13/05: 48.Chuyện người câm-49.Chuyện con két-50.Chuyện con chim ngộ đạo (HH/NVP)

13/05: 48.Chuyện người câm-49.Chuyện con két-50.Chuyện con chim ngộ đạo
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5154 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 48. CHUYỆN NGƯỜI CÂM
Trong chùa, có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.
Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh …
Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được. …

… Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.
Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.
Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”.
Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.
Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước. Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng. Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”
Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.

Bài 49. CHUYỆN CON KÉT

Bạch Thày,

Kể từ ngày con được Thày gửi lên núi Hun này theo học Hòa thượng cho đến nay, đã hơn hai tháng. Con viết thư này để kính thăm sức khỏe của Thày và trình Thày một việc có nhiều ý nghĩa đối với con.

Hôm con mới tới đây, con được Thày trụ trì dẫn lên bái yết Hòa thượng. Như Thày đã biết, Hòa thượng tuy đã có tuổi nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Có một chi tiết mà con để ý ngay lúc mới bước chân vào trong phòng khách: đó là một cái lồng chim treo trên trần, trong nhốt một con két khá lớn. Con băn khoăn, tự hỏi: Tại sao Hòa thượng lại nuôi một con két trong lồng? Với đức độ của ngài thì dù con két có nói giỏi đến mấy thì cũng chẳng phải là một món hấp dẫn. Hơn nữa, giam hãm một con két trong lồng thì không thích hợp với đời sống của một nhà tu hành, vì con két cũng là một chúng sinh.

Thắc mắc như vậy, nhưng con không dám hỏi ai cả. Đến một ngày kia Hòa thượng dẫn các vị tăng vào sâu trong núi hái thuốc, con được cử quét dọn phòng khách. Công việc không có gì nặng nhọc, nhưng con cố gắng lau chùi cho thật chu đáo. Sau đó, con ngồi dựa lưng vào tường đọc mấy bức hoành và mấy đôi câu đối, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ đến ý nghĩa của từng chữ một. Rồi, con ngủ thiếp đi…

Văng vẳng bên tai con, có tiếng người nói: “Đạo hữu! Tôi biết đạo hữu thắc mắc về sự hiện diện của tôi ở đây. Xin vắn tắt mấy lời giải thích. Nguyên kiếp trước tôi là một phật tử thuần thành. Tôi ăn chay, niệm Phật, tụng kinh rất đều đặn. Tôi chịu khó học hỏi nơi các thày, và các đạo hữu xa gần. Mọi người đều cho rằng tuy tôi là kẻ tại gia mà đạo hạnh của tôi cũng khá cao. Mọi người lầm cả! Tôi hiểu lý vô ngã, tôi giảng cho người khác nghe, ấy thế mà “cái tôi” của tôi lại rất lớn, tôi tự cho mình là tài, là giỏi, tôi kiêu mạn. Có lẽ vì tôi không lộ liễu quá nên mọi người không biết các chỗ kém đó của tôi đó thôi. Lại nữa, tôi hiểu lý vô thường, tôi giảng cho người khác nghe, ấy thế mà tôi vẫn bấu víu, ôm chặt những gì mà tôi chê là vô thường, nhìn những của cải vật chất cõi thế gian, tôi không những thèm thuồng, mà lại còn ước mơ ham đắm! Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đối với tôi vẫn đầy sức hấp dẫn.

Tôi không muốn kể nhiều nữa, chỉ tóm tắt là tôi tụng kinh, tôi niệm Phật, ấy thế mà tôi chẳng chịu sửa mình một chút nào cả, đâu vẫn còn đó… Thế rồi việc gì phải đến đã đến. Kiếp trước qua đi, nay tôi đầu thai làm con két, hàng ngày nói đi nói lại những câu người ta dạy cho, mà chẳng hiểu gì. Tôi hối hận lắm, tôi khổ tâm lắm. Đạo là đường, đường là để cất bước mà đi chứ không phải để ngắm, muốn đến đích thì tự mình phải đi. Đơn giản như vậy, mà tôi quên mất.

Duyên may làm sao, Hòa thượng đi qua chợ bán chim, Ngài ngắm nghía rồi nhờ huệ nhãn, Ngài biết tiền kiếp của tôi, và mua tôi về. Vì thế tôi có mặt trong phòng này. Hàng ngày tôi theo tiếng mõ của chùa mà tụng kinh, tôi thuộc kinh nhiều rồi, khỏi xem trong sách. Nhưng nay việc chính của tôi không còn là tu mà là hành. Hòa thượng ngồi thiền, thì tôi thiền theo. Tôi tự nguyện ở trong lồng này. Hòa thượng có ép tôi đâu. Tôi đang gieo nhân lành đây, tôi không gieo nhân xấu nữa. Mong rằng quả sẽ lành và kiếp sau tôi không còn phải mang thân con két nữa”.

Bạch Thày, khi con tỉnh dạy, con két đang nhìn con. Con đứng dậy chắp tay vái và nói: “Mừng đạo hữu đã tìm được con đường giải thoát”.

Bạch Thày, từ hôm đó, con mới hiểu kỹ, hiểu sâu thế nào là “tu hành”. Hai chữ tu và hành đi đôi với nhau nhắc con rằng đã tu thì phải hành. Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa tận cùng bằng các phẩm Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. Đúng rồi, tụng kinh xong, phải hành, phải đại hạnh!

Nam-Mô Đại-Hạnh Phổ-Hiền Bồ-tát!

Con cầu xin Tam-Bảo gia hộ để Thày thân, tâm thường an lạc, chúng sinh dị độ. Xin Thày độ cho con két như Hòa thượng đã độ vậy.

Tại Núi Hun, mùa thu năm Mão.

Đệ tử kính thư □

BÀI 50. CON CHIM NGỘ ĐẠO

Trời thanh, cảnh vắng, gió mát, trăng trong. Rời khỏi cổng chùa, Tổ Huệ Tứ thong thả bước theo con đường nhỏ dẫn vào rừng. Dáng dấp khoan thai, bước chân nhẹ nhàng, ngài tới giữa rừng lúc nào không hay. Rừng thưa, ánh trăng xuyên kẽ lá chiếu tỏ tảng đá trên đó Ngài ngồi. Chợt nghe tiếng sột soạt đâu đây.

Một con chim bay sà xuống đất, đậu dưới chân ngài, cúi đầu cung kính. Ngài cất tiếng hỏi:

– Nhà ngươi có điều chi trong lòng?

Con chim nói:

– Bạch Hòa thượng, con tu đã nhiều kiếp, nay đang bị đọa làm chim, suốt ngày dùng mỏ gõ vào thân gỗ rỗng, người đời gọi là con chim gõ mõ.

– Vì cớ gì bị đọa, khá kể ta nghe!

– Bạch Hòa thượng, trong một kiếp trước, con quy y, ăn chay, giữ giới làm công quả tại các chùa. Được sanh về cõi nhơn, hưởng đời kiếp này sung sướng, con vẫn không quên tu tâm dưỡng tánh, và sau đó lại được quả báo vào đường lành, lên cõi nhơn cao quý hơn nữa. Con thắc mắc tại sao con vẫn chưa được lên đến cõi thiên.

– Con chỉ thắc mắc có thế thôi à?

– Dạ không, lòng con còn ấm ức.

– Con ơi, riêng việc ấm ức của con, oán trách trời đất không biết công hạnh tu tỉnh của con đã làm cho con giảm đi rất nhiều phước đức rồi. Con chưa nói hết đấy con ạ. Con có gây nghiệp ác nào không nhỉ?

– Bạch thầy, quả vậy, con đã suy nghĩ nhiều, sám hối nhiều, mỗi tháng sám hối hai lần vào các ngày 14 và 30, con biết chắc con đã gây khẩu nghiệp quá nặng. Thầy con có dạy con cùng các bạn đồng đạo rằng: Các con gây được chút nghiệp lành nào thời vài ngày sau cái miệng các con lại xóa đi hết ráo!

– Dù sao, ta cũng chưa hiểu được vì lý do gì mà con bị đọa làm kiếp chim gõ mõ như thế này. Có lẽ con chưa sám hối hết chăng?

– Bạch thầy, kiếp trước ngày nào con cũng tụng kinh, sư Pháp Đạt trong kinh Pháp Bảo Đàn khoe rằng tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa; nói thật con tụng nhiều hơn thế. Pháp Hoa là vua của các kinh, Pháp Hoa khai thị ngộ nhập Phật tri kiến. Con chắc rằng trì tụng như vậy, con được nhập Phật tri kiến rồi, thế nào con cũng đã ngộ Đạo, có ngờ đâu con bị đọa như thế này.

– Con ơi, trong khi tu hành như vậy, con có đàm đạo hồi lâu với một vị đạo sư nào không?

– Dạ có. Có một đạo sư từ xa tới đàm đạo với con rất lâu. Ngài hỏi con nhiều câu con không nhớ rõ.

– Con không nhớ, nhưng ta có thể nhớ dùm con. Con mong cầu ngộ Đạo con đã quên căn bản của đạo Phật là vô ngã, cái “ngã” của con lớn quá. Đã thế cái “mạn”, cái “kiêu” của con cũng lớn không kém. Này con ơi, làm gì có “chứng” làm gì có “đắc”. Con tụng Tâm kinh hàng ngày mà con chẳng biết áp dụng. Vô ngã, vô pháp, vô chứng, vô đắc mà, làm gì có người chứng, có người đắc. Gõ mõ, tụng kinh, mà chẳng chịu hiểu, hiểu mà chẳng chịu hành. Thế thì tu chỗ nào?

Con chim chợt tỉnh ngộ, cúi đầu lạy tạ Hòa thượng, bay vụt đi.

Từ đêm hôm đó, người ta không còn nghe tiếng con chim gõ mõ trong rừng khuya. Không ai biết tại sao. Riêng Hòa thượng, ngài biết con chim gõ mõ đã được giải thoát. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

(Hình: Ngôi đền Ấn Độ – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics