Nguồn; VOA
Thứ bảy, 08/03/2014
Báo động: Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị
Lê Anh Hùng
Tác giả chụp ảnh với một lão nông ở địa phương, người có hơn 8 sào đất thuộc diện sẽ bị thu hồi, hôm 4.2.2014, trên con đường đất đỏ dẫn xuống biển (khu đất dự án nằm ngay trước mặt chúng tôi; sau lưng chúng tôi, cách gần 1km, là Hải đội 202, Trong những năm…… qua, dư luận đã nhiều lần lên tiếng trước tình trạng người Trung Quốc, thông qua chiêu bài lập dự án kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau, đã chiếm lĩnh được những khu vực hiểm yếu về an ninh – quốc phòng trên cả nước trước sự “ưu ái” và “chủ quan” đến mức khó hiểu của những người có trách nhiệm.
Các dự án trồng rừng đầu nguồn ở một số tỉnh miền núi phía bắc của tập đoàn InnovGreen và việc tập đoàn Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng là những ví dụ điển hình.
Mới đây, trong lần ghé thăm Cửa Việt (Quảng Trị), chúng tôi lại nhận được một tin hết sức đáng lo ngại: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, trước đây thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm kể từ năm 2011) sắp được giao 96,1ha đất, kéo dài hơn 2km dọc theo bờ biển và chỉ cách cảng Cửa Việt chưa đầy 1km.
Cửa Việt nhìn từ cầu Cửa Việt.
Nhà văn Xuân Đức, một người con của tỉnh Quảng Trị, đã viết về Cửa Việt như sau:
Những năm đánh Mỹ, nếu Quảng Trị là cửa ngõ của cả hai thế lực tiêu biểu của loài người thì Cửa Việt chính là cuống họng của ống thực quản nuôi sống sức mạnh của kẻ xâm lược cho vành đai trắng nam giới tuyến để kháng cự với sức mạnh tổng lực của chúng ta từ Miền Bắc tràn vào. Lính thủy đánh bộ, vũ khí, thiết bị quân sự Mỹ vào cảng Cửa Việt, lên Đông Hà rồi theo con sông Hiếu để lên Cam Lộ, Khe Sanh… Cùng với các điểm chốt thiết yếu trên bờ từ biển lên rừng như cao điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, lên đồi 241, Phulo, Đầu Mầu, Động Tri, Tà Cơn v..v.. Con sông Cửa Việt (hoặc sông Hiếu) hợp thành một phòng tuyến mà McNamara coi là bất khả xâm phạm. Và vì thế, cuộc chiến đập tan phòng tuyến Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh (hàng rào điên tử McNamara) nói chung, cuộc chiến trên cảng Cửa Việt và sông Cửa Việt nói riêng đã trở thành quyết chiến điểm khốc liệt nhất có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cả chiến trường Miền Nam.
Như vậy, có thể nói Cửa Việt là một khu vực trọng yếu và hết sức nhạy cảm về an ninh – quốc phòng.
Khu đất dự kiến thu hồi cho Công ty C.P. Việt Nam nằm gọn trong vùng đất canh tác của làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Người dân ở đây cho chúng tôi biết, dự án này đã manh nha từ năm 2011. Chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã vài lần gặp gỡ với dân để trao đổi về dự án, lần gần nhất là vào ngày 12.1.2014.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cán bộ địa phương hầu như không “lấn cấn” gì với dự án.
Điều này là vì một số lý do. Thứ nhất, do họ nằm trong bộ máy nên luôn đề cao ý thức chấp hành những “chủ trương lớn” của đảng và nhà nước. Thứ hai, đất đai của họ chủ yếu cho người khác thuê mướn chứ họ hiếm khi trực tiếp canh tác nên việc bị thu hồi đất đối với họ không quan trọng. Thứ ba, có lẽ là quan trọng hơn cả, những mảnh đất công, bờ ruộng, lối đi… nằm rải rác trong khu đất dự án (không thuộc đất canh tác của các hộ dân) sẽ được họ tìm cách “phù phép” để chia nhau bỏ túi theo kiểu “sống chết mặc bay…”, một hiện tượng phổ biến khắp cả nước.
Với người dân thì họ đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thiết thân với mình: (i) sau khi bị thu hồi đất đai canh tác thì họ sẽ làm gì để mưu sinh? (ii) giá đền bù sẽ được áp như thế nào, liệu có tương xứng với giá trị đất đai canh tác của họ hay không, hay lại rẻ mạt như khắp các tỉnh thành khác? (iii) khi dự án đi vào hoạt động, nếu phần đất xung quanh khu vực dự án bị ô nhiễm (điều rất dễ xẩy ra, đặc biệt là những ao nuôi tôm nằm sát biển của bà con) khiến họ không tiếp tục canh tác hay nuôi trồng thuỷ sản được thì xử lý thế nào, ai là người phải chịu trách nhiệm.
Những người nông dân chất phác, thuần hậu ở đây không biết được đằng sau Công ty C.P. Việt Nam là Trung Quốc, và việc người Trung Quốc (mà gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Quảng Trị) kéo sang theo dự án rồi sinh cơ lập nghiệp, xâm chiếm không gian sống của họ là điều không khó đoán, qua những “dự án” mà người Trung Quốc thực hiện trên khắp cả nước thời gian qua. Họ lại càng không ý thức được những hệ luỵ tiềm tàng về an ninh – quốc phòng của một dự án do người Trung Quốc làm chủ ngay sát nách Cửa Việt như thế gây ra. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như đòi hỏi sự lên tiếng kịp thời của công luận.
Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển II, nơi chỉ cách dự án do Cty Trung Quốc làm chủ chưa đầy 1km về phía Nam
Tỉnh lộ 64 nối Cửa Việt với thị xã Quảng Trị, khu vực dự án nằm song song và chỉ cách con đường này hơn 100m
Bên phải là tỉnh lộ 64, cách bờ biển khoảng 1km, nối Cửa Việt với thị xã Quảng Trị; bên trái là đường đất đỏ dẫn xuống biển (đây là ranh giới phân chia đất canh tác của làng Phú Hội và làng Hà Tây, xã Triệu An).
Bên phải là tỉnh lộ 64, cách bờ biển khoảng 1km, nối Cửa Việt với thị xã Quảng Trị; bên trái là đường đất đỏ dẫn xuống biển (đây là ranh giới phân chia đất canh tác của làng Phú Hội và làng Hà Tây, xã Triệu An).
Đường đất đỏ chạy từ tỉnh lộ 64 thẳng xuống biển. Bên trái con đường là đất đai canh tác của làng Phú Hội, bên phải là của làng Hà Tây (dự kiến thu hồi để giao cho Cty C.P. Việt Nam). Khu đất dự án nằm song song với tỉnh lộ 64 (cách mép đường đỏ vài chục mét)
Đường đất đỏ chạy từ tỉnh lộ 64 thẳng xuống biển. Bên trái con đường là đất đai canh tác của làng Phú Hội, bên phải là của làng Hà Tây (dự kiến thu hồi để giao cho Cty C.P. Việt Nam). Khu đất dự án nằm song song với tỉnh lộ 64 (cách mép đường đỏ vài chục mét)
Một ao nuôi tôm nằm sát bờ biển của bà con làng Hà Tây
Liệu có nhất thiết phải thu hồi những thửa ruộng phì nhiêu ngay sát một khu vực trọng yếu và hết sức nhạy cảm về an ninh – quốc phòng như Cửa Việt cho một công ty của Trung Quốc hay không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ luỵ kinh tế – xã hội và đặc biệt là an ninh quốc phòng từ quyết định khó hiểu này?
Liệu có nhất thiết phải thu hồi những thửa ruộng phì nhiêu ngay sát một khu vực trọng yếu và hết sức nhạy cảm về an ninh – quốc phòng như Cửa Việt cho một công ty của Trung Quốc hay không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ luỵ kinh tế – xã hội và đặc biệt là an ninh quốc phòng từ quyết định khó hiểu này?
Dự án này rất có thể lại là “tác phẩm” do Phó Thủ tướng Tàu “phụ trách kinh tế” Hoàng Trung Hải “đạo diễn”, giống như việc ông ta đã “dâng” đến 90% các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia cho nhà thầu Trung Quốc, quê hương của ông ta, “dâng” phần lớn các mỏ khoáng sản của Việt Nam và ngành điện Việt Nam cho Trung Quốc, âm mưu “Hán hoá” nền kinh tế Việt Nam, hay mở đường cho người Trung Quốc chiếm lĩnh cả vùng g Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh)… Xin lưu ý là lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, kể cả lực lượng công an ở đây, phần lớn là tay chân thân tín của PTT Tàu Hoàng Trung Hải. Đó là lý do vì sao vợ chồng tác giả bài viết (Lê Anh Hùng – Lê Thị Phương Anh, những người đang tố cáo ngài PTT Tàu này về những tội ác khủng khiếp như gián điệp, buôn bán ma tuý và giết người suốt mấy năm nay) thường xuyên bị công an và côn đồ ở đây khủng bố, bắt cóc, cướp bóc, hành hung, triệt đường sống.
**Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Lê Anh Hùng là một blogger tự do trẻ trong nước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
………………………………………..
Kinh Tế Obamacare
Nguồn:vietbao.com-04/03/2014
Vũ Linh
..kể từ năm 2016, từ 6 đến 7 triệu người sẽ mất bảo hiểm tập thể do công ty cung cấp…
Trên cột báo này, chúng ta đã có dịp bàn rất sâu rộng về những hậu quả trên phương diện y tế của cuộc Cải Tổ Y Tế của TT Obama, được gọi nôm na là Obamacare. Cũng dễ hiểu vì quan trọng nhất trong cải tổ y tế là những hậu quả y tế. Nhưng trên thực tế cải tổ y tế này dĩ nhiên là sẽ có những ảnh hưởng vượt xa khỏi phạm vi y tế. Chẳng hạn như cột báo này đã bàn ít nhiều về tác động của Obamacare lên thị trường lao động qua việc các công ty sẽ sa thải hay thay đổi quy chế làm việc từ toàn thời qua bán thời để tránh khỏi phải chịu chi phí bảo hiểm y tế cho nhân viên.
Lý luận này không phải là lý luận kiểu bài bác khơi khơi cho có, mà là một lý luận cơ bản trong luật kinh tế thị trường. Nhưng dù sao thì cho đến nay vẫn chỉ là… lý luận, chưa được chứng minh bằng những con số thống kê thực tế hay nghiên cứu chi tiết.
Nhưng mới đây cơ quan CBO, tức là Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, một cơ quan chính thức không phe đảng của quốc hội Hoa kỳ, đã chính thức phổ biến nghiên cứu của họ.
Từ trước đến nay, kể cả trên cột báo này, đã có nhiều lý luận cho rằng việc luật Obamacare sẽ đòi hỏi tất cả các công ty có trên 50 nhân viên toàn thời phải mua bảo hiểm sức khỏe tập thể cho tất cả các nhân viên, nếu không sẽ bị phạt nặng, sẽ đưa đến tình trạng một số không ít công ty nhỏ của giới trung và tiểu thương sẽ phải hoặc là sa thải nhân viên xuống dưới mức 50, hoặc là thay đổi quy chế nhân viên toàn thời, ép một số nhân viên phải qua làm việc bán thời để chỉ giữ dưới 50 nhân viên làm toàn thời. Ở đây, xin nhắc lại các công ty không bị bắt buộc phải cung cấp bảo hiểm y tế tập thể cho nhân viên làm bán thời.
Hệ quả đầu tiên và hiển nhiên là Obamacare sẽ không giúp giải quyết nạn thất nghiệp mà trái lại, còn gia tăng nạn thất nghiệp. Đó là một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng trong tình trạng kinh tế èo uột của Mỹ hiện nay, với tỷ lệ thất nghiệp ngất ngưởng ở mức cao nhất và lâu dài nhất lịch sử cận đại Mỹ.
Kinh tế Mỹ bình thường chỉ có khoảng 3%-4% thất nghiệp. Cao lắm và gây nhiều khó khăn là 5%-7%. Nhưng từ ngày TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp đã leo lên lên xấp xỉ 10%. Lúc gần đây, tỷ lệ này đã hạ xuống dưới 7%. Nhưng con số 7% này mang một ý nghiã hoàn toàn sai lệch. Con số này xuống thấp như vậy chỉ vì hàng triệu người dân trong tuổi lao động đã bị loại ra khỏi thống kê của thị trường lao động vì họ đã thất nghiệp quá lâu, hay vì họ nản chí không ghi tên thất nghiệp hay đăng ký xin việc làm nữa. Con số thực tế của tỷ lệ thất nghiệp hiện hành, theo nhiều thống kê chính thức của Nhà Nước cho biết là… 15%.
Tỷ lệ thất nghiệp cao trên căn bản kinh tế học dĩ nhiên có tác dụng không tốt cho phát triển kinh tế. Càng ít người đi làm thì trên căn bản, sản xuất nói chung càng thấp kém. Cũng may là cái nguyên lý cơ bản này ngày một mất đi ý nghiã, chỉ vì thế giới ngày nay càng ngày cơ giới hoá, hay nói cho chính xác hơn, ngày một vi tính hoá. Một phần rất lớn các công tác ngày xưa đòi hỏi nhân viên, nhân sự, bây giờ đã được thay bằng máy vi tính, computer. Bởi vậy, ta thấy hiện tượng tỷ lệ thất nghiệp thật cao, nhưng kinh tế Mỹ vẫn phát triển ào ào, các công ty ngày một lời to, chỉ số Dow Jones, NASDAQ ngày một leo thang. Chỉ tổ làm giàu thêm cho các đại gia sở hữu chủ các công ty, trong khi nhân viên làm công cho những công ty đó thì … chưa bị sa thải là may, đừng mong chờ được tăng lương theo chỉ số Dow Jones
Con số 15% thất nghiệp là nói chung cho cả nước. Nhưng nếu nhìn vào từng giới dân số thì con số còn kinh hoàng hơn nhiều, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên da đen là trên dưới 40%. Ta chỉ cần lái xe dạo qua các khu da đen tại các thành phố lớn sẽ thấy các thanh niên da đen lang thang đứng đầy ngoài đường, chẳng có chuyện gì làm.
Tệ nạn xã hội cũng từ đó mà ra. Đặc biệt hiện nay mới phát sinh ra một “phong trào tiêu khiển” mới, rất thịnh hành trong các khu dân thiểu số da màu, gọi là “knock-out game”. Một đám thanh niên tụ tập một chỗ, hay cùng đi lang thang một nhóm, thấy một người lạ đi tới, bất ngờ vô cớ nhẩy ra đánh người đó chơi, rồi cả đám cười lăn ra rồi đi tìm mục tiêu khác. Người bị đánh, chẳng cần biết là ai, lớn bé, già trẻ, trai gái, ông già bà lão, hầu hết là da trắng, có khi da vàng, da nâu. Chẳng hận thù, chẳng quen biết, chẳng gây hấn hay xích mích gì. Đối với đám thanh niên, chán quá không biết làm gì, chỉ là một thú tiêu khiển mới phát minh ra cho vui. Và họ cũng hiểu với ông tổng thống là “người anh em” (bro), lại đã từng tuyên bố “cảnh sát đều là ngu xuẩn” (cops are stupid) thì việc bị bắt và trừng phạt cũng có thể nhẹ tay phần nào.
Những ông bà cấp tiến đã mau mắn chỉ trích các đại công ty, cho rằng họ là những người tham tiền, chỉ biết hành xử vì tiền bạc, sẵn sàng sa thải nhân viên mà không nghĩ gì đến vấn đề con người, số phận lao đao của những người bị sa thải. TT Obama đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các đại công ty nên có chính sách tích cực giúp giải quyết nạn thất nghiệp bằng cách thuê thêm nhân viên. Ngay cả Đệ Nhất Phu Nhân Michelle cũng đã lên tiếng kêu gọi các công ty nên có chính sách giúp các cựu quân nhân có việc làm.
Qua những lời hò hét kêu gọi của các chính khách cấp tiến thì tất cả là lỗi từ phiá cung, tức là từ phiá các công ty, không chịu thuê thêm nhân viên để tiết kiệm chi phí bảo hiểm.
Nhưng rồi mới đây, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội đã tạt một gáo nước lạnh, lay tỉnh thiên hạ về một thực tế khác xa hình ảnh của khối cấp tiến đưa ra mà nhiều người cho là đúng. Theo văn phòng này, thì nghiên cứu của họ cho thấy là tỷ lệ thất nghiệp cao dĩ nhiên một phần nào là hậu quả kinh tế của Obamacare, dồn một số công ty vào việc cắt giảm nhân viên, nhưng yếu tố quan trọng hơn lại là chuyện một số lớn nhân viên tự ý… nằm nhà nghỉ khỏe, ăn oeo-phe, nhận trợ cấp bảo hiểm, có lợi hơn đi làm nhiều! Ta cần lưu ý đây là chuyện họ tự ý nghỉ làm chứ không phải công ty sa thải họ.
Trước hết phải khẳng định ngay văn phòng này là một văn phòng chuyên gia không đảng phái, không phải do đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa bổ nhiệm và chi phối.
Đặc biệt văn phòng này cho biết là theo nghiên cứu của họ, luật Obamacare không khuyến khích các chủ hãng sa thải nhân viên nhiều như dự đoán, mà trái lại, luật đó đã tạo ra kẽ hở để thiên hạ có dịp nghỉ làm, nằm nhà ăn oeo-phe, lãnh trợ cấp để có bảo hiểm trọn vẹn, có lợi hơn.
Hàng triệu người đã hoặc là nghỉ làm luôn, hoặc là tự ý đi tìm việc làm bán thời, cốt sao cho mức lợi tức xuống tới mức có thể hưởng trợ cấp Medicaid trọn vẹn, hay hưởng trợ cấp tiền mua bảo hiểm y tế. Đó là những người có mức lợi tức cao hơn mức tối thiểu lãnh Medicaid một chút, họ nghỉ làm để lợi tức tuột xuống hạng Medicaid để nhận tiền Medicaid. Hay hạng người trong giới trung lưu thấp nghỉ làm, hay làm ít giờ đi để lợi tức tuột xuống mức để họ có thể nhận trợ cấp bảo hiểm y tế. Theo văn phòng này, Obamacare sẽ khiến ít nhất là hai triệu rưởi người tự ý nghỉ làm hay tự ý kiếm việc làm bán thời từ giờ cho đến năm 2017.
Bất cứ một người bình thường nào cũng thấy đây là một tình trạng bất thường, không thể có lợi cho đất nước. Cả triệu người không đi làm tất nhiên sẽ giảm mức sản xuất kinh tế cho quốc gia, và hơn nữa sẽ tăng gánh nặng của Nhà Nước qua việc tăng tiền trợ cấp đủ loại cho họ. Và dĩ nhiên người phải trả chi phí gia tăng đó là những người vẫn tiếp tục đi làm, đóng thuế cho Nhà Nước có thêm tiền nuôi những người không đi làm.
Và bất cứ một Nhà Nước bình thường nào cũng sẽ cảm thấy có cái gì không ổn, cần phải thay đổi chính sách để gia tăng việc cung cấp nhân lực cho thị trường lao động.
Nhưng oái ăm thay, đó không phải là thái độ của Nhà Nước Obama và khối cấp tiến phe ta. Khối này có vẻ lấy làm hãnh diện vì việc thiên hạ tự ý nghỉ làm phản ánh một chính sách đã cho phép họ có sự “tự do” –freedom- lựa chọn cuộc sống của họ, không bị lệ thuộc vào việc làm, và lại giúp cho những người này có “thời giờ dành cho đời sống gia đình”.
Kẻ viết này bóp trán suy nghĩ nát óc vẫn không hiểu được phản ứng này của chính quyền Obama là phản ứng “nói chơi” hay phản ứng “nói thiệt”. Thiên hạ thất nghiệp ào ào mà Nhà Nước cho rằng đó là điều tốt vì chứng tỏ Nhà Nước đã giúp họ có khả năng tự do lựa chọn lối sống –đi làm hay nằm nhà ăn trợ cấp- và có nhiều thời giờ dành cho gia đình??? Mọi chuyện đã có Nhà Nước lo.
Trên căn bản, lý luận kiểu này tuyệt đối nằm trọn trong nhân sinh quan “vú em” của chủ thuyết Obama. Và phần nào giải thích được việc Nhà Nước Obama chưa bao giờ thật sự quan tâm đến việc giải quyết nạn thất nghiệp tại nước này cả.
Đi đến tận cùng của lý luận này thì toàn dân cả nước sẽ có “tự do” được ngồi nhà, ăn tiền trợ cấp Nhà Nước để vợ chồng vui vẻ, du hý và sanh đẻ đầy nhà, rồi Nhà Nước lo hết. Nghe cũng có vẻ hấp dẫn, nhưng rồi câu hỏi là “thế thì ai là những người ngu muội đâm đầu đi làm? Nhà Nước lấy tiền đâu ra để nuôi cả nước ngồi nhà?”
Hay là Nhà Nước dự tính lột hết tiền của khối 1% “nhà giàu” đi làm cật lưng để nuôi 99% “nhà nghèo” ngồi mát ăn bát vàng? Kẻ viết này hiển nhiên thuộc thành phần 99% nên nghe chuyện này cũng thấy mát tai. Nhưng thực tế, đứa trẻ lớp mẫu giáo cũng hiểu tình trạng này không bao giờ có thể xẩy ra. Khối 1% không thể nào đủ giàu để nuôi khối 99% được. Và cái khối 1% chắc chắn không ngu đến độ tự ý tiếp tục cong lưng đi làm kiếm tiền nuôi khối 99%. Nếu ngu như vậy thì làm sao họ có thể trở thành giàu có được? Mà có muốn cũng không được. Cả triệu nhà máy, công ty, cửa hàng nuôi sống kinh tế cả nước nếu 99% nằm nhà thì lấy ai điều hành?
Thực tế mà nói, sẽ không bao giờ có chuyện 99% dân Mỹ quyết định nằm nhà sống bằng oeo-phe theo kiểu này. Chỉ là một thiểu số người thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng một kẽ hở của luật mới thôi. Do đó, hậu quả tài chánh không mấy quan trọng. Con số hai triệu người làm ít giờ đi sẽ không có tác dụng gì ghê gớm trên nền kinh tế vĩ đại của đại cường Cờ Hoa. Vấn đề không phải là những mất mát tiền bạc vật chất.
Vấn đề ở đây là thái độ của chính quyền Obama. Một sự lạm dụng kẽ hở của luật đáng lẽ nên bị chỉ trích và Nhà Nước cần làm một cái gì để ngăn chặn hay bít lỗ hổng. Nhưng Nhà Nước Obama trái lại, công khai bênh vực và ca tụng việc làm này. Đây là một hành động chẳng những cố tình lợi dụng kẽ hở luật pháp, mà lại là một thái độ cố tình trốn tránh nghiã vụ công dân để đùn gánh nặng tài chánh của mình lên đầu người khác. Trên căn bản, vừa bất hợp pháp, vừa vi phạm nguyên tắc đạo đức cũng như tính công bằng. Vậy mà lại được sự cổ võ của chính quyền Obama?!
Dĩ nhiên ai cũng hiểu lời biện giải cua chính quyền Obama chỉ là một cách ngụy biện chạy tội, tìm cách khỏa lấp thất bại (tăng số người thất nghiệp) bằng một kiểu giải thích tích cực (tự do và có thời giờ lo cho gia đình), nhưng vô hình chung, Nhà Nước Obama đã khuyến khích hay ít nhất cũng đã bao che cho dân lách luật và trốn tránh nghiã vụ công dân. Có phải đó là cách lãnh đạo đúng không? Nếu cả nước nghe theo khuyến khích của Nhà Nước thì chuyện gì sẽ xẩy ra?
Một kết luận khác đáng ghi nhận hơn nữa là vẫn theo nghiên cứu của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, kể từ năm 2016, từ 6 đến 7 triệu người sẽ mất bảo hiểm tập thể do công ty cung cấp. Một số lớn công ty cấp tiểu và trung thương sẽ hủy bỏ chính sách cung cấp bảo hiểm tập thể cho nhân viên, và dĩ nhiên những người này sẽ bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cá nhân riêng rẽ đắt hơn nhiều.
Và cái đinh của bản nghiên cứu mới thật là đáng ghi nhận: 10 năm nữa, đến năm 2024, con số người không có bảo hiểm sức khỏe tại Mỹ sẽ lên đến ít nhất 30 triệu người.
TT Obama viện dẫn chuyện nước Mỹ hiện có khoảng 30 triệu người không có bảo hiểm, và ông tung ra Obamacare với lý do chính là để chấm dứt tình trạng này và bảo đảm tất cả dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế. Nhưng theo nghiên cứu mới này của quốc hội, 10 năm nữa, sẽ vẫn có 30 triệu người không có bảo hiểm. Nói cách khác, Obamacare với phí tổn bạc ngàn tỷ, và với những xáo trộn vĩ đại trong cuộc sống của thiên hạ cũng như trong chế độ y tế Mỹ, chỉ là chuyện… công cốc, chẳng thay đổi được gì hết.
Một viện nghiên cứu lớn khác, Brookings Institution, cho biết trên phương diện lợi tức, Obamacare sẽ giúp tăng lợi tức cho giai cấp lợi tức thấp nhất, những gia đình lãnh dưới 21.000 đô một năm, nhờ gia tăng tiền Medicaid khoảng gần 2.000 đô một năm. Tất cả những gia đình thuộc mức lợi tức cao hơn, và nhất là những người trong lớp tuổi từ 65 trở lên, sẽ thấy lợi tức hàng năm của mình bị giảm, từ 1% đến 2% một năm.
Một luật cải tổ y tế mà kết quả cuối cùng là vẫn có 30 triệu người không có bảo hiểm, hàng triệu người tự ý ngồi nhà ăn trợ cấp, và lợi tức của đại đa số dân bị giảm bớt. Chưa kể chuyện gây xáo trộn vĩ đại trong hệ thống y tế và tăng toàn diện chi phí bảo hiểm cũng như chi phí bác sĩ, nhà thương, thuốc men, và chữa trị. Đó là luật tốt hay xấu, có cần điều nghiên và chỉnh sửa hay không? (02-03-14)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
………………………………………….
Bà Hillary Và Phụ Nữ
Nguồn: Vũ Linh /VB -25/2/2014 (Hình:bà Hillary-NN sưu tầm)-
…Bảo vệ phụ nữ là phải chỉ trích hay trừng trị ông chồng chứ không phải bênh ông chồng…
Trên cột báo này cách đây ít tuần, ta có bàn về chuyện các “ngôi sao” của đảng Cộng Hoà tự đào huyệt chôn mình. Câu chuyện tiếp tục với các “ngôi sao” bên đảng Dân Chủ.
Trước hết phải nói cho rõ về định nghiã “ngôi sao”. Ở đây, ta không bàn về ngôi sao theo kiểu ngôi sao Hồ Ly Vọng, được thật nhiều người biết đến và mến mộ, như những Brad Pitt và Angelina Jolie. Mà phải hiểu theo nghiã chính trị, tức là những chính khách có triển vọng đắc cử vào các chức vụ quan trọng, đặc biệt là chức tổng thống.
Trong chính trị, nếu nói về chuyện nổi tiếng, được nhiều người biết đến, thì chưa chắc đã có nghiã là thu được nhiều phiếu nhất. Nói cho rõ, “ngôi sao” trong bài viết này mang ý nghiã tương đối có nhiều triển vọng đắc cử vào Tòa Bạch Ốc. Phải là ứng viên tương đối ôn hoà, có khả năng thu phiếu của những cử tri độc lập và ngay cả các cử tri thuộc đảng đối lập. Như TT Bush năm 2000 đã đắc cử vì được hậu thuẫn mạnh của khối Dân Chủ tại tiểu bang Texas lúc đó đang kiểm soát quốc hội Texas, đưa ra hình ảnh một người có khả năng hợp tác được với đối lập, cũng như có được hậu thuẫn lớn của khối dân gốc La-Tinh thường là cử tri của Dân Chủ. Hay TT Obama đã đắc cử dựa trên chiêu bài đại đoàn kết dân tộc.
Dĩ nhiên tranh cử là chuyện khác xa với hành xử quyền lực. Cả hai TT Bush và TT Obama sau khi nắm quyền đều trở thành những tổng thống tạo chia rẽ rất lớn giữa hai chính đảng.
Trở lại câu chuyện “ngôi sao” bên Dân Chủ, vấn đề giản dị hơn nhiều vì chung quy chỉ có đúng một ngôi sao là bà Hillary Clinton.
Vấn đề đặt ra là 1) bà Hillary sẽ ra tranh cử hay không, và 2) nếu ra tranh cử, bà có hy vọng thắng trong nội bộ để làm đại diện cho đảng Dân Chủ không, và 3) nếu đắc cử làm đại diện cho đảng Dân Chủ, bà có hy vọng thắng ứng viên Cộng Hòa không?
Trước hết, ta bàn lại chuyện bà Hillary có muốn ra tranh cử lại không. Câu trả lời giản dị là “có”. Dĩ nhiên cho đến nay, bà Hillary đã tránh né không trả lời dứt khoát, mà chỉ trả lời kiểu ẫm ờ của mấy cô em gái “em chả…”, để mọi người đều hiểu là “em muốn lắm”. Bà muốn là chuyện 100%. Bà ra hay không là chuyện khó biết hơn vì dĩ nhiên có những yếu tố bà cần cân nhắc mà chúng ta không biết hết được.
Cả cuộc đời bà Hillary, tất cả những hành động, ngay từ chuyện lấy ông chính khách trẻ nhiều tham vọng và nhiều triển vọng Bill Clinton, cho đến việc ra tranh cử thượng nghị sĩ, ra tranh cử tổng thống, rồi nhận làm ngoại trưởng, tất cả đều thể hiện một phụ nữ có tham vọng, có chí lớn, có kế hoạch quy củ, và có tính toán cũng như kỷ luật thép đối với chính mình. Bà cũng là người có quan điểm chính trị cấp tiến dứt khoát, rõ ràng hơn ông chồng nhiều và có quyết tâm thực hiện ý nguyện của mình. Mục tiêu lớn nhất của bà là “giải phóng” phụ nữ, mà bà gọi là “đập vỡ cái kính trên trần” –breaking the ceiling glass- để phụ nữ có thể leo lên những nấc thang cao nhất. Việc bà có cơ hội đập vỡ kính đó năm 2008 nhưng lại bị ông Obama phá bĩnh là nỗi đau lớn nhất của đời bà. Bây giờ cơ hội lại đang ở trước mặt, và không còn ai làm kỳ đà cản mũi nữa thì làm sao bà bỏ được?
Vấn đề thứ hai, nếu bà ra tranh cử, có hy vọng thắng trong nội bộ đảng Dân Chủ hay không?
Tất cả các thăm dò dư luận đều cho thấy bên Dân Chủ, bà Hillary được hậu thuẫn của trên dưới … 70% đảng viên. Người đứng thứ nhì là PTT Biden với khoảng 10%, rồi sau đó là khoảng nửa tá chính khách khách chia nhau 20% còn lại. Giống như mặt trời Hillary bên cạnh các ngôi sao lốm đốm đó đây.
Ở đây, chẳng những bà Hillary hơn trội vì kinh nghiệm và tên tuổi, nhưng quan trọng hơn nữa là chuyện bà là phụ nữ. Đảng Dân Chủ đã đi vào lịch sử như đảng đầu tiên có tổng thống da đen, bây cũng cũng muốn vào lịch sử lần thứ hai như đảng có tổng thống phụ nữ đầu tiên.
Tất cả chỉ là quyết định của bà Hillary. Nếu bà ra tranh cử thì các cuộc tranh cử nội bộ sơ khởi –primaries- bên đảng Dân Chủ có thể được hủy bỏ hết để khỏi mất thời giờ và tốn tiền bạc vô ích.
Bây giờ nói về khả năng hạ ứng viên Cộng Hòa và đắc cử tổng thống.
Trên căn bản, chưa ai thấy một nhân vật Cộng Hòa nào đủ nặng ký hạ bà Hillary, kể cả những “ngôi sao” khá nổi như các ông Rand Paul, Ted Cruz, hay những dân biểu Paul Ryan (ứng viên phó tổng thống của TĐ Romney), hay TNS Marco Rubio của Florida. Tất cả những thăm dò dư luận đều cho thấy bà Hillary hạ đo ván tất cả các đấng mày râu Cộng Hòa, kể cả TĐ Christie sau vụ xì-căng-đan kẹt cầu ở Nữu Ước.
Nếu nói về kinh nghiệm chính trị, không có ông bà nào trong cả hai đảng có thể so sánh được với bà Hillary, người đã từng là vợ của một tổng thống –hay chính xác hơn đã từng là “đồng tổng thống” (co-president) trong 8 năm, và sau đó là cánh tay mặt của một tổng thống khác trong 5 năm làm ngoại trưởng, sau gần 10 năm làm thượng nghị sĩ,
Nói về hậu thuẫn, bà là con cưng của giới cấp tiến và dĩ nhiên của khối phụ nữ, nhưng đồng thời lại được sự ca ngợi của giới quân sự bảo thủ như cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, và nhất là của người hùng David Petraeus, cựu tư lệnh chiến trường Trung Đông, Iraq và Afghanistan. Khối chính khách và cử tri da đen bỏ bà chạy theo Obama năm 2008 đã công khai trở về hậu thuẫn bà, ít ra cũng để chuộc lỗi. Khối lao động da trắng vẫn chưa bỏ bà. Chưa một chính khách Dân Chủ nào dám lên tiếng chống bà. Hàng loạt đại gia Dân Chủ đã chuẩn bị bạc triệu để yểm trợ bà. Cơ quan thăm dò Gallup cho biết bà đứng đầu danh sách phụ nữ được mến phục nhất Mỹ 18 năm qua, hơn xa bà Michelle Obama và Oprah Winfrey.
Nhưng như vậy không có nghiã là có thể hủy cuộc bầu cử cho xong chuyện. Vì bà Hillary vẫn có triển vọng thua vì chính bà, vì những vấn đề từ chính bà.
Điều đầu tiên là tuổi tác. Nếu bà đắc cử năm 2016, bà sẽ nhậm chức năm 2017 khi bà 70 tuổi, cái tuổi cổ lai hy của tổng thống già nhất lịch sử Mỹ, Ronald Reagan. Thiên hạ đều còn nhớ những hình ảnh TT Reagan thường xuyên… ngủ gật, chẳng hạn như khi viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại La Mã. Người ta cũng chưa quên TT Reagan đã bắt đầu có triệu chứng của bệnh lãng trí hai năm cuối của nhiệm kỳ hai. Mà TT Reagan khi đắc cử lần đầu khỏe hơn bà Hillary bây giờ nhiều. Cách đây không lâu, đã có lần bà Hillary đang đọc diễn văn bị té xỉu phải vô bệnh viện khẩn cấp vì kiệt sức.
Nhiều người lo ngại làm sao bà có thể chịu đựng nổi những đòi hỏi khủng khiếp về thể xác trong cuộc vận động tranh cử kiểu Mỹ, nhất là đối với một phụ nữ ở tuổi gần 70. Dòng dã trong cả hai năm trời, một ngày đọc diễn văn tại hai ba thành phố cách nhau cả trăm dặm, thăm hỏi, bắt tay cười nói với cả chục ngàn người. Nói huyên thuyên cả chục giờ mỗi ngày, gặm hamburger hay hot dog, và ngủ khách sạn hay trên máy bay liên tục ngày này qua tháng kia năm nọ. Mà dù mệt mỏi cỡ nào cũng không thể không tươi cười và nhất là không nói hớ một câu nào hết.
Đã vậy, đại đa số cử tri Mỹ là giới trẻ trong tuổi 20-30-40. Đó là giới cử tri đã công kênh ông Obama vào Tòa Bạch Ốc. Người ta khó có thể tưởng tượng giới cử tri đó lại có thể hồ hởi bầu cho một bà cụ 70 tuổi. Mà không có khối cử tri đó thì đảng Dân Chủ khó thắng được.
Vấn đề nữa là cái tên “Clinton”. Nước Mỹ, tính ra từ năm 1980 cho đến giờ, gần 35 năm qua, đã phải nghe đến hai cái tên Bush và Clinton liên tục đến ù tai luôn. Nếu bà Clinton ra làm tổng thống, ta sẽ thấy tình trạng Bush – Clinton – Bush – Clinton làm tổng thống Mỹ. Nước Mỹ không có người nào với cái tên nào khác hơn sao? Hơn ba trăm triệu dân Mỹ mà chỉ có hai cha con và hai vợ chồng đó thôi sao?
Với lại cái tên Clinton nghe cũng rất khó chịu đối với nhiều người, nhắc lại một giai đoạn không đẹp của chính trường Mỹ. Nhiều người lo ngại ông Clinton trở về lại Tòa Bạch Ốc theo chân bà vợ, không chừng lại sẽ mang theo vài bà tình nhân vào theo.
Ở đây có một chuyện đáng nói. Cựu TT Clinton mới có một trợ tá mới, Tina Flournoy, một phụ nữ da đen từng làm việc trong ban tham mưu của bà Hillary. Các quan sát viên đã mau mắn nhận định bà này là trợ tá, nhưng đồng thời cũng là “lính gác chồng” của bà Hillary đưa vào.
Một vấn đề quan trọng hơn nhiều: đó là thành tích của bà Hillary. Không ai chối cãi, bà Hillary có một quá trình dầy cộm gấp ngàn lần quá trình của TT Obama khi mới ra tranh cử, nhưng nếu nói về thành quả cụ thể thì bà còn tệ hơn TNS Obama. Ít ra, TNS Obama không có thành tích gì, nhưng cũng không có thất bại nào.
Khi làm Đệ Nhất Phu Nhân, bà được trao trách nhiệm cầm đầu nhóm soạn thảo cải tổ y tế quy mô, và bà đã thất bại trọn vẹn khi đề nghị của bà chết trong trứng nước. Trong 9 năm làm thượng nghị sĩ, ba biểu quyết quan trọng nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush giảm thuế, đánh Afghanistan và đánh Iraq. Cả ba quyết định bà đều bị phe cấp tiến chống đối kịch liệt khiến bà hối tiếc và mất không biết bao công sức biện giải. Trong 5 năm làm ngoại trưởng, bà đạt được thành tích chu du thế giới nhiều nhất lịch sử, nhưng kết quả chẳng có một thành tích cụ thể nào.
Bình luận gia bảo thủ Charles Krauthammer đã lên tiếng thách các nhà báo ủng hộ bà Hillary hãy nêu ra được một thành quả cụ thể nào đó của ngoại trưởng Hillary Clinton, và cho đến nay, chưa ai làm được chuyện này một cách thỏa đáng.
Nhiều quan sát viên chính trị nhận định chức Ngoại Trưởng mà bà điều đình trước với ứng viên Obama đổi lấy hậu thuẫn mạnh của vợ chồng bà trong cuộc tranh cử Obama-McCain, chỉ là cách bà mang tên tuổi bà ra khỏi cái dù của ông chồng
Nói tóm lại, bà Hillary là một chính khách tuy có nhiều hành trang, với thật ít thành tích cụ thể, nhưng lại là người khó có thể đánh bại được nếu bà quyết định ra tranh cử. Nhìn cho kỹ, có lẽ lý do quan trọng nhất khiến thiên hạ có thể bầu cho bà Hillary: bà là một phụ nữ, sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, và sẽ giúp “giải phóng” phụ nữ Mỹ. Đây là chiêu bài phe cấp tiến Dân Chủ đang chuẩn bị khi họ đồng thanh khua chiêng trống báo động “cuộc chiến chống phụ nữ của Cộng Hòa”.
Nhưng vấn đề này cần xét lại. Bà Hillary có thật sự là biểu tượng cho phụ nữ và sẽ giúp giải phóng phụ nữ Mỹ không?
Bà Hillary trước đây có một bà bạn cố tri mà bà thường tâm sự, để xả hơi khi có chuyện ấm ức, hay để có dịp phân trần giải thích. Bà bạn Diane Blair, giáo sư chính trị học, chăm chỉ ghi chép lại hết trong nhật ký của bà. Bà này qua đời năm 2000, những tài liệu cá nhân của bà được tặng cho đại học Arkansas, và bây giờ nhật ký của bà được tiết lộ trọn vẹn.
Qua những trang nhật ký đó, người ta thấy một bà Hillary mưu mô, thủ đoạn, tính toán và cứng rắn thẳng tay –ruthless-. Một người từng chê quốc hội toàn là dân làm biếng chẳng làm gì, chê cả Toà Bạch Ốc chẳng có ai đủ cứng rắn, chê TT Clinton không dám sa thải ai, thiếu kỷ luật, không có chiến lược, không biết tổ chức, không dám lấy quyết định, làm chuyện ngu xuẩn (vụ Monica),… Một đệ nhất phu nhân với một ngôn ngữ đanh đá, thậm chí thô tục, sẵn sàng có biện pháp mạnh trừng trị đối thủ chính trị của bà và của ông chồng. Không có gì là hình ảnh của một một nữ nhi liễu yếu đào tơ, hay một phụ nữ tề gia nội trợ cổ điển.
Trong vụ ông chồng lem nhem với cô Monica cũng như với biết bao bà khác, bà Hillary đã quyết tâm ngậm bồ hòn, đóng vai hiền thê tha thứ cho những phút yếu lòng của ông chồng bay bướm, chịu đựng sóng gió vì bà hiểu rõ bỏ con thuyền Bill Clinton thì bà cũng sẽ bị chết chìm theo luôn. Chỉ có bám vào đó thì mới còn tương lai. Và bà đã tính toán đúng, cho đến nay vẫn còn tương lai huy hoàng.
Đã có rất nhiều lời bàn về chuyện bà Hillary có thể sẽ không ra tranh cử. Lý dó đầu tiên là sự mệt mỏi. Bà đã lăn lộn trong chính trường Mỹ từ 40 năm qua, từ ngày bà là một luật sư trẻ trong khối luật sư của khối dân biểu Dân Chủ truy tội TT Nixon trong vụ Watergate từ đầu thập niên 70 đến nay. Bây giờ lại còn phải tiếp tục vật lộn thêm 10 năm nữa (2 năm tranh cử và hai nhiệm kỳ tổng thống tổng cộng 8 năm nữa). Bà có muốn và có chịu nổi không?
Đối với một phụ nữ bình thường, có thể là không muốn và không chịu nổi. Nhưng bà Hillary tuyệt đối không phải là một nữ nhi bình thường.
Một lý do khác là chuyện con gái bà Hillary đã thành hôn. Đối với rất nhiều phụ nữ, việc trở thành bà nội, bà ngoại là điều thật quan trọng. Thời trẻ, có con nhưng lại phải đi làm, không có thời giờ ôm con, bây giờ về già rảnh rỗi, có thời giờ ôm cháu, đó là giấc mộng của hầu hết phụ nữ bình thường. Nhưng rồi bà Hillary lại không phải là một phụ nữ bình thường.
Điều miả mai lớn nhất là bà Hillary luôn lớn tiếng bênh vực chồng, là người đã lợi dụng quyền thế, lạm dụng tình dục hàng lô phụ nữ ngay từ những ngày ông mới lên làm Thống Đốc Arkansas, và cô Monica nhỏ hơn ông ta cả hai con giáp. Bảo vệ phụ nữ là phải chỉ trích hay trừng trị ông chồng chứ không phải bênh ông chồng, đánh các phụ nữ nạn nhân của ông này. Bà Kathleen Willey, một trong những nạn nhân tình dục của TT Clinton và nạn nhân trả thù của bà Hillary đã nhận định bà Hillary chính là người chống phụ nữ mạnh nhất.
Ngoài ra, ta cũng phải đặt câu hỏi nếu bà Hillary phải được coi như là mẫu mực cho phụ nữ thì việc bà chấp nhận ông chồng lăng nhăng để bà có dịp tiến thân có phải là thái độ đúng cho phụ nữ không? Mà chẳng phải chỉ có bà Hillary có thái độ như vậy trong thế giới của bà Clinton, mà bà Huma Abedin, trợ tá tay mặt của bà cũng vậy. Bà này có ông chồng là cựu dân biểu, bị ép từ chức vì chuyên tung ảnh khoả thân của mình gửi qua điện thoại di động cho các bà các cô. Bà Abedin cũng có thái độ không khác gì bà Hillary, bênh vực chồng và sỉ vả những nạn nhân của chồng mình. Đó có phải là một thái độ đúng để bảo vệ quyền lợi và nhân cách của phụ nữ không?
Thử tưởng tượng bà Hillary làm tổng thống và bà Abedin làm Chánh Văn Phòng, các phụ nữ có chồng đi “ăn phở” có thể sẽ được bênh vực và bảo vệ kỹ hơn không? Hay là nữ tổng thống Hillary Clinton sẽ khuyến cáo các bà này nên thông cảm và tha thứ cho chồng để bảo vệ cái job của chồng?
Nhiều chiến lược gia trong đảng Dân Chủ đã lên tiếng nhắc nhở nên thận trọng trong vấn đề khai thác “cuộc chiến chống phụ nữ của đảng Cộng Hoà” đề phòng chuyện gậy ông đập lưng ông khi bà Hillary ra tranh cử.
Việc bà Hillary ra tranh cử và đắc cử có nhiều hy vọng thành sự thật, nhưng chuyện bà bảo vệ quyền lợi và tranh đấu cho phụ nữ là một dấu hỏi lớn. Chỉ có một điều chắc chắn là bà sẽ hết lòng tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của cá nhân bà. (23-02-14)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
- 1.Nhà văn.Dương Hùng Cường -Kỳ 3 (DTL)2.‘Ga Cuối Đường Tàu’ -Huy Phương (NL/NV)3.Hai hình ảnh một cuộc đời(T.H.Quang/NV)
- 1.Nhà văn Dương Hùng Cường, Kỳ 1 & 2 (DTL)-2.Hữu Loan, nhà thơ con người,tích xưa, việc cũ (Viên Linh/NV))-
- 1.Ông ‘Lá Bối’ một đời bị ‘sách… ám? &..ông Võ Thắng Tiết -tiếp theo-(DTL) 2. Lục tìm sách cũ ở Sài Gòn (RFA)-
- 1.Thầy Từ Mẫn và, nhà xuất bản Lá Bối…(DTL)2.‘Lòng trần còn tơ vương khanh tướng’(NL)3.Lần đầu tiên nhạc dân tộc Việt được trình diễn trong Tòa Bạch Ốc(NV)
- 1.Bài thơ trước gió đông – thơ Huy Trâm (1936- 2017)2.Mưa giăng tuyết đổ(Viên Linh/NV)3.Thác Bản Giốc những ngày cuối năm 2017(Báo Tiếng Dân)-
- Tác phẩm mới:”Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” -Tác giả: Nguyễn Công Khanh-
- 1.Du Tử Lê: Nguyên Đán 1975(Tùy bút)-Cõi Mẹ Về-Tháng chạp,mới(Thơ)2.Ernest Hemingway(FW)
- 1.Mặc Lâm: ‘Bàng Bạc Gấm Hoa' ..(DTL)2.-.Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc ..(Fwd)
- 1.Nhà văn Vũ Thư Hiên-Kỳ cuối(DTL)2.Bi kịch một đời thơ Chế Lan Viên(VNTB)
- 1.Nhà văn Vũ Thư Hiên- Kỳ 3 (DTL)2.Ánh Tuyết, tiếng hát ngọt ngào ..không còn nữa(NV)3.Thơ DTL-