1-Sẽ có dân cử gốc Việt trong TV California(VOA)-2.P.C. Dũng:VN-Mỹ lộ dần những tín hiệu mới(RFI)3.Cựu TT Bush'Cha'…4.Tin VN-TQ-

Sẽ có dân cử gốc Việt trong Thượng viện California

Bùi Văn Phú

Nguồn:VOA- 09.06.2014

dan cu.jpg1
Nghị viên Kansen Chu mặc khăn đóng áo dài tham dự sinh hoạt Tết của người Việt ở San Jose.

­Kết quả bầu cử sơ bộ ngày 3/6 ở California đã đem đến những buồn vui cho ứng viên gốc Việt tại tiểu bang có đông đồng hương nhất ở Mỹ.

Quan niệm “người Việt bầu cho người Việt” không nhất thiết đem lại những thắng lợi cho ứng viên gốc Việt vì cử tri nói chung đa số chọn người đại diện phản ánh được quyền lợi, tâm tư và nguyện vọng của họ. Những yếu tố mầu da, chủng tộc hay tôn giáo chỉ là phụ.

Tại Quận Cam, luật sư Trần Thái Văn tranh chức ủy viên Hội đồng thuế tiểu bang đã chỉ đạt 9% số phiếu, về thứ 4 trong số 6 ứng viên nên không được vào vòng nhì trong kỳ bầu cử tháng 11 tới. Tuy cựu Dân biểu tiểu bang Văn Trần là đảng viên Cộng hòa nhưng số phiếu ông đạt được thua xa một ứng viên đồng đảng về nhất là Diane L. Harkey, với 34%.

Với sáu năm tại Hạ viện tiểu bang và sau lần tranh cử đối đầu với Dân biểu đương nhiệm Loretta Sanchez của đảng Dân chủ, luật sư Văn vẫn chưa tạo được uy tín trong đảng Cộng hòa và với cử tri Quận Cam, nơi được gọi là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ.

GSV Janet Nguyen

Trong khi đó, tin vui đến với cộng đồng là sự kiện Giám sát viên đương nhiệm Janet Nguyễn, tranh cử vào Thượng viện tiểu bang, Khu vực 34 đã về nhất với 52% số phiếu. Đối thủ về nhì là cựu Dân biểu tiểu bang Jose Solorio đạt 34%.

Bà Janet là ứng viên đảng Cộng hòa, ông Solorio là người đảng Dân chủ, trong khi một ứng viên Cộng hòa khác và cũng là gốc Việt, ông Long Phạm được 14%. Với kết quả như thế, có thể tiên đoán khá chắc chắn là vào tháng 11 tới đây Janet Nguyễn sẽ được bầu chọn vào Thượng viện tiểu bang California.

Với Janet Nguyễn trong cơ quan Lập pháp California, tiếng nói của người Việt sẽ có sức mạnh, nhất là những vấn đề liên quan đến tự do, nhân quyền tại Việt Nam vì bà đã luôn sát cánh cùng cộng đồng trong các sinh hoạt đấu tranh, từ ủng hộ Little Saigon ở San Jose, biểu tình chống Nguyễn Minh Triết ở Dana Point đến phản đối kết nghĩa Irvine với Nha Trang.

Cũng tại Quận Cam, Hugh Nguyễn tái trúng cử vẻ vang chức chánh Lục sự quận hạt với 60% số phiếu. Không thành công là Bob Vu, về chót trong số ba ứng viên tranh chức Ủy viên giáo dục Học khu Irvine.

Từ miền bắc California, tin vui đến với cựu Thẩm phán di trú Phan Quang Tuệ khi ông đạt kết quả về nhì trong số 6 ứng viên tranh chức Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Khu vực 11. Ông được đảng Cộng hòa tiến cử và đạt 28% số phiếu, trong khi ứng viên đảng Dân chủ Mark DeSaulnier về nhất với 59%. Cuộc chạy đua vòng nhì vào tháng 11 sẽ là một con giốc cao đối với ứng viên Phan Quang Tuệ trong vùng đất của đảng Dân chủ.

Tại San Jose, phó Thị trưởng Madison Nguyễn và những người ủng hộ đã không vui với kết quả không đủ mạnh để đưa bà vào chung kết. Bà đạt 21% số phiếu, đứng thứ ba sau các ứng viên Dave Cortese đạt 34% và Sam Liccardo 25%.

Madison Nguyễn thua vì mất sự ủng hộ của một số cử tri gốc Việt sau khi bà từ chối chọn tên Little Saigon cho khu thương mại người Việt mà hệ lụy kéo dài từ năm 2008 đến nay.

Trước khi xảy ra vụ việc Little Saigon, trong kỳ bầu chọn đầu tiên năm 2005 bà đạt 63% số phiếu. Sau đó, qua bầu cử bãi nhiệm tháng 3/2009 bà được 55% phiếu và bầu cử nhiệm kỳ hai tháng 6/2010 bà không thắng ngay vòng đầu như các ứng viên đương nhiệm mà phải qua vòng nhì để đạt 54%.

Sự thất bại của Madison Nguyễn trong kỳ bầu cử vừa qua coi như tạm chấm dứt một thập niên bà tham gia chính trường với nhiều cam go, thử thách cùng thành bại.

Nếu không xảy ra vụ việc Little Saigon thì Madison Nguyễn đã có cơ hội rất tốt để vào vòng nhì trong cuộc tranh cử chức thị truởng. Vì bướng bỉnh hay vì nguyên do thầm kín nào đó thì đây là một bài học cay đắng cho riêng Madison Nguyễn và cũng là điều để những ứng viên chú ý nếu muốn có sự ủng hộ của cử tri gốc Việt.

Ứng viên Sam Liccardo lúc đầu ủng hộ tên Saigon Business District, theo đề nghị của bà Madison, nhưng sau thấy sự quyết liệt phản đối của nhiều cư dân gốc Việt nên ông đã nhanh chóng chuyển sang ủng hộ Little Saigon. Rất quan tâm đến cử tri Việt nên trong những tuần cuối của cuộc vận động ông đã vận động cộng đồng, cùng một số đại diện ký văn bản ghi nhớ về những gì ông hứa sẽ giúp người Việt một khi trở thành thị trưởng.

Về nhất trong kỳ bầu sơ bộ là giám sát viên Dave Cortese, một người bạn thân thiết với cộng đồng Việt từ những ngày ông còn là nghị viên thành phố San Jose. Ông ủng hộ khu phố Little Saigon từ đầu và cũng đã đích thân vào nhà tù thăm Lý Tống khi ông này bị bắt giam vì xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Đến tháng 11 tới đây, dù Dave Cortese hay Sam Liccardo thắng cử thì tân thị trưởng của San Jose sẽ quan tâm đến nguyện vọng của người Việt hơn. Ngoài các nhu cầu chính như công việc, thương mại, nhà ở, an ninh, các dịch vụ xã hội y tế giáo dục, người Việt còn muốn thấy vườn văn hoá Việt được hoàn thành, có trung tâm sinh hoạt cộng đồng, có tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ và muốn San Jose có những chính sách liên quan đến việc quan chức, cán bộ cộng sản Việt Nam ghé thăm.

Kết quả bầu cử 3/6 ở San Jose còn đem tin vui đến cho ứng viên hội đồng thành phố, Khu vực 7 là luật sư Nguyễn Tâm về nhất với 33% số phiếu. Vào tháng 11, ông sẽ đối đầu với ứng viên gốc Mỹ La tinh là Maya Esparza về nhì với 28%.

Tại Khu vực 7, cùng ra tranh chức nghị viên còn có hai ứng viên gốc Việt khác là Vân Lê đạt 26% và Bửu Thái 13%. Nếu cả hai đồng lòng ủng hộ luật sư Tâm trong kỳ bầu cử tháng 11 thì chắc chắn sẽ lại có một dân cử gốc Việt trong Hội đồng thành phố.

Nhìn đến những người bạn của cộng đồng Việt ra tranh cử có nghị viên Kansen Chu, sau 8 năm trong Hội đồng thành phố San Jose, nay ông tranh cử dân biểu tiểu bang khu vực 25. Kỳ bầu sơ bộ vừa qua có năm ứng viên, bốn của đảng dân chủ thì ông Chu được nhiều phiếu nhất, 30%, và ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa là Bob Brunton về nhì với 24%. Vì là đất của đảng Dân chủ nên Nghị viên Kansen Chu sẽ dễ dàng thắng trong vòng chung kết vào tháng 11.

Như thế, chắc chắn năm tới sẽ có một thượng nghị sĩ gốc Việt trong cơ quan Lập pháp tiểu bang và một số dân cử từ hai miền nam bắc California như Nora Campos, Travis Allen, Kansen Chu là những người đã gần gũi và có nhiều hiểu biết về quyền lợi và quan tâm của cộng đồng Việt.

Điều đó nói lên những nỗ lực của khối cử tri gốc Việt trong kì bầu cử sơ bộ vừa qua đã đạt được những kết quả.​

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

……………………………………………….

Phạm Chí Dũng : Việt – Mỹ lộ dần những tín hiệu mới

Nguồn:Thụy My – RFI

lo dan
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel và người đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn An ninh khu vực ở Shangri-la, Singapore ngày 31/05/2014.
REUTERS/Pablo Martinez Monsivais/Pool

Thời gian gần đây, đã có những chuyển động mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong các lãnh vực từ giáo dục, quân sự đến ngoại giao. Trong hoàn cảnh bị Bắc Kinh ức hiếp mọi bề, đặc biệt là tình hình Biển Đông luôn căng thẳng, phải chăng khuynh hướng ngả dần về phương Tây đang trở thành một xu thế không cưỡng lại được để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay ? Dư luận đang sốt ruột chờ đợi, vì có lẽ không còn nhiều thời gian cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà bình luận Phạm Chí Dũng về vấn đề này.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã dành cho RFI Việt ngữ cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa anh, chính phủ Việt Nam vừa chấp thuận chủ trương cho thành lập trường đại học Fulbright của Hoa Kỳ. Theo anh đây có phải là một tín hiệu đáng quan tâm trong mối quan hệ Việt – Mỹ?

Vấn đề đại học Fulbright tuy chỉ là một việc nhỏ trong nghị trình làm việc giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng nếu chúng ta gắn kết sự việc này với những tín hiệu và chuyển động khác thì có thể thấy một “quyết tâm” nào đó, đang manh nha hình thành từ một nhóm chính khách nào đó trong đảng, nhằm thúc đẩy tiến trình giao hảo nhanh hơn đôi chút.

Vào năm 2013, ngau sau chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ý tưởng lập đại học Fulbright đã bắt đầu được nêu ra. Đây là đại học phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên rất có thể là khi đó quan hệ Việt – Mỹ mới chỉ tái khởi động nên tiến trình xây dựng đại học này vẫn khá chậm, và tính đến nay đã mất gần một năm.

Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra một điểm khá đặc biệt: trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình các đại học và cao đẳng ở Việt Nam đã lạm phát đến 400 trường và do đó từ năm 2013 Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương không cho thành lập mới đại học, cả công lập lẫn tư thục, việc xuất hiện chủ trương “đặc cách” cho thành lập đại học Fulbright chính là một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang muốn chứng tỏ đôi chút thiện chí với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ đe dọa Việt Nam từ Trung Quốc là quá lớn.

RFI : Anh vừa đề cập đến những chuyển động mang tính tín hiệu khác. Đó là tín hiệu nào vậy thưa anh ?

Chính xác là những tín hiệu được chủ động phát ra từ giới quân sự Hoa Kỳ.

Chúng ta có thể nhận ra là không phải vô cớ mà chỉ hai tuần sau khi xảy ra vụ việc giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và do sức ép liên tục từ Bắc Kinh đối với Hà Nội, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương – ông Locklear – đã bắn tiếng trên hãng tin Reuteurs về khả năng Mỹ và Việt Nam có thể hình thành “đối tác chiến lược”. Thành thật mà nói, trong tình cảnh nguy nan như hiện nay, một đối tác chiến lược đủ mạnh là một mơ ước của giới chính khách yếu đuối Hà Nội.

Vào năm trước, thỏa thuận chung Việt – Mỹ tuy bao hàm khá nhiều nội dung mang tính “toàn diện”, nhưng cần chú ý là mức độ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ “đối tác toàn diện” chứ không đề cập gì đến khả năng “đối tác chiến lược”. Nhưng một khi chính người Mỹ chủ động bắn tín hiệu về triển vọng đối tác chiến lược thì có thể hiểu điều đó bao gồm cả yếu tố an ninh và quốc phòng. Đặc biệt là quốc phòng – chính là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam và Bộ Quốc phòng quốc gia này đặc biệt trông dựa vào.

Vậy là một lần nữa, lại một lần nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra “giao lưu hải quân” ở Đà Nẵng. Vào tháng 4/2013, cuộc giao lưu này diễn ra một cách khiêm tốn chỉ với ba tàu hải quân của Mỹ “đến chơi”. Còn lần này, có vẻ không khí chộn rộn hơn, thậm chí Hải quân Mỹ còn giao lưu với cả sinh viên Việt Nam và được báo chí cấp tiến của Việt Nam dành cho những lời lẽ khá nồng nhiệt.

Chỉ có thể xây dựng một quan hệ chiến lược về quốc phòng với Mỹ, người Việt Nam mới nhận được sự hỗ trợ đủ mạnh để đối phó với tham vọng khống chế Biển Đông và cả đất liền của Trung Quốc. Bằng chứng sống động và gần gũi nhất là mới vào cuối tháng 4/2014 ngay trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Philippines, hai quốc gia này đã ký kết với nhau một bản hiệp ước về tương trợ quốc phòng.

Ngay lập tức, những động tác “ném đá dò đường” của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ của Philippines lắng hẳn đi, còn Manila tuyên bố không ngần ngại tiếp tục chương trình kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, và trong thực tế họ đã bắt giữ tất cả những tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Philippines.

Chúng ta cũng thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam lại chọn Manila – nơi diễn ra một diễn đàn kinh tế về hình thức – để lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông đủ cam đảm đưa ra nhận xét về “hữu nghị viển vông” đối với Trung Quốc. Đó là bằng chứng gần nhất và sáng nhất cho thấy Thủ tướng Dũng không còn đường lùi. Đường tiến duy nhất của ông ta hiện nay và trong ít ra vài năm tới chỉ còn là tình hữu nghị không hề viển vông từ phía chính phủ Hoa Kỳ.

RFI : Sau sự bắn tiếng của Tư lệnh Locklear, đến lượt Tổng thống Obama lên tiếng. Đây có phải là tín hiệu không hề viển vông không thưa anh ?

Đó là tín hiệu tốt lành, nhất là trong bối cảnh quá nhạy cảm hiện thời. Nếu Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên lên tiếng “thoát Trung” trong hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông, thì Obama cũng lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ tổng thống nói thẳng về khả năng Mỹ có thể đưa quân đến biển Đông. Điều quân để làm gì? Tất nhiên để bảo vệ sự an toàn của công dân Mỹ ở ngoài biên giới Mỹ. Nhưng người Mỹ còn thòng thêm một câu vốn là truyền thống của họ: bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Như vậy ai là đồng minh của Mỹ?

Chúng ta đã thấy bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đã cộng tác quân sự với Mỹ từ hơn ba chục năm qua. Còn Philippines cũng là một đồng minh quân sự và được Mỹ bảo vệ cho đến giờ này. Tất cả những quốc gia ấy có bị Trung Quốc hiếp đáp như đối với Việt Nam không? Câu trả lời là không hoặc rất ít. Âu đó cũng là một bài học phản tỉnh cho Nhà nước Việt Nam khi họ chọn quan hệ đu dây mà chẳng đi tới đâu, thậm chí còn bị lật ngửa như mới đây.

RFI : Có phải vì không đi tới đâu trong mối quan hệ đu dây mà Hà Nội đã quyết định để Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ ?

Đây lại là tín hiệu phản hồi, xuất hiện từ phía Việt Nam. Hầu như ngay sau khi Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương Locklear lên tiếng về triển vọng “đối tác chiến lược”, một cuộc điện đàm trực tiếp đã diễn ra giữa ông Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Tất nhiên người ta có thể hiểu đó là cuộc điện đàm do ông Minh chủ động đề xuất. Nhưng khác hẳn với lời đề xuất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh “đàm phán” mà đã bị Tập Cận Bình thẳng thừng từ chối, theo một tiết lộ của báo The New York Times, ông Phạm Bình Minh đã lập tức nhận được lời mời “thăm Hoa Kỳ” của ông Kerry. Sự việc này lại diễn ra ngay sau lời tuyên bố có vẻ hơi can đảm của ông Nguyễn Tấn Dũng ở Manila về thực chất mối quan hệ Việt – Trung.

Người ta cho rằng rất có thể nhóm chính khách ưu tiên chọn lá bài phương Tây đã quyết định phải hành động, phải tiến một bước đủ dài và đủ mạnh để thoát khỏi cái bóng nặng nề vẫn kềm tỏa họ từ lâu nay. Mà muốn như vậy thì chỉ còn cách đi Washington chứ không thể cứ mãi ngồi họp ở Văn phòng trung ương đảng được.

RFI : Nhưng cho tới nay, ông Phạm Bình Minh vẫn chưa đi Mỹ, cũng chưa có lịch trình công du Hoa Kỳ nào được công bố ?

Đây là một bí ẩn. Trước đây có thông tin là ông Phạm Bình Minh đã “xếp hành lý vào va-li” và chỉ còn chờ lên đường ra sân bay Nội Bài. Thế nhưng việc cho tới giờ vẫn bặt tăm hơi chuyến đi Mỹ của ông lại cho thấy một điều gì đó không được ổn lắm. Giới quan sát bình luận rằng có khả năng ông Minh không nhận được sự đồng thuận từ một số ủy viên nào đó trong Bộ Chính trị, cho dù thủ trưởng trực tiếp của ông Minh là ông Nguyễn Tấn Dũng có thể còn sẵn sàng đi xa hơn cả nước Mỹ.

RFI : Thủ tướng Việt Nam còn có thể đi xa đến đâu, theo anh ?

Đến đại hội 12 của đảng vào năm 2016, vì ngay trước mắt có vẻ đại hội này còn quan trọng hơn cả TPP và vấn đề đối tác chiến lược với Mỹ. Nhưng muốn tiến đến đại hội 12 với vị thế một ứng cử viên nặng ký cho chức vụ cao nhất trong đảng, ông Dũng lại phải được lòng dân chứ không chỉ được lòng đa số các ủy viên trung ương. Tôi cho rằng ông Dũng đang phải ngày càng lập trình về yếu tố lòng dân.

Vào thời nhà Hồ bị quân Minh đe dọa, khi Hồ Quý Ly ước ao “có được trăm vạn quân để chống giặc Minh”, con trai Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã trả lời cha “quân không thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo”. Quả báo đã đến với nhà Hồ khi dân chúng, vốn trước đó bị triều đình đàn áp tàn bạo, đã không còn thiết tha gì với vận mệnh xã tắc. Khi gần một trăm vạn quân Minh tràn vào nước Nam, nhà Hồ chỉ cầm cự được hơn 6 tháng thì thảm bại. Đất nước bị nô thuộc, còn cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa thẳng về Trung Quốc.

Bây giờ cũng tương tự vậy thôi. Nếu một cuộc chiến tranh được kích động từ Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có thể dựa vào 3/4 trong số gần 200 ủy viên trung ương đảng để chiến đấu, hay ông ta phải dựa vào 90 triệu dân chúng? Có lẽ đó là lý do để ông Dũng trở thành người duy nhất trong bộ tứ triều đình đưa ra một vài tuyên bố có vẻ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Và đó cũng là lý do để ông thấy rằng nếu không biết khoan sức dân thì đến một ngày nào đó sẽ chẳng còn ai đi biểu tình chống Trung Quốc hay chiến đấu với Trung Quốc.

RFI : Điều anh vừa nói có phải là lý do để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù đã gật đầu với việc cấm và đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc vào ngày 18/05/2014, nhưng lại chủ động đề nghị Quốc hội đưa Luật Biểu tình vào chương trình luật năm 2015, thay vì để đến năm 2020 như dự kiến cách đây có vài tháng ?

Chính xác là như vậy. Một sự thay đổi đột ngột đến mức khó tin từ phía ông Dũng. Mới vào đầu năm 2014, Chính phủ đã dự kiến sẽ chỉ ban hành Luật Biểu tình sau năm 2016, và theo lộ trình là phải đến năm 2020 mới ra được luật này. Trước đó vào năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam cũng như gây ra hàng loạt thương vong cho ngư dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước Quốc hội và trở thành người đầu tiên trong Bộ Chính trị yêu cầu cần có luật biểu tình. Thế nhưng từ đó đến nay tất cả vẫn im hơi lặng tiếng, dự thảo Luật Biểu tình được giao cho Bộ Công an soạn thảo nhưng tới giờ vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu. Còn ông Dũng có vẻ chẳng còn giữ được “quyết tâm” của ông về ban hành luật này.

Tất cả hầu như là một sự bất nhất đến khó mà cảm thông và còn như sỉ nhục đối với quốc dân đồng bào. Ngay vào kỳ họp Quốc hội tháng 11/2013 khi thông qua Hiến pháp mới, Luật Biểu tình đã không hề được đả động. Nhưng đến tháng cuối của năm 2013, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – lại bất ngờ thông báo là Quốc hội có thể sẽ ban hành Luật Lập hội và Luật Biểu tình « trong thời gian tới ». Thời gian tới là khi nào thì chẳng ai làm rõ. Hay theo cái cách của Hiến pháp năm 1992, đến nay đã hơn hai chục năm mà vẫn chẳng một ai luật hóa các quyền tự do lập hội và tự do biểu tình?

Nhưng bây giờ thì đúng là “gặp thời thế, thế thời phải thế” – như cụ Ngô Thời Nhậm đã phán. Đến như một ông nghị có truyền thống “phản biểu tình” như Hoàng Hữu Phước mà cũng thay đổi quan điểm chuyển sang ủng hộ Luật Biểu tình chỉ sau một đêm, thì chúng ta có thể thấy thời vận đang thay đổi nhanh thế nào. Khi báo chí trong nước hỏi lý do vì sao ông Phước lại thay đổi quan điểm đột ngột như vậy, ông ta lập tức trả lời rằng đó chỉ là cách hiểu khác nhau về ngôn từ.

Hẳn là tình thế đã trở nên bức bách đến mức mà một đại biểu Quốc hội “kiên cường” như Hoàng Hữu Phước mới phải thay đổi, còn những tờ báo kiên định nhất của đảng cũng mới bắt đầu hé lộ ý tưởng “chấp nhận các khuyến nghị UPR”. Tôi cho rằng đây cũng là một tín hiệu mới. Nếu vào cuộc UPR (kiểm điểm định kỳ phổ quát) vào tháng 2/2014 ở Thụy Sĩ, phái đoàn Hà Nội còn hùng hồn tuyên bố Việt Nam đã thực hiện đến hơn 80% khuyến nghị của các quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì nay giọng điệu của Bộ Ngoại giao có vẻ đã đổi khác. Âu đó cũng là một sự cách điệu về ngôn từ.

RFI : Với những tín hiệu cách điệu đó, anh có hy vọng câu chuyện dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới?

Vấn đề này lại phụ thuộc vào một tín hiệu khác là Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ mới diễn ra ở Washington vào giữa tháng 5/2014.

Cuộc gặp mặt giữa hai quốc gia cựu thù vào năm nay được dẫn dắt bởi một gương mặt không kém mẫn cảm so với trưởng phái đoàn Hoa Kỳ năm ngoái là Tom Malinowski, phụ trách về dân chủ và nhân quyền và lao động – những lĩnh vực mà Hà Nội không thú vị chút nào.

Điểm đáng ghi nhận đầu tiên chính là sự có mặt trực tiếp của chính Tom Malinowski sau cuộc đối thoại vừa qua, trong khi sau cuộc đối thoại năm ngoái đã không hề xuất hiện Dan Baer – trưởng đoàn Mỹ. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ năm 2013 cũng chỉ là bắt đầu cho mối quan hệ được tái lập sau thời gian bị bỏ ngỏ, và vào thời điểm đó các viên chức Mỹ có vẻ không hề hài lòng trước sự trì hoãn cố tật của phía Việt Nam. Dan Baer còn không được gặp gỡ một số nhân vật bất đồng chính kiến mà ông đề nghị đến thăm.

Nhưng vào năm nay thì khác hẳn. Tháng 3/2014, bà Wendy Sherman Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về chính trị còn được gặp Hội Anh em Dân chủ – một tổ chức dân sự độc lập ngay tại Hà Nội. Vào ngày 20/5/2014, Phái đoàn Liên minh châu Âu cũng lần đầu tiên tổ chức được một cuộc hội thảo với một số hội đoàn dân sự độc lập của Việt Nam ngay tại Hà Nội, tạo nên một sự kiện chưa từng có đối với xã hội dân sự ở đất nước này.

Còn sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vừa qua, Tom Malinowski nhận định: “Sở dĩ có hy vọng cao rằng Đối thoại Nhân quyền năm nay đạt tiến bộ, xuất phát từ đối thoại TPP. Cho nên, cuộc Đối thoại Nhân quyền là cách mà qua đó chúng tôi có thể thảo luận chính xác các bước nào Việt Nam cần thiết phải thực hiện để có thể trở thành thành viên của TPP trong năm nay”.

Thực ra chúng ta có thể chuẩn bị nâng ly chúc mừng Nhà nước Việt Nam. Lần gặp gỡ của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker với ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội vào đầu tháng 6/2014 – một tháng sau Đối thoại Nhân quyền – đã phác ra một bức tranh không đến nỗi quá xấu xí: TPP có cơ hội được kết thúc vào cuối năm nay, và do đó người Việt cũng có thể tạm gột rửa vết dơ Trung Quốc trên mặt mình.

Thậm chí Tom Malinowski còn cho rằng “Việt Nam có cơ hội, một cơ hội thật sự”. Quả thực, nửa cuối năm nay có vẻ là cơ hội gần cuối cho giới đàm phán Hà Nội, vì nếu đến năm sau khi tất cả các ứng cử viên Hoa Kỳ đều phải tất bật vì chuyện vận động tranh cử, sẽ chẳng còn mấy ai tha thiết vận động cho Việt Nam vào TPP nữa.

Tom Malinowski còn nêu ra một ví von ẩn dụ rất tượng hình: “Giống như một bình nước sôi, sẽ tốt hơn nhiều nếu ta mở nắp để hơi nóng thoát ra thay vì cố gắng đậy lại để rốt cuộc dẫn tới một sự bùng nổ lớn hơn”. Chúng ta nên đặc biệt để ý đến câu nói này. Ví von này mang một phong cách mà chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh tự tin của giới chính trị gia phương Tây.

Biểu đạt cảm hứng này cũng gián tiếp cho thấy chưa bao giờ từ năm 1945 đến nay, dân tộc Việt Nam phải chứng kiến một Nhà nước Việt Nam cô đơn và chia rẽ đến thế, bất chấp phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” và hàng chục đối tác chiến lược toàn diện mà nhà nước này đã “dày công vun đắp” suốt hàng chục năm qua. Họ cô đơn trước quốc tế và cô độc trước cả dân chúng của họ.

Với quốc tế và với đa số trong giới nghị sĩ Mỹ, sẽ không thể có TPP cho Việt Nam nếu không có nhân quyền. Và với 153 nghị sĩ chiếm đến 2/3 đảng Dân chủ vừa nêu ra một thư yêu cầu đối với Đại diện thương mại Mỹ, sẽ không thể có TPP nếu Việt Nam không chấp nhận thành lập công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân. Những người cầm quyền Việt Nam không thể cứ đẩy người dân vào nỗi cô độc vô cùng tận để trám chỗ cho nỗi cô đơn chưa biết làm cách nào giải tỏa của chính thể.

RFI : Lần đầu tiên trong các cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, trưởng đoàn Hoa Kỳ nhắc tới từ “quân sự” nhằm khẳng định quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến sâu hơn nữa khi Hà Nội cải thiện nhân quyền. Làm cách nào và ai sẽ xử lý cuộc “khủng hoảng Việt Nam” lần này?

Không ai có thể làm thay cho Nhà nước Việt Nam. Nếu một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Phùng Quang Thanh đã gây phản cảm nặng nề nơi công luận, bởi biểu hiện buồn thảm và sợ sệt đến thế của viên đại tướng này trong những lời ve vuốt “nước bạn” tại Diễn đàn Shangri-la, làm sao chính thể cầm quyền ở Việt Nam có hy vọng gì dùng quân đội để đối đầu với một lực lượng quân sự đông gấp 3-4 lần của Trung Quốc, nếu một cuộc chiến tranh mang tên “Mười sáu chữ vàng” xảy ra?

Tôi xin nhắc lại câu lời tự sự của Trưởng đoàn đàm phán đối thoại nhân quyền Mỹ: “Liệu nhà nước Việt Nam có thực hiện những bước cần thiết để nắm bắt cơ hội hay không là câu hỏi mà tôi không thể trả lời thay họ được”, và “Chúng ta phải chờ xem bởi vì sự trắc nghiệm không nằm ở chất lượng cuộc đối thoại mà ở các bước sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới”. Trong hoàn cảnh nguy cơ từ Trung Quốc ngày càng cận kề, nếu nhà nước và giới quân sự Việt Nam không hành động nhanh chóng, quyết đoán với đôi chút thành tâm, họ sẽ mất đi chút ít cơ hội còn lại và rơi vào lịch sử của nhà Hồ mất nước.

Tuy nhiên với tín hiệu từ cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào tháng 5/2014, tôi có thể hy vọng rằng những ngày sắp tới, hay chính xác là những tháng sắp tới sẽ có được một số chuyển biến. Tôi có cảm giác rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại vừa đạt được một thỏa thuận không chính thức nào đó, theo đó sắp tới sẽ có thêm một đợt thả tù nhân lương tâm, tiếp theo đợt thả tù chính trị trong hai tháng Ba và Tư năm nay.

Xu hướng ngả dần về phương Tây cũng dần phải trở thành một xu thế không cưỡng lại được, bất chấp một lực lượng nhân sự “thân Trung” nào đó vẫn có thể tìm cách phá bĩnh. Tiến độ này sẽ cho thấy xu thế hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được nâng dần về cấp độ, và không loại trừ sự có mặt dày hơn và có ý nghĩa răn đe hơn của Hạm đội 7 ở Biển Đông trong thời gian tới.

Nhưng muốn có được những kết quả đó, nội bộ Việt Nam phải có một đột biến về nhân tố khởi phát cho chuyển động. Nhiều người đang nhìn vào ông Nguyễn Tấn Dũng như một nhân tố có thể xử lý “khủng hoảng Việt Nam”. Thế nhưng cũng nhiều người không kém lại cho rằng ông Dũng chỉ là vị lãnh đạo viển vông khi nêu ra tính từ “viển vông” đối với Trung Quốc, trong khi thực chất ông ta sẽ chẳng làm gì hết.

Nhưng làm gì thì làm và nói gì thì nói, thật ra thời gian chẳng còn nhiều cho bất kỳ chính khách nào. Đã đến lúc cần xác định rằng đã qua thời kỳ “Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp” mà phải thật sự tiến ra đường phố với một lòng thành tâm tối thiểu, cùng một quyết tâm không nhìn về phía sau. Chỉ có thế mới đảm bảo tương lai chính trị cho các chính khách Việt Nam và cũng là phần nào cứu nguy cho cái dân tộc Việt quá nhiều đắng cay này.

Còn nếu giới chính trị cứ bùng nhùng như hiện nay thì tương lai của họ chắc chắn sẽ là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ về vấn đề những tín hiệu mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
tags: Chính trị – Dân chủ – Giáo dục – Hoa Kỳ – Hợp tác – Ngoại giao – Phạm Chí Dũng – Phỏng vấn – Quân sự – Quốc tế – Trung Quốc – Việt Nam

………………………………………….

Cựu Tổng Thống Bush ‘Cha’ lại nhảy dù, mừng sinh nhật 90
Nguồn:nguoiviet.com-Thursday, June 12, 2014

KENNEBUNKPORT, Maine (AP) – Cựu Tổng Thống George H W Bush hôm Thứ Năm mừng sinh nhật thứ 90 bằng cách nhảy dù ở gần biệt thự mùa Hè của ông tại vùng duyên hải tiểu bang Maine.

Ông Bush giữ đúng lời hứa của ông cách đây năm năm, dù rằng hai chân ông hết còn sử dụng được nữa.

Bush cha.jpg1

Cựu Tổng Thống Bush “Cha” đáp dù xuống đất. (Hình: AP Photos)

Vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ nhảy từ một máy bay trực thăng ở độ cao 6,000 ft, buộc chung với Trung Sĩ Nhất Mike Elliott, một thành viên hồi hưu thuộc đội nhảy dù Lục Quân Golden Knights.

Trung Sĩ Elliott cũng là người từng hướng dẫn ông Bush đáp xuống đất nhẹ nhàng cách đây năm năm.

Ông này nói: “Cựu tổng thống lần này có vẻ cảm thấy trẻ trung hơn bao giờ.”

Gia đình ông Bush ở Kennebunkport, Maine, đẩy xe lăn đưa ông ra tận chiếc trực thăng, rồi hát bài “Mừng Sinh Nhật” trước khi máy bay cất cánh.

Sau đó ông hạ lơ lửng xuống mặt đất trên chiếc dù ba màu đỏ, trắng và xanh. Cánh dù đáp xuống gần nhà thờ St. Ann’s Church, nơi gia đình và bạn bè ông đang tề tựu chờ đón ông, xa hẳn tầm nhìn của báo chí.

Ông Elliott cho biết, hai chân của cựu tổng thống bị chéo lại khi chạm đất nên ông ngã chúi xuống đất, nhưng nói chung mọi sự đều tốt đẹp.

Hằng trăm người đứng tập trung tại các ghềnh đá gần nhà thờ, hy vọng được thấy cảnh lúc ông Bush hạ dù xuống.

Cụ ông David Morris, 79 tuổi, cư dân của Melrose, Massachusetts, nhận xét: “Ông ấy thật là can đảm. Chúng ta cần có thêm nhiều người như ông ấy.” (TP)

………………………………………………………….

Tin VN-TQ

Xe tải cán bể nắp mương, lòi cốt tre
Nguồn:nguoiviet.comSunday, June 08, 2014

ĐỒNG NAI 8-6 (NV) .- Khi bị một xe tải cán qua, nắp mương thoát nước bị vỡ mới lộ ra cốt tre nhỏ bé bên trong đã khô mục chứ không phải là bê tông cốt sắt một cách bình thường.

cot tre

Nắp mương thoát nước bị xe tải cán qua nên vỡ và lòi cốt tre bên trong, không phải sắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đây là chuyện mới xảy ra ở khu vực tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai mà người dân mới tình cờ khám phá ra sự gian dối trong công trình xây dựng công cộng ở địa phương. Cái đau cho người dân ở đây là cái công trình “bê tông cốt tre” này được thực hiện với tiền mà nhà cầm quyền xã bắt dân đóng góp, các quan thuê người thực hiện.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật thì buổi sáng ngày 6/6/2014, “một chiếc xe tải 5 tấn khi đi vào khu tái định cư cùng ấp thì làm vỡ hai tấm đan mương thoát nước được làm bằng bêtông. Trong đó có một tấm đan dày khoảng 7cm bị vỡ ở giữa một lỗ lớn, bên trong lõi bêtông thấy nhiều thanh tre đã khô, mục.”

Vì sợ nguy hiểm cho mọi người dân khi đi qua lại khu vực này nên “một số người đã lấy cây xanh làm tín hiệu để kịp phòng tránh”, báo Tuổi Trẻ nói. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hệ thống mương thoát nước trên dài khoảng 100m, ngoài tấm đan bị vỡ lòi thanh tre ra còn nhiều tấm đan mương thoát nước có dấu hiệu nứt nẻ. Và cũng không biết chúng đều có “cốt tre” bên trong hay cái cốt gì khác.

Nói chuyện với ký giả báo Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 7-6, một cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Bàu Hàm 2 xác nhận “đây là công trình do nhân dân đóng góp tiền làm, UBND xã chỉ chịu trách nhiệm kêu người đến xây dựng. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã đến hiện trường quan sát và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.”

Nguồn tin nói rằng khi hỏi thông tin thêm về chất lượng và giám sát công trình này thì “vị cán bộ trên từ chối, và cho biết UBND xã sẽ làm việc với báo về vụ việc trên vào ngày 9-6-2014”

Nhiều công trình xây dựng lớn như sử dụng vốn vay ngoại quốc ODA cho đến các công trình nhỏ bé của các địa phương đều đầy những gian dối để đám quan chức các bộ các cấp rút ruột hay ăn hối lộ. “Bê tông cốt tre” từng thấy tại nhiều dự án từ bắc chí nam suốt nhiều năm qua.

Ngày 15/5/2013, người dân khu vực 10, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ liên tục chứng kiến đơn vị thi công công trình xây dựng hệ thống cống thoát nước thải lớn nhất Cần Thơ làm rớt bể tấm đan. Người ta ngạc nhiên thấy, khi bị rớt xuống vỡ thì bên trong các tấm đan này là hai miếng cốt tre mỏng manh.

Theo sự tường thuật của tờ Tuổi Trẻ ngày 17/5/2013, hàng chục tấm đan như vậy đã được hối hả chở đi nhưng khi khiêng lên khiêng xuống thì đều nứt vỡ, lòi cốt tre bên trong.

Công trình xây dựng hệ thống cống trên thuộc dự án gom và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Cần Thơ có công suất xử lý 30,000 m³/ngày đêm, xử lý nước thải cho quận Ninh Kiều. Đây là dự án do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước của nhà cầm quyền Cần Thơ làm chủ đầu tư, ký hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết của CHLB Đức.

Theo hiệp định vay vốn, dự án có vốn đầu tư 14.3 triệu euro (220 tỉ đồng), trong đó vốn đối ứng của thành phố chiếm 30%. Tuy nhiên do thi công chậm chạp, đến năm 2006 dự án được điều chỉnh tăng vốn lên 363 tỉ đồng, tăng hơn 140 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu.

Ngày 19/3/2010, báo Tuổi Trẻ cho biết Cầu Khe Dầu được xây dựng với số tiền 1.45 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB của Dự án giảm nghèo khu vực Miền Trung tỉnh Quảng Bình. Dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng hiện nay cầu này đã bị hư hỏng nặng nề.

Tờ Tuổi Trẻ kể: “Từ đầu tháng 3-2010, người dân địa phương lại cho biết ở phía dưới gầm cầu, đặc biệt là dầm cầu có nhiều chỗ bê tông bị bong tróc, nứt ra làm lộ cả cốt thép. Nhiều chỗ bê tông không có độ kết dính cao nên chỉ cần dùng tay bẻ vào là bê tông đã rã ra khỏi khối. Nhiều chỗ mặt bê tông bị nứt tạo ra khoảng rỗng với độ sâu 30-40cm. Tại một vài chỗ rỗng như vậy, chúng tôi đã quan sát và thấy phía bên trong khối bê tông có những thanh tre và cót ép…”

Không thấy có ông bà quan chức lớn nhỏ nào liên quan đến các vụ việc bị mất chức hay bị truy tố. (TN)

………………………………

TIN VN-TQ

Lộ dần phi trường, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma
Nguồn:nguoiviet.com-Saturday, June 07, 2014

HONGKONG 7-6 (NV) – Thêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông mà hiện đang lộ dần một đảo nhân tạo có cả phi trường, cảng biển ở Trường Sa.

cang bien.jpg1

Đồ họa đảo nhân tạo Johnson South Reef (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) với phi trường, cảng biển hiện Trung Quốc đang ra sức tạo dựng từ bãi đá ngầm. (Hình: SCMP)

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Bảy, những gì tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino tố cáo những ngày gần đây đang đang được giới chuyên viên Trung Quốc nhìn nhận.

Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) cướp của Việt Nam năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó có cả phi đạo cho máy bay lên xuống, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự. Lại còn có cả khu vực gia cư, khu du lịch, tất cả xây dựng trên đảo nhân tạo đang được các máy hút cát dưới lòng biển làm thành dần dần.

Khi tổng thống Phi tố cáo tuần trước, ông chỉ có những tấm hình chụp không ảnh các hoạt động hút cát để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi. Tấm đồ họa của báo SCMP cho người ta nhìn thấy rõ hơn về quy mô của đảo nổi Xích Qua Tiêu mà 64 người lính CSVN đã thiệt mạng năm 1988 vì bị tàu Trung Quốc xả súng bắn chết để cướp bãi đá ngầm này.

Khi Xích Qua Tiêu (Chi Gua Jiao) trở thành một căn cứ qui mô nổi trên biển rộng khoảng 30 hecta, căn cứ của Việt Nam xây dựng tại đảo đá Cô Lin ( khoảng 1.9 hải lý tây bắc Gạc Ma) chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ so với đảo nhân tạo Gạc Ma hay Xích Qua Tiêu. Nó sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự để uy hiếp cả Phi Luật Tân và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Riêng với Phi Luật Tân thì an nguy quốc gia của họ bị đe dọa thật gần.

Theo các nhà phân tích thời sự, hành động đang thực hiện của Trung Quốc là đi từ phòng vệ sang tấn công. Khi phi trường ở Xích Qua Tiêu hoàn thành, với phi trường đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh sẽ có cớ thành lập “vùng nhận dạng phòng không trên biển” trùm cả Biển Đông. Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm ngoái.

Bắc Kinh chối không lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng khi đã có phi trường ở cả hai đầu đông tây của Biển Đông rồi, chuyện gì cũng có thể xảy đến.

cang bien 2.jpg1

Các đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Wikipedia)

Cùng với việc gấp rút xây dựng căn cứ quy mô trên đảo nhân tạo Xích Qua Tiêu, theo SCMP, Trung Quốc đang có kế hoạch biến bãi đá ngầm Fiery Cross Reef (Việt nam gọi là đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu (Yongshu Jiao) theo một kế hoạch tương tự. Bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trong khi đá Chữ Thập (Vĩnh Thử Tiêu) thuộc cụm Nam Yết.

Bãi đá ngầm Chữ Thập có chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là 14 hải lý (gần 26 km) và chiều rộng là 4 hải lí (7.4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên. Nếu Trung Quốc biến bãi đá ngầm này thành đảo nổi, nó có thể sẽ lớn gấp nhiều lần so với Xích Qua Tiêu (hay Gạc Ma).

Theo Kim Lạn Vinh (Jin Canrong), một giáo sư ngành bang giao quốc tế tại đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh được SCMP thuật lời, đề án biến bãi đá ngầm Vĩnh Thử Tiêu (hay Chữ Thập theo cách gọi của Việt Nam) đã được đệ trình nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc để chấp thuận. Khi kế hoạch xây dựng hoàn tất, nó sẽ lớn gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia của Hoa Kỳ rộng 44 km2 trên Ấn Độ Dương.

Lý Kiệt, một chuyên viên hải quân tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, nói căn cứ trên đảo nhân tạo Vĩnh Thử Tiêu cũng sẽ gồm cả phi trường và cảng biển. Hiện nơi này đang là một căn cứ nhỏ mà hơn 20 năm trước, Bắc Kinh cho xây dựng một đài quan sát phục vụ cơ quan nghiên cứu hải dương của Unesco.

Theo Kim Lạn Vinh, việc xây dựng đảo nhân tạo tại Vĩnh Thử Tiêu sẽ được thực hiện tiếp theo và tùy thuộc sự tiến triển của đảo nhân tạo Xích Qua Tiêu (Gạc Ma). Tháng trước tin tức xì ra trên báo chí Trung Quốc cho hay đảo nhân tạo tại Xích Qua Tiêu ngoài phi trường, cảng biển có thể biếp nhận các tàu lên đến 5,000 tấn.

Tại quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ năm 1988, Trung Quốc mới bắt đầu đi cướp của Việt Nam một số bãi đá ngầm gồm Đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ; Đá Chữ Thập , Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết; Đá Gạc Ma,Đá Tư Nghĩa thuộc cụm Sinh Tồn; Đá Châu Viên thuộc cụm Trường Sa; và Đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên. (TN)

…………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics