Thiên tai một, nhân tai mười!
Nguồn:Song Chi -RFA Blog- 2016-10-17
Cổng trường ngập nặng tại huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh.(Hình trên Net-NN)
Cảnh tang thương mùa lũ năm nào cũng diễn ra…
Báo chí, truyền thông trong nước cho tới trên facebook mấy hôm nay tràn ngập thông tin, hình ảnh về cơn lũ kinh hoàng ở miền Trung.
Không một người VN nào còn có tấm lòng với quê hương với đồng bào, mà không nhói buốt lòng khi nhìn những hình ảnh rớt nước mắt giữa cơn bão lũ: Hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, bà con leo lên mái chờ nước rút, một người phụ nữ ngồi chông chênh trên mái nhà giữa biển nước mênh mông, những đứa trẻ thò đầu qua cái lỗ trổ trên mái nhà ngóng ra xa chờ sự hỗ trợ, một em bé vừa bơi vừa đội cái thau trên đầu trong đó có con chó ngồi run rẩy, một con bò được cột treo lên, thân chìm trong nước, chỉ còn cái đầu cái mõm nghếch lên thở, một đám tang chạy trong lũ…
Cái nghèo cái khổ vốn đã đeo theo đồng bào miền Trung, lại thêm bão lũ, thiên tai liên miên… Không chỉ tài sản mất hết, hư hại hết, mà đã có ít nhất một chục người chết và hơn một chục người khác bị mất tích.
Đó là mới ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, còn nữa, Nghệ An, còn nữa, bão lũ vẫn đang chuẩn bị đổ tới…
Nhưng điều đáng nói hơn là bão lũ năm nào cũng xảy ra, nhưng từ trung ương tới địa phương cũng không tính toán được những cách thức làm sao để bà con bớt thiệt hại về tài sản, con người.
Năm nào dân cũng phải tự lo, rồi sau đó chính quyền địa phương, có khi quân đội cũng tham gia, cứu hộ bằng sức người là chính, cộng với những phương tiện thuyền bè thô sơ, rồi các tờ báo, các tổ chức dân sự lại kêu gọi cứu giúp, người dân lại “lá rách đùm lá nát” gửi cho nhau những gói mì tôm, chai nước suối… Bao nhiêu năm rồi vẫn cứ là mì tôm, lương khô!
Mỗi vùng nơi hay xảy ra bão lũ lẽ ra nên cấp hàng chục ngàn cái phao cứu sinh cho bà con trước mỗi mùa mưa; tìm cách xây ít nhất vài ba địa điểm lánh nạn tạm thời ở trên cao hoặc nhà cao tầng để sơ tán người và tài sản tạm vài ngày; đất nước có sông ngòi, biển từ Nam ra Bắc sao không có được một đội tàu cứu nạn, cứu trợ to, chuyên nghiệp để cứu trợ dễ dàng hơn; thậm chí, thay vì xây xây bao nhiêu cổng chào, tượng đài hoang phí sao không đầu tư cho một đội trực thăng chuyên cứu nạn, cứu trợ, vừa nhanh vừa hiệu quả v.v… Có vẻ như tài sản của dân chứ có phải của các ông đâu mà các ông đau, xót.
Đã ngu, đã tham lại còn ác!
Điều thứ hai, đáng phẫn nộ hơn là chuyện thủy điện xả lũ làm lũ chồng lũ, thiệt hại nặng nề hơn, năm nào cũng vậy.
Như năm nay, một cái đập Hố Hô xả hết cỡ khiến người dân Hà Tĩnh không kịp trở tay, mới qua hai ngày đã có hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, chưa kể người chết, người mất tích.
Nào đã yên, lại rục rịch chuẩn bị xả lũ ở hồ Vực Mấu là hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An. Báo chí đưa tin, cũng chính đơn vị này, năm 2013 “hồ Vực Mấu đã từng mở tràn xả lũ gây nên trận lụt lịch sử, người dân vùng hạ lưu đã chìm trong biển nước. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng”.
Và sau đó những người có trách nhiệm trả lời do không lường hết trước được hậu quả! (“Ngày 16/10, sẽ xả lũ ở hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An”, VOV, “Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ”, bài đăng năm 2013 trên VNExpress)…
Một cách trả lời vô cảm, cũng như năm nay, “Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô (công ty CP thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình.” (“Thủy điện xả lũ nhấn chìm nhà dân, chủ tịch huyện nóng mặt”, VietnamNet).
“Đúng quy trình”, một cụm từ xài quen trên cửa miệng các quan!
Bao nhiêu tài sản tính mạng của dân, chả ai bồi thường một xu cũng chả ai bị sứt mẻ gì, ghế ai nấy tiếp tục ngồi!
Dẹp mấy cái đập thủy điện đi, nhất là ở khu vực miền Trung, nước ta nắng gió thừa thãi, xách cặp theo học mấy nước châu Âu và Bắc Âu lấy điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời đi. An toàn hơn thủy điện và điện hạt nhân nhiều. Nhưng do sự bất cập trong chính sách của nhà cầm quyền và một số lý do khác, rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời ở VN vẫn chưa triển khai được, hầu hết đang “bất động” hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc.
Trong khi đó thì những năm qua nhà cầm quyền VN lại hăm hở phá triển thủy điện, là do các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp, lại rất biết cách “lại quả”, rộng rãi chi “tiền huê hồng”, hoặc do Bắc Kinh “hào phóng” cho vay với điều kiện phải là công ty Trung Cộng thực hiện…
Vì tầm nhìn không quá lỗ mũi nhưng cái chính vì lòng tham vô đáy, nhà cầm quyền VN đã không hề nghĩ gì tới cái hại khi xây thủy điện trong một quốc gia có lượng mưa quá lớn, năm nào cũng có bão lũ nên năm nào cũng xảy ra chuyện xả lũ, lũ chồng lũ như vậy!
Chưa kể lại còn lao vào những dự án điện hạt nhân với Tàu với Nga, lại càng thêm nhiều mối lo. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Đức đã chính thức dẹp bỏ các nhà máy điện hạt nhân.
Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo, các điều kiện đảm bảo an toàn, cứu trợ đã kém, mà lại đất chật, dân đông, rất không nên phát triển điện hạt nhân. Điện hạt nhân chỉ có thể tiền hảnh ở những quốc gia có trỉnh độ kỹ thuật cao, năng lực ứng phó, cứu trợ hữu hiệu, đất rộng, người thưa…
Bài học nổ/rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Nga, ở Nhật chưa đủ làm nhà cầm quyền Việt Nam quan tâm. Với họ, tiền là trên hết, tính mạng tài sản, tính mạng của dân thì là cái đinh gì!
Thiên tai một, nhân tai mười
Nhìn lại chỉ mới từ đầu năm đến nay, bao nhiêu thảm họa đổ xuống đầu nhân dân. Hạn hán và ngập mặn ở đồn bằng sông Cửu Long khiến mùa màng mất trắng, bà con chỉ còn biế ngồi khóc trong câm lặng trên những cánh đồng khô nứt toác.
Thảm họa biển chết, cá chết xảy ra đã hơn nửa năm, hàng chục ngàn hộ ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc gần thất nghiệp, hàng trăm ngàn người thuộc các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, xuất khẩu thủy hải sản… cũng bị điêu đứng theo, và những nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh tật kéo dài hàng chục năm treo lơ lửng trên đầu người dân VN.
Rồi hiện tượng cá chết lan rộng ra cả những vùng khác, cả những lồng bè nuôi cá, khiến người dân nơi này nơi khác phẫn nộ xuống đường biểu tình, mang theo những con cá chết trương sình, mắt mở trừng trừng đầy ám ảnh. Rồi lũ lụt ở miền Trung v.v…
Nhưng ngẫm cho kỹ tất cả những tai họa trên, thiên tai chỉ là một phần, cái chính là nhân tai-do con người gây nên. Hạn hán, ngập mặn và cả cái chết dần dần của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước là hậu quả từ việc sử dụng nguồn nước thiếu khoa học của các nước láng giềng cộng với việc Trung Quốc xây mấy cái đập thủy điện “khủng” ở đầu nguồn, điều này đã được các nhà khoa học, chuyên môn cảnh báo từ lâu nhưng nhà cầm quyền VN vẫn không chịu tính cách đối phó lâu dài. Bây giờ cứ xảy ra hạn hán, ngập mặn thì lại đi năn nỉ Trung Quốc xả bớt nước!
Rồi nếu không phá rừng bừa bãi, xây đập thủy điện vô tội vạ thì lũ lụt đâu có kinh hoàng đến thế. Nếu không mở cửa cho Formosa vào xây nhà máy thép với những điều kiện hết sức lỏng lẻo thì thảm họa biển chết đâu diễn ra.
Còn nữa, họa “bùn đỏ” bauxite Tây Nguyên, họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các nhà máy hạt nhân do Trung Cộng xây sát biên giới VN và chính VN cũng đang triền khai mấy nhả máy điện hạt nhân, cũng lại ở khu vực miền Trung…
Nếu người Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…
Bao nhiêu thảm họa xảy ra nhưng từ thái độ cho tới cách ứng phó của nhà cầm quyền như thế nào? Suốt thời gian qua trước hậu quả nghiêm trọng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì?
Sau khi ép được tụi Formosa nhả ra 500 triệu USD gọi là bồi thường, ngược lại, phía VN phải bồi hoàn tiền thuế còn lớn hơn cả số tiền đó, nhà cầm quyền tự cho như thế là xong.
Dân đen ai biểu tình phản đối liền bị bắt giữ, hạch sách, nhà cầm quyền còn công khai đứng về phía Formosa, đưa quân đội, vũ khí, xây hàng rào bảo vệ Formosa, sẵn sàng quyết chiến với dân.
Hội nghị Trung ương đảng lần thứ tư khai mạc. “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ tư, sáng 9/10.”
Thảo luận, ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ… Bởi vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Tổng Trọng và tập đoàn Ba Đình. (“Tổng bí thư: Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, VNEconomy).
Khi lũ lụt xảy ra tang thương ở miền Trung, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Ông Thủ thì gửi “công điện hỏi thăm đồng bào”, ra chỉ thị cho cấp dưới chống lũ, rồi ông và đám phó, đám đại biểu ngồi trong phòng máy lạnh êm ru nhắn tin ủng hộ người nghèo (“Thủ tướng nhắn tin ủng hộ người nghèo”, VNExpress); bà Chủ tịch Quốc hội thì chưng diện áo dài, mặt tươi hơn hớn đi dự khai mạc Festival áo dài tại Hà Nội (“Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Festival áo dài”, Tuổi Trẻ).
Ông Chủ tịch lặn đâu không biết, ông Tổng Trọng còn đang bận kêu gọi dân cứu đảng, dân cứu đảng còn ai cứu dân?
Rõ rồi, dân đen tự lo cứu nhau, trước giờ vẫn thế. Còn các quan đầu đẳng thì chờ khi nào dân chửi quá hoặc nước rút hết thì mới có một hai tay làm bộ xắn quần xuống vùng lũ ngó ngó chỉ tay năm ngón…
Phải nói thật, quá rõ bản chất cái nhà nước này, thế nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết kinh ngạc về mức độ vô cảm, tàn ác của họ đối với dân với nước, cũng như chưa bao giờ thôi sửng sốt trước sức chịu đựng vô bờ bến của người VN!
Nếu người dân Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…
Song Chi, 16/10/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
………………………………………………………………………….
Người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa quyết không bỏ cuộc
Nguồn:Trà Mi-VOA – 22-10-2016
Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa cương quyết sẽ không bỏ cuộc.
Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa cương quyết sẽ không bỏ cuộc.
Chia sẻ
Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa cương quyết sẽ không bỏ cuộc trên con đường gian nan tìm công lý, đòi thủ phạm đầu độc biển miền Trung phải cút khỏi Việt Nam và đền bù thỏa đáng cho hàng chục ngàn ngư dân Việt bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường.
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, hôm 18/10 dẫn dắt một ngàn người trở lại tòa án thị xã Kỳ Anh ở Hà Tĩnh, nơi tọa lạc trụ sở công ty Formosa, để khiếu nại việc tòa trả lại 506 đơn kiện của ngư dân đệ nạp cuối tháng 9, yêu cầu tòa nhận lại số đơn này cùng 100 đơn kiện mới.
Dù chuyến đi khiếu kiện tập thể lần hai bất thành vì những sách nhiễu từ nhà cầm quyền và người phát pháo lệnh đi đầu đang bị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị chế tài, nhưng vị quản xứ dấn thân vì người nghèo này khẳng định không từ bỏ ‘mệnh lệnh của lương tâm’, không cúi đầu sợ hãi.
LM Nam: Trước ngày chúng tôi đi (18/10), công an đã đến từng nhà xe trên địa bàn Nghệ An, đưa công văn nghiêm cấm xe chuyên chở chúng tôi đến tòa án thị xã Kỳ Anh để đệ đơn.
Đến ngày 18/10, chúng tôi thuê được 45 xe buýt cỡ lớn ở thành phố Vinh, 60 xe taxi, và 10 chiếc xe bảy chỗ để chở người vào tòa án. Khi chúng tôi tập kết tại thành phố Vinh, chính quyền can thiệp qua ngã Tòa Giám mục, qua Đức cha Nguyễn Thái Hợp. Giám mục giáo phận Vinh trực tiếp gọi điện cho tôi yêu cầu tôi cộng tác bằng cách cho bớt số người về. Theo gợi ý của công an, chỉ trong vòng 100 người đi thôi. Lúc đó, chúng tôi đã bị chặn ở thành phố Vinh. Tôi quyết định vâng lời Đức giám mục, cho bớt dân trở về giáo xứ, chỉ 40 người tiếp tục hành trình. Đi chưa hết Vinh, chúng tôi bị hàng trăm cảnh sát giao thông cùng với rất nhiều lực lượng an ninh sắc phục chặn lại. Họ ra lệnh lôi chúng tôi xuống xe. Trong 6 chiếc xe bảy chỗ của chúng tôi, có một xe bị giật bung cửa. Họ lôi tất cả những người dân trên xe xuống, đàn áp dã man trước mặt hàng trăm cảnh sát, công an sắc phục. Tôi phản ứng gay gắt và họ dừng lại. Họ đuổi đi chiếc xe mà dân bị lôi xuống đó. Sau khi lực lượng sắc phục rút lui hết, càng có đông côn đồ manh động hơn, bao vây đoàn xe chúng tôi. Họ khiêu khích, đòi đoạt mạng chúng tôi. Thấy nguy hiểm thế, nên khi công an Nghệ An ra thương lượng, tôi yêu cầu họ phải điều thêm xe để đưa những người lúc nãy bị họ lôi xuống đánh đập giữa đường rồi đuổi xe chở họ đi, khiến họ không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng yêu cầu công an Nghệ An điều một chiếc xe đưa đoàn đi về để đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng tôi. Công an đã chấp thuận 2 yêu cầu đó. Chúng tôi trở về giáo xứ lúc 17 giờ cùng ngày trong khi chưa đệ đơn được lên tòa án Kỳ Anh.
VOA: Từ đó tới nay, đại diện chính quyền và giáo xứ có tiếp xúc với nhau để tìm giải pháp ôn hòa cho cuộc khiếu kiện?
LM Nam: Tôi cũng như Đức giám mục hiện đang ở những nơi cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung. Công việc khiếu kiện chúng tôi tạm thời gác lại. Cũng chưa thấy động thái nào từ nhà cầm quyền trong việc này. Có điều số điện thoại của tôi đã bị rất nhiều người gọi vào xúc phạm và đòi đoạt mạng.
VOA: Linh mục có cho biết sau khi cứu trợ nạn nhân lũ lụt sẽ tiếp tục cuộc hành trình khiếu kiện. Chuyến đi thứ ba, nếu có, linh mục dự kiến sẽ như thế nào?
LM Nam: Đưa đơn qua đường bưu điện thì tòa sẽ bảo là không nhận được. Trên con đường đấu tranh pháp lý ở đây, chúng tôi gặp nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng qua đó, mọi người có thể thấy được bộ mặt thật của chế độ nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay. Và đó cũng có thể là chất xúc tác để rồi sẽ có một cuộc thay đổi không chỉ từ phía nhà cầm quyền, mà cả thay đổi từ phía người dân, về nhận thức.
VOA: Phía nhà cầm quyền xem việc huy động đám đông, khiếu kiện tập thể là ‘gây rối’ ‘làm mất an ninh trật tự.’ Phản hồi của linh mục Nam thế nào?
LM Nam: Dưới chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam hôm nay, bất cứ ai nói sự thật hay làm cho người khác thấy được sự thật, đấu tranh cho dân chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đều là kẻ thù của chế độ. Người ta sẵn sàng tìm mọi cách quy chụp, vu khống, nhổ nó đi.
VOA: Các hoạt động linh mục đang dìu dắt giáo dân cũng có thể bị xem là khiến xã hội có những sự ‘bất thường’, có thể gây nên ‘sự bất ổn.’ Linh mục hồi đáp ra sao?
LM Nam: Nếu nhà nước này bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nếu nhà nước tôn trọng hiến pháp và luật lệ họ đề ra, thì chắc chắn chúng tôi không phải có những hành động như vậy. Nếu chúng ta sống dưới chế độ dân chủ, chúng ta thắng lớn, thậm chí, ta không cần phải đi khiếu kiện vì chính chính phủ sẽ khởi kiện cho chúng ta. Chúng tôi bị bất công như vậy, chúng tôi phải đứng dậy và mở miệng lên tiếng kêu đòi. Họ cướp đi quyền sống của chúng tôi và tương lai con cháu giống nòi dân tộc, chúng tôi phải lên tiếng, bằng cách này không được thì bằng cách khác. Chúng tôi sử dụng những phương pháp rất ôn hòa, tôn trọng pháp luật. Những việc này chúng tôi được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đó là quyền của con người. Không thể nói việc chúng tôi đi biểu tình hay tập trung khiếu kiện là một việc gây ‘bất ổn’ xã hội.
Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải trả giá, nhưng không phải vì điều đó mà chúng ta phải chấp nhận, cúi đầu. Đó là mệnh lệnh của lương tâm, chứ không phải là sự an toàn của chính bản thân mình. Nếu giết một cha Nam thì sẽ có nhiều cha Nam khác đứng dậy. Giết một phong trào, sẽ có nhiều phong trào khác đứng dậy. Nếu giết một người đấu tranh thì sẽ sinh ra hàng ngàn người đấu tranh khác.
VOA: Xin chân thành cảm ơn linh mục Đặng Hữu Nam vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
…………………………………………………………………………………………
CSVN Thế Phi, Đồng Minh Mỹ?
Nguồn:vietbao.com- 22/10/2016
Vi Anh
CSVN Thế Phi, Đồng Minh Mỹ?
Ngày 17 tháng 10, 2016, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, người đứng đầu phái đoàn VNCS trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương với Hoa Kỳ lần thứ 7 tại Hà Nội, tuyên bố Việt Nam ủng hộ Mỹ “can dự” vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để phục vụ hòa bình và ổn định tại khu vực. Ông nói, “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.”
Ngày 19 tháng 10, 2016, TT Duterte của Phi, nước bị TC chiếm biển đảo ít hơn VN, nhưng kiện và thắng TC, nhơn chuyến công du Trung Quốc, Ô. Duterte tuyên bố tại Bắc Kinh, Phi “ly khai” khỏi Mỹ, một đồng minh quan trọng có quan hệ quốc phòng mật thiết, lâu đời với Philippines.
Tinh hình cho thấy tân chánh phủ Phi Duterte đang xa rời Mỹ, xích lại gần Trung Quốc hiện CS và Nga hậu CS. Trong vấn đề Biển Đông, lâu nay TC đã chiếm cứ, xâm lấn, thôn tính 90% Biển Đông và gần hết hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN. Lâu nay CSVN đi đu dây giữa Mỹ và TC. Với tình hình mới Phi đang dang xa Mỹ, liệu CSVN sáp lại gần Mỹ thế chỗ Phi trở thành đồng minh của Mỹ không. Nhiều sự kiện và thời sự thực tế cho thấy câu trả lời là không.
Một, vì TC đã vô hiệu hoá vai trò và địa lý chiến lược của VN trong chiến lược khống chế Biển Đông của TC. Đối với Miên, CT Bình khai thác mâu thuẫn giữa VN và Miên trong vấn đề biên giới. CT Bình đích thân sang Miên mua chuộc Thủ tướng Hun Sen của Miên làm cây dao găm chĩa sát bên đít VN, và biến Miên thành «lá chắn» bảo vệ lập trường của TC chống lại mọi phê phán tranh giành biển đảo của các láng giềng.
Đối với Phi, CT Bình cũng chiêu dụ bằng cuộc tiếp rước long trọng và mua chuộc Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte công du TQ từ 18 đến 21 tháng 10 với một phái đoàn doanh gia cả 250 người trong đó có những đại tài phiệt ở Philippines. Còn TT Duterte ve vãn tối đa TC, tự hào ông ngoại của Duterte là người Tầu và 1/4 dân số Phi là người gốc Hoa. Và chính Ông muốn xa rời Mỹ và xích lại gần TQ, kể cả trong vấn đề Biển Đông. TT Duterte tuyên bố Manila sẵn sàng tổ chức tập trận chung với Bắc Kinh, chứ không phải với nước đồng minh lâu năm là Mỹ. Tân hoa xã của TC loan truyền lời tuyên bố của Ô. Duterte “Chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp chúng tôi”. CT Bình ngay ngày đầu đã mua chuộc Duterte, hào phóng giúp cho Phi, đã cùng TT Duterte chứng kiến hai bên ký 13 thoả thuận trị giá 13.3 tỷ Mỹ kim. CT Bình còn hứa sẽ khuyến khích doanh nhân TQ đầu tư nhiều hơn và người TQ du lịch nhiều hơn tới Phi.
Còn đối với Nga hậu CS là chế độ ủng hộ VNCS suốt thời Chiến tranh Lạnh và trong vấn đề Biển Đông. Bây giờ gió đã đổi chiều. Nga bị Tây Phương và Mỹ trừng phạt do vụ Nga xâm chiếm Crimea và khuấy phá biên giới Ukraine nên phải nhờ kinh tế TC. Nên Bắc Kinh đã lôi kéo được Nga đứng về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Tin AP, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 29/04/2016, trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng TC Vương Nghị đã đồng loạt lên tiếng tố cáo chống Mỹ về “sự can thiệp” từ bên ngoài vào Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. TT Putin đòi hỏi Nhựt trả lại quần đảo Kuril của Nga để Nhựt phải rút thế lực ở Biển Đông về miền Bắc để bảo vệ vùng biển và đảo Kuril của Nhựt do Nga đang khuấy rối. Với việc Nga tranh chấp đảo Kuril cộng với việc TC đã và đang tranh chấp đảo Senkaku, Nhựt rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nhựt khó có thể làm đầu tàu kéo các nước Á châu Thái bình dương trong liên minh chống TC, tiếp với Mỹ.
TT Nga Putin không ngừng chiến thuật giải vây cho TC ở Đông Bắc Thái bình dương, mà Nga còn đi sâu, đi xa hơn xuống Đông Nam Á. Nga giúp TC bằng cách trực tiếp can thiệp vào các nước ASEAN bị TC xâm lấn, chiếm cứ và quân sự hoá biển đảo ở Biển Đông nữa. Tin Reuters, ngày 20/05/2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Sotchi, Nga sẽ ký với ASEAN một hiệp ước, trong đó cho thấy Moscow đang thông qua ASEAN can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng Nga ở châu Á.
Và như thế CSVN mất hậu thuẫn của Nga, bị Phi chận đầu và Miên bọc hậu trong vai trò chiến lược của VNCS, với mục tiêu khai thác mâu thuẫn giữa Mỹ và TC để VN ở giữa hưởng lợi. TC đã vô hiệu hoá chiến thuật đi đu dây của CSVN lợi dụng tranh chấp Biển Đông để thủ lợi từ TC và Mỹ.
Hai, vì TC đã nắm chắc CSVN rồi. Sau đại hội Đảng CSVN vừa qua, phe thần phục TC đã thắng thế, nắm toàn bộ Đảng Nhà Nước CSVN, ít nhứt cũng phải 5 năm nữa. CSVN khó có một thay đổi lớn trong bang giao, hợp tác toàn diện với Mỹ vì đã, đang, và dính cứng hơn với TC. Qua đại hội 12, Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng cầm đầu phe thân TC từ năm 2007 đã độc diễn tái đắc cử Tổng Bí Thư Đảng CSVN. Dù có ngậm ngọc Ngoại Trưỏng Kerry, TT Obama, Đại sứ Ted Osius và những trưởng lưới CIA ở Hà nội Saigon cũng đừng mong du thuyết, vận động, trao đổi, lôi kéo lãnh đạo Đảng Nhà Nước CSVN đang nằm dưới cái bóng đè quá lớn của TC về kinh tế, chánh tri, lẫn chủ nghĩa CS. CSVN khó có thể theo lập trường các nước ASEAN thống nhất mà Mỹ kêu gọi, để đối phó với những yêu sách chủ quyền của TC dù VNCS là nước mất biển đảo nhiều nhứt vào tay TC. Con đường Hà nội đi Washington đã do TC làm cảnh sát giao thông kiểm soát, bật đèn xanh đỏ.
Ba, vì TC đã đang cho tàu chiến của TQ vào bên trong các hải cảng chiến lược của CSVN như Cam Ranh và tuần tra chung với hải quân CSVN. Tuần tra chung với TC một khổng lồ, một con sói, một quan thầy thì CSVN coi như lép vế, coi như giao trứng cho ác; bí mật trận địa, bản đồ phòng thủ vào tay TC. Coi như biên giới lãnh hải của CSVN không còn nữa. Tin VOA ngày 19.10.2016 loan tải “3 chiến hạm của Trung Quốc, với gần 800 sĩ quan và thủy thủ, sẽ tới cảng chiến lược của Việt Nam [Cam Ranh], ít lâu sau khi tàu chiến Hoa Kỳ rời đi. Hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân quốc gia láng giềng phương bắc sẽ cập cảng quốc tế Cam Ranh trong 4 ngày, từ ngày 22 đến 26/10, và sẽ “giao lưu với hải quân Việt Nam”.
Bốn, cũng vì phía Mỹ không thể đồng minh với một chế độ CS như VNCS. Dù tương quan giữa Philippines và Mỹ đang lung lay, sụp đổ, nhưng không phải là thời cơ CSVN có thể trở thành đồng minh của Mỹ, để Mỹ trở thành lá chắn ngăn chận đà bành trướng của TC. Bài học đồng minh chết sống với Mỹ để rồi Mỹ bỏ rơi chết tức tửi của VN Cộng Hoà hãy còn đó, CSVN không thể không rút kinh nghiệm, làm bạn với Mỹ thì khó, hai tổng thống VN Cộng Hoà một người bị Mỹ tổ chức đâm và bắn chết, một người bị triệt tiêu sinh mạng chánh trị. Còn làm kẻ thù với Mỹ thì dễ, đánh Mỹ một thời gian rồi Mỹ sẽ thoả hiệp theo kiểu chánh trị cực kỳ thực dụng và chuyên thoả hiệp của chánh trị gia của Mỹ. Bên cạnh cái khó từ phía CSVN còn có cái khó lớn hơn từ phía Mỹ. Mỹ có thể bang giao, giao thương với một chế độ CS như một đối tác, nhưng chưa có tiền lệ đồng minh với một chế độ CS.
Vả lại Mỹ còn lâu mới thay đổi lập trường không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, Mỹ chỉ bảo vệ tự do lưu thông thôi. Vì Mỹ tránh xung đột với TC, vì quyền lợi Mỹ với TC lớn hơn quyền lợi của Mỹ đối với các nước ở Á châu Thái bình dương.
Tóm lại, việc TT Duterte tách Phi ra xa Mỹ, không phải là cơ hội và động lực để CSVN xích lại gần, đồng minh với Mỹ để có lá chắn Mỹ ngăn chận đà TC xâm lấn biển đảo của VN./.(Vi Anh)
………………………………………………………..