1.Từ Crưm đến VN,xa hay gần?(RFA)-2..hay phô diễn sự lạc hậu?-3.Quốc tế bình luận cảnh vượt suối ở VN(BBC)-4.'Mất bò mới..

Từ Crưm đến Việt Nam, xa hay gần?
J.B Nguyễn Hữu Vinh, viết từ VN
Nguồn:RFA-2014-03-18

Người dân Simferopol, Crimea đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3/2014.-AFP Photo/Viktor Drachev

Sáng nay, 17/3/2014, Crưm (Crimea), phần lãnh thổ của Ukraina đã công bố kết quả “bỏ phiếu” để ly khai Ukraina và sáp nhập vào Nga. Kết quả được công bố là 96% số phiếu ủng hộ việc ly khai khỏi Ukraina để sáp nhập phần lãnh thổ này vào nước Nga. Như vậy, về hình thức, số phận của vùng lãnh thổ Crưm đã được định đoạt.
Một hình thức độc tài mới

Ukraina, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tách ra khi khối cộng sản đổ sụp với những hệ lụy chưa dứt bởi sau khi chế độ cộng sản bạo tàn chấm dứt, đất nước này lại bị cai trị bởi nhà độc tài mang tên “Tổng Thống” – một hình thức độc tài mới theo kiểu Putin. Ở đó, Tổng thống Viktor Yanukovych đã sống như đế vương với đầy đủ sự xa hoa, sang trọng có thể có của một ông hoàng và mang đầy đủ sự căm phẫn đến tột độ của người dân. Kết quả là một cuộc lật đổ ngoạn mục và con đường của nhà độc tài là tháo chạy đến đồng minh. Thông thường, các chế độ độc tài tìm đến nhau ở những điểm chung để nương náu. Ở đây, Yanukovych đã tìm đến Putin.

Crưm với diện tích gần 30 nghìn km 2 và số dân gần hai triệu người, trước khi xảy ra biến cố ở Ukraina, nó vẫn thuộc về Ukraina. Nhưng, kể từ khi chính biến xảy ra ở Ukraina, nhà độc tài “Tổng thống Viktor Yanukovych và các phụ tá chạy trốn khỏi dinh thự tổng thống bằng trực thăng” sang Nga, thì tình hình tại đây có nhiều biến động. Những đoàn quân không đeo phù hiệu, những đoàn chiến xa, trực thăng của Nga bay trên bầu trời Crưm, viên “tổng thống” lưu vong trên đất Nga… đã làm tình hình Crưm nóng lên từng ngày. Thế rồi với chiêu bài “bảo vệ lợi ích” của Nga trên khu vực này, Nga đã triển khai các hành động quân sự. Đi đôi với các hành động quân sự, là bộ máy ở Crưm được vận hành theo chiều hướng đổ về nước Nga ngoại bang. Kết quả là đi tới một cuộc “Trưng cầu dân ý” để “lấy ý kiến nhân dân” về việc sáp nhập vào Nga.

Và dĩ nhiên là con số 96% cử tri đi bỏ phiếu đã chọn cách bám theo Nga. Điều mà người Nga mong đợi và cũng là những người yêu mến Ukraina cảm thấy xót xa đau đớn. Nhưng, điều nguy hiểm hơn, là việc này đã tạo một tiền lệ cho việc đòi sáp nhập vào Nga lan sang các vùng khác của Ukraina.

Thế nhưng, chẳng lẽ cả khu vực rộng lớn 30.000 km vuông và hai triệu dân Crưm đã không ý thức được vấn đề dân tộc, đất nước… khi họ đồng tình với việc sáp nhập vào Nga? Tôi nghĩ rằng không hẳn vậy. Mặc dù có thể là cuộc “Trưng cầu dân ý” đã nêu lên tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối.

Sở dĩ những nghi ngờ này có cơ sở tồn tại, chỉ vì việc gọi là “Trưng cầu dân ý” được thực hiện trong hoàn cảnh của Crưm nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Quân đội Nga hiện đang kiểm soát phần lớn bán đảo đông người Nga sinh sống này và các cử tri được cho là sẽ ủng hộ việc tách khỏi Ukraina. Trong khi đó Nga can thiệp vào Crưm bằng cách kiểm soát các tòa nhà chính quyền và phong tỏa quân lính Ukraina tại các căn cứ của họ sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị quốc hội Ukraina phế truất trước sức ép biểu tình ở Kiev ngày 22/2.

Những lời nói từ chính miệng Tổng thống Nga Putin lộ rõ sự dối trá khi cho rằng lực lượng mặc quân phục giống Nga không mang phù hiệu là “Lực lượng phòng vệ của Crưm” đã nhanh chóng bị lật tẩy. Những lời nói này, chỉ khẳng định thêm một lần nữa rằng cái nguồn gốc cộng sản trong con người Putin vẫn chưa mấy thay đổi, chỉ chờ dịp là tái diễn mà thôi.
Trông người lại ngẫm đến ta


Làn sóng người TQ tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, các phố Tàu, xóm trọ người Tàu, khu công nghiệp người Tàu khắp nơi. Citizen photo.

Thoạt trông, những thông tin về tình hình Ukraina được đăng tải trên báo chí Việt Nam, đa phần có thái độ ủng hộ và đưa tin có lợi cho việc chiếm đóng và bành trướng của Nga làm người ta giật mình. Cái giật mình này cũng dễ hiểu, đó là sự giật mình về số phận của một dân tộc, một đất nước, một vùng lãnh thổ đang bên cạnh một kẻ lớn xác, nhưng mang đầy dã tâm xâm lược. Đặc biệt là khi ở đó có một bộ máy cầm quyền hèn nhát luôn tìm cách vừa lòng quân giặc, ngược lại luôn hung hãn với dân.

Người ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu một ngày nào đó, hoàn cảnh đất nước Việt Nam chúng ta trước bọn bành trướng Bắc Kinh tương đồng hoàn cảnh Ukraina trước nước Nga hiện nay, điều gì sẽ xảy ra? Những điểm tương đồng sau đây cho chúng ta những điều e ngại.

– Trước hết, với làn sóng người Trung Cộng tràn ngập lãnh thổ Việt Nam không chỉ ở Miền Bắc, Miền Trung và cả Miền Nam, không chỉ là du lịch, làm ăn một năm dăm bảy tháng mà là các dự án thuê đất trồng rừng, cho thuê đất, biển đến 70 năm, các công trình dân dụng, công nghiệp đều có nhà thầu Trung Quốc… Các phố Tàu, xóm trọ người Tàu, khu công nghiệp người Tàu khắp nơi. Ai dám chắc chắn rằng sẽ không có lúc nào đó, theo gương người Nga, nhà cầm quyền Trung Quốc không đưa binh lính, xe tăng, đại bác và các phương tiện chiến tranh đến Việt Nam để “bảo vệ lợi ích” của đám người Tàu đã cắm chốt tại đó?

– Với hai đảng “cùng ý thức hệ cộng sản”, khi lòng dân nổi giận, ai dám khẳng định rằng khi đó, Đảng CSVN không chạy sang Tàu để tìm chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại của ý thức hệ cộng sản. Và cũng chính vì thế, trên đất nước sẽ không thể thiếu những trò chính trị cù nhầy, bịp bợm, đánh tráo.

– Hẳn nhiên khi đó, chúng ta sẽ có những cuộc “Trưng cầu dân ý” và với sự lãnh đạo “sáng suốt,, tài tình và tuyệt đối” hiện nay của Đảng CS, thì tỷ lệ 96% thì còn là quá ít. Hãy nhìn xem cuộc “Lấy ý kiến về Dự thảo Hiến Pháp” (LYKDTHP) vừa qua ở Việt Nam thì sẽ rõ. Những con số hàng chục triệu ý kiến đồng tình với bản Dự Thảo Hiến Pháp mà tuyệt nhiên không thấy những ý kiến ngược lại đã nói lên tất cả. Thậm chí, riêng tỉnh Bình Dương chỉ với 1,5 triệu dân đã có… hơn 44 triệu ý kiến đóng góp Dự thảo Hiến Pháp.  Thế nhưng, cả nước lại chỉ có 26 triệu ý kiến góp ý, sửa đổi Hiến Pháp(?) Mặc dù con số, lời nói và thực tế cứ đá nhau ào ào như vậy, nhưng đảng vẫn cho rằng, như vậy là “hợp lòng dân”.

– Khốn nỗi, đảng cứ đổ cho “cỗ lòng” của người dân, nhưng những “cỗ lòng” đó cứ chịu oan khuất mà không thể kêu lên như đám học sinh ngoài đường là: “đéo hợp”.

– Điểm tương đồng tiếp theo, là căn bệnh đánh tráo theo kiểu “bầu cua tôm cá” được sử dụng thành thạo bởi nhà nước độc tài  gốc cộng sản. Đó là hình thức “lấy ý kiến”. Nếu như ở cuộc LYKDTHP vừa qua ở Việt Nam, tờ giấy ghi ý kiến đưa đến cho người dân chỉ được có hai cách đánh dấu là: 1* Đồng ý với toàn văn dự thảo (xin ghi nguyên chữ Đồng ý). 2* Đồng ý với nội dung khác trong dự thảo và xin bổ sung những điều, khoản…

Theo cách đưa ra hai lựa chọn đó, Đảng chắc chắn nắm phần thắng theo kiểu “Tao bảy, mày ba” còn nếu không đồng ý thì “mày ba, tao bảy” – một trò chợ giời.

Thì ở cuộc Trưng cầu dân ý tại Crưm, người ta cũng có hai lựa chọn:

1* Bạn có đồng ý với việc Crưm được sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hay không?”
2* Bạn có muốn khôi phục Hiến pháp 1992 và Crưm vẫn là một phần lãnh thổ của Ukraine?”.

Và kết quả là “tuyệt đại đa số” nhân dân Việt Nam ủng hộ, đồng ý với bản DTHP do Đảng và nhà nước đưa ra.

Và kết quả là 96% số người đồng ý sáp nhập lãnh thổ Crưm vào Nga.

Và điều đó cũng có nghĩa là một tương lai đang hiện dần ra trước mắt: Crưm hôm nay, Việt Nam ngày mai.

Hà Nội, ngày 17/3/2014.

Ngày chiến thắng Trung Quốc xâm lược trên biên giới Phía Bắc

J.B Nguyễn Hữu Vinh

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

………………………………………

Cứu hộ, cứu nạn hay phô diễn sự lạc hậu?
Nguồn:Thanh Quang, phóng viên RFA
2014-03-17


Máy bay trực thăng MI-17 thuộc không quân Việt Nam do Liên Xô chế tạo trước đây trở về sân bay Cà Mau sau một đợt tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích, ảnh chụp ngày 13 tháng 03 năm 2014.
AFP PHOTO / DUY KHÔI

 Sau khi chiếc Boeing 777-200 mã hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia biến mất khi trên đường bay từ thủ đô Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm mùng 8 tháng Ba vừa rồi, thì, cho tới giờ, tin tức nóng sốt nhiều kiểu cùng các giả thuyết khác nhau tiếp tục dồn dập liên quan chuyến bay định mệnh với 239 nhân mạng này.
Sự ngoan cố không còn giới hạn?

Theo blogger Cánh Cò, nếu trong một quán cà phê cóc nhỏ xíu ven đường từ vùng Đất Mũi ở tận Cà Mau của quê hương, “những chàng trai chất phác trở thành những quan sát viên đói tin nơi cái xã cuối cùng của đất nước”, thì tất cả quán cà phê Saigòn “thừa mứa” tin này “một cách tội nghiệp”. Nhưng “sự thừa thải” ấy lại thể hiện khả năng chuyên môn hạn chế của báo chí cùng sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan cứu hộ VN, từ Phòng không, Không quân, Hải quân, Bộ binh, Cảnh sát biển, Cục Viễn thám cho tới cả Bộ Giao thông-Vận tải; và, blogger Cánh Cò nhân tiện lưu ý, không ai hiểu vai trò của “cái bộ cầu sụp, đường hư, tàu chìm liên tiếp này như thế nào”. Qua bài “Bịt mắt bắt… máy bay”, blogger Cánh Cò nhận xét:

“Qua sự kiện máy bay Malaysia, người dân Sài Gòn học được nhiều bài học, mà bài học thứ nhất là cái điều gọi là khoa học kỹ thuật của Việt Nam quá tệ hại, đến nỗi khó mà tin nỗi trong thế kỷ 21 mà bộ phận tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của Việt Nam không khác gì vào đầu thế kỷ 20 lúc người ta mơ ước hệ thống định vị toàn cầu qua những máy móc hiện đại của không quân và hải quân – hai cơ quan xung yếu nhất trong việc bảo vệ quốc gia cũng như cứu hộ cứu nạn.”

Trích dẫn lời Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, kiêm phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cựu nạn, khi khẳng định với báo Soha một cách “dễ thương rằng phía VN chỉ có một cái thuyền cứu hộ thôi thì chúng ta cũng vẫn quyết tâm tìm kiếm, cứu hộ”, hay “chúng ta (tìm) bằng cái tâm của mình”, blogger Cánh Cò nhận xét:

    Khó mà tin nỗi trong thế kỷ 21 mà bộ phận tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của Việt Nam không khác gì vào đầu thế kỷ 20.
    -Blogger Cánh Cò

“Một cái thuyền cứu hộ thôi” nói lên mức độ duy ý chí không có điểm dừng. “Bằng cái tâm của mình” phô diễn sự ngoan cố không còn giới hạn. Một chiếc thuyền có đại diện cho tự hào Việt Nam hay không? Mặc dù đất nước vẫn còn nghèo nhưng lòng tự trọng dân tộc không cho phép một cán bộ cấp cao nắm trong tay nguồn khí tài quan trọng chống xâm lăng lại “hờn dỗi” một cách dễ thương như vậy. Không ai giận ông khi nói lên sự thực, người ta chỉ cười cho cái sự so sánh khá … cộng sản của ông… Chiếc máy bay bị nạn của Malaysia cần kết quả của sự tìm kiếm và do đó mọi cái được gọi là “tâm” xem ra không mấy phù hợp với xã hội chuộng sự thật…”

Thật vậy, có lẽ chính vì việc VN giúp tìm chiếc máy bay lâm nạn ấy dù chỉ “ một cái thuyền cứu hộ thôi” hay “bằng cái tâm của mình” khiến, theo tờ Washington Post, “ Malaysia chỉ trích VN quá hấp tấp tung ra những hình ảnh về mảnh vỡ” (cho là có thể từ chiếc phi cơ này). Vẫn theo tờ báo, thì những tin tức chưa được kiểm chứng như vậy tạo nên dư luận bất lợi cho cuộc điều tra. Đó là chưa kể, blogger Cánh Cò lưu ý, một bà xẩm đã “lớn tiếng” trước ông kính truyền hình quốc tế rằng bà ta “không tin tưởng chút nào vào khả năng tìm kiếm của VN”, và “chiếc máy ảnh (không chuyên) được báo chí cố tình ghi nhận trên người các cán bộ (VN) ngồi trên chuyên cơ đã làm công dân mạng khắp nơi, nhất là TQ, dè bỉu”. Cuối cùng rồi, vào sáng 12 tháng Ba vừa rồi, blogger Cánh Cò kết luận, “cuộc chơi bịt mắt bắt… máy bay thời hiện đại cũng phải kết thúc” do VN “có thể tự ái, cũng có thể hết tiền (vì mỗi ngày tốn 1 triệu mỹ kim), và cái có thể nhất là không lẽ cứ bay vòng vòng hết ngày này sang ngày khác như kẻ mù trên vòm trời bao la của biển cả để đổi lấy lời chì chiết nhức xương…”.
Cuộc trình diễn không hề rẻ?


Máy bay AN-27 do Nga chế tạo trong một chuyến bay tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích, ảnh chụp ngày 14 tháng 3 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH NAM.

Qua bài ‘Thấy gì trong họat động cứu hộ máy bay Mã Lai của VN”, blogger Nguyễn Tấn Thành đề cập tới tình trạng “Biểu diễn là chính, lại có cả quan chức cấp cao là thứ trưởng bộ GTVT đi theo không biết để làm gì”. Tác giả nhận xét rằng sự tham gia cứu cứu hộ này của VN quả là cơ hội để Hải quân, không quân, Cảnh sát biển VN “thể hiện năng lực với các nước” khi VN “thừa kinh nghiệm về sự cẩn trọng các nguồn tin quân sự cũng như việc cung cấp thông tin cho báo chí”. Nhưng, tác giả lưu ý, “nhìn cuộc cứu hộ này chúng ta làm như một cái chợ vỡ. Các báo cứ nhao nhao đăng bài, tường thuật lung tung, để rồi ta liên tục bị muối mặt”. Blogger Nguyễn Tấn Thành không quên nhắc tới “nổi nhục lớn nhất” của phía VN là khi máy bay “lộn bãi cạn với dấu dầu tràn”. Như vậy là cả một đội bay VN mà không nhận ra một bãi cạn hay dòng cát chảy trong lãnh hải thì đây, theo blogger Nguyễn Tấn Thành, đã là “một điều thậm tệ” rồi, nhưng thông tin đó vẫn được truyền về mà “bao nhiêu cơ quan ban ngành cấp trên vẫn không phát hiện, lại để cho lên mặt báo”. Tác giả xem chừng như không dằn được bực tức qua một loạt câu hỏi:

– Hải quân của chúng ta quản lý vùng biển như vậy chăng?
– Bộ đội biên phòng chúng ta quản lý vùng biển như vậy chăng?
– Không quân chúng ta quản lý vùng biển như vậy chăng?
– Cảnh sát biển chúng ta quản lý vùng biển như vậy chăng?

Chúng ta kém về năng lực, thiết bị, không kinh nghiệm, chúng ta có thể sai. Nhưng chúng ta không chấp nhận các hoạt động sai lầm đó của mình bị phơi bày trên báo như một cái chợ. Không những đó là tử huyệt, là an ninh Quốc gia mà kẻ thù đang phân tích, mà đó là một sự huênh hoang, chạy theo thành tích là đội tìm kiếm đầu tiên khi nước ngoài nhìn vào ta.

Qua sự tham dự cứu hộ vừa qua của VN, nhiều bloggers nhận thấy đông đảo viên chức quân sự cao cấp của VN “chạy đôn chạy đáo” cho công tác này khi VN huy động cả chục phi cơ đủ lọai cũng như các tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư với sự tham dự của lực lượng hùng hậu, từ hải, lục, không quân, phòng không, cục hàng không cho tới Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn…Và lập cả trụ sở chỉ huy trực tiếp công tác cứu hộ này tại đảo Phú Quốc.

Nhưng, theo blogger Song Chi qua bài “Chuyện một chiếc máy bay mất tích và sinh mạng con người ở VN!”, thì mọi người vẫn biết rằng VN có trách nhiệm tham gia công tác này với các nước láng giềng, nhất là khi chiếc máy bay Malaysia bị cho là lâm nạn trong không phận và hải phận VN, trong khi hành động góp phần cứu nạn của VN có tích cực hay không hẳn được cả thế giới theo dõi. Nhưng, blogger Song Chi chua xót:

“Là người VN, chứng kiến sự nhiệt tình, không tiếc công tiếc sức, huy động lực lượng tối đa của nhà cầm quyền trong chuyện này, rồi nhìn lại mới đây, ngày 8.3, một tàu cá của ngư dân VN lại bị “tàu lạ” (hai chữ “tàu lạ” hèn hạ quen dùng) tấn công, khống chế, cướp tài sản vì không được bất cứ lực lượng nào bảo vệ khi ra khơi, mà chạnh lòng.”

    Tại sao ngư nhân Việt Nam gặp nạn, mất tích trên biển nhiều lần chẳng có ma nào tìm kiếm, chỉ tuyên bố là bị “tàu lạ” uy hiếp?
-Blogger Viết Từ Saigon

Trong khi những chiếc “tàu lạ” ấy ngày càng xâm lấn lãnh hải, biển đảo VN, bắt bớ đòi tiền chuộc, đánh đập, thậm chí bắn giết như dân VN bằng hành động chẳng khác nào hải tặc, thì blogger Song Chi nêu lên câu hỏi rằng “có mấy khi ngư dân Việt được các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, tàu chiến VN hỗ trợ hoặc cứu hộ không?  Hay như báo Thanh Niên từng đưa tin “ngư dân phải tự thuê tàu đi cứu nạn?”, hoặc khi ngư dân cầu cứu chính quyền thì “mọi chuyện vẫn như cũ? ”. Trong khi đó, “ Hàng ngày hàng giờ, trên khắp mọi lĩnh vực, mọi miền đất nước, chúng ta đều có thể nghe, xem, đọc, hoặc tận mắt chứng kiến, hoặc từ trải nghiệm của chính bản thân, về tình trạng tính mạng người VN đang bị rẻ rúng như thế nào”. Và tác giả kết luận:

“Khi nhà cầm quyền VN tỏ ra tích cực, thậm chí “ồn ào” trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, nhiều người dân, thông qua các trang blog, trang mạng xã hội, đã lên tiếng chỉ trích. Trong mắt họ, hành động của nhà cầm quyền có cái gì đó như phô diễn, muốn chứng tỏ với các nước, thậm chí, muốn “lấy điểm” với Trung Quốc, quốc gia có nhiều người nhất đi trên chuyến bay định mệnh. Và đáng nói nhất, cuộc trình diễn này lại không hề rẻ!”

Trong khi đó, blogger Viết Từ Saigon “càng ngẫm càng thấy lố bịch và máy móc”, rồi xem chừng như bực tức nêu lên câu hỏi với giới hữu trách VN, rằng:

“Tại sao phải tuyên bố lung tung cà cuống lên nào là “tìm kiếm bằng cả trái tim, tấm lòng…”, “một cái thúng rái vẫn bơi đi tìm…” trong khi phô diễn những trò cũ rích, lạc hậu ra trước mắt thế giới? Tại sao ngư nhân Việt Nam gặp nạn, mất tích trên biển nhiều lần chẳng có ma nào tìm kiếm, chỉ tuyên bố là bị “tàu lạ” uy hiếp? Phải chăng bên trong trò tìm kiếm, cứu nạn này tiềm tàng một âm mưu?”

Cái “âm mưu” ấy xem chừng như đáng ngại lắm khi blogger Viết Từ Saigòn báo động rằng tàu chiến của TQ đã “chính thức vào cuộc”; và tác giả nêu lên câu hỏi, “nếu chỉ tìm kiếm, cứu nạn, tại sao Trung Quốc không đưa tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn đến mà lại đưa tàu hải quân hạng nặng đến? Song hành với việc này là một ông tướng hải quân Trung Quốc đưa ra đề xuất cần xây sân bay trên quần đảo Trường Sa, như vậy là ý đồ gì?”. Và “tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại chấp nhận cho tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam, lại lăng xăng đủ các trò không đâu vào đâu, diễn không ra diễn, thật cũng không ra thật, gọi là phối hợp tìm kiếm cứu nạn?”.

Qua bài “Đỉnh cao của múa lửa lắc vòng”, blogger Viết Từ Saigòn nhắc  đến biến cố hồi năm 1945 khi Hitler cho máy bay quân sự ngụy trang cờ nước Áo đến dội bom các khu cư xá của nước Đức gây tử vong cho hàng ngàn sinh viên để rồi Hitler tuyên chiến với nước Áo. Và, trong hiện tình Trung Quốc đầy bất ổn, người dân đã mất hết niềm tin vào nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc, bạo lực đã nổ ra, đặc biệt có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ (Uighur), tác giả hình dung ra rằng:

“Bây giờ, nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ cần thí tốt bằng 239 mạng người, sau đó tập trung mũi dùi vào người Duy Ngô Nhĩ gọi là trừng phạt để duy trì quyền lực trong nước bằng bạo lực, và bên ngoài, mượn cớ tìm kiếm cứu nạn, họ bắt tay với chính quyền Cộng sản Việt Nam cắm luôn tàu chiến ở vùng biển phía Đông Nam Việt Nam. Như vậy, mọi vấn đề về Biển Đông coi như tạm giải quyết xong, Việt Nam cúi đầu dâng biển cho Trung Quốc vì tinh thần Cộng sản anh em!”

Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay, và mong gặp lại tất cả quý vị kỳ tới.

……………………………………………………………..

Quốc tế bình luận cảnh vượt suối ở VN
Nguồn:BBC – thứ sáu, 21 tháng 3, 2014

 Hình ảnh học sinh vượt suối trong túi nylon đã khiến cư dân mạng xúc động lẫn phẫn nộ

Cảnh cô giáo và học sinh xã bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nầm Pồ, tỉnh Điện Biên phải băng qua suối để đến trường trong túi nylon đã xuất hiện trên báo Anh và thu hút nhiều lượt bình luận, trong lúc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam thông báo sẽ sớm xây cầu treo.
Đoạn video dài khoảng 4 phút do cô giáo Tòng Thị Minh, một giáo viên trường Tiểu học Nà Hỳ 2 ghi lại đã khiến dư luận trong nước bị chấn động trước thực trạng khó khăn của các trường học ở vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam trong lúc chính quyền đang bị chỉ trích là đổ hàng triệu đôla vào những công trình không có giá trị kinh tế.
‘Rơi nước mắt’

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 21/3, bà Lò Thị Thùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Nà Hỳ 2, cho biết trường được thành lập từ tháng 8 năm 2004 nhưng trung tâm trường lại đặt ở một bản rất xa.

“Đến năm 2006 thì trường xin được chuyển về trung tâm xã Nà Hỳ. Tuy nhiên, công tác chiêu sinh vẫn gặp nhiều khó khăn vì chúng tôi phụ trách 10 điểm trường lẻ mà học sinh toàn là dân tộc Mông và Dao,” bà cho biết.

“Tháng Tám là chuẩn bị vào năm học mới thì tháng Bảy các thầy cô giáo phải bắt đầu đi chiêu sinh. Ngay cả trong mùa mưa thì vẫn hoàn toàn phải đi bộ, băng qua rừng suối, điểm gần thì 5km mà điểm xa thì 18km.”

“Mặc dù vất vả khó khăn” nhưng “học sinh vẫn quyết tâm lội suối đi học” và “các thầy cô vẫn cố gắng làm đúng chỉ tiêu của nhà nước”, bà nói thêm.

Cũng theo hiệu trưởng trường, trong số 59 thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường thì có “80% là người miền xuôi”.

Những ngày đầu, chứng kiến cảnh học sinh lặn lội đến trường, họ “cũng bỡ ngỡ và còn phải rơi nước mắt đấy”, bà nói.

“Nhưng với thời gian rồi cùng với tâm huyết với nghề thì cũng vượt qua hết.”

“Các thầy cô lên đây một, hai năm rồi cũng xây dựng gia đình ở trung tâm xã. Đầu tuần thì các thầy cô vào bản dạy xong cuối tuần lại về với gia đình.”

“Con suối đấy mùa khô thì bình yên thôi, nhưng đến tháng 5, 6 thì lũ to lắm, các thầy cô có hôm không dám băng qua để về”

“Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo các thầy cô giáo là lũ to quá thì không được đi qua nhưng những lúc có việc phải về thì phải nhờ nhân dân dắt qua suối.”
Bộ Giao thông vào cuộc

Các báo trong nước trong tin đăng ngày 19/3 cho biết sau khi xem đoạn video do bà Tòng Thị Minh ghi lại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã trực tiếp nhắn tin để cảm ơn bà và hứa sẽ “nghiên cứu để làm sớm một cây cầu treo.”

Báo Dân trí trong tin ngày 20/3 thì dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự án cầu treo qua suối Nậm Pồ, bản Sam Lang, sẽ được triển khai xây dựng trong hai tháng, với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng và sẽ do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Cũng theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu treo chỉ là giải pháp tạm thời và trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để triển khai thi công đường giao thông.

Trước tin này, bà Thùy cho biết “thầy cô giáo mừng, học sinh cũng mừng, nhân dân trong bản cũng mừng”.

“Cũng bất ngờ vì cái clip đã được quay từ tháng Tám năm 2013 nhưng mà do ở xa xôi quá nên cũng không biết gặp ai để đưa nên cứ giữ mãi từ hồi đó đến giờ,” bà nói.

“Đến khi đoàn công tác báo Tuổi Trẻ lên thì họ mới nói là sao đường đi khó thế này, chúng tôi mới bảo chừng đó chưa ăn thua gì so với mùa mưa đâu. Chúng tôi đưa clip cho xem họ mới tin.”

“Ngoài hỗ trợ những cây cầu cho các cháu học sinh cũng như thầy cô đi lại thuận tiện thì cũng rất muốn là nhà nước, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp giúp đỡ cho trường cho các cháu đỡ khổ.”

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thông báo sẽ sớm thi công cầu treo giúp học sinh băng qua suối

“Trường thì giờ chỉ có phòng học thôi, còn phòng ở cũng như công trình vệ sinh, bể nước rồi nhà tắm thì chưa có, học sinh vẫn phải ra suối để tắm nên mùa lũ thì rất nguy hiểm.”
Dân Anh ‘ngạc nhiên’

Hình ảnh học sinh Việt Nam vượt suối trong túi nylon để đến trường đã xuất hiện trên nhiều báo Anh và thu hút nhiều lượt bình luận.

Báo Telegraph gọi cảnh tượng này là “kỳ lạ”, trong khi trang Express.co.uk viết: “Những đứa trẻ này muốn được học đến nỗi chúng sẵn sàng được đưa đến trường trong một cái túi nylon. Đây mới thực sự gọi là quyết tâm.”

Một độc giả trên báo Daily Mail với nick ‘Joy’, viết: “Cảnh tượng này khiến tôi rơi nước mắt. Chúa phù hộ người đàn ông này vì đã bảo vệ con mình khỏi bị ướt và bị ốm. Nhà cầm quyền nên cảm thấy xấu hổ vì để xảy ra những cảnh tượng như thế này. Chắc chắn rằng con cái của giới lãnh đạo sẽ không bị bọc trong một cái túi nylon để đưa đến trường.”

Độc giả ‘Marshall1964’ bình luận: “Cảnh tượng này khiến những đứa trẻ lười biếng, hư hỏng, được nuông chiều quá đỗi của chúng ta phải xấu hổ.”

Một độc giả khác với nick ‘elephante’ thì viết: “Tôi ngưỡng mộ trước động lực và quyết tâm được tiếp cận giáo dục. Thế nhưng chẳng lẽ không ai nghĩ đến việc xây một cây cầu hay sao?”

“Đường đến trường ở Việt Nam cứ như là ở Thế Vận hội. Anh ta là một vận động viên đoạt huy chương vàng,” nick ‘noodle’ viết.

…………………………………………..

Quản lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”
Nguồn:RFA-Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-03-19

Hình ảnh chụp từ video clip: cô giáo chui túi nilon vượt suối lũ đến trường.
Screen capture

 Thiếu cơ sở vật chất căn bản

Video clip “cô giáo chui túi nilon vượt suối lũ đến trường” trên tờ Tuổi Trẻ và được các trang mạng phổ biến lại từ hôm 17/3 khiến nhiều người xem đều bày tỏ sự bức xúc, bàng hoàng… Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi về tình trạng thiếu cơ sở vật chất căn bản tại nhiều vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.

Hình ảnh trong video clip hơn 4 phút quay cảnh các cô giáo đứng bên bờ suối, nước xiết cuồn cuộn, sau đó, cả học sinh và cô giáo đều chui vào những bao nilon, lọt thỏm với miệng bao trùm kín đầu, được các thanh niên trai bản vừa bơi, vừa kéo qua con sông nước đục ngầu chảy mạnh.

Đó là những gì mà cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo ghi lại bằng điện thoại di động tại đoạn suối giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, mới được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ online.

Có lẽ hình ảnh những người cõng chữ lên non như cô Minh là chuyện “thường ở huyện” của những người vẫn ngày ngày đối mặt với tử thần, để mang kiến thức đến cho con trẻ và ngược lại, những đứa trẻ ngây thơ cũng vẫn xem đó là chuyện thật bình thường vì chúng không còn lựa chọn nào khác.

    Đây là một chuyện rất kỳ dị, có thể nói là chưa từng có ở đâu kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới, người ta qua sông với một phương tiện chết người ngay tức khắc.
-PGS Văn Như Cương

Song chuyện bình thường với những con người bình thường ấy lại là chuyện “không bình thường” đối với những nhà quản lý xã hội, ngành giáo dục và là chuyện thật kỳ dị “ở trên trời” đối với nhiều người. Bản thân bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH thốt lên rằng bà không hiểu vì sao ngành giáo dục đến bây giờ vẫn có cảnh như vậy, bởi các cô giáo ngồi trong túi nilon để qua suối là rất nguy hiểm đến tính mạng và độ rủi ro thì rất cao.

Chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ sau khi xem xong clip trên, PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội không giấu diếm sự bất ngờ pha lẫn lòng khâm phục với những người dám liều mình vì sự nghiệp trồng người:

“Tôi cũng được xem video clip cô giáo và học sinh qua sông, đây là một chuyện rất kỳ dị, có thể nói là chưa từng có ở đâu kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới, người ta qua sông với một phương tiện chết người ngay tức khắc hoặc là ngạt thở hay vướng vào cái que hoặc vật gì đó chọc thủng túi nilon ấy nước tràn vào. Bây giờ clip đưa lên mọi người mới biết! Rất đáng thương, rất đáng ngại, rất đáng khâm phục cả các cô giáo và học sinh đã liều chết để đi đến trường như thế.”
Những hình ảnh tương phản

Trong khi đó, GS TS Nguyễn Thế Hùng của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng với vai trò người thầy, ông đánh giá về sự việc “cô giáo chui túi nilon qua suối”:

“Tôi thấy đây là một tình trạng đáng buồn, xã hội đã sang thế kỷ 21 mà vẫn còn em học sinh và cô giáo chui vào bao nilon để mà có người đàn ông khỏe mạnh đưa qua sông thì đó là điều rất đáng buồn.”


Cô giáo chui ra khỏi túi nilon sau khi vượt suối lũ.Screen capture.

GS TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng hiện tượng trên không chỉ đáng buồn mà đó còn là lời cảnh báo về một sự lãng phí tràn lan trong xã hội, hình ảnh tương phản của những kẻ quan tham ăn trên ngồi chốc hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng với hình ảnh thiếu thốn dù chỉ một cây cầu tạm bợ, mà những đứa trẻ dám đánh đổi cả mạng sống của mình để được đến lớp học con chữ hàng ngày:

“Ở Việt Nam có biết bao công trình rất lãng phí từ sân bay bến cảng…Tôi chỉ nói nếu bây giờ bán đứt một cái sân bay hay một bến cảng thì có thể xây biết bao cái cầu như thế, hàng ngàn cái cầu khỉ cho các em đi học có phải tốt hơn không! Xây những công trình sân bay, bến cảng rồi tham nhũng khác như Vinashin, Vinalines những cái tầm bậy tầm bạ… thì có thể xây được hàng vạn cái cầu để con em đi học. Điều đó thể hiện một xã hội thối nát tham nhũng.”

Lời chia sẻ đầy xót xa của GS TS Nguyễn Thế Hùng không phải là không có cơ sở khi lật giở từng trang báo, người ta không khỏi ngỡ ngàng khi những con số biết nói đang báo động một thực trạng bòn rút, bớt xén, đục khoét đang diễn ra như cơm bữa tại Việt Nam. “Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình: Bớt xén đủ kiểu, đội kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng”; “thanh tra Bộ Xây dựng xử lý trên 1.000 tỷ đồng sai phạm”; “Quan chức đốt 20.000 tỷ đồng ở cảng Kê Gà” hay “Hà Nội “ném” tiền tỷ vì những cây cầu: Quy hoạch bị “hỏng”…

    Bây giờ xã hội này tùy thuộc vào tầng lớp chóp bu, người dân thấp cổ bé họng làm sao có thể mà thay đổi những việc này được.
-GSTS Nguyễn Thế Hùng

Chỉ lấy một thí dụ thật đơn giản, 1 tỉ đồng cho một cây cầu qua sông cho dân nghèo thì với những gì bị bòn rút, chia chác, tham nhũng có thể xây đến hàng ngàn, hàng vạn cây cầu… và từ đó, có thể cứu sinh mạng của biết bao những người vẫn ngày đêm giằng co giữa cái sống và cái chết chỉ vì mỗi tội… nghèo khó.

Phần nổi của tảng băng chìm “chui túi nilon qua suối” “đu dây qua sông” hay “ngồi thau nhựa đến trường” dường như mới chỉ là một nửa của câu chuyện, bởi theo PGS Văn Như Cương thì trách nhiệm của nhà quản lý mới là điều đáng phải bàn, ông cho rằng đừng để chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.

“Nó nói lên những điều hết sức quan liêu của những người làm việc cho Nhà nước, bởi vì dân ở đấy nói chuyện này rất bình thường, nhưng đối với những người làm việc thì phải thấy đó là những điều hết sức không bình thường. Ngay khi clip này đưa ra, bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định xây ngay một cái cầu như thế, một cái cầu treo để vượt sông. Đó là điều hoan nghênh, nhưng cách quản lý như thế là “mất bò mới lo làm chuồng.”

Đứng về phía quản lý nhà nước thì không thể chấp nhận được bởi một cái cầu hay một phương tiện nào qua sông không phải là tốn kém gì nhiều so với tất cả những thứ mà Việt Nam đang làm là xây chùa chiền, làm lễ hội hàng năm có đến 8,000 lễ hội, tốn tiền bao nhiêu như thế, nhưng chỉ có mỗi việc như thế này lại không chú ý đến, thì đấy là điều khó chấp nhận.”

Vâng, điều mà PGS Văn Như Cương gọi là “khó chấp nhận” ấy vẫn đang là những gì được xã hội Việt Nam “chấp nhận,” người dân chấp nhận bởi họ biết những gì mình lên tiếng khó được lắng nghe, bởi họ chỉ là những thành phần “thấp cổ bé họng” và mọi việc đang tùy thuộc vào những thế lực đầy quyền uy đứng đằng sau nhiều quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước, GSTS Nguyễn Thế Hùng tiếp lời:

“Bây giờ xã hội này tùy thuộc vào tầng lớp chóp bu, người dân thấp cổ bé họng làm sao có thể mà thay đổi những việc này được. Nhiều người cảm thấy xót xa như thế nhưng cuối cùng công việc cứ vẫn năm này qua năm khác, người dân không có quyền quyết định vận mệnh đất nước.”

Hẳn đến lúc những quyết định “ném tiền qua cửa sổ” hay tham ô, tham nhũng phải được triệt tiêu từ trong trứng nước, trước khi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân bị tiêu xài hoang phí, trở những bãi rác ngàn tỷ bên những ụ nổi, cầu cảng, sân bay… bỏ hoang, hay đơn giản là những tài sản đang chạy thẳng vào túi của những ông quan lớn với những bê bối liên tiếp chấn động trong suốt một thời gian dài.

……………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics