1.Xã hội VN đã 'chạm ngưỡng báo động'(BBC)2.Hiện tượng LC Trung(VB)3.Trọng lật đổ Dũng..(VB)

Xã hội VN đã ‘chạm ngưỡng báo động’
Nguồn: Quốc Phương BBC Việt ngữ -12thang’ 3,2016

cham nguong -tu huy.jpg1

TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng xã hội Việt Nam đang ở tình trạng khủng hoảng báo động về mọi mặt vào thời điểm 2016.

Xã hội Việt Nam thời điểm 2016 đã ở vào tình trạng khủng hoảng ‘chạm ngưỡng báo động’, trên mọi phương diện dù rằng nền kinh tế có vẻ như đang được phục hồi, theo một nhà quan sát chính trị xã hội Việt Nam từ Pháp.

Đảng cộng sản Việt Nam liệu có đủ năng lực để tiến hành cải cách hay không còn phụ thuộc vào việc Đảng có thể vượt qua được trở ngại lớn trong chính cơ chế và lề lối tư duy của mình, đó là quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/3/2016. Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi được thực hiện qua bút đàm sau đây:

Vậy thì hãy để cho các ứng viên tự do như ông Nguyễn Quang A tiến hành phép thử của họ. Phép thử này sẽ giúp cho tất cả các bên (đảng, ứng viên tự do, nhân dân) nhận rõ nhiều điều. Theo tôi, đây là một việc hết sức cần thiết trong thời điểm này
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

BBC: Gần đây, một số ứng viên độc lập ở Việt Nam đồng loạt bước ra tự ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có TS. Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự có tiếng, trong lúc đó Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản khóa mới và Quốc hội Việt Nam sắp mãn nhiệm đã đang bàn bạc về sắp xếp nhân sự lãnh đạo nhà nước cho cuộc bầu cử, bà nói gì về các chuyển động này?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Trong giới bất đồng chính kiến và giới hoạt động cho dân chủ hóa ở Việt Nam, tôi là một trong số rất ít người nhìn thấy một vài khía cạnh tích cực trong việc lựa chọn nhân sự cao cấp ở Đại hội XII vừa rồi. Đa số dường như rơi vào tình trạng bi quan và mất hết niềm tin, vì nhìn nhận sự thất bại của Thủ tướng như là dấu chấm hết của hy vọng cải cách. Tôi biết, tôi bị mọi người cho là « lạc quan tếu » khi nhìn nhận ngược lại rằng, chính là cùng với Tổng bí thư mà chúng ta có hy vọng cải cách.

Tuy nhiên, một cách khách quan, và dưới con mắt lạnh lùng của một người làm phân tích và làm nghiên cứu, tôi phải nói rằng, cách thức bổ nhiệm nhân sự lần này mất dân chủ hơn rất nhiều lần, so với trước đây. Lấy một ví dụ : Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn không có quyền lựa chọn lãnh đạo của mình. Chức Bí thư của hai thành phố này bị áp thẳng từ trên xuống. Đảng hoàn toàn không thể dùng từ « bầu cử » (dù chỉ là mị dân, dù chỉ là hình thức, như vốn xưa nay), trong những trường hợp này chỉ có thể nói là đảng áp đặt lãnh đạo lên người dân của hai thành phố này. Ví dụ này điển hình cho việc người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền chọn lãnh đạo của mình. Thế nhưng, lãnh đạo các cấp, kể từ người lãnh đạo cao nhất, đều tự nhận là hệ thống hiện đang rất « dân chủ », bầu cử lần này rất « dân chủ ». Nếu làm việc theo cách thức như vậy mà vẫn tự cảm thấy mình dân chủ, thì hoặc là tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân, hoặc là không hiểu một chút gì về khái niệm dân chủ.
Tác giả cho rằng từ 2-5 năm tới khó có gì gọi là ‘ẩn số’ khi bình luận về chính trị Việt Nam và quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Vậy thì hãy để cho các ứng viên tự do như ông Nguyễn Quang A tiến hành phép thử của họ. Phép thử này sẽ giúp cho tất cả các bên (đảng, ứng viên tự do, nhân dân) nhận rõ nhiều điều. Theo tôi, đây là một việc hết sức cần thiết trong thời điểm này.
Không có ẩn số

BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là đang trong một giai đoạn chuyển giao, chưa rõ khi nào ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn giao chức Tổng Bí thư mà ông mới tái đắc cử cho người kế nhiệm, dường như chính trị Việt Nam từ ít nhất 2-5 năm tới còn nhiều ẩn số?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Từ 2 đến 5 năm tới, khó có cái gì gọi là ẩn số. Quyền lực chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại vẫn rất vững chắc. Đảng đang có tất cả các phương tiện để củng cố quyền lực của mình.

Sự chuyển giao quyền lực từ một tổng bí thư này sang một tổng bí thư khác không làm thay đổi hệ thống chính trị, không làm giảm thiểu khả năng tha hóa và làm tha hóa của hệ thống quyền lực, chừng nào quyền lực chính trị vẫn còn không được kiểm soát bằng một cơ chế thực sự dân chủ: cơ chế tam quyền phân lập
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

Đa số người dân đã quen chịu đựng và bị buộc phải đặt vào tình trạng phi chính trị, họ không quan tâm đến các hoạt động chính trị, và cũng chưa hiểu được ý nghĩa của chính trị đối với cuộc sống của mình, nhu cầu vật chất vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu, kể cả ở giới lao động trí óc. Sự tiến triển của xã hội dân sự hiện đang rất chậm chạp. Các tổ chức chính trị và các đảng phái chính trị ngoài đảng cộng sản chưa hình thành được ở Việt Nam.

Vì vậy, những người muốn Việt Nam được dân chủ hóa sẽ phải làm việc rất nhiều, rất nhiều, nếu họ muốn sau 5 năm nữa có những thay đổi mang tính chất ẩn số.

Nếu chúng ta không nỗ lực đủ thì tình trạng sẽ còn kéo dài chưa biết bao lâu. Václav Havel (BBC: nhà văn, kịch tác gia, cố tổng thống CH Czech) từng nói rằng hệ thống toàn trị làm tha hóa con người, và đến lượt mình con người tha hóa sẽ củng cố hệ thống đó.

Đông Âu cộng sản đã thoát khỏi hệ thống tha hóa ấy từ hơn hai mươi năm nay, và trong chừng đó thời gian chúng ta đã tiếp tục trượt dốc tha hóa. Liệu chúng ta còn đủ khả năng chống lại sự tha hóa đó hay không, hay sẽ tiếp tục củng cố nó, cốt chỉ để tồn tại qua ngày?

Hãy nhìn Bắc triều tiên, vốn cùng một dân tộc với Nam Triều tiên, để thấy rằng một hệ thống chính trị tha hóa có thể dẫn con người tới đâu.
Image caption Năm 1975, Václav Havel, nhà văn, kịch tác gia của Tiệp Khắc, từng cho rằng quốc gia cộng sản này khi đó đang rơi sâu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.

Sự chuyển giao quyền lực từ một tổng bí thư này sang một tổng bí thư khác không làm thay đổi hệ thống chính trị, không làm giảm thiểu khả năng tha hóa và làm tha hóa của hệ thống quyền lực, chừng nào quyền lực chính trị vẫn còn không được kiểm soát bằng một cơ chế thực sự dân chủ: cơ chế tam quyền phân lập.
Chạm ngưỡng báo động

BBC: Từ một người làm nghiên cứu, lý luận về văn học, nay quan sát và phân tích chính trị Việt Nam từ hải ngoại, bà có nhận xét gì về xã hội và chính trị Việt Nam giai đoạn hiện nay?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Năm 1975, Václav Havel, trong một bức thư gửi Gustav Husák, Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc lúc đó, có nói về xã hội Tiệp Khắc như sau:

Nếu xã hội cộng sản Tiệp Khắc ở thời điểm năm 1975 được đặc trưng bởi tính chất của một cuộc khủng hoảng mà Havel xem là nguy hiểm nhất, thì xã hội Việt Nam thời điểm 2016, theo tôi, đã ở vào tình trạng khủng hoảng chạm ngưỡng báo động, trên mọi phương diện
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

“Tôi dám khẳng định rằng – bất chấp mọi thực tế hấp dẫn bên ngoài – bên trong, xã hội của chúng ta […] đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngày càng sâu hơn, một cuộc khủng hoảng mà về mặt nào đó còn nguy hiểm hơn mọi cuộc khủng hoảng chúng ta từng biết trong lịch sử cận đại,” (theo bản dịch của Phạm Nguyên Trường).

Nếu xã hội cộng sản Tiệp Khắc ở thời điểm năm 1975 được đặc trưng bởi tính chất của một cuộc khủng hoảng mà Havel xem là nguy hiểm nhất, thì xã hội Việt Nam thời điểm 2016, theo tôi, đã ở vào tình trạng khủng hoảng chạm ngưỡng báo động, trên mọi phương diện.

Dù rằng nền kinh tế có vẻ như đang được phục hồi, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn (được tích tụ trong suốt nhiều thập kỷ quản lý bằng tham nhũng) thì chưa biết sẽ bùng nổ cụ thể vào thời điểm nào và dưới hình thức nào, nếu vẫn tiếp tục phương thức quản lý hiện tại và không có các biện pháp hữu hiệu để xử lý hậu quả của các đường lối và chính sách vẫn duy trì cho đến tận lúc này.

Trên những phương diện khác (văn hóa, giáo dục, y tế, luật pháp, đạo đức xã hội…) cuộc khủng hoảng cũng đang ở ngưỡng báo động, chỉ có điều là người dân và chính phủ Việt Nam có dám đối diện với sự thật về cuộc khủng hoảng này hay không mà thôi.
Đang có một phong trào tự ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, mà TSKH Nguyễn Quang A là một trường hợp.

Và có bao nhiêu người tự xem là thuộc tầng lớp trí thức dám nhìn nhận rằng mình đang sống trong khủng hoảng, và đang tạo ra nó, bằng chính lối sống và lối làm việc hàng ngày của mình?
Cải cách chính trị?

BBC: Bà từng đặt câu hỏi trong một series bài blog trên truyền thông quốc tế rằng liệu Việt Nam có thể thực hiện cải cách chính trị. Câu hỏi đó chỉ đặt ra riêng cho Đảng Cộng sản đang cầm quyền, hay còn cho toàn xã hội, hoặc cho những chủ thể chính trị, xã hội nào khác?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Câu hỏi đó dĩ nhiên được đặt ra cho Đảng cộng sản Việt Nam và cho tất cả mọi người, hay như ông nói, cho toàn bộ xã hội.

Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện đang ở thời điểm phải tự biện minh cho tính chính danh của mình. Sự yếu kém trong việc quản lý và xây dựng đất nước, sự thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải, giờ đây đã không còn có thể giấu giếm được nữa.

Nếu như đảng có thể chống lại một vài người bất đồng chính kiến hoạt động đơn độc, bằng cách đàn áp họ và biến họ thành phản động…, thì đảng không thể chống lại cả xã hội. Bởi vì một khi cả xã hội, hoặc phần lớn mọi người trong xã hội đều phản ứng, thì lúc đó, phản động sẽ trở thành tiến bộ
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

Vì thế mà nhu cầu tự biện minh cho tính chính danh của độc quyền lãnh đạo xuất hiện một cách thường trực trong diễn văn của các đảng viên lãnh đạo (dưới nhiều hình thức khác nhau: tự kể công lao của đảng, tự ca ngợi đảng, bắt nhân dân phải nhớ ơn đảng…).

Nhu cầu tự biện minh này chứng tỏ rằng những người lãnh đạo hiểu rằng độc quyền lãnh đạo không phải là điều đương nhiên đối với đảng cộng sản, kể cả khi họ dùng điều 4 của Hiến pháp để áp đặt độc quyền này lên toàn xã hội. Họ biết như tất cả mọi người rằng đảng viên không phải sinh ra là để làm lãnh đạo. Họ cũng hiểu rằng, đảng muốn mạnh, muốn có chính danh và được thừa nhận thì không thể tiếp tục suy thoái như hiện nay.

Nói cách khác, họ biết rằng cần phải cải cách. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam có đủ năng lực để tiến hành cải cách hay không, đối với Đảng, đó là một câu hỏi lớn và là một câu hỏi khó. Bởi vì, không ai khác, không cái gì khác, mà chính cơ chế và lề lối tư duy sẽ ngăn cản Đảng cải cách.

Tuy nhiên, khi toàn xã hội có nhu cầu cải cách, và bộc lộ nhu cầu này thành những áp lực đủ mạnh, lúc đó đảng buộc phải cải cách. Bởi vì, nếu như đảng có thể chống lại một vài người bất đồng chính kiến hoạt động đơn độc, bằng cách đàn áp họ và biến họ thành phản động (làm vậy thật quá dễ, và có thể nói là hèn, đối với cả một bộ máy quyền lực!), thì đảng không thể chống lại cả xã hội. Bởi vì một khi cả xã hội, hoặc phần lớn mọi người trong xã hội đều phản ứng, thì lúc đó, phản động sẽ trở thành tiến bộ.
**Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.

…………………………………………………………………………………..

Hiện Tượng Lý Chánh Trung
Nguồn: vietbao.com- 16/03/2016

Nguyễn Quang

Hiện Tượng Lý Chánh Trung

giao su lct.jpg1
Miền Nam tự do trước đây có những nhân vật xuất hiện không phải là biểu tượng của sinh viên, trí thức, nhưng là hiện tượng nổi lên vào thời đó như Phạm Công Thiện và ở đây xin ghi lại vài hành vi trong sinh hoạt chính trị của giáo sư Lý Chánh Trung, nếu nói theo duy vật biện chứng, qua hiện tượng để hiểu bản chất, hy vọng với các dấu chỉ nầy có thể hiểu được phần nào bản chất con người thật của Ông Trung.

Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung phụ trách môn đạo đức học thuộc Khoa Triết, tôi là sinh viên ban triết học nên thường xuyên gặp giáo sư tại giảng đường. Những bài giảng của Ông không có gì đặc biệt, ngoài trừ trong lối diễn giải của ông khi chiếc ống tẩu thuốc lá từng hơi, nhíu môi, nhịp nhàng với những lời châm biếm về những bạo chúa sau luôn hơn hẳn các bạo chúa trước. Hình ảnh còn lại của Ông với sinh viên, đó là chiếc tẩu luôn trên tay như giúp che lấp phần nào cái mũi hểnh, trống trải của ông.

Bên sau sự trống trải bề ngoài đó ẩn sâu một con người đăm chiêu với nhiều toan tính mà mắt thường chúng ta không mấy ai nhận ra, ông đang có những âm mưu gì, ngoài sự nhận xét chung trong những năm tháng tại Văn Khoa Sài Gòn: Ông chỉ là cái bóng của Giáo sư Nguyễn Văn Trung.

Thời gian Ông Lý xuất hiện tại Phong trào Pax Romana, trụ sở tại Tân Định, Lm Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Cha sở về sau là Giám mục, giáo sư có những phát biểu bênh vực người nghèo, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc được đặt lên qua nhiều lần phát biểu của Ông tại đây, nhưng để ý một chút ai cũng nhận ra, sau những bài phát biểu của Ông là cần phải dẹp ngay cái chế độ Miền Nam, thối nát tham nhũng, tay sai của Đế quốc Mỹ.

Thật vậy, cho đến khi cái ngày gọi là “Báo chí đi ăn mày”, Ông Lý xuất hiện nhào ra phía trước như giới văn nghệ sĩ sắp chết đói đến nơi, khi nhìn lại thực tế người dân miền Nam có mấy ai chết đói, nhất là tại các vùng Quốc gia, khiến mọi người suy nghĩ về những âm mưu chính trị của những trí thức như Ông, nhằm lật đổ chế độ tự do miền Nam với sự xuất hiện của thành phần thứ ba mà sau đó Ông rất hãnh diện, nếu tôi không nhầm, đã từng nghe trực tiếp về sự tự nhận của ông ở thành phần thứ ba này.

Sinh viên chúng tôi đọc sách của Ông, đều cảm nhận rất nóng, nhưng chỉ đọc đến lần thứ hai, thế là không muốn đọc thêm nữa vì nó mang tính nhất thời không có các giá trị phổ quát như sách của giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần.

Những khát vọng tìm về dân tộc của Ông như nét đặc thù của Lý Chánh Trung được trả lời sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nó lộ hẳn bản chất dân tộc này, khi Ông là một trong số các nhân vật trí thức miền Nam được tuyển chọn đưa ra miền Bắc đầu tiên và sau chuyến đi khi trở về Ông tường thuật: “Chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết khi gặp trí thức miền Bắc và cùng nhau trong nổi vui mừng, nhảy múa đồng ca bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Chúng tôi cũng được tặng các bộ sách quý như Mác Lê Nin toàn tập….”

Sinh viên khoa Triết khi nghe lại tường thuật đều rất ngạc nhiên về hình ảnh những vị giáo sư triết học khả kính, mô phạm của mình nay cũng nhảy nhót và hát như khỉ nhại lời. Văn phòng khoa Triết cũng vắng dần từ đây khi các hình ảnh giáo sư, giảng viên của mình phải khệ nệ bưng bê từng thùng mì tôm, thịt, cá…nhu yếu phẩm chia nhau tại phòng Khoa Triết. Tôi còn nhớ hình ảnh Giáo sư Lê Tôn Nghiêm mang thùng mì từ lầu một lên lầu ba và thở hổn hển, thật tội nghiệp và thay vì đi xe hơi như trước kia nay đều dùng xe đạp mi ni.

Một sự kiện khác với giáo sư Lý Chánh Trung, đó là không lâu sau biến cố 1975, trước sự hoang mang của sinh viên miền Nam, Lm Hoàng Sỹ Quý, Dòng Tên, đã mời Ông Lý đến trung tâm Đắc Lộ để nói chuyện, tại đường Yên Đổ, sau đó bị chiếm đoạt thành tòa soạn báo Tuổi trẻ, phần tôi với tư cách là Chủ tịch sinh viên Công Giáo Cư xá Đắc Lộ đã tổ chức cho sinh viên Sài Gòn tham dự. Theo dự định buổi thuyết trình sẽ kéo dài hai giờ, khoảng một ngàn sinh viên tham dự, nội dung nói về chế độ mới và vai trò của giới trẻ. Tất cả mọi người tham dự đều quan tâm, theo dõi một cách nghiêm túc và căng thẳng. Sự kiên nhẫn của sinh viên vì ai cũng kính trọng các Cha Dòng Tên và cố gắng giữ im lặng dù bắt đầu đã có phản ứng khó chịu từ khách tham dự.

Đến phần đặt câu hỏi, sinh viên đã nêu những câu hỏi mà Ông Lý không trả lời được, những câu hỏi tôi còn nhớ, đó hình ảnh thực tế khi việt cộng vào chiếm miền Nam, về lời hứa đi học tập mười ngày sẽ trở về, sinh viên được tiếp tục học hành nhưng chỉ đến ca hát nghe tuyên tryền rồi trở về, cuộc sống vô cùng khó khăn và những người miền Nam bị tước đoạt nhà cửa, bị xô đuổi lên vùng kinh tế mới…. Những câu hỏi như những tiếng nói khiến người trí thức có lương tri phải động lòng. Thế nhưng, giáo sư Lý Chánh Trung như đã leo lưng cọp, Ông ta đỏ mặt, nổi cáu, vì không trả lời được câu hỏi nào dù là biện hộ, Ông đã nổi nóng và dứng dậy đưa tay hô to như các lãnh tụ cộng sản hay làm, Ông nói: “Bây giờ chỉ có hai con đường, một là theo Cách mạng, hai là sẽ bị nghiền nát…”. Đến đây cũng là lúc những vật gì có thể ném, liền tới tấp bay vào người Ông, khiến tôi và Lm Quý mỗi bên kè Ông ta, quần áo tả tơi, đưa nhanh vào phòng riêng. Sinh viên vẫn chạy theo với những lời nguyền rủa không tả xiết về sự vạch mặt một trí thức luôn luôn nói về dân tộc nhưng nay theo cộng sản vô thần, vô tổ quốc….

Dòng Tên Sài Gòn có lẽ bị bao vây cô lập từ ngày ấy, cho đến khi toàn bộ chúng tôi bị chụp mũ, bị bắt về tôi tuyên truyền chống phá cách mạng. Cho đến hôm nay, Dòng Tên Việt Nam vẫn hãnh diện vào thuở đó, không một linh mục, tu sĩ nào thân cộng, cũng không có một sinh viên Dòng Tên nào là nội ứng cho cộng sản. Chúng tôi tự hào vì sống dưới chế độ tự do và cuộc chiến chỉ là một sự tự vệ chính đáng để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ ấy, mới nảy sinh những hiện tượng như Lý Chánh Trung.

Bên dòng lịch sử, khi đất nước thống nhất, Ông Lý trở thành đại biểu, phó chủ tịch quốc hội cộng sản. Tại Ba Đình, ông đã đọc bài diễn văn nói về khoa học kỹ thuật như tiền đề phát triển chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Tiếng nói của Họ Lý, như lý thuyết gia của chế độ, được nghị trường dưới sự chứng kiến của Lê Duẩn, bí thư trong số các bí thư, ông vua trong các vua cộng sản, tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng cũng sớm như tiếng kêu trên đồng vắng, một nền giáo dục Ki tô giáo mà ông đã được thụ hưởng, được ưu đãi để thành danh và nay lọt vào trong đám vô sản lưu manh.

Tôi biết Ông có nhiều dằn vặt ưu tư vào cuối đời, tuy vậy trong một hoàn cảnh nào đó, cách nay gần chục năm, tôi vẫn còn thấy một lần Ông xuất hiện cùng Trần Văn Giàu trên tivi và ca tụng đạo đức của Hồ Chí Minh. Điều này quả thật là lạ với một giáo sư phụ trách môn đạo đức học vì ngày nay với các con trẻ khi gõ vào Google đều biết ông Hồ dâm dật, giết vợ, từ con và hãm hại bao nhiêu phụ nữ… là kẻ sát nhân nhất nhì của thế kỷ hai mươi. Ông Lý Chánh Trung ca tụng một cách ngọt ngào: Hãy sống và nói gương theo Hồ Chủ Tịch…!

Giáo sư Lý Chánh Trung có gia đình, và theo S. Freud, để hiểu con người, phần ý thức chỉ có ba, bảy phần còn nằm ở tiềm thức. Ông vẫn sống đến cuối đời trong căn biệt thự, trên mảnh đất do nền Đệ Nhất Cộng Hòa cấp cho các giáo sư Đại học miền Nam, gọi là làng đại học Thủ Đức. Ông có người con là đại úy việt cộng, vợ ông là em ruột bà Bùi Thị Mè, một thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tất nhiên là đảng viên cộng sản, có lẽ chỉ có vợ con Ông, nữ anh hùng cách mệnh Thị Mè là hiểu Ông nhiều nhất.

Nguyễn Quang
(Nguyễn Quang Hồng Nhân)

…………………………………………………………………………

Trọng Lật Đổ Dũng Sớm, Tại Sao?
Nguồn:vietbao.com- 18/03/2016

Vi Anh

Trọng Lật Đổ Dũng Sớm, Tại Sao?
Theo hiến pháp, luật lệ và tập tục của CSVN thì thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội do Đảng đề bạc trong đại hội đảng sẽ được tân quốc hội bầu sau đại hội đảng biểu quyết họp thức hoá. Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng độc diễn tái đắc cử, dàn dựng Nguyễn xuân Phúc Thủ Tướng, Trần đại Quang Chủ Tịch Nước và Nguyễn thị Kim Ngân Chủ Tịch Quốc Hội.

Tân quốc hội khoá 14 theo hiến pháp tháng 5 năm 2016 mới bầu, và nhanh lắm lả phải tháng 11 mới định hình các ban bệ, chức danh, mới có thể hoạt động và thông qua hai chức danh cầm đầu Nhà Nước do Đại Hội Đảng thứ 12 và Bộ Chánh trị của Tổng Trọng sắp xếp, dàn dựng. Đằng này bất chấp hiến pháp và thông lệ, tin mới đây cho biết Tổng Trọng đã quyết đinh sẽ “kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước trong phiên họp cuối vào ngày 23 tháng 3 năm 2016, của Quốc hội khoá 13 sắp mãn nhiệm, chớ không chờ Quốc Hội khoá 14 ngày 22 tháng 5 mới bầu.

Quyết định “kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước của Tổng Trọng là một hình thức bãi nhiệm Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng và Chủ Tịch Nước Trương tấn Sang trước nhiệm kỳ và lật đổ nội các, chánh phủ của Thủ Tướng Dũng. Hai người Nam Dũng và Sang nắm nhà nước sẽ mất chức vào cuối tháng 3, chớ không phải còn giữ hay xử lý thường vụ hai chức vụ này cho hết nhiệm kỳ vào tháng 5 khi tân quốc hội khoá 14 họp thức hoá hai người gốc CS Bắc Việt là Tướng Công an Trần đại Quang làm Chủ Tịch Nước và Nguyễn xuân Phúc lên thủ tướng.

Trên phương diện tổ chức chánh quyền, Ông Bùi Tín một sĩ quan báo chí cấp tá của CS Bắc Việt tỵ nạn CS ở Paris, viết trên blog đăng tải trên đài VOA của chánh quyền Mỹ gọi cái trò này của Tổng Trọng là một đám “cưới chạy tang?”. Ông Phạm Chí Dũng, có 30 năm làm việc cho CS, sau bỏ Đảng, thường trả lời các đài phát thanh ngoại quốc với tư cách gọi là chủ tịch hội nhà báo độc lập, gọi đó là “Thay Ngựa Giữa Dòng”.

Còn một số khán thính giả lớn tuổi từng là chứng nhân những biến động lật đổ, đảo chánh, chỉnh lý ở Miền Nam thì nói Tổng Trọng đảo chánh Thủ Tướng Dũng, Chủ Tịch Trương tấn Sang, hai người gốc Miền Nam, mà Tổng Trọng cho là “không lý luận”, cần phải để người Bắc nắm Đảng.

Hành động của Tổng Trọng gọi “kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước, chánh yếu là lật đổ sớm TT Dũng, Chủ Tịch Sang bộc lộ một số vấn đề của Tổng Trọng. Tổng Trọng quá nặng cảm tính, mà quá nhẹ lý tính chánh trị, tự cao tự đại coi mình đứng trên hiến pháp, luật lệ, công luận nhân dân và quốc tế. Trọng say sưa chiến thắng trong đại hội 12, vẫn trụ được chức tổng bí thư, rồi đưa Đinh la Thăng một người Bắc đặc sệt vào nắm đầu Thành Uỷ Saigon, mà chưa thấy phản ứng gì.

Tổng Trọng cũng ngán phe CS Nam nên tiên hạ thủ vi cường, quyết dứt dây sớm TT Dũng để trừ hậu hoạn. Để Dũng còn trong guồng máy công quyền ngày nào thì có thể sẽ đêm dài lắm mộng.

Quốc Hội khoá 14, Nguyễn thị Kim Ngân được cơ cấu làm Chủ Tịch vốn là người gốc Bến Tre, do Ba Dũng đề bạc vào Bộ Chánh trị một lượt với Nguyển thiện Nhân cũng dân Bến Tre. Nhân lại đang nắm Chủ Tịch Mặt trận Tổ Quốc. Hai người nắm đầu vô và đầu ra của Quốc Hội 14 là do Ba Dũng tiến dẫn, thì liệu Quốc Hội khoá 14 có dễ dàng thông qua Trần đại Quang và Nguyễn xuân Phúc do Trọng dàn dựng cho làm chủ tịch nước và thủ tướng không. Tổng Trọng biết dân Nam kỳ là dân trọng tình nghĩa, lời hứa giang hồ, Kim Ngân và Thiện Nhân có thể bằng mặt mà không bằng lòng với Trọng, chưa chắc Quốc Hội khoá 14 “nhất trí, đồng tình” với Trọng. Nên Trọng quyết hạ Dũng, Sang sớm bằng cách để Quốc hội khoá 13 họp thức hoá Quang và Phúc cho chắc ăn.

Về ngoại giao, Mỹ tỏ ra còn “pro” TT Dũng. Chính Toà Đại sứ Mỹ và Bộ Ngoại Giao Mỹ, và chắc chắn CIA, DIA của Mỹ ở VN cũng có giúp “our friend” Dũng. Nên Tổng Trọng đành phải để TT Nguyễn tấn Dũng làm trưởng phái đoàn dự hội nghị ASEAN ở Mỹ do TT Obama làm chủ toạ, dù Bộ Chánh trị đã chọn Ngoại Trưởng Phạm bình Minh đại diện VN trước đó. Tánh nào tật nấy, qua Mỹ TT Dũng còn gặp riêng TT Obama 40 phút, mạnh dạn tuyên bố lập trường muốn Mỹ tăng cường tuần tra và hành động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.

Và Trọng nghĩ thế nào Phạm bình Minh cũng có nhiều ân tình đối với TT Dũng thì được cử nhiệm vào làm phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng. Và Tổng Trọng lo ngại, thế nào Phạm binh Minh cũng trung hiếu với thân phụ vốn là bộ trưởng ngoại giao Nguyễn cơ Thạch chung thuỷ với lập trường chống Tàu thà từ chức chớ không thần phục quân Tàu xâm lược. Nhứt là khi Ngoại Trưởng Phạm binh Minh và Thủ Tướng Dũng đồng ý VNCS lần đầu tiên gởi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối TC đưa hỏa tiễn và ra đa quân sự ra Hoàng Sa.

Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Thái bình dương còn kêu gọi chánh quyền Mỹ xả cấm vận toàn phần cho CSVN mua vũ khí sát thương. Nhựt đồng minh số 1 của Mỹ ở Á châu cho chiến hạm và tàu lặn vào viếng Vịnh Cam Ranh.

Và sau cùng, cuối tháng 5 này, TT Obama đã hứa với TT Dũng sẽ viếng thăm VN. Nếu không hợp thức hoá Chủ Tịch Trần đại Quang và Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc sớm thì TT Dũng sẽ là người tiếp rước TT Obama. Mà TT Obama chơi cũng độc, Ông muốn đọc bài diễn văn trước Dinh Chủ Tịch.

Tổ chức thăm dò của Mỹ là PEW lại công bố cho biết có tới 80% dân chúng VN muốn chánh phủ đi với Mỹ để đất nước bớt lệ thuộc kinh tế chánh trị của TQ.

Chắc chắn tình báo của Mỹ thừa biết không những dân chúng VN bất mãn đường lối phò TC của Nguyễn phú Trọng và phe nhóm. Mà đảng viên CS ở trong đảng và công quyền hay ngoài xã hội cố gắng bằng mặt vì cơm áo, chức phận chớ không bằng lòng đường lối, chánh sách, tác phong hành động của Tổng Trọng và phe nhóm thần phục TC. Nên Tổng Trọng chọn một giải pháp dễ (solution facile) là lật đổ chánh phủ Nguyễn tấn Dũng trước khi chánh thức hết nhiệm kỳ, để đưa người của Ông lên thay thế. Chờ Quốc Hội khoá 14 họp được phải ít nhứt 8 tháng là có thể có những bùng nổ như cách mạng, lật đổ, đảo chánh, hay phong trào đòi xét lại – là vấn đế sống chết cho Tổng Trọng và phe nhóm thân TC. Nhưng giải pháp dễ không có nghĩa là hay. Một hành động chà đạp hiến pháp, luật lệ, tập tục chuyển giao quyền hành bằng một cưỡng bức, ép buộc như vậy sẽ tạo phản ứng. Sức ép càng nhiều sức bật càng cao. Nhân dân VN, nhà cầm quyền cảm thấy bị Tổng Trọng khinh khi, coi như không có. Đảng viên thầm lặng cảm thấy Tổng Trọng phản bội qui luật dân chủ tập trung, lạm dụng Đảng cho quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Lịch sử suy tàn sụp đổ các Đảng CS và chế độ CS từ Đông Âu đến Liên xô cho thấy chính dân chúng, quân đội bất mãn đứng lên lật đổ Đảng Nhà Nước CS./.(Vi Anh)

…………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics