17/06: Bài 59.Tam Tạng Kinh Điển-Bài 60.Tâm & Tu Tâm

17/06: 59.Tam Tạng Kinh Điển-60.Tâm & Tu Tâm
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6714 lần

Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2
Lời nói đầu: Hai bài viết “Tam Tạng Kinh Điển” và “Tâm&Tu Tâm” dưới đây, trong tác phẩm “Bước Vào Cửa Phật” –Quyển 2- của tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú, đã chấm dứt tác phẩm này .Chúng tôi được tác giả gửi cho “Bước Vào Cửa Phật” –Quyển 3- Những bài này được tác giả thuyết trình trong các khóa “An Cư ” của chư Tăng Ni, sau đó tác giả sửa chữa và in thành sách tại Montreal, Canada, 2010 .
Nơi đây, chúng tôi trân trọng cám ơn tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú, đã cho chúng tôi một dịp phổ biến rộng rãi các sách về Đạo Phật do tác giả nghiên cứu và trình bày Giáo Lý của Đức Thế Tôn một cách đơn giản, trong sáng, mạch lạc , khiến độc giả dễ hiểu và áp dụng trong cuộc sống .
Với quý độc giả, chúng tôi sẽ khởi đăng “Bước Vào Cửa Phật”-Quyển 3- trong những kỳ sắp tới, Xin mời quý độc giả đón xem .
Trân trọng,
Nhã Nhạc
0o0-0o0-0o0

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT- Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 59.Tam Tạng…

… Kinh Điển

1. TAM TẠNG.
Khi đến chùa, Phật tử chúng ta thường nghe thấy chữ Tam Bảo nhiều hơn chữ Tam Tạng; mà khi nghe đến chữ Tam Tạng thì chúng ta hay liên tưởng đến Tam Tạng pháp sư hay là Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Thật ra Tam Bảo nghĩa là Phật, Pháp, Tăng và Tam Tạng nghĩa là Kinh, Luật, Luận. Tam tạng pháp sư là vị pháp sư tinh thông cả ba tạng Kinh, Luật, Luận. Đường Tam Tạng là tên để chỉ một vị sư đời nhà Đường bên Tàu, lặn lội vô cùng vất vả sang tận Ấn-Độ (Tây Trúc) để thỉnh kinh Phật mang về Trung Quốc; chữ kinh nói ở đây là nói chung cho Tam Tạng. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày sơ lược về Tam Tạng.
2. CÁC KỲ KẾT TẬP PHÁP.
Kinh tạng gồm các bài giảng của Đức Phật Thích Ca, đa số là các bài ngắn. (Cũng gồm một số bài giảng của các vị đại đệ tử). Luật tạng gồm các giới luật mà Ngài chế ra để dẫn dắt cho chư tăng ni tu hành nghiêm chỉnh. Luận tạng gồm những bài giảng khác của Ngài về một số vấn đề đặc biệt, sâu sắc.
Ngài thuyết pháp độ sinh trong 45 năm từ lúc thành Phật năm 35 tuổi cho đến lúc nhập diệt 80 tuổi mà không hề để lại một tài liệu viết nào. Do không có văn bản nên phải có các kỳ kết tập pháp để điển chế Tam Tạng, sợ sai lệch lời Phật dạy.
a/ Ba tháng sau khi đức Phật nhập diệt, kết tập lần thứ nhất gồm 500 tỳ-kheo họp trong một động đá gần thành Vương Xá do ngài Ca-Diếp chủ tọa. Ngài A-Nan thuyết Kinh; ngài Ưu-Bà-Ly đọc Luật. Có việc tụng Luận hay không thì không chắc chắn.
b/ Một trăm năm sau, kết tập lần thứ nhì được trưởng lão Da-Xá triệu tập tại thành Tỳ-Xá-Ly, quy tụ 700 tỳ-kheo. Có sự bất đồng về sửa đổi giới luật nên xuất hiện hai bộ phái là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Hai kỳ kết tập thứ nhất và thứ nhì này đều không có bản viết.
c/ Vào thế kỷ thứ ba trước CN, dưới thời vua A-Dục, do tình trạng kinh điển bị sai lạc nhiều (một phần do ngoại đạo len vào Giáo Hội để phá hoại), kết tập lần thứ ba được tổ chức tại thành Hoa Thị, do ngài Tu-Đế Mục-Kiền-Liên chủ tọa. Có nơi nói rằng kỳ này có ghi chép Tam Tạng trên các tấm đồng.
d/ Khoảng 500 năm sau ngày đức Phật nhập diệt, vua Vattagamani của Tích Lan triệu tập kiết tập lần thứ tư ở Aluhivihata để kết tập lại Tam tạng. Tam tạng được viết trên lá bối bằng chữ pali, và được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Tài liệu khác thì ghi rằng kỳ kết tập thứ tư được tổ chức tại thành Trà-lan-đức-cáp (thời vua Ca-Nị-Sắc-Ca) vào giữa thế kỷ thứ nhì sau CN.
Khi Phật giáo lan truyền lên phía Bắc nước Ấn-Độ thì các tăng sĩ ghi Tam tạng bằng chữ sanskrit, sau này được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng, làm thành gốc cho kinh điển Bắc tông.
3. PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, TIỂU THỪA, ĐẠI THỪA.
Trong bài Sơ lược lịch sử Phật giáo, Sư Viên Minh đã tóm lược rõ ràng và ngắn gọn thế nào là Phật giáo Nguyên thủy, Tiểu thừa và Đại thừa, xin tạm trích như sau:
“ Thời kỳ Nguyên Thủy I: từ khi Đức Phật giảng kinh đến khi Ngài nhập Niết-Bàn (45 năm). Thuở ấy giáo pháp được nói từ kim khẩu của Đức Thế Tôn, mà bao giờ cũng nói thẳng, chỉ thẳng, nói bằng một ngôn ngữ đại chúng, phổ biến, giản dị, ai cũng có thể thấy để thực tri, thực hành và thực chứng.
Thời kỳ Nguyên Thủy II: 200 năm kể từ khi Phật nhập Niết-Bàn. Bấy giờ đã bắt đầu manh nha một vài kiến giải sai biệt, nhưng giáo pháp vẫn còn giữ được tính chất nguyên thủy của đạo Phật
Thời kỳ phân phái: Có từ 18 đến 25 học phái ra đời chia ra làm 3 khuynh hướng:
– Duy trì Nguyên Thủy, đại biểu là Trưởng Lão Bộ (tạm gọi là thời kỳ Nguyên Thủy III).
– Triển khai tư tưởng Tiểu Thừa, đại biểu là Nhất Thiết Hữu Bộ.
– Manh nha tư tưởng Đại Thừa, đại biểu là Đại Chúng Bộ.
Thời kỳ này kéo dài đến khoảng 600 năm sau Phật Niết-Bàn.
Sau này khi tư tưởng Đại Thừa được thiết lập thì người ta gọi khuynh hướng thứ hai và thứ ba là Tiểu Thừa.
Thời kỳ Đại Thừa: các ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, với các bộ luận xiển dương giáo lý Đại Thừa, khoảng từ 600 năm đến 1.000 năm sau Phật Niết-Bàn. Luận giải của các Ngài dù chặt chẽ đến đâu cũng không tránh khỏi đưa đến trình trạng mâu thuẫn giữa các luận phái với nhau. Nên khoảng 1.000 năm sau Phật Niết-bàn, Đại Thừa lại phân phái! Hàng chục phái Đại Thừa khác nhau ra đời, về sau được gọi là thập đại môn phái. Ví dụ: Mật Tông, Không Tông, Pháp Tướng Tông, Tịnh Độ Tông v.v…
Thời kỳ Thiền Tông: 1.100 sau Phật nhập Niết Bàn. Sơ tổ là Ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma. Sau 6 vị Tổ truyền thừa y bát, Thiền Tông lại chia ra làm 5 phái: Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng. Qua thời gian, tại Trung Hoa, bên cạnh các tông phái Thiền, lại nảy sinh các tông phái khác, mỗi tông phái chú trọng một bộ kinh.
Qua lịch sử Phật giáo lược dẫn ở trên thì thời kỳ Tiểu Thừa tức là cuối thời kỳ Nguyên Thủy II (200 năm sau Phật nhập Niết Bàn) cho tới thời kỳ phân phái (600 năm sau Phật Niết Bàn). Đây mới chính là thời kỳ của Tiểu Thừa với hàng chục học phái. Tiểu Thừa còn tồn tại chung với Đại Thừa từ 600 năm đến 1.000 năm sau Phật Niết Bàn. Hàng chục phái Tiểu Thừa đó thật khác xa Phật Giáo Nguyên Thủy mà các vị Trưởng Lảo kiên trì bảo mật cho đến ngày nay …”
4. TAM TẠNG của Nam Tông.
(Nay, danh từ Nam Tông, Bắc Tông thay cho Tiểu Thừa, Đại Thừa).
a/ Kinh tạng : có 5 bộ là Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
b/ Luật tạng : Có 5 bộ là: Ba-la-di, Ba-dật-đề, Đại phẩm, Tiểu phẩm và Toát yếu
c/ Luận tạng : (còn có tên là Vi diệu pháp, Thắng pháp tạng) gồm các bài giảng của đức Phật về thể tính và sự tướng của vạn pháp, có 7 quyển là: Pháp tụ, Phân biệt, Giới thuyết,Nhân thi thiết, Biện giải, Song luận, Nhân duyên thuyết.
5. TAM TẠNG của Bắc tông.
Kinh điển Đại Thừa xuất hiện khoảng 300 năm đến 700 năm sau khi đức Phật nhập diệt, tập hợp các bài giảng của đức Phật, các luận giải của nhiều tăng sĩ, và ngữ lục của các tổ sư.
a/ Kinh tạng gồm bộ A-Hàm gồm có: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm.
b/ Luật tạng tương tự Luật tạng pali.
c/ Luận tạng rất phong phú.
6. NHẬN XÉT.
♦ Sư Viên Minh viết: “ Chúng ta ngày nay, kinh điển quá nhiều, hết tông phái này đến tông phái khác. Chúng ta đọc rất nhiều mà lại thu nhập được rất ít, nếu không muốn nói là chúng ta không tiếp thu được cái gì cả. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta kẹt nơi rừng văn tự, chữ nghĩa và tư kiến. Chúng ta xông xáo bới tìm trong rừng văn tự chữ nghĩa ấy để mong hiểu nghĩa. Và chính vì kẹt nơi nghĩa ấy mà chúng ta thực sự không thấy chánh pháp là gì, cái thực là gì! Đấy là điều bi đát, những thảm kịch cho hàng muôn người học Phật thời nay, cả Việt Nam và trên khắp thế giới.”
♦ Từ lâu, đã có lời phê bình rằng những kinh Đại Thừa như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, A-Di-Đà … với câu mở đầu “ Như vầy tôi nghe …” không phải do kim khẩu của đức Phật nói ra, và không phải do ngài A-Nan đọc lại, nên phải coi là “kinh ngụy tạo”. Và ngay cả một số kinh có thể là do người Trung Hoa viết ra chứ không phải dịch từ sanskrit! Vấn đề này ra ngoài phạm vi của bài hôm nay, chúng tôi chỉ xin nêu vấn đê mà thôi, xin các nhà nghiên cứu có ý kiến.
♦ Đại Tạng Kinh gồm 100 quyển, mỗi quyển dày bằng một quyển từ điển! Về phần chúng ta, nếu đi lạc vào khu rừng kinh điển, ngắm nghía từng cây quý thì không đủ thì giờ; lại thêm việc coi cây mà quên rừng, lo chữ nghĩa quên mất đường tu. Cho nên chúng ta cứ chịu khó tu tập, tìm hiểu một số kinh căn bản như Kinh Chuyển Pháp Luân (với Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo) Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Duyên Khởi và Kinh Đại Niệm Xứ, theo đó mà tu! □
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bình Anson, Tam tạng Kinh điển. Lịch sử, trong mạng BuddhaSasana,
www.mail.saigon/~anson/uni/index.htm.
Tam tạng Trung Hoa, Liễu Pháp trích dịch, cũng trong BuddhaSasana.
2. Sư Viên Minh, Sơ lược lịch sử Phật giáo, trong sách Thực tại hiện tiền, mạng Thư Viện Hoa Sen, thuvienhoasen.org/thuctaihientien-00.htm
3. P. Cornu, Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme, mục Conciles.
4. Wikipedia, mục Buddhist Councils (còn nhiều nguồn khác nữa, như trong Thư Viện Hoa Sen, mục Lịch sừ Phật giáo).
5. Tuệ Bảo Vũ Văn Thái, Phật Giáo Nam Tông, bài tham luận trong khóa An Cư GHPGVN/TTG năm 1998, tại Tổ Đình Từ Quang.
6. Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng, Tìm hiểu sơ lược về Tam Tạng, dịch sách Essence of Tipitaka của U Ko Lay, tủ sách Học Tập và Tìm Hiểu, Montreal, 2000. □

Bài 60. TÂM VÀ TU TÂM
1. Tâm là gì?
Chúng ta thường quan niệm rằng mỗi con người gồm có hai phần liên kết chặt chẽ với nhau như hai mặt của một đồng tiền: thân hữu hình và tâm vô hình. Theo Phật học, tâm do tám thứ hợp lại, Tám thứ gì? Đó là tám thứ cùng có chữ thức ở đằng sau: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na-thức, a-lại-da-thức. Vậy điều đầu tiên mà chúng ta phải nhớ là: tâm là một hợp thể gồm tám thức.
2. Năm thức đầu.
• Khi mắt gặp một hình thù hay một màu sắc thì ta biết rằng có hình thù hay màu sắc; cái biết này thuộc về con mắt nên được gọi là nhãn thức. Ta nói: mắt duyên với sắc thì sinh ra nhãn thức.
• Tai nghe tiếng, ta biết đó là tiếng, cái biết ấy thuộc về tai nên được gọi là nhĩ thức. Tai + tiếng → nhĩ thức.
• Mũi duyên với mùi làm nảy sinh ra tị thức. Nhờ tị thức mà ta biết được mùi.
• Lưỡi duyên với vị làm nảy sinh ra thiệt thức. Nhờ thiệt thức mà ta biết được vị.
• Thân thể do da bao bọc (thân căn) tiếp xúc với nước đá thì biết lạnh, gần lửa thì biết nóng … , cái biết ấy thuộc về thân nên gọi là thân thức.
Danh từ : 1/ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là năm căn, đó là: nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn. 2/ hình dạng và màu sắc, âm thanh, mùi, vị và chạm xúc gọi là năm trần, đó là: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần. 3/ Chúng tương ứng với năm thức, đó là: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức.
Nhãn căn duyên với nhãn trần là điều kiện làm nảy sinh ra nhãn thức. Không phải tự nhiên mà có nhãn thức đơn độc. Các thức kia cũng vậy.
Các nhận thức của năm thức đầu chỉ là cảm giác, thuần túy cảm giác, không có sự so đo, suy lường, phán đoán gì cả.
Điều thứ nhì mà ta phải nhớ là: thức mà có được là do nhân duyên (căn duyên với trần).
3. Thức thứ sáu.
• Trong khi mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, thân thể không chạm xúc, mà ta vẫn có suy nghĩ, tính toán, nhớ lại những cái cũ, suy xét việc hiện tại, tưởng tượng những cái chưa đến. Thế thì cái biết ấy gọi là gì? Gọi là ý thức. Đó là thức thứ sáu. Nó cũng vô hình như năm thức nói ở đoạn 2 trên đây.
Mỗi thức trong số năm thức ấy đều có liên hệ với một căn. Thế thì ý thức có liên hệ với căn nào không? Có, căn này cũng vô hình, gọi là ý căn.
Có người thắc mắc: vô hình thì làm sao mà biết? Như thế này: khi người ta mê (ngủ mê, bị ngất đi, bị chụp thuốc mê…) thì tuy không chết nhưng chẳng biết gì cả, chẳng suy nghĩ tính toán gì cả, thế là ý thức bị gián đoạn. Lúc tỉnh dậy thì ý thức lại hoạt động như thường. Vậy thì trong lúc gián đoạn kia, ý thức phải trú ở một chỗ nào đó. Duy thức học cho rằng chỗ ấy là một chỗ vô hình gọi là ý căn.
• Nhãn căn có đối tượng là sắc, nhĩ căn có đối tượng là thanh v.v…, ý căn có đối tượng là gì? Đối tượng của nó được gọi là pháp. Ý nghĩ, kỷ niệm, ký ức v.v… đều gọi là pháp. Khi ý căn (vô hình) duyên với pháp trần (gọi ngắn là pháp) thì làm nảy sinh ra ý thức. Ý căn + pháp trần → Ý thức
Ý thức hết sức quan trọng, tại sao? Nếu nó suy nghĩ, tính toán, căn nhắc những việc hay, sự lành, thì miệng nói những điều tốt, điều phải, thân làm những điều thiện. Ngược lại, cũng chính ý thức này có khả năng nghĩ đều ác, dẫn đến miệng nói ác, thân làm ác.
Ý thức gây ra ý nghiệp, trong ba nghiệp thân khẩu ý thì ý nghiệp nặng nhất: tiến lên hàng thánh cũng nhờ ý thức, trôi lăn trong vòng luân hồi cũng vì ý thức, nó là “công vi thủ, tội vi khôi” (công cũng hàng đầu, tội cũng hạng nhất)!
Vậy là: 5 căn trước cộng thêm ý căn thành ra 6 căn. 5 trần trước cộng thêm pháp trần thành ra 6 trần. 5 thức trước cộng thêm ý thức thành ra 6 thức. 6 căn gọi là lục nhập. 6 căn+ 6 trần gọi là thập nhị xứ. 6 căn + 6 trần + 6 thức gọi là thập bát giới.
• Nói thế chưa hết chi tiết: ý thức có thể hoạt động chung với năm thức đầu, mà nó cũng có thể hoạt động riêng một mình. Mắt thấy bông hoa, cảm giác là hoa, phải nhờ ý thức mới biết rõ là hoa, vì ý thức tổng hợp cả 5 thức nên ngoài hình cái hoa, màu cái hoa, còn biết mùi cái hoa … Thế là cảm giác thành tri giác. Mắt nhìn trang giấy, thấy chữ, mà chẳng hiểu gì, trò bị thày cô la là đãng trí. Chỉ vì ý thức không làm việc cho nên mới có cảm giác về chữ mà chưa có tri giác về nghĩa. Có tri giác rồi thì không mấy khi dừng ở đấy, vì người ta còn nghĩ lan man thêm ra do thói quen, do hoàn cảnh, do thiên kiến v.v… Cho nên, lẽ ra cái hoa thế nào thì cứ thế thôi, như thế là như thế, nhưng lại thêm vào nào thương, nào nhớ, nào yêu v.v… .
Đến đây, điều thứ ba mà ta cần nhớ là: Ý thức có thể làm việc chung với 5 thức đầu, nó có thể làm việc riêng, và nó tạo nghiệp.
4. Thức thứ bẩy.
• Trên đây, chúng ta biết ý thức có gốc là ý căn. Chính cái ý căn này lại là một thức, có tên là mạt-na-thức, gọi ngắn là mạt-na. Đó là thức thứ bảy. Cái đặc biệt, mà ta thấy rõ ngay, là: nó vừa là căn, vừa là thức. Nó là căn cho cái gì? Nó là căn cho ý. Nó là thức thì căn của nó đâu? Căn của nó là thức thứ tám tức a-lại-da-thức, gọi ngắn là a-lại-da. A-lại-da cũng vừa là căn, vừa là thức.
Mạt-na bám chặt a-lại-da, coi a-lại-da là cái ngã và chấp ngã (dù rằng không có cái ngã thật). Tính chấp ngã này rất nặng, nó rất sâu dày vì tích lũy từ vô lượng kiếp. Coi cái “ta”, cái “ngã” “cái thân này là thật” là do ở mạt-na cả. Đến chỗ này, điều thứ tư mà ta phải nhớ là: mạt-na chấp ngã nặng nề. Căn của mạt-na là a-lại-da
• Như trên đã nói, thức thứ sáu (ý thức) là công vi thủ, tội vi khôi. Nó “đóng đô” ở thức thứ bảy, căn của nó ở đó, nó chịu ảnh hưởng nặng cái tính chấp ngã, làm ra nhiều sai lầm hay rõ hơn nó xúi làm sai lầm, nhưng cũng phải nhận rằng nó có cái “khôn ngoan” của nó, nó biết “tu hành” chẳng hạn, làm cho mạt-na “tỉnh táo” ra.
5. Thức thứ tám (a-lại-da).
• Thức này có tên là tạng thức, tàng thức, nó là cái kho để chất chứa, cất dấu (tàng, tàng trữ). Nó chứa hết thảy mọi hạt giống (tức chủng tử) từ mấy thức kia dồn vào qua trung gian của mạt-na. Một cảm giác, một ý nghĩ hay một hình ảnh mà ta thấy do 6 thức đầu sẽ không biến đi đâu mất, mà chúng được mạt-na mang vào cái kho a-lại-da, tựa như cái hạt thóc chất vào kho; đó gọi là hạt giống (hay chủng tử). Chúng ta biết nhiều thứ kể từ lúc nhỏ, các thứ ấy được mạt-na đưa cất vào a-lại-da, nay đến lúc già, ta nhớ lại được vì mạt-na “vào kho” lấy ra!
Các chủng tử chứa trong đó không nằm yên, chúng được huân, được ướp, được dồn ở đó đợi lớn lên, chín muồi rồi phát hiện ra; rồi sau đó những cái phát hiện ấy lại tạo chủng tử gieo vào a-lại-da v.v … Cũng có thể chủng tử sẽ thui chột nếu bị buông lơi hay chèn ép (chủng tử nào bị thui chột rồi thì ta không còn nhớ nữa.
Thức thứ bảy đem chủng tử vào thức thứ tám (truyền) rồi lại lấy từ đó mà đem ra (tống) thành hiện hành nên thức thứ bảy còn có tên là truyền tống thức.
Đến chỗ này, điều thứ năm mà ta phải nhớ là: thức thứ tám quan trọng nhất, cho nên được đặt tên là căn bản thức, và để nói lên vai trò của nó trong đời sống con người nên nó có tên là nguyên thần thức. A-lại-da mang cái nghiệp đi tái sinh.
(Danh từ: A-lại-da thức = a-lại-da = bát thức = đệ bát thức = thức thứ tám = tạng thức = chủng tử thức = dị thục thức = căn bản thức = nguyên thần thức).
• Sáu thứ đầu hay được gọi chung là THỨC, thức thứ bảy gọi là Ý và thức thứ tám gọi là TÂM. Có nơi gọi tâm là tâm thức. Duy thức học gọi cả tám thức trên là TÂM VƯƠNG.
7. Tu tâm.
Trong sách Duy thức tam thập tụng của ngài Thế Thân, có một bài kệ như sau: Bát cá đệ huynh, nhất cá si ; Độc hữu nhất cá tối linh ly; Ngũ cá môn tiền tố mãi mại; Nhất cá gia trung tác chủ y. Nghĩa là: Trong tám anh em, có một kẻ si mê (chỉ thức thứ bẩy chấp ngã), Độc nhất một kẻ rất khôn lanh (chỉ thức thứ sáu); Năm kẻ trước như làm công ở trước cửa (chỉ năm thức trước); Một kẻ làm ông chủ (chỉ thức thứ tám).
Nếu thức thứ 6 suy tính nghĩ ác, nói ác, làm ác và thức thứ 7 nhất định chấp ngã thì con người trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi, qua sáu cảnh giới. Ngược lại, thì được giải thoát. HT Thiện Hoa viết: “Người học Phật đối với hai thức này, lúc nào cũng phải cẩn thận và sửa đổi, như thế gọi là tu tâm” (theo Tám quyển sách quý, trang 33).
Nói cụ thể, có tất cả 10 phiền não căn bản. Hàng ngày, cương quyết phá 10 giặc phiền não căn bản, ấy thì gọi là tu tâm. Tu tâm như sau đây:
– Nếu có tâm tham thì phải tập thiểu dục tri túc, hành bố thí, bớt dần lòng tham đi.
– Sân rất có hại, nên tu pháp nhẫn nhục để dẹp trừ lòng sân.
– Cổ đức dạy: không sợ tham, sân mà chỉ sợ si mê (vì do si mê mà không giác ngộ kịp thời), cho nên phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt trước mọi việc. Nói rõ hơn, phải tu học Phật pháp cho sáng trí ra.
– Vì kiêu mạn, coi mình là hơn hết, khinh rẻ người khác, chẳng chịu học hỏi, nên phước giảm, tội tăng; vì thế, người học Phật phải dẹp trừ tính cống cao ngã mạn.
– Nghi mình không đủ sức tu, nghi người khác, nghe lời người ta khuyên thành thật mà không theo, nghi chánh pháp như nghi chẳng có Tịnh độ, không có nhân quả, cho nên biếng tu hay bỏ tu. Vì thế phải học hỏi nhiều để hiểu và vững lòng tin.
– Nặng nhất là chấp ngã. Phải quán vô ngã và luôn luôn trừ bỏ tính ích kỷ.
– Chấp rằng chết là hết, chấp rằng cái ta còn hoài không mất là hai biên kiến, cần phải đả phá.
– Bảo thủ ý kiến của mình dù là ý kiến sai lầm, ai nói cũng không chịu nghe, như thế là kiến thủ, cần dẹp bỏ.
– Giới cấm thủ là giữ những giới của tà ma ngoại đạo, phải bỏ.
– Phải trừ tà kiến tức là trừ các mê tín; tà kiến trái với chánh pháp.
Nói thì đơn giản mà làm thì quá khó (nhất là đối với ai còn lo sinh kế, hay đau yếu …) nên ngày nay có nhiều người theo lời dạy của đại sư Ấn Quang, lấy sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật mà thanh tịnh tâm và cầu vãng sinh Tịnh độ. Phương pháp là chuyên tâm niệm hồng danh đức Phật A-Di-Đà. Niệm Phật cốt là để huân tập, tức là ướp và chứa các chủng tử lành vào a-lại-da. Chủng tử lành do thân, miệng, ý mang lại, chủng tử xấu cũng thế. Phải ướp thật đều, thật nhiều chủng tử lành để làm thui chột các nhân xấu và làm chín muồi các nhân lành, từ nhân lành hiện thành ra quả lành. Nguyện vãng sinh Tịnh độ được thành tựu! □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Hình:Một ngôi chùa Nhật Bản – NN sưu tầm

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics