1.TÂN XUÂN VẠN VẠN PHÚC-ĐINH DẬU 2017(NN)2.Tết Nguyên Đán ..(NL/NV)3.Năm Dậu nói chuyện gà .4. Thư chúc Tết(TN)

TÂN XUÂN VẠN VẠN PHÚC -ĐINH DẬU 2017

 

Nhân dịp đón Xuân mới Đinh Dậu 2017, chúng tôi chân thành chúc quý độc giả, các em, bằng hữu,các bạn trong nhóm cựu NS/TV 53-60 và gia đình Năm Mới AN KHANG, THỊNH VƯỢNG, HẠNH PHÚC .

Nhã Nhạc

……………………………………………………….

Tết Nguyên Đán trong tâm tư người Việt hải ngoại

Nguồn:Ngọc Lan/Người Việt – January 22,2017


Nơi hải ngoại vẫn có đủ bánh mứt, giò chả để mọi người chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên Đán được tươm tất như quê nhà. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Chỉ còn ngót nghét một tuần nữa là “Con Gà Đinh Dậu” sẽ chạm ngõ muôn nhà. Trong khi người dân trong nước vừa ráo riết lo chuẩn bị Tết, vừa rôm rả bàn tán chuyện liệu có nên nhập luôn Tết Nguyên Đán vào dịp Tết Dương Lịch hay không, thì ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, tại xứ sở Cờ Hoa, người Việt xa xứ lại mang nhiều nỗi niềm rất khác trong không khí đón Xuân về.

Ngày Tết rất quan trọng

“Ngày Tết với tôi rất quan trọng, tôi có thể nói ngay như vậy không cần một giây suy nghĩ,” anh Daniel Phú, chủ nhân của LongMi Lashes, trả lời ngay khi vừa được phóng viên Người Việt hỏi “Tết đối với anh có ý nghĩa như thế nào?”

“Tết là nét văn hóa lâu đời của ông bà đã nằm luôn trong máu mình rồi, nó trở thành linh hồn không thể thiếu trong mình rồi,” người thanh niên thành công đặc biệt với kỹ thuật và bằng sáng chế về gắn lông mi, nói tiếp. “Tôi đã lớn lên cùng những cái Tết nơi quê nhà từ những ngày còn nhỏ. Cho nên đến bây giờ, dù là sống ở Mỹ nhưng cứ Tết đến là lại gợi lên trong tôi rất nhiều kỷ niệm với gia đình, người thân.”

Cô Nga Châu ở Santa Monica cũng cùng suy nghĩ “Tết là dịp quan trọng với những người gốc Việt.”

“Mỗi lần Tết đến tôi thấy lòng mình vui lắm, nhớ Việt Nam nhiều hơn và nhiều nỗi rộn ràng, xôn xao hơn,” cô Nga cho biết trong lúc đang ở chùa Liên Hoa để tham dự một sinh hoạt được tổ chức nhân dịp Xuân đến.

“Nhưng thật sự, tự trong sâu thẳm, bên cạnh niềm vui thì ngày Tết đối với tôi cũng rất là buồn,” người phụ nữ đã qua tuổi về hưu chia sẻ trong sự nghẹn ngào, “Chiến tranh Việt Nam đã đem đến cho gia đình tôi sự tan nát, chia lìa, mỗi người mỗi ngã. Cho nên ý nghĩa sum vầy của ngày Tết thật ra không trọn vẹn đâu.”

Không ở ngay khu trung tâm Little Saigon, không có hàng xóm là người Việt, nhưng với chị Chi Huỳnh hiện ở thành phố La Crescenta, thì “Dù ở Mỹ hai mươi mấy năm rồi, cho dù có đơn giản đến đâu, mình vẫn giữ tập tục ông bà trong dịp lễ Tết như thế này. Nói vậy là hiểu, với tôi, Tết có quan trọng hay không.”

Cô Trầm Bội Phương ở Irvine lại có cách nhìn về Tết đặc biệt hơn.

“Tôi ở Mỹ 30 năm. Lúc mới sang, các con tôi còn nhỏ, tôi ăn Tết kỹ lắm. Là vì tôi muốn dạy cho các con quen và không quên tục lệ ông bà. Giờ, các con tôi lớn hết rồi, tôi thấy trách nhiệm mình bớt đi, ăn Tết đơn giản hơn nhưng vẫn luôn có đủ hương vị ngày Tết như bao đời nay.”

Vì Tết rất quan trọng với những gia đình trên, nên tất cả đều có sự sắm sửa, chuẩn bị cho Tết, dù ít dù nhiều. Bánh chưng, bánh tét, hoa quả, trà mứt, là những món không thể thiếu. Đặc biệt là sự cúng kiếng, dù không cầu kỳ, vẫn được mọi người thực hiện khá chỉn chu.

Tết là ngày họp mặt gia đình

Bên cạnh nhiều người nghĩ rằng Tết Ta là ngày quan trọng, cũng có người mang suy nghĩ khác.

“Ngày xưa, khi còn nhỏ tôi mong Tết lắm, vì Tết đến là thấy vui. Nhưng sống ở Mỹ lâu, tôi lại thấy ngày Tết không còn quan trọng nữa, tuy rằng nó vẫn vui, vẫn có không khí nhộn nhịp,” anh Benjamin Vũ, một nhiếp ảnh gia có tiếng tại vùng Little Saigon nêu cảm nghĩ.

Lý do để anh Benjamin thấy ngày Tết mà mình từng mong thuở nào không còn quan trọng nữa là vì “trong gia đình tôi nói Tết là của người Tàu chứ không phải của người Việt nên tôi không thấy nó quan trọng nữa.”

Thế nên, tác giả của nhiều bức ảnh đoạt giải quốc tế cho rằng, “Tết bây giờ chỉ là ngày bà con gặp nhau để có cơ hội ăn uống chung vui thôi chứ không phải một dịp gì lớn lao, bắt buộc trong gia đình tôi.”

“Sống ở Mỹ 30 năm nên có lẽ suy nghĩ mình cũng Mỹ rồi. Ngày Tết cũng không khác ngày thường, vì ai cũng bận đi làm. Riêng năm nay Tết rơi vào cuối tuần, nên dù không có ý sửa soạn nhiều, nhưng vì gia đình thích chơi hoa, hoa lan hoa mai, nên cũng xem đây là cơ hội để mình mua hoa về trang hoàng cho căn nhà đẹp thêm hơn, chứ ngoài ra không có rộn ràng như Noel. Tụi tôi không bỏ nhiều thời gian vào ngày Tết, dù cũng có mai, có lan, có pháo cho vui. Nhưng Tết Tây với tôi quan trọng hơn, đó mới chính là ngày mừng Năm Mới,” anh Benjamin bày tỏ.
Tết Nguyên Đán trong tâm tư người Việt hải ngoại
Costco, hệ thống cửa hàng bán sỉ lớn nhất nhì của Mỹ – vẫn có những mặt hàng hoa quả đáp ứng cho nhu cầu mua sắm Tết Nguyên Đán của người Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng tại Quận Cam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không đông người Việt, vẫn ăn Tết theo cách riêng

Cô Vân Nguyễn ở thành phố Sierra Vista, tiểu bang Arizona, nơi không có đông người Việt sinh sống, nên không dễ tìm thấy không khí Tết ngoài phố xá. Tuy vậy, theo cô, “Bước vô nhà lại thấy Tết liền.”

“Mấy hôm nay tôi đã gói bánh chưng bánh tét rồi. Cũng chuẩn bị món này món kia cho Tết. Cũng trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp. Ở ngoài đường không thấy Tết chứ bước vô nhà nhìn là biết Tết đang về liền,” cô Vân, một kỹ sư điện toán đang làm việc cho quân đội, chia sẻ.

“Từ bao lâu nay, tất cả mọi thứ đã như nằm sẵn trong máu mình, không ai bắt ép nhưng cứ đến ngày 23 Tháng Chạp thì phải cúng đưa Ông Táo, tối Ba Mươi thì cúng Giao Thừa, cũng chúc Tết, lì xì. Mùng Một thì không quét nhà, không đổ rác, không làm việc nhiều, cái gì cũng phải nhẹ nhàng, phải vui vẻ. Ngày đầu năm thế nào thì cả năm sẽ như thế ấy,” cô Vân giải thích thêm về tập tục ông bà mà gia đình cô vẫn đang tiếp tục duy trì nơi hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua.

Do thói quen chuẩn bị Tết, ăn Tết như vậy được duy trì, nên các con của cô, dù sinh ra ở Mỹ, cũng biết ít nhiều về ngày Tết cổ truyền.

“Mấy đứa nhỏ biết hết đó. Tụi nó biết Tết là được lì xì, biết cả tục lệ không quét nhà, không làm việc nhiều ngày đầu năm nên Mùng Một là tụi nó khoái lắm, vì khỏi làm gì hết. Năm ngoái đứa lớn đi học xa, Tết là ngày thường nó không về được, nhưng cũng chờ được bao lì xì, phải chụp hình gửi cho nó coi,” cô nói thêm.

“Bên này có Tết gì đâu” là câu trả lời ngay của cô Mỹ Thúy Nguyễn ở thành phố Des Moines, Iowa, khi được hỏi về không khí Tết Nguyên Đán nơi tiểu bang cô sống thế nào.

Mặc dù nói vậy nhưng Thúy cũng thừa nhận “Tập tục ngày Tết đã thấm sâu trong lòng người Việt rồi, nhà lại có ông bà nội nên mọi chuyện trang hoàng, cúng quảy luôn luôn đúng bài bản đâu ra đó.”

Sự rộn ràng chuẩn bị đón Tết không chỉ có ngay trong gia đình cô Thúy, mà tại nơi cô làm việc – một hãng chuyên làm về bao thư các loại – những người gốc Việt cũng xôn xao không kém.

“Năm nay Mùng Một, Mùng Hai rơi vào Thứ Bảy, Chủ Nhật, mà chỗ mình làm theo ca, nên những ai phải đi làm ngày đó thì đâu có đón Tết ở nhà được, cho nên nghe mọi người nói với nhau mỗi người mang theo một món để cùng ăn Tết, có người mang vào cành mai giả nữa, thấy náo nức lắm,” cô Thúy nói.

Theo cô, “Những dịp lễ Tết như vầy là cơ hội để người Việt mình tụ lại, vui lắm, nên không nghe ai than thở hay có ý kiến bài bác chuyện Tết nhất gì hết. Nhất là ở đây mình đón Tết không có cầu kỳ, tốn kém. Như ngày đưa Ông Táo, những người Việt trong hãng cũng nhắc nhau nhớ cúng, rồi lại bàn nhau là cúng thế nào, nấu chè gì để cúng. Rất là vui.”

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Tết Nguyên Đán cũng được những người bản xứ trong hãng của cô biết đến qua những phong bao lì xì $1, $2 mà những công nhân gốc Việt tặng cho họ, như món quà may mắn. “Họ thích lắm,”  cô Thúy nói.

***

Ngày Tết Nguyên Đán, nếu như anh Daniel Phú nói, “Con người sống phải có nguồn có cội. Sống ở hải ngoại, nếu mình không tiếp tục duy trì những nét văn hóa như thế này thì thế hệ sau làm sao mà biết,” thì cô Tâm Nguyễn ở Westminster lại cho rằng, “Nếu Tết Tây mang đến cho mình niềm vui phấn chấn của một năm mới náo nức, đầy sức sống, thì không khí của ngày Tết Nguyên Đán lại đưa mình, những người gốc Việt, về với những giá trị tinh thần thiêng liêng.”

“Tôi không thể giải thích được hết cảm xúc của mình khi bước chân vào những ngôi chợ Việt ngập tràn sắc Tết. Tôi không thể giải thích được hết cảm xúc của mình khi tiếng chuông điểm giờ Giao Thừa vang lên, hòa trong tiếng pháo rang, mùi nhang trầm, mùi khói pháo,… Một điều gì đó rất lạ, mà tôi chỉ có thể nói rằng, đó là cảm xúc tìm về cội nguồn- cảm xúc rất riêng chỉ có ở những người dân Việt,” cô Ngọc nói cùng nụ cười vương lại nơi góc chợ hoa một chiều Tháng Chạp.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

……………………………………………………….

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ -Vietnam4all.net
Nguồn:
  Vietnam4all.net

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ

(Đinh Dậu từ 28-01-2017 đến 15-02-2018)

(Trích dẫn tác phẩm Tử-Vi & Địa-Lý Thực-Hành  của Gs Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ)

    Sau khi năm Bính Thân chấm dứt, thì đến năm Đinh Dậu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ sáu, 27-01-2017 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 15-02-2018. Năm Đinh Dậu này thuộc hành Hỏa và mạng Sơn Hạ Hỏa giống năm Bính Thân, nhưng năm Đinh Dậu thuộc Âm, cho nên năm này có can Đinh thuộc Hỏa và có chi Dậu thuộc Kim.  Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành,  thì “mạng Hỏa khắc  mạng Kim ” tức năm này “Can khắc Chi ” hay nói khác đi Trời khắc Đất. Bởi vì, mạng Hỏa được khắc xuất, mạng Kim bị khắc nhập. Do vậy, năm này xem như là năm xấu nhứt tổng quát, không thể thực hiện gì kết quả như ý. Trường hợp này, giống như những người có : mạng Hỏa gặp năm mạng Thủy – mạng Thủy gặp năm mạng Thổ – mạng Thổ  gặp năm mạng Mộc và mạng Mộc gặp năm mạng Kim. Được biết năm Dậu vừa qua là năm Ất Dậu thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ tư, 09-02-2005 đến 28-01-2006. (xem trang lại 209 đến 212 đã dẫn ở trước)

        Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông  xuất  hiện  được  minh định  quảng bá  từ năm 61  của  đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2017 = 4654, rồi đem chia cho 60 năm, thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp  thứ  77 và số dư 34 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 đến năm 2043. Do vậy, năm Đinh Dậu 2017 này là năm thứ 34 của Vận Niên Lục Giáp 78 và năm Dậu  kế tiếp sẽ là năm Kỷ Dậu thuộc hành Thổ, nhằm ngày thứ ba tính từ 13-02-2029 đến 02-02-2030.

                   Năm Dậu tức Gà cũng là Kê, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :

Dậu là con Gà đứng hạng thứ 10 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Gà là loài gia súc thường được nuôi trong nhà như : Gà, Vịt, Heo, Chó, Mèo.v.v. Nhưng Gà có cái đặc biệt là có 2 chân cùng với Vịt, trong khi các gia súc khác là Heo, Chó, Mèo .v.v thì có 4 chân.

                  Gà là loài lông vũ giống như loài Công, đẻ trứng, nhưng Gà và Công có vị trí cách biệt nhau hèn sang, bởi vậy, trong thành ngữ chúng ta có câu : “Gà muốn áo Công”

                    Hơn nữa, thịt hay trứng Gà để cho mọi người thường dân ăn, trong khi thịt hay trứng Công rất trân quí và hiếm có, cho nên Bà Từ Hi Thái Hậu mới làm món Trứng Công để khoản đãi phái đoàn sứ thần các quốc gia Tây Phương vào Tết nguyên đán năm Canh Tý 1874, xin trích dẫn như sau :

                   Trong dân gian thường nói : “Nem Công, Chả phụng” để chỉ hai món ăn thuộc hàng trân vị. Loài Công trước kia không phải là gia súc, cho nên muốn tìm Công phải vào rừng núi xa xôi may ra tìm được. Nem Công dù hiếm quí nhưng vẫn còn tương đối dễ kiếm, dễ làm so với trứng Công, bởi thứ nhứt loài Công làm tổ ở những nơi xa xôi hẻo lánh, trên cành cao hay vách đá cheo leo khó tìm ra được. Thứ hai là dù có tìm ra được chỗ Công đang ấp trứng thì cũng không dễ gì đến gần ổ, vì Công rất hung dữ, chống cự kịch liệt và cuối cùng nếu thấy không bảo vệ được ổ trứng, thì chúng đập bể nát hết chứ không để lọt vào tay ai.

                   Bà Từ Hi Thái Hậu sai người đi lấy trứng Công, nhưng chẳng ai làm được, bà rất phiền muộn. May thay, có một vị tướng quân  trẻ tuổi xin vào ra mắt và tâu rằng: Ông có người anh bà con ở Tứ Xuyên nuôi được bầy Khỉ 100 con, thông minh lanh lợi, được huấn luyện thuần phục, nghe được tiếng người, chuyên đi hái trà cùng tìm các được thảo hiếm hoi quí giá ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh hiểm trở. Ông tin rằng nếu tập luyện cho lũ Khỉ chúng nó có thể lấy được trứng Công. Bà Từ Hi Thái Hậu nghe xong trong lòng hoan hỉ, rồi truyền đem 1000 lạng vàng ròng cùng với 100 tấm gấm vóc Bạch Cầu thượng hạng ban cho viên tướng nọ làm lộ phí đi Tứ Xuyên lo việc kiếm trứng Công, nếu xong việc sẽ tưởng thưởng thêm, mỗi trứng 10 lạng vàng ròng nữa. Viên tướng nọ lãnh lịnh ra đi ngay cùng người anh bà con huấn luyện đoàn Khỉ. Họ thành công, lấy được 500 trứng công, nhưng thiệt hại khá lớn bầy Khỉ, bởi vì bị Công mổ chết hết một phần ba. Tuy nhiên, Bà Từ Hi Thái Hậu có trứng Công để khoản đãi khách quí. 

                   Thật đúng với câu : “Có tiền mua tiên cũng được” là thế đó. (tài liệu này do Mọt Sách  sưu tầm và tường thuật).

                 Trở lại giống Gà ở Việt-Nam, chúng ta thường thấy các loại như sau :

                 Gà Nhà tức Gia Kê : là loại thường nuôi gần nhà, sáng thả ra  nuôi trong vườn, chiều tối chúng nó trở về ngủ trong chuồng, ngày chỉ cho ăn hai lần. Các loại gà nhà thường thấy là : Gà trống, gà mái, gà tơ tức gà giò, gà tre, gà ác, gà tàu, gà nòi (chọi) tức Gà để đá nhau, gà lôi tức Gà Tây.v.v. nhờ nuôi như thế, nên thịt chúng nó rất  thơm ngon hơn các Gà nuôi nhốt trong chuồng để bán thịt hay trứng. Đó là, Gà kỷ nghệ.

                   Gà rừng tức Sơn Kê : là loại sống trong rừng, nhỏ con, bay giỏi và rất hung dữ lại hiếu chiến.

                   Gà nước  : là loại sống ngoài đồng ruộng, hình dáng giống Gà, nhưng bay rất giỏi như loài chim.

                   Gà gô tức loài chim Đa đa thường sống đồi núi  có cây thưa.

                   Gà cồ hay Gà trống tức Hùng Kê có thân hình lớn con, có mồng đỏ chót rất oai vệ.

                   Gà mái không có mồng đỏ và không oai vệ như gà trống, cho nên người nào có gương mặt tái mét, thì thường bị thiên hạ nói có bộ mặt như gà mái.

                   Gà giò tức Gà tơ thường để ăn thịt.

                   Gà ác thường có bộ lông màu trắng, thịt màu đen, chân đen xì, nhỏ con, rất hiền không hung dữ như Gà nòi (chọi) thường đá nhau. Loại gà này, là loại Gà nhà,  trong dân gian rất thích thịt nó để hầm với thuốc Bắc như : Sâm, Nhãn Nhục,  Thục Địa .v.v. ăn rất bồi bổ cho cơ thể. Đó là, ích lợi con Gà ác, nhưng không biết tại sao nó mang tên Gà ác?

                   Gà so là Gà mới đẻ trứng lứa đầu. Các trứng đẻ đầu được gọi là trứng Gà so.

                   Gà Tre là loại Gà nhỏ con, còn Gà trống tre thì có màu sắc sặc sỡ, lại thích đá nhau, không khác Gà trống nòi, nó cũng có cựa nữa.

                   Gà tàu có bộ lông hơi nâu, da vàng, thịt ăn rất ngon lại mềm và dai nếu nuôi thả trong vườn.

                   Khi nói đến Gà nòi để đá nhau, thường thấy có các bộ lông như sau :

                   Gà Điều có bộ lông màu đỏ.

                   Gà nhạn có bộ lông như loài Nhạn.

                   Gà Bướm có bộ lông có lốm đốm như loài Bướm.

                   Gà Chuối  có bộ lông nhiều màu như: trắng, đỏ, vàng, nâu, xám lốm đốm như thân cây chuối.

                   Gà Xám có bộ lông màu xám.

                   Gà Ô  có bộ lông đen tuyền.

                   Khi viết đến đây, tôi lại nhớ từ ngữ Việt-Nam mình rất phong phú, mặc dù cùng màu đen, nhưng lại dùng khác nhau, từ con vật  đến vật dụng, ví như : Gà Ô (Gà đen)  – Mèo Mun (Mèo Đen)  – Mực Tàu (Mực đen)  – Dầu Hắc (Dầu đen)  – Mắt huyền (Mắt đen)  v.v.

                   Gà Ó có lông hay mắt giống như chim Ó…

                    Ngoài ra, trong Ca dao, Tục Ngữ, Thành Ngữ cũng như truyền khẩu trong dân gian cũng có rất nhiều, nói về Gà, xin trích dẫn như sau :

Gà lạc bầy Gà kêu chiu chít,

Phụng lìa Loan, Phụng lại biếng bay

Xa em từ mấy bửa rày,

Cơm ăn  không đặng áo gài hở bâu.

Gà nào hay bằng Gà Cao Lảnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

Con Gà cục tác lá chanh,

Con Lợn ụt ịt mua hành cho tôi.

Con Chó khóc đứng khóc ngồi,

Mẹ ơi! đi chợ mua tôi đồng riềng.

Gà tơ xào với mướp già,

Vợ hai mươi mốt, chồng đã sáu mươi.

Ra đường chị giễu em cười,

Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng;

Đêm nằm tưởng cái gối bông,

Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.

Tuổi Thân  con Khỉ ơ lùm,

Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông.

Tuổi Dậu con Gà vàng bông,

Có mỏ có mồng, sang gáy ó o …

Nuôi Gà phải chọn giống Gà,

Gà ri giống bé nhưng mà đẻ sai.

Máu Gà lại tẩm xương Gà,

Máu người đem tẩm xương ta bao giờ.

Chị kia bới tóc đuôi Gà,

Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu …?

Mẹ Gà con Vịt  chít chiu,

Mấy đời dì ghẻ mà thươngcon chồng.v.v.(ca dao)

Về Tục Ngữ xin trích dẫn như sau :

Chớp đông nhay nháy, Gà gáy thì mưa.

Trẻ trộm Gà, già trộm Bà.

Gà cựa dài thì rắn, cựa ngắn thì mềm.

Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.

Gà đen, chân trắng mẹ mắng cũng mua.

Gà trắng, chân chì mua chi giống ấy.

Gà béo thì bán bên ngô, Gà khô bán láng giềng.

Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền.

Gà người gáy, Gà nhà ta sáng.

Gà què ăn quẩn cối xay.

Con Gà tức nhau tiếng gáy .v.v. (tục ngữ).

Còn thành ngữ thì :

Quẹt mỏ như Gà.

Sợ nỗi da Gà.

Thóc đâu no Gà, cơm đâu no Chó.

Mặt tái như Gà cắt tiết.

Tóc đuôi Gà, mày lá liễu.

Tội Gà vạ Vịt.

Trấu trong nhà để Gà ai bới.

Trông Gà hoá Quốc.

Vắng chủ nhà, Gà mọc đuôi tôm.

Rối như Gà mắc đẻ.

Rũ như Gà cắt tiết.

Gà trống nuôi con.

Gà què bị Chó đuổi.

Gà muốn áo Công.

Gà nhà lại bới bếp nhà.

Một tiền Gà, ba tiền thóc.

Gà mái đá Gà cồ.

Nửa đêm Gà gáy.

Gà đẻ Gà cục tác.

Gà mái gáy gở .v.v.(thành ngữ)

  Viết đến thành ngữ : “Gà mái gáy gở”. Đó là, một việc làm hay một điềm bất thường, bởi vì thói đời thường con Gà trống mới gáy, con Gà mái thường không gáy, chỉ khi nào nó đẻ xong thì cục tác mà thôi, cho nên việc con Gà mái gáy là việc bất thường và trong xóm làng nào nghe được tiếng Gà mái gáy, thì cho là điềm gở tức bất thường, không  khác cô hay bà nào đó  trong  xóm làng có hành động bất thường hay quá quắc hoặc đôi khi làm ô-nhục gia phong…

Nhân đây, xin trích dẫn truyện của Bà Võ Tắc Thiên như sau :

 Vào đời nhà Đường ở bên Tàu, vua Đường Thái Tôn tuyển Võ Thị vào cung làm Tài Nhân. Khi vua Thái Tôn lâm trọng bịnh, thì Võ Thị cố ve vãn Thái Tử. Lúc vua cha chết, Thái Tử Đường Cao Tôn lên ngôi, thì Võ Thị ra tay chiếm ngôi Hoàng Hậu, để trở thành Võ Hậu. Từ đó, Võ Hậu lấn quyền vua và rất độc đoán. Bước đầu, Võ Hậu tự tay phế Thái Tử Lý Trung (con lớn), để lập con thứ là Lý Hoằng. Sau thấy Lý Hoằng khó dạy bảo, Võ Hậu liền giết Lý Hoằng rồi lập Lý Hiền, kế đến Võ Hậu truất bỏ Lý Hiền và cho Lý Triết lên làm Thái Tử. Khi vua Cao Tôn mất, Lý Triết lên ngôi lấy hiệu là Trung Tôn, nhưng quyền bính đều nằm trong tay của mẹ làVõ Hậu. Được một năm, thì Trung Tôn lại bị mẹ truất phế xuống giữ chức Lư Lăng Vương, để người em là Lý Đản lên ngôi. Sau cùng bà lại truất phế luôn Lý Đản, rồi tự xưng là Võ Tắc Thiên Hoàng Đế đổi quốc hiệu là Chu. Còn những thân vương nhà Đường, ai có ý chống lại đều bị Bà tru diệt sạch hết.

  Từ đó, Bà Võ Thị trở thành Bà Võ Tắc Thiên Hoàng Đế, xem việc nước như việc nhà của Bà. Đó là, sự bất thường, không khác ” Gà mái gáy gở ” vậy.

   Không những trong các : Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ nói đến Gà,  mà trong các câu hò cũng nói đến Gà, ví như sau :

Gió đưa cành trúc là đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà thọ Xương.

Khi nói về các giai thoại và nguồn gốc về Gà cũng như phương pháp đá Gà hay dùng Gà để nấu các thức ăn thì rất nhiều. Bởi vì, Gà là một trong những gia súc xem như rất được mọi người biết đến, nếu kể ra hết thì sẽ tốn nhiều thời giờ vô ích, xin tạm chấm dứt đề tài này. Nhân đây, xin trích dẫn một số tiêu đề về: Về giai thoại về Gà sau đây :

  Con Gà nơi thành Cổ Loa.

   – Tả Quân Lê Văn Duyệt và Thú chọi Gà.

– Con Gà của Trạng Quỳnh.

– Mất ngôi vì Gà.

– Hải Ninh Quận Công chết vì Gà.

 …v.v.

(ngưng trích – NN)

 Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ
Mừng xuân Đinh Dậu

……………………………………………………………….

Chúc Mừng Năm Mới
tannguyen to me

Nhân dịp Năm Mới Đinh Dậu 2017 sắp tới, thân ái chúc Băng Tâm và toàn gia được hưởng một Năm Mới Sức Khoẻ Dồi Dào, Mọi Sự May Mắn, Vạn Sự Tốt Lành, An Vui Hạnh Phúc.
Rất mong trang Web của Tâm tiếp tục phát triển tốt đẹp, bài vở phong phú, nhiều tiết mục vui tươi, hấp dẫn…
Thân ái,
Tân Nguyên

*** Cám ơn Tân Nguyên nhiều– BT ***

…………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics