17/12: Bước Vào Cửa Phật Quyển 2 (tiếp theo) – Bài 11-Bài 12

17/12: Bước Vào Cửa Phật Quyển 2 (tiếp theo) –
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4150 lần

Bước Vào Cửa Phật

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 11. TỔNG KẾT VỀ KINH PHÁP HOA

Trước đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu cùng quý vị một cuốn sách do chùa Liên Hoa (Brossard) ấn tống năm 1984, đó là cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Nhờ sách đó mà chúng ta hiểu được nghĩa ẩn trong từng phẩm một của kinh. Hôm nay, chúng tôi xin tóm tắt bài tổng kết của sách ấy. Chúng tôi giữ lại những chữ Pháp do cụ Chánh Trí ghi.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thuộc về loại “đại phương quảng” nghĩa là “nói rộng”, nhiều việc có thể trình bày vắn tắt mà lại nói “trường thiên đại hải”, thí dụ chỉ cần xác nhận rằng “ai cũng có khả năng thành Phật” thì lại dùng cả một phẩm Thường Bất Khinh bồ-tát [cụ Chánh Trí xin sám hối về lời này]. Phương pháp trình bày là dùng tỉ dụ (parabole) kiểu ngụ ngôn (fable) để diễn đạt những chân lý cao siêu, lấy việc đời mà giảng Đạo. Tại sao vậy? Vì Đạo “ly ngôn tuyệt tướng”, là tuyệt đối, vô tướng,…

… không thể lấy lời mà giảng vì lời chỉ có thể diễn đạt cái tương đối, hữu hình, hữu tướng mà thôi.
Phật biết rằng những gì Phật sắp thuyết thuộc về Chân lý tuyệt đối khó hiểu nên đợi cho ngài Xá-Lợi-Phất ba lần thỉnh Phật mới mở lời. Phật dặn: “Không phải lấy óc suy lường và phân biệt mà hiểu được Pháp, vì vậy phải dùng vô số phương tiện như nhân duyên, lời lẽ, tỷ dụ mà diễn nói”.
Mục đích của kinh Pháp Hoa là gì? Là chỉ cái tướng thật và cái cảnh thật (= thực tướng chân cảnh) mà chúng ta không “thấy”, chúng ta đã lầm tưởng cái tướng và cái cảnh đang sống đây là thật. Chúng ta dùng trí phân biệt (esprit discriminateur) nên thấy muôn loài muôn vật, hình dạng khác nhau. Phật đã nhận ra rằng : “Tất cả là Một, Một là Tất cả, tinh thần và vật chất là một, sắc và tâm là một”.
Thấy được cái Một ấy, sẽ thấy rằng:
1. toàn thể pháp giới là Nhất, Chân, Bình đẳng, nghĩa là toàn thể vũ trụ vô biên với tất cả những sự vật sai biệt, hữu hình vô hình trong đó đều ngang nhau, là Một, cái Một ấy chân thật, thường hằng, bất biến
2. đã là Một thì chúng sinh và Phật như nhau, mê và ngộ như nhau. Tuy chúng sinh có thân tâm động loạn nhưng vẫn không tách rời khỏi cái Phổ Quang, cái Minh Trí, tức là cái Tâm, Phật tánh, Như Lai…
Làm sao thấy được cái Pháp giới nhất chân bình đẳng (tức là Phật tánh, Chân Tâm, Tâm…) đó? Phải:
3. hướng trí mình về chỗ vô lượng vô biên tức là chỗ tuyệt đối (kinh Vô Lượng Nghĩa)
4. đứng vững trong chỗ tuyệt đối mà nhìn, mà xét, mà thấy (nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ)
5. phải dùng trí huệ mà chiếu soi (tượng trưng bằng sự phóng hào quang). [phẩm 1]
Cảnh giả thì có sinh có diệt, cảnh thật thì không sinh không diệt, như thân Phật Đa Bảo ở trong Tháp tuy tịch diệt từ lâu mà vẫn còn nguyên vẹn [ phẩm 11]. Là Một, nên không phân biệt tịnh và uế, đó là ý nghĩa việc Phật biến Ta-bà thành Tịnh độ [phẩm 11]. Là Một nên tất cả trong vũ trụ liên hệ mật thiết, chằng chịt với nhau [phẩm 21: tằng hắng và khảy móng tay làm vang động mười phương].
Nói bình đẳng là bình đẳng trên nguyên thể, bản thể, ở chỗ nguồn cội, cùng thấm nhuần cái Bất sinh Bất diệt. Nhưng xét về hiện tượng, về trạng thái thì có hai. Như nước và sóng, muôn vàn ngọn sóng thì khác nhau nhưng nước là một. Chỉ có một Bản thể, nhưng nếu ứng hiện trong Tịnh, Giác ngộ, Giải thoát thì gọi là Phật, ngược lại thì gọi là chúng sinh. Phẩm 4 đưa ra thí dụ người cùng tử, không dám nhận mình là con nhà cao sang, phẩm 8 đưa ra thí dụ người say trong vạt áo có hòn ngọc quý mà không biết, nghĩa là có Phật tánh mà không hay!
Tất cả cùng có tánh giác như nhau thì sẽ cùng thành Phật, cho nên Phật thọ ký cho ngài Xá-Lợi-Phất [phẩm 3], 4 đại đệ tử [phẩm 6], cho 500 đệ tử [phẩm 8], cho hàng Thanh văn [phẩm 9], cho nữ nhân [phẩm 13] và người trẻ [phẩm 12]. Nam nữ, già trẻ chỉ là cái tướng nhau bề ngoài, nhưng bản thể là một. Bản thể có nhiều tên gọi, đó là Thực tướng chân cảnh, là Như Lai, là Chân Tâm, là Tâm…
Sắc và tâm không khác nhau nhưng trong vòng tương đối, tinh thần hay tâm vẫn siêu việt mà không xa vời, nên phẩm 11 nói Bảo Tháp từ đất vọt lên và lơ lửng trên không. Tâm ngậm chứa tất cả nên trong phẩm 1, tất cả đều hiện ra trong ánh sáng từ giữa đôi lông mày phóng ra (tượng trưng cho trí huệ).
Tâm có đủ khả năng tự giải thoát, đó là ý nghĩa Phật khước từ sự giúp đỡ của Bồ-tát các phương khác [phẩm 15]. Trong Tâm cũng có đủ mọi công đức nên phẩm 15 nói vô số bồ-tát từ đất hiện lên, bồ-tát tượng trưng cho các đức.
Tâm cũng là Trí Huệ vô biên, là Tự Tại vô ngại, là Thần Thông vô cùng, là Vô Úy vô hạn (Sagesse infinie, Liberté absolue, Pouvoirs illimités, Courage sans bornes).
Tâm bất sanh bất diệt, không tới không lui, Tâm là hiện tại thường hằng (le Présent éternel).
Tâm, Phật cũng là Pháp, nên hằng sa Phật chỉ nói một Pháp, tuy nói Phật nhập Niết-bàn nhưng Phật vẫn ở thế gian [phẩm 15 và 16] vì Pháp bất ly thế gian. Chân lý ở ngay trong mọi sự, mọi vật, mọi lúc và mọi nơi.
Sự Thật là như thế nhưng căn cơ chúng sinh sai khác nên Phật tạm đặt ra ba thừa, cuối cùng cũng chỉ có một Phật thừa mà thôi, cho nên nói ba xe rút lại chỉ có một xe lớn [phẩm 2]. Niết-bàn cũng nâng lên đến mực cuối cùng khi nói về tuyệt đối [phẩm 6].
Vấn đề còn lại là: làm cách gì mà “thấy” được cái Sự Thật tuyệt đối, cái Phật Tánh, cái Chân Tâm? Phải:
1. dẹp bỏ những chướng ngại do sáu căn lập ra che mất “mắt Trí”, bỏ những cái thấy biết hữu hạn và sai lạc của tâm thức
2. có đầy đủ sự sáng suốt tức là có Trí Huệ viên mãn [phẩm 1]
Thực hành thế nào?
1. phải đọc tụng kinh Pháp Hoa
2. phải sinh lòng kính tín [phẩm 10: Pháp sư]
3. phải chọn nơi giao thiệp [phẩm 14: Thân cận xứ, An lạc hạnh]
4. phải vào nhà Như Lai (từ bi), mặc áo Như Lai (nhẫn nhục), ngồi chỗ Như Lai (nắm vững giáo lý Không)
5. phải diễn đạt Pháp trong tư tưởng và việc làm [phẩm 19: Pháp sư công đức]
6. phải tin vào khả năng thành Phật của mình [phẩm 20: Bồ tát Thường Bất Khinh]
7. Phải tin tưởng và hy vọng, coi khó khăn thù nghịch là bài học giác ngộ [phẩm 12: Đề-Bà-Đạt-Đa]
8. phải luôn luôn cố gắng [phẩm 13: Trì]
9. phải hướng nội, để:
a. đắc thanh tịnh, vì Tịnh trị vô minh, phá ngã chấp và pháp chấp [phẩm 23: Dược vương]
b. theo thâm tâm mà làm [phẩm 24: Diệu âm]
c. phát tâm đại bi, cứu khổ [phẩm 25: Quán thế âm]
Tin và làm như thế có ích lợi gì? Sẽ được:
1. nhẫn nại, nắm giữ chánh định, thích nói pháp, biện tài vô ngại, giải thoát, thanh tịnh, sanh lòng cầu chánh giác
2. trí huệ, tức là công đức lớn nhất trong sáu ba-la-mật.
3. không thấy chúng sinh mà thấy Phật, không thấy Ta-bà mà thấy Tịnh độ
Được như thế đã là “minh tâm kiến tánh thành Phật”, sống trong ánh sáng thanh tịnh và từ bi của Tự tâm.
Và đến đây, chủ đích thuyết kinh Pháp Hoa là “khai thị ngộ nhập” Phật Tri kiến (tức là Phật tánh) của đức Phật cũng hoàn mãn. □

BÀI 12. TỤNG KINH PHÁP HOA

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gọi tắt là Kinh Pháp Hoa, là một bộ kinh đại thừa rất quí, được gọi là Vua các kinh. Phật tử thường ăn chay, giữ giới để tụng kinh Pháp Hoa. Chắc chắn ai cũng nhận thấy quả là kinh rất cao, khó có thể hiểu được nếu không có người dẫn dắt, giảng giải, bình luận.
Xưa nay đã có nhiều sách nói về “huyền nghĩa” của kinh Pháp Hoa, giúp người tụng hiểu được phần nào nghĩa lý của kinh. Trong bài này chúng tôi xin trích một đoạn của kinh Pháp Bảo Đàn, liên quan đến việc Lục Tổ Huệ Năng giảng kinh cho nhà sư Pháp Đạt, người đã tụng kinh Pháp Hoa đến ba ngàn lượt mà phải thú thật rằng chưa hiểu gì cả. Xin để ý đến những lời giải thích của Lục Tổ, Ngài nhấn mạnh đến “Phật ở tại tâm chứ không ở đâu xa”, “trì kinh cần chú ý đến nghĩa lý, không nên nệ văn tự”, Ngài không để ý nhiều đến báo thân Phật mà nhấn mạnh đến Pháp thân Phật vì Pháp thân Phật ấy ở trong mỗi người chúng ta. Quan niệm đặc biệt này của Thiền tông cho ta thấy phương pháp “trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”.
Lục Tổ hỏi: “Ngươi tụng kinh Pháp Hoa thì kinh đó lấy chỗ nào làm tông chủ?” Pháp Đạt bạch: “Kẻ học đạo này u mê, chậm chạp, cứ theo lời văn mà tụng, đâu có biết tông chủ”. Đại Sư nói: “Ta chẳng biết mặt chữ, ngươi thử lấy kinh ra tụng một lượt cho ta nghe, ta sẽ vì ngươi mà giải rõ”. Pháp Đạt liền tụng kinh đến phẩm Thí Dụ. Đại Sư bảo ngưng và nói: “Kinh Pháp Hoa lấy chỗ nhân duyên xuất thế làm tông chủ. Dù có nói nhiều thí dụ nữa cũng không vượt qua lẽ ấy”. Kinh có câu: Chư Phật vì một nhân duyên lớn lao của chúng sinh mà ra đời, nhân duyên lớn ấy là KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP PHẬT-TRI-KIẾN.
Người đời, ngoài thì mê chấp tướng, trong thì mê chấp không. Nếu ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi không mà lìa không, thì cả trong lẫn ngoài đều chẳng mê. Hiểu được như vậy, ấy gọi là KHAI PHẬT-TRI-KIẾN.
PHẬT đồng nghĩa với GIÁC.
Khai Phật-tri-kiến là mở chỗ thấy biết của Giác.
Thị Phật-tri-kiến là bày chỗ thấy biết của Giác.
Ngộ Phật-tri-kiến là gặp chỗ thấy biết của Giác.
Nhập Phật-tri-kiến là vào chỗ thấy biết của Giác.
Hiểu được thì chân tính sẽ xuất hiện. Phải dè dặt, chớ giải lầm nghĩa của kinh. Thấy kinh nói “khai thị ngộ nhập Phật-tri-kiến” mà cho rằng đó là tri kiến của Phật, chỗ chúng ta không có phần vào đó, thế là giải lầm nghĩa của kinh, là chế kinh, nhạo Phật. Đã là Phật thì đủ tri-kiến rồi, cần gì phải KHAI nữa, người phải hiểu nói TRI-KIẾN PHẬT là để chỉ TỰ TÂM người mà thôi, chứ chẳng phải Phật nào khác đâu!
Vì chúng sinh tự che chỗ sáng của mình, tham luyến cảnh trần, tơ tưởng bên ngoài, rối loạn bên trong, nên bị sinh tử luân hồi. Cho nên đức Thế Tôn phải nhọc lòng ra khỏi chánh định để luôn luôn hóa độ chúng sinh phải an định, chớ cầu nơi ngoài, được như vậy thì chẳng khác gì Phật, do đó nói rằng khai tri-kiến Phật. Ta khuyên hết thảy mọi người từ trong tâm mình nên thường khai tri-kiến của Phật.
Người đời lòng tà, vì u mê mà gây ra tội, miệng lành, lòng dữ, tham giận ghét ghen, dua nịnh ngã mạn, lấn người hại vật, làm như vậy là khai tri-kiến của chúng sinh chứ đâu phải là khai tri-kiến của Phật. Nếu luôn giữ lòng ngay thẳng hằng sinh trí tuệ, soi sáng tâm mình, bỏ dữ làm lành, ấy là tự mình khai tri-kiến của Phật. Ngươi khá niệm niệm khai tri-kiến của Phật, chớ khai tri-kiến của chúng sinh. Khai tri-kiến của Phật là người xuất thế gian. Khai tri-kiến của chúng sinh là người thế gian.
Nếu ngươi cứ bo bo chấp chỗ tụng niệm, cho đó là công khóa hàng ngày thì có khác gì con trâu đen hãnh diện vì có cái đuôi dài. Pháp Đạt bạch rằng: “Nếu như vậy thì chỉ cần giải cho được nghĩa kinh, chớ chẳng cần mệt công tụng kinh sao?” Đại sư đáp rằng: “Kinh có lỗi chi, đâu có ngăn cấm ngươi niệm. Chỉ vì mê ngộ tại ngươi, thêm bớt bởi mình. Hễ miệng niệm mà lòng làm theo tức là xoay chuyển được kinh. Nhược bằng miệng niệm mà lòng chẳng làm theo tức là bị kinh xoay chuyển.
Hãy nghe bài kệ của ta đây:
Nếu mê thì mình bị kinh Pháp Hoa chuyển.
Nếu ngộ thì mình chuyển được kinh Pháp Hoa.
Tụng kinh mãi mà không tìm hiểu nghĩa kinh là sai lầm.
Tụng kinh mà không có tạp niệm, đó là tụng kinh đúng.
Tụng kinh mà vẫn có tạp niệm là tụng kinh sai.
Nếu bỏ cả chấp có lẫn chấp không thì đạt đến tối thượng thừa.
Nghe xong bài kệ, Pháp Đạt bật khóc; ngay sau lời của Đại Sư, bèn đại ngộ …
♦ Khi nghe xong thời giảng đoạn kinh Pháp Bảo Đàn nói về kinh Pháp Hoa, một sa-di nêu câu hỏi như sau: “Phật định thuyết những điều gì?” Giảng sư trả lời: “Ngay trong kinh Pháp Hoa, chúng ta cũng đã thấy đức Thế Tôn nói rằng “rất khó hiểu, khó vào”, hơn nữa sức hiểu biết của chúng ta có hạn, nói ra hẳn là thiếu sót. Dù sao, tôi xin sám hối, rồi trình bày vắn tắt như sau đây:
1/ Ai ai cũng có Phật tính, ai ai cũng có thể thành Phật. Mê lầm là chúng sinh, giác ngộ là Phật. Người không hiểu đi tìm Phật ở đâu đâu, không biết rằng Phật tính ở ngay trong mình, chỉ vì mê mờ nên không thấy. Y như người có của báu trong vạt áo mà nào có biết! Phật tri kiến chính là Phật tính vậy.
2/ Người đời luôn luôn bị đủ thứ dục vọng thiêu đốt, không biết rằng mình đang bị hiểm nguy để tìm phương giải thoát; khi được chỉ cho đường giải thoát thì còn nghi nào là tiểu thừa, nào là đại thừa … , mà thật ra chỉ có một Phật thừa mà thôi.
3/ Không phải chỉ có một đức Thích-Ca đã thành Phật mà đã có rất nhiều Phật. Mỗi đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai đều đạt chung một chân lý; chân lý này độc lập với thời gian chẳng khác gì Phật Đa Bảo tu bao kiếp đến nay vẫn ở trong bảo tháp không có suy suyển chút nào. Ai tu thành Phật sẽ được ngồi trong bảo tháp với đức Phật Đa Bảo, không bị coi là còn kém hay là còn “mới”!
4/ Đường tu thật khó khăn, lắm chông gai, nhiều cạm bẫy, kể cả những người đến phá rối, trên đời thiếu gì Đề-Bà-Đạt-Đa. Nhưng cứ phải vững tâm mà tiến bước, đừng nản chí, ngay cả đến những người phá mình, mình cũng vẫn coi là những thiện tri thức vì họ có công vạch những lỗi lầm của mình để tìm sửa đổi. Tu thành Phật, ai ai cũng có thể làm, ai ai cũng có thể đạt mục đích, chẳng nệ là nam hay nữ, già hay trẻ, ngay như Long Nữ kia khi thành Phật chỉ trong nháy mắt mà thôi.
5/ Để tìm hiểu Phật Pháp, chớ căn cứ vào sự thông minh trí tuệ của thế gian. Tích lũy nhiều trí như ngài Trí-Tích Bồ-Tát cũng chóng chán, phải như ngài Đại Trí Văn-Thù-Sư-Lợi, bỏ phàm trí, tục trí, dùng thật trí thì mới “vào” được tri-kiến của Phật. Các tri-kiến của chúng sinh còn ở trong vòng thế tục, trong cảnh nhị nguyên, trong giới tương đối. Để “vào” tri-kiến của Phật, rất khó, rất khó. Song, nếu luyện được trí huệ bát-nhã, sẽ soi thấy được, mở cửa được, vào trong được.
6/ Kiến tính rồi, nhập Phật tính rồi thì hết ta, hết người, hết chúng sinh, hết thọ mạng, tất cả là một, một là tất cả. Khảy một cái móng tay, rung động đến mọi phương vũ trụ trong một sát na. Điều đó đâu có phải là huyễn hoặc! Thần thông biến hóa, đâu phải là dị đoan, nhưng không phải để biểu diễn, để khoe khoang mà là để độ sinh. Chở chúng sinh qua sông mê đến bờ giác, chúng sinh chịu qua hay không, Phật không ép buộc được, không làm thay được. Phật chỉ đường cho mà đi, chỉ đò cho mà qua. Chính chúng sinh tự “độ”. Tự “độ” tu tập, tinh tiến, kiếp này chưa xong thì kiếp sau, kiếp sau nữa … phải kiên trì cúng dàng hằng hà sa số chư Phật”.
Giảng sư nói đến đây rồi tiếp “Nay đã khuya, mà mới chỉ tóm lược được mấy điều, mong quí vị để ý suy nghĩ thêm. Văn, tư, tu phải liên tục, chỉ “VĂN” thôi e rằng chưa đủ”. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2- Montreal 2010

(Hình : Chùa Prambanan – Java-Indonisia – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics