ra hai vùng giới tuyến làm nhiều người phải giang hồ thật! Phong trào di cư từ Bắc vào Nam là biến cố lớn lao nhất thế kỷ, cho đến ngày có cuộc di tản năm 1975 và sau đó.

Nền tân nhạc cải cách Việt Nam xuất phát đầu tiên từ trong Nam vào quãng 1938-1940. Rồi bùng phát và trưởng thành là ở ngoài Bắc trong thời kỳ 1945-1954. Ðấy là giai đoạn hào hùng mà lãng mạn với rất nhiều ca khúc trữ tình. Rồi cuộc di cư 54 là một giao động lớn trong thế giới tân nhạc ấy…..

Chúng ta có những nhà soạn nhạc đã thành danh ở miền Bắc. Phần lớn trong số này cũng là nhạc công, là nhạc sĩ trình diễn chuyên nghiệp với một hay nhiều nhạc cụ. Những người vào Nam từ trước chỉ là một thiểu số hiếm hoi. Sớm nhất thì có Lê Thương từ năm 1941, trễ hơn chục năm thì có Phạm Duy và Phạm Ðình Chương trong “gia đình Thăng Long.”

Phong trào di cư từ 1954 mới xô đẩy đa số còn lại vào Nam và làm thay đổi không khí tân nhạc.

Các nhạc sĩ tên tuổi từ miền Bắc có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngọc Bích, Hoàng Trọng và Vũ Thành. Những nhạc sĩ kế tiếp nổi danh như cồn ở trong Nam thì có Ðan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Cung Tiến. Phải gõ chữ vân vân vì nhiều lắm. Những người còn ở lại miền Bắc, như Văn Cao, Hoàng Giác, Hoàng Phú, Tô Vũ hay Ðoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý thì hết viết… như cũ.

Nhớ lại chuyện 60 năm trước, chúng ta tự hỏi là lớp nhạc sĩ di cư đã sáng tác những gì sau đó?

Trong mọi cơn chấn động bàng hoàng, con người chúng ta chỉ là lũ trẻ thơ. Hãy nhìn bầy trẻ khi chúng hãi sợ, hoặc gặp điều phật ý mà khó hiểu. Có những đứa thì hờn lẫy giẫy giụa, nhưng cũng có đứa lặng người không thể gào khóc. Còn gào thét là còn tin rằng ai đó sẽ phải lo cho mình, chứ nếu lặng người nín thinh thì đấy là lúc đứa trẻ bần thần tuyệt vọng nhất. Sau cơn chấn động như 1954 hay 1975, chúng ta đều lặng người trong tê tái.

Nhưng các nhạc sĩ của chúng ta lại khác bầy trẻ. Họ không nín lặng mà khóc bằng nhạc.

Cảm hứng viết nhạc hoài hương có sẵn trong tâm khảm đã từ biến cố 54 đưa tới nhiều ca khúc về cố hương. Không kể những bài đã có từ trước như “Ôi Quê Xưa” của Dương Thiệu Tước, “Tình Hoài Hương” của Phạm Duy hay “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, chúng ta nhớ lại “Khóc Biệt Kinh Kỳ” và “Bên Bờ Ðại Dương” của Hoàng Trọng, “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ, “Bóng Quê Xưa” của Nhật Bằng và “Tìm Về Bến Xưa” hay “Thanh Bình Ca” của Nguyễn Hiền, v.v….

Ðan Thọ và Nguyễn Hiền là hai nhạc sĩ có nhiều tác phẩm về nỗi hoài niệm quê hương đã mất kể từ thời 54.
Ngày nay, Ðan Thọ vẫn còn và có lẽ không quên sự thổn thức của 60 năm trước.

Ngồi nhớ và nghe lại thì sau biến cố Genève 54, các nhạc sĩ của chúng ta còn bị giằng xé theo một cách khác. Nhiều người vẫn tin vào một ngày trở về.

“Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành là tác phẩm đẹp nhất của đề tài này. Ngoài lời một được gợi lên từ một bài thơ, lời hai của chính tác giả trong điệp khúc có âm điệu khải hoàn ca: “ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang” vì đấy là lúc giấc mơ đã thành, là “cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương.”…

Người khác thì khám phá và hát mừng sự bao la choáng ngợp của miền đất mới.

Vào Nam từ trước, Phạm Ðình Chương sớm ngợi ca miền Nam đôn hậu từ hình ảnh Cửu Long của trường ca Hội Trùng Dương. Rồi qua năm 1955, ông chấm nơi này là “Ðất Lành” và hát về mối tình Nam-Bắc một nhà: “Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa. Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. Ðồi nương thương sức cần lao, se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu”…

Cũng trong dòng nhạc đó, trường ca “Con Ðường Cái Quan” do Phạm Duy thai nghén từ năm 54 tại Paris và hoàn thành về sau ở trong Nam đã có những giai điệu “tốt tươi” nhất – chữ “tốt tươi” là của ông – là từ đoạn 16 trở về sau, khi chàng lữ khách mơ giấc hải hồ vào tới trong Nam!

Trong số nhạc sĩ di cư, Hoàng Trọng nổi danh từ đất Nam Ðịnh với nhiều ca khúc luyến nhớ. Sau khi vào Nam, từ “Mộng Ngày Hồi Hương” năm 1956, ông hòa vào niềm vui mới qua bài “Ðẹp Mùa Yên Vui” sáng tác năm 1958 với lời từ của Hồ Ðình Phương: “Miền Nam mưa nắng giao hòa, Câu hát câu hò say trời quê đẹp như gấm hoa…”

Sự giằng xé dễ hiểu mà đáng thương của người viết nhạc diễn tả tâm tình day dứt của chúng ta giữa cái cũ đã mất và cái mới đã thành đời sống thật.

Ngồi hát lại trong tâm tưởng, “Con Ðường Cái Quan” đã từ đoạn Cửu Long Giang mà hò “Về Miền Nam” và dẫn tới đoạn kết là “Ðường Ði Ðã Tới.” “Về Miền Nam” cũng là tên ca khúc của Trọng Khương. Chúng ta không đi nữa mà về. Thâm tâm hát mừng như vậy thật, chứ không vì sự tuyên truyền của loại nhạc cổ động, mà dẫu gì thì hai miền vẫn chung một đất nước.

Rồi thời gian và sự tự do của miền Nam hàn gắn tất cả và dẫn tân nhạc qua một thế giới khác lạ.

Sau khi đất nước chia đôi, trong số đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ di cư vào Nam có nhiều nhạc công cự phách. Nhạc khúc mới và cách trình diễn tân kỳ thổi gió mới vào nhạc qua đài phát thanh, phần phụ diễn văn nghệ của phim chiếu bóng rồi đại nhạc hội và phòng trà hay khiêu vũ trường…

Khác bộ môn văn chương là nơi mà lối viết của dân miền Nam làm phong thái chân phương của nhà văn miền Bắc trở thành sống động hơn, với những đối thoại rất gần với thực tế ngoài đời, bộ môn tân nhạc ở miền Nam lại tiếp nhận tính chất trang nhã nhiều khi cầu kỳ của ca nhạc sĩ di cư từ miền Bắc. Nghệ sĩ di cư như Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Anh Ngọc cùng các ban nhạc và lối hòa âm đã thật sự làm tân nhạc miền Nam đổi khác. Từ đó, các nhạc sĩ trong Nam không còn viết như trước nữa, nhiều ca sĩ cũng trình bày theo giọng Bắc.

Sau đấy còn có sự đóng góp của đông đảo thi sĩ di cư từ miền Bắc, và cả các nhà thơ tòng quân nhập ngũ, khiến nghệ thuật phổ thơ vào nhạc còn đem lại một phong thái khác hẳn cái thời mà chúng ta gọi là “tiền chiến.”

Cũng từ đấy, người nghe khó phân biệt được sáng tác Y Vân, Nguyễn Văn Ðông, Lê Dinh, Minh Kỳ hay Lam Phương với ca khúc của nhạc sĩ di cư đất Bắc. Nếu có khác thì đấy là giữa thể loại ca khúc của thành phố thanh bình, có men rượu, khói thuốc và cả một chút Paris, với nhạc chân quê hay nhạc của người lính thời chiến.

Cho đến khi Nam Bắc thật sự là một nhà, và khi nền tân nhạc hết phân biệt hậu phương hay tiền tuyến thì chúng ta gặp cuộc đổi đời thứ hai, biến cố 1975. Lần này cũng vẫn phong ba giông tố, nhưng không là một nơi chốn mới của quê hương mà là một sự giã biệt bi thảm hơn. Sang năm, chúng ta sẽ viết lại chuyện này….

***

Từ nhiều tháng nay, người viết ngồi dưỡng bệnh bằng nhạc, cho đến khi tòa soạn Người Việt yêu cầu một bài đặc biệt về tân nhạc trong và sau biến cố 54.

Không vì “yêu sách” của tờ báo mà vì yêu nhạc, Quỳnh Giao cố gõ lại trí nhớ mà gửi độc giả bài này, với một kết luận là sự tri ân của một người đã nghe và hát: “Nền tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất, và đáng nhớ nhất vì còn được hát ngày nay, là ở miền Nam, trong giai đoạn 1954-1975. Trước đấy thì chưa có và sau đó thì không còn…”

==

* Bài này là “tạp ghi” cuối cùng của Quỳnh Giao, viết trong nhiều ngày và hoàn tất ngày 14 Tháng Bảy . Xin ghi vào đây như một kỷ niệm …Được đăng bởi Nguyễn Xuân Nghĩa .( nguồn: Wikipedia – Mở)

……………………………………………………………………………………..

Phạm Gia Cổn, từ Âm Nhạc tới Hoàng Hạc

Du Tử Lê

Không cần phải đi ngược về thời tiền chiến, đã quá xa, chỉ cần nhìn vào thực trạng của sinh hoạt văn học, nghệ thuật trong vòng vài chục năm qua, ta sẽ thấy từ hải ngoại tới trong nước, mức độ lạm phát nhà văn, nhà thơ, thậm chí ở cả lãnh vực ca nhạc, trình diễn, phát thanh, truyền hình…đã đạt tới “đỉnh điểm”!

Theo một số nhà quan sát thì, có nhiều lý do để giải thực hiện tượng “quá tải”, tới chỗ bát nháo này! Những nhà quan sát này thấy ra một số yếu tố đáng kể sau đây:

-Thứ nhất, lãnh vực in ấn đã tiến những bước rất xa, như thể nơi chân nó, có đôi hia bảy dậm vậy. Gần đây, kỹ thuật photocopy còn tiến xa hơn nữa, khi chỉ cần có một chiếc máy nhỏ, gọn, cũng đã đủ để sản xuất mỗi ngày hàng chục cuốn thơ hay tập truyện, đầy đủ mầu sắc…

– Thứ nhì, tiến bộ và tiện nghi ấn loát này, đã làm cho giá thành của một cuốn sách chỉ bằng ½ hay 1/3 so với trước đây.

– Thứ đến, những tuần báo, nguyệt san, “diễn đàn” đủ loại, cộng với các loại “đài” phát thanh, truyền hình “số” như nấm mọc sau mưa, đã dẫn tới tình trạng cần nhiều nhà báo, nhà dịch tin, nhà “lay out” cũng như xướng ngôn viên…, nói chung là số lượng “văn nghệ sĩ”, cũng leo thang theo… nhu cầu!

– Lại nữa, khi những bộ máy Karaoke trở thành phổ cập với giá bán vừa túi tiền mọi gia đình, số lượng “ca sĩ nghiệp dư” cũng trở thành hiện tượng “đại trà”. Khoảng cách từ một “ca sĩ karaoke” tới một “nhạc sĩ không biết một note” cũng có nhiều “đột biến”.

bs P G Con

Trong quá khứ, một nhạc sĩ lão thành từng kể với tôi nghe, ông nhận được khá nhiều đề nghị nhờ ông viết xuống thành một bản nhạc, căn cứ vào “bài hát” đã được thu vào cassette của ông A, ông B, hay bà C., với thù lao do chính vị nhạc sĩ lão thành kia, ấn định.

Sau đấy, “nhạc sĩ không biết một note” thuê ca sĩ thu âm bài hát. Khi đủ 10 bài hay nhiều hơn, ông / bà ta sẽ cho sang thành cassette (sau này là cd), để phổ biến, hoặc ra mắt…

Thực trạng ấy, đưa đến hiện tượng có những “văn nghệ sĩ” làm chủ nhiều hơn một… “nhà”. Thí dụ, cùng lúc ông / bà ta có thể là “nhà thơ, nhà văn. “Hoành tráng” hơn, có người còn kiêm thêm nhiều “nhà” nữa. Như nhà “nhạc”, “nhà” ca sĩ, “nhà” báo, “nhà” phát thanh, “nhà” “MC”, vân vân…

Tuy nhiên, trong thực tế, dù ở đâu, tôi nghĩ, chúng ta cũng vẫn có những cá nhân thật sự xuất sắc. Những cá nhân này, được tập thể nhìn nhận cùng một lúc, nhiều tư cách khác nhau, với tất cả nể trọng.

Điển hình, trường hợp của bác sĩ, giáo sư, võ sư, nhạc sĩ Phạm Gia Cổn. Lại nữa, trong khoảng gần mười năm qua, họ Phạm còn được nhìn nhận là người khai sáng môn Thể dục Khí công Hoàng Hạc, ở miền nam California.

*

Tôi biết suốt 30 năm trong ban giảng huấn của Đại học UCLA, Bs Phạm Gia Cổn luôn chú ý đến vấn đề giáo dục Y đức và Văn hóa Việt, để các bác sĩ ngoại quốc dễ thông cảm khi săn sóc các bệnh nhân Việt Nam.

Phải chăng, vì thế mà họ Phạm đã được bầu chọn là “Teacher of the Year” liên tiếp 2 năm? (1)

Tôi không biết Võ sư Phạm Gia Cổn, với đệ cửu huyền đai Hapkido, đệ bát huyền đai Tae Kwon Do; chưởng mốn kế thừa Thất Sơn Thiếu Lâm, đã đào tạo bao nhiêu môn sinh, bao nhiêu võ sư bộ môn Hapkido? Nhưng với hơn nửa thế kỷ truyền dạy võ thuật, Bs Phạm Gia Cổn luôn chú trọng vấn đề giáo dục Võ-hạnh và Võ-đạo.

Tôi không biết và cũng không thấy cần thiết phải hỏi họ Phạm, bắt nguồn từ động lực sâu xa nào, khiến ông đứng ra thành lập ban nhạc Star Band, với sự tham dự của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, cũng như thuộc 20 năm tân nhạc miền Nam. Star Band của ông đã trình diễn khắp nơi, với những thành tựu và, những lời khen tặng chân, quý mà, ông là người chơi Saxophone trong ban nhạc này.

Về sáng tác ca khúc, hiện tại, trên trang mạng “dactrung” còn lưu trữ một số ca khúc do ông sáng tác. (2)

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Phương Anh của đài RFA, hồi tháng 6 năm 2006, đề cập tới ba lãnh vực Y, Võ, Nhạc, họ Phạm nói:

“Vấn đề y võ nhạc áp dụng trong đời sống là phối hợp 3 chuyện đó để nó phục vụ cho đời sống con người, vì con người cần phải khoẻ mạnh, từ tinh thần cho đến thể chất, võ sẽ làm chuyện đó, âm nhạc cũng là một loại làm cho mình relax.

“Bây giờ, y khoa đã dùng âm nhạc để chữa bệnh. Nếu mình phối hợp được cả ba, thì đời sống của mình sẽ khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần cho đến thể chất cho chính từng cá nhân. Trong một xã hội mà đều có những người có sức khoẻ và tinh thần tốt thì nó sẽ tạo cho một xã hội tôi gọi là ‘thiên hạ bình’. Đó là cái mục đích mà tôi nghĩ rằng y võ học áp dụng thực tế vào trong xã hội con người.” (3)

Tôi cũng không biết có phải khởi đi từ quan niệm “Bây giờ, y khoa đã dùng âm nhạc để chữa bệnh. Nếu mình phối hợp được cả ba, thì đời sống của mình sẽ khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần cho đến thể chất cho chính từng cá nhân…” hay không (?) Mà, năm 2007, Giáo sư, Võ sư, Nhạc sĩ Phạm Gia Cổn đã sáng lập môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc – – Một môn tập phối hợp Y, Võ, để phục vụ sức khỏe con con người, bao gồm “Tinh thần, thể chất và xã hội.

“Hoàng Hạc Khí Công”, đem lại đời sống “khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần” cho hàng ngàn môn sinh của ông nhiều nơi trên thế giới.

Chúng tôi xin dùng trích đoạn dưới đây trong bài viết tựa đề “Tính thiền trong Hoàng Hạc” của HH Kiều Hạnh, tiêu biểu cho thành qủa cụ thể và, lòng biết ơn của một môn sinh Hoàng Hạc:

“… ‘Bấm, Vòng, Vươn, Buông’ là 4 căn bản của Hoàng Hạc. Tôi thích nhất chữ ‘buông’ của Hoàng Hạc. Thầy (Bs Phạm Gia Cổn) dặn, khi buông thì buông cho hết, thả lỏng vai ra, nhẹ nhàng và tĩnh lặng.
“Tôi tập Hoàng Hạc đã 3 năm. Hàng ngày tập, như tập thể dục. Cho đến một ngày, một buổi sáng sớm, 6 giờ sáng tại nơi tôi làm việc, chưa ai vào cả, chung quanh tôi thật tĩnh lặng, tôi mang 7 thế ra nhẹ nhàng phe phẩy, và rồi hơi ngạc nhiên khi phát hiện ra một điều: tôi bỗng nhận được những cảm giác tương tự như những lúc tôi đang trong thiền. Tôi tập thiền được 5, 7 năm, chỉ cốt để cho mình được thanh thản, được buông bỏ những xáo trộn chung quanh mình. Những lúc ngồi vào thiền, tôi thường nhận được những cảm giác thật nhẹ nhàng, thật tinh tế, như những hạt bụi rón rén, lăn tăn đi nhẹ chung quanh vùng đầu, và trên thân thể… Sáng hôm đó, tôi bỗng nhận ra những cảm giác đó len lén đi nhẹ qua đầu, ngang qua vai, thoảng qua cánh tay, và đi đến những ngón tay, những cảm giác nhẹ nhàng và êm ái. Chung quanh tôi là một sự tĩnh lặng và buông bỏ…”
.

Trước tình cảnh lạm phát… “nhà”, sự có mặt của Bs Phạm Gia Cổn, với những đóng góp của ông ở nhiều lãnh vực, cho tập thể Việt quê người, với tôi, là một đóng góp rất đáng kể vậy. (4).

Du Tử Lê

(Garden Grove, Apr. 2015)
_________

Chú thích:

(1) Để được theo học với giáo sư BS Phạm Gia Cổn, sinh viên phải là những người đã tốt nghiệp bác sĩ tổng quát.
(2) Đó là các ca khúc “Hẹn ước”, phổ thơ Phan Xuân Hiệp, “Một ngày mũ đỏ, một đời mũ đỏ”, phổ thơ Hà Huyền Chi và, “Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong”, phổ thơ Du Tử Lê.
(3) Nguồn Wikipedia.
(4) Tưởng cũng nên nói thêm: Trước biến cố tháng 4-1975, họ Phạm là một trong những bác sĩ quân y vào sinh ra tử của Sư đoàn Nhảy Dù / QLVNCH cũ. Ở hải ngoại, ông cũng từng đắc cử chức vụ Chủ tịch ban Chấp hành Trung ương Gia đình Mũ Đỏ VN; chủ tịch Hội Y sĩ VN tại Hoa Kỳ…

……………………………………………………………………..

 

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics