1.Vũ Thành,giấc mơ không thành(DTL)-2.Anh có vui không? Hai má còn hồng?(NL/NV)-3.Sài Gòn,những trưa hè nóng bức(VL/NV)-

Vũ Thành, giấc mơ không thành
Friday, June 13, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

giac mo
(Hình:
http://www.dongnhacxua.com/giac-mo-hoi-huong)

Là người từng có một thời gian dài cộng tác với ban nhạc Vũ Thành, ca sĩ cũng là giáo sư dương cầm Quỳnh Giao, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali viết:

“…Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức, và là nhạc trưởng trong ban nhạc ‘Việt Nhạc’ của đài phát thanh Hà Nội. Chính thời kỳ này nhạc của Vũ Thành được hát nhiều nhất. Âm hưởng thanh tao, óng ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành đem đến một luồng không khí mới mẻ cho nhạc Việt, lúc đó còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Ðặng Thế Phong, của Văn Chung, và một số của Văn Cao.

“Ngoài tài năng của một người viết ‘giai điệu’ ông còn là người soạn ‘hòa âm phối khí’ có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Cung Tiến được ông làm đẹp bằng những hòa âm công phu, tuyệt diệu. Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật.

“Ở đây, tôi xin được nói qua về vai trò quan trọng của người hòa âm. Thính giả khi thưởng thức một bản nhạc thường ghi nhận hai điều khiến họ thích thú: giọng hát của ca sĩ và tác giả của bài hát. Tên của tác giả đôi khi cũng bị bỏ quên hoặc bị lầm lẫn, huống hồ là người viết hòa âm cho ca khúc ấy. Nhưng nếu nghe lại cũng chính ca sĩ và bài hát đó không có phần hòa âm phối khí cho dàn nhạc, chắc chắn sự thích thú giảm thiểu đến 80%. Tôi xin ghi ra ví dụ: Ban hợp ca Thăng Long nếu không có Phạm Ðình Chương viết hòa âm và bè cho từng giọng ca, thì thử tưởng tượng những giọng ca vàng ấy sẽ hát ra sao? Có nghệ thuật không nếu họ đồng ca một giọng như một toán quân trong quân trường…” (4)

Nói cách khác, Vũ Thành là một trong vài nhạc sĩ không chỉ đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho kho tàng ca khúc Việt mà, ông còn là người có công “nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật” nữa.
Theo nhận định của một số nhạc sĩ từng theo dõi và có nhiều cơ hội sinh hoạt với nhạc sĩ Vũ Thành thì, tuy là người sống khép kín, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng ông lại là người rất nặng tinh thần hoài hương. Nói rõ hơn là nhớ thao thiết nơi sinh trưởng của ông.

Những người yêu ca khúc của ông, không chỉ cảm được tấm lòng đau đáu của ông dành cho Hà Nội, qua ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương” với những ca từ như:

Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn “em’ mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi

Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thu
Lắng tiếng tiêu buồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước…
mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ

Mơ ước thấy “em” một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng huy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài… (5)

(Mà) trong số rất ít những sáng tác để lại cho đời, nhạc sĩ Vũ Thành còn có ca khúc “Hoài Hương Dạ Khúc,” viết trước và sau biến cố tháng 4, 1975, ở xứ người.

Vẫn là những nhớ thương quê cũ tới nao lòng, vẫn là những khắc khoải, tuồng như không biết nói với ai, than thở cùng ai, ông viết:

…Âm thanh nơi đâu
Từ muôn kiếp nào nghe như tiếng sầu
Phải chăng lời gió
Hoài thương khóc mây như mây hợp tan
Hay chăng đêm xuân
Muôn hoa hé môi nhẹ đưa tiếng lòng
Thiết tha niềm vui sống
Ước mơ ngày tái xuân

Ai nơi quê xưa
Giờ đây khuất mờ chìm trong bóng tà
Gợi niềm thương nhớ
Tàn phai bao năm tháng những ngóng trông cùng chờ
Thôi thôi hoa ơi
Lá ơi mau mau ngừng gió thôi reo bên rừng
Gợi chi ân tình xưa
Ðã phai cùng trăng mờ.
(Vũ Thành, Hoài Hương Dạ Khúc, lời #1)

Và đây là lời 2, họ Vũ viết sau 1975, ở quê người:

Âm thanh nơi đâu
Nhẹ vương tiếng đàn đẹp như tiếng lòng
Phải chăng lời gió
Hoài thương phút giây nước mây hợp tan
Hay hương đêm xuân
Hòa trong gió theo màn sương lắng dần
Thiết tha niềm vui sống mới
Ước mơ ngày tái xuân

Ai nơi quê xưa
Giờ đây khuất mờ chìm trong bóng tà
Gợi niềm thương nhớ
Tàn phai bao năm tháng những ngóng trông cùng chờ
Thôi thôi hoa ơi
Lá ơi mau mau ngừng gió thôi reo bên rừng
Gợi chi bao ngày vui qua
Hãy thương vầng trăng tà. (6)

Chấm dứt phần lời thứ hai, viết cho ca khúc “Hoài Hương Dạ Khúc” với câu “Hãy thương vầng trăng tà,” giống như tiếng kêu thương khản giọng của một con chim lạc đàn giữa thiên nhiên quay lưng và, dĩ vãng khua thức bao kỷ niệm…

“Hãy thương vầng trăng tà” hay hãy thương cho chính tác giả? Bởi vì “vầng trăng tà,” ba chữ này, cũng cho tôi liên tưởng tới hình ảnh của chính họ Vũ, những ngày cuối đời, nơi đất khách, quê người của ông.

Tôi biết, cho tới khi từ trần, chưa một lần “giấc mơ hồi hương” của ông trở thành sự thật! Cây cỏ, thiên nhiên cũng không cho thấy dấu hiệu chia sẻ lời xin thiết tha của ông.

Nhưng, bằng cách riêng, “Giấc Mơ Hồi Hương” đứa con tinh thần của Vũ Thành, đã về và ở lại quê hương, vì giá trị nghệ thuật cũng như tấm lòng thương nhớ quê nhà, vằng vặc tựa trăng sao của ông.

(Garden Grove, Tháng Năm 2014)

Chú thích:

(4) Theo sưu tầm của Phan Anh Dũng. Nđd.
(5) Theo Wikipedia.
(6) Nđd.

………………………………………………………………….

Anh có vui không? Hai má còn hồng?
By ngoclan· June 8, 2014 ·

Nguồn:nguoiviet.com

Bài hát “Một lần nào cho tôi gặp lại em” nó hay đến thê thiết, đến não lòng, đến chảy nước mắt là vậy. Thế mà hôm rồi trên đường lái xe, nghe đài LS radio phát bài này qua giọng hát của một nường nào đó mà tui cười đến đau cả ruột.

Là bởi

Vì người hát là một mợ nên mợ muốn sửa chủ ngữ lại thành “em” – trong khi chủ ngữ của tác giả là “anh” – cho nó có phần “tâm trạng” một tí.

Nhưng mà, trời ơi là trời. Vì chủ ngữ là “anh” nên mới có nỗi khắc khoải, da diết kiểu đàn ông nhớ về một bóng hình con gái, là nhớ mái tóc, nhớ giọng nói, nhớ đôi má hồng.

Bây giờ mợ sửa như vầy:

“Ôi mái tóc mây bay

Giờ còn không

tiếng nói thơ ngây

Giờ còn không,

Anh có vui không?

Hai má còn hồng?”

Má ơi, nhớ Anh mà nhớ mái tóc mây bay. Nhớ Anh mà nhớ tiếng nói thơ ngây. Nhớ Anh mà nhớ đôi má còn hồng. Vậy Anh này là pê-đê!

Đó là chưa nói đến cái ray rứt, vấn vương trong lời bài hát mà chỉ có người con trai trông ngóng để nghe từ người con gái một thời mình mê đắm, chứ không thể nào là ngược lại.

Tương tự nỗi oái ăm như vậy là Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An.

Nàng nào đó cũng nức nở, nghẹn ngào, đau đớn, quặn thắt để mà “Nhớ Anh nhiều nhưng chẳng nói /Nói ra nhiều cũng vậy thôi”

Cho đến lúc cao trào của sự hờn trách: “Này Anh hỡi, Con đường Anh đi đó, Con đường Anh theo đó, Sẽ đưa Anh sang đâu. Mưa bên chồng…”

Chết man, chỗ này đổi lại “mưa bên vợ” nó hỏng có được, nó hỏng có xuôi theo khuôn nhạc. Mà hát “Mưa bên chồng có làm Anh khóc, có làm Anh nhớ những khi mình mặn nồng” thì, hahahaha, “ai can du”

Làm ơn đi, hát thì cứ hát và hát cho đúng lời mà tác giả đã ghi ra, bởi vì nó là ý đồ, là sự gửi gắm, người nghe cảm nhận được hết á, trong những ý tình đó. Đừng có sửa từa lưa nó mắc cừ lắm, trời ạ.

Giá mà nó là “Thói đời” theo kiểu “Đường thương đau đầy ải nhân gian,ai chưa qua chưa phải là người” mà giờ nghêu ngao “Đường tương, chao, đậu hủ dưa leo ai chưa ăn chưa phải thầy chùa…” thì cũng là đành

Cuối cùng, tình cờ đọc lại hết bài thơ “Giang Hồ” của Phạm Hữu Quang, khoái quá, chép ra đây để mọi người có sức làm việc ngày đầu tuần và chờ đến cuối tuần đi giang hồ nửa buổi thôi là thấy đời vui rồi, không cần “giang hồ ba bữa buồn một bữa” như thế này 🙂

Tàu đi qua phố, tàu qua phố

Phố lạ mà quen, ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày đi ta chỉ có tay không,

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa, trắng cả lòng…

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chẳng chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều

Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu…

Giang hồ ta chẳng thay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương

Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,

Thấy núi thành sông biển hoá rừng

Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió

Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

…………………………………………………………………

Sài Gòn, những trưa Hè nóng bức
Nguồn:nguoiviet.com-Monday, May 12, 2014

Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn mặc dù đã có mấy cơn mưa từ tháng 4, nhưng tháng 5 này mới thực sự mở đầu cho những ngày nắng, nóng khủng khiếp.

Những trưa Hè thực sự khiến người ta phải “tùy nghi di tản,” đi trốn nắng, đi “tị nạn” cái nóng trong điều kiện có thể.

Tiệm nước sâm bán rất chạy trong những ngày nắng nóng ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)*

Với mấy bà nội trợ, cũng như dân nghèo mà tương đối rảnh rỗi thời gian, hay dân thất nghiệp, thì những trưa nắng nóng “thượng sách” nhất là cứ tới mấy siêu thị hoặc nhà sách lớn. Vì những nơi này hệ thống máy lạnh hoạt động khá tốt, vừa được hưởng cái lạnh “free,” vừa được ngó nghiêng món hàng này hàng nọ, hoặc đọc “cọp” sách này sách kia.

“Ðiên người” nhất là những trưa nóng mà nhiệt độ lên tới 38 hoặc 39 độ C, mà theo các chuyên gia trong “khu rừng” toàn bê-tông của Sài Gòn, khi nhựa đường chảy ra gây bức xạ nhiệt, với sự xả khói của hàng trăm ngàn xe hơi và hàng triệu xe máy thì nhiệt độ nhiều nơi có thể lên tới 41- 42 độ C.

Cộng thêm vào đó là những khu vực ở Sài Gòn bị cúp điện đột xuất, do sự quá tải của lưới điện. Thế là cư dân của mấy khu nhà “ổ chuột,” khu chung cư tồi tàn và lẽ dĩ nhiên là cúp điện thì nhà giàu cũng…khóc, mọi người lũ lượt kéo nhau ra khỏi nhà đi tìm nơi trốn nóng.

Chú Tư, một cư dân thuộc một chung cư ở quận Phú Nhuận, cho biết là “nhờ” những ngày nắng nóng mà lại cúp điện, chú đã tìm lại được thú vui của ngày xưa.

Số là, thời trẻ cho tới những năm còn đi làm chú Tư đã mua và “tích cóp” được một tủ sách, trong đó có nhiều cuốn đọc đã lâu, nhiều cuốn chỉ đọc lướt, hoặc dở nửa chừng, có cuốn mua rồi mà chưa đọc.

Cuộc sống vì cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi, thế rồi nhờ những trưa nắng nóng, cúp điện lại nhân lúc tuổi cũng đã lớn đành giao công việc lại cho con để hưu dưỡng.

Thế là, những trưa Hè nắng nóng cúp điện, mặc ai đi “tị nạn” ở đâu thì đi, chú Tư mở bung hết cửa lớn, cửa bé của căn phòng chung cư, lầu 3 tìm chút gió đối lưu. Rồi kéo chiếc ghế dựa ra “trấn” ngay cửa tiếng là ngồi coi nhà, rồi thong thả lần giở những trang sách cũ ra đọc lại.

Sài Gòn những ngày tháng 5 này ra đường, ai cũng trang bị giày vớ, nón mũ (nhất là phụ nữ) trùm kín mít từ đầu tới chân, chỉ hở hai con mắt qua cặp mắt kiếng chống nắng đen thui. Vì nắng tháng 5 này không phải là nắng thường nữa, mà là nắng lửa, táp tới đâu là cháy da, cháy thịt tới đó.

Trưa nóng, bác xích-lô tranh thủ tìm chỗ hiên vắng làm “một giấc.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)**

Ngoài việc chống cái nắng nóng bên ngoài bằng những đồ “bảo hộ” kể trên, dân Sài Gòn còn phải chống cái nóng bên trong bằng đủ cái loại nước giải khát, giải nhiệt.

Mấy ngày này, đi ngang mấy xe nước mía nào cũng thấy chất đầy xác bã mía cao nghêu, dù thấy người mua chỉ lưa thưa. Vì đa phần ai cũng tranh thủ trưa nắng chạy vội ra mua mấy ly đem về nơi “trú ẩn,” trước là giúp mình, sau là làm “phước” cho người thân. Chứ không mấy ai, trưa Hè nắng như đổ lửa, lại đủ can đảm ngồi ngay tại quán nước mía vỉa hè để giải khát, vì không chừng ly nước mía uống chưa hết thì đầu đã…bốc khói.

Chú Huê, một người chạy xe Honda ôm tại khu vực ngã ba Chú Ía (cũ), nay đã thành bùng binh ngã 6 Nguyễn Thái Sơn, cho biết: “Trưa nắng vầy, chỉ có trà đá với bia ướp lạnh mới hạ nhiệt nổi, chứ ba cái nước mía với nước ngọt, thì càng uống…càng khát!”

Chiều xuống, khi nắng Hè Sài Gòn đã bớt gay gắt, người ta kéo nhau ra mấy quán nước vỉa hè tìm chút gió chiều. (Hình: Văn Lang/Người Việt)***

Nhưng giữa cái ồn ào, nắng nóng khói bụi kinh khiếp của Sài Gòn, “mặc ai đi ngược về xuôi,” các đệ tử của Lưu Linh vẫn bình chân như vại, vẫn nâng lên hạ xuống cái ly “xây-chừng” đong đầy “nước mắt quê hương.”

Trong trưa Hè nóng nực, bực bội, ai cũng lo đi trốn nóng hoặc tranh thủ “chợp mắt” một chút trước khi vô đầu giờ chiều làm việc. Như bác xích-lô già kiếm góc hiên nhà nào vắng “ghếch” đầu xe lên “phê” một giấc, mấy người thợ hồ hay dân lao động tay chân thì tranh thủ chỗ nhà chờ xe buýt có chút bóng mát cũng “phê” một chút trong khi chờ xe.

Những công việc làm ăn buôn bán khác vẫn diễn ra bình thường, nhưng những ngành mà có liên quan tới chữ “lạnh” thì đặc biệt “lên ngôi “ trong mùa nóng này. Như cà-phê máy lạnh, hớt tóc máy lạnh (mà thực chất thì lại nóng), bia ướp lạnh…bán mạnh hơn những tháng trước rất nhiều. Mặt hàng quạt, máy lạnh cũng đang vào mùa “hốt bạc,” thậm chí có bà bán xe nước mía vỉa hè còn khoe có ngày bán tới hơn 2,000 ly…

Một trưa, đầu tháng 5 trong cái nắng như “táp lửa” vào mặt, chúng tôi đang rà xe tìm một xe nước giải khát quanh vỉa hè khu giao lộ giữa Nguyễn Chí Thanh với Sư Vạn Hạnh. Chợt một bóng hồng thoáng qua, với mái tóc thề bay bay, nhớ câu thơ của Nguyên Sa: “Nắng Sài Gòn em đi mà chợ mát…” Bỗng cô gái có vóc dáng ngoan hiền, rất ra dáng con nhà lành, rà xe sát chúng tôi và hỏi: “Ði chơi không anh?!”

Câu này nghe quen quá, nhất là ở mấy khu có nhiều bướm đêm hoạt động. Vậy mà nay bướm đêm lại hoạt động giữa ban ngày, có lẽ mấy cô làm đêm không đủ (xài) nên tranh thủ kiếm luôn khách ban ngày.

Khi ra trú nắng ở khu vực công viên gần nhà thờ Ðức Bà, giữa trưa Hè oi bức chúng tôi lại bị tình trạng “vé số xổ liền” níu áo. Cô gái với xấp vé số trên tay mời chào, khi chúng tôi lắc đầu không mua, bất chợt cô đề nghị: “Không mua số, thì mua em đi, một giờ vô máy lạnh với em, em chỉ lấy 100 ngàn thôi!”

Một người đàn ông trung niên, dáng dấp có vẻ là một ông thầu khoán nhỏ chờ xe tới góc công viên, cô bán vé số lại chạy tới mời chào. Người đàn ông bỏ xấp vé số vô túi, đếm tiền trả, cô gái lại tiếp tục “kề tai” to nhỏ, rồi leo lên xe máy của người đàn ông, chiếc xe máy nhanh chóng vọt đi để lại một làn khói xanh lơ lửng trong cái oi bức đến ngột ngạt của trưa Hè Sài Gòn…

*** NN chú thích: Những hình ảnh trong bài này đã không còn khi chúng tôi đăng tải bài viết-***

………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics