Shinzo Abe tạo cơ hội cho Donald Trump hạ nhiệt
Nguồn:RFI-Tú Anh – 10-02-2017 13:20
Ảnh Donald Trump (T) và Shinzo Abe trên truyền hình tại một công ty giao dịch hối đoái, Tokyo, Nhật Bản, ngày 01/02/2017
REUTERS
Sau thủ tướng Anh Theresa May, đến lượt thủ tướng Nhật Bản được tân tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng vào thứ Sáu 10/02/2017. Thủ tướng Shinzo Abe cầm trong tay một kế hoạch đầu tư và hợp tác kinh tế khổng lồ, tạo ra 700.000 công ăn việc làm tại Mỹ với kỳ vọng tiếp tục được Washington yểm trợ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tiếp thủ tướng Nhật cũng là cơ hội để ông Donald Trump ý thức được ông là tổng thống của nước Mỹ.
Là nhà lãnh đạo quốc tế thứ hai tới Nhà Trắng từ khi Donald Trump lên cầm quyền, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm bảo đảm cho tương lai của liên minh Mỹ-Nhật trong bối cảnh thế lực Trung Quốc càng ngày càng mạnh.
Qua đường dây liên lạc giữa Tokyo và nhóm cố vấn của ứng cứ viên đảng Cộng Hoà, vào tháng 11/2016, thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo quốc tế đầu tiên được Donald Trump tiếp kiến ngay khi đắc cử. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo khác từ tổng thống Mêhicô, thủ tướng Úc cho đến nữ thủ tướng Đức bị chủ nhân Nhà Trắng, do tính khí thất thường, không tiếc lời chỉ trích công khai hoặc có cử chỉ thô lỗ. Chính nhờ mối quan hệ được chuẩn bị trước này mà lãnh đạo Nhật Bản được Donald Trump đối xử một cách thân thiện và hy vọng tinh thần hữu hảo tiếp tục kéo dài. Thủ tướng Nhật tuyên bố chờ đợi « cuộc gặp gỡ Mỹ-Nhật lần này chứng tỏ liên minh giữa hai nước sẽ được củng cố với tổng thống Donald Trump ».
Thực ra, chính Washington đã có động thái trước để trấn an Tokyo. Qua chuyến viếng thăm hồi đầu tháng 02/2017, tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã xác quyết : Hoa Kỳ sát cánh với Nhật Bản 100% kể cả để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Tổng thống Trump cũng dẹp qua một bên những đe dọa lúc tranh cử « để Nhật tự vệ một mình nếu không chia sẻ thêm gánh nặng với Mỹ».
Biết rõ thâm thủng cán cân thương mại và nạn thất nghiệp là mối ám ảnh của tổng thống Donald Trump, thủ tướng Shinzo Abe không đến thăm chủ nhà với bàn tay không. Ông đề ra kế hoạch hợp tác kinh tế (để trói tay tỷ phú địa ốc Trump) trong đó Nhật sẽ giúp xây dựng đường xe lửa cao tốc ở hai bang Texas và California, chế tạo robot phục vụ y học… với dự kiến tạo ra 700.000 việc làm tại Hoa Kỳ.
Đối với chủ nhân Nhà Trắng thì chuyến viếng thăm của thủ tướng Nhật tạo hai cơ hội tốt. Thứ nhất để ông tỏ ra xứng đáng với vai trò mới lãnh đạo siêu cường chứ không còn là anh MC, hoạt náo viên truyền hình. Vào lúc Shinzo Abe đáp xuống Washington, tổng thống Mỹ gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc, tuyên bố tôn trọng « nguyên tắc một nước Trung Hoa » để xoa dịu Bắc Kinh. Cuộc điện đàm Donald Trump-Tập Cận Bình được mô tả là « rất thân thiện » càng làm nổi bật ý nghĩa của cuộc hội kiến thượng đỉnh Mỹ-Nhật ngày hôm sau.
Các hợp đồng khổng lồ về kinh tế và công nghiệp có thể giúp cho công luận bớt chú ý vào những thất bại và phê phán cay nghiệt, câu chuyện dài nhiều tập do chính ông gây ra : từ những tuyên bố bốc đồng cho đến sắc luật di trú mang tính phân biệt đối xử, phản lại truyền thống tự do, bao dung của Hiệp Chủng Quốc, bị toà án đình chỉ.
Tiếp Shinzo Abe còn là cơ hội để ông Donald Trump hạ nhiệt, tự giác tránh đưa ra những lời tuyên bố thiếu chín chắn hay mắng chửi phóng viên.
………………………………………………………………
Thư Xuân Đinh Dậu, Chuyện Trăm Năm từ 1917
Nguồn:vietbao.com-09/02/2017
Nguyễn Xuân Nghĩa
Gà Đinh Dậu. (Trình bày Sông Văn)
Cùng với bánh trái ngày Xuân, tờ báo Xuân là món quà Tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Cùng các đồng nghiệp năm châu, Giai phẩm Xuân Việt Báo xin được góp một vẻ Xuân và kính gửi đến quý vị tác giả, độc giả, thân chủ và thân hữu gần xa lời chúc mừng trân trọng: Năm mới Đinh Dậu 2017 An Khang Tốt Đẹp.
Khỉ chạy về rừng,
Mừng Tết quốc gia thôi nhiễu loạn;
Gà vào thành phố,
Đón Xuân dân tộc được bình an.
Từ nhiều năm, Giai phẩm Xuân Việt Báo vẫn có lời thơ Hán-Việt với thư pháp của chính tác giả, là nhà thơ Cao Tiêu Hoàng Ngọc Tiêu. Ông giã từ chúng ta đã năm năm, nhưng lời chúc Tết cho Xuân Ất Dậu 2005 vẫn còn đó. Như một nguyện ước vẫn còn là nguyện ước.
100 năm búa liềm và con gà
Đó là ngày 24 tháng Mười 1917, đảng cộng sản Bolshevik -biểu hiệu là búa liềm- cướp được chính quyền tại Nga. Từ đó tới nay, hơn 100 triệu người đã thiệt mạng trong nhiều hoàn cảnh bi thảm ở khắp nơi. Ít ai giải thích rõ ràng sự thể ấy bằng Tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev: “Sự thật thì cuộc thử nghiệm cộng sản dẫn tới việc chà đạp nhân phẩm. Bạo lực được sử dụng để áp đặt mô thức cộng sản trên xã hội. Nhân danh Chủ nghĩa Cộng sản, người ta đã từ bỏ các giá trị tinh thần của nhân loại”.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các chế độ cộng sản đâu đó chỉ còn là cái đuôi đổi màu chờ rụng. Vậy mà tư tưởng cộng sản còn mê hoặc nhiều người trong thế giới Tây phương, như văn hào Alexis Solzhenitsyn đã mỉa mai từ mấy chục năm trước: “Tại nước Nga của chúng tôi, chủ nghĩa cộng sản đã thành con chó chết, vậy mà với nhiều người Tây phương, nó vẫn là con sư tử hống”.
Tại Việt Nam, gần bốn tháng trước cuộc cách mạng tháng Mười Nga, tạp chí Nam Phong ra mắt ngày 1 tháng Bẩy 917. Bìa báo được trình bày với biểu hiệu con gà và ghi danh hai vị chủ bút: Phần quốc ngữ là Phạm Quỳnh; Phần chữ nho là Nguyễn Bá Trác. Ngay cuối năm ấy, tờ báo xuân đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện: Giai phẩm Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918. Từ đó, truyền thống báo xuân được thừa kế tại Việt Nam và sau 1975, tiếp tục phát triển tại hải ngoại. Ngay trong nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, mấy năm gần đây, truyền thống báo xuân đã phục hồi mạnh mẽ. Búa liềm cộng sản không cản nổi tiếng gà báo xuân từ 100 năm trước.
Cầm tờ báo xuân năm Dậu, không thể không nhớ hai vị chủ bút tạp chí Nam Phong.
“Tháng 9 năm 1945, Học giả Phạm Quỳnh bị hạ sát trong một xó rừng gần Huế; Nhà nho thi sĩ Nguyễn Bá Trác -tác giả thơ “Hồ Trường, Hồ trường ta biết rót về đâu”- bị xử bắn giữa chợ tại Quảng Nam. Đó là chuyện xẩy ra ngay khi Việt Minh vừa cướp được chính quyền.” Nhà văn Nhã Ca đã nhắc lại điều này khi nói chuyện tại Đại học UC Berkeley ngày 17 tháng Mười 2016.
Vì vậy, báo Xuân Việt Báo năm con gà có phần nhắc lại trăm năm hắc ám của cộng sản.
Ho van DongNhà báo lão thành Hồ Văn Đồng, nguyên chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Báo Chí Thế Giới đặc trách Châu Á, đồng thời cũng là nhà báo hai lần tù cộng sản, đã dịch lại bộ sách đồ xộ là cuốn “Hắc Thư về Chủ Nghĩa Cộng Sản” của các giáo sư Pháp. Và ông còn bổ túc một số chi tiết về tội ác cộng sản tại Việt Nam: Năm 1946, hàng ngàn tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi bị đập đầu, chôn sống hoặc dìm sông; Năm 1947, Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị hãm hại.
Son Dien NVKThư xuân bắt đầu bằng thơ và bút tự năm Dậu của nhà thơ Cao Tiêu nhắc chúng ta cùng nhớ Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông sinh vào năm Tân Dậu 1921, trọn đời sống bằng nghề làm báo, một bậc thầy của báo chí Việt Nam, và sau 1975, cũng từng trả giá cho phẩm cách nghề báo bằng mười năm tù đày cộng sản.
Là một huynh trưởng của Việt Báo tại hải ngoại, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh số Xuân năm nào cũng có một bài viết về khoa học với cái nhìn tâm linh sâu sắc, văn phong dí dỏm và tấm lòng quảng đại. Từ năm 2000 ông còn là Trưởng ban Tuyển chọn đầu tiên của Viết Về Nước Mỹ. “Nhà báo tuổi Dậu” của chúng ta đã ra đi 5 năm trước đây, đúng vào ngày họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, ngày 12 tháng 8 năm 2012, nhưng tinh thần lạc quan yêu đời của ông vẫn đọng trong từng trang báo xuân.
Chương trình Viết Về Nước Mỹ hiện đang là năm thứ 18 và hàng năm, Giai phẩm Xuân Việt Báo đều có bài viết của các tác giả sau khi thắng giải Viết Về Nước Mỹ vẫn tiếp tục cầm bút. Chính các tác giả và tác phẩm mới từ chương trình viết này đã cho thấy sức sống phong phú và sự trưởng thành của người Việt hải ngoại.
Nhìn lại 20 Năm Việt Nam Cộng Hòa
Nói về Việt Nam, từ 12 năm nay, nhiều tầng lớp học giả và sử gia Hoa Kỳ đã viết lại sự thật về cuộc chiến và về vai trò bất hạnh của miền Nam trước và sau cuộc chiến, nhất là trong ký ức thiên lệch và bất công của nhiều người. Lịch sử không là những gì được kẻ chiến thắng tô vẽ lại mà là kết quả của nhiều công trình khảo cứu khách quan của đời sau.
Tháng Sáu 2012, tại Đại học Cornell đã có cuộc hội thảo của giới học giả quốc tế và một số nhân vật thời Việt Nam Cộng Hòa. Mười hai bài tham luận đã in thành sách “Voices from the Second Republic of South Vietnam” do Giáo sư Keith W.Taylor biên tập và viết giới thiệu.
“Đệ Nhị Cộng Hòa đối với người Mỹ vào lúc đó và sau này, cho đến tận hôm nay, là một chế độ độc tài đáng để cho sụp đổ. Đó là một sự vu khống; một sự vu khống rất tiện lợi để biện hộ cho việc Mỹ bỏ rơi VNCH, nhưng bản chất nó là một sự vu khống.” Đó là nhận định của Keith W.Taylor, mà Báo Xuân Việt Báo năm Bính Thân đã được phép đăng tải.
UC Berkeley 9-17Từ trái, Nhà văn Nhã Ca, Gs. Van Nguyen-Marshall, Tài tử Kiều Chinh, và Gs. Hạnh Trần.
Sau Đại học Cornell, thêm một cuộc hội thảo về “Việt Nam Cộng hòa 1955-1975” được tổ chức tại Đại Học Berkeley vào tháng 10, 2016, với sự điều hợp của Giáo sư Peter Zinoman và Giáo sư Tường Vũ. Tham dự hội thảo, bên cạnh các học giả tới từ nhiều đại học Hoa Kỳ, Canada, Úc, một số quan chức thời Đệ Nhất Cộng Hòa như các ông Lâm Lễ Trinh, Huỳnh Văn Lang góp bài tham luận qua đường skype, còn có sự hiện diện của các Tổng Bộ Trưởng và một số nhân vật thời Đệ Nhị Cộng Hòa, như các ông Hoàng Đức Nhã, Phạm Kim Ngọc, Nguyễn Đức Cường, Trần Minh Công, Bùi Quyền. Riêng trong lãnh vực báo chí và văn học nghệ thuật có các nhà báo Vũ Thanh Thủy, Phạm Trần, nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh và nhà văn Nhã Ca. Các bài nói chuyện tại cuộc hội thảo hiện đang được ấn hành thành sách.
Sau đây là một đoạn trích từ bài nói chuyện của Nhã Ca đã được tường thuật trên nhiều báo:
. . .
“Đã hơn 40 năm. Không biết bao nhiêu chiến dịch từng được nhà nước cộng sản thực hiện để cố xóa mọi dấu vết mà họ gọi là “nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy.” Nhưng không cách gì xóa nổi.
Một nhà văn miền Nam, bằng niềm tin, đã nói lên điều này đúng 40 năm trước. Đó là một buổi trưa mùa xuân, ở một ngã ba trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, có cảnh công an khu vực huy động thanh thiếu niên đốt sách. Nơi đốt sách là con đường ngay xế cửa nhà anh Nguyễn Mạnh Côn. Đứng cùng chúng tôi trên bao lơn lầu một, nhìn xuống cảnh đốt sách, anh Côn cười cười bảo, “Rồi các cậu coi. Chữ nghĩa bọn nhà văn miền Nam, bài ca tiếng hát của nghệ sĩ miền Nam, các anh có đốt tới Tết Công Gô cũng chẳng ăn thua gì.”
Chỉ tuần lễ sau đó có cuộc hành quân công an qui mô chưa từng thấy. Đêm mùng Ba tháng Tư năm 1976, hàng trăm văn nghệ sĩ Saigon bị bắt giam. Anh Nguyễn Mạnh Côn và chúng tôi, cả vợ lẫn chồng, đều đi tù, đi đầy. Thời còn bị giam tại T20 ở Gia Định, có lần bọn tù văn nghệ sĩ được lùa lên xe, đưa đến “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy” để học tập.
Khu triển lãm là một giảng đường đại học cũ, tội ác được trưng bày là những cuốn sách của văn học miền Nam. Trong số này có cả sách Nhã Ca. Cuốn “Giải Khăn Sô cho Huế” được treo cao. Tất cả bọn tù nhà văn chúng tôi cùng đứng nghiêm. Nhìn thẳng. Lặng lẽ. Trân trọng chào tác phẩm của mình và bạn hữu.
Trong số những người cầm bút tự do bị chết vì tù đầy, riêng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, đã gồm đủ các chức vụ cho một Ban Chấp Hành:
– Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Chủ Tịch Văn Bút, nhiệm kỳ thứ hai.
– Nhà văn Hồ Hữu Tường. Phó Chủ Tịch Văn Bút, nhiệm kỳ thứ ba.
– Nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Tổng Thư Ký Văn Bút, nhiệm kỳ đầu tiên.
Riêng nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã chết trong trại tù giữa rừng già Xuyên Mộc. Nhà văn không bao giờ trở về. Nhưng niềm tin vào sức sống chữ nghĩa và nghệ thuật miền Nam mà ông từng nói lên đang trở thành sự thật.
Bốn mươi năm sau, dân Hà Nội nô nức đi nghe Chế Linh rồi Khánh Ly hát nhạc vàng. Ngó thêm mấy trang web thơ truyện trong nước, thấy ngay con số hàng triệu lượt người tìm đọc các tác giả thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn kỹ hơn, đọc kỹ hơn, sẽ thấy chính những người cầm bút ở miền Nam năm 1975 còn ở tuổi mười tám đôi mươi, hiện đang trở thành những tác giả được yêu mến nhất, đọc nhiều nhất.
Như truyền thống văn hóa dân tộc mà nó kế thừa, văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành trình chung, thành tựu chung của dân tộc. Bốn mươi năm sau cuộc chiến, chính người dân Việt từ Nam ra Bắc cùng xác nhận điều này.”
. . .
Từ sức sống dân tộc, với năm mới Đinh Dậu, đã có thể nhớ thơ Cao Tiêu và vững tin là nguyện ước sẽ thành khi hướng về tương lai, khỉ chạy về rừng và gà vào thành phố.
Bước trưởng thành mới
Stephanie Murphy_Ngoc Dung_OKBà Stephanie Murphy / Đặng thị Ngọc Dung, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên thành Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ.
Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi bầu cử tại Hoa Kỳ. Riêng với cộng đồng Việt tại Mỹ, đây là lúc sức sống Việt đang vượt mức trưởng thành.
Trước hết, là câu chuyện người phụ nữ Việt đầu tiên trở thành Dân Biểu Hạ Viện Hoa Kỳ. Ba mươi tám năm trước đây, Đặng thị Ngọc Dung là một thuyền nhân chỉ mới… 6 tháng tuổi, khi cùng gia đình vượt biển và được tàu Hải quân Mỹ cứu vớt.
Thành người tị nạn, lớn lên trên đất Mỹ, anh em cô học lên đại học bằng học bổng, và cô Ngọc Dung trở thành một chuyên viên về an ninh quốc gia ở Bộ Quốc Phòng Mỹ, hoạch định về chống khủng bố và cứu hộ.
Sau khi kết hôn, Ngọc Dung trở thành Bà Stephanie Murphy. Từ 2008, rời Bộ Quốc Phòng, Bà sống tại Orlando, Florida, dạy kinh doanh ở Rollins College, và làm công việc điều hành một công ty đầu tư.
“Câu chuyện đời tôi là minh chứng cho Giấc mơ Mỹ và những gì có thể xảy ra khi sự cố gắng chăm chỉ kết hợp với cơ hội.” Bà Stephanie nói khi vận động tranh cử chức Dân Biểu tại Địa hạt 7 của tiểu bang Florida.
Khu vực bà sinh sống và tranh cử không đông người Việt nhưng bà đánh bại đối thủ John Mica, một dân cử Cộng hòa tại vị từ 23 năm qua.
Sau khi thắng cử, bà viết trên website: “Tôi rất vinh dự và cảm kích bởi sự tin tưởng của người dân Florida đã gửi gắm để tôi đại diện cho họ tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Đây là một chiến dịch tranh cử tập trung vào các chủ đề chứ không phải là đảng phái và tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự của mình tại thủ đô của đất nước chúng ta.”
Stephanie Murphy là thành viên Đảng Dân Chủ. TT Obama, trong video hỗ trợ “gà nhà”ø tranh cử, nói đây là chuyện “chỉ có thể xảy ra tại nước Mỹ”. Lời vị Tông Thống mãn nhiệm không chỉ đúng cho trường hợp Bà Stephanie Ngọc Dung Murphy.
Tại Los Angeles có nữ luật sư Kim Nguyễn thắng cử chánh án tòa thượng thẩm. Từng là Thứ trưởng Bộ Tư Pháp tiểu bang California, Luật sư Kim Nguyễn nói khi tranh cử, rằng cô là con gái một gia đình tị nạn tại Hoa Kỳ và mong được phục vụ.
Dân Cử Mỹ Gốc Việt
Hubert Vo, TexasÔng Hubert Võ, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 7, Dân Biểu Tiểu Bang Texas, địa Hạt 149.
Một nữ dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Một dân biểu tiểu bang Texas. Một nữ Thượng Nghị Sĩ California. Một Giám sát viên tại Orange County, thủ phủ Việt tị nạn, và hai Thị Trưởng tại Nam – Bắc Cali. Đó chỉ mới là sáu chức vụ dân cử nổi bật. Trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, có tới 32 người đắc cử vào nhiều vị trí tiêu biểu khác, cho thấy mức độ trưởng thành của người Việt chính trường Hoa Kỳ từ 2017.
Rich Tran, 22 tuoi, MipitasTại miền Bắc California, cạnh thị trưởng tân cử Richard Trần, Milpitas có Anthony Phạm đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố.
Janet NguyenBà Janet Nguyễn, nắm giữ chức Thượng nghị sĩ tiểu bang California.
Riêng tại Orange County, bên cạnh Giám sát viên Andrew Đỗ, Thị trưởng Westminster Tạ Trí, có hai Phó thị trưởng gốc Việt, là các ông Phát Bùi tại Garden Grove và Michael Võ tại Fountain Valley. Về phía hội đồng thành phố, Westminster có thêm nữ nghị viên Kimberly Hồ; Garden Grove có thêm hai nữ nghị viên Thu Hà Nguyễn và Kim Bernice Nguyễn. Như thế số dân cử gốc Việt vẫn chiếm đa số trong hội đồng thành phố.
Andrew NguyenÔng Andrew Đỗ, tái đắc cử Giám sát viên quận hạt Orange County.
Theo khảo sát của National Asian American Survey, tám năm trước, 42%, người Việt theo Đảng Cộng hòa. Hiện nay, người Việt Cộng Hòa là 23%, Việt Dân chủ là 29%, còn lại 47% không theo đảng nào.
*
Ông Trí Tạ, tái đắc cử Thị trưởng Westminster.
Văn hóa Việt và truyền thống báo xuân từ con gà trăm năm Sức mạnh dù lịch sử đầy oan trái, vẫn ngời sáng. Vui Tết Đinh Dậu, chúng ta không quên rằng ước nguyện sâu thẳm nhất của từng người, của mọi người, vẫn là “đón Xuân dân tộc được bình an”, khi gà gáy chào mừng buổi bình minh của một vận hội mới…
Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ biên Việt Báo Xuân
……………………………………………………………………….
Lãnh đạo tốt, ắt phải biết xấu hổ trước hiện trạng đất nước
Nguồn:Fabooker KHANH NGUYEN / Boxitvn
Trên trang facebook của mình, luật sư Lê Ngọc Luân có viết rằng ông đột nhiên nhận được rất nhiều câu hỏi, xin ý kiến, về việc phải làm sao khi bị công an bắt về đồn. Tóm tắt các thư và tin nhắn hỏi về vấn đề pháp lý, ông Luân nói mối quan tâm lớn của dân chúng chỉ là “Nếu bị bắt, phải làm thế nào để tự bảo vệ bản thân và không bị chết?”.
Không phải vô cớ mà ngày 8/2/2017, luật sư Lê Ngọc Luân phải giải đáp ngay các thắc mắc ấy. Vì chỉ mới trước đó một ngày, tin tức trên nước Việt Nam lại loan đi chuyện một người đàn ông bị giải về đồn công an (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và bất ngờ tìm thấy đã chết treo cổ bằng sợi dây giày của chính ông. Nguyên nhân được công an Nghệ An đưa ra, giống như là, do đã tấn công vợ nên người đàn ông này hối hận và tự tử.
Có thể đó là một vụ tự tử thật. Nhưng ai ai khi đọc bản tin này cũng cảm thấy gờn gợn. Bởi ở Việt Nam, tình trạng tự chết trong đồn công an đã hết sức phổ biến. Chính báo chí nhà nước cũng tiết lộ rằng trong ba năm (từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2014) đã có đến 226 thường dân chết trong các trại tạm giam, tạm giữ. Và phần lớn tin tức đưa trên báo chí, đều có phần định hướng dư luận là tự tìm đến cái chết. Trong những vụ tự chết này, cũng có không ít vụ bị khám phá rằng thường dân bị các nhân viên công an tra tấn đến vong thân.
Hình như có chút bất an trong đất nước có chỉ số hạnh phúc cao ngất thì phải. Trong lời tư vấn của một luật sư tên tuổi như ông Lê Ngọc Luân, có hai chi tiết đáng nhớ. Đó là ông căn dặn mọi người đừng để bị ai gài bẫy về việc “nhận tội để được khoan hồng”, cùng với việc “may mắn” thì được các nhân viên công an hợp tác trong việc tiếp cận vụ án, còn không thì chết dở.
Lời nhắc của ông Luân khiến người ta nhớ rằng trên mọi con đường đô thị hay làng quê Việt Nam, bất kỳ ở đâu người ta có thể nhìn thấy tấm bảng đỏ chói với hàng chữ vàng “sống và làm việc theo pháp luật”. Những tuyên ngôn đó, đôi khi có kích cỡ lớn đến mức không khác gì phông màn của một sân khấu rẻ tiền.
Trong bộ phim Red Corner (1997), khi Jack Moore (diễn viên Richard Gere) là một doanh nhân Mỹ bắt oan vì tội danh giết người tại Trung Quốc, luật sư bào chữa của nhà nước cử đến, xuất hiện với câu nói đầu tiên là “anh nhận tội chưa, nhận tội thì sẽ được khoan hồng”. Khi Jack phản đối và kêu oan, nữ luật sư này (diễn viên Bai Ling) giải thích rằng một khi đã bị bắt, tự khắc là có tội, bởi công an không thể sai. Và nếu nhận tội thì hình phạt sẽ là được chết nhanh chóng và êm ái hơn.
Dĩ nhiên, đó là chuyện phim ảnh. Nhưng so với những gì đã diễn ra, đặc biệt với những vụ án oan như của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… tình tiết ấy xem ra cũng thật gần gũi.
Tháng 4/2015, khi còn là chủ tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Sinh Hùng được báo chí dẫn lời là ông xúc động khi hay tin số thường dân chết trong đồn công an, theo tổng kết là nhiều đến đơn vị hàng trăm.
Nhưng XÚC ĐỘNG thôi thì không đủ. Người lãnh đạo có nhân cách cần phải biết NHỤC NHÃ khi hiện trạng đất nước bất an và vô pháp như vậy. Một khi đất nước luôn cờ phất trống gióng về chỉ số hạnh phúc, về dự báo phát triển kinh tế như sấm giật… nhưng thủy điện vẫn mỗi năm thản nhiên nhấn chìm làng mạc và con người, người bệnh còn chen chúc nhau nằm ở hành lang, ở gầm giường… thì lãnh đạo phải biết tự sám hối về khả năng của mình.
Khi cá vẫn còn chết nằm dạt trên bãi biển, người dân cùng cực và nhà máy thủ phạm Formosa vẫn được các lực lượng tinh nhuệ của nhà cầm quyền bảo vệ, bằng chính tiền thuế của người dân, thì các nhà lãnh đạo đã tạo dựng nên con quái vật đó phải biết cúi mặt, nhận thấy sự đồi bại của mình.
Người lãnh đạo lừa dối dân chúng, tổ chức trình diễn việc ăn những con cá đem về từ vùng biển an toàn, để chứng minh biển không nhiễm độc, thì chính họ cũng cần phải soi gương để nhận ra sự ghê tởm tràn ra từ chính bộ mặt mình. Quan trọng là họ cần sớm nhận ra quyền lực đang có chỉ là áp đặt trong sự khinh bỉ của nhân dân.
Thật lố bịch. Khi nhà cầm quyền yểm trợ cho quan điểm bỏ Tết cổ truyền vì cho rằng ngày lễ cổ hủ, ăn chơi dài ngày. Nhưng chính các nhà lãnh đạo nơi nơi là người vẽ ra các lễ hội man rợ và phi dân tộc tính. Không đâu như đất nước này, một năm có hơn 8000 lễ hội, trung bình một ngày có 22 lễ hội diễn ra. Thật khó tìm một người lãnh đạo tử tế trong số đó, vì nếu có thì ắt họ đã phải biết xấu hổ vì sự suy đồi của họ đang trây trét khắp đất nước, từ chuyện treo cổ trâu đến phanh thây lợn.
Liệu năm 2017 này, còn có người dân nào tự chết trong đồn công an nữa không? Đó là một câu hỏi đầy tính dự đoán u ám, nhất là trong bối cảnh báo chí đưa tin việc thượng cẳng hạ tay của ngành công an nói chung với dân chúng vẫn nhan nhản xảy ra trên đường phố.
Cũng từng chứng kiến cảnh vô pháp và tàn bạo của công an trên đất nước mình, Michael Bassey Johnson, nhà thơ và là nhà triết học xã hội ở Nigeria từng kêu lên rằng “Chính sách khủng bố sẽ không bao giờ ngừng ở một quốc gia, khi người-được-gọi-là-lãnh-đạo chính là bọn tội phạm và khủng bố giả danh” (Terrorism will never cease in a country where the so-called leaders are criminals and terrorists in disguise).
Quả vậy, trừ phi những nhà lãnh đạo là người tốt và biết xấu hổ về hiện trạng trên đất nước, nhân dân mới có thể hy vọng về sự đổi thay từ chính nhà cầm quyền.
Tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Cong-an-chiu-trach-nhiem-vi-3-nam-co-260-nguoi-chet-khi-tam-giam-tam-giu-post157301.gd
http://kenh14.vn/voi-8000-le-hoi-moi-nam-trung-binh-moi-ngay-nguoi-viet-co-22-le-hoi-moi-gio-co-1-le-hoi-20160421143503586.chn
Tranh minh họa: Scream của Evard Munch
K.N.
…………………………………………………………………………………………..