‘Thôn tính đã ăn sâu vào bản chất TQ?’
Nguồn:BBC – thứ bảy, 9 tháng 8, 2014
Nam Tiến nằm trong một truyền thống ‘thôn tính’, ‘xâm chiếm’ và ‘đồng hóa’ dường như đã ăn sâu trong lịch sử, văn hóa của Trung Quốc như một yếu tố thuộc về bản chất và bản sắc từ thời phong kiến tới nay, bất luận Trung Quốc theo ‘thể chế nào’ và đang ở ‘thời đại nào’.
“Việt Nam là một mốc, một nơi mà con đường Nam Tiến của họ đến đây bị dừng lại, bị ách lại, cho nên hình như lúc nào họ cũng khát khao muốn thâu tóm VN”
GS. Viện sỹ Trần Ngọc Thêm
Đó là quan điểm của một học giả từ Việt Nam khi được đề nghị bình luận về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đặc biệt sau khi xuất hiện vụ Giàn khoan Hải Dương 981 vốn được Bắc Kinh tổ chức hạ đặt ở vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào đầu tháng 5/2014.
Trao đổi với BBC trong một cuộc phỏng vấn không lâu sau sự kiện này, Giáo sư Viện sỹ Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu Văn hóa học và Phương Đông học của Việt Nam từ Sài Gòn nói:
“Lịch sử của Trung Quốc có thể nói là lịch sử của một thứ chủ nghĩa ‘Thiên Hạ’, chủ nghĩa Thiên Hạ tức là giống như chủ nghĩa đế quốc của phương Tây bây giờ, sau này…
“Có thể nói đó là một thứ truyền thống văn hóa của Trung Quốc mà không phụ thuộc vào chế độ chính trị, không phụ thuộc vào thời đại.
“Và đối với Việt Nam chúng ta là một cái mốc, một nơi mà con đường Nam Tiến của họ đến đây bị dừng lại, bị ách lại, cho nên là hình như lúc nào họ cũng khát khao là muốn thâu tóm Việt Nam.”
……………………………………..
Nguồn:RFI- Thứ sáu 08 Tháng Tám 2014
Phạm Chí Dũng: Người Mỹ bắt tay giới bảo thủ Hà Nội?
Thụy My
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse đến American Center ở Hà Nội dự cuộc họp báo ngày 08/08/2014.
REUTERS/Kham
Thụy My
Sự kiện hai Thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain (đảng Cộng hòa, bang Arizona) và Sheldon Whitehouse (đảng Dân chủ, bang Rhode Island) đến thăm Việt Nam một cách khá bất ngờ, trong ba ngày kể từ 08/08/2014 đã gây chú ý trong dư luận.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà bình luận chính trị ở Saigon về vấn đề này.
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Là người theo dõi sát thời sự trong nước, anh có chú ý đến những chi tiết nào trong chuyến đi thăm Việt Nam của hai Thượng nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là một chính khách tên tuổi như ông John McCain ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain là người phụ trách Ủy ban quân vụ – một cơ quan được xem là quan trọng trong Quốc hội Hoa Kỳ, đương nhiên có vai trò xung yếu đối với việc “quyết định” cơ chế bỏ cấm vận vũ khí đối với một quốc gia quá nhạy cảm chính trị như Việt Nam.
Bất ngờ là chỉ một tuần sau chuyến đi không tuyên bố trước tới Hoa Kỳ của Phạm Quang Nghị – người cho tới thời điểm này đang được xem là có thể kế vị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016, vào ngày 07/08/2014 ông John McCain và đồng viện Dân chủ Sheldon Whitehouse đã đột ngột đến Hà Nội. Thông tin ban đầu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, ba hồ sơ quan trọng là an ninh khu vực, nhân quyền và thương mại sẽ được phái đoàn nghị sĩ Mỹ thảo luận với cấp lãnh đạo Việt Nam.
Một chi tiết đáng chú ý không kém là ngay trước chuyến đến Việt Nam đột ngột trên, Thượng nghị sĩ Bob Coker của Hoa Kỳ cũng vừa kết thúc một chuyến thăm viếng tại Hà Nội, với cuộc gặp hầu hết những người được xem là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam.
Chưa đầy một tuần sau khi Thượng nghị viện Mỹ “nhất trí” về Thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam, đến lượt Hạ nghị viện Hoa Kỳ ghé mắt một nghị quyết cho phép Mỹ bán vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù nhưng vẫn chưa thể “hòa giải”. Dự thảo nghị quyết này nêu về an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương, đã được hai dân biểu Forbes và Hanabusa đệ trình để Hạ viện thông qua. Điểm ấn tượng nhất liên quan đến “khách thể” Việt Nam trong dự thảo là trong các khuyến cáo về mặt chính sách đối với chính quyền Mỹ, khuyến nghị thứ 13 liên quan đến quan hệ Mỹ – Việt đã bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Hà Nội.
RFI : Như vậy gần đây có vẻ Quốc hội Mỹ lại quan tâm hơn đến Việt Nam, trong khi trước đây các hoạt động trao đổi chủ yếu từ phía chính quyền ?
Khác hẳn với thời gian nửa cuối năm 2013 và đầu năm 2014 với vai trò chủ đạo thuộc về Chính phủ Mỹ, những tuần lễ gần đây lại chứng kiến hình ảnh “lên ngôi” của giới nghị sĩ Hoa Kỳ.
Những dữ liệu gần đây cũng cho thấy thật khó hoài nghi rằng đã không diễn ra một chuỗi logic đàm luận và móc ráp giữa các động thái mới đây của Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị, sự chuẩn thuận nhanh chóng của lưỡng viện Hoa Kỳ cùng những chuyến công du Việt Nam của các nghị sĩ Mỹ. Móc xích có vẻ lộ diện nhất là chuyến thăm “đáp lễ” của John McCain đã diễn ra ngay sau cuộc “diện kiến” chính khách Mỹ của ông Phạm Quang Nghị.
Một thông tin bên lề nhưng cũng rất đáng lưu tâm khác là gia đình blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) vừa nhận giấy mời của Chi cục thi hành án dân sự quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu thay mặt cho ông Hải đóng tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm hình sự để “đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”.
RFI : Thông tin bên lề này có liên quan gì, theo anh ?
Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) chính là một trong những tù nhân lương tâm kỳ cựu và có tiếng nhất ở Việt Nam, bị bắt và bị xử án đến hàng chục năm tù giam chỉ vì đấu tranh phản kháng Trung Quốc. Ông cũng nằm trong danh sách ưu tiên mà Chính phủ Mỹ thường trao cho phía Việt Nam để đòi hỏi trả tự do.
Động thái giấy mời này đã khiến rộ lên dự đoán về khả năng Điếu Cày có thể được trả tự do trong không bao lâu nữa. Ngày gửi giấy mời lại trùng với ngày mà Thượng nghị sĩ John McCain đến Việt Nam. Nếu có thể so sánh, cần nhắc lại là ngay trước và sau chuyến công du Hà Nội của nữ Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị Wendy Sherman của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào đầu tháng 3/2014, Nhà nước Việt Nam đã phóng thích một loạt 5 tù nhân lương tâm, kể cả một người bị coi là “rất cứng đầu” như ông Cù Huy Hà Vũ.
Sự việc trên cũng dẫn tới một giả thiết là trong hoặc sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, phía Việt Nam đã chấp nhận thông báo cho phía Mỹ những nhượng bộ về nhân quyền, cụ thể là thả nhiều hơn và “chất lượng hơn” tù nhân lương tâm.
RFI : Có vẻ như quan hệ Việt – Mỹ đang có những bước chuyển khá ngoạn mục, đặc biệt là từ sau vụ giàn khoan Trung Quốc ?
Bây giờ, phương trình chính trị Việt – Mỹ đã trở nên phức hợp nhưng cũng thú vị hơn. Những chủ đề an ninh, thương mại và nhân quyền mà ông John McCain, chứ không phải một quan chức cấp cao nào của Chính phủ Mỹ, mang trách nhiệm bàn thảo với giới lãnh đạo Việt Nam, dường như phát lộ dấu hiệu Quốc hội Mỹ đang đóng vai trò khá then chốt đối với tương lai quan hệ Mỹ – Việt. Rất có thể, chuyến làm việc này của John McCain sẽ mang tính “tiền trạm” để Quốc hội Mỹ quyết định về một vấn đề còn hệ trọng hơn hẳn giữa hai quốc gia: đối tác chiến lược.
Dự đoán này là có thể có cơ sở khi tại cuộc chào từ biệt với ông Trương Tấn Sang, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear đã nói bóng gió về triển vọng “đối tác chiến lược Việt – Mỹ” trong tương lai. Khác với khái niệm “đối tác toàn diện” được thỏa thuận giữa ông Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 7/2013, từ sau vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc mà đã khiến đảo lộn không khí chính trị ngoài Biển Đông, nhu cầu về đối tác chiến lược được chính tư lệnh quân đội Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương gợi mở, còn giới lãnh đạo Việt Nam thì tất nhiên không bỏ ngoài tai lời gợi ý hấp dẫn này.
Nếu chuyến đi của John McCain tùy thuộc vào lời mời của Phạm Quang Nghị, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là người Mỹ đang như chú tâm đến mối quan hệ với giới lãnh đạo bảo thủ bên Đảng ở Hà Nội, thay cho những đồn đoán trước đây về vai trò nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phương Tây. Và nếu khả năng này xảy ra, Quốc hội Mỹ và sau lưng là Chính phủ Mỹ đang muốn chứng nhận việc Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ dành cho họ vai trò gì trong bầu không khí chính trị ở Việt Nam, và lẽ dĩ nhiên bao hàm cả vị trí của Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông.
RFI : Nếu thực sự là phía Mỹ đang quan tâm hơn đến phe bảo thủ ở Việt Nam, thì sẽ có những thay đổi gì, theo anh ?
Logic tiếp theo là nếu chuyến công du của John McCain “thành công tốt đẹp” với những người bên đảng Cộng sản Việt Nam, thời gian tới sẽ chứng kiến những thay đổi không nhỏ về chính trị đối ngoại của Việt Nam, mối tương quan chính trị đối nội và cả về một không khí cởi mở hơn mà Nhà nước Việt Nam “đặc cách” dành cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này.
Nếu kịch bản phóng thích tù nhân lương tâm được lặp lại như đầu năm 2014, sắp tới sẽ có một số những cái tên đáng chú ý có thể được trả tự do như Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Lý…
Và nếu một số tù nhân lương tâm được trả tự do trong tháng 8/2014, đây chính là một tín hiệu khá rõ ràng về khả năng sắp tới Nhà nước Việt Nam nhận được một số “đặc cách” về mua vũ khí sát thương, tham gia vào TPP và có thể cả hứa hẹn cho “đối tác chiến lược” với người Mỹ trong những năm tới.
Nhưng làm gì thì làm, giới lãnh đạo Việt Nam phải nhanh nhanh lên mới được. Vì thời gian cho họ chỉ còn đúng một quý nữa, tức nếu đến tháng 11/2014 khi Quốc hội Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà phía Việt Nam vẫn chưa hoàn tất thủ tục vào TPP, thì coi như sau đó sẽ chẳng còn mấy nghị sĩ Mỹ quan tâm đến những vấn đề riêng tư của lãnh đạo Việt Nam nữa.
RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
…………………………………………………
Uẩn khúc Hội nghị Thành đô: Lòng tin và sự minh bạch
Nguồn:RFA- 2014-08-10
Hội nghị Thành đô 1990
Files photos
Những ngày này dư luận xã hội nóng lên bởi tin Đảng CSVN đề nghị để “Việt Nam gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc” như là một khu vực tự trị giống như Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…”. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, đến lúc này thực hư ra sao chưa biết, nhưng ngoài đường, ngoài chợ người ta bảo nhau chỉ còn 6 năm nữa thôi, năm 2020 là Việt Nam sẽ gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc. Nghĩa là Việt nam sẽ trở thành một khu tự trị hay một tỉnh thuộc chính quyền trung ương Trung quốc.
Tin đồn
Được biết đây là tin từ bản Kiến nghị “Có hay không một thỏa thuận bán nước”của Thiếu tướng Lê Duy Mật, Nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh Mặt trận Hà Giang trong các năm 1979-1984 – Đảng viên 57 năm tuổi đảng, gửi Ban CHTW và Bộ Chính trị, yêu cầu công bố các văn bản của Thỏa hiệp Thành Đô năm 1990 giữa hai Đảng CS Việt nam và Trung quốc để cho nhân dân biết. Trong bản Kiến nghị của mình, Thiếu tướng Lê Duy Mật đã công bố nội dung của một đoạn Thỏa hiệp Thành Đô, mà ông cho rằng có nguồn gốc từ tin của Tân hoa xã Trung Quốc và báo Hoàn cầu Thời báo. Với nội dung một phần của “Kỷ Yếu Hội Nghị” như sau:
“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên…
Tin của Tân hoa xã Trung Quốc và báo Hoàn cầu Thời báo
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”. (Hết trích)
Hoàn cảnh ra đời của Hội nghị Thành Đô
Việt nam và Trung quốc là hai quốc gia cộng sản có quan hệ mật thiết, gắn bó với cùng nền tảng tư tưởng là ý thức hệ cộng sản. Trong giai đoạn 1949-1975, Trung quốc đã giúp Việt nam rất nhiều về người và của, đặc biệt là về mặt quân sự trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Sau năm 1975, quan hệ giữa hai nước Việt nam và Trung quốc đã có các bất đồng sâu sắc, mà đỉnh cao là cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979. Khi Trung quốc đã đưa 60 vạn quân tiến đánh và xâm nhập sâu vào lãnh thổ Việt nam trên tòan tuyến biên giới Việt – Trung trong thời gian gần một tháng trước khi rút. Vào thời điểm đó Việt nam đã Sửa đổi Hiến pháp năm 1980, xác định và ghi rõ Trung quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm.
Trong bối cảnh, từ cuối năm 1989 cho đến đầu năm 1990, hệ thống XHCN ở các nước cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ, điều này đã gây mối lo ngại cho lãnh đạo Đảng CSVN, họ đã đứng ngồi không yên vì hết đường, không biết bấu víu vào ai. Ban lãnh đạo Đảng CSVN hết sức lo lắng cho sự đổ vỡ của chế độ và cuối cùng họ đã buộc phải tính nước bắt tay lại với người đồng chí Trung quốc vốn là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của mình.
Hội nghị Thành Đô ra đời trong hoàn cảnh ấy, vào ngày 3 – 4.9.1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Cuộc họp với mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Thành phần tham dự, về phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng. Phía Trung quốc là Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Đáng chú ý, cho đến nay các thông tin về cuộc gặp mặt bí mật này không được công bố trong nước
Trong bối cảnh, từ cuối năm 1989 cho đến đầu năm 1990, hệ thống XHCN ở các nước cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ…Ban lãnh đạo Đảng CSVN hết sức lo lắng cho sự đổ vỡ của chế độ và cuối cùng họ đã buộc phải tính nước bắt tay lại với người đồng chí TQ vốn là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm
Hội nghị Thành Đô 1990 được cho là mở đầu một giai đoạn bất bình thường mới trong quan hệ Việt – Trung. Ông Nguyễn Trung, nguyên Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá là một thất bại nhục nhã của Việt nam, đồng thời nó trở thành mối uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và con đường phát triển của Việt nam. Còn ông Nguyễn Cơ Thạch , nguyên Ủy viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Bộ ngoại giao lúc ấy đã nhận định về thỏa thuận Thành Đô 1990 rằng “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự.”
Thái độ của chính quyền Việt nam sau Hội nghị Thành Đô
Sau Hội nghị Thành Đô, quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Trung quốc đã nhanh chóng được bình thường hóa và phát triển. Do nắm bắt được các điểm yếu được coi là tử huyệt sống còn của Đảng CSVN, chính quyền Trung quốc đã dần gia tăng sức ép và đòi hỏi Việt nam đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Đắc biệt là trong vấn đề lãnh thổ và lãnh hải. Với “Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung” và “Hiệp định phân chia vịnh Bắc bộ” được coi là một sự thất bại của Việt Nam, vì nó gây thiệt hại cho Việt Nam đến 227 km2 trên đất liền và 211.000 km2 trên biển, đặc biệt là Việt nam đã nhượng cho Trung Quốc những vùng biển có giá trị về kinh tế và chiến lược. Điều đáng tiếc, những địa danh lịch sử như Ải Nam Quan, vốn của Việt nam thì nay nằm sâu trong lãnh thổ Trung quốc 500m hay Thác Bản Giốc thì bị buộc phải chia cho Trung quốc một nửa.
Trên biển, trước Hội nghị Thành Đô thì ngư dân Việt nam tiến hành đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống của mình, kể cả khu vực quần đảo Hoàng sa mà không hề gặp trở ngại nào. Nhưng kể từ sau Hội nghị Thành Đô, thì công việc làm ăn của họ bị lực lượng Kiểm ngư, Hải giám của Trung quốc cản trở, bắt giữ người và phương tiện, thậm chí bị bắn chết như trường hợp các ngư dân ở Thanh hóa. Song phía Việt nam đã không có hoặc có những phản ứng rất yếu ớt, không dám nói đích danh là tàu Trung quốc mà chỉ dám gọi là tàu nước lạ. Trên biển thì như thế, còn trên bộ thì Trung quốc đã lợi dụng danh nghĩa đầu tư để thuê các khu vực rừng đầu nguồn, hay tham gia các dự án đầu tư ở những khu vực quan trọng về quốc phòng trong thời gian 50-70 năm, thậm chí 120 năm. Bauxite Tây nguyên ở nóc nhà Đông Dương, Đặc khu Vũng Áng… với hàng nghìn công nhân Trung quốc là những ví dụ điển hình. Về chính trị thì chính quyền thẳng tay đàn áp, bắt bớ bỏ tù những người bày tỏ thái độ chống Trung quốc như blogger Điếu cày, bloggger Phạm Viết Đào hay nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên v.v… Không những thế họ còn cho trấn áp thô bạo các cuộc biểu tình chống Trung quốc do người dân tổ chức.
Tóm lại sau 24 năm Hội nghị Thành Đô, kết quả phía Trung quốc đạt được cho đến nay là: họ đã thò bàn tay nhớp nhúa vào rất sâu không chỉ là khống chế đối với nền kinh tế của Việt nam, mà kể cả việc thao túng các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng CSVN dưới chiêu bài xây dựng CNXH. Phải chăng đó là các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc, điều mà phía Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết ?
Phản ứng của dư luận
Những bằng chứng kể trên thì buộc người ta phải nghi ngờ về những thỏa thuận từ Hội nghị Thành Đô. Việc các lãnh đạo cao cấp giữa hai nước họ đã bàn và thỏa thuận những gì thì chưa ai biết, nhưng trên thực tế cho thấy có những dấu hiệu Đảng CSVN đã và đang tự biến mình, cũng như cam tâm trở thành một chư hầu của Trung quốc. Điều đó càng thấy rõ hơn qua sự kiện giàn khoan HD-981 khi Việt nam chần chừ, rồi không dám khởi kiện Trung quốc ra Tòa án Quốc tế.
Sau Hội nghị Thành Đô, quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Trung quốc đã nhanh chóng được bình thường hóa và phát triển. Do nắm bắt được các điểm yếu được coi là tử huyệt sống còn của Đảng CSVN, chính quyền TQ đã dần gia tăng sức ép và đòi hỏi Việt nam đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác
Hầu như các thông tin về Hội nghị Thành Đô đã được Đảng CSVN và chính quyền giữ kín một cách tuyệt đối, đây là điều được coi là tuyệt mật, là vùng cấm. Thậm chí kể cả các Đại biểu Quốc hội và các đảng viên trong Đảng cũng không hề hay biết một chút gì, cho dù nội dung của nó liên quan đến vận mệnh của đất nước. Do vậy, trong một xã hội thiếu công khai minh bạch thì đây chính là đất sống cho các tin đồn. Kể cả tin đồn “Việt Nam gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc” như là một khu vực tự trị giống như Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây..” cũng không là ngoại lệ. Và sự tuyệt đối im lặng của ban lãnh đạo và truyền thông nhà nước trước tin đồn này càng làm cho những tin đồn bất lợi như thế gần với sự thật hơn, vì không phải họ nói “im lặng là đồng ý hay sao?”
Vào lúc này, không chỉ ở ngoài đời thường mà cả trên mạng xã hội người ta bàn tán về tin này với sự hoài nghi cao độ và với những sự giải thích khác nhau. Đáng chú ý là tin đồn này diễn ra sau khi câu chuyện Công hàm công nhận chủ quyền lãnh hải cho Trung quốc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau một thời gian dài bị chính quyền Việt nam bưng bít, đã được công khai từ phía Trung quốc, trong sự kiện giàn khoan HD-981 mà phía Việt nam đã phải công khai thừa nhận. Khi phía Trung quốc đưa ra và coi đó là bằng chứng chính quyền Việt nam đã công nhận chủ quyền của Trung quốc đối với hai quần đảo Trường sa- Hoàng sa của Việt nam. Điều đó cho thấy không có gì là bí mật, nhất là khi điều tuyệt mật đó đang do Trung quốc – kẻ thù nắm giữ và bị họ biến thành thứ vũ khí để đe dọa và uy hiếp ban lãnh đạo Đảng CSVN. Những bí mật ấy, không chỉ nhằm để chia rẽ nội bộ Đảng CSVN, mà còn phân hóa người dân và chính quyền để họ không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền
Đối với mọi người dân, bây giờ thì thông tin từ Hoàn cầu Thời báo hay Nhân dân Nhật báo nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Vì họ cho rằng điều này khá phù hợp với dư luận gần đây cho rằng sở dĩ chính quyền VN có các hành động phản ứng, phản kháng hết sức yếu ớt trước các hành động lấn át của TQ.
Phản ứng của các nhân sĩ trí thức và 61 Đảng viên kỳ cựu gần đây nhất đã đòi hỏi nhà nước phải bạch hóa sự kiện Thành Đô, mà theo họ cho biết họ không hề có hy vọng nhận được sự công khai minh bạch của nhà nước. Nhưng họ muốn thông qua các Thư ngỏ, Kiến nghị… nhằm để đánh động dư luận xã hội và thức tỉnh người dân trước nguy cơ Việt nam có thể biến thành một thuộc quốc. Điều quan trọng là cần công khai sự thật để đập tan luận điệu của bọn vẫn được gọi là 4 tốt, 16 chữ vàng giữa hai Đảng CS Việt nam và Trung quốc.
Vì vậy đối với mọi người dân, bây giờ thì thông tin từ Hoàn cầu Thời báo hay Nhân dân Nhật báo nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Vì họ cho rằng điều này khá phù hợp với dư luận gần đây cho rằng sở dĩ chính quyền Việt nam có các hành động phản ứng, phản kháng hết sức yếu ớt trước các hành động lấn át của Trung quốc là vì chính quyền Trung quốc đã nắm được tử huyệt của chính quyền Việt nam. Đó là các tin tức được coi là tuyệt mật về các thỏa thuận bí mật, mà phía Trung quốc cho rằng khi họ “bật mí” sẽ có khả năng làm sụp đổ chế độ hiện nay ở Việt nam. Vậy phải chăng tin đồn nói trên là một trong các tin tức tuyệt mật đó? Và còn bao nhiêu những điều tuyệt mật giữa hai Đảng, hai nhà nước Việt nam – Trung quốc sẽ được giải mật trong thời gian tới?
Kết:
Nói về lòng tin của quần chúng đối với Đảng CSVN, đầu năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn. Tuy vậy, không được lạm dụng lòng tin của nhân dân.” Nghĩa là Đảng sẽ tự đánh mất quyền lực hoặc sụp đổ nếu niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ không còn. Song ngay cả việc bưng bít hay thiếu minh bạch về những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước cũng đã và đang dần làm xói mòn lòng tin của nhân dân
Việc một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống… làm cho niềm tin của người dân vào Đảng CSVN đã suy giảm là một thực tế không thể chối cãi. Song đó chỉ là chuyện quá nhỏ nếu so với điều mà tin đồn cho rằng, lãnh đạo Đảng CSVN “… bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….”. Vì đó nếu điều đó có thực thì sẽ là hành động bán nước cho Trung quốc, điều mà không có ai mang trong mình giòng máu Lạc Hồng có thể chấp nhận được.
Còn nhớ lời của Vua Trần Nhân Tông có nói rằng: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Đó là tội phải chu di tam tộc”.
Không biết ban lãnh đạo Đảng CSVN nghĩ gì về điều này? Còn chờ gì nữa, sao họ không lên tiếng để bác bỏ tin đồn có hại này, bằng cách bạch hóa toàn bộ “Kỷ yếu Hội nghị” của Hội nghị Thành Đô với nhân dân để xây dựng lòng tin nếu như tin trên là tin đồn nhảm. Chứ không thể im lặng một cách đáng ngờ như hiện nay, để người dân hoang mang mất lòng tin như vậy.
Ngày 08 tháng 8 năm 2014
© Kami
*Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm RFA.
…………………………………………………………………………