13/05/2010: Từ Ngữ : Bài Bốn -Thư Đi Tin Lại_1 (HH Nguyễn Văn Phú)

13/05: Từ Ngữ : Bài Bốn
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5117 lần

Từ Ngữ : Bài Bốn

(- Những từ ngữ trong bài bốn này được trích đăng từ cuốn sách : “Thư Đi Tin Lại” của tác giả (tg) Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú , mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây . Những từ ngữ này không trích đăng theo thứ tự trang của sách ; chỉ do chúng tôi nhận thấy là những từ ngữ bạn đọc chúng ta rất thường gặp khi…

… đọc sách nhà Phật mà thôi . Số thứ tự của từ ngữ do chúng tôi đặt .

Xin cám ơn tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú .

Hình trên : một ngôi cổ tự ở Nam Hàn – NN sưu tầm . 5/2010)

1- “Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não” : Chướng là chướng ngại, ngăn che .Tam chướng là ba chướng .Hiểu đơn giản thì đó là tham, sân, si . Tuy nhiên, tham, sân, si thường được gọi là tam độc , nên phải hiểu tam chướng kỹ hơn . Đó là : 1/ Phiền não chướng gồm tham, sân, si và mọi thứ tùng theo sam, sân, si . 2/ Nghiệp chướng tức là những chướng ngại do ác nghiệp gây ra . 3/ Báo chướng (báo là quả báo) như bị đọa ba đường ác : địa nguc, ngã quỷ, súc sinh .Cũng có thể sinh ra ở cõi nhân hay cõi tiên nhưng không có đức tin, khiến cho bị chướng ngại, che bít cái thiện căn thành đạo thì cũng gọi là báo chướng .

2- Chữ phiền não (sanskrit : klesa ) : rất thông dụng trong đạo Phật . Theo nghĩa thường thì phiền não là buồn phiền, sầu não, thí dụ : phiền não vì làm ăn thất bại luôn . Trong Phật học, nghĩa rộng hơn : phiền não là đau khổ, buồn phiền, tất cả những gì làm cho thân, tâm người ta xao xuyến, sầu muộn, lo lắng, không yên .Chữ đồng nghĩa : cấu, lậu, nhiễm, kết, sử, hoặc, triền, cái, ách … Chữ đối nghĩa : bồ-đề, niết-bàn . Ba phiền não chính là tham,sân, si .Có sách kể 6 phiền não : tham, sân, si, mạn(kiêu căng), nghi(nghi ngờ không có căn cứ), ác kiến(ý kiến sai trái, xấu xa, bất thiện). 10 phiền não là những gì ? Là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến hay ngã kiến(chấp tấm thân này là ta), biên kiến (ý kiến cực đoan), tà kiến (ý kiến sai lệch, không nhận lý nhân quả chẳng hạn ), kiến thủ kiến (khư khư giữ ý kiến của mình), giới thủ kiến (giữ những giới sai lầm hay giữ giới một cách cứng nhắc) .

3- Mười cảnh giới là : địa nguc, ngã quỷ, súc sinh, a-tu-la, người, chư thiên ( 6 đường này còn luân hồi), thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật ( bốn đường thánh, tức là bốn thánh đạo, đã ra khỏi vòng sinh tử luân hồi).

Tam giới là : dục giới, sắc giới, vô sắc giới .

4- A-tu-la gọi ngắn là tu-la do chữ phạn (sanskrit) asura phiên âm ra . Tàu dịch là phi-thiên hay thần .Loại chúng sinh này là một trong thiên long bát bộ thường đến nghe Phật thuyết pháp .Họ có thần lực nhưng kém chư thiên ở các cõi trời . …sách bảo ta rằng chẳng nên cầu vãng sanh thành a-tu-la vì họ hay nổi sân, nổi nóng khó tu (phái nữ thì đẹp !) …Cụ Đoàn Trung Còn nói rằng : a-tu-la chịu khó tu hành thì sanh làm người danh giá hay chư thiên …còn nếu mê muội thì bị đọa xuống ba ác đạo tức là địa nguc, ngã quỷ, súc sinh . Như vậy thì đúng là a-tu-la xếp hạng dưới người rồi !

5- Ngũ thừa Phật giáo gồm có : nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ-tát thừa . Tu nhân thừa thì theo tam quy ngũ giới, kiếp sau trở lại làm người . Tu thiên thừa thì thực hành thập thiện, kiếp sau được lên cảnh giới của chư thiên .Hai thừa này vẫn còn sinh tử luân hồi . Tu thanh văn thừa thì theo tứ diệu đế, quả vị cao nhất là a-la-hán . Tu duyên giác thừa thì theo thập nhị nhân duyên, quả vị là duyên giác . Tu bồ-tát thừa thì theo lục độ ba-la-mật, quả vị là bồ tát . Các vị la-hán, duyên giác, bồ tát là các bậc thánh, ra khỏi vòng sinh tử luân hồi .

6- Bắc Tông và Nam Tông (thay thế danh từ Đại thừa và Tiểu thừa trước đây) : dựa theo địa lý : Phật giáo một mặt truyền bá về phương Bắc rồi sang phía Đông : Tây Tạng, Trung quốc, Cao Ly, Mông Cổ, Mãn Châu, Nhật Bản, Việt Nam .Và một mặt khác, truyền bá xuống phía Nam, sau qua phía Đông : Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện(Myanma), Thái Lan, Mên, Lào và Nam Dương .

Tóm tắt sự khác biệt giữa hai tông như sau : 1/ Nam tông : trung tâm là Tăng .Kinh sách là bộ A-hàm . Tu chứng : ngã không . Quả vị : La-hán . Thờ phụng : đức Thích Ca .

2/ Bắc tông : Trung tâm là đại chúng .Kinh sách rất nhiều, kể cả bộ A-hàm .Tu chứng ngã không và pháp không . Quả vị : Bồ-tát, Phật .Thờ phụng : đức Thích Ca và nhiều vị khác .

7- Kệ do chữ kệ-đà nói ngắn . Kệ-đà do chữ Phạn “Gà tha” phiên âm ra .Cách phiên âm khác : Già-tha, già-đà .

Có khi kệ là một bài thơ ngắn (thường là 4 câu) để :1 / ca tụng công đức chư Phật, chư Bồ-tát . 2 / tóm tắt ý chính một bài kinh hay một đoạn kinh . 3 / nói lên lòng tôn kính Tam Bảo .

Có khi kệ là một bài thơ dài để nói lại hay giải thêm một bài pháp .Nói là bài thơ dài hay ngắn nhưng trên thực tế không thấy âm vận rõ rệt .

8- Khất thực: là xin ăn .Đức Thế Tôn và chư Tỳ-kheo mang bát đi khất thực hàng ngày, theo thứ tự qua từng nhà, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn, mục đích để cho người ta bố thí gây phước, đồng thời làm giảm cái tự ngã của mình .Về tịnh xá, ăn trước giờ ngọ, người ta cho gì thì ăn nấy, dù chay hay mặn .Bữa đó gọi là ngọ phạn (bữa trưa), mỗi ngày chỉ ăn một bữa đó thôi .Quá giờ ngọ (giữa trưa) thì không ăn .Ở Sài Gòn, chúng ta có thấy các vị sư khất thực, đó là Nam Tông giữ nguyên lối tu cổ xưa .(chính mắt tôi trông thấy một ông sư đi xích lô đến chợ, cầm bát khất thực, đến gần trưa lại đi xích-lô về chùa, tôi tự hỏi tu như vậy có nệ hình thức quá không .Có người bảo đó là sư giả !)

Khi Phật giáo sang đến Trung Quốc thì do ảnh hưởng đại thừa, nhà sư không khất thực, tự viện có bếp nấu, ăn chay, nhà chùa tự trồng trọt cày cấy lo lấy miếng ăn, rất vất vả (một ngày không làm, một ngày không ăn, ngài Bách Trượng đã nói). Theo lệ, chỉ ăn bữa trưa, nhưng vì xứ lạnh, ăn một bữa không đủ chống lạnh, nên buổi chiều được phép ăn những thứ còn lại của bữa trưa, nhà bếp không nhúm lò .

Cái “bát” mà các ngài dùng để đi khất thực …(lớn chứ không nhỏ như bát ăn cơm, trong Nam kêu là chén) ấy là do chữ pali Patta, chữ sanskrit Patra phiên âm mà ra .

Ghi chú: …đầu năm 2000, tôi (tg) tra trong cuốn “Tiếng nói nôm na” của Lê Gia, thì tìm được : Bát ; do chữ “bát” là cái tô cái chén của các thày chùa đi xin ăn .

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

“Thư Đi Tin Lại” – Montreal-2010

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics