1.Từ Lê Tất Điều tới Cao Tần(DTL)2.Bẻ nhãn, hái sa bô chê,..(NL/NV)

Từ Lê Tất Ðiều tới Cao Tần
Nguồn:nguoiviet.com- September 2, 2016


Bìa tập thơ của Cao Tần-Lê Tất Ðiều.

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Bây giờ, chẳng một người yêu thơ nào, không biết Cao Tần là một bút hiệu khác của nhà văn Lê Tất Ðiều. Nhưng khi tiếng thơ Cao Tần xuất hiện lần đầu trên báo Bút Lửa (1977), thì câu hỏi “Cao Tần là ai?” đã được nhiều người hỏi nhau.
Ghi nhận về hiện tượng thơ Cao Tần, những ngày đầu, ký giả Mặc Lâm đài phát thanh RFA viết:

“…Tập thơ Cao Tần nhanh chóng được độc giả hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vào những ngày đầu tiên của người Việt tha hương, đặc biệt là những người từng phục vụ trong quân đội. Trong Cao Tần, người đọc thấm thía nỗi buồn của những kẻ chiến bại. Tâm lý thua cuộc là một tâm lý bi thảm nhất sau chiến tranh. Nỗi buồn đeo đuổi như bị ma ám cộng với đời sống mới lạ lẫm đã kéo người ta lại với nhau như một yếu tố khởi đầu của tính bầy đàn. Ngồi lại để chia sẻ mọi thứ, từ kỷ niệm cho đến buồn phiền. Từ đời sống thường nhật bấp bênh cho đến những ước ao hoang tưởng…” (Nđd)

“Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

“Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

“Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?

Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…

“Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…

“Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Ðời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

“Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
(Trích “Ta làm gì cho hết nửa đời sau” thơ Cao Tần)

Cõi-giới thơ Cao Tần không chỉ đặc biệt dành cho những người lính miền Nam trong tâm bão của cuộc đổi đời tháng 4, 1975 mà, thơ ông còn như những đợt sóng lớn, tỏa rộng, bao trùm thân phận của đa số người Việt tỵ nạn, đầu tiên. Ðặc biệt, ông giễu cợt, hài hước chính ông, một trong những người tỵ nạn đầu tiên, phải lìa xa đất nước; làm lại cuộc đời từ số không:

“Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mầy qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li.
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió,
Ðêm về nằm vùi nước mắt chứa chan.
Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ…”
(Trích “Mai Mốt Anh Về,” thơ Cao Tần)

Hoặc:
Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng sớn sác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ.
(Trích “Cảm Khái” thơ Cao Tần)

Ðó là dăm bài thơ phản ảnh phong cách (chữ, nghĩa) hay “võ công thượng thừa,” đã được ấn chứng của Kiều Phong/Lê Tất Ðiều qua những bài phiếm của họ Lê thời trước 1975 ở quê nhà, cũng như sau đó, ở hải ngoại. (6)
Vì Cao Tần hay Kiều Phong là hai khía cạnh tài hoa khác của khác của một Lê Tất Ðiều, nhà văn. Lê Tất Ðiều, nhà văn những của thương yêu, tình cảm thao thiết chân thật, nên, trong cõi-giới thơ Cao Tần, cũng có những bài thơ in đậm chân dung Lê Tất Ðiều. Thí dụ bài “Thư quê nhà”:

“Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
(Nuôi một bầy con cuối đời vẫn lạnh)
Cho anh hôn ơn nặng một thời xa…

Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở…

Và gửi cho anh một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Ðể anh đọc: Mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa…

Hoặc:

Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay
Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

Chú có biết yêu thương vài nụ hồng
Ðã thắm tươi trên giàn che cổng gỗ
Những giọt trong veo từ cõi vô cùng
Vỗ rộn ràng vui trên từng lá nhỏ

Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?
(Trích “Chú Nào Nghe Mái Tôn Mưa,” thơ Cao Tần)

Ðời sống vốn là dòng sông chảy xiết, nên sau hơn 40 năm ở xứ người, tình cảnh người tỵ nạn Việt Nam, đã khác xưa. Nhưng, mỗi khi nhìn lại lịch sử tỵ nạn, thời kỳ đầu thì, thơ Cao Tần chính là ký ức, là tấm gương phản chiếu đời sống, tâm tư… của giai đoạn khó khăn, nhọc nhằn đó, vậy.

(California, tháng 9, 2016)

Chú thích:

(6) Nhà văn Lê Tất Ðiều từng cho biết, Kiều Phong là bút hiệu chung của nhiều người, thời ông cộng tác với một tờ báo của thi sĩ Trần Dạ Từ. Nhưng những ai theo dõi hành trình văn chương, báo chí của họ Lê đều nhận ra rằng, bút hiệu Kiều Phong cũng được ông dùng cho những bài phiếm ở những tờ báo khác mà, ông từng cộng tác ở trong nước, cũng như hải ngoại. Ðiều này cho thấy, tuy tuyên bố như trên, nhưng họ Lê là người duy nhất sử dụng bút hiệu lấy tên một nhân vật trong truyện chưởng của Kim Dung. Ðiều này cho thấy, tuy tuyên bố như trên, nhưng họ Lê là người duy nhất sử dụng bút hiệu lấy tên một nhân vật trong truyện chưởng của Kim Dung.

………………………………………………………


Bẻ nhãn, hái sa bô chê, ăn mãng cầu… trên đất Mỹ
Nguồn:nguoiviet.com-August 30, 2016

Sổ Tay Phóng Viên


Sa bô chê trong vườn cô chú Chín Nguyệt ở Homestead, Florida. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ngọc Lan/Người Việt

HOMESTEAD, Fl. (NV) – Từ nhiều năm qua, trái cây của miền nhiệt đới đã không còn là giấc mơ hay nỗi thèm khát của những người con xa xứ. Từ California qua Texas, Georgia, Florida, đến New York, Washington DC,… hễ nơi nào có cộng đồng Việt Nam, là không nhiều thì ít, bạn đều có thể ra chợ, hay vào siêu thị để mua từng thùng nhãn, lựa từng trái mãng cầu, xăm soi những chùm cóc chín, cân những trái ổi căng mọng, vỗ “bịch, bịch” rồi đưa mũi ngửi xem trái mít đã đủ chín hay chưa trước khi quyết định móc túi trả tiền để rinh tất cả về nhà.

Thế nhưng, thật khó mà diễn tả được cảm xúc của mình khi lạc bước đến những khu vườn Việt trên đất Mỹ vào mùa trái chín, để được tận tay bẻ từng chùm nhãn, hái từng trái sa bô chê, xuýt xoa trước những chùm khế ngọt, rồi tròn xoe mắt khi nhìn những trái mãng cầu dai nõn nà trên cây.

Thú vị vô cùng!

Nhà vườn nơi chúng tôi có dịp ghé đến là ở Homestead, Florida, nơi được xem là có khí hậu khá giống miền Nam Việt Nam, nên cây trái nhiệt đới ở đây có thể “ăn trùm” tất cả.

Mãng cầu dai, “đặc sản” xứ Florida (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Homestead có nhiều người Việt làm vườn, vườn to có, nhỏ có. Nhưng lớn nhất là vườn nhà cô chú Chín Nguyệt, với gần 200 mẫu tây, chưa tính đến đất trồng rau.

Tuy nhiên, đó không phải là một miếng đất có diện tích rộng đến thế, mà là nhiều khu vườn gần quanh cộng lại. Chỗ thì 5 mẫu, chỗ 7 mẫu, chỗ 20 mẫu, “cứ thấy người ta bán thì tôi gom góp tiền để mua,” cô Chín Nguyệt cho biết.

Theo địa chỉ vườn Chín Nguyệt, 26925 SW 197th Ave, Homestead, Fl. 33031 mà lái xe tới vào Mùa Hè, Tháng Bảy, Tháng Tám, bạn có thể gặp những hàng xe tải đứng chờ dọc theo bên ngoài để chuyển hàng đến hoặc lấy hàng đi giao cho những tiểu bang khác, trừ California bởi “luật của tiểu bang vàng này quá khắc khe trong vấn đề nhập cảng nông sản,” con gái của cô Chín nhận xét.

Địa chỉ này là khu vườn rộng 7.5 mẫu, được dùng làm nơi buôn bán sỉ lẻ, cũng là nơi trú ngụ của gia đình chủ vườn. Những khu vườn khác, cũng của gia đình cô Chín, thì cũng quanh quanh đó.

Giao rổ cóc Thái đang bào dở dang để làm món “cóc ngâm” bán cho khách, cô Chín đứng lên lấy chiếc “golf car” chở tôi cùng nhóm bạn bè đi thăm vườn.

 

Còc Thái non không hột trong vườn Chín Nguyệt ở Homestead, Florida (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cô Chín, ngoài 60, mang đậm chất miền Tây từ giọng nói, dáng dấp, đến sự nhiệt tình, chất phác. Không màu mè, không khách sáo. Đồng thời, “cô cũng là hiện thân của người nông dân thời hiện đại,” tôi nói với bà chủ vườn như vậy khi thấy cô điều khiển chiếc golf car chở khách đi thăm vườn một cách thuần thục, nhanh nhẹn.

Chiếc golf car chạy từ từ qua những hàng nhãn, chỉ mới là nhãn thôi, mà cả nhóm chúng tôi không ai không kêu lên một cách đầy ngạc nhiên lẫn sung sướng.

Những cây nhãn đứng thẳng tắp có hàng có lối, tán xòe phủ rợp bên trên. Nhãn trong vườn đang vào mùa sai oằn trái. Những chùm nhãn thấp cứ như muốn quất thẳng vào mặt khách nếu mình không biết né chúng khi chiếc golf car chạy qua, dù chầm chậm.

Nhãn không phải là thứ trái cây hiếm thấy, nhưng việc tận mắt nhìn từng chùm nhãn lớn như những chiếc giỏ treo lủng lẳng chằng chịt trên cây thì không phải ai cũng có cơ hội.

Vườn nhãn oằn trái trong vườn Chín Nguyệt (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Mà không chỉ có nhìn bằng mắt. Được sự cho phép của chủ vườn, cả nhóm chúng tôi thay phiên nhau tự tay hái nhãn mới gọi là thỏa thích cái thú thăm nhà vườn. Lựa, hái, rồi thì phải thử. Lột vỏ. Bỏ nhãn vào miệng. Thịt nhãn dầy, thơm, dòn, ngọt lịm. Cứ hết trái này, phải bóc tiếp trái khác. Những cơ hội này, đâu dễ mấy ai có, phải tận hưởng thôi.

Hết vườn nhãn này, qua đến vườn nhãn khác. Bạt ngàn. Oằn sai.

Rồi thì, ơ ơ, trái gì vậy? Sa bô chê! Những trái sa bô chê nhỏ vừa được nhìn thấy như một khám phá mới với đám “dân thành thị” chúng tôi. Sa bô chê chưa vào mùa, nhưng lát đác vẫn có, vẫn dư làm chúng tôi cảm thấy thích quá là thích.

Đưa tay sờ nhẹ những trái sa bô chê màu nâu, thon dài mà cứ sợ nó rụng. Thoảng, cô Chín kêu lên, “Bây gặp hên rồi!” và cô nhảy xuống xe, đi ngay đến bẻ cái rụp một trái sa bô chê mập nõn nà, đưa cho tôi, “Trái này chín nè!”

Tôi cùng bạn bè mình học thật nhanh cách làm sao biết trái nào chín. “Lấy tay cà nhẹ vỏ, thấy ở trong cũng nâu luôn là chín. Còn thấy xanh là chưa, có hái mang về thì nó cũng chỉ từ từ héo, teo, nhăn nheo rồi mang vứt mà thôi.”

Đó là “kinh nghiệm” dành cho dân tay mơ như tụi tui, chứ nhà vườn mà đi mỗi trái mỗi ‘cà’ thì không biết bao giờ mới cà xong.

Cô Chín Nguyệt, chủ nhân vườn trái cây Chín Nguyệt ở Homestead (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Say sưa với khu vườn có sa bô chê chưa xong thì cả nhóm lại reo lên, “Mãng cầu! Mãng cầu kìa!”

Những trái mãng cầu dai, mà người Bắc gọi là quả na, đu trên cây sao mà dễ thương! Cây mãng cầu dai không phải dạng cây cổ thụ. Nó trông mảnh khảnh thôi, nhưng mà vẫn sai trái.

Mãng cầu dai ở xứ này thuộc dạng hiếm. Đặc biệt hơn là nó dai, thịt dầy và ngọt. Trái mãng cầu khi nở gai chín tới cho kịp hái có màu xanh như ngọc. Đẹp dịu dàng. Khi mãng cầu ra tới chợ, có thể bạn đã không còn cơ hội để nhìn màu sắc nguyên thủy của nó, vì mãng cầu rất mau xuống màu khi chín mềm. Nói vậy để lại thấy cái thú nhìn ngắm trái cây còn trên cành nó đã đời ra sao. Đó là chưa kể cảm giác được giơ tay lên hái ngay trái mà mình xí phần.

Hớn hở tiếp tục cuộc hành trình trên chiếc golf car, có lúc tôi như đứa trẻ được quà khi nhìn thấy thêm những hàng cây khác đang treo trên nó những chùm quả dù chín, dù xanh, dù to dù nhỏ.

Trái bơ dài bằng chai rượu (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Này là cóc nè. Cóc cũng cho trái thành chùm. Những trái cóc non không hột. Bẻ một trái, lấy tay chùi chùi vỏ rồi đưa lên miệng cắn cái rụp. Giòn. Hơi chua chua. Hơi ngọt ngọt. Nhắc lại còn phải nuốt nước miếng.

Rồi thì ổi kìa. Cũng chưa là mùa ổi rộ. Nhưng những trái ổi to, căng mọng, cũng khiến mình hít hà, trầm trồ.

“Ô, trái kia là trái gì vậy cô?” Tôi hỏi cô Chín khi nhìn thấy trái gì dáng như trái bầu trái bí, nhưng da xanh mơn mởn và có phần thon hơn. “Trái bơ đó,” cô Chín trả lời.

Bơ. Tôi cũng được nhảy xuống để hái bơ. Những trái bơ bự như chai rượu chát. Nhìn đẹp thôi là đẹp. Lúc mang về. Cắt dọc ra. Không thể tả được cái màu của nó. Màu của lá non, không, màu xanh đọt chuối thì đúng hơn. Màu của thịt bơ đã đẹp. Mà nó lại thơm. Và dẻo, mịn nữa. Không cần đường đâu. Chỉ cắt ra, lấy muỗng múc từng miếng cho vào miệng thôi. Có dịp bạn thử đi!

Và kia là những cây xoài có cái tên thật là “sang cả”: xoài Lữ Phụng Tiên! Không hiểu từ đâu mà giống xoài này được đặt cho cái tên Việt hay ho như thế. Những trái xoài to, có trái nặng cả 3 pounds chứ chẳng chơi, dáng dài dài. Phần gần cuống ửng hồng như má phấn con gái. Xoài này khi còn xanh có thể chấm nước mắm ăn như xoài tượng. Khi chín, thịt xoài chín vàng ươm. Thơm lừng như xoài cát Hòa Lộc và, dĩ nhiên là ngọt đậm đà, ngất ngây.

Vào vườn hái khế, một thú vui không dễ có ở Mỹ (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Rồi thì mít. Khế. Thanh long. Dưa gang. Cây nào trái nào cũng mang lại cho mình nét mặt hân hoan cùng nụ cười không dứt trên môi.

Cứ lang thang như thế đến khi trời bắt đầu khoác lên mình chiếc áo đen thì chúng tôi mới trở lại sân nhà cô Chín để nhìn ngắm lại chiến lợi phẩm của mình. Trái cây chất lên xe nghẹt cứng.

Không còn bụng để ăn cơm tối. Chỉ toàn là trái cây. Trái cây Việt hái trong vườn nơi xứ Mỹ. Cứ thế mà ăn, mà thưởng thức, không vướng âu lo.

Nếu có dịp, bạn có thể thử ghé nơi này một lần cho biết 26925 SW 197th Ave, Homestead, Fl. 33031, điện thoại (305) 246-8087.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

…………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics