1.Tìm chân dung đích thực của tác giả 'Vòng Tay Học Trò' (DTL/NV)-2.Kiếp tằm và con ngựa(QG)-3.Ai còn 'ghiền' chiếc võng bố(NV)

Tìm chân dung đích thực của tác giả ‘Vòng Tay Học Trò’
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, March 14, 2014

 Du Tử Lê

Trong sinh hoạt văn chương miền Nam 20 năm (1955-1975), Nguyễn Thị Hoàng là một trong vài nhà văn nữ, nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay “Vòng Tay Học Trò.”

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về qua nét bút của họa sĩ Chóe.

Nhưng, nếu Nhã Ca (ở lãnh vực văn xuôi) cũng nổi tiếng ngay với truyện vừa “Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác,” lấy bối cảnh sinh hoạt của một gia đình viết về chiến tranh thì, Nguyễn Thị Hoàng lại nổi tiếng khi bà vượt qua vạch phấn cấm kỵ (taboo) của truyền thống đạo đức xã hội Việt Nam, khi viết về lãnh vực tình yêu và, tình dục giữa một cô giáo và học trò của mình, theo xu hướng hiện sinh.

Trong phần giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trang mạng Wikipedia-Tiếng Việt, cũng ghi nhận như sau:

“Tác phẩm đầu tay của bà (NTH) có nhan đề Vòng Tay Học Trò dưới bút danh Hoàng Ðông Phương. Ðây là một tiểu thuyết hiện sinh mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời kỳ này, và về sau được tái bản nhiều lần.”

Tuy nhiên, theo một vài tư liệu hiện có trên Wikipedia thì, bước chân đầu tiên tìm đến với cõi giới văn chương của người nữ văn sĩ này, vốn là thi ca chứ không phải văn xuôi.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà văn Mai Ninh (hiện cư ngụ tại Paris) năm 2003, tác giả “Vòng Tay Học Trò” cũng xác nhận rằng:

“…NTH khởi viết, trước tiểu thuyết, bằng thơ (Tạp chí Bách Khoa 1960), và căn chất mãi mãi cũng chỉ là thơ, rất ‘dốt’ và sợ cái gì liên quan đến khoa học…”

Thực tế cũng cho thấy, bà không chỉ làm thơ đăng báo mà, còn có tới hai thi phẩm đã được xuất bản. Ðó là các tập thơ “Sầu Riêng,” XB năm 1960 và “Kiếp Ðam Mê” XB năm 1961. (1)

Tuy nhiên, cũng khác với Nhã Ca. Nếu tác giả “Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác” gây xôn xao dư luận những người yêu thơ cũng như văn giới ngay tự những bài thơ thứ nhất của bà, đăng tải trên Tạp chí Hiện Ðại của nhà thơ Nguyên Sa thì, dường như thơ Nguyễn Thị Hoàng lại kém may mắn hơn! Chúng không nhận được sự chào đón hay, chú ý của dư luận quần chúng. Chính vì thế mà số người biết nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là một người làm thơ trước khi viết văn không bao nhiêu – Trừ những người có mối quan tâm đặc biệt, muốn tìm hiểu hoặc, nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của bà.

Trong số những người có mối quan tâm đặc biệt tới lộ trình chữ, nghĩa của Nguyễn Thị Hoàng, tôi trộm nghĩ, chúng ta phải kể tới nhà văn Nguyễn Ngọc Chính. Ông là người có nhiều bài viết nhất về tác giả “Vòng Tay Học Trò.”

Với loạt bài nằm trong “Hồi Ức Một Ðời Người,” họ Nguyễn đã sưu tập về cõi thơ Nguyễn Thị Hoàng và, ghi nhận:

“…Trước khi nổi tiếng trong nhóm nhà văn nữ trước 1975, Nguyễn Thị Hoàng là một nhà thơ của xứ Huế với hai tập thơ Sầu Riêng (1960) và Sau Phút Ðam Mê (1961). (2) Nổi bật hơn cả là bài thơ Chi lạ rứa với 40 câu thơ mang đặc những ngôn từ của miền Trung như chi lạ rứa, bởi vì răng, bên ni bờ, đau chi mô, hiểu chi mô (…).

“Những vần lục bát là thế mạnh trong thơ Nguyễn Thị Hoàng với những câu thơ rất da diết nhưng cũng rất tự nhiên như văn viết:

Em mười sáu tuổi tơ măng
Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu
Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua
Ðường về không nhịp trùng lai
Chúa ơi con sợ… ngày mai một mình

Nhìn lên thành phố không đèn
Âm u còn một màn đêm cuối cùng
Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng
Mình xa nhau đến muôn trùng thời gian

Lênh đênh tiếng hát kinh cầu
Ăn năn cổ thụ cúi đầu ngẩn ngơ
Trên cao tháp cũ nhà thờ
Hồi chuông tưởng niệm bây giờ còn vang

“Lối gieo vần trong thơ 8 chữ cũng là một thể nghiệm mới lạ của nhà thơ nữ:

Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật

Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay

“Và cuối cùng là những vần thơ 5 chữ trong bài Lời Rêu:

Uống cùng nhau một giọt,
Ðắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc,
Riêng môi đời phai phôi.

Say giùm nhau một giọt!
Chút nồng thơm cuối đời.
Vướng giùm nhau sợi tóc,
Ràng buộc trời sinh đôi. (…)

Và người thứ ai, theo tôi, là nhà văn Trần Áng Sơn. Trong bài viết nhan đề “Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng-Người đàn bà đẹp,” họ Trần kể, vào thời điểm tháng 4, 2002, khi ông viết bài đó, trong tay ông “…không có 1 tác phẩm nào, như một tài liệu, để gọi nói có sách, mách có chứng. Nhưng, vì quá yêu ngòi bút của bà, khởi đi từ chi tiết rất xa xăm – bài thơ Lạ Rứa! – do 1 người bạn ở Huế chép tặng 1957- tôi thực hiện cuộc trở về trong sương mù, viết bằng ký ức, cảm xúc. Cũng rất có thể, tôi bị lạc lối, nhưng tấm lòng dành cho bài thơ Lạ Rứa! vẫn như xưa…” (2)

Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Chi Lạ Rứa” của Nguyễn Thị Hoàng, trong ký ức của nhà văn Trần Áng Sơn:

“Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

“Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

“Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

“Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

“Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

“Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Ðọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.”
Nguyễn Thị Hoàng (3)

Tuy chỉ với vài bài thơ do hai tác giả Nguyễn Ngọc Chính và Trần Áng Sơn ghi lại, nhưng cũng đã có một số người tự hỏi, nếu không xẩy ra cuộc tình nhiều tai tiếng giữa tác giả Nguyễn Thị Hoàng và câu học trò tên Mai Tiến Thành và (vẫn nếu), họ Hoàng không viết lại thành truyện thì không biết hôm nay, người đọc sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng thi sĩ hay, Nguyễn Thị Hoàng văn sĩ? Nhất là khi bà từng nhấn mạnh, với bà, trước sau, căn bản vẫn là thi ca?

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(1) Nđd. Về nhan đề của tập thơ thứ hai, theo tư liệu của nhà văn Nguyễn Ngọc Chính thì lại có tên là “Sau Phút Ðam Mê.”

(2) , (3) Nđd.

…………………………..

Kiếp tằm và con ngựa
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, January 29, 2014  

Quỳnh Giao

Trung Hoa là nơi đầu tiên có bí quyết trồng dâu nuôi tằm để kéo thành tơ. Họ tìm ra nghệ thuật ấy từ hơn bốn ngàn năm trước, nhưng giữ bí mật trong hai mươi thế kỷ cho tới khi bị tiết lộ qua Tây Vực vào đời nhà Hán, rồi mở ra Con Ðường Tơ Lụa nổi tiếng trong lịch sử. Ngày nay thì cả thế giới đều ưa thích tơ lụa và các cô gái thì được nghe truyện Hoàng Hậu Luy Tổ.

Là vợ của Hiên Viên Hoàng Ðế vào đời thái cổ hoang đường, bà Luy Tổ đang uống trà thì có cái kén rơi vào tách nước nóng. Lấy móng tay kéo ra thì bà được sợi tơ óng mịn, nhờ vậy mà phát minh ra nghề tằm tơ. Truyền thuyết ấy của Trung Hoa một lúc nói về hai khám phá rất đẹp của nhân loại là tơ và trà.

Chờ đón Xuân Giáp Ngọ, người viết lại xin kể một truyện cổ tích về con ngựa, có khi giải thích vì sao người ta giữ bí mật về con tằm qua sự tích bà Luy Tổ.

Trung Hoa là xứ hay gặp chiến tranh nên truyện này có thể ứng vào nhiều đời vua khác nhau. Vì nạn binh đao, có người phải tòng quân và được gửi ra chiến trường. Ở nhà chỉ còn bà vợ, cô con gái và một con ngựa quý, được cô gái chăm sóc từ khi còn bé. Vắng bóng cha, nàng chỉ nghe thấy tin dữ ngoài biên ải và hàng ngày tâm sự với con ngựa về nỗi lo lắng của mình.

Một hôm đó, nàng ứa lệ thủ thỉ với con vật chung thủy. Ngựa ơi, phải chi mi biết tìm ra biên thùy mà đón cha về. Lạy trời, ai mà cứu được cha thì ta nguyện suốt đời làm vợ.

Chuyện không ngờ là con ngựa lại lồng lên hý vang trời, bứt phá cổng trại và phi như bay vào cõi bạt ngàn. Ðợi mãi chẳng thấy ngựa về, cô gái đành kể cho gia đình truyện mất ngựa nhưng giấu kín lời nguyện của mình.

Nàng không ngờ là nhiều ngày sau đó con ngựa đã tìm ra biên ải và nửa đêm vượt rào bay vào trại lính, nơi người cha đang đóng quân. Thấy con ngựa quý, ông đoán là ở nhà có chuyện dữ nên lặng lẽ đóng cương trốn khỏi trại. Khi về đến nhà thì thấy mọi người vẫn bình an và gia đình mừng ngày đoàn viên. Con ngựa được thưởng công ngàn dặm tìm chủ bằng cỏ non và thóc quý.

Nhưng lạ thay. Nó không ăn gì cả, cứ nằm im trong chuồng, đôi tai đôi mắt thì hướng ra ngoài. Ở bên ngoài, qua một sân trại, cô gái cũng lầm lì trong phòng kín tránh đi ra ngoài. Vài ngày sau, cả người và vật đều như mắc bệnh.

Người cha buồn lòng về tình trạng của con ngựa và thấy nó chỉ thoáng nét tinh anh khi có tiếng cô gái văng vẳng ở nhà trên. Hỏi gặng thì cũng chẳng hiểu tại sao vì ban đầu cô con gái vẫn tránh nói thật.

Mãi rồi nàng mới kể, rằng con đã nguyện lấy bất ai có thể đón cha về!

Giận dữ về sự vô tâm của con gái khi thề thốt như vậy với một con ngựa, ông cũng thấy cảm động về nỗi lòng của con. Ông thương con ngựa đã quyến luyến cô tiểu chủ từ bé và còn thông minh vượt qua ngàn dặm để tìm ra mình. Nhưng làm sao có thể gả con gái cho ngựa?

Sau nhiều ngày phân vân về tình trạng éo le này, ông cầm gươm bước vào tàu ngựa nhìn con vật gầy gò nằm bẹp dưới đất, và lấy một quyết định đau lòng. Ðến lúc cuối, con vật phì phò ngước mắt nhìn ra cánh cổng xưa kia vẫn có cô gái thắt bím bước vào thủ thỉ.

Người cha giữ lại bộ da ngựa làm kỷ niệm về con vật chung thủy và chôn xác ở một gò hoang nơi góc vườn. Cô gái thì mừng rỡ và sáng hôm sau bước ra ngoài chào đón ánh nắng mặt trời.

Chuyện không ngờ là khi nàng đến góc vườn thì có cơn gió nổi lên từ gò hoang, thành con lốc xoay tròn quanh cô gái. Nàng bị bốc khỏi mặt đất và thất thanh gọi cha. Người cha chạy ra thì chỉ thấy con gái cuộn trong gió lốc bay về cõi xa. Ông rượt theo bóng con mất nhiều ngày cho đến khi tới một ruộng dâu.

Nơi đó chỉ có một con tằm màu trắng nõn như màu áo của cô gái.

Người cha đem tằm về nhà, cùng bà vợ nuôi nấng chiều chuộng như con gái. Từ đấy, họ có những sợi tơ vàng óng mịn mà. Và xứ Trung Hoa có một báu vật nổi danh trên thế giới. Không còn mấy ai nhắc đến con ngựa. Nhưng phải chăng, cô gái vẫn nhả tơ theo đúng lời nguyền năm xưa?

Trong các truyện tích về kiếp tằm nhả tơ, có lẽ truyện này còn lãng mạn mà oan nghiệt hơn nhiều bi kịch Hy Lạp. Và chắc chắn là có ý nghĩa hơn truyện bà Luy Tổ.

…………………………………………

Ai còn ‘ghiền’ chiếc võng bố?
Nguồn:nguoiviet.com-Thursday, February 27, 2014

K’Sim
 
Trước những năm 2000, ở quê tôi nhà nào ít nhất cũng có một chiếc võng bện bằng dây bố. Bố rất dễ trồng, chỉ cần gieo ít hạt ở một góc vườn gặp mưa xuống là bố nảy mầm rồi lớn nhanh như thổi.

Bố cao tới 3 mét mới gọi là già, người ta chặt cả cây bỏ một đoạn phần ngọn đem ngâm dưới đìa vài ba đêm để vỏ bố tách khỏi thân cho dễ lột. Vỏ bố được thắt lại từng chít, căng cây sào vắt lên phơi, đến khi thật khô thì đem chẻ thành sợi nhỏ như những cái tăm nhang dài nhằng, bấy giờ mới đánh săn hàng chục sợi lại với nhau thành ‘nuộc’ (dây) võng.

 

Dây bố dùng để đan võng

Bà nội tôi có nghề bện võng từ hồi tôi còn nhỏ xíu, gọi là nghề nhưng chỉ làm tranh thủ buổi trời mưa, lúc nông nhàn hoặc những đêm trăng khó ngủ và có sự giúp sức tích cực của mẹ tôi. Ấy vậy mà bà bảo cũng đủ đồng mắm, đồng muối, thậm trí về những tháng giáp hạt còn chạy đủ gạo nuôi 7 miệng ăn cả con lẫn cháu.

Bện võng bố tưởng chừng như đơn giản, song nó đòi hỏi ở mức độ khéo tay và khá dày công sáng tạo chứ không phải ai cũng làm được. Gần như hàng trăm sợi nuộc to, nhỏ đều phải mịn màng không xù lông, không tụt mối. Nút thắt của từng mắt võng phải thật khéo léo không xộc xệch, đặc biệt 100 cái mắt phải đều cả trăm thì khi giăng lên võng mới cân đối.

Võng của bà chuyên bán cho mối đến tận nhà mua. Nghe nói họ đem xuống tận Sài gòn và miền Tây Nam bộ bán cho dân nhà giàu lãi nhiều chứ không tiêu thụ ở các chợ trong tỉnh. Nội làm cho tôi cái võng vừa vặn với cái tuổi lên 9 lúc bấy giờ. Nuộc võng thoạt nhìn rất mảnh mai, nhưng từng sợi nuộc săn chắc, ấy vậy mà nằm rất êm chứ không phải đau mình như tôi thoạt tưởng. Nội bảo, võng này nằm có đến 7 năm, qủa tình khi tôi bỏ võng bởi đã vừa chật, vừa ngắn rồi thì hai đứa em kế mỗi đứa cũng nằm đủ 2 năm võng mới rách đáy, chứ dây hai bên thân của võng vẫn còn nguyên.

 

Đan võng. Hình minh hoạ. Nguồn: hoianworldheritage.org.com

Nội tôi mất, mẹ tôi tiếp tục nối nghề, có điều sau này không còn mối đến đặt hàng nữa vì người thành phố đã có võng dây dù, võng vải nhẹ nhàng, gọn ghẽ hơn. Nhưng mỗi tháng mẹ tôi cũng bện được 3-4 cái bán cho người trong xóm, ngoài làng, thậm trí không ít ông già, bà cả từ xã khác sang mua.

Năm chị em tôi ai cũng thuộc diện ‘dân ghiền võng’, mẹ bện cho mỗi người một cái tuỳ vào sức vóc mỗi người, hễ làm thì thôi chứ rảnh cái là tụi tôi nhảy ngay lên võng đưa vắt vẻo.

Tuổi thơ chúng tôi gắn với cái võng tưởng như không thể tách rời. Võng cùng chúng tôi học bài, ru chúng tôi ngủ giữa trưa hè, góp phần xua đuổi muỗi lúc đêm khuya. Võng còn theo chúng tôi xuống hầm trú ẩn để tránh những trận đổ bom, vãi đạn. Còn một điều thiêng liêng hơn cả là những chiếc võng bố ấy do chính bàn tay, mồ hôi, công sức của nội, của mẹ tôi tạo ra ngay từ khi nó còn là những hột bố nhỏ xíu…

Đã có một thời người ta quên dùng võng bố bởi họ chê nó thô kệch, thế nhưng mới đây đến một khu du lịch sinh thái nọ tôi thấy những ông Tây, bà Đầm thích vắt vẻo trên chiếc võng bố hơn là ngồi trên ghế, trên đu hay trên võng bằng dây ny lon…

 

Du khách nước ngoài thích nằm võng hơn ngồi ghế. Hình minh hoạ. Nguồn: danong.com

Dĩ nhiên là võng ở đây có cải cách theo thời, mảnh mai hơn, nhỏ gọn hơn. Có ông, có bà người ngoại quốc còn vạch từng sợi nuộc ra để khám phá nguyên liệu làm võng, song chắc hẳn họ không thể biết đích xác đó là loại cây gì bởi bên nước họ chưa chắc đã có cây bố.

Cô con gái của chị bạn tôi ở Sài Gòn kể với tôi rằng ông bà nội cô hiện đang định cư bên Mỹ, cứ đều đặn hai năm một lần cô phải gởi 2 cái võng bố qua. Cô còn quả quyết rằng việc con cháu ở quê gởi võng ra nước ngoài là chuyện thường tình. Một anh bạn đồng niên với tôi đi Pháp về cũng khẳng định võng bố bên Pháp có nhiều trong những gia đình Việt kiều.

Chuyện ấy cũng chẳng có gì là lạ, bởi tiếng kẽo kẹt của chiếc võng cổ truyền nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Vì lẽ đó mà có đi xa đến mấy được nghe tiếng võng cũng phần nào an ủi họ bớt nhớ quê hương nơi họ đã chôn nhau, cắt rốn.

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics