1.Vinh danh "Tháng 10/2016 là Tháng VN Cộng Hòa(VB)2.Tôi đã thấy(RFA)3…"hát lời công lý"(TK)4.Cá Hồ Tây ..

Vinh Danh Tháng 10/2016 Là Tháng Việt Nam Cộng Hòa
Nguồn:vietbao.com-06/10/2016

Vinh Danh Tháng 10/2016 Là Tháng Việt Nam Cộng Hòa (Hình trên Net)
(Garden Grove, CA) – Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn hân hạnh thông báo, Quốc Hội California vừa tuyên bố, Tháng Mười, Năm 2016 là Tháng Việt Nam Cộng Hòa. Sự vinh danh này được thành tựu sau khi Nghị Quyết SCR-165 do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn là tác giả, đã được Quốc Hội thông qua vào Tháng Tám, Năm 2016.

“Tháng Mười, Năm 2016 được chọn là ThángViệt Nam Cộng Hòa nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ra đời, thiết lập nền Dân chủ đầu tiên của Miền Nam Việt Nam,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu. “Tôi rất tự hào là tác giả của nghị quyết này và chỉ định Tháng Mười để tưởng nhớ những sự hy sinh vĩ đại của nhiều quốc gia, đặc biệt là các lực lượng quân đội Miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Ngoài việc kỷ niệm Hiến Pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, SCR-165 còn vinh danh hơn 58,000 Chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến cho tự do và dân chủ tại Việt Nam và sự đóng góp của cá nhân và gia đình họ. Cũng trong tinh thần này, SCR-165 bày tỏ sự biết ơn đối với các Chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và giới chức Chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa, những người đã hy sinh hoặc bị giam giữ, cũng như gia đình của họ, đặc biệt là những người vợ, đã rất can đảm và tài giỏi trong thời điểm khó khăn nhất. Ngoài ra, với sự cố gắng gây chú ý đến vấn đề Nhân quyền tệ hại tại Việt Nam, Nghị Quyết SCR-165 cũng đề cập những chi tiết các vi phạm liên tục đối với quyền tự do phát biểu, tự do tôn giáo, và tự do truyền thông, thông tin tại Việt Nam. Hơn nữa, SCR-165 đã nêu bật lên các đóng góp của hơn 500,000 người Việt Nam sống tại tiểu bang California.

“Là một người Mỹ gốc Việt đại diện cộng đồng Việt Nam lớn nhất hải ngoại, tôi tự hào là một phần của một cộng đồng đã chứng minh sự vươn lên qua một thời kỳ đầy bi thảm. Chúng ta đã xây dựng lại cuộc sống và đã không quên lịch sử ngàn năm của chúng ta cũng như gía trị của sự Tự do,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu. “Tôi mong rằng, cư dân khắp California sẽ cùng với tôi tưởng nhớ những sự hy sinh cho lý tưởng Tự do và Dân chủ và cảm ơn hàng triệu cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến Miền Nam Việt Nam.”

Là một nghị quyết được lưỡng viện thông qua, Nghị Quyết SCR 165 đã được sự ủng hộ của các thành viên trong Hạ Viện California, như Dân Biểu Ling Ling Chang và Dân Biểu Young Kim.

“Tôi vinh dự được tham gia với Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Dân Biểu Kim, và Tiểu Bang California trong việc ghi nhận những đóng góp của Miền Nam Việt Nam là Việt Nam Cộng Hòa, một nước dân chủ trên thế giới. Chúng tôi ủng hộ người dân Việt Nam như một tiêu biểu của sự tự do, “Dân Biểu Ling Ling Chang phát biểu.

Về phần mình, Dân Biểu Young Kim cho biết: “Tôi tự hào là đồng tác giả Nghị Quyết SCR 165 và tham gia tưởng nhớ 60 năm Việt Nam Cộng Hòa và ghi nhớ những người đã chiến đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Chính bản thân là một người di cư, tôi cũng hân hạnh ghi nhận những hy sinh và đóng góp của người Việt Nam với tiểu bang của chúng ta và Hoa Kỳ”.

……………………………………………………………………….

Tôi đã thấy
Nguồn:Blog RFA-Cánh Cò Blog– Thứ Bảy, 10/08/2016 – canhco

Tôi đã thấy chiều ngày 8 tháng 10, hàng trăm cảnh sát cơ động với những chú chó nghiệp vụ mõm bị bịt kín diễn tập chống phản động trước cổng Formosa.

Tôi đã thấy hơn hai mươi cái tên trên Facebook bị bắt ở Vũng Tàu vì cái tội tập trung do yêu nước.

Tôi đã thấy Thủ tướng ngồi ăn bát phở, uống café như một người dân bình thường. Báo chí ca tụng ông bình dân nhưng riêng tôi thì thấy ông độc ác sau khi đặt bút ký cái quyết định 1880 định đoạt số phận của người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa trong đó quy định trả lại đơn khiếu kiện Formosa, tức là ông hất chén cơm của anh chị em tôi ngoài kia và ngồi ăn bát phở trong này.

Tôi đã thấy máu bắt đầu chạy rần rật trong huyết quản của những lá đơn miền Trung, những tờ giấy không phải được viết ra bằng mực mà bằng máu tươi của người dân tôi cùng khổ.

Tôi đã thấy lịch sử bắt đầu viết một trang mới, từ con cá Formosa, từ chính quyền quyết tâm bảo vệ cho thép và từ sự lạnh lùng quay lưng với giọt máu Việt Nam.

Tôi đã thấy những con chó nghiệp vụ bị rọ mõm vì Cảnh sát cơ động không muốn chúng cắn càn, chúng phải cắn đúng đối tượng mà chính quyền muốn chúng cắn: nhân dân.

Những con chó hùng dũng bị rọ mõm ấy nhắc tới những con chó khác biết nói tiếng người nhưng lương tâm thì bị rọ, đang ung dung ngồi quán cà phê, gõ ly chờ nhìn cảnh thịt rơi máu đổ.

Tôi đã thấy những người bị bắt tại Vũng Tàu, bị còng tay chở về đồn buổi trưa, còng tay chở ra khỏi nơi bị bắt vào đêm tối, bị đạp xuống xe giữa đường mặc đêm đen hãi hùng bất kể họ là đàn bà con nít. Những con chó ấy mõm không bị rọ, vừa đánh đập anh chị em chúng tôi tại Vũng Tàu vừa gầm gừ như những con cảnh khuyển chờ được chủ thẩy ra vài cục xương tanh tưởi.

Tôi đã thấy người miền Trung âm thầm đọc kinh, âm thầm sám hối chuẩn bị cho ngày mai tăm tối đang chờ đón họ. Cái tăm tối ấy được dẫn đường bằng ánh sáng của chân lý. Họ dẫn dắt lịch sử chạy theo vết máu của mình để người sống tại các thành phố phồn hoa ghi xuống cho cả thế giới thấy thế nào là khủng bố.

Tôi đã thấy cuộc tắm máu sắp sửa nổ bùng, máu ai cũng màu đỏ nhưng máu của nhân dân bốn tỉnh miền Trung còn có thêm màu xanh của đại dương bị bức tử và màu trắng trợt của những con cá bị người ta nhét thép vào mồm.

Tôi đã thấy người dân khắp nơi lơ láo không biết làm gì khi tiếng than van gọi nhau chuyền từ nhà thờ này sang nhà thờ khác bằng những bài giảng, những lời cầu nguyện cho nạn nhân bị chó tấn công trước cổng Formosa.

Tôi đã thấy khói từ những họng súng chống biểu tình khi rừng rực oai hùng, khi lạnh lùng như rắn độc tấn công thẳng vào những chị, những mẹ, những cụ ông cụ bà. Và tôi cũng thấy họ bình thản như đang ngồi trong nhà thờ với Chúa.

Tôi đã thấy người dân chúng tôi không còn một mối, tan tác trăm nẻo mạnh ai nấy chuẩn bị tư thế cho mình. Tư thế được nhiều người chọn nhất: co mình lại thật chặt chờ cơn bão dữ thổi qua. Co mình lại càng chặt càng an toàn. Co mình tự vệ khi người khác dang tay, phồng ngực lên chống lại sự bất công của cường quyền bạo chúa.

Ôi tôi không còn muốn thấy nữa mà muốn ngồi im suy gẫm. Cái gì đang làm cho dân tộc tôi khốn cùng đến như vậy? Chúng tôi có còn là người Việt Nam nữa hay không? Nếu còn thì thứ tiếng Việt nào khi nói lên mới được mọi người cùng hiểu?

canhco’s blog Bình luận

……………………………………………………………..

Thời điểm để đứng lên hát lời công lý


Ảnh của tuankhanh
Nguồn:Blog RFA- Tuấn Khanh Blog-Thứ Sáu, 10/07/2016 – tuankhanh

Trò chuyện với ông Vũ Sinh Hiên về hiện tình Công giáo Việt Nam

Ông Vũ Sinh Hiên, một nhà chép sử và nghiên cứu Công giáo độc lập. Trước năm 1975, ông hoạt động trong Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo / Đại Học Sàigon, trong Phong Trào Trí Thức Công Giáo – PAX  ROMANA -. Một năm trước khi chế độ VNCH thất thủ, ông là Ủy Viên Tuyên Truyền – Nghiên Cứu – Huấn Luyện của Ban Chấp Hành Trung Ương Caritas Việt Nam”

Sau năm 1975, cùng hoàn cảnh với những người cùng thời với ông như Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín… ông Vũ Sinh Hiên bị công an theo dõi và ngăn cản suốt trong một thời gian dài, do các hoạt động nghiên cứu, hội họp trong giới tín ngưỡng của ông. Sau đó, ông tập trung vào nghiên cứu và ghi chép những đề tài lớn về Công giáo và xã hội, trong đó có đề tài “Những vấn đề giữa Công giáo và Cộng sản”, xuyên suốt từ năm 1945 cho đến nay.

Nhân sự kiện hàng trăm ngư dân miền Trung nộp đơn đòi Formosa và Nhà nước Việt Nam bồi thường sau thảm họa môi trường biển, đặc biệt là từ cuộc biểu tình của gần 18.000 người đòi công ty Formosa phải ngừng hoạt động và dọn ra khỏi Việt Nam, ông Vũ Sinh Hiên đã cho biết thêm nhiều chi tiết đáng lưu ý, liên quan đến cột mốc dân quyền lịch sử này.

Đã có hai lần, mỗi lần hơn 600 gia đình ngư dân ở miền Trung nộp đơn, đòi Formosa và Nhà nước phải bồi thường. Như ông đã nhận định đây là một cột mốc lịch sử của người Công giáo hành động vì xã hội, tổ quốc. Ông có nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ có một kết quả tốt?

Tôi muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng, những gì đã diễn ra, chỉ có một lời giải, đó là chính quyền hiện nay đã quyết tâm che chắn cho công ty Formosa. Họ sẽ làm mọi cách. Mọi thứ là trùng trùng lớp lớp ngăn chận người dân tiến đến công lý. Công an đã chặn xe, đã làm khó người nộp đơn. Giờ thì họ sẽ nhân danh rằng Formosa đã sòng phẳng, đã giao 500 triệu đô-la, nên chính quyền sẽ tìm mọi cách bảo vệ công ty này. Và cách đối phó của họ – có thể đoán trước – là Formosa sẽ đẩy hết mọi trách nhiệm cho chính quyền, từ chối trả lời người dân.

Tự bản thân tôi, với những điều đã ghi nhận từ các bài bản đối phó của nhà nước cộng sản, tôi tin vụ kiện này có giá trị khởi đầu nhưng khó có được kết quả về sau. Nhưng quan trọng hơn hết, việc nộp đơn kiện là một hành động đẹp. Đẹp cho xã hội, đẹp cho dân tộc.

Điểm quan trọng mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được, là tính đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau giữa người công giáo và lương giáo. Ví dụ cụ thể nhất là cuộc biều tình ngày 2/10/2106 tại Kỳ Anh, được ước tính là có đến 18.000 người tham gia vừa qua. Dù chủ trương hoàn toàn vì công lý và minh bạch, nhưng liệu điều này có khiến phía chính quyền đáp trả từ sự lo ngại không?

Chắc chắn là họ lo ngại. Hiện nay, thống kê khá chính xác cho biết Công giáo thật sự chỉ có khoảng 6-7 triệu tín đồ, nhưng đó là một lực lượng không dễ xé nhỏ, bẻ gãy. Người Công giáo lúc này không còn dễ đàn áp.

Hãy nhớ lại những chuỗi sự kiện mà người Công giáo đã trãi qua và dần dần có kinh nghiệm thì sau các biến động ở giáo xứ Thái Hà, tòa Khâm Sứ Hà Nội,  thì các nơi đang đối đầu với những sự sách nhiễu như Dòng Phao Lô Hà Nội, Mến Thánh GIá Dòng Thủ Thiêm… đã có đủ kinh nghiệm để phản ứng mạnh mẽ. Đặc biệt là Dòng MTG Thủ Thiêm, vốn đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền quận 2, đã có được bài học về việc chính quyền giải tỏa chùa Liên Trì.  Mọi thứ sẽ rất phức tạp nếu chính quyền chạm tay vào khu vực ấy.

Tôi nghĩ những hành động vừa rồi của người Công giáo Kỳ Anh nói riêng, và người Công giáo Việt Nam nói chung là điều nên làm, cần làm. Nếu vào lúc này người Công giáo không hợp lực và hành động thì sẽ không có ai dấn thân cho người dân đang bị nạn ở miền Trung. Hãy nhìn từ sự kiện chùa Liên Trì sẽ thấy, đó là phần cô độc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong bối cảnh hôm nay. Lợi dụng điều đó mà chính quyền đã tàn phá ngôi chùa.

Trong các ghi ghép của tôi về việc giao tiếp của người Công giáo và chế độ Cộng sản, thì từ 1945 đến nay, lần đầu tiên người Công giáo đoàn kết và cùng đứng lên mạnh mẽ như vậy. Người Công giáo đã nhẫn nhịn để có những cuộc diễn tập qua các vụ ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ… Tuy vui mừng nhưng tôi vẫn lo ngại, vì đảng Cộng sản đã chọn phía đứng che chắn cho công ty Formosa nên kết cục khó lường, thậm chí người dân có thể sẽ phải trãi qua những bách hại.

Thưa, ông vừa nói về sự đoàn kết là sức mạnh. Xin được hỏi ông rằng lịch sử của những người Công giáo đi cùng tiếng nói của nhân dân từ năm 1975 đến nay, vẫn có những trường hợp dường như rất cô đơn ngay trong chính giáo hội của mình. Chẳng hạn như trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, linh mục cha Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội… Vậy thì các hoạt động vừa rồi của linh mục Đặng Hữu Nam hay linh mục Trần Đình Lai, thậm chí là với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, đó là hành động tự phát hay đã có sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam?

Tôi biết ở Giáo phận Vinh, chẳng hạn linh mục Đặng Hữu Nam, thì nhận được sự đồng thuận. Tin tức từ Vinh cho tôi biết, giáo phận có cả một bộ phận đặc trách nghiên cứu về các vấn đề pháp luật, xã hội, hướng lý… luôn gắn kết với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Nhưng cô đơn là một ý nghĩa chính xác. Vì giáo phận Vinh cô đơn ngay trong Giáo hội Việt Nam. Hoạt động của Công giáo ở Việt Nam có những điểm đặc biệt: mỗi giáo phận đều hoạt động biệt lập và chỉ trực thuộc Vatican. Và đôi khi một giáo phận có hoạt động khác biệt thì thường chỉ nhận được sự im lặng từ các giáo phận khác. Có chăng thì có một vài tiếng nói của linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, và có một vài tiếng nói của các vị đã nghỉ hưu như Tổng Giám Mục Hoàng Đức Oanh… Mà với kinh nghiệm của mình, thì tôi lo ngại rằng ngay trong Giáo hội cũng đã không có sự đồng thuận. Và tôi sợ rằng ngay trong hàng Giám mục của người Công giáo cũng không có nhiều những người can đảm.

Vậy thì rõ là trong Giáo hội cũng không thống nhất được về việc sống và đứng cùng hoạn nạn của nhân dân. Nhưng trong những ghi nhận của ông, thì loạt hành động vừa rồi của những giáo dân miền Trung, giáo phận Vinh có cô đơn trong chính những tín hữu Công giáo của mình hay không?

Tôi cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về điều này, và nhận ra rằng giáo dân cả nước thì đồng thuận với những gì diễn ra ở Kỳ Anh, ở Giáo phận Vinh. Nhưng với hàng giáo phẩm nói chung từ Bắc chí Nam thì tôi không chắc. Vì hiện ngay cả với một vị Tổng giám mục ở Sài Gòn cũng là một người thích đi hàng hai, thích có địa vị về tín ngưỡng, nhưng cũng thích ve vuốt chính quyền. Đó là chưa nói đến nhiều linh mục vậy. Chính vì vậy mà tôi vừa kính trọng, vừa lo lắng cho những linh mục đang dấn thân cho con chiên của mình, cho nhân dân như linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Trần Đình Lai… vì họ cô đơn trên con đường của mình.

Công giáo đã từng rất cô đơn khi chính quyền Cộng sản cho ngang nhiên hạ thánh giá ở miền Bắc, một giám mục ở phía Nam đã quay lưng, nói rằng “chuyện của Giáo phận nào thì giáo phận ấy tự lo”. Hoặc ngay trong lúc cả nước, người Công giáo cùng toàn dân xuống đường phản đối ô nhiễm môi trường, cá chết và biển chết, thì cũng có một Tổng Giám mục từng lạnh lùng tuyên bố rằng “không nên đi biểu tình làm cản trở lưu thông”.

Cũng như những điểm yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có những điều ngặt nghèo tương tự như vậy.

Vậy thì, nếu như công việc đứng cùng nhân dân của giáo phận Vinh gặp khó khăn, Hội đồng Giám mục Việt Nam có khả năng sẽ làm ngơ?

Tôi không nghĩ đến lúc giáo phận Vinh gặp khó, mà ngay lúc này, người Công giáo Việt Nam đang chờ nghe tiếng nói của Hội đồng giám mục Việt Nam. Là một người Công giáo, tôi cũng chờ tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam đứng về phía lẽ phải, về phía công lý và con người Việt Nam.

Lúc này là lúc mà Hội đồng Giám mục Việt Nam cần chứng minh sự đoàn kết và tương ái của người Công giáo với nhau, của người Công giáo với dân tộc mình. Chúng tôi cần một tiếng nói đồng thuận và lời kêu gọi cầu nguyện cho giáo phận Vinh – nơi đó, đồng bào mình và dân tộc mình đang chấp nhận nguy khó để đến lẽ phải và tình thương.

Nhưng có lẽ, điều mà tôi cũng như nhiều giáo dân khác hy vọng, sẽ có thể từ Tân Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa mới được bầu tại Hội Nghị lần thứ XIII của HĐGMVN họp tại Tp.HCM từ ngày 3 đến 7 – io – 2016. Ban Thường Vụ mới của HĐGMVN sẽ gồm các Giám Mục ;
Chủ Tịch : Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, GM giáo phận Thanh Hóa
Phó Chủ Tịch : Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, GM giáo phận Phát Diệm
Tổng Thư Ký : Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM giáo phận Mỹ Tho
Phó Tổng Thư Ký : Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, GM giáo phận Hải Phòng

Ba trong bốn vị giám mục trong Ban Thường Vụ mới này đang coi sóc các giáo phận miền Bắc. Hai Đức Cha Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch đều đã long đong lận đận kể từ sau năm 1975 mới được lãnh sứ vụ Linh mục, rồi Giám mục. Đức cha Phó Tổng Thư Ký trẻ trung coi sóc giáo phận Hải Phòng thì ngay những năm tháng đầu của đời tận hiến của ngài, cũng đã từng chứng kiến những đắng cay của vị giám mục tiền nhiệm Khuất Văn Tạo và của Cây Đại Thụ Phạm Hân Quynh

Tôi biết rất nhiều linh mục muốn hành động với con tim chân chính của mình, nhưng họ bị trói buộc bởi những luật lệ và nguyên tắc. Mà một trong những trói buộc đáng sợ là những hàng giáo phẩm thích sống và chìu chuộng nhà nước thế quyền để tận hưởng vị trí của mình. Nhưng tôi tin là sự kiện ở Vinh sẽ tạo nên một làn sóng thức tỉnh. Thức tỉnh không chỉ với người dân nói chung, mà còn với những người chăn chiên ngủ quên nói riêng. Không có gì hơn lúc này, đây là thời điểm để đứng lên hát lời công lý.

Tuấn Khanh (ghi)

………………………………………………………………

Cá Hồ Tây chết và các hồ Hà Nội ô nhiễm
Nguồn:Hòa Ái, RFA- 2016-10-05


Theo báo chí VN, chính quyền thành phố Hà Nội đang huy động vớt hơn 200 tấn cá chết ở Hồ Tây để đưa đi chôn lấp.
Courtesy of VNEconomy
Cá Hồ Tây chết và nạn ô nhiễm các hồ ở Hà Nội

Hiện tượng hàng loạt cá chết nổi trắng Hồ Tây trong những ngày vừa qua khiến cư dân thủ đô và những người quan tâm lo ngại tình trạng ô nhiễm ở các hồ thuộc phạm vi thành phố phải chăng đang ở mức báo động?
Cá chết hàng loạt bất thường ở Hồ Tây

Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư Khai thác Hồ Tây, ông Phạm Văn Đông cho báo giới trong nước biết bắt đầu phát hiện nhiều loại tôm cá nổi trên mặt hồ sau cơn mưa lớn vào hôm 30 tháng 9 và đến chiều mùng 2 tháng 10 số lượng cá chết vớt được khoảng 4 tấn. Ông Đông nhấn mạnh rằng hiện tượng cá chết từng xảy ra ở Hồ Tây nhưng chưa bao giờ nhiều và bất thường như lần này.

Trước tình trạng cá Hồ Tây chết được cho là nghiêm trọng chưa từng có, chính quyền Hà Nội điều động lực lượng nhân viên lên đến cả ngàn người để thu gom cá chết và mang đi chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn. Tính đến cuối ngày 3 tháng 10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông báo đã có 76 tấn cá chết được xử lý.

    Hồ Tây lần này là lần đầu tiên em thấy cá chết nhiều như vậy. Không biết ngày mai họ thu dọn hết chưa, nhưng hiện tại ngày hôm nay em thấy nhiều lắm, bẩn và bốc mùi hôi thối.
-Một cư dân ở Hà Nội

Một cư dân ở Hà Nội, vào lúc 8 giờ 30 tối mùng 3 tháng 10, nói với Đài Á Châu Tự Do về những gì đang diễn ra ở khu vực Hồ Tây:

“Hồ Tây lần này là lần đầu tiên em thấy cá chết nhiều như vậy. Không biết ngày mai họ thu dọn hết chưa, nhưng hiện tại ngày hôm nay em thấy nhiều lắm, bẩn và bốc mùi hôi thối. Những người xung quanh khu vực đó phải tránh chỗ khác vì không chịu được mùi hôi thối đó.”

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào sáng mùng 4 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung báo cáo số lượng cá chết được thu gom và xử lý lên tới 200 tấn và đã đưa vào Hồ Tây 30 máy bơm sục khí tạo ô-xy cùng các chế phẩm cải tạo môi trường nước. Ông Chung cho biết thêm bắt đầu từ sáng mùng 4 tháng 10 mùi tanh nồng đã giảm, không còn thấy xác cá nổi trên mặt hồ và người dân trở lại sinh hoạt bình thường. Ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng cam kết với Chính phủ tiếp tục điều tra nguyên nhân để công khai cho dân chúng được rõ trong thời gian sớm nhất.
Nguyên nhân cá chết do đâu?

Nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây được Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hà Nội xác định là do nồng độ ô-xy trên bề mặt nước của Hồ Tây thấp. Kết quả xét nghiệm nồng độ ô-xy trong ngày mùng 3 tháng 10 là bằng 0 và tỉ lệ amoni cao 24 lần so với mức quy định. Chị cục Bảo vệ Môi trường không loại trừ nguyên nhân thời tiết thay đổi đột ngột, mưa nắng thất thường cũng góp phần khiến cho cá Hồ Tây chết hàng loạt. Bí thư Quận ủy Tây Hồ, ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng hiện tượng thiếu ô-xy trong nước có thể do thời tiết chuyển mùa.

Trong khi đó, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải lên tiếng với RFA không đồng tình tuyên bố của các cơ quan chức năng như vừa nêu:

“Tôi là người Hà Nội. Tôi sống ở Hà Nội từ năm 1955 và tôi đi khắp cả đất nước Việt Nam này cũng như rất nhiều nước trên thế giới. Trời mùa thu đẹp thế này, nhiệt độ từ 25 đến 33 độ C là cùng, nắng vàng, thỉnh thoảng có vài cơn mưa nhỏ mà bảo cá chết là do thời tiết thì đấy là sự không hiểu gì cuộc sống, ăn nói bậy bạ, trả lời công chúng như vậy có thể gọi là trả lời láo lếu. Đây chính là mùa cá phát triển nên nói như thế là phản khoa học, giống như là người ta bảo thủy triều đỏ làm chết cá ở khu vực có nhà máy thép Fomosa, nhưng thật ra không phải như vậy.”

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng Phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản I, đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải rằng không thể đổ lỗi cho thiên nhiên vì nước hồ mùa thu rất ôn hòa nên cá ít khi chết hàng loạt, lại thêm Hồ Tây hàng ngàn năm hiếm khi xảy ra hiện tượng cá chết như trong mấy ngày qua. Tiến sĩ Bùi Quang Tề phân tích khu vực Hồ Tây hiện nay đông dân cư nên có thể nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, có chứa chất hữu cơ chưa được xử lý, xả trực tiếp vào hồ khiến cá chết hàng loạt vì các chất hữu cơ là nguyên nhân gây thiếu ô-xy trong nước cũng như phân hủy ra các chất độc hại.

    Chuyện cá chết khắp hồ, khắp sông, khắp mọi nơi. Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây chỉ là hiện tượng như một sọt rác nhỏ hất vào đống rác vô cùng lớn ở Việt Nam mà thôi.
-TS Nguyễn Văn Khải

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về phương pháp lấy mẫu nước ở Hồ Tây để xét nghiệm mà Chi cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thực hiện với dự kiến trong một tuần nữa sẽ có kết quả, một số nhà khoa học trong nước khẳng định mẫu nước xét nghiệm phải được lấy khi cá bắt đầu chết, chứ mẫu nước xét nghiệm được lấy lúc cá chết đầy dẫy rồi thì không thể nào chính xác được. Các nhà khoa học còn đề cập đến nguyên nhân cá chết có thể bị tác động bởi tình trạng hàng tấn bùn đen đang đổ xuống sông Hồng, mà nhân viên Phòng Cảnh sát Môi trường nói với báo giới là loại bùn đen này có thể gây nguy hại môi trường không thể lường được.
Các hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết vụ việc cá chết bất thường ở Hồ Tây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công điện số 7 nhằm khẩn trương xác định nguyên nhân và khắc phục hiện trạng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trong thành phố. Tuy nhiên, đa số cư dân thủ đô mà Đài RFA tiếp xúc đều cho rằng các biện pháp chính quyền Hà Nội thực hiện chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, giống như cách họ đã làm khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Hoàn Cầu hồi đầu tháng 6 năm nay. Nhiều người trong số họ nói với chúng tôi rằng tình trạng các hồ bị ô nhiễm đã đến mức báo động như Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhận định:”Chuyện cá chết là rất nhiều, cá chết khắp hồ, khắp sông, khắp mọi nơi. Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây chỉ là hiện tượng như một sọt rác nhỏ hất vào đống rác vô cùng lớn ở Việt Nam mà thôi.”

……………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics