15/07/2011: 1."Nhất Bộ Nhất Bái"-Truyện thuyết Đường hay Tây du ký thời nay-2.Sự thật

15/07: 1.”Nhất Bộ Nhất Bái”-Truyện thuyết Đường hay Tây du ký thời nay-2.Sự thật
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 4852 lần

Lời mở : Mời quý độc giả theo dõi một câu chuyện Tây Du Ký thời nay gây nhiều xúc cảm nơi người đọc .- NN

Nguồn: RFA

“Nhất bộ nhất bái” – truyện Thuyết Đường hay Tây Du Ký thời nay
Quỳnh Chi- RFA

Đoạn đường 1.800 cây số, nhưng hai thầy trò phải mất vài năm mới đi hết. Khác nào Đường Tam tạng Tây du thình kỉnh? Đó là câu chuyện về sư ông Đại đức Thích Tâm Mẫn, người đang cùng chú thị giả hành hương từ thành phố HCM đến núi Yên Tử.

Từng bước… về đất thiêng Yên Tử

Thầy Thích Tâm Mẫn vẫn cứ nhẫn nại và bình thản mỗi bước chậm. Cứ mỗi bước đi như thế, người ta thấy Đại đức rạp người cúi lạy làm người kính phục, kẻ tò mò. Một trong những điều làm người ta thắc mắc đầu tiên, chính là điểm đến của lộ trình. Trò chuyện với Thầy Thích Tâm Mẫn khi Thầy vừa hoàn thành một ngày lễ lạy, vị sư hoan hỉ cho biết:

àn thành một ngày lễ lạy, vị sư hoan hỉ cho biết:

Núi Yên Tử-Wikipedia photo
“Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, núi Yên Tử là cái nôi trong Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là nơi…

… Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập sau khi nhường ngôi cho con. Con cháu nước Việt cần tìm hiểu để hiểu nguồn gốc tâm linh của tổ tiên… Những gì Thầy đang làm thì cũng không có gì đặc biệt đâu bởi vì chư Phật chư Tổ cũng như nhiều vị khác cũng đã làm rồi. Thì con cháu của chư Phật chư Tổ cũng đi theo con đường đã có sẵn thôi. Nói chung, nó thể hiện tinh thần Phật học của người công Phật”.

Núi Yên Tử, đất thiêng của Phật giáo Việt Nam với những con suối uốn khúc trong veo, với rừng tùng xanh bạt ngàn, ẩn sâu là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Từ xưa, kinh đô Phật giáo nơi này đã nổi tiếng với thiền pháiTrúc Lâm và những câu chuyện của vua Trần Nhân Tông. Tất cả như có một sức hút vô hình làm người dù không phải nhà Phật cũng muốn đến một lần, huống hồ là Thầy Thích Tâm Mẫn, người nguyện gắn đời mình vào câu kinh tiếng kệ.
Sám hối-Hòa bình-Hóa độ

Thế nhưng, sự thanh bình nơi núi Yên Tử chỉ là cảm hứng cho điểm đến của cuộc hành hương, sự thanh bình của thế giới mới chính là nguồn gốc sở nguyện của Đại đức. Đại đức chia sẻ đại nguyện “nhất bộ nhất bái” từ chùa Hoằng Pháp, Tp. HCM đến núi Yên Tử:

“Lúc trình bày nguyện vọng của mình với sư phụ về chuyến bộ hành này thì Thầy nói rằng Thầy đi với tinh thần thứ nhất là để sám hối tội nghiệt của mình. Thứ hai là để cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Tiếp theo là có thể đem những điều mình làm được để cùng chúng sinh chia sẻ và thực hành những điều Phật dạy. Gọi chung là hóa độ chúng sinh”.

Tứ sáng ngày mồng 2 Tết năm Kỷ sửu (ngày 27 tháng 1 năm 2009 dương lịch), thầy Thích Tâm Mẫn bắt đầu chuyến hành hương dài khoảng 1.800 cây số từ chùa Hoằng Pháp, nơi thầy tu tập cùng một chú thị giả của thầy. Chú Đức, thị giả cho biết:

“Con đi với Thầy từ ngày đầu tiên, đến bây giờ đã được hơn 2 năm 4 tháng rồi. Hiện tại thì thầy trò chúng tôi vừa qua ngã ba Đồng Hới”.

Chú thị giả chỉ ngoài 20, đang tập sự xuất gia. Chú đi theo Thầy vừa mang hành lý, vừa chăm sóc Thầy, và vừa trải quạt cho Thầy bước đi và quỳ lạy – một công việc khá vất vả khi phải làm năm này qua tháng nọ. Thế nên trong hành lý, chú thị giả chỉ chứa những thứ cần thiết. Chú Đức thổ lộ:

“Trong túi hành lý chứa toàn y áo và kinh sách, kim chỉ, vớ, lều chõng để khi cần là có. Nói chung là những thứ cần thiết chứ cũng chẳng có gì”.

Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử- Wikipedia photo.

Hành lý mà thầy trò Đại đức mang theo, ngoài 3 cây quạt lớn để phục vụ cho việc lễ lạy, vật dụng cần thiết nhất có lẽ là kinh sách và lều chõng bởi trong cuộc hành hương kéo dài hàng năm như thế, việc phải dừng chân nghỉ ngơi bên đường là điều tất yếu. Chúthị giả của Thầy nói tiếp:

“Lúc trước khi mới bắt đầu cuộc bộ hành này thì Thầy trò con đi đến đâu nghỉ tạm bên đường đến đấy. Nhưng sau này do có nhiều người hiếu kỳ, Thầy trò không thể nghỉ tạm như thế, nên phải xin vào các ngôi chùa gần đó nghỉ nhờ. Nếu không có chùa thì xin nghỉ nhờ nhà Phật tử hay nhà dân. Nếu không có 2 điều kiện đó thì Thầy trò ngủ ngoài đường”.
Nghiệp chướng-Thiện Căn- An lạc

Thầy Thích Tâm Mẫn, tên tục là Minh. Đại Đức nói trước khi trở thành người nhà Phật, Thầy cũng như bao thanh niên khác: cũng có ước mơ, cũng tham vọng, cũng cầu toàn. Năm 2004, sau nhiều lần thi trượt đại học, thầy Thích Tâm Mẫn, lúc đó chỉ là một chàng thanh niên ngoài 20, tìm đến cửa Phật xin làm công quả, ước mơ trở thành thầy thuốc đông y. Sau một thời gian vừa quét rác, vừa nấu cơm, vừa trị bệnh đông y trong chùa Hoằng Pháp, thầy Thích Tâm Mẫn tìm đến những giáo lý vi diệu của kinh Phật. Đặc biệt, những lời lẽ cao đẹp của kinh Tám Điều và kinh Từ Tâm đã cảm hóa được tâm hồn chàng thanh niên trẻ. Chỉ vài tháng học tập tại chùa Hoằng Pháp, thầy Thích Tâm Mẫn đã quyết chí xuất gia.

Khi bài phóng sự này đựơc phát thanh trên làn sóng của đài Á Châu Tự Do, hai thầy trò Đại đức đang đến Ngã ba Thanh Khê, Bối trạch, Đồng Hới, Quảng Bình. Điều đó cũng có nghĩa là thầy Thích Tâm Mẫn đã “nhất bộ nhất bái” được khoảng 2/3 đoạn đường.

“Nhất bộ nhất bái”- theo lời nhà Phật, việc bái lạy sẽ giúp tiêu trừ nghiệp chướng, phát triển thiện căn, mang đến sự an lạc về thể chất và tinh thần và dĩ nhiên không thể thiếu sự rèn luyện khiêm cung, nhẫn nại. Thầy Thích Tâm Mẫn giảng giải thêm:

“Chư Phật chư Tổ cũng đã dạy rằng “Có nhẫn thì mới gần được đạo, không nhẫn thì đạo còn rất xa”. Thứ nhất, mình phải nhẫn nại chịu đựng những khó khăn để vững chãi trên bước đường tu học. Thứ hai, là vững chãi vượt qua thử thách hay hạn chế về bản thân”.

Chữ NHẪN theo Hán tự có “bộ đao nằm trên chữ tâm”, ý chỉ những khó khăn gian nan luôn ở trước mặt không chỉ có nhẫn nại mới có thể vượt qua mà nó còn cần một sự nhẫn nhịn, một ý chí kiên trì và một tấm lòng an lạc. Chính vì thế, trong cuộc hành hương, có những lúc thầy Thích Tâm Mẫn chấp nguyện lễ lạy trong mưa gió để rèn luyện đạo hạnh của mình.

Theo ước tính, khi đến được núi Yên Tử Thầy sẽ mất gần 4 năm, lạy được 3 triệu lạy và niệm được ít nhất 6 triệu câu hồng danh “A Di Đà Phật”. Vì phải vừa đi vừa bái lạy, nên Đại đức đi rất chậm, mỗi ngàychỉ khoảng chừng 2 km. Mỗi ngày Thầy thực hiện lễ “nhất bộ nhất bái” ba lần; mỗi lần kéo dài khoảng 2-3 giờ đồng hồ; và có thể bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 5 hay 6 giờ chiều.
Đại đức cho biết, không có quy định cụ thể nào về các bước đi hay cách lạy, chủ yếu làm sao giữ cho bước đi được tự nhiên, để chính cái tự nhiên đó tạo ra an lạc cho người đi.

“Trong khi hành lễ “nhất bộ nhất bái” thì chúng ta có thể niệm Phật để tịnh tâm. Còn trước khi hành lễ thì nhắc lại những lời phát nguyện lúc trước để nuôi dưỡng và làm nó lớn thêm, vun bồi cho nó vững chãi trong tâm thức của mình để chuyển hóa những điều bất thiện mà tạo ra một năng lượng tốt. Sau khi kết thúc buổi lễ lạy thì mang những năng lượng tốt ấy hồi hướng”.

Mỗi lần trước khi thực hiện việc lễ lạy “nhất bộ nhất bái”, Thầy Thích Tâm Mẫn đều đứng khoảng 2-3 phút nhắc lại lời phát nguyện của mình. Sau buổi lạy đó, Thầy thường mang tất cả những gì làm được trong buổi lạy để hồi hướng đến tất cả pháp giới chúng sinh, cả người sống lẫn người chết.
Đoàn hộ pháp

Cảm phục và tôn trọng vị sư trẻ đáng kính, ngày càng có nhiều người biết đến và theo dõi từng bước đi của Đại đức. Sau khoảng 2 năm rưỡi khởi điểm của cuộc hành hương, ngày càng nhiều người hơn tháp tùng cùng Thầy hành hương về phương Bắc. Chú thị giả cho biết, khi bắt đầu cuộc bộ hành này thì chỉ có Thầy và chú, nhưng bây giờ mẹ chú Đức cũng đi theo để lo ăn uống. Thêm vào đó, nhiều Phật tử theo hộ pháp bên đường khi có thời gian. Chính vì thế mà đôi lúc đoàn hộ pháp có khoảng 5 cũng có lúc lên đến mười mấy người. Có thêm nhiều người, hẳn cuộc hành hương cũng đỡ vất vả và nguy hiểm hơn. Nhưng theo thầy Thích Tâm Mẫn, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy mọi người hướng đến chung một mục đích:

“Người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và luôn muốn cho thế giới được an vui hạnh phúc. Cho nên khi thấy Thầy “nhất bộ nhất bái” cầu nguyện cho thế giới và chúng sinh, nên dân chúng không phân biệt tôn giáo cũng tham gia để thể hiện tinh thần đó”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thầy trò thầy Thích Tâm Mẫn cũng nhận được sự ủng hộ và kính phục từ người khác. Đôi lúc vẫn có những ánh mắt hiếu kỳ quá đáng, những chuyện không hay và những nghi ngại.

“Về cách nhìn thì mỗi người có một ý kiến nhưng là người đi sát Thầy thì con thấy rằng mục đích của Thầy là cầu nguyện cho hòa bình thế giới cũng như trau dồi đạo hạnh của mình… Thường thường thì những thành phần quậy nhất là những thanh niên say rượu xuất hiện vào buổi chiều. Có lẽ là do họ có vài giọt rượu thôi chứ cũng chẳng có gì”.

Và những lúc như thế, là những lúc chú thị giả thấy trong lòng có nhiều cảm xúc:

“Cảm nghĩ thì rất nhiều nhưng khi nói ra rất là khó. Con đi theo Thầy hằng ngày, viết nhật ký để sau khi kết thúc chuyến đi có thể viết lên một cái gì đó. Những lúc Thầy đi trong trời mưa, những lúc có người nhìn Thầy…thì con đều có cảm xúc nhưng có những cái mình cảm nhận bằng cái tâm thôi, chứ nói ra cũng không biết nói như thế nào”.
Thân tâm thường an lạc

Những nghi ngờ, những thắc mắc không cản trở được bước chân của Thầy Thích Tâm Mẫn. Qua cách trò chuyện, qua lời gởi gắm, người ta dễ dàng thấy được một tinh thần và thể xác an lạc nơi vị sư trẻ với mong muốn mang đến một nguồn năng lượng tốt cho thế giới.

“Theo tinh thần của người tu, Thầy chỉ có thể khuyên rằng mọi người nên cố gắng tu sửa những điều xấu ác, làm việc thiện để tạo nên nguồn năng lượng tốt đẹp cho chính bản thân và cho mọi người. Những việc này sẽ hợp lại thành một nguồn năng lượng an lành giúp cho mỗi cá nhân và cho tất cả chúng sinh trên thế giới. Nó còn có thể hóa giải được những xung đột và những yếu tố gây nên bất ổn trong cuộc sống”.

Văn học Trung Quốc đã cho chúng ta một câu chuyện thú vị về thầy trò Đường tăng. Người Tây Tạng vẫn còn truyền tụng câu chuyện về một người con trai đã thay cha mình vượt qua rặng Himalaya, hành hương “tam bộ nhất bái” đến chùa Jokhang sau khi người cha bỏ mạng trên đường đến thánh địa Lhasa…Và nhiều vị thiền sư, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới cũng hành hương “tam bộ nhất bái” với nhiều mục đích, và mục đích cầu nguyện cho hòa bình nhân loại là một mục đích đáng trân trọng.

Ai xuất gia cũng có hạt giống bồ đề. Điều quan trọng là tưới tẩm cho hạt giống nảy mầm, đâm hoa kết trái. Khi Đại đức cầu nguyện cho hòa bình, cho thiện căn dân chúng, người ta hiểu rằng hạt giống bồ đề của người đang được tưới tẩm.

QUYNHCHI@RFA.ORG

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

……………………………………………………………

Nguồn: Việt Báo Online

LGT-Bài lược dịch của tác giả Cung Nhật Thành dưới đây cũng bàng bạc lời Phật dạy . Xin chia xẻ cùng quí bạn đọc .-NN

Sự Thật

Cung Nhật Thành lược dịch
06/06/2011

Truyện cổ Syria
Ngày xưa ở Syria có ông vua ra lệnh rằng hễ ai nói dối là bị phạt 5 dinars. Khi lệnh đã được rao truyền đi khắp nơi, lập tức phố phường đang tấp nập chen chúc bỗng trở thành vắng vẻ, thưa thớt. Người ta tránh không muốn gập nhau, sợ sẽ bị phạt nếu nói những điều không thật !
Vua và một cận thần sau khi cải trang gọn ghẽ đã lang thang trong phố chợ để xem luật không được nói dối tạo ảnh hưởng như thế nào trong xã hội…Sau khi lòng vòng trên phố xá le hoe vài người qua lại và yên lặng như buổi chợ chiều, cả hai dừng chân trước cửa hàng tạp hoá lớn của một thương gia nổi tiếng là rất giầu có. Người thương gia nhận ra Vua và vị cận thần liền mời cả hai lên nhà trên uống cà phê …Qua tách cà phê, câu chuyện giữa ba người rất là tương đắc và thoải mái… Rồi thì chuyện phải đến đã đến….
“ Ông được bao nhiêu tuổi rồi ? ” Vị cận thần hỏi.
“Hai mươi tuổi!“ Người thương gia trả lời.
– Ông có bao nhiêu tiền ?
– Bẩy chục ngàn.
Vị cận thần nói : “Ông nói không đúng, tiền phạt cho hai câu nói dối là 10 dinars! Ông có mấy người con trai ?“
– Allah chỉ cho có tôi một người con trai thôi !
– Trả thêm 5 dinars nữa !
Người thương gia liền nói : “Ông có gì chứng minh rằng tôi không nói thật ? “
– Theo sổ lục bộ khai sinh thì ông là một người 65 tuổi, vậy mà ông nói ông mới có hai mươi tuổi !
– Tổng cộng thời gian mà tôi học hành, hiểu biết và hạnh phúc trong cuộc sống chỉ có khoảng 20 năm, 45 năm còn lại trong đời chỉ toàn là phiền muộn, lo toan không có ý nghĩa gì nên tôi nói tôi 20 tuổi !
– Theo tôi biết tài sản tiền bạc của ông nhiều đến nỗi không ai có thể đếm được…thế mà ông nói chỉ có bẩy chục ngàn ?
– Tôi đã dùng bẩy chục ngàn xây đền thờ để phục vụ công ích, cho dân chúng có nơi thờ phượng tôn kính đức Allah và nghĩ đó là số tiền tôi dùng có ý nghĩa và xứng đáng nhất. Còn những số tiền khác không tính vì chỉ chi dùng cho lợi lộc gia đình và bản thân tôi.
“Ông có sáu người con trai “vị cận thần nói và kể tên từng người một, “ vậy mà ông nói chỉ có một con trai là thế nào ? “
– Năm tên kia là những bợm nhậu, chả làm gì cả, say sưa suốt ngày và tối đến thì lại …ngủ….lộn giường, y hệt quân…mèo mả gà đồng! Nhờ Allah phù trợ, tôi chỉ có một con trai sống trong sạch ngay thẳng và lương thiện…..
Đức Vua gật đầu nhìn nhận:
– Ông đã biện giải rất xác đáng và ngay thật. Không thể tính vào các ngày tháng đã để trôi qua vô ích uổng phí. Cũng không thể lưu ý và trông cậy với những gã có đời sống buông thả vô trách nhiệm…Chỉ những số tiền và của cải mà bạn giúp đỡ hay đem lại lợi ích cho người khác mới thật sự là tài sản của bạn trong cõi đời này…..
Tháng 11, 2008

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics