1.Vì sao Clinton thất bại?(BBC)2.Trump có thể phải điều chỉnh cam kết..(RFI)3.Lá phiếu quật cường của..(Bauxit)4.You're all fired-

Vì sao bà Hillary Clinton thất bại?
Nick Bryant BBC News, New York

 Nguồn:BBC-10 tháng 11 2016

Đương kim Tổng thống, ông Barack Obama khen ngợi kinh nghiệm chính trị của bà Hillary Clinton nhưng điều này cũng khiến nhiều cử tri quay lưng

Donald Trump: ‘Chính quyền sẽ phục vụ người dân’

Đây chắc chắn là cuộc bầu cử khác thường nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, là một cuộc nổi dậy chống lại nền tảng chính trị.

Không mấy người có thể đại diện cho thể chế chính trị tốt hơn bà Hillary Clinton. Trong chiến dịch này, với hàng triệu cử tri giận dữ, bà trở thành gương mặt của nền chính trị đổ vỡ.

Donald Trump đã thuyết phục được đủ lượng cử tri ở đủ số bang rằng ông có thể đem lại giải pháp hàn gắn. Vị tỷ phú thành công trong việc phác họa mình là kẻ hoàn toàn đứng ngoài hệ thống chính trị, chống lại đối thủ là một người hoàn toàn đứng trong hệ thống đó. Ông là ứng viên nổi dậy. Bà đại diện cho việc giữ nguyên hiện trạng.

Bà Hillary liên tục tuyên bố rằng bà là ứng viên có có năng lực nhất cho vị trị tổng thống.

Bà liên tục nhắc tới lý lịch bản thân – kinh nghiệm khi còn là đệ nhất phu nhân, thượng nghị sỹ của New York, ngoại trưởng.

Nhưng trong kỳ bầu cử điên loạn này, nơi có quá nhiều sự giận dữ và bất bình, những ai ủng hộ Donald Trump coi việc có kinh nghiệm và bằng cấp là điểm trừ lớn.

Rất nhiều người tôi đã nói chuyện trong chiến dịch này – nhất là ở thành phố công nghiệp thép cũ Rust Belt – muốn có một doanh nhân trong Tòa Bạch ốc hơn là một người theo nghiệp chính trị. Rõ ràng là họ chán ghét Washington.

Thế nên, họ cũng ghét bà. Đó là cảm tính.

Tôi còn nhớ rất rõ khi nói chuyện với một phụ nữ trung niên ở Tennessee, một người miền Nam đầy cuốn hút và vô cùng lịch lãm. Nhưng khi nhắc tới Hillary Clinton, cách hành xử của bà thay đổi hẳn.

Từ lâu, bà Clinton đã gặp phải vấn đề về niềm tin, đó cũng là lý do vì sao vụ tai tiếng thư điện tử lại phủ bóng rộng tới vậy. Bà có vấn đề về sự chân thật. Bà được coi là bậc cao tu của tầng lớp tinh hoa bên bờ Đông, nhìn xuống, cười nhạo lớp người lao động.


Image copyright Getty Images

Sự giàu có mà gia đình Clinton có được kể từ khi rời Tòa Bạch ốc không giúp ích gì cho bà trong chiến dịch này. Người ta thấy cặp đôi từng là đệ nhất nước Mỹ không phải đi trong những chiếc xe limousine sang trọng, mà là trên những chiếc phi cơ Lear Jet sang trọng.

Một lần nữa, sự giàu có của họ làm trầm trọng hơn vấn đề với các cử tri ở tầng lớp lao động, đến mức mà người ta vui vẻ bỏ phiếu cho một tài phiệt địa ốc.

Ở nơi có số phụ nữ bỏ phiếu đông hơn nam giới tới hàng triệu người, người ta đã tưởng rằng giới tính là lợi thế lớn của bà. Nhưng cũng rõ ràng là trong kỳ bầu cử sơ bộ trước đối thủ cùng đảng Bernie Sanders, bà cũng đã rất chật vật vận động các nữ cử tri trẻ, nhất là trong bối cảnh bầu ra một nữ tổng thống đầu tiên của đất nước nhằm phá bỏ ranh giới vô hình trong nền chính trị toàn cầu.

Nhiều phụ nữ cũng không mấy hào hứng với bà. Một số còn nhớ điều bị coi là nhận xét mang tính chê bai của bà khi còn là đệ nhất phu nhân, khi bà nói bà nói không muốn ở nhà nướng bánh.


Image copyright Getty Images

Khi Donald Trump cáo buộc chính bà đã phần nào gây ra vụ ngoại tình của chồng, và về việc công kích những phụ nữ nói bị Bill Clinton gạ gẫm, rất nhiều phụ nữ gật đầu đồng tình.

Lòng tin tuyệt đối, sự lỗi thời, thói phân biệt giới tính cố hữu cũng phần nào là nguyên do: rất nhiều cử tri là nam giới không muốn bầu cho một nữ tổng thống.

Trong một năm khi mà rất nhiều người Mỹ muốn có thay đổi, bà dường như chỉ đưa ra những đề nghị không có gì mới.

Để một đảng có thể thắng lợi ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vẫn luôn rất khó khăn. Đảng Dân chủ chưa từng làm được điều này kể từ hồi thập niên 1940. Nhưng vấn đề còn tồi tệ hơn khi nhiều cử tri đã chán ngán với nhà Clinton.

Bà Hillary Clinton không phải là một nhà vận động có phong thái tự nhiên. Những bài phát biểu của bà thường vô vị và thậm chí máy móc. Những gì bà nói nhiều khi nghe như chỉ là âm thanh – được tạo dựng từ trước, và với một số người là thiếu chân thật.

Vụ tai tiếng thư điện tử gần đây lại được đưa ra săm soi khiến độ ủng hộ dành cho bà bị phân tán đáng kể, và khiến bà kết thúc chiến vận động tranh cử với một thông điệp tiêu cực.

Bà phải rất chật vật mới có thể tổng kết được tầm nhìn của mình về nước Mỹ.

Câu slogan của bà, “Mạnh hơn khi bên nhau”, nghe vẫn không sinh động bằng “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump. Thực thế, chiến dịch của bà Clinton đã thử qua hàng chục khẩu hiệu khác nhau, cho thấy bà khó khăn trong việc đưa ra được một thông điệp.

Chiến dịch của bà cũng phạm phải những lỗi chiến thuật. Nó tập trung nguồn lực và thời gian ở những bang mà bà không cần phải thắng, như North Carolina và Ohio, thay vì dành thời gian mở rộng và củng cố bức tường xanh, với 18 bang đã liên tục bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong sáu kỳ bầu cử qua.

Ông Trump, với sự giúp sức của nhóm cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, phần nào đã phá bỏ được bức tường đó khi chiếm được Pennsylvania và Wisconsin, những bang chưa từng bỏ phiếu cho Cộng hòa kể từ năm 1984.

Đây không chỉ là sự phủ nhận Hillary Clinton mà còn là sự phủ nhận của phân nửa dân chúng nước Mỹ của Barack Obama, nhưng đó lại là chuyện dành cho một ngày khác.

……………………………………………………

 Mỹ: Donald Trump có thể phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan
Nguồn:Trọng Thành -RFI  13-11-2016

Donald Trump (T) và Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 10/11/2016.
REUTERS/Kevin Lamarque

Kể từ khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ngày 08/11/2016, liên tục có các tín hiệu cho thấy ông Donald Trump đang buộc phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan trong quan hệ quốc tế, cũng như trong các vấn đề của nội bộ nước Mỹ.

Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington:

Liệu Donald Trump sẽ yêu cầu Mêhicô bỏ tiền chi cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa hai nước ? Ông Newt Gingrich, người có thể sẽ trở thành ngoại trưởng, trả lời rằng : Rất ít khả năng. Ông Trump sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ? Chắc chắn là không ! Bởi vì điều này sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ tổn thất 400 tỉ đô la.

Về việc ngăn cản người Hồi Giáo vào nước Mỹ, người vừa đắc cử tổng thống tránh trả lời. Tuy nhiên, ông Trump đã giới hạn, việc cấm người Hồi Giáo chỉ liên quan đến những nước có lực lượng khủng bố.

Về cam kết sử dụng tra tấn, Mike Rogers, cựu lãnh đạo Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho rằng đây chỉ là ‘‘các luận điệu tuyên truyền tranh cử”. Về khả năng tăng 45% thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, theo cố vấn của ông Trump, Wilbur Ross, điều này chỉ xảy ra, nếu Bắc Kinh can thiệp vào giá trị đồng nhân dân tệ.

Về viễn cảnh bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cố vấn của ông Trump về chính sách đối ngoại Walid Phares, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, nhấn mạnh là : ‘‘Ông ấy sẽ xem xét, sẽ đưa ra Quốc Hội, yêu cầu phía Iran phải sửa đổi một vài điểm, và sẽ có một thảo luận”.

Khó khăn của ông Trump hiện nay là, sau chiến thắng gây bất ngờ cho chính bản thân ông ta – theo New York Times, tổng thống tân cử sẽ buộc phải xem xét lại một số cam kết tranh cử cực đoan nhất, hoặc giảm nhẹ mức độ các cam kết, mà không làm mất lòng cử tri đã ủng hộ mình ».

Donald Trump cũng từng nhiều lần tuyên bố xóa bỏ hệ thống bảo hiểm y tế cho người nghèo, Obamacare, một chủ trương hàng đầu của tổng thống Obama, áp dụng từ năm 2010, đã cho phép 22 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế, nhờ hỗ trợ của Nhà nước. Sau cuộc gặp tổng thống mãn nhiệm tại Nhà trắng ngày 10/11, ông Donald Trump có thể sẽ có quan điểm mềm mại hơn về vấn đề này.

Tổng thống tân cử khẳng định những người đang được hưởng Obamacare sẽ không bị mất bảo hiểm trong giai đoạn chuyển đổi, và thậm chí cả khi Obamacare bị xóa bỏ. Về phần mình, chính quyền kêu gọi người Mỹ tiếp tục đăng ký bảo hiểm này trước khi nhiệm kỳ Obama kết thúc.

……………………………………………………………..

Lá phiếu quật cường của người da trắng

Trần Ngọc Cư

Các phong trào dân túy đang diễn ra khăp các nước phương Tây có một đặc tính chung là chống lại sự nhập cư ồ ạt của người nước ngoài. Không riêng gì ở Mỹ, nơi mà tôi thấy trên TV tại nhiều địa điểm bỏ phiếu người da trắng đã sắp hàng dài gần như vô tận, có khi phải đợi cả 4, 5 giờ mới đến lượt mình bỏ lá phiếu. Hình ảnh này cho thấy nền dân chủ Mỹ vẫn còn vận hành rất tốt đẹp.

Qua bao năm chứng kiến các khối dân thiểu số hợp pháp lẫn bất hợp pháp lợi dụng nhà nước phúc lợi Mỹ (the American welfare state) trong lúc họ phải nai lưng đóng thuế hoặc mất công ăn việc làm, giới công nhân da trắng chọn thời điểm này để vùng dậy một lần, vừa để chống trả một hệ thống mà họ cho là bất công, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Đấy là chưa nói đến làn sóng di dân từ các nước Hồi giáo không những mang theo Allah để chọi với God mà còn có khả năng mang theo khủng bố nữa. Theo Fareed Zakaria, chủ nhân trương trình GPS trên CNN, xung đột văn hóa giữa phe Cộng hòa bảo thủ và phe Dân chủ tự do – bình đẳng còn xoay quanh vấn đề 3G (God, Guns và Gays [LGBT]), vì vậy sự xung khắc của hai phe không thuần kinh tế. Sự nghiệp của Donald Trump nếu không sáng chói trong lãnh vực kinh tế đi nữa, cũng sẽ để lại cho hậu thế dấu ấn của một nỗ lực phục hồi các giá trị truyền thống Anglo-Saxon như văn minh Thiên Chúa Giáo và tính ưu việt của người da trắng (white supremacy), chí ít cũng là niềm an ủi cuối đời của các tầng lớp da trắng già nua.

Tôi bỏ phiếu cho Hillary Clinton vì một lý do duy nhất là hi vọng bà sẽ theo đuổi đến nơi đến chốn chiến lược “Xoay trục qua châu Á” và Hiệp định TPP, như là một nỗ lực chống sự bành trướng của Trung Quốc, một sự bành trướng trước hết xâm phạm biển đảo của Tổ quốc tôi. Nhưng mặc khác, tôi cũng biết được rất nhiều người thiểu số vừa đi làm lấy tiền mặt (để khai không có lợi tức) vừa đục khoét nhà nước phúc lợi Mỹ (hưởng đủ thứ trợ cấp) trong khi rất ít người da trắng lạm dụng như vậy. Công bằng mà nói, lá phiếu da trắng là một hành vi quật cường đã đưa Donald Trump lên làm vua. Một người ngã mạn, tự cao tự đắc như Trump, được làm vua là ưu tiên số một. Vì vậy ta có thể hi vọng việc triều chính của y sẽ do các chính khách thông thái (statesmen) đảm trách.

Dẫu sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi cho thấy thể chế dân chủ chưa đến nỗi liệt kháng. Tôi tin vào thể chế này, vì bốn năm sau nếu Trump không đáp ứng nguyện vọng của đa số, ông ta sẽ bị cho thôi việc. Hiến pháp và các định chế dân chủ Mỹ luôn luôn cho nước này một cơ hội để “gượng dậy từ các lỗi lầm của mình.” Nếu có một viễn kiến lịch sử, chúng ta không nên buồn vì những bất bình diễn ra trong cận cảnh.

T. N. C.

Tác giả gửi BVN.

……………………………………………………………..

 You’re all fired!

Nguồn:danlambao.com-

Phong Phạm (Danlambao) – Hãy còn quá sớm để có thể đoán trước chính sách mới của Donald Trump sẽ là như thế nào với Việt Nam và Biển Đông. Dù vậy, thật lòng tôi rất muốn Obama, John Kerry và Ted Osius ra đi càng sớm càng tốt. 8 năm qua, với Việt Nam, vì nhu cầu chiến lược phục vụ cho chính sách xoay trục về châu Á, Obama, John Kerry và Ted đã thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo để mong lôi cuốn kẻ thù cùng làm việc với mình và qua đó họ hy vọng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình Dân chủ tại Việt Nam.

Nhưng, họ đã bị lợi dụng bởi ĐCSVN và nhà cầm quyền Cộng Sản khi bề ngoài giả vờ như hợp tác chặt chẽ nhưng bên trong vẫn láo lếu che đậy những vi phạm đã cam kết trong đủ mọi lĩnh vực. Mặt khác, họ ra sức tìm cách lợi dụng sự ưu đãi này, để hợp thức hóa việc độc quyền lãnh đạo. Cố tìm cách nâng cao vị thế của ĐCSVN bằng cách tham gia vào những định chế của quốc tế, ký kết rất nhiều những công ước quốc tế về đủ mọi thứ, nhưng rồi chẳng bao giờ thực hiện những gì mình đã hứa. Lâu lâu, lại giả vờ cho người này người nọ đến phát biểu trước một đàn nghé đỏ, được nuôi dưỡng và nhồi sọ từ trong bụng mẹ, để tỏ vẻ như cởi mở, nhưng kỳ thực là những việc làm này đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm phơi bày cho thế giới thấy rằng Việt Nam đang làm hết sức để thực thi dân chủ, dù trên thực tế thì ngược lại.

Và Ted Osius đã cắn câu.

Có ai còn nhớ, sau khi Nguyễn Văn Đài bị bắt, cả thế giới phản đối. Ted Osius đã lên tiếng giúp CSVN trấn an mọi người và nói rằng còn rất nhiều những cách để gây áp lực với CSVN. Kết quả ra sao? Mọi người đều thấy rõ. Đã hơn 1 năm từ ngày bị bắt đến nay NVĐ vẫn chưa thấy đưa ra xét xử, Ted vẫn im lặng, mỗi tháng lãnh lương, chờ ngày về nước. Dù biết rằng 2 năm cuối của lamb duck Obama đã yếu, nhưng trường hợp Nguyễn Văn Đài, nếu Ted chịu gây áp lực, vẫn có thể có tác dụng, nhưng ông ta vẫn lặng thinh, không hề giúp.

Đó là còn chưa nói đến những việc khác, như môi giới cho Trọng, Huynh đi Mỹ để hợp thức hóa thể chế v.v… dù rằng những việc này nằm trong kế hoạch lôi kéo Việt nam ngã về phía Mỹ.

Sự thoái thác của Ted khi từ chối sự hiện diện của quốc kỳ VNCH trong những lần gặp gỡ với cộng đồng Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng là một điều đáng chê trách. Có thể gọi là hèn nhát cũng không sai. Việc né tránh và từ chối ước vọng của công dân của Mẫu quốc mà mình đang đại diện là một hành động hèn nhát chứng tỏ sự yếu kém. Từ sau việc làm đó, với tôi Ted coi như đã bị CSVN nuốt chững.

Và giờ đây, Obama, John Kerry, Ted Osius đang phải trả giá cho chính sách ngoại giao “lỗ vốn” của mình. Cà rốt, đưa nguyên một rổ cho con khỉ đỏ CSVN, mà lại không sử dụng cây gậy, rốt cuộc giờ mất cả chì lẫn chài. Dân chúng Mỹ đang trừng phạt những ai áp dụng chính sách “lỗ vốn” này.

Ông chủ mới của Whitehouse là một thương gia thành công. Chắc sẽ không có chuyện mua bán “lỗ vốn” như vầy nữa.

Ba anh chàng chuyên đi buôn lỗ vốn Obama, John Kerry, Ted Osius, you’re all fired! Go home!

13.11.2016

………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics