1.'TQ bên bờ một sai lầm lớn'(BBC)-2.'..Cơ hội thoát khỏi TQ'(NV)3.Tình báo TQ giật dây cướp phá trong cuộc biểu tình tại VN(RFI)

‘Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?’

Quốc Phương

Nguồn:BBC-Ban Việt ngữ- thứ bảy, 24 tháng 5, 2014

ben bo 1.jpg1

Sai lầm này có thể xảy ra với Trung Quốc, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực lần bị đẩy tới thế ‘bắt tay nhau’ trong một dạng thức ‘liên minh mới’ được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đối lại Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Rennes II của Pháp, nói:

“Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc,

“Các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ”

GS Jean-Francois Huchet

“Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai.”
‘Trung Quốc đã khôn ngoan?’

Trước câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán ‘khôn ngoan’ hay không, nếu Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn bị Trung Quốc gây áp lực về chủ quyền biển đảo, tìm cách tiếp cận gần hơn nữa với Hoa Kỳ và xoay hẳn lưng lại với Trung Quốc, GS Huchet nói:

“Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ,

“Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây,
Lãnh đạo Việt Nam, Philippines

ben bo 2.jpg1

Vụ giàn khoan HD-981 của TQ đã đẩy Việt Nam và Philippines ‘xích lại’ nhau.

“Tổng thống Obama đã nói Hoa Kỳ muốn trở lại ở khu vực và Hoa Kỳ cũng đã đang có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở châu Á, tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật,

“Do đó Hoa Kỳ đưa quần đảo này vào vùng ảnh hưởng của mình, do vậy, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới,

“Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ,

“Mà liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ,

ben bo 3

“Đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này”

GS. Jean-Francois Huchet

“Hiện tại Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều hơn một liên minh với Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay, do đó, ở chung quanh Trung Quốc, có thể ngoại trừ Pakistan, Kazakhstan hoặc Bắc Hàn – quốc gia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc,

“Nhưng chúng ta thấy một dạng liên minh để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa.”
‘Nếu VN kiện đòi Hoàng Sa?’

Trước câu hỏi liệu động thái giàn khoan HD-981 có thể khơi mào một tình huống bất lợi hơn cho Trung Quốc, khi Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm ‘im lặng’, nay có thể vừa kiện Trung Quốc ra quốc tế về vụ giàn khoan, vừa kiện đòi Trung Quốc rút toàn bộ các lực lượng khỏi các đảo đã cưỡng chiếm trên Hoàng Sa từ năm 1974 và trả lại chủ quyền cho Việt Nam, nhà nghiên cứu nói:

“Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng,

“Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này,
Trung Quốc và Nga

ben bo 4.jpg1

Nga và Trung Quốc ‘xích lại’ gần nhau, trong lúc dàn khoan HD-981 vẫn đang còn ở Hoàng Sa.

“Vì các quốc gia láng giềng, trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc, đã đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó.”

Trước câu hỏi tính toán gì đang thực sự diễn ra sau các động thái mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc và bộ tham mưu của ông, đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng lên khu vực biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây, Giáo sư Huchet nói:

“Trước đây, nội bộ của Trung Quốc có thể có tình huống một cánh quân sự nào đó trong Ban lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ và lấn lướt hơn bằng các động thái quân sự, so với cánh khác thiên hơn về ngoại giao,

“Nhưng qua những gì quan sát được, có thể đoán rằng các động thái đối ngoại và hướng ngoại cứng rắn vừa rồi của Trung Quốc, cho thấy các cánh quân sự, thiên về sức mạnh, đã không thể nào hành động mà không có sự nhất trí của ông Tập Cận Bình,

“Và tôi nghĩ đằng sau tất cả các động thái gần đây, từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông, rõ ràng đây là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Hoa Kỳ,

“Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn”

GS. Jean-Francois Huchet

“Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, lấn lướt xa hơn, và họ sẽ có nhiều các hành động khác,

“Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai.”
‘Không thể trông đợi EU’

Được hỏi về việc liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thể có vai trò nào đáng kể hay không cho Việt Nam trong trường hợp Hà Nội muốn đương đầu với Bắc Kinh trong tranh chấp về chủ quyền quốc gia, biển đảo và kiện Bắc Kinh ra quốc tế về vụ giàn khoan, nhà nghiên cứu từ châu Âu nói:

“Tôi có thể thẳng thắn nói rằng chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ sự hậu thuẫn đáng kể nào của EU; ở khu vực này của thế giới, EU có một ảnh hưởng rất yếu, họ còn đang quá bận rộn với nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan Ukraine,

“Tôi không nghĩ Liên minh Châu Âu sẽ có bất cứ một hành động nào ở khu vực này và thực tế EU không có thực lực hay sức mạnh quân sự để làm điều đó, cường quốc duy nhất có thể làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa ở khu vực là Hoa Kỳ, chứ không phải là EU.”
Hải quân Trung Quốc

ben bo 5.jpg1

TQ thay đổi từ một ‘đối tác đầu tư’ sang một ‘thế lực tham vọng’ về quân sự ở khu vực.

Theo ông Huchet, ngoại trừ một vài tuyên bố mang tính chính trị, quốc tế có thể không nên kỳ vọng thêm ‘bất cứ điều gì to tát’ từ EU tại khu vực Biển Đông, tuy nhiên, một lần nữa, theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc hiện nay nên thận trọng để tránh sai lầm.

Ông Huchet nói: “Trung Quốc đang thay đổi cách chơi, trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế,

“Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hưởng và áp lực về an ninh, quân sự,

“Đây là điểm mà theo tôi, Trung Quốc phải hết sức thận trọng, nếu như họ không muốn phạm phải một sai lầm lớn tạo ra một liên minh chống đối Trung Quốc trong khu vực, cộng thêm với đối thủ lâu nay của họ là Hoa Kỳ,” ông Huchet nói với BBC.
‘Tạm rút nhưng sẽ quay lại?’

Giới quan sát hiện đang tiếp tục theo dõi và dự đoán các động thái, kịch bản xử lý cuộc xung đột xung quanh vụ giàn khoan HD-981 giữa Trung Quốc và Việt Nam.

ben bo 6

“Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu”

GS Carl Thayer

Hôm thứ Bảy, 24/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu từ Học viện Quốc phòng Úc được tờ báo mạng VnExpress.net của Việt Nam trích dẫn lời, nêu nhận định:

“Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển… Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang.”

Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ trở lại và sau khi tạm rút, sẽ vẫn có những động thái bảo vệ ảnh hưởng tại khu vực.

“Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu,” GS. Thayer được dẫn lời nói thêm.

“Dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của thành phố Tam Sa.”

Theo nhà quan sát này, trước viễn cảnh đó, Việt Nam tiếp tục cần cân nhắc những biện pháp, trong đó các bước đi, động thái cả về pháp lý lẫn ngoại giao.

“Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc…

“Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực,” ông Thayer nói với tờ báo mạng của Việt Nam.

………………………………………………………

‘Giàn khoan 981 là cơ hội để thoát khỏi Trung Cộng’
Nguồn:nguoiviet.com-Saturday, May 24, 2014

Phỏng vấn Giám Mục Nguyễn Thái Hợp

Hà Giang/Người Việt

co hoi 1

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp trong cuộc phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 23 Tháng Năm, 2014. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

LTS – Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu Haiyang 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Ðông khiến người Việt ở khắp nơi ưu tư về chủ quyền đất nước. Ðức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, chủ nhiệm câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, và là chủ biên cuốn“Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông,” chia xẻ nhận định của ông về tình hình Việt Nam, qua cuộc phỏng vấn với phóng viên Hà Giang, tại tòa soạn nhật báo Người Việt chiều 23 Tháng Năm.

Hà Giang (NV): Kính chào Ðức Giám Mục, xin ông vui lòng giới thiệu mục đích và những sinh hoạt tiêu biểu của câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Câu lạc bộ của chúng tôi là một câu lạc bộ nhỏ, quy tụ một số anh em trí thức công giáo, để hoạt động về vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục những gì liên quan đến cuộc sống của đất nước hôm nay. Qua những năm dài hoạt động, chúng tôi có tương giao rất nhiều với giới trí thức bên ngoài cũng như Công Giáo. Chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng, được gọi là “nhạy cảm” ở Việt Nam, chẳng hạn vấn đề Biển Ðông, là vấn đề mà chúng tôi đề cập qua hai cuộc tọa đàm, và hiện giờ cũng đang chuẩn bị có một cuốn sách khác về Biển Ðông.

NV: Giám Mục có thể nói qua về nội dung cuốn sách “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông?”

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” là cuốn sách thứ hai chúng tôi nghiên cứu về vấn đề Biển Ðông. Cuốn sách này quy tụ một số tác giả trong và ngoài câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, một số người là người công giáo, một vài người là đảng viên cộng sản, chẳng hạn như Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, rồi có Thạc Sĩ Hoàng Việt hiện thời là giảng viên tại đại học luật và nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân. Sở dĩ cuốn sách mang tựa đề “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” là vì “Công Lý và Hòa Bình” là danh hiệu của một ủy ban trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, mà tôi hân hạnh là chủ nhiệm đầu tiên của ủy ban đó. Sách là tập hợp của nhiều nghiên cứu với mục đích đòi công lý cho Biển Ðông bằng giải pháp hòa bình, có nhiều lãnh vực từ lịch sử đến địa lý đến pháp lý quốc tế.

NV: Theo giám mục, tại sao Trung Quốc lại mang giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này, và họ làm thế vì có âm mưu gì?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Theo tôi nghĩ thì Trung Quốc đã dự đính từ lâu, và chọn một thời điểm rất thích hợp để kéo giàn khoan vào đó. Bởi vì theo biến cố Ukraine, khi mà Âu Châu đang phải đối phó với Nga, và khi mà Nga cũng phải dựa vào Trung Cộng để có thể có một vị thế tương đối khá trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và khi mà Mỹ cũng đang vướng ở Ukraine, và Mỹ cũng ở một giai đoạn nợ nần khắp nơi, và chính sách ngoại giao đang trong tình trạng bị suy giảm, hơn nữa ở trong nước thì Việt Nam đang mừng lễ 60 năm chiến thắng Ðiện Biên (Phủ) rồi mừng ngày 30 Tháng Tư, thì chính lúc đó là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc kéo giàn khoan đến vào trong lãnh hải Việt Nam. Và tại sao kéo một giàn khoan mà không đưa một tàu chiến đến? Ðưa một tàu chiến đến thì nó mang tính cách tấn công một cách lộ liễu. Còn nếu giàn khoan mà đóng ở đó thì cũng là sự hiện diện của Trung Quốc ở đó rồi, thành thử ra người ta vẫn nói là người Tàu rất thâm, trong vấn đề này ta thấy người Tàu đã chuẩn bị để thực hiện kế hoạch đại Hán của họ từng bước nhỏ theo chiến thuật “tằm ăn dâu.”

NV: Rất nhiều người Việt ở hải ngoại, và ở trong nước nữa, ngạc nhiên với phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội trước việc Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chẳng hạn như là việc cho người dân đi biểu tình, ngay cả để cho tình trạng bạo loạn xảy ra, và những lời phản đối rất gay gắt. Theo giám mục thì đây có là một sự kiện đánh dấu một thay đổi nào đó?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Có rất nhiều điều mà người ta vẫn suy nghĩ và tỏ thái độ không bằng lòng hay là phản kháng về chính sách của nhà cầm quyền đối với Biển Ðông. Có lẽ từ trước đến nay giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc vẫn kết nghĩa như là anh em và quá tin ở “4 tốt và 16 chữ vàng.” Chính vì vậy vẫn tin tưởng nơi “người anh” láng giềng phương Bắc, nhưng mà bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột, vụ giàn khoan này mới giúp nhà cầm quyền nhận rõ hơn đâu là cái thực tâm, đâu là cái tham vọng của Trung Quốc để thực hiện chương trình đại Hán của họ. Và người ta cũng bất mãn về vấn đề là trước nay khi mà có biểu tình về Biển Ðông thì những người yêu nước đó bị đàn áp dã man, mà lại quá hòa hoãn với Trung Quốc. Bây giờ trong một vài lần thì lại cho phép biểu tình, nhưng mà sau đó lại cấm. Chính sách đó vẫn chưa tìm thấy cái nhất quán. Hy vọng rằng với lời tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về thái độ cương quyết đối với Trung Quốc, đó là một bước đặc biệt để Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc chăng.

co hoi 2

Sách “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” do câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2013. (Hình: Nhân Phạm/Người Việt)

NV: Trước nhiều đe dọa của chính quyền cũng như báo chí Trung Quốc hô hào phải đánh Việt Nam, phải dạy cho Việt Nam một bài học, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam vẫn cương quyết bằng mọi cách bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, suy diễn theo kiểu bình dân thì là muốn đánh thì cứ đánh đi, chúng tôi cũng chẳng sợ. Giám mục nhận định gì về câu nói này?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Trước nay thì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một số phát biểu về Biển Ðông mà một số người rất đắc ý. Chính chúng tôi cũng đã trích dẫn hai ba lần những lời phát biểu khác nhau về Biển Ðông của ông. Nhưng rồi sau đó lại thấy là hành động trên thực tế đi ngược với những lời phát biểu đó. Tôi hy vọng và tôi ước mong rằng nhân vụ giàn khoan này thì những lời phát biểu của ông, mà được rất nhiều người tán đồng, sẽ trở thành một định hướng để hành động, và ước mong rằng chính phủ của Việt Nam sẽ có những kế hoạch để thực hiện những lời phát biểu đó. Nếu được như vậy cũng là điều may cho dân tộc.

NV: Tuy nhiên, thưa giám mục, ông Nguyễn Tấn Dũng là người duy nhất có những lời phát biểu rất mạnh mẽ về quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, còn những người còn lại trong bộ chính trị, chẳng hạn như ông Nguyễn Phú Trọng thì nhất định không nói gì cả. Ðiều đó cho chúng ta thấy gì?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Tiền nhân ta vẫn có câu “nhất ừ, nhì làm thinh,” thì làm thinh cũng có một ý nghĩa nào đó. Cái làm thinh này trong một giai đoạn rất là quan trọng của đất nước, phải chăng đó cũng là một dấu chỉ có sự khác biệt về quan điểm, có sự bất đồng ý kiến, và bất đồng ý kiến về những vấn đề rất quan trọng, là vấn đề sống còn của đất nước, tôi cũng thấy một số người nói như vậy.

NV: Sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam được đánh giá khác nhau. Có người thì lo rằng mất nước đến nơi rồi, người khác lại cho rằng đây là một biến cố có lợi cho Việt Nam, trước tiên là đốt tan 16 chữ vàng, và nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì dư luận quốc tế với Trung Quốc rất bất lợi, giám mục nghĩ sao?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Tích cực hay tiêu cực thì cũng do cái nhìn, cũng do bối cảnh. Tôi không phải là một thầy bói, mà cũng không phải là một nhà tiên tri. Tôi chỉ thấy rằng giàn khoan 981 là một cái tát tai vào dân tộc Việt Nam. Ðó là một sự kiện rất đau thương, nhưng mà rất có thể đó cũng là một điểm đặc biệt tạo ra cái đổi mới, cái khởi đầu nào đó cho Việt Nam. Nhiều người hy vọng rằng, biết đâu nhờ biến cố đặc biệt đó mà Việt Nam lấy lại cái thế chủ quyền độc lập của mình, thoát khỏi vòng tay Trung Cộng.

NV: Cảm ơn Giám Mục đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

…………………………..

Nguồn:RFI-Thứ tư 21 Tháng Năm 2014

Tình báo Trung Quốc giật dây các vụ cướp phá nhân biểu tình tại Việt Nam ?

giat day

Người biểu tình Việt Nam đập phá contener của hãng Đài Loan Asama. Ảnh ngày 16/05/2014.
REUTERS/Stringer

Trọng Nghĩa

Bên lề các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam trung tuần tháng Năm vừa qua, đã có những vụ phá phách, đốt phá, hôi của, hành hung, như ở Binh Dương hay Hà Tĩnh, nhắm vào các cơ sở không chỉ của Trung Quốc mà cả của Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia. Dụng tâm cố ý làm hoen ố hình ảnh của phong trào chống Trung Quốc xâm lược, cũng như tính chất có tổ chức của những kẻ gây rối đã đặt ra câu hỏi : Ai đứng phía sau các thành phần côn đồ đó ?

Một câu trả lời : Đó là tình báo Trung Quốc tại Việt Nam. Có lập luận cho rằng bên kích động phá phách là một phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn gây rối loạn để thừa nước đục thả câu. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ) đã bác bỏ giả thuyết này để cho rằng kẻ được lợi từ tình hình rối loạn nẩy sinh nhân các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam chính là Bắc Kinh, và giả thuyết tình báo Trung Quốc can dự vào các chuyện tồi tệ đó rất có lý.Phân tích của nhà báo Ngô Nhân Dụng.

“Tại Việt Nam, ngoài những người trong đảng Công sản Việt Nam, ai có khả năng điều khiển được một số công an, một số đầu gấu ? Nhìn đi nhìn lại, chúng ta thấy chỉ còn một giả thuyết : Đó là những nhân vật thuộc giới tình báo Trung Quốc.

Tình báo Trung Quốc đã nằm từ lâu trong các cơ cấu của Việt Nam

Họ đã làm việc ở Việt Nam từ mấy chục năm nay, từ nửa thế kỷ nay, đã xâm nhập khắp nơi, họ có thể đã thâm nhập luôn cả trong các ngành như công an, tuyên truyền, quân đội, là những ngành nắm vững chế độ và củng cố chế độ.

Rất có thể, đây là một giả thuyết mà thôi, là có những cán bộ tình báo Trung Quốc muốn gây ra cuộc rối loạn đó.

Giả thuyết như vậy cũng rất khó tin, giống như là chúng ta đang làm một cái công việc điều tra trong chuyện trinh thám, thấy một điều bí ẩn và đi tìm nguyên nhân. Thí dụ như có một vụ ám sát, thì hỏi là ai có thể là thủ phạm ? Có thể sẽ có rất nhiều người tình nghi là thủ phạm, thì chúng ta thường theo cái lối đặt câu hỏi là trong vụ ám sát, nếu nạn nhân chết đi thì ai được lợi và ai bị hại ?

Bạo loạn chỉ có lợi cho Trung Quốc

Nếu nói rằng những người trong chính quyền Việt Nam hay là trong đảng Cộng sản Việt Nam muốn gây lên các vụ bạo loạn đó, thì chúng ta thấy là họ sẽ làm hại cho chính họ nhiều hơn là được lợi. Còn khi mà nói đến giới tình báo Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, thì chúng ta thấy rằng những điều họ làm chỉ có lợi cho chính quyền Trung Quốc, cho đảng Cộng Sản Trung Quốc mà thôi.

Họ biết là khi ngang nhiên mang giàn khoan dầu đến ngay vùng biển Việt Nam, thì thế nào người Việt Nam cũng phẫn nộ. Và ngay lập tức đã có những cuộc biểu tình ỏ Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Hạ giá cả dân tộc Việt Nam

Vậy thì đối với chính quyền Trung Quốc, nếu như cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành hổn loạn, giết người, thì họ không những hạ giá các người biểu tình, họ hạ giá cả dân tộc Việt Nam, cho thấy đó là đám dân vô kỷ luật, đi biểu tình, hôi của, giết người v.v…Và họ làm mất uy tín cả dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy không có hại gì cho Trung Quốc, và ngược lại còn có lợi cho họ, tức là khi người Việt Nam phản đối Trung Quốc đến chiếm biển của mình và làm những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, thì cả thế giới sẽ nhìn vào, nói : « Ô, cái bọn Việt Nam là bọn vô kỷ luật, vô chính phủ ! »

Tôi thấy nếu Trung Quốc đứng đằng sau giựt dây những vụ đầu gấu đi phá hoại, đốt nhà thì điều đó có lợi cho họ thật.

Đó là chúng ta suy luận, cái này có lợi cho Trung Quốc. Còn chuyện quả quyết đây là do chính Trung Quốc tổ chức, thì phải chờ có nhiều bằng cớ hơn.

Gây hại lâu dài cho Việt Nam về mặt kinh tế

Các vụ biểu tình bạo loạn không những đốt phá nhà máy Trung Quốc mà cả nhà máy của Hàn Quốc, Nhật Bản v.v… Cái đó sẽ tai hại cho cả nền kinh tế Việt Nam, vì giới đầu tư quốc tế từ Đài Loan đến Singapore, đều phản đối và chắc chắn họ sẽ phải ngưng không đầu tư vào Việt Nam nữa (nếu bạo loan tiếp diễn).

Trong thời gian từ lúc Trung Quốc mang giàn khoan đến biển của Việt Nam, thị trường chứng khoán xuống, giá vàng lên, trị giá đồng bạc xuống so với đô la Mỹ. Tất cả những điều đó hại cho kinh tế Việt Nam, nhưng tai hại sẽ kéo dài và nặng nề nếu giới đầu tư quốc tế không mang tiền vào Việt Nam, các nhà máy đang hoạt động sẽ ngưng hoạt động một thời gian, sẽ có hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam thất nghiệp, có nghĩa là gây tai hại kinh tế cho nước Việt Nam, không những trong một thời gian ngắn, mà cả trong lâu dài.

Vậy hành động đi đốt phá để gây ra tình trạng đó nó có hại cho Trung Quốc hay không ? Không ! Có hại cho Việt Nam hay không ? Chắc chắn là có ! Có hại cho cả chính những vị đang cầm quyền ở Việt Nam bởi vì họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Tóm lại, giữa một bên là phe phái chống nhau trong đảng Cộng sản Việt Nam, bên kia là tình báo ngoại quốc, gây ra cuộc biểu tình bạo loạn, thì chúng ta thấy rằng có lẽ thủ phạm là tình báo ngoại quốc, và ở Việt Nam bây giờ, chỉ có tình báo Trung Quốc mới có khả năng xâm nhập để sách động, gây ra những cuộc bạo loạn đó.

Đó là những lý do nêu lên mối nghi ngờ là những vụ bạo loan từ Bình Dương, Đồng Nai đến Hà Tĩnh có thể có bàn tay của tình báo Trung Quốc nhúng vào.

Có thể họ gây thiệt hại cho một số người Trung Quốc : một số người bị giết, một số cơ sở bị phá, nhưng đó là những hy sinh mà người dân thường Trung Quốc phải chịu, còn giới lãnh đạo Trung Quốc – nhắm vào những mục tiêu xa hơn, rộng lớn hơn – họ sẵn sàng hy sinh đám thường dân vô tội đó.

Chi tiết đáng ngờ : Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) ở Việt Nam đã được biết trước về các sự cố sẽ xẩy ra.

Hoa Vi có cơ sở trên khắp thế giới. Tháng Ba năm nay, họ đã gởi thông tư cho các nhân viên làm việc ở Việt Nam, nói chuẩn bị rút về nước bởi vì tình hình không được yên. Điều gây ngạc nhiên là tại sao công ty đó lại biết trước hai tháng trời là tình hình Việt Nam không yên !

Rất có thể là âm mưu đưa giàn khoan tới Việt Nam đã có từ mấy tháng, từ cả năm nay, và khi họ sắp sửa đưa giàn khoan đi, thì họ báo cho các công ty có làm ăn với Việt Nam biết, mà chỉ một số công ty lớn mà thôi, như Hoa Vi, để chuẩn bị di tản nhân viên, còn những công ty nhỏ ở Bình Dương, ở Hà Tĩnh…, đối với với họ không quan trọng.

Đấy cũng là một lý do khiến ta nghi ngờ rằng âm mưu gây ra bạo loạn ở Việt Nam có nằm trong chương trình đưa giàn khoan tới Việt Nam, hậu quả của bạo loạn ra sao, đều đã được tính trước.

……………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics