13/09: Bài 57. Cận Tử Nghiệp – Bài 58. Thân Trung Ấm

Header
13/09: 57. Cận Tử Nghiệp – 58. Thân Trung Ấm
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 12124 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT BOOK I

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 57. CẬN TỬ NGHIỆP

Lần trước, khi nói chuyện về đề tài Tuổi Già, chúng tôi có hứa với quý vị rằng sẽ nói về giai đoạn tiếp theo tuổi già. Quý vị có thể hiểu rằng tôi sẽ bàn về cái chết vì rõ ràng sau già là chết. Nhưng tôi không dám nói về sự chết vì nhiều lý do: lý do đơn giản nhất là đã chết đâu, biết gì mà nói; lý do thứ nhì là việc ấy để dành cho các y sĩ hoặc các nhà tôn giáo; lý do thứ ba là thông thường người ta … “kiêng” nói về chết! Vì thế tôi sẽ chỉ nói về cận tử nghiệp và từ đó nói về sự chuẩn bị cho cái chết theo quan niệm của đạo Phật.

Thông thường, con người ai cũng ham sống sợ chết. Sợ chết có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là phải xa lìa những người thân yêu. Ngoài lý do tình cảm ấy, còn lý do kinh tế là mất mát hết những của cải mà mình đang có, càng có nhiều thì càng tiếc nhiều….

… Còn lý do nữa là vì chưa thực hiện hết những chương trình hoạt động của mình về mặt này hay mặt khác. Có lẽ lý do đáng kể là sợ bước vào một khung cảnh mới sau khi chết, một khung cảnh hết sức lạ mà chỉ có một mình đơn độc chới với giữa dòng. Vua Trần Thái Tông nói về chết mà không hề nhắc một chữ chết, chỉ nói đến một mình lão ngư ông cô đơn trong biển cả bão táp dữ dội, lúc tạnh thì thuyền đã chìm rồi.

Các vị tu hành dạy chúng ta rằng khi đã hiểu lý vô thường, đã biết chắc rằng sau sinh, lão, bệnh thì cái chết phải đến – chắc chắn là sẽ đến – thì nên coi chết là chuyện thường . Vì vậy nên các vị ấy khuyên nên suy nghĩ về cái chết mà chẳng run sợ. Khi đã hiểu rồi thì phải bình thản chuẩn bị cho cái chết.

Đạo Phật quan niệm rằng chết không phải là hết hoàn toàn và cũng quan niệm rằng không có một linh hồn bất biến trường tồn sau khi thể xác đã tan biến. Phật giáo dùng danh từ đoạn kiến để nói về ý kiến cho rằng chết là hết hẳn và dùng danh từ thường kiến để nói về ý kiến cho rằng có linh hồn vĩnh cửu. Thế thì đạo Phật nói gì ? Đạo Phật bảo rằng: xác thân tứ đại tan rã nhưng còn thần thức và thần thức vô hình ấy mang cái nghiệp vô hình đi vào một kiếp sống mới. Nếu gọi thần thức ấy là linh hồn, hương hồn, vong linh, hương linh … cũng không sao miễn rằng đừng nhận nó là trường tồn bất biến.

[Ghi chú. Một độc giả của tập san Pháp Âm cho biết : Sri Swami Rama đã viết rằng “Chỉ có thân xác chúng ta là bị hủy hoại, cái áo che cho Tâm thức chúng ta khi sống ở đời. Tâm thức ta không hề bị hủy hoại”. “Sự mất mát thân xác không phải là tất cả. Tâm vẫn tồn tại …”. Chúng tôi nghĩ rằng tác giả nên nói kỹ hơn nữa, nói vắn tắt quá như vậy dễ làm cho người đọc hiểu lầm và có thể kết luận rằng đó là thường kiến.

Coi: http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/016-chuanbicaichet.htm ]

Thông thường, người ta hay dùng chữ “đầu thai” để chỉ việc “đi vào một kiếp sống mới”. Chữ này không đúng hẳn như chúng tôi sẽ nói sau đây. Phải dùng chữ “tái sinh” mới hợp.

Sau khi một người chết rồi thì sau 49 ngày (là tối đa), thần thức vô hình mang cái nghiệp vô hình tái sinh vào một trong sáu cảnh giới hay sáu thú gọi là sáu nẻo luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ (quỷ đói), súc sinh (loài vật), a-tu-la (thần), người (nhân), trời (chư thiên). Sự tái sinh ấy được thực hiện qua một trong bốn cách sinh sau này: thấp sinh, thai sinh, noãn sinh và hóa sinh. Thấp sinh là sinh nơi ẩm ướt (rắn, cá …). Noãn sinh là sinh do từ trứng mà nở ra (chim, gà, vịt …). Thai sinh là sinh từ bào thai (người, trâu, bò ngựa…); nói “đầu thai” là dùng trong trường hợp này. Hóa sinh là hóa ra theo sức mạnh của nghiệp, không như ba cách trên, đó là trường hợp bị đọa xuống cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ.

Còn bốn cảnh giới hay bốn thánh đạo dành cho các bậc tu hành thoát khỏi sinh tử luân hồi: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. Người phàm như chúng ta khó có hy vọng nhập vào dòng của bốn đường thánh đó. Thông thường, thần thức của người mới chết mang cái nghiệp của người ấy vào một kiếp sống mới. Kiếp này như thế nào, vào cảnh giới nào, sướng hay khổ, chính là do cái nghiệp ấy.

Phật tử chúng ta biết rõ rằng mỗi người có ba nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp , gọi chung là nghiệp. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động có định ý (chứ không phải vô tình) đều gây nên nghiệp, nói rõ ra đó là những nghiệp nhân vô hình tích lũy trong thần thức (a-lại-da) đợi đủ duyên thì sẽ trổ quả, tức là nghiệp quả. Theo luật nhân quả thì nhân lành sẽ cho quả lành, nhân ác sẽ cho quả ác, nhân trung hòa sẽ cho quả trung hòa. Tùy theo cái nghiệp ấy mà thần thức sẽ tái sinh vào cảnh giới tương ứng, thí dụ như khi sống mà giữ đúng năm giới thì được tái sinh làm người, khi sống mà tu thập thiện thì sẽ tái sinh vào cõi trời v v… Cái nghiệp mà chúng tôi vừa nói bao gồm luôn cái nghiệp của đời này và nghiệp của các kiếp trước. Sau khi tái sinh rồi thì lại có lúc phải chết.

Chúng tôi mới đọc một bài nhan đề “Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn” trong đó tác giả là Hòa Thượng K. Sri Dhammananda viết rằng: “Theo Phật giáo, chết xảy ra trong bốn nguyên nhân sau đây:

1/ Mạng căn hay thọ mạng ấn định của chúng sinh mỗi loài đã hết. Cái chết này gọi là mạng triệt.

2/ Năng lượng Nghiệp gây nên sự sanh của người chết đã kiệt. Cái chết này gọi là nghiệp dĩ.

3/ Sự chấm dứt cùng một lúc của hai nguyên nhân trên.

4/ Cuối cùng có thể do những hoàn cảnh bên ngoài như tai nạn, biến cố bất ngờ, hiện tượng thiên nhiên hay nghiệp quả từ kiếp trước không đề cập tại điều 2.

Có một sự tương đồng rất đúng để giải nghĩa bốn trường hợp trên đây. Nó tương tự như chiếc đèn dầu. Ánh sáng đèn dầu có thể tắt vì một trong những nguyên nhân:

1/ Bấc trong ngọn đèn cháy đã hết. Điều này giống như thời gian cho một kiếp đã hết.

2/ Dầu đã cạn, giống như nghiệp lực đã hết.

3/ Bấc hết và dầu cạn cùng một lúc.

4/ Hậu quả của những yếu tố bên ngoài nhu gió thổi làm tắt đèn”.

Hòa thượng Rastrapal cho biết rằng mỗi người sắp chết có thể thấy một trong năm hình ảnh sau đây:

1/ thấy lửa đốt, như vậy là sẽ bị đọa xuống địa ngục.

2/ thấy xung quanh mình tối tăm, đó là dấu hiệu bị đọa vào cảnh ngạ quỷ.

3/ thấy rừng rú, súc vật, muông thú, đó là sắp bị đọa làm súc sinh.

4/ thấy thân nhân đã khuất về đón, ấy là sẽ tái sinh làm người.

5/ thấy cảnh cung điện trên cảnh trời, ấy là sắp vào cảnh giới của chư thiên.

Ông Hải Trần dịch bài ấy (The five visions of a dying man) đã chú thích như sau: Tỳ-kheo Tịnh Đức có bình luận thêm rằng nếu người hấp hối thấy máu hay đâm chém hoặc hình ảnh có sắc thái giận dữ thì sẽ tái sinh trong cõi a-tu-la. (Coi http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/003-hinhanh.htm ).

Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài này là cận tử nghiệp tức là cái nghiệp gây ra lúc sắp chết. Cận tử nghiệp rất mạnh, nó dắt thần thức đi tái sinh. Thí dụ như người sắp chết khởi cái tâm tham lam, sân hận … nói chung là khởi cái tâm ác thì sẽ tái sinh vào cảnh ác, cảnh khổ. Chúng ta tự hỏi: như vậy là không công bằng vì nếu người đó cả đời làm thiện mà nay chỉ vì một phút khởi tâm ác lúc lâm chung lại mất hết phước đức hay sao. Không, chúng ta cần biết thêm các chi tiết như sau: nếu bị sinh vào đường ác thì người ấy chỉ chịu một thời gian ngắn thôi, rồi sẽ chết đi để sinh vào cảnh tương ứng với tích lũy nghiệp tốt chứ không phải cận tử nghiệp xấu. Nếu như người sắp chết khởi tâm lành – tâm từ bi chẳng hạn – thì cận tử nghiệp dẫn dắt người đó vào cõi lành một thời gian nào đó rồi tích lũy nghiệp mới tác động sau.

Chúng ta đã được nghe kể nhiều trường hợp cận tử nghiệp làm hại người ta ra sao. Một vị thiền sư vào lúc cuối đời chăm lo vườn mía ở sau chùa. Năm ấy, mía rất tốt nên vị thiền sư suốt ngày quanh quẩn với mấy cây mía. Khi tịch, thiền sư tái sinh thành một con sâu trong đốt mía.

Một ông nhà giàu khi hấp hối quá tiếc tiền của nên thần thức bị lôi kéo luẩn quẩn quanh nhà, khi thấy con chó dưới bếp sắp đẻ thì tái sinh vào bụng chó rồi làm kiếp súc sinh.

Một ông vua công đức cũng khá, khi hấp hối có quan hầu đứng quạt bên cạnh. Chẳng may, ông quan lỡ tay đánh rơi cái quạt vào mặt nhà vua, ông vua nổi sân nên tái sinh vào đường ác.

Cận tử nghiệp đôi khi có ích như truyện sau đây: một người kia nghiệp cũng không tốt gì một hôm đi vào rừng bỗng gặp con hổ nhảy đến đuổi và vồ. Người ấy cuống quá chỉ hét lên được hai tiếng “Mô Phật” rồi chết. Do cái niệm về Phật ấy mà được tái sinh vào đường lành. (Nên nhớ rằng nghiệp lành cũ của người đó có giữ một vai trò nào đó, chứ không phải chỉ có hai chữ đó thôi!)

Tóm lại cái cận tử nghiệp mạnh đến nỗi nó có thể ngăn không cho người ta được tái sinh theo ước nguyện của mình khi tu tập. Nó có thể chuyển cái nghiệp lành thành ác và ngược lại nó có thể chuyển nghiệp ác thành lành. Tuy nhiên, chỉ một thời gian nào đó thôi rồi thì mọi sự lại tiến hành theo cách bình thường. Phật tử chúng ta biết rõ điều ấy nên ngay từ lúc này phải ra sức chuẩn bị. Chuẩn bị như thế nào?

Một là hàng ngày tạo nghiệp lành, thanh tịnh hóa thân khẩu ý. Làm việc bố thí, hay cứu giúp người gặp nạn, người bệnh tật chẳng hạn … Không cần phải làm việc lớn nếu không đủ phương tiện, vấn đề là có làm và làm với tâm trong sạch, nói rõ ra là bố thí ba-la-mật : không biết của cho là nhiều hay ít, không biết người nhận là ai, không mong cầu phước báo … Làm như vậy để tích lũy thiện nghiệp.

Hai là sám-hối tất cả những việc không tốt mà mình đã phạm từ khi biết suy nghĩ. Sám -hối để xóa bớt ác nghiệp. Vậy là một mặt tăng thiện nghiệp, một mặt giảm ác nghiệp. Tôi đã được nghe một vị xuất gia kể chuyện một nhà sư kia hấp hối quá lâu, nghe tụng kinh hoài ở bên cạnh mà vẫn không chết được, sau nhà sư ấy phải xin sám hối về một tội rất nặng mà nhà sư ấy không làm nhưng đã bao che cho thủ phạm thoát khỏi lưới pháp luật. Khi tụng kinh sám hối rồi, nhà sư ấy mới ra đi nổi. Vậy nên rút kinh nghiệm là không được để tội ở trong lòng. Rất có thể tội không ai biết mà chỉ một mình mình biết thôi cho nên người ta hay tránh nghĩ tới.

Ba là tha thứ cho tất cả những ai đã làm khổ mình về phương diện này hay phương diện khác. Thí dụ có một người kia vay nợ mình mà không trả. Người ấy sẽ phải trả nợ mình trong một kiếp sau. Thật tình, không ai thích “được trả nợ” trong kiếp sau vì cuộc sống lúc đó chẳng vui gì (ta vẫn nói “của nợ” để chỉ những cái xấu). Vì thế mình nên nguyện xóa nợ cho người ấy.

Bốn là gây một cái nếp ở trong tâm sao cho cận tử nghiệp hoàn toàn tốt lành. Muốn thế thì làm sao? Phải chăm niệm Phật để cho lúc nào tâm mình cũng chỉ nhớ nghĩ về Phật, chỉ có những niệm về Phật chứ không có ác niệm, tà niệm, tạp niệm. Phải thuộc làu làu ít nhất một chú, thí dụ như chú Đại Bi, chú Bát nhã, để cho những chú ấy luôn luôn ở trong óc mình, lúc nào cũng sẵn sàng bật ra. Lúc hấp hối, những điều ấy giúp cho cận tử nghiệp được lành. Cộng thêm với thường nghiệp (tức là nghiệp hàng ngày) thiện nữa thì rất tốt.

Năm là đề phòng không cho những niệm xấu xẩy đến vào lúc hấp hối. Đó là những niệm về tham lam, sân hận, oán thù. Nói rõ ra, không tiếc nuối cái gì hết, tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, ruộng vườn. Không giận ai, oán ai, trách ai cả. Xả hết, buông hết; tập buông xả ngay từ bây giờ chứ không đợi đến lúc lâm chung, vì đến lúc ấy không thể kịp được. Rất có thể lúc ấy bị bệnh tật hành, đau đớn, đâu có đủ tỉnh táo để tự nhủ mình rằng đừng tiếc, đừng hận ! Phải tập ngay từ bây giờ nó mới thành nếp được.

Tóm lại, người già nên chuẩn bị ngay từ lúc này cho cái thường nghiệp được lành, cho cái cận tử nghiệp được lành bằng mấy cách vừa nêu trên đây.

Chúng tôi đã trình bày xong những ý kiến của chúng tôi. Đã đến lúc xin được ngưng. Tuy nhiên, nhớ lại bài nói chuyện của một vị hòa thượng, chúng tôi xin thêm vài dòng :

Có người lo trước việc ma chay cho mình. Lẽ dĩ nhiên, lo xa là tốt. Lo hãng bảo hiểm, lo giao việc tổ chức hậu sự cho một hãng chuyên về việc tang để cho khi vào việc thì con cháu đỡ lúng túng. Có người bàn đến việc thiêu hay chôn, cái đó tùy ý mỗi người nhưng nên nói cho con cháu biết ý của mình và dặn rõ thêm là cứ tùy duyên, nghĩa là gặp cảnh nào thì thuận theo cảnh đó cho bớt phiền hà. Tránh cái việc bắt buộc con cháu phải thế này phải thế nọ, thí dụ như bắt buộc mang tro về tận quê xa xôi! Còn việc ma chay thì nên hết sức đơn giản, theo đúng nghi thức Phật giáo. Đừng rềnh rang, đừng ăn uống trả nợ miệng. Nếu có chút tiền thì con cháu, bạn bè nên làm các việc phước rồi hồi hướng công đức cho người quá vãng.□

Phụ lục: bài Núi thứ tư của vua Trần Thái Tông:

“Núi thứ tư là tướng chết. Bệnh càng trầm trọng, mạng sắp cáo chung. Tuổi thọ mong hưởng trăm năm, thân thế trở thành giấc mộng. Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang. Sức mạnh oai hùng đâu chống được khi vô thường đã đến. Thiếp thuận vợ trinh trở thành đau thương đứt ruột; anh nhường em kính vội nên ly biệt suốt đời. Vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời. Tường hoa nhà rộng có làm chi, ngọc đụn vàng kho rồi cũng bỏ. Dạ đài mù tối, luống nghe gió bấc vi vu, tuyền hộ then gài, chỉ thấy mây sầu ảm đạm. Tướng chết của con người là mùa đông trong năm. Càn khôn ứng Thái tuế tròn vòng, nhật nguyệt hướng Huyền hiều hội tụ. Âm tinh cực thịnh, khắp trời mưa tuyết bời bời; dương khí tan dần, nước tám đức đóng băng càng lạnh buốt.

Kệ rằng: Cào đất đùng đùng trận gió hanh,

Lão như say tít, chiếc thuyền chành.

Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,

Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.

Theo lớp hạt mưa bay phấp phới,

Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành.

Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,

Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh.”

(trích trong Khóa Hư Lục giảng giải, Thích Thanh Từ. Thiền Viện Thường Chiếu. 1996) (bài kệ do Ngô Tất Tố dịch). □

BÀI 58. THÂN TRUNG ẤM

Trong một lần hầu chuyện quý đạo hữu trước đây, chúng tôi có nói rằng sau khi một người chết thì thần thức mang nghiệp đi tái sanh, thời gian đợi tái sanh kéo dài tối đa là 49 ngày. Thân trước khi chết gọi là thân tiền ấm, thân sau khi tái sanh gọi là thân hậu ấm, trong 49 ngày kia tuy không có thân xác hữu hình, nhưng vẫn gọi là thân trung ấm. Có hai trường hợp ngoại lệ: khi một vị tu thành thánh thì vừa lìa đời này là lên ngay cõi cực lạc, khi một kẻ phạm tội rất nặng thì vừa tắt thở là xuống ngay địa ngục.

Chúng tôi không có cuốn kinh Phật nào nói về chi tiết việc tái sanh. Tuy vậy, có một cuốn sách tên là Tử thư của Tây tạng mô tả rõ và đủ chi tiết về những sự việc xẩy ra và các lời khuyên thần thức phải làm những gì trong 49 ngày để thần thức được lợi lạc và giải thoát.

[Cuốn The Tibetan Book of The Dead – compiled and edited by W.Y. Evans-Wentz, Oxford University Press, 3rd edition, xuất bản tại Hoa kỳ năm 1960, in lần đầu năm 1927 tại Luân đôn – dày mà lại viết bằng tiếng Anh, đọc ngại lắm! Vì thế, chúng tôi tìm sách tiếng Việt liên hệ đến 49 ngày thân trung ấm để lấy tài liệu: đó là cuốn Liễu sinh thoát tử, của Liêu Địch Nguyên, bản dịch của thày Quảng Phú, Phật học viện Quốc tế xuất bản tại Hoa kỳ năm 1983. Năm 1999, Vấn đề sinh tử – một tập chừng 40 trang, của Đặng tấn Hậu và Minh Châu, ấn tống năm 1987 – có 20 trang nói về thân trung ấm].

Vào thế kỷ thứ VIII sau TL, một vị người Ấn độ là tổ Padmasambhava, dịch là Liên Hoa Sanh, đắc đạo, nhiều thần thông, có thể hàng phục các hung thần ác quỷ, được vua Tây Tạng thỉnh tới cất ngôi chùa đầu tiên ở Tây Tạng. Ngài dùng thần thông theo rõi thần thức của người mới chết và ghi lại vào cuốn Bardo Thodol, cuốn này chỉ được mật truyền mà thôi. Sau ngài Rigzin Karma Lingpa tìm thấy và cuốn ấy lưu truyền trong Mật tông cho đến ngày nay. Bardo Thodol tạm dịch là “Cách giải thoát do nghe Kinh thân trung ấm”. Ông Evans-Wentz dựa vào bản tiếng Anh của một vị lạt-ma Tây tạng.

Thần thức trải qua ba giai đoạn:

1/ giai đoạn lâm chung (chikhai bardo)

2/ giai đoạn tiếp dẫn (choniyid bardo)

3/ giai đoạn tái sanh (sidpa bardol).

A. GIAI ĐOẠN LÂM CHUNG. Vừa chết, tức là vào lúc tứ đại (đất, nước, gió, lửa) phân ly, thần thức có thể thấy một thứ ánh sáng chói lòa, đó là hào quang mãnh liệt của Pháp thân Phật hiện ra trong khoảnh khắc hay kéo dài, tùy phước duyên của thần thức. Theo ánh sáng đó ngay thì quá tốt. Điều này cực kỳ khó, vì không đủ duyên lành hoặc vì còn trong lúc bối rối cuống quít chưa kịp hiểu gì cả. Hết ánh sáng đó, thì mê man mấy ngày, sau “tỉnh” lại, thấy thân quyến chung quanh quan tài khóc lóc, muốn đến trò chuyện và an ủi, nhưng chẳng ai biết. Thần thức nhận ra rằng “mình” đã chết. Có thể thấy sợ hãi, luyến tiếc, bực bội … Đây chính là lúc mà những sự tu hành tích lũy từ trước giúp ích rất nhiều và cũng là lúc mà tang quyến phải hiểu cách trợ giúp cho có hiệu quả, đó là tụng kinh niệm Phật liên tục, ăn chay giữ giới, làm phúc, cúng dàng … và hồi hướng công đức cho thần thức (kinh nói rằng thần thức chỉ được 1 phần 7 công đức mà thôi). Không nên sát sinh làm cỗ cúng. Khóc lóc, kể lể, than vãn, không giúp gì cho thần thức, trái lại còn làm cho thần thức sinh lòng luyến tiếc, nảy ra những tà niệm hay ác niệm rất có hại lúc bấy giờ, vì những niệm ấy ảnh hưởng ngay lập tức vào việc tái sinh. Nên có các vị tăng ni tụng kinh bên cạnh, nhiều càng tốt. Khóc lóc thương tiếc là một việc tự nhiên, nhưng cần ý thức công việc, nếu không dằn được thì nên tránh xa linh cữu, cốt sao cho thần thức nhắm đúng hướng tái sinh, không bị “chia trí”.

B. GIAI ĐOẠN TIẾP DẪN. Chư Phật đến tiếp dẫn thần thức qua các hào quang chói lòa. Đồng thời do nghiệp lực của từng “cá nhân”, thần thức chọn cảnh giới ứng hợp với mình. Có những cảnh hãi hùng, những tiếng kinh sợ, tuy nhiên làm gì có thân thật sự mà lo, nhưng cái chính là trong lúc sống đã được học kinh nghiệm rồi và phải thấm nhuần thật kỹ các lời dạy rồi, chứ để “nước đến chân mới nhảy” thì không kịp. Sau đây là mấy kinh nghiệm:

1/ Nếu thấy ánh sáng màu TRẮNG rực rỡ, ánh sáng màu LAM chói lòa, ánh sáng màu VÀNG chói lọi, ánh sáng màu ĐỎ mãnh liệt, ánh sáng màu XANH thật sáng, thì đó là chư Phật, nên theo ngay. Màu của chư Phật bao giờ cũng chói lòa rực rỡ. Màu ĐỎ rực rỡ là màu của đức Phật-Di-Đà.

2/ Nếu thấy ánh sáng màu TRẮNG đùng đục (dull white light), đó là cảnh chư thiên. Nếu thấy màu VÀNG ngả xanh (dull bluish yellow), đó là cảnh người. Nếu thấy màu XANH LÁ CÂY (dull green), đó là cảnh a-tu-la. Nếu thấy màu LỤC(dull blue), đó là cảnh súc sinh. Nếu thấy màu ĐỎ lợt (dull red), đó là cảnh ngạ quỷ. Nếu thấy màu khói ĐEN (dull smoke coloured light), đó là cảnh địa ngục. Tất cả các loại màu đó đều mờ mờ, đùng đục, yếu ớt.

Nghiệp chiêu cảm vào cảnh nào thì bị “hút” vào cảnh đó, “cảm thấy”thấy thích hợp. Cho nên, những ai đã có tu hành, có giữ giới, hành thập thiện v.v…thì thế nào cũng không sợ hãi hay ít sợ hãi dù gặp những cảnh hãi hùng bão tố và ác thú …, chắc sẽ gặp thiện đạo; hơn nữa nếu đã chuyên tâm niệm Phật từ lâu, lại luôn luôn tự nhủ mình phải nhắm các ánh sáng chói lòa, đặc biệt là nhắm ánh sáng chói chang màu ĐỎ của đức Di-Đà, thì vào lúc phải chọn lựa, những chủng tử niệm Phật Di-Đà trong thần thức đến thời trổ quả, nghiệp lực đẩy thần thức về phía màu đỏ đó, bấy giờ thì thoát; thoát luân hồi thôi, lên Tịnh độ còn phải tu, tu đắc nhanh chậm do ở cái phẩm mà mình được xếp vô trong số chín phẩm. Chúng ta cũng cần học trước đặc điểm của “tứ châu”, thuộc thật kỹ để làm “vốn đi đường” lúc tái sinh:

1/ Cảnh hồ nước lớn, trong có nhiều loại chim bơi lội, đó là Đông thắng thần châu. Yên vui thật nhưng không tu được, chớ có đến.

2/ Cảnh cung điện, nhà cửa đẹp đẽ, đó là Nam thiệm bộ châu, có Phật pháp lưu hành, có nhiều người tu, nên tới, ở đó để tiếp tục tu giải thoát.

3/ Cảnh hồ nước lớn, trên bờ có trâu bò gặm cỏ, đó là Tây ngưu hóa châu giàu có, không nên đến vì hưởng thụ quá, nên dễ quên tu hành.

4/ Cảnh hồ nước trên bờ có nhiều loại cây cối và mọi loài súc vật, đó là Bắc câu lô châu, ở đó sống lâu sung sướng, không nên đến vì không có Phật pháp lưu hành.

Muốn cho dễ nhớ, người Việt Nam chúng ta cứ chọn Nam Thiệm bộ châu, tức Nam diêm phù đề có cung điện nhà cửa vì khi xưa đức Phật đã chọn châu này để giáng sinh.

Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng là do nghiệp chiêu cảm mà thôi! Học trước, nhớ kỹ trước, gây nhân duyên lành trước, điều ấy mới quan trọng vì nó ảnh hưởng đến nghiệp.

C. GIAI ĐOẠN THỌ SANH. Trong vòng hai ba tuần đầu, thường thường, vì do dự, vì sợ hãi, nên trước các cảnh nói trên đây, người ta chưa chọn xong. Bấy giờ lại hiện ra các cảnh hãi hùng khiếp đảm, phong ba bão táp, ác thú đuổi bắt v.v…(cũng do nghiệp cảm) làm cho thần thức chỉ muốn chóng chấm dứt cảnh sợ hãi này “cho xong đi”.

Thấy cảnh trời đẹp đẽ, lòng thích thú, tiến vào thì đó là vào cảnh trời.

Thấy cảnh nam nữ giao hợp, đi vào, đó là vào cảnh người.

Thấy cảnh vườn cây đẹp đẽ, bước vào, đó là vào cảnh a-tu-la.

Thấy hang sâu, chạy vào ẩn nấp, đó là vào cảnh súc sinh.

Thấy sa mạc cây cối khô cằn, tiến vào, đó là vào cảnh quỷ đói.

Thấy có tiếng hát buồn thảm mà đi tới thì đó là vào địa ngục.

Tất cả những điều này đều do cái nghiệp đưa đẩy hết. Thần thức bơ vơ, bối rối, vì thế việc hỗ trợ của thân quyến hết sức cần thiết. Cầu siêu không phải là làm cho xong nghi lễ đối với người chết, cầu siêu là cố ý giúp cho người chết vững vàng trong chọn lựa. Dùng chữ chọn lựa ở đây cũng không đúng hẳn vì thật ra nghiệp lực rất mạnh, nó lôi đi theo đúng luật nhân duyên quả báo. Cầu siêu là tạo các trợ duyên, bớt các nghịch duyên, và hồi hướng công đức cho hương linh, càng nhiều càng tốt.

Tóm lại:

– không nên làm cho thần thức luyến tiếc, bực bội, nên ăn chay, tụng kinh, niệm Phật liên tục để nhắc thần thức tìm về Phật,

– nên thỉnh chư tăng ni đầy đủ đạo hạnh tụng kinh cầu siêu thất tuần,

– tránh làm hình thức, phải thành tâm, hồi hướng công đức đến người chết,

– sau 49 ngày, vẫn nên tụng kinh hồi hướng, phòng trường hợp tái sinh xấu,

– bố thí, cúng dàng, ấn tống kinh sách, hồi hướng công đức như đã nói trên.

Thần thức coi như là thí sinh sắp vô thi; tụng kinh, niệm Phật, cầu siêu là mách bảo cách thức và kinh nghiệm thi cử; nếu thí sinh có học hành chuẩn bị, lại được chỉ dẫn thêm thì nhiều hy vọng. Chúng ta cần suy nghĩ về điều này không những để hiểu thế nào là cầu siêu đúng cách, để mách bảo cho bạn bè và nhất là để lo ngay từ bây giờ cho bản thân chúng ta. □

GHI CHÚ.

■ Liên Hoa Sanh : Padmasambhava, lit. “the Lotus-born”, contemporary of the Tibetan king Trisong Detsen (755–797) and one of the historically identifiable founders of Tibetan Buddhism…, he is venerated by followers as the “second Buddha”. His special task lay in the taming the indigenous demons, or the forces of nature embodied in them..He is still venerated today in the Himalayan countries under the name Guru Rinpoche (Precious Guru)… According to legend, he was born in northwest Kashmir…

■ Bardo, lit. “in-between state” that connects the death of an individual with his following rebirth. Bardo Thodol, lit. “Liberation through Hearing in the in-between state” (or in the after-death plane), a text known as the Tibetan Book of the Dead…, [theo the Shambala Dictionary of Buddhism and Zen].

PHỤ LỤC.

The process of dying is presented in the Bardo Thodol as a gradual dissolution of the body-mind (thân tâm) organization, as the deterioration of the five skandhas (ngũ uẩn). With the falling apart of external reality comes the bardo of the moment of death, in which the true nature of the mind (chân tâm = Phật tánh) is experienced as a brilliant light. If the dying person does not succeed in identifying with this experience, he falls into a state of unconsciousness for three or four days, during which time a so-called consciousness body is formed, which is the subject of the experience to come.

In the following bardo of supreme reality (dharmatā = Phật tánh = Buddha-nature) which lasts fourteen days, the consciousness perceives the forms of 42 peaceful and 58 wrathful deities (forms of manifestation). These appears as part of the unfolding of a mandala. The detailed description of these forms in the Bardo Thodol is possible through the fact that a sādhana that encompasses the spectrum of human feelings is used to convey these experiences. The emptiness (śūnyata) aspect is represented by the peaceful deities, and the luminosity or clarity aspect by the wrathful deities.

If the consciousness body fails also here to recognize these lights appearances as its own projections, then the 28-day-long bardo of becoming begins. In the first three weeks of this in-between state, the consciousness relives its previous deeds (karma) and, in a manner corresponding to the development of that process, is prepared for the search, during the last seven days, for one of the six realms of rebirth. (trích trong the Shambala Dictionary of Buddhism and Zen) □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật Book I-Montreal 2010

(Hình : Hương Sơn Tự 2 Trung Quốc – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics