1.Thành tích KT của Obama(NV)-2.Tổng Thống bay bướm của Pháp(VB)-3.Đọc cuốn”Hải chiến Hoàng Sa'(TB Nam)-4.Marathon HồngKông..(RFA)

Thành tích kinh tế của Barack Obama
Nguồn:nguoiviet.com-Monday, February 17, 2014

Chim chích chòe của kinh tế học

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Gần hai tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, ngày 17 Tháng Hai năm 2009, Tổng Thống Barack Obama đã ký đạo luật kích thích kinh tế tên là ARR (American Recovery and Reinvestment Act of 2009) trị giá hơn 800 tỷ Mỹ kim. Ðạo luật được Hạ Viện rồi Thượng Viện của Quốc Hội khóa 111 thông qua…… với đại đa số dân biểu nghị sĩ Dân Chủ – và lác đác vài lá phiếu cộng hòa.

Ðúng năm năm sau, người ta tiếp tục tranh luận về sự công hiệu, hay vô hiệu, của đạo luật.

Phía cộng hòa và các kinh tế gia thuộc trường phái tự do thì phê phán đạo luật là ít công hiệu, gây bội chi ngân sách và lãng phí qua nhiều mục chi có nội dung chính trị. Phe ủng hộ có kinh tế gia đã đoạt giải Nobel và là bình luận gia nổi tiếng thiên tả là Paul Krugman thì lý luận rằng đạo luật có giá trị, mà chỉ bằng một phần ba nhu cầu, nếu không thì còn tác động lớn hơn.

Trước sự thể đó, người thường như chúng ta nghĩ sao?

Vì kinh tế cũng là chính trị, người viết xin thành thật khai báo là không tin vào các chính trị gia mà cố tìm vào những con số khách quan từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2014 để đánh giá. Sau đây là những số liệu kinh tế mới nhất, để quý độc giả rút lấy kết luận về truyện chích chòe trong kinh tế chính trị học.

***

Về đại thể, kể từ khi ông Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ có tạo thêm hơn ba triệu việc làm và đẩy mức thất nghiệp từ 7,8% xuống 6,6%. Ðó là con số của thành tích. Nhưng hơn 10 triệu người vẫn chưa có việc và gần bốn triệu bị thất nghiệp quá 27 tuần, tăng gần một triệu hai. Số thất nghiệp dài hạn, là quá 37 tuần, thì tăng gần gấp đôi con số đầu năm 2009.

Về chi tiết, số người tham gia thị trường lao động giảm 2,9 điểm bách phân, tới mức thấp nhất kể từ 1978. Có hai lý do giải thích tình trạng bi đát này, mà mỗi phe lại chấm một để biện giải.

Phe ủng hộ nói đến lớp người sinh sau Thế chiến II (từ 1946 đến 1964) đã đến tuổi về hưu, phe đả kích thì nhắc đến những người mất việc quá lâu nên nản chí hết muốn tìm việc. Ngoài ra còn một lý do thứ ba là nhiều người bất toàn về thể lực (disabled workers) có thêm phúc lợi, tăng 20% kể từ 2009, nên không cố tìm việc và ra khỏi thị trường lao động.

Bên cạnh yếu tố nhân dụng và việc làm, một chi tiết cũng cần chú ý: vật giá hay lạm phát.

Những người chống đối thì e bội chi ngân sách quá lớn có thể gây ra lạm phát. Sai bét, thật ra, một thước đo về vật giá là chỉ số giá tiêu thụ CPI chỉ tăng có 10,3%. Tức là rất ít lạm phát. Khi đó, ta cần nhớ thêm rằng sau đạo luật ARRA trị giá khoảng 838 tỷ, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ bơm thêm hơn ba ngàn tỷ đô la trong năm năm để lại kích thích kinh tế mà vật giá và lãi suất không tăng. Những người làm chánh sách thì e kinh tế có thể bị nguy cơ giảm phát chứ không phải là lạm phát!

Chuyện thứ ba là bội chi ngân sách.

Trong bài diễn văn tháng trước về Tình Hình Liên Bang (SOTU), Tổng Thống Obama khoe thành tích cắt giảm bội chi ngân sách. Sự thật thì bội chi vẫn ở mức kỷ lục của lịch sử và đang chồng chất thêm. Khi ngân sách bị bội chi, nhà nước phải đi vay. Tổng số nợ của khu vực công quyền liên bang hiện đang ở mức 17 ngàn tỷ 300 triệu đô la, tăng 63% so với khi Obama nhậm chức.

Chi tiết kỹ thuật là trong số này có cả khoản tiền nhà nước tự vay – đa số là Quỹ An Sinh Xã Hội, nội dung của một bài khác. Yếu tố đáng chú ý hơn vì có hậu quả kinh tế trong trung hạn là khoản tiền nhà nước nợ công chúng: thêm 12,3 ngàn tỷ, tăng 95% trong năm năm đầu của Chính Quyền Obama. Với đà này, khoản công trái của chính quyền nợ tư nhân sẽ tăng gấp đôi trong hai nhiệm kỳ Obama. Ðấy cũng là một cách đánh giá hiệu ứng của đạo luật kích thích: kết quả thì ít mà gánh nợ thì nhiều.

Khi vay tiền thì phải trả tiền lời, một phí tổn ở khoảng 6,5% của số tổng chi. Theo Cơ Quan Ðộc Lập CBO của Quốc Hội (Congressional Budget Office), tiền lời sẽ ngốn một khoản lớn hơn của số tồng chi và khi lãi suất sẽ tăng sau này thì phí tổn đi vay của nhà nước còn tăng nữa. Diễn giải cho dễ hiểu: vay tiền mua thuốc bổ mà bệnh không giảm thì… đã nghèo mà lại mắc eo.

Trong cả bi kịch kinh tế này, có một thành phần lại rất hài lòng – mà ít nói ra.

Ðó là doanh gia và các doanh nghiệp lớn. Số doanh lợi mới nhất mà người ta có thì thuộc Quý Ba năm ngoái (từ Tháng Bảy đến Tháng Chín) và tăng một ngàn 900 tỷ đô la. Con số vô hồn này phản ảnh hai chuyện: 1) tăng 178% so với khi ông Obama nhậm chức, 2) cao gấp ba tam cá nguyệt trước khi Obama chấp chánh. Vị tổng thống của dân nghèo là con cưng của giới tài phiệt – nên được họ sốt sắng ủng hộ.

Cùng với thành phần doanh gia, người có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng thấy hài lòng vì các chỉ số chứng khoán đều tăng hơn gấp đôi trong năm năm đầu của Obama. Tính đến giữa Tháng Giêng thì chỉ số Standard and Poor’s 500 tăng 123%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 106% và chỉ số NASDAQ tăng gần gấp ba (190%). Cho dù thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh và mất giá chừng 10% trong mấy tháng tới thì giới đầu tư vẫn lời chán.

Khi ấy, ta nên chú ý đến một nghịch lý: thị trường cổ phiếu thường lên giá dưới thời tổng thống dân chủ. Ðấy là chuyện “một đồng một cốt”!
Nếu có ai thắc mắc thì xin nhớ lại ca khúc cho thiếu nhi của nhạc sĩ Ðức Quỳnh. Một ca khúc ngụ ngôn ngộ nghĩnh:

Chim chích chòe nó kêu chích chòe
Tôi ném hòn sành lăn cổ xuống ao…
Ðem về vừa xáo vừa xào được ba bát đầy
Ông Thầy ăn một, bà Cốt ăn hai
Còn đầu còn tai đem về biếu Chúa,
Chúa hỏi chim gì? Là chim chích chòe!

Trong chế độ dân chủ thì Chúa ở đây là người chủ. Là quần chúng nhân dân! Trước hết là dân nghèo, và thành phần trung lưu vẫn được Tổng Thống Obama nhắc tới? Họ được hưởng cái đầu cái tai ra sao?

Suốt năm năm qua, lương bổng cho công nhân viên chức tại Mỹ không tăng mạnh. Tính theo lương tuần thì sau khi khấu trừ vật giá chỉ tăng có 0,3%. Ðầu và tai chim, là vậy! Thế còn cái tổ?

Số người có nhà thì giảm 2,4 điểm bách phân, tới mức tiêu điều là 65,1% so với thời cực thịnh là 69,4% vào năm 2004. Số người lãnh trợ cấp lương thực (food stamps) lên tới mức kỷ lục là hơn 47 triệu người, 15% dân số toàn quốc, so với năm 2012 thì giảm chút đỉnh mà vẫn là tăng 48,3% so với năm đầu của Obama.

Năm 2012, cựu Dân Biểu Newt Gingrich đả kích Obama là “tổng thống tem phiếu”. Hơi oan, mà hơi thôi.

Oan vì trong hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Georges W. Bush, số dân lãnh tem phiếu tăng 14,7 triệu, nay thì tăng 15,4 triệu. Nhưng hơi thôi vì trong đạo luật ARRA, một số biện pháp trợ cấp “nhất thời” cứ được tái tục nhiều lần cho tới Tháng 11 năm ngoái. Biện pháp cứu đói giảm nghèo không thấy “phê” cho người nghèo đói.

Vì giấy báo có hạn, bài viết xin dừng tại đây mà khỏi nói đến nhiều hiệu ứng quốc tế của đạo luật ARRA. Thí dụ như xuất cảng chỉ tăng có 34% so với chỉ tiêu của ông Obama là tăng gấp đôi. Hay sản lượng dầu thô và khí đốt của Hoa Kỳ tăng bất ngờ tới 60% và năng lượng nhập cảng giảm 51% – mà không nhờ chính sách của ông Obama….

Kết luận ở đây là nền dân chủ có tùy thuộc vào trình độ hiểu biết tối thiểu về kinh tế của người dân. Vì vậy mới có cột mục kinh tế này.

………………………………………..

Tổng Thống Bay Bướm Của Pháp
Nguồn:vietbao.com-02/18/2014 -(Hình trên Net TT Pháp và bạn gái-NN sưu tầm)

Tác giả : Vũ Linh
…TT Hollande, đang ở mức thấp kỷ lục, dưới 20%, tăng vài điểm khi vụ ăn vụng với bà tài tử bị bật mí…

Tuần qua, TT Pháp Francois Hollande chính thức viếng thăm Hoa kỳ. Đây là một cuộc viếng thăm khá đặc biệt, với vị khách được xếp vào loại quốc khách –state visit-, có bắn 21 phát đại bác chào mừng, kèm theo nhiều nghi lễ chính thức rất trịnh trọng. Bao gồm quốc yến –state dinner- vĩ đại.

Không phải quốc trưởng nào đến thăm Mỹ cũng đều được đón tiếp như quốc khách. Phải là quốc trưởng của một nước đồng minh quan trọng. Dù vậy thì tính cách linh đình trịnh trọng cũng khác biệt. Các buổi dạ yến của TT Obama vượt xa hầu hết tất cả các dạ yến của các vị tiền nhiệm về tính huy hoàng, lộng lẫy, chỉ thua TT Kennedy. Đệ Nhất Phu Nhân Michelle đã trưng diện bộ áo trị giá sơ sơ có 12.000 đô (dĩ nhiên là chỉ mặc một lần, sau đó chẳng ai biết áo sẽ đi đâu, chắc đi bán đấu giá?). Hơn 300 khách quý được mời, một số lớn là tài tử và ca sĩ nổi tiếng đương thời. Chi phí được ước tính gần 1.500 đô một đầu người tham dự. Quý độc giả đang đóng thuế cho Nhà Nước Obama và kẻ viết này là những người hoan hỷ đài thọ chi phí dù không được tham dự.

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp có lẽ chưa bao giờ tốt đẹp như… tuần qua. Đúng ra phải nói quan hệ giữa hai nước rất phức tạp, nay nóng mai lạnh. Hai nước là đồng minh chặt chẽ trong hai cuộc đại chiến thế giới khi Mỹ hai lần cứu Pháp khỏi Đức, nhưng không bao lâu sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, quan hệ Mỹ-Pháp trở nên u ám cho đến cách đây … vài tháng.

Ông Tây ngay sau Thế Chiến Thứ Hai rất thân thiện với TT Truman vì TT Truman giúp Pháp trở lại Việt Nam, đổi lấy hậu thuẫn của Pháp trong cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô tại Âu Châu khi Mỹ bận rộn lo thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương –NATO. Nhưng sau đó quay qua hận ông Mỹ đã khoanh tay ngó lơ để Pháp bị thảm bại tại Điện Biên Phủ, khi TT Eisenhower từ chối yêu cầu của Pháp thả bom tiêu diệt các lực lượng Việt Minh đang bao vây Điện Biên Phủ. Rồi lại tìm mọi cách loại Pháp ra khỏi Đông Dương, nhẩy vào giúp TT Diệm củng cố thế lực và tẩy xoá dấu vết ảnh hưởng của Pháp.

Người ta còn nhớ trong cuộc chiến VN, TT Pháp Charles de Gaulle đã công khai có thái độ bài Mỹ, thậm chí còn kêu gọi trung lập hoá Đông Dương. TT de Gaulle cũng là người quyết định rút Pháp ra khỏi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đóng cửa cá căn cứ quân sự Mỹ và đuổi hết lính Mỹ ra khỏi Pháp.

Gần đây hơn, Pháp tuy là đồng minh tham chiến chống Taliban và Al Qaeda tại Afghanistan, nhưng lại kịch liệt chống đối cuộc chiến Iraq. Có một thời dưới TT Bush, phong trào chống Pháp đã lên đến cao điểm tại Mỹ với nhiều tiệm ăn đổi tên món khoai tây chiên French fries thành… Freedom fries, hay nhiều tiệm khác đổ rượu vang Tây xuống cống.

Dưới thời TT Obama, bang giao Mỹ-Pháp cũng không khác gì mấy, nay lạnh mai nóng. TT Sarkozy công khai phê bình TT Obama ngây thơ. Nhưng ngược lại, khi Pháp chủ trương đánh Libya, lật đổ Khaddafi, thì lại được TT Obama hậu thuẫn, “lãnh đạo từ sau lưng”, thành công thay đổi chế độ tại đây.

Gần đây, bang giao Mỹ-Pháp có vẻ chặt chẽ hơn khi hai nước hợp tác để ép Iran ký kết thoả ước kiểm tra vũ khí hạt nhân, cũng như áp lực Syria chấm dứt việc dùng vũ khí hóa học. Nói cho chính xác hơn, Mỹ cần nhờ vào ảnh hưởng của Pháp trong hai vấn đề then chốt này vì dù sao thì quan hệ giữa Pháp với hai xứ Iran và Syria cũng còn tốt hơn quan hệ giữa Mỹ và hai xứ này.

Nhưng rồi gần đây, quan hệ lại bị sứt mẻ nặng khi tin tức bị xì ra là an ninh Mỹ nghe lén điện thoại tư của TT Pháp, cũng như của các vị lãnh đạo đồng minh như Thủ Tướng Đức và nhiều vị khác. Chuyện đồng minh chơi trò gián điệp với nhau là chuyện bình thường, nhưng đây là chuyện nghe lén điện thoại cá nhân riêng tư. Bà Thủ Tướng Đức Merkel công khai tỏ ý bất bình. TT Obama đã tốn không biết bao nhiêu công sức điện thoại nói chuyện với từng vị, phân trần, giải thích, xin lỗi, và mới đây, đã ra chỉ thị cấm NSA nghe lén điện thoại riêng tư của mấy vị quốc trưởng đồng minh.

Chuyện nghe lén điện thoại riêng tư của các vị này đã là một cái bực mình khổng lồ cho TT Pháp vì ông này lúc sau này đã dính dáng vào chuyện lem nhem tình ái đúng theo kiểu … Tây.

TT Hollande trước đây đã sống chung không có hôn thú với bà Segolene Royal, một lãnh tụ trong đảng Xã Hội Pháp, đã từng ra tranh cử tổng thống Pháp năm 2007 nhưng bị ông Sarkozy hạ. Hai ông bà này sống chung và có bốn con. Sau khi bà “vợ” thất cử, mất chức chủ tịch đảng Xã Hội, thì ông chồng, sau khi núp bóng bà vợ leo thang lên vai lãnh tụ thay thế, cũng đã mau mắn thay thế … bà vợ luôn. Thật ra, ông Hollande trước đó đã lén lút có bà hai cả mấy năm rồi. Bỏ bà Royal, ông Hollande cặp với một bà mới, không phải là bà hai. Sống với một bà “vợ” mới, Valerie Trierweiler, cũng chẳng đám cưới, hôn thú gì. Bà “vợ” thứ ba này là một nhà báo làm cho tờ báo nổi tiếng của Pháp, Paris Match. Khi ông Hollande đắc cử tổng thống năm 2012, hạ đương kim TT Sarkozy, bà này chính thức trở thành Đệ Nhất Phu Nhân.

Mới đây, TT Hollande đội “mũ bảo hiểm” chùm hết đầu và mặt chỉ chừa hai con mắt, lẻn ra cửa sau Điện Elysée lén lút lấy xe gắn máy chạy đi thăm … một nữ tài từ xi-nê hết sức xinh đẹp, sexy, Julie Gayet. Câu chuyện nghe thật khôi hài và khó tin. Một tổng thống lẻn ra cửa sau, lấy xe gắn máy chạy đi thăm vợ bé? Chúng ta ở Mỹ, quen với các biện pháp an ninh chung quanh tổng thống, thật khó có thể tưởng tượng TT Obama lén mượn xe gắn máy của anh cắt cỏ Toà Bạch Ốc chạy ra nhà bà đào nào đó ở Hoa Thịnh Đốn.

Dĩ nhiên câu chuyện đổ bể, người ta khám phá ông tổng thống đã lén đi “ăn phở” từ hai năm nay, từ trước khi ông đắc cử tổng thống. Ông tổng thống đành công khai xác nhận người yêu mới, và tuyên bố chấm dứt liên hệ với bà Trierweiler. Bà “vợ” Trierweiler nghe tin, bị xúc động mạnh, khủng hoảng tinh thần, lâm bệnh phải vào nhà thương nằm mấy ngày, sau đó, ra khỏi bệnh viện, đi du lịch qua tuốt xứ Ấn Độ để cố quên chuyện tình buồn.

Câu chuyện nghe đúng là… chuyện Tây. Ông tổng thống mà có tới bốn bà đào, nhưng luôn luôn cặp kè với hai bà một lúc. Mấy bà đào, càng về sau càng trẻ. Bà đầu, Royal, 60 tuổi, bà thứ nhì 55, bà Trierweiler 48, và bà Gayet 41. Ăn cơm với bà này, ăn phở với bà kia, đổi qua ăn cơm với bà kia, lại ăn phở với bà nọ, đổi qua ăn cơm với bà nọ lại đi ăn phở với bà khác nữa. Mà đó chỉ là kể các bà có quan hệ khá lâu dài, vài năm, chưa kể các “phi vụ” ngắn hạn. Chỉ có xứ của mấy ông Tây mới có mấy chuyện hấp dẫn như vậy. Không ai có thể tưởng tượng một chính khách Mỹ -khoan nói tới tổng thống- với cuộc sống bay bướm lăng nhăng như vậy lại có thể leo lên tột đỉnh của chính quyền. Mà ông Hollande không phải là người đầu tiên.

Trước đây, TT Francois Mitterand cũng lén có phòng nhì, có con luôn. Chẳng biết bà Đệ Nhất Phu Nhân có biết hay không, nhưng khi ông Mitterand chết, bà hai và con gái cũng công khai tham dự đám táng, đứng ngang hàng với bà nhất luôn.

Rồi ông Nicholas Sarkozy còn đi xa hơn nữa. Sau khi đắc cử tổng thống, ông mau mắn ly dị bà vợ, lấy một người mẫu mà hình khỏa thân được phổ biến khắp thế giới cho tất cả thiên hạ cùng chiêm ngưỡng. Bà Carla Bruni là vợ chính thức thứ ba của ông Sarkozy, không kể vài bà người tình không hôn thú nhưng sống chung công khai.

Thiên hạ cũng chưa quên trước đây, một chính khách đầy tương lai có thể được bầu làm tổng thống Pháp, ông Dominique Strauss Kahn, có uy tín rất lớn vì là Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), bất thình lình bị cảnh sát Mỹ bắt khi ông đang đi công tác tại Nữu Ước, vì tội thông dâm với cô đen dọn phòng khách sạn 5 sao ông đang cư ngụ. Làm tiêu tan mộng làm tổng thống. Không phải vì lem nhem vớ vẩn, mà vì đang bị nhốt khi có bầu cử tổng thống Pháp, không ra tranh cử được. Biết đâu nếu được ra tranh cử, ông này cũng đã đắc cử và đang làm tổng thống Pháp không chừng.

Cái lạ lùng đối với dân Mỹ là tất cả những lem nhem của các tổng thống Pháp đều là chuyện công khai cả thế giới biết. Không như chuyện TT Kennedy bị ám ảnh sex, ngày nào cũng phải có “thao diễn” với bà vợ hay với hàng lô giai nhân khác, trong đó có Marylin Monroe, nếu không sẽ bị đau đầu, theo chính lời thú nhận của ông. Chuyện này được dấu nhẹm, đến cả mấy chục năm sau khi ông chết, thiên hạ mới được biết.

Thật ra, các tổng thống Mỹ tuy không đào hoa như mấy ông Tây, nhưng cũng chẳng thánh thiện hơn. Nhiều vị tổng thống tên tuổi lẫy lừng, uy tín hết mực cũng không thoát khỏi những cám dỗ của “phòng nhì”. Như các TT Washington, Roosevelt, Eisenhower, Johnson, đều có phòng nhì, tuy rất kín đáo. TT Jefferson, một tổng thống nổi tiếng tranh đấu cho bình đẳng nhân quyền và giải phóng nô lệ da đen, đã để lại cả lô con rơi con rớt với mấy bà nô lệ da đen của ông.

Dân Âu Châu, nhất là dân Pháp, chẳng những có cuộc sống phóng khoáng hơn, mà đặc biệt lại luôn luôn coi những chuyện tình cá nhân của các ông tổng thống như là chuyện… cá nhân, chẳng liên quan gì đến chuyện làm tổng thống hay bất cứ chức vụ hay nghề nghiệp nào. Không ai đặt vấn đề bãi chức hay từ chức gì hết. Cùng lắm thì chỉ làm đề tài cho truyền thông diễu cợt thôi. Vấn đề đời công đời tư dường như có lằn ranh rõ rệt, không có lẫn lộn gì hết. Đó cũng là lý do tại sao ngày trước, dân Âu Châu, nhất là dân Pháp, không hiểu tại sao câu chuyện TT Clinton lem nhem với cô Monica lại có thể trở thành một câu chuyện lớn lao đến vậy, đưa TT Clinton ra xét xử trước quốc hội, đến độ xém bị cách chức.

Chẳng những vậy mà khi các vụ lem nhem bị khui ra thì oái ăm thay, hậu thuẫn của các ông chồng bê bối đó lại tăng vọt lên ngay. Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Hollande, đang ở mức thấp kỷ lục, dưới 20%, tăng lên ngay vài điểm khi vụ ăn vụng với bà tài tử bị bật mí. Không biết tăng lên vì dân Pháp cảm phục tài đào hoa lăng nhăng của ông Hollande, hay vì tội nghiệp cho những cái nhức đầu mà ông Hollande đã trải qua mấy ngày đó?

Mà chẳng phải chỉ có ông Hollande nhức đầu không thôi, mà ngay cả TT Obama khi đó cũng nhức đầu luôn. Nhức đầu vì phải chuẩn bị cho cuộc viếng thăm chính thức gần kề của vị quốc khách Francois Hollande. Không biết ông này đi có bà nào theo? Mà theo với tư cách Đệ Nhất Phu Nhân hay gì gì khác? “Đệ Nhất Người Tình” như báo Pháp Libération đã mệnh danh? Đón tiếp và sắp xếp chỗ ngồi như thế nào nếu bà này không phải là Đệ Nhất Phu Nhân? Mà là bà nào? Bà nhà báo Trierweiler hay bà tài tử Gayet? Không phải là Đệ Nhất Phu Nhân mà chỉ là “Đệ Nhất Người Tình” thì đón tiếp như thế nào? Đâu có chuyện Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama chính thức đón tiếp một bà “Đệ Nhất Người Tình” được, rồi thì để ngồi đâu? Nghe nói khi chuẩn bị, ban nghi lễ Tòa Bạch Ốc có hỏi Tòa Đại Sứ Pháp tại Hoa Thịnh Đốn TT Hollande sẽ qua Mỹ với bà nào, trong tư cách gì, và được trả lời “chúng tôi cũng mù tịt như các ông”.

Cũng may mà TT Hollande đã giải quyết chuyện nhức răng này dùm bằng cách đi một mình, không có bà nào theo hết, và được xếp ngồi giữa TT Obama và Đệ Nhất Phu Nhân Michelle trong buổi dạ yến.

Chuyện TT Hollande không có bà nào đi theo chắc cũng làm bà Michelle vui lòng vì an tâm hơn.

Thiên hạ còn nhớ cách đây không lâu, TT và phu nhân Obama đi Nam Phi dự đám tang của cựu TT Nelson Mandela. Trong khi các chính khách cả thế giới thay phiên nhau đọc diễn văn ca tụng và khóc lóc ông Mandela, thì TT Obama, ngồi cạnh bà Thủ Tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt, đã hết sức thân mật cười nói huyên thuyên với bà này, không có vẻ gì là đang dự đám ma, lại còn chụp hình kiểu mà Việt Nam bây giờ gọi là “hình tự sướng” –selfie-, tự mình chụp mình nhe răng cười. Một nhà báo đã mau mắn chụp được bức hình mấy vị đang “tự sướng” đó, trong bức hình đó lại có bà Michelle ngồi bên cạnh, mặt hầm hầm giận dữ không cần dấu diếm gì hết. (Hình dưới trên Net do NN sưu tầm)

Vài phút sau, anh nhà báo chụp bức hình đó, chụp lại một lần nữa, và người ta thấy hai ông bà Obama đã đổi chỗ ngồi. Bà Michelle bây giờ qua ngồi cạnh bà Thủ Tướng Đan Mạch, TT Obama ngồi ngoài bià, mặt thất thểu buồn so, bây giờ mới đúng là đang dự đám ma.

Thử tưởng tượng trong buổi dạ tiệc mà TT Obama được xếp ngồi cạnh bà tài tử sexy Julie Gayet, rồi hai người chụp hình “tự sướng” thì không biết mặt bà Michelle sẽ như thế nào?

Thái độ của bà Michelle không phải là không có lý do. Theo báo Daily Mail của Anh và National Enquirer của Mỹ thì đang có tình trạng “gia cang xào xáo” giữa TT Obama và phu nhân. Theo tin này, bà Michelle đã khám phá ra nhân viên an ninh của tổng thống đã lén lút giúp TT Obama ăn phở.

Dĩ nhiên tin tức của hai tờ báo lá cải siêu thị đó có vẻ khó tin, nhưng ta cần ghi nhận tờ National Enquirer trước đây đã khui tin thượng nghị sĩ John Edwards trong khi đang tranh cử tổng thống, đã có vợ bé và con rơi trong khi bà vợ đang bị ung thư. Khi đó, không ai tin báo này cả, cho đến khi nội vụ đổ bể và sự thật lòi ra đúng như vậy. Thêm vào đó, thiên hạ cũng không lạ gì chuyện TT Obama xém chút đã ly dị bà Michelle vài năm trước khi ông đắc cử tổng thống.

Một chuyện đáng nói là trong dịp nghỉ lễ cuối năm, cả gia đình TT Obama đã đi Hawaii nghỉ, nhưng sau đó, chỉ có TT Obama và hai cô con gái trở về Hoa Thịnh Đốn, còn bà Michelle tiếp tục du hý đây đó một mình. Có tin bà Michelle đã có ý định tìm nhà tại Hoa Thịnh Đốn để ở sau khi TT Obama mãn nhiệm, trong khi TT Obama lại công khai khẳng định ông sẽ về nghỉ hưu tại Hawaii.

TT Obama đang cố chạy theo gương cấp tiến của Âu Châu trong các chính sách của ông. Chỉ không biết là ông có muốn chạy theo gương bay bướm của TT Hollande hay không thôi. Dù sao thì TT Obama cũng trẻ tuổi và đẹp mã hơn ông Hollande nhiều, mà cũng quen rất nhiều tài tử cấp tiến xinh đẹp của Hồ Ly Vọng. (16-02-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

………………………………………….

Đọc cuốn “Hải Chiến Hoàng Sa”

Trần Bình Nam

Nguồn: Gửi cho BBCVietnamese.com từ California

Cuốn Hải Chiến Hoàng Sa do Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa soạn thảo. Ủy ban được gọi tắt là Ủy Ban Hoàng Sa (UBHS) và do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử bảo trợ thành lập. UBHS ra đời năm 2004 và cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là kết quả của 6 năm làm việc không ngừng của UBHS do cựu Hải Quân Thiếu Tá Trần Trọng Ngà làm Trưởng Ban cùng với 7 Ủy viên khác đều là cựu sĩ quan hải quân.

Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 đã làm mất nhiều giấy mực. Nhưng trong xúc động và xáo trộn của biến cố 30/4/1975 liền sau đó các sự việc của trận đánh (như nguyên nhân, diễn tiến, kết thúc, thắng bại, hoạt động ngoại giao…) chưa được phân tích đầy đủ.

Khác biệt ý kiến

Ngày 30/4/1975 khi đoàn tàu HQ/VNCH rời khỏi nước không ai mang theo các tài liệu liên quan đến trận hải chiến, trong đó có một tài liệu quan trọng là Bản Tường Trình của Ủy Ban điều tra về trận đánh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ). Nếu có tài liệu này, sự tranh cãi giữa các nhân vật liên hệ có thể đã không diễn ra hay ít nhất cũng giới hạn được rất nhiều các điểm cần tranh cãi.

Đại tá Hà Văn Ngạc trước khi qua đời năm 1999 tại Hoa Kỳ có viết một tài liệu nhan đề “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” nói về trận đánh. Đây là tài liệu có thẩm quyền nhất của người trong cuộc. Nhưng một số hạm trưởng trong hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa của ông nhìn diễn tiến cuộc chiến qua lăng kính của chiến hạm họ chỉ huy đã nêu ra nhiều điểm khác biệt. Và trong nội bộ HQ/VNCH đã có những cái nhìn rất khác nhau ngoài mẫu số chung là HQ/VNCH đã giao chiến với HQ/TQ khi Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sự khác biệt nhau rất rộng ngay cả sự đánh giá thắng hay bại.

Thậm chí khi Hội Bạch Đằng ở San Jose tự sưu tầm tài liệu và nhân chứng thực hiện một DVD ngắn nói về trận hải chiến Hoàng Sa được vị cựu Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn và nhiều sĩ quan HQ/VNCH khác xem là tương đối gần sự thật nhất cũng đã gặp phải sự “phiền hà” gay gắt của một trong 3 hạm trưởng còn sống sót khi DVD nói một trong 4 chiến hạm tham chiến đã gặp trở ngại tác xạ sau phát súng đại bác đầu tiên.

Có lẽ đó là lý do UBHS ra đời với mục đích nghiên cứu để viết một tài liệu lịch sử thật chính xác về cuộc hải chiến Hoàng Sa.

Trận đánh diễn ra cách đây 36 năm nên chưa đủ dài để có một lịch sử thật chính xác. Thí dụ các tài liệu mật về phía Trung Quốc (Trung Quốc có tiết lộ một số chi tiết với mục đích tuyên truyền). Và những sự việc quan trọng như ông Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói gì với Thủ tướng Chu An Lai khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh cuối năm 1973 bàn về quan hệ Mỹ-Nga-Tàu.

UBHS đã dùng một số tài liệu Trung Quốc công bố sau khi gạn lọc. Nhưng về quan hệ Mỹ-Trung – có lẽ UBHS cho là một vấn đề tế nhị và chưa có bằng chứng xác thực – đã không nghiên cứu kỹ hơn.

Tài liệu về phía HQ/VNCH cũng thiếu sót nhiều. Vị sĩ quan hải quân Chủ tịch Ủy Ban điều tra hiện ở Hoa Kỳ cũng cho biết không còn nhớ được bao nhiêu vì thời gian. Riêng tài liệu về phía Hoa Kỳ chỉ có một bản tường trình công khai của ông cựu đại úy Gerald Kosh khi theo đoàn tàu HQ/VN ra Hoàng Sa và bị bắt trên đảo. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ còn cất giữ nhiều tài liệu về vụ Hoàng Sa. UBHS có thể dùng luật “Information Act” của Hoa Kỳ để xin giải mật những tài liệu này nhưng UBHS không đủ thời gian và phương tiện.

Cuộc phỏng vấn các sĩ quan hải quân cao cấp VNCH liên hệ còn sống tại hải ngoại trong đó có vị TL/HQ năm nay đã hơn 90 tuổi và phó Đề Đốc Tư lệnh Vùng I Duyên Hải lúc đó thì nói chung vì tuổi tác và thời gian cũng không ăn khớp với nhau. Đáng tiếc nhất là ngoài đại tá Hà Văn Ngạc đa qua đời, trong 3 vị hạm trưởng còn sống, chỉ có Trung Tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ 16 nhận trả lời phỏng vấn của UBHS.

Cần thêm những tư liệu mới về trận đánh năm 1974

Ba phần chính

Cuổn HCHS gồm 3 phần chính: Phần I nói về địa lý và lịch sử của quần đảo Hoàng Sa. Phần II nói về trận hải chiến. Phần III là phụ bản ghi lại nguyên văn (verbatim) các cuộc phỏng vấn, ngoại trừ cuộc trà đàm với ông Nguyễn Văn Ngân, cựu cố vấn đặc biệt tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được UB ghi lại.

Cần thêm những tư liệu mới về trận đánh năm 1974

Phần I, với nhưng bằng chứng lịch sử, diện địa, đất đai, và tài liệu ngoại giao UBHS đã chứng minh một cách hùng hồn quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành lại biển đảo đã mất sẽ rất cam go. Thế kỷ này là thế kỷ của Trung Quốc trên con đường vươn lên để làm bá chủ. Trung Quốc đang biến quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự nối dài về phía sau với căn cứ Hải quân tại Yulin ở cực nam đải Hải Nam, và nối dài về phía trước với quần đảo Trường Sa trong sách lược chiếm cứ Biển Đông và chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ .

Phần II miêu tả những vận chuyển chiến thuật của 4 chiến hạm VNCH khi lâm trân. HQ/VNCH đã phải nổ súng trước, khi các tàu Trung Quốc ngăn cản không cho đổ lính và người nhái lên đảo. Mặt khác, nổ súng trước để lấy thế thượng phong.

HQ/VNCH cũng như HQ/TQ đều chưa có nhiều kinh nghiệm hải chiến trên đại dương nên UB không thể trình bày một thế trận theo sách vở tại các trường dạy về hải chiến. Cuối cùng HQ/VNCH quyết định triệt thối về căn cứ hải quân Đà Nẵng để bảo toàn chủ lực. HQ/TQ bắt tù binh trên đảo và trên biển, trong đó có đại úy Kosh. Sau đó Trung Quốc đưa nhiều tiểu đoàn bộ binh đến đổ bộ chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đưa tất các tù binh về đảo Hải Nam và Quảng Đông, được ghi nhận đối đãi tử tế. Sau khi phỏng vấn tù binh lấy lệ, 10 ngay sau Trung Quốc trả tự do cho ông Kosh và 4 quân nhân Việt Nam, và cuối tháng 2/1974 tất cả 45 tù binh sĩ quan cũng như binh sĩ VNCH còn lại đều được trả tự do tại Hồng Kông.

Phần III là phần phỏng vấn. Nội dung các cuộc phỏng vấn đã được UB dùng một cách có hệ thống trong suốt cuốn HCHS. Trong 16 nhân vật được phỏng vấn có 3 cuộc phỏng vấn đáng quan tâm, và đáng ra UBHS nên in lại nguyên văn bài viết “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” của Đại Tá Hà Văn Ngạc trong phần này dù ông đã qua đời .

Cuộc phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Vương Văn Bắc tiết lộ cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức tích cực và đúng bài bản trên diễn đàn quốc tế để chứng minh quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Trước cuộc chiến, Bộ Ngoại Giao VNCH đã đưa ra những tuyên bố tố cáo định tâm xâm lăng của Trung quốc. Và sau cuộc chiến cũng đã đệ nạp cho Liên hiệp quốc những văn kiện khiếu nại cần thiết. Các thủ tục ngoại giao quốc tế và các tài liệu để lại sẽ là căn bản pháp lý quan trọng cho công cuộc đấu tranh giành lại đất đai về sau.

    Ngày 30/4/1975 khi đoàn tàu HQ/VNCH rời khỏi nước không ai mang theo các tài liệu liên quan đến trận hải chiến, trong đó có một tài liệu quan trọng là Bản Tường Trình của Ủy Ban điều tra về trận đánh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ). Nếu có tài liệu này, sự tranh cãi giữa các nhân vật liên hệ có thể đã không diễn ra hay ít nhất cũng giới hạn được rất nhiều các điểm cần tranh cãi.

Cuộc phỏng vấn thứ hai với cựu Thiếu Tá Không quân Hồ Kim Giàu, phi đoàn trưởng phi đoàn nghênh cản 538 là lý thú nhất vì từ trước đến nay chưa được ai đề cập tới.

Phi đoàn nghênh cản của Không quân Việt Nam được thành lập cuối năm 1973 để đối phó với Không quân Bắc Việt trường hợp họ tấn công các phi trường thuộc Vùng I chiến thuật. Ngày 19/1/1974 khi cuộc chiến tại Hoàng Sa còn chưa ngả ngủ, Thiếu Tá Giàu được lệnh chuẩn bị phi đoàn bay ra Hoàng Sa oanh tạc các chiến hạm Trung quốc. Phi đoàn nghênh cản gồm 4 chiến đấu cơ F5-A và 12 chiến đấu cơ F5-E tối tân và với bình xăng phụ có khả năng bay ra Hòang Sa tác chiến trong vòng 15 phút và trở về. Các phi công đều được huấn luyện không chiến tại Hoa Kỳ.

Sáng ngày 20/1 phi đoàn sẵn sàng lên đường. Nhưng đến trưa có lệnh từ phủ tổng thống hủy bỏ công tác.

Cuộc phỏng vấn thứ ba là một cuộc trà đàm không ghi âm với ông Nguyễn Văn Ngân do UB ghi lại theo trí nhớ gồm 7 điểm. Trong đó chỉ có điểm số 6 liên quan đến những gì ông Ngân nghe biết về vụ Hoàng Sa. Sáu điểm còn lại không liên quan đến vụ Hoàng Sa mà chỉ là những nhận xét chính trị của ông Ngân về quan hệ Việt –Mỹ sau Hiệp Định Paris.

Nhưng trong điểm 6 ông Ngân là người duy nhất trong 16 nhân vật được phỏng vấn nêu nghi vấn Hoa Kỳ đã thỏa thuận làm ngơ để cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trước khi Hà Nội chiếm miền Nam Việt Nam, một điều Hoa Kỳ biết trước sau cũng xảy ra. Ý của Hoa Kỳ là dùng Trung Quốc cản đường Nga Xô sau này dựa thế đồng minh với Hà Nội tiến vào Biển Đông đe dọa eo biển Malacca và Ấn Độ Dương.

Rất tiếc UB không đi vào chi tiết để tìm hiểu cơ sở lý luận của ông Ngân, và đào sâu thêm nghi vấn quan trọng này trong mối quan hệ giữa VNCH và Hoa Kỳ vào giờ thứ 25.

Giá trị

Cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là một tài liệu công phu và nghiêm chỉnh nhất từ trước đến nay. Quyết định của Tổng Hội HQ&HH Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử thành lập Ủy ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa là một quyết định có tầm vóc.

UBHS với số ủy viên chỉ còn 5 người khi hoàn thành cuốn Hải Chiến Hoàng Sa, đã làm việc kiên trì và liên tục trong 6 năm liền là một đóng góp lớn lao cho kho lịch sử dựng nước và giữ nước, và là một phần của lịch sử HQ/VNCH khi đất nước còn bị chia cắt.

Tài liệu này là một thứ vũ khí đóng góp không nhỏ cho công cuộc tranh đấu đòi đất, đòi đảo của dân tộc Việt Nam không phân biệt chính kiến.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở tiểu bang California, Hoa Kỳ.

………………………………………………………..

 Marathon Hồng Kông vì quyền tự do báo chí
Trọng Nghĩa

Nguồn:RFI- 16-02-2014

Hàng chục nghìn người tham gia cuộc chạy Marathon tại Hồng Kông ngày 16/2/2014.

REUTERS/Tyrone Siu

Vào hôm nay, 16/02/2014, thành phố Hồng Kông lại tổ chức cuộc chạy marathon thường niên, năm nay thu hút được khoảng 64.000 người tham dự. Điểm gây chú ý là lẫn trong đoàn người chạy đua, có cả ngàn người gắn trên áo một mảnh ruban màu xanh lơ để bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền tự do báo chí tại đây, được cho là đang bị đe dọa.

Theo một ước tính được AFP trích dẫn, có đến 1/10 trên số những người tham gia cuộc chạy đã mang trên áo mảnh ruban xanh này, trong đó có từ sinh viên, nhà báo, cho đến giới hoạt động tài chính. Họ biểu thị thái độ phản đối hiện tượng ngấm ngầm tự kiểm duyệt để chiều lòng Bắc Kinh trong giới truyền thông báo chí Hồng Kông.

Những người thạo tin đã lên tiếng báo động là vị thế của Hồng Kông trong tư cách một thành trì của quyền tự do báo chí đang bị bào mòn dưới sức ép của Bắc Kinh và những ông chủ trong ngành truyền thông, vốn đang bực tức vì hoạt động thua lỗ ở Trung Quốc, nơi mà báo chí và truyền hình bị kiểm soát chặt chẽ.

Theo Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, có 6.000 mảnh ruban đã được phát ra cho những người chạy marathon hôm nay. Một người tham gia đã xác định với hãng tin Pháp rằng : « Tôi bảo vệ quyền tự do báo chí. Chúng tôi phải đấu tranh cho thế hệ mai sau ».

Hôm 12/02 vừa qua, hai tổ chức quốc tế bảo quyền các nhà báo và chống kiểm duyệt đã lên tiếng nêu bật nguy cơ là sự tự do báo chí Hồng Kông bị đe dọa với việc Bắc Kinh đang tìm cách kiểm soát báo chí vùng đất mà họ đã lấy lại từ tay Anh Quốc vào năm 1997.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ – trụ sở tại New York – thẩm định rằng quyền tự do của ngành truyền thông ở Hồng Kông hiện đang ở « mức thấp ». Tổ chức này đã nêu lên vấn đề tự kiểm duyệt trong giới nhà báo, vấn đề giới truyền thông bị đe dọa cả trên mặt tài chính lẫn về bản thân và các dự luật mở đường cho việc truy tố đối với các phóng viên điều tra.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trụ sỏ tại Paris, cho rằng tính chất độc lập của báo giới Hồng Kông đang bị « gậm nhắm » do việc Trung Quốc ra oai bóp nghẹt những hồ sơ nhạy cảm.

……………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics