16/04: 41. Hội Chùa Côn Sơn – 42. Cửu Hoa Sơn

16/04: 41. Hội Chùa Côn Sơn – 42. Cửu Hoa Sơn
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5382 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 41.Hội Chùa Côn Sơn

1. Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè, Tháng tư…..
Thật ra, không phải đợi đến tháng ba, người Việt Nam chúng ta mới hội hè. Ngay từ đầu tháng giêng đã có nhiều hội rồi nhưng phải nhận rằng lắm hội chỉ có tính cách địa phương, hoặc là ít người biết đến. Ngày 5 tháng giêng ta, có hội Đống Đa, ở gần Hà Nội, kỷ niệm Vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh vào năm 1789. Ngày 6 tháng 1 ta, có hội Cổ Loa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh gần Hà Nội, kỷ niệm An Dương Vương. Cũng ngày 6 tháng 1 ta, có hội Mê Linh ở xã Hạ Lôi, huyện Mê Linh gần Hà Nội, kỷ niệm Hai Bà Trưng và ông Thi Sách, v.v…
2. Từ ngày 18 đến ngày 23 tháng giêng ta, Hội Côn Sơn ở xã Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương được tổ chức tại chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, còn gọi là Côn Sơn Tự hay Tư Phúc Tự, tên nôm là…

… chùa Hun. Chùa này thờ thiền sư Huyền Quang (tên tục là Lý Đạo Tái), vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa này cũng thờ Băng Hồ tướng công Trần nguyên Đán và thờ cháu ngoại của tướng công là Nguyễn Trãi. Ngày nay, nói đến Côn Sơn, người ta liên tưởng đến Nguyễn Trãi nhiều hơn. Tuy vậy, về phương diện tôn giáo và văn học, thiền sư Huyền Quang rất đáng được nhắc nhở và tưởng niệm.
3. Vua Trần Nhân Tông húy là Trần Khâm, sinh năm 1258, lên ngôi năm 1279, nhường ngôi cho con năm 1293 để tu Phật, tịch năm 1308 trên núi Yên Tử. Ngài là một trong những nhà vua yêu nước và anh hùng trong sử Việt, đã đánh tan quân Mông Cổ (nhà Nguyên) hai lần: 1285 và 1288; đã củng cố biên giới phía Tây và phía Nam của nước ta, đã thực hiện dân chủ bằng hai cuộc hội nghị tại Bình Than (họp tướng lãnh và tôn thất) và tại điện Diên Hồng (họp bô lão), sử sách còn ghi. Đặc biệt nhà vua bỏ ngôi đi tu, sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, chu du thuyết pháp khắp nước dưới nếp áo nhà sư, Pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà; ngài còn được gọi là Trúc Lâm đại đầu đà hay Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài là sơ tổ (tổ thứ nhất) của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tổ thứ nhì của dòng thiền đó là thiền sư Pháp Loa (1284-1330), tên là Đồng Kiên Cương. Năm 21 tuổi (1304), ngài gặp Điều Ngự Giác Hoàng, xin xuất gia. Một năm sau, được thọ giới tỳ-kheo, và hai năm sau nữa (1307) được sơ tổ trao y bát, trở thành nhị tổ. Năm 1330, tịch ở chùa Quỳnh Lâm, thọ 47 tuổi. Tu 26 năm thì lãnh đạo Giáo Hội 23 năm, ngài có công rất lớn trong việc tổ chức Giáo Hội Phật Giáo vào khuôn phép, trong việc chú giải và in kinh điển, biên tập các nghi thức lễ bái và sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học.
Vua Trần Anh Tông viếng:
Tự tòng Pháp Loa khứ thế hậu,
Thiên hạ thích tử không vô nhân.
Nghĩa là: từ khi Pháp Loa qua đời, Phật tử trong thiên hạ như không có người.
4. Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là thiền sư Huyền Quang, tên thật là Lý Đạo Tái (1254-1334). ngài lớn hơn tổ thứ nhì Pháp Loa đến 30 tuổi! Thông minh từ nhỏ, 20 tuổi đã đậu kỳ thi Hương, năm sau đậu thủ khoa kỳ thi Hội. Làm quan, tiếp sứ giả phương Bắc, đối đáp mau lẹ. Triều đình thán phục, có ý gả một công chúa cho, nhưng ngài từ chối. Năm 51 tuổi (1305) xuất gia, như vậy là xuất gia sau ngài Pháp Loa có một năm thôi. Năm 1306, ngài cùng thầy là thiền sư đến nghe nhị tổ Pháp Loa thuyết pháp ở chùa Siêu Loại, tại đó ngài gặp sơ tổ Trúc Lâm. Sơ tổ thấy người tài giỏi, giữ lại nhờ soạn Chư Phẩm Kinh, Thích Khoa Giáo và Công Văn Tập (có người nghĩ rằng Công văn tập là tập ghi lại các cuộc đối đáp với các sứ Tàu, nhưng thật ra đó là các bài văn, sớ điệp dùng trong lễ nghi Phật Giáo). Khi ngài được cử trụ trì tại chùa Yên Tử thì số tăng ni theo về học đạo rất đông, sử chép có cả ngàn người. Năm 1313, ngài trở về quê ở làng Vạn Tải, huyện Gia Định, tỉnh Bắc Ninh, lập chùa Đại Bi, ở đó một năm để báo hiếu cha mẹ. Năm 1330, nhị tổ Pháp Loa tịch ở chùa Quỳnh Lâm (một chùa rất lớn, gần Yên Tử), ngài nhận y bát trở thành tam tổ. Sau ngài về trụ trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn và tịch tại đó năm 1334, thọ 81 tuổi.
Phía sau chùa, trên lưng chừng núi Côn Sơn, có tháp của ngài Huyền Quang; khi xây tháp này, vua Trần Minh Tông ban cho mười lạng vàng; tháp Huyền Quang còn gọi là Đăng Minh Bảo Tháp. Theo sự nghiên cứu gần đây thì ngôi tháp hiện nay được dựng năm 1719 thay cho ngôi tháp dựng năm 1334 đã đổ nát.
Người ta đã dựng một tháp Đăng Minh nhỏ ở chùa Đại Bi tức chùa Vạn Tải, gần sông Đuống (ghi chú: sông Đuống, sông Cầu, sông Thương còn có tên là sông Thiên Đức, Nguyệt Đức, Nhật Đức).
Tại nhà tổ chùa Côn Sơn, có tượng Trúc Lâm tam tổ, theo hàng ngang: ở giữa là tượng Trúc Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông), bên phải là tượng tam tổ Huyền Quang, bên trái là nhị tổ Pháp Loa.
5. Theo trên, ta biết rằng tam tổ Huyền Quang lớn hơn nhị tổ Pháp Loa 30 tuổi. Lịch sử Việt Nam có ghi lại việc tam tổ giúp nhị tổ trong lúc sắp tịch diệt như thế nào. Câu chuyện khá dài, không tiện kể hết ở đây. Chỉ xin ghi lại phần cuối nói về lúc nhị tổ bệnh nặng về chùa Quỳnh Lâm sống thêm được hai mươi ngày.
Lúc này, ngài Huyền Quang nói: – Xưa nay các bậc đại ngộ khi giờ phút đến, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi.
Ngài Pháp Loa nói: – Đi hay ở thì không quan hệ chi tới ai.
Ngài Huyền Quang hỏi: – Vậy thì sao?
Ngài Pháp Loa đáp: – Thì tùy xứ Tát-bà-ha.
Nghe lời đối thoại của các thiền sư, chúng ta thấy rất khó hiểu. Hỏi ra thì biết rằng ý các ngài muốn nói rằng: sống và chết chỉ là hai mặt của một thực thể; sự đại ngộ phải do thực chứng không nhờ ai khác; tùy xứ Tát-bà-ha có nghĩa là tự do tuyệt đối.
6. Về ngài Huyền Quang, có vài huyền thoại. Huyền thoại sau đây liên quan đến cuốn sách Tam tổ thực lục. Khi nhà Minh sang xâm chiếm nước ta, ý đồ của họ là tiêu diệt văn hóa Việt, đồng hóa dân ta với dân Tàu. Vì thế vua Minh ra lệnh tàn phá, đốt cháy mọi thứ liên hệ đến văn hóa Việt Nam, “nữa chữ cũng không để lại”. Không đốt phá thì tịch thu; vì thế rất nhiều sách quý của người nước ta bị mất (thí dụ Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương). Trong số sách bị cướp, có cuốn Tổ gia thực lục ghi sự tích ngài Huyền Quang, do thượng thư Hoàng Phúc chiếm giữ. Hoàng Phúc nằm mộng thấy ngài Huyền Quang đến đòi sách nhiều lần, phát sợ, nên cho xây “An Nam Thiền Sư Tự” để thờ. Việc này xảy ra sau thời giặc Minh (1407-1428), có tài liệu ghi rằng Hoàng Phúc mang sách về Tàu năm 1426. Gần một trăm năm sau, Tô Xuyên Hầu Lê Quang Bí đi sứ sang tàu. Cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa tìm đến Tô Xuyên Hầu, trao lại sách Tổ gia thực lục, để đem về Việt Nam. Người ta nói rằng sách này sẽ làm thành một phần của sách Tam tổ thực lục.
7. Đây là một huyền thoại nữa: Khi thấy nhà vua Trần Anh Tông ca tụng đức hạnh của ngài Huyền Quang, lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tâu: “vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ được xương. Biết người, biết mặt, không biết được tâm. Phải thử xem thì mới biết hay hay dở”.
Trong triều, có một cung nữ tài sắc tuyệt vời, tinh thông kinh sách, giỏi thơ nôm, tên là Điểm Bích. Vua chọn Điểm Bích để thử xem ngài Huyền Quang, lúc đó trụ trì chùa Vân Yên ở núi Yên Tử, có thật là một nhà chân tu hay không. Vua dặn nàng làm sao lấy được số vàng mà nhà vua đã tặng cho ngài Huyền Quang. Điểm Bích đến chùa Vân Yên (sẽ đổi tên là chùa Hoa Yên, cho nên trong thơ Nguyễn Trãi về sau có bài vịnh Hoa Yên Tự), ở nhờ một bà vãi già để xin xuất gia tu Phật. Nhiều lần gặp nhà sư, Điểm Bích hy vọng dùng sắc đẹp của nàng để làm động lòng, nhưng ngài không hề để ý, hơn nữa ngài còn khuyên nàng hãy trở về nhà, sau này về già hãy xin thế phát (cắt tóc), hình như ngài đã “nhìn thấy” thâm tâm của nàng. Nàng bèn nói nàng là con quan, cha nàng bị kẻ cướp lấy mất số vàng định đem nộp cho nhà vua; thân quyến giúp đỡ đã gần đủ, nay nàng cầu xin nhà sư phát tâm từ bi làm phúc giúp cho chút vàng để cho đủ số hầu cứu cha nàng khỏi vòng tù tội. Nhà sư bèn lấy vàng đem cho Điểm Bích.
Về đến kinh đô, Điểm Bích tâu vua rằng: “Một hôm, canh khuya, sư về phòng; thần thiếp đến cạnh phòng nghe ngóng, thấy sư ngâm:
Vằng vặc trăng soi đáy nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh,
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,
Mâu Thích-Ca nào thứ hữu tình.
Thần thiếp vào phòng xin phép sư về quê, sau sẽ trở lại. Nhà sư giữ thần thiếp ở lại một đêm và cho thiếp số vàng này.”
Thấy số vàng mà mình đã tặng cho ngài Huyền Quang, nhà vua trở nên phân vân: sư Huyền Quang là người như thế nào? Nhà vua bèn sai lập đàn ở Kinh thành, mời ngài Huyền Quang đến chủ lễ. Ngài hiểu mình đã bị lừa, thắp nhang khấn vái trời đất, lạy mười phương. Gió nổi lên đùng đùng, bao nhiêu đồ lễ bay hết, chỉ còn nhang đèn cúng Phật mà thôi. Nhà vua thấy đạo hạnh của nhà sư thấu tận trời đất, bèn xin lỗi và giáng Điểm Bích làm người quét chùa.
Nghe chuyện này, đa số đánh giá là khó tin. Tuy vậy, sách vở có ghi lại rằng Nguyễn Thị Điểm Bích, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, lộ Hồng châu (Hồng Châu tức là Hải Dương), không biết bố là ai, lớn lên trong nhà bố mẹ nuôi, thông minh tuyệt đỉnh, chín tuổi đã được tuyển làm cung nữ thời vua Trần Anh Tông.
8. Không biết thực hư ra sao, không đoán được phần thực ở chỗ nào, tình cờ đọc Vũ trung tùy bút (nghĩa là theo ngòi bút viết trong khi mưa) của Phạm Đình Hổ (1768-1839), tục gọi là Chiêu Hổ, người huyện Đường An, chúng tôi thấy ghi trong phần nói về Lý Đạo Tái mấy dòng sau đây: “Gần đây, ông Nguyễn Hoàn có soạn bài Huyền Quang hành, trong có nói đến chuyện nàng Bích, nhưng chuyện ấy không thấy chép trong sử, ta thường lấy làm ngờ. Còn nhớ khi mới lên bảy, tám tuổi … khi nghe các bà có nói đến nàng Bích, ta mới biết quả có người ấy thật. Bà nói rằng: ‘Mộ nàng Bích ở làng Hoạch Trạch; buổi đầu năm có kẻ đào lên thì thấy quan tài còn y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền…’”.
Gần hai thế kỷ đã trôi qua sau tùy bút của ông Chiêu Hổ, kẻ hậu sinh vẫn chưa thấy điều gì hơn. Có lẽ nên trở lại với các tài liệu thơ văn của tam tổ thì hơn.
9. Huyền Quang là nhà sư đồng thời là một nhà thơ, nhưng “con người thi nhân rõ nét hơn con người tôn giáo”. Thơ hay, rất đậm chất trữ tình. Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú khen: “ý tứ cao siêu, lời bay bướm phóng khoáng”.
“Trạng Nguyên Lý Đạo Tái đậu trạng rồi đi tu, lấy pháp hiệu là Huyền Quang, những bài thơ ông làm ra thường có khí tượng cao siêu, đôi khi lại đượm vẻ phiêu dật mỹ lệ” (Phạm Thế Ngũ: VN văn học sử giản yếu tân biên).
Hiện còn 24 bài thơ, 1 bài phú nôm. Chư phẩm kinh, Công văn tập và tập thơ Ngọc tiên tập nay đã mất. Sau đây là mấy bài đã được dịch ra từ chữ Hán:
Vịnh mùa thu sớm
Đêm chia hơi mát lọt bình phong,
Cây báo thu về tiếng nhẹ rung.
Quên thú nhà tre, hương mới tắt,
Cành thưa ken lưới đón trăng trong.
(Hải Thạch dịch)
Chùa núi
Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài,
Chùa núi im lìm gối cỏ may.
Đã được thành thiền tâm một khối,
Rè rè tiếng dế gọi kêu ai?
(HT Thanh Từ dịch)
Cúc
Người ở trên lầu, hoa dưới sân,
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông.
Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Một đóa hoa vừa mới nở tung.
(Nguyễn Lang dịch)
Hoa Mai
Muốn hỏi trời xanh: hoa tự đâu?
Một mình gội tuyết chốn non sâu.
Bẻ về, đâu muốn lừa tri kỷ,
Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu.
(Băng Thanh dịch)
Thương Tên Giặc Bị Bắt
Chích máu thành thư muốn gửi đưa,
Rẽ mây biên tái nhạn bơ vơ.
Mấy nhà buồn ngắm trăng đêm vắng,
Xa cách lòng chung một đợi chờ!
(Hoàng Trung Thông dịch)
11. Từ Hà Nội muốn đi thăm Côn Sơn, người ta có thể theo quốc lộ số 5 đi tới Hải Dương rồi dùng đường nhỏ đến Chí Linh, chợ Chi Ngại và đi thêm 1km nữa thì đến Côn Sơn. Cũng có thể theo quốc lộ số 1 đi tới Bắc Ninh rồi theo quốc lộ 18 đến Chí Linh và chợ Chi Ngại. Từ Hà Nội theo đê sông Đuống sẽ qua Lệ Chi Viên, qua làng Vạn Tải (còn gọi khác là Vạn Tư hay Vạn Ti), qua làng Bình Than đến bến Phả Lại, qua đò, theo quốc lộ 18 đến Chi Ngại.
Chùa Thiên Tư Phúc hay gọi ngắn là Chùa Tư Phúc, hay chùa Côn Sơn, gọi nôm là chùa Hun (dân đốt củi làm than nên có nhiều khói, có người nói Trần Khánh Dư làm than ở đó, nhưng không chắc). Chùa ở ngay chân núi, xây vào cuối thế kỷ 13, mở rộng năm 1329, đã được trùng tu nhiều lần. Nhị tổ và tam tổ Trúc Lâm sửa sang thành Đại Tùng Lâm. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán xin nhà vua cho về dưỡng già tại đó, nhờ dân địa phương phạt cây, san đá, gạn suối, mở lối v.v…, đem theo cháu ngoại là Nguyễn Trãi. Cảnh đẹp đến nỗi nhị tổ Pháp Loa phải nói rằng: “ở chốn này người ta không còn biết đến ngày tháng nữa mà chỉ biết đến tiết Trùng Dương (mồng 9 tháng 9 âm lịch) khi hoa cúc nở”:
Tuế vãn sơ trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
Nơi ở của Trần Nguyên Đán gọi là động Thanh Hư. Nay còn tấm bia khắc ba chữ nho lớn: “Thanh Hư Động” do chính tay vua Trần Duệ Tông viết tặng.
Du khách nào cũng đứng lại xem cây đại, cây tùng già 600 năm, bước lần lên cao thăm suối Thạch bàn, tháp Huyền Quang, bàn cờ Côn Sơn, đá Tiên, và lên đỉnh Kỳ Lân để phóng tầm mắt nhìn khắp chung quanh: gần núi Kỳ Lân là núi Phượng Hoàng, nơi ẩn cư của nhà đại mô phạm Chu Văn An (Kỳ Lân và Phượng Hoàng đều thuộc về dãy Yên Tử) nhìn về phía Tây Bắc thì thấy sông Thương (trên bờ có đền thờ đức thánh Trần, tức Hưng Đạo Đại Vương, ở Vạn Kiếp); về phía Đông Bắc, là núi Báo Đức hay Bái Vọng (người ta nói mộ Nguyễn Phi Khanh ở đó, nhưng không có dấu tích gì) và núi Giáp Sơn (người ta nói khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, học trò của ông mang hài cốt về táng ở đó, nhưng nay không còn dấu tích). Nếu du khách đến Côn Sơn không nhằm ngày hội náo nhiệt thì có thể lững thững trên đỉnh Kỳ Lân, ngâm nga mấy câu đầu trong bài Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi:
Côn Sơn có suối,
Tiếng nước chảy róc rách,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa rửa sạch rêu
Phơi ra màu đá xanh,
Ta lấy đó làm chiếu nệm.
Trong núi có tùng,
Như vạn cái lọng xanh,
Ta tha hồ nằm nghỉ
Ở dưới bóng mát,
Trong rừng có trúc,
Ta tha hồ ngâm vịnh
Ở ngay bên cạnh…
Hoặc là ngâm bài Du Côn Sơn (Đi chơi Côn Sơn) của Nguyễn Phi Khanh:
Lên non một gậy, chống khoang mây,
Ngoảnh lại, xa xa bụi tục dày.
Mưa tạnh, nước khe ranh rách chảy,
Trời quang, khí núi nhẹ nhàng bay.
Trăm năm cõi thế, toàn trong mộng,
Nửa buổi thành tiên, mới biết may.
Cao hứng muốn vào tăng viện nghỉ,
Chuông chiều thúc nguyệt, mắc ngàn cây.
(Hoàng Khôi dịch)
12. Từ 18 đến 23 tháng giêng âm lịch, là ngày hội Côn Sơn; hội này mới được phục hồi chừng ba chục năm nay, đúng ra là một hội Phật giáo: thiện nam tín nữ các chùa, đặc biệt là hai chùa lớn Hoa Yên và Quỳnh Lâm, trảy về Côn Sơn để kỷ niệm Tổ Huyền Quang.
Ngày 16 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ cụ Nguyễn Trãi và 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Người ta làm lễ lớn tại Vạn Kiếp và Côn Sơn từ ngày rằm tháng 8; đoàn người theo nhau từ Vạn Kiếp lên Côn Sơn, đường tắt chừng 5km.
Chúng ta đến Côn Sơn để nhớ lại tam tổ Huyền Quang, nhớ lại Khai quốc Nguyên huân Nguyễn Trãi, nhớ lại Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán và để thăm một danh lam đồng thời là một thắng cảnh của miền Bắc nước ta. □

BÀI 42. CỬU HOA SƠN

Cách đây ít lâu, một số Phật tử Việt Nam ở San Jose tổ chức hành hương thăm Phổ Đà Sơn và Cửu Hoa Sơn tại Trung Quốc. Một đạo hữu nghe tin ấy, hỏi tôi rằng hai núi ấy có gì đặc sắc lắm không mà phải chịu khó lặn lội xa như vậy. Tôi tìm tài liệu để trả lời đạo hữu ấy và hôm nay xin trình bày để quý vị cùng nghe.
Trung Quốc có bốn thánh địa Phật giáo, tại bốn ngọn núi nổi tiếng gọi là Tứ đại danh sơn. Đó là núi Ngũ Đài thờ ngài Văn-Thù-Sư-Lị; núi Nga Mi thờ ngài Phổ Hiền; núi Phổ Đà thờ ngài Quán Thế Âm và núi Cửu Hoa thờ ngài Địa Tạng.
Núi Ngũ Đài thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) có năm ngọn cao chót vót, tương truyền nơi đó ngài Văn-Thù thị hiện. Núi Nga Mi thuộc tỉnh Tứ Xuyên có hai núi đối nhau như mày ngài nên mới có tên là Nga Mi, rất nhiều động, tương truyền nơi đó ngài Phổ Hiền thị hiện.
Để nói về Cửu Hoa Sơn và Phổ Đà Sơn, chúng tôi dựa vào tài liệu trong cuốn sách Những hạt đậu biết nhảy (1) và vài cuốn từ điển Phật học (2) (3).
Hôm nay chúng tôi chỉ nói về Cửu Hoa Sơn và ngài Địa Tạng, xin hẹn một dịp khác sẽ trình bày về Phổ Đà Sơn.
Núi Cửu Hoa, thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) có 9 (hay 99 ?) ngọn, phong cảnh tuyệt đẹp, tương truyền núi này là thắng địa của ngài Địa Tạng. Từ Điển Phật Học Hán Việt cho biết: “Theo Thanh Nhất thống chí: Núi Cửu Hoa ở phía Tây Nam huyện Thanh Dương 40 dặm (4). Theo Cố Dã Vương Dư địa chí: núi này có 9 ngọn, vách núi dựng đứng hàng ngàn nhận, chu vi 200 dặm, cao 100 trượng. Theo Thái bình hoàn vũ kí: Núi này tên cũ là Cửu Phong Tử Sơn. Lý Bạch đời Đường cho rằng chín ngọn núi như chín bông hoa sen vót đi mà thành, vì vậy đổi là Cửu Hoa Sơn”.
Vào một năm khoảng đầu thế kỷ thứ 7, đời nhà Đường bên Trung Quốc (618 – 907), có một thái tử nước Tân La (một nước nhỏ thuộc Triều Tiên ngày nay) tên là Kim Kiều Giác tới núi Cửu Hoa tìm học Phật pháp. Ông phát hiện được bốn ngôi chùa bằng gỗ do một cao tăng người Ấn dựng lên 150 năm về trước, vị này đã lập nên Địa Tạng đạo tràng nơi đây. Ông cảm động trước lời đại nguyện “độ tất cả chúng sinh trong địa ngục” của bồ-tát Địa Tạng nên ông quy y, lấy pháp danh là Địa Tạng (về sau người ta thêm họ Kim của ông vào nên ông được gọi là Kim Địa Tạng). Ông tu khổ hạnh, không ra khỏi khu vực Cửu Hoa Sơn, và viên tịch năm 99 tuổi trong tư thế ngồi. Người ta cứ để ông với tư thế như vậy trong mộ phần. Ba năm sau cửa mộ tự động mở ra, người ta thấy ông y hệt như lúc sống và do những nét của ông giống như bồ-tát Địa Tạng trong các tranh hay các tượng nên người ta nghĩ rằng chính ông là bồ-tát Địa Tạng hóa hiện xuống trần để phổ độ chúng sinh. Cửu Hoa Sơn nổi tiếng từ đó và trong khu vực mọc lên nhiều chùa chiền, tu viện và toàn khu được mệnh danh là Liên Hoa Phật quốc.
Trong một ngôi chùa tại núi Cửu Hoa ngày nay, người ta thấy tượng Kim Địa Tạng và hai nhà sư ở hai bên. Câu chuyện ba bức tượng ấy nguồn gốc như sau : Khi Kim Địa Tạng còn sống, một ngày kia ông tới cổng một nhà giàu tên là Văn, ông này là một người hết lòng ủng hộ Phật pháp. Thấy nhà sư, ông phú hộ hỏi : – Ngài muốn hóa duyên (xin tiền) hay hóa chay (xin cơm)? Nhà sư đáp : – Bần tăng chỉ muốn xin thí chủ một mảnh đất lớn bằng tấm áo cà-sa này để cất chùa.
Thấy việc quá đơn giản và dễ dàng đối với một người giàu có như ông, ông phú hộ bằng lòng ngay. Lạ lùng thay, khi chiếc áo cà-sa của nhà sư vừa trải ra thì gió thổi làm cho nó phủ hết 99 ngọn núi Cửu Hoa, phủ luôn cả ruộng vườn nhà cửa của ông phú hộ. Ông phú hộ hiểu rằng mình đã gặp duyên lớn nên quỳ xuống xin dâng tất cả núi non, ruộng vườn và tài sản. Không những thế ông còn cho người con trai duy nhất là Đạo Minh xuất gia theo thày. Sau khi thu xếp xong việc nhà, ông cũng xuất gia, do đó ông là sư đệ của chính con ông! Tượng Kim Địa Tạng ở giữa, hai nhà sư một già một trẻ ở hai bên, ông già là cha đồng thời là sư đệ của ông trẻ.
Từ Điển Phật Học Hán Việt cho biết một số chi tiết hơi khác như sau này: “ĐỊA TẠNG, chữ Phạn là Ksitigarbha, phiên âm thành Khất-thoa-để-bá-sa … Trong thời gian từ sau khi đức Thích-Ca nhập Niết-bàn cho đến trước khi đức Phật Di-Lặc ra đời, Địa Tạng bồ-tát là người cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh trong lục đạo rồi mới nguyện thành Phật. (Có thuyết nói bồ-tát là hóa thân của Diêm La Vương). Sau khi đức Phật diệt độ 1500 năm, Địa Tạng bồ-tát giáng sinh trong một gia đình ở nước Tân La, họ Kim, hiệu Kiều Giác. Năm Vĩnh Huy 4, ngài 24 tuổi thì cắt tóc đi tu. Bồ-tát thường dắt theo một con chó trắng rất giỏi đánh hơi, cưỡi thuyền đến đất Giang Nam, phủ Trì Châu. Ở phía đông huyện Thanh Dương của phủ Trì Châu có ngọn núi Cửu Hoa, ngài lên đó tọa thiền 75 năm. Đến năm Khai Nguyên 6 đời Đường, vào đêm 30 tháng 7 thì thành đạo. Lúc đó ngài 99 tuổi. Bấy giờ có vị quan trong triều là Mẫn Công vốn sốt sắng làm việc thiện, mỗi lần cúng trai cho 100 vị sư tăng. Một hôm thiếu mất một vị. Mẫn Công bèn lên núi, mời ngài Động tăng tức bồ-tát Địa Tạng tới dự lễ cho đủ số. Bồ-tát Địa Tạng xin một cái áo cà-sa, Mẫn Công đồng ý. Ngài cầm áo tung lên, che kín cả 9 ngọn núi, mọi người đều vui vẻ. Con của Mẫn Công xin được xuất gia theo Địa Tạng, sau này là hòa thượng Đạo Minh. Về sau, Mẫn Công cũng tự nguyện thoát tục, theo con là hòa thượng Đạo Minh và nhận làm thày học. Do vậy ngày nay thấy có hai pho tượng hai bên bồ-tát Địa Tạng, bên trái là Đạo Minh, bên phải là Mẫn Công, là theo tích đó. Lại nữa, điện Nhục Thân ở trên núi Cửu Hoa, tương truyền là nơi bồ-tát Địa Tạng tọa thiền thành đạo. Nơi đó lâu ngày hóa thành chùa, tức là Địa Tạng Vương Cung. Muốn lên tới nơi phải qua 81 bậc đá vô cùng hiểm trở. Ở đó còn rất nhiều di tích của bồ-tát Địa Tạng”. (lúc thì 99 ngọn, lúc thì 9 ngọn, chẳng hiểu nổi!)
Vùng Cửu Hoa sơn có nhiều phong cảnh đẹp, điều ấy cũng không phải là thật đặc sắc vì trên thế giới không thiếu gì nơi có phong cảnh đẹp. Điều đáng kể là những sự tích gắn liền với cảnh trí. Nơi này có rất nhiều suối nhưng riêng suối Mỹ Nhân có sự tích như sau : một hôm Kim Địa Tạng gặp lúc nóng bức nên khát nước mà bình nước lại cạn. Ông bèn ngồi nghỉ dưới một cội cây. Bất thình lình có một thiếu nữ mang nước đến cúng dàng. Uống xong, ngước mắt lên, ông thấy thiếu nữ ấy hết sức xinh đẹp và đang mỉm cười. Ông hơi bị động tâm nhưng do đạo lực mạnh, ông tỉnh ngay. Người con gái biến mất để lại một nguồn nước đang phun lên, chảy chan hòa thành một dòng suối, sau gọi là suối Mỹ Nhân.
Hồ Long Đàm rộng lớn cũng dính líu đến một sự tích như sau : Khi Kim Địa Tạng đang ngồi thiền thì có năm con rồng nhỏ đến phá. Ông điềm nhiên không phản ứng. Mẹ của năm con rồng bèn hiện đến để xin lỗi và ra lệnh cho rồng con rút đi. Khi chúng trườn chạy đến đâu thì nơi đó thành những ngọn thác nhỏ. Khi đến mùa đủ nước thì năm ngọn thác ấy đầy nước chảy mạnh xuống, tụ lại nơi một cái đầm lớn, người ta gọi là Long Đàm.
Cả một khu vực rộng lớn với nhiều phong cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa hữu tình nên rất đông văn sĩ thi sĩ đã đến viếng Cửu Hoa Sơn, người ta nói rằng có đến mấy trăm bài thơ vịnh Cửu Hoa Sơn. Đáng chú ý nhất là những bài của thi bá Lý Bạch (mất năm 762), một trong những bài ấy nói đến hoa nên tên núi Cửu Tử trở thành núi Cửu Hoa.
Chúng tôi dừng nơi đây, xin cám ơn quý vị. □
CHÚ THÍCH. (1) Những hạt đậu biết nhảy, Lâm Thanh Huyền, do Phạm Huê dịch, Văn Nghệ xuất bản, 1999, California, USA.
(2) Từ điển Phật Học Hán Việt, Phân Viện nghiên cứu Phật học VN, Hà Nội, 1992-1994.
(3) Từ Điển Phật Học, Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1999.
(4) Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì : Mười thước là một trượng.
Nếu cho rằng một thước ta bằng 40 cm thì một trượng bằng 4 mét. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2-Montreal 2010

Hình:Chùa Côn Sơn – NN sưu tầm

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics