18/09: Book 3_14.Nam Tông và Bắc Tông

18/09: Book 3_14.Nam Tông và Bắc Tông
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6480 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 3

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 14. NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG
1. Mở đầu. HT Thích Quảng Độ đã dịch ra tiếng Việt (qua bản dịch ra Hán Văn) một bộ sách của học giả Nhật bản Kimura Taiken (Mộc Thôn Thái Hiền) gồm ba cuốn: Nguyên Thủy Phật Giáo Tư tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận. Trong bài…

… Tựa, HT đã viết ngay ở mấy dòng đầu: “ Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là Căn Bản Phật Giáo, phần thân là Tiểu Thừa Phật Giáo và phần ngọn là Đại Thừa Phật Giáo. Người ta không thể nào tưởng tượng được sự tồn tại của một cái cây mà không có gốc, nhưng chỉ có gốc không thôi thì cây ấy không còn sức sống; hoặc giả, có gốc, có thân cây mà không có cành lá thì cây ấy cũng như cây trong mùa đông, không khỏi gây cho người ta cái ấn tượng trơ trụi tiêu điều. Nếu phần gốc và thân cây giữ cho cái cây đứng vững, thì phần cành lá sum suê, xanh tốt là sự biểu dương cho cái sức sống mãnh liệt của toàn bộ cái cây.
Cái cây Phật giáo cũng thế: cả ba phần Căn Bản, Tiểu Thừa, Đại Thừa có hợp lại, có biểu lý và bổ sung cho nhau thì mới là cái cây Phật giáo hoàn toàn. Do đó, theo thiển kiến, quan niệm của các nhà Đại thừa (Bồ-tát) xưa đối với các nhà Tiểu thừa (La-hán) cũng như những thành kiến của các nhà Tiểu thừa đối với các nhà Đại thừa đều là sai lầm . . .
Phật pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Nhưng phương pháp để đặt đến giải thoát thì có nhiều, và phương pháp nào – dù là Đại thừa hay Tiểu thừa – cũng đều nhằm đến mục đích nhất vị kể trên . . .”
Mục đích của bài này là tìm hiểu về “cái cây Phật giáo” đó.
2. Các đại hội kết tập kinh điển.
Những bài thuyết pháp của đức Phật Thích Ca cho chư tăng, chư ni và thiện nam tín nữ về sau được gộp chung lại là Kinh tạng. Khi Giáo Hội được thành lập thì đức Phật tùy hoàn cảnh mà đặt ra các quy tắc, các giới luật để giữ cho giáo đoàn được nghiêm. Gộp chung lại là Luật tạng. Những bài bình luận, giải thích, gộp chung vào Luận tạng. Chúng ta cần phải nhắc lại các đại hội kết tập kinh điển sau khi đức Phật nhập diệt thì mới hiểu được các sự phân hóa tư tưởng trong tăng đoàn, dẫn đến các “thừa”.
a/ Kết tập lần thứ nhất.
Sau khi đức Phật Thích Ca tịch diệt (năm -543), ba tháng sau, trưởng lão Ca-Diếp triệu tập và chủ trì một đại hội ở thành Vương Xá, gồm có 500 vị la-hán. Vì thế mới có tên Ngũ bách kết tập. Thị giả của đức Phật là ngài A-Nan, nhờ trí nhớ trác tuyệt, tuyên thuyết tất cả những điều mà đức Phật đã giảng dạy, vì thế mà ngày nay, trong các cuốn kinh, chúng ta thấy đều mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy”. Ngài Ưu-Bà-Ly tuyên thuyết tất cả các điều giới luật mà đức Phật đã ban ra. Người ta gọi những điều ngài đọc là “bát thập tụng luật” vì ngài đọc luật đó tới 80 lần (có chỗ giải thích một cách khác rằng ngài được hỏi 80 lần). Như vậy là có hai tạng Kinh và Luật. Không thể định rõ lúc đó có thuyết tạng Luận hay không vì các tài liệu nói khác nhau : nơi này thì nói rằng ngài Ca-Diếp tụng tạng Luận, nơi khác lại nói rằng kỳ họp đó không có ai tuyên thuyết tạng Luận.
Đại hội không có ghi chép lại các tạng trên giấy tờ mà chỉ truyền miệng thôi. Tuy vậy, không sợ có sự sai lệch vì giáo pháp được chia làm nhiều phần khác nhau và mỗi phần được trao cho một vị trưởng lão và các đệ tử của vị đó để đọc tụng và kiểm chứng hàng ngày, do đó tuy truyền miệng mà không sai lệch lời Phật dạy.
b/ Kết tập lần thứ nhì.
Một trăm năm sau (khoảng năm -383), vì hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội đã khác trước, nên có người thay đổi một số giới luật, thí dụ như được nhận tiền mà thí chủ cúng dàng vào bình bát. Vì thế mới có cuộc kết tập lần thứ nhì ở thành Tỳ-xá-ly (tức là thành Quảng Nghiêm) để quyết định xem có nên thay đổi giới luật không. 700 vị danh đức về dự họp (sách vở gọi kỳ kết tập này là Thất bách kết tập) và các vị kết luận rằng mọi thay đổi là phi pháp. Rồi họp tiếp tám tháng để tụng lại những pháp tạng; có tài liệu nói rõ đó là Kinh, Luật và Luận. Một số tỳ-kheo không đồng ý giữ y nguyên các giới luật, bỏ đi mà thành lập Đại chúng bộ. Tên gọi này không dính dáng gì đến chữ Đại Thừa. Đó chỉ là tên gọi của nhóm tỳ kheo đã tách ra, không đồng ý với số còn lại gọi là Thượng tọa bộ; nói theo kiểu ngày nay thì hai bộ này gọi là nhóm canh tân và nhóm bảo thủ (vì giữ nguyên giới luật). Mầm mống phân hóa là ở chỗ này. Điều đáng ghi nhận là trong kỳ này không thấy nói đến việc tranh luận về giáo pháp. Như vậy là cả hai bộ phái giữ nguyên kinh và luận nguyên thủy, vẫn duy trì bằng cách học thuộc lòng và truyền miệng, không viết thành văn.
c/ Kết tập lần thứ ba.
Hơn một trăm năm sau nữa (khoảng năm -253), trong cả hai bộ phái Thượng tọa và Đại chúng đều sinh ra nhiều bộ phái nhỏ, cộng cả lại có đến 20 phái! (xin coi Phụ lục). Bộ phái nào cũng giải thích giáo lý của đức Thế Tôn theo khuynh hướng riêng của mình, ấy là chưa kể đến sự xen lẫn giáo lý Bà-la-môn vào giáo lý Phật giáo. Vua A-Dục – một vị hết lòng vì Phật pháp – nêu vấn đề và ủng hộ tích cực việc triệu tập đại hội kết tập tại thành Ba-Tra-Lỵ-Phất (còn gọi là thành Hoa Thị) dưới sự chủ tọa của ngài Mục-liên Tu-đề để thảo luận về những quan điểm khác nhau của các phái và loại bỏ những ý tưởng ngoại lai. Có tới 1000 vị đại đức tỳ-khưu tham dự đại hội (họp 9 tháng). Cuối đại hội, ngài chủ tọa soạn một cuốn sách gọi là Những Điểm Dị Biệt hay Luận Sự luận để nêu ra yếu nghĩa của các tông và để bác bỏ những sai lầm của một số bộ phái. Ngoài ra, giáo pháp được đại hội chấp thuận, đó gọi là giáo thuyết Trưởng lão. Luận tạng (tức Vi Diệu Pháp, Thắng Pháp hay A-tỳ-đàm) được kết tập ở đấy.
Điều đáng nhớ là : sau đại hội này, một hoàng tử của vua A-Dục, tên là Ma-hinda, mang Tam tạng đến nước Tích Lan (nay là Sri Lanka). Tam tạng được giữ gìn không suy suyển cho đến ngày nay! Kinh điển được viết bằng tiếng Pali. Cho đến thời điểm này, không thấy xuất hiện danh từ Tiểu thừa và Đại thừa.
Vào thời kỳ vua A-Dục, có một hệ phái khá mạnh (xuất phát từ Thượng tọa bộ là phái Nhất thiết hữu bộ) không được vua A-Dục ủng hộ nên họ di chuyển lên phía Đông Bắc Ấn Độ, đặt căn cứ tại Ca-thấp-di-la (Kashmira, Kashmir, Cachemire); dần dần họ truyền bá chánh pháp trên toàn cõi biên cương miền Đông Bắc Ấn và sang các nước lân cận. Kinh sách ghi bằng chữ sanskrit.
d/ Kết tập lần thứ tư.
Vào khoảng 150 năm sau Tây lịch, khoảng 300 năm sau vua A-Dục, có vua Ca-Nị-Sắc-Ca chiếm lĩnh toàn xứ Ấn-Độ, thế lực rất mạnh. Nhà vua trụ ở xứ Ca-thấp-di-la, nơi này có nhiều tu sĩ Phật giáo thuộc phái Nhất thiết hữu bộ di cư đến. Nhà vua thấm nhuần Phật pháp; hàng ngày nhà vua vời một vị tăng vào cung giảng pháp cho ngài và chính ngài cũng nghiên cứu kinh điển. Thấy sự giải thích kinh điển không giống nhau, ngài hạ lệnh triệu tập đại hội quy tụ tới 500 vị La-hán, 500 vị Bồ-tát và 500 cư sĩ tại gia, với ngài Thế Hữu làm thượng thủ và bốn vị phó, nhằm mục đích chú giải kinh điển một cách thống nhất. Đại hội đã tôn năm vị (vừa nói trên) đảm nhận việc chú thích Kinh, Luật và Luận. Sau đó, phải mất 12 năm mới khắc xong Tam tạng vào các bản bằng đồng, tất cả được tàng trữ trong một bảo tháp, có người canh giữ cẩn mật, ai muốn học hỏi Phật pháp thì chỉ được vô nghiên cứu chứ không được mang ra ngoài. Tuy vậy, với thời gian, kinh sách cũng bị thất lạc đi nhiều.
Mấy dòng trên đây dựa vào tài liệu trong cuốn Phật Học Tinh Yếu của HT Thiền Tâm. Tuy nhiên, theo bài Tam Tạng Kinh Điển của Bình Anson thì kỳ kết tập thứ tư diễn ra như sau: “Khoảng năm 20 trước Công Nguyên (CN), 500 năm sau ngày Phật nhập Đại Niết-bàn, vua Vattagamani của Tích Lan triệu tập Đại Hội Tăng-Già tại Aluhivihara gần thành phố Kandy ngày nay, kết tập lại các phần Kinh, Luật và đúc kết phần Thắng Pháp Tạng. Để giữ gìn các bài giảng của đức Phật dù đã kết tập nhưng chỉ truyền khẩu trong 500 năm qua, ba tạng kinh điển được viết lại trên một loại giấy bằng lá bối-đa khô. Từ đó Tam Tạng pali được thành hình và không còn thay đổi nào khác …”
3. Đại thừa và Tiểu thừa.
Như trên đã nói, trong các kỳ kết tập, kinh điển nói chung vẫn còn giữ được dạng nguyên thủy nghĩa là đúng hay gần đúng với lời dạy của đức Thế tôn khi ngài còn tại thế. Và người ta không thấy đề cập đến danh từ đại thừa và tiểu thừa. Theo HT Narada thì “giữa thế kỷ I trước TL đến thế kỷ I sau TL, hai thuật ngữ đại thừa và tiểu thừa mới xuất hiện trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Ai đã tụng hay đọc kinh ấy đều cảm thấy giọng văn có ý coi thường tiểu thừa. Thật ra, cả hai phía đều nhìn nhau với con mắt ít thiện cảm nếu không nói là chống báng. Thí dụ như đại thừa chê rằng tu theo tiểu thừa chỉ đưa đến quả vị la-hán thôi, trong khi đường tu đại thừa dẫn đến hàng bồ-tát và quả vị tối hậu là Phật. Ngược lại bên tiểu thừa cho rằng chỉ có giáo lý nguyên thủy mới chính thức của đức Phật nói ra và chê giáo lý đại thừa là ngoại đạo, tự đặt ra chứ không do kim khẩu của đức Phật”.
Nói ngắn lại, đại thừa dùng chữ tiểu vì cho rằng: tiểu là hẹp, nhỏ, thấp. Hẹp vì người tu chỉ lo tự độ, không độ tha. Nhỏ vì kinh sách ít oi, chỉ thu gọn trong mấy bộ Nikàya (pali) tức Bộ kinh, Àgama (sanskrit) tức A-hàm. Thấp vì quả vị tột cùng chỉ là la-hán.
Đại là rộng, lớn, cao. Rộng vì lo cả tự độ lẫn độ tha. Lớn vì kinh sách đại thừa như rừng, bao gồm luôn kinh sách tiểu thừa. cao vì tu đại thừa có thể đạt đến quả vị bồ-tát, và quả vị Phật.
Đó là nói theo lập trường của đại thừa, còn phái kia thì không hề nhận mình là tiểu thừa! Sự khác biệt quan điểm, lòng nghi kỵ và thiếu thông cảm đã làm cho hai phía xa cách nhau trong nhiều thế kỷ.
Từ điển Phật học cho biết rằng: “Theo truyền thuyết, Tiểu thừa gồm có 18 bộ phái khác nhau, xuất phát từ Tăng-Già Nguyên thủy. Trong lần kết tập thứ nhì, Tăng-Già phân ra làm hai phái Trưởng lão bộ và Đại chúng bộ (sau đó mỗi bộ lại chia ra nhiều phái) … Tiểu thừa được phát triển nhất giữa thời gian đức Phật nhập Niết-bàn và Công nguyên. Đại biểu phái này cho rằng mình theo sát những lời dạy nguyên thủy của đức Phật … Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra con đường giải thoát. Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát … Hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy, phải sống viễn ly, sống cuộc đời tu hành; cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán … Phật là một nhân vật lịch sử, không phải là hóa thân của gì cả …
Đại thừa xuất hiện trong thế kỷ thứ I trước Tây Lịch, tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ … Hình tượng tiêu biểu của đại thừa là Bồ-tát. Đại thừa không nhấn mạnh đến đời sống xuất gia; cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết-bàn. Niết-bàn không chỉ là giải thoát khỏi luân hồi mà hành giả còn giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng. Đại thừa xem Phật là hóa thân của một thực thể, lấy hình ảnh xả thân của các vị Bồ-tát và thừa nhận quan điểm tính Không cùng quan điểm Ba thân . . .”
Ngày nay, người ta cho rằng cái mà người ta gọi là tiểu thừa chỉ là một giai đoạn trong lịch sử đạo Phật, đó là giai đoạn bộ phái, mấy chục bộ phái cách biệt nhau về lý luận, chủ trương. HT Narada viết: “Chúng ta không nên nhầm lẫn Tiểu thừa với Truởng lão bộ tức Theravada bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng lão bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỷ thứ III trước TL, khi có không có danh từ đại thừa nào cả. Bộ phái Tiểu thừa chỉ phát triển ở Ấn Độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, bộ phái Tiểu thừa không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Do đó, năm 1950, Hội Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhists, WFB) khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ tiểu thừa phải được xóa bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật hiện diện ngày nay ở Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào …” . Từ đó người ta nói Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc Tông (cũng gọi là Nam truyền và Bắc truyền) thay cho Tiểu thừa và Đại thừa.
Tại sao dùng chữ Nam Tông và Bắc Tông? Đó là nói về sự truyền bá đạo Phật theo địa lý. Nam và Bắc chỉ hai hướng của nước Ấn Độ. Đạo Phật truyền về phía Nam nước Ấn Độ, xuống tới đảo Tích Lan, rồi từ đó lan sang miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào … Khi thái tử Mahinda của vua A-Dục mang kinh tiếng pali về phương Nam như đã nói trên thì có một số tỳ-kheo đi lên phía Bắc nước Ấn Độ tới vùng Kashmir (Cachemire) và viết kinh bằng tiếng sanskrit. Từ nơi ấy, Phật giáo truyền sang Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly và Việt Nam …
4. Các điểm dị, đồng.
Thời kỳ nguyên thủy của đạo Phật là thời kỳ đầu với một tăng đoàn không đông lắm, giới luật thuần nhất, do các cao tăng lãnh đạo, các vị này đã xuất gia và thọ giới khi đức Phật còn tại thế.
Sang thời kỳ bộ phái, kéo dài khoảng 400 năm từ sau đại hội kết tập lần thứ nhì (khoảng năm 383 trước TL) cho đến đầu Công Nguyên, sự phân hóa đã bắt đầu xuất hiện, với sự phân chia thành hai Bộ rồi sau đó chia thành 20 Phái. Sau đại hội kết tập lần thứ ba (khoảng năm 253 trước TL) thì việc kết tập Kinh tạng và Luận tạng coi như đã hoàn tất. Tuy nhiên các tư tưởng canh tân và đại chúng hóa đạo pháp đã nảy nở. Có lẽ vì có nhiều tranh luận nên Kimura Taiken gọi thời kỳ này là thời kỳ A-tỳ-đạt-ma.
Tiếp theo là một thời kỳ dài khoảng 500 năm, Phật giáo có hai hướng phát triển khác nhau, đó là Nam truyền và Bắc truyền. Các tư tưởng canh tân của đại thừa bắt đầu lớn mạnh, kinh sách mới, luận thuyết mới xuất hiện.
“Giáo lý được phân ra làm hai truyền thống: truyền thống nguyên thủy và truyền thống phát triển. Nói về sự truyền bá theo mặt địa lý, thì gọi là Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc Tông. Nói về giáo lý, thì gốc rễ là nguyên thủy, thân ngọn cành là phát triển, cả hai bổ sung cho nhau” (theo ý HT Viên Giác). Hai truyền thống ấy có những điểm giống nhau như sau đây:
1/ Cả hai đều chấp nhận đức Phật Thích Ca là bậc Đạo sư.
2/ Tứ Diệu đế giống nhau.
3/ Bát chánh đạo giống nhau.
4/ Lý duyên khởi giống nhau.
5/ Cùng chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam học (Giới, Định, Huệ).
6/ Không chấp nhận có một Thượng đế đã tạo ra thế gian này. (theo ý HT Narada).
Kinh điển đại thừa gồm các bài giảng của đức Phật, các luận giải của các tăng sĩ và ngữ lục của các tổ sư. Luật tạng tương tự với Luật tạng pali. Kinh tạng gồm có bộ A-Hàm và các kinh điển mới. Luận tạng gồm các sách chú giải và luận thuyết của các vị tăng sĩ đại thừa về sau này. Có thể nói tính đa dạng và phong phú của kinh điển đại thừa là kết quả của một sự dung nạp hỗn độn, không có hệ thống và tiêu chuẩn rõ ràng (theo ý Bình Anson).
Nên chú ý rằng kinh điển Nguyên thủy (pali) được giữ hầu như nguyên vẹn ở Tích Lan. Kinh điển Bắc tông (sanskrit) bị mất mát, sở dĩ số mất mát ấy còn lưu lại được là nhờ ở các bản dịch ra Tạng văn (Tây Tạng) hay Hán văn còn tồn tại.
Tư tưởng Bắc Tông có một số đặc điểm:
1/ Chủ trương Bồ-tát đạo “trên cầu đạo bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”,
2/ Chú ý đến vị trí và vai trò của cư sĩ,
3/ Tư tưởng Nhị không: ngã không và pháp không,
4/ Tư tưởng bát-nhã, a-lại-da (duy thức) được khai triển,
5/ Thuyết tam thân của chư Phật (pháp thân, hóa thân và báo thân),
6/ Chúng sinh đều có Phật tánh và có thể thành Phật.
5. Kinh điển.
Khi nghe nói Tam Tạng thì ta hiểu đó là Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng (Luận tạng còn có tên là Vi diệu pháp, Thắng pháp tạng).
Luật tạng nói về các giới luật và nghi lễ (nhập tăng đoàn, ni đoàn, truyền giới v.v…). Luật tạng bao gồm những giới luật đặt ra để quy định đường lối sinh hoạt của tỳ-kheo và tỳ -kheo-ni. Các giới luật là những phán quyết của đức Phật về đức hạnh và các sự thúc liễm về hành động và lời nói. Giới luật trừng trị các sự vi phạm về kỷ luật và ấn định các hình phạt tùy theo tội nặng nhẹ.
Luận tạng tức A-tỳ-đạt-ma là một bộ vĩ đại, sắp xếp rất có hệ thống. A-tỳ-đạt-ma có nghĩa là lời giảng đặc biệt thâm diệu, cao siêu. Trong Kinh tạng, khi đức Phật thuyết pháp thì ngài còn chú ý dựa theo căn cơ và trình độ nhận thức của người nghe, hay là hoàn cảnh thực tế của lúc nói pháp; có lúc ngài xem xét mực độ chứng đắc các ba-la-mật của đệ tử. Đến Luận tạng, ngài rời hẳn các danh từ tương đối của tục đế, chuyển sang địa hạt của chơn đế tuyệt đối. Luận tạng lập thành một kiến trúc vĩ đại của mọi sự hiểu biết liên quan đến các chân lý rốt ráo cứu xét dưới nhãn quan rộng rãi, vô biên, tế nhị, thâm sâu và cao diệu mà chỉ có đức Phật mới có được.
Kinh tạng tập hợp tất cả các bài thuyết pháp của đức Phật và một số bài thuyết pháp của các vị đại đệ tử như các ngài Xá-Lỵ-Phất, Mục-Kiền-Liên, A-Nan … Đa số bài pháp có dụng ý giúp các tỳ-kheo thông hiểu giáo pháp hoặc cách thức tu tập hầu đạt tới một đời sống thanh tịnh. Một số bài đem lại lợi ích thiết thực về đời sống vật chất và tinh thần của người tu tại gia.
Các kinh tiếng pali tức là bộ Nikāya được dịch sang chữ Hán gồm có: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh và Tiểu bộ kinh; cả năm bộ này gọi chung là Bộ kinh.
Các kinh tiếng sanskrit tức là bộ Āgama (A-hàm) được dịch sang chữ Hán gồm có: Trường A -hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng nhất A-hàm; cả bốn bộ này gọi chung là A-hàm, còn gọi là Pháp quy hay Vô tỷ pháp.
Trường A-hàm tương đương với Trường bộ, chép những bài pháp dài. Trung A-hàm tương đương với Trung bộ, chép những bài pháp dài vừa. Tạp A-hàm tương đương với Tương ưng, chép những bài kinh có nội dung tương tự như nhau. Tăng nhất A-hàm tương đương với Tăng chi, chép những bài kinh sắp xếp theo con số. Riêng Tiểu bộ kinh thì chỉ có trong pali tạng mà thôi, ghi chép những câu kệ vắn tắt.
Bộ kinh và A-hàm là kinh Nam tông. Kinh Nam tông có các đặc điểm sau đây:
1/ Cả hai đều giữ được vị nguyên thủy.
2/ Cả hai đều giữ được do phương thức khẩu truyền trong suốt 3, 4 thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt.
3/ Văn dùng nhiều điệp từ và trùng ý.
4/ Nội dung phản ảnh được nhiều tư tưởng, tập quán, sinh hoạt … thời bấy giờ.
5/ Dễ hiểu, thiết thực, đơn giản nhưng chặt chẽ (không kể Luận tạng).
6/ Mang mầm mống của nhiều tư tưởng đại thừa sau này.
7/ Dễ trích dẫn và dễ nhớ .
Khoảng thế kỷ thứ II sau TL, ngài Long Thọ phát huy triết học đại thừa về tánh Không, sách Trung quán luận của ngài chứng minh rằng vạn pháp đều không. Khoảng thế kỷ thứ IV sau TL, hai ngài Vô Trước và Thế Thân sáng tác một số tác phẩm về kinh điển đại thừa. Các nhà đại thừa tạo ra một lập trường rõ ràng và đưa ra các danh xưng đại thừa và tiểu thừa (theo HT W. Rahula)
Bắc Tông nhận tất cả tam tạng của Nam Tông, đồng thời có thêm nhiều kinh sách như Pháp Hoa, Lăng-Nghiêm, Bát-Nhã, Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ, Duy-Ma-Cật, Thắng Man, Giải Thâm Mật, Lăng-Già, Trung Quán Luận, Bách Luận, Hiển dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận … Đó là kinh sách Bắc Tông. Các đặc điểm của kinh Bắc Tông là:
1/ Đa số kinh dài, nhiều phẩm, cao, khó.
2/ Chứa nhiều mật nghĩa, cần phải nhiều chú giải mới hiểu được.
3/ Tư tưởng cao xa: Bát-nhã, Không luận, Thực tướng luận, A-lại-da duyên khởi luận.
4/ Đề cao sự trợ lực của chư Phật và chư Bồ-tát, qua các bổn nguyện.
5/ Tự lực và tha lực đều góp phần trong sự tu hành.
6/ Đưa ra sự kiện các vị bồ-tát xuống Long cung chép kinh Phật còn lưu tại đó.
Sau đây, xin tóm lược ý kiến của Kimura Taiken về Nguyên thủy, Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo .( Sách Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, từ trang 160 đến 169).
A. Nguyên thủy Phật giáo còn gọi là Căn bản Phật giáo, được coi như gần với lịch sử và lập trường của đức Phật nhất. Chân tướng của Phật giáo Nguyên thủy, một cách đại thể tóm tắt như sau:
1/ Những người do đức Phật trực tiếp cảm hóa, tập hợp thành giáo đoàn, lấy Phật làm thày, muốn được an tâm lập mệnh như Phật – từ khi Phật thành đạo đến 100 năm sau khi Phật nhập diệt (thế kỷ V – cuối thế kỷụ IV Tây lịch).
2/ Người ta ý thức nhiều về những khổ não cố hữu của cuộc sống.
3/ Nguồn gốc của mọi đau khổ là tham dục, là chấp ngã.
4/ Muốn thoát ly đau khổ, chỉ cần diệt trừ tham dục, chấp ngã. Phải bình tĩnh quán sát các pháp thế gian một cách thuần túy khách quan, coi lão bệnh tử và mọi điều bất như ý là hình tướng của các pháp thế gian. Lý hội được như vậy thì các cái đó không còn làm ta khổ nữa, tâm hồn ta sẽ đạt đến cảnh an nhàn tự tại, gọi là Niết bàn. Khổ, vui, mê, ngộ đều không ngoài tâm. Hết thảy đều do tâm chủ trì.
5/ Muốn đạt mục đích ấy thì phải nỗ lực cải tạo hành vi, quán tưởng, mở mang trí tuệ, làm cho cái tâm trong sáng, gạn trừ mọi tư tưởng nhiễm ô.
Phật giáo nguyên thủy đượm màu sắc thuần phác, không lý thuyết. Đức Phật dạy con đường giải thoát cho các đệ tử xuất gia đồng thời dẫn dắt quảng đại quần chúng về con đường tốt lành và hạnh phúc.
Tóm lại, Phật giáo nguyên thủy ít quan tâm đến lý luận, chỉ trọng thực hành; ít thuyết minh về giáo điều, chỉ cần thể nghiệm được pháp vị; ít chú ý đến hình thức mà trọng tinh thần; còn đối với việc xây dựng một thế giới hiện thực tốt đẹp tuy cũng có lưu tâm nhưng điều đó chỉ có nhân cách hoàn toàn của đức Phật mới cảm hóa và thực hiện được mà thôi.
B. Đến thời Bộ phái Phật giáo, tức Tiểu Thừa Phật giáo, nhân cách cảm hóa của đức Phật dần dần suy giảm, chỉ chuyên trì giáo pháp và giới luật để bảo toàn sự sống còn của giáo đoàn. Do đó giáo pháp được chỉnh lý, chú giải, đặt nền tảng cho thần học và xác định giáo điều của Phật giáo. Đã phát sinh nhiều ý kiến bất đồng, do đó có sự phân liệt. Khoảng 400, 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt, giáo đoàn đã chia thành hơn 10 bộ phái với lập trường khác nhau.
1/ Nguyên thủy Phật giáo lấy nội tâm làm chủ, Bộ phái Phật giáo chú ý cả nội tâm và ngoại giới.
2/ NT PG cũng thuyết minh phân tích nhưng về nội tâm lấy duyên khởi quan, “một tức hết thảy” làm nền tảng, nhưng BP PG coi trọng sự phân tích những yếu tố của vạn hữu.
3/ NTPG lấy tinh thần làm chủ chứ không lấy hình thức bên ngoài làm chủ, BPPG thì ngược lại.
4/ NTPG đối với cái đạo tại gia cũng rất chú ý; BPPG thì chỉ chuyên chú trọng về đạo xuất gia mà sao lãng đạo tại gia nên gần như không quan tâm đến các xu thế của thời đại.
5/ NTPG: con người được coi như đức Phật, lấy giải thoát làm mục đích. BPPG quá tôn sùng nhân cách cao cả của đức Phật nên người thường không thể sánh được, tất cả người tu hành chỉ là đệ tử của đức Phật mà thôi.
Tóm lại, BPPG đã phức tạp hóa PGNT đơn thuần. Tuy nhiên các tư tưởng BPPG cũng đã được truyền bá ra bốn phương. Nhưng không đủ để thích ứng với thời đại do quên đạo xuất gia, và vì thế tinh thần đạo Phật bị suy giảm. Danh từ Tiểu thừa do Đại thừa nêu ra cốt là để nói lên chỗ yếu kém này.
C. Để làm sống lại tinh thần hoạt động của đạo Phật cho nên mới có Đại thừa Phật giáo. Các điều nổi bật của Đại thừa là:
1/ Tiểu thừa tìm cầu sự giải thoát cho bản thân. Đại thừa chủ trương ai ai cũng có Phật tánh, ai ai cũng có khả năng thành Phật cho nên lấy việc cứu độ hết thảy chúng sinh làm lý tưởng tối cao của mình. TT chỉ nhận có Phật Thích Ca; ĐT thừa nhận chư Phật đồng thời tồn tại. Mười phương, ba đời đều có chư Phật. Thành Phật là lý tưởng tối hậu. Phải tu hạnh Bồ-tát trước, mà Bồ -tát không chỉ hạn cục ở người xuất gia. Tại gia mà diệt trừ được tham dục ích kỷ, làm lợi ích cho đời, dẫn dắt người về đường thiện, tích lập công đức, cuối cùng hồi hướng cho quả vị Phật, đều được coi là bồ-tát cả (bồ-tát có nhiều bậc), ĐT lấy bồ-tát làm trung tâm đặc trưng cho nên gọi ĐT là Phật thừa hay Bồ-tát thừa để đối lại với Thanh văn thừa hay La-hán thừa.
2/ Bồ tát lấy việc “trên cầu đạo bồ đề, dưới hóa độ chúng sinh” làm bản nguyện và lấy việc tại gia làm điểm xuất phát, không theo chủ nghĩa ẩn dật mà trái lại ở ngay trong thế gian hoạt động việc đời, lấy việc cứu độ làm cơ sở, vì nhu cầu giải thoát chung, cố kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn. Nghĩa là muốn cùng một lúc làm cả hai nhiệm vụ tại gia và xuất gia, kết quả là đã phác họa được một quốc gia lý tưởng, đó là lý tưởng Tịnh độ.
3/ TT cho rằng con người khổ đau vì có dục vọng, nên muốn thoát khổ, phải diệt dục, đó là một giải pháp tiêu cực. ĐT cũng hiểu như vậy song hiểu xa hơn: vô hạn dục là phát tâm cầu mong thành Phật trong kiếp sống vô hạn đau khổ này nghĩa làm cho chữ “dục” có một ý nghĩa đạo đức và tôn giáo. Lăn lộn trong khổ đau để cứu độ chúng sinh. TT mong cắt đứt luân hồi, ĐT chấp nhận luân hồi, lấy luân hồi làm căn cứ để phát tâm tu hành hướng thượng. Vậy thì dục vọng, khổ đau, luân hồi cũng có giá trị về luân lý.
4/ Phật giáo nguyên thủy đặc biệt chú trọng vào nội tâm, Tiểu thừa cho tâm là điều kiện động cho nên cũng chú ý đến sự tồn tại bên ngoài, rồi có lúc đi đến chỗ chú ý quá mức (thực tại luận cực đoan). Đại thừa trở về lập trường của PGNT nên chủ trương hết thảy đều do tâm, nhưng chữ tâm ở đây có phần thâm thúy hơn. Trong tâm của ta, có đủ đức tính của Như lai tạng (Phật tánh) cũng như có cả vô minh, phiền não, tùy theo nó biểu hiện thế nào mà thành có mê, ngộ, địa ngục, tịnh độ .. Mọi hiện tượng chỉ là biểu tượng của cái vọng tâm của ta và hết thảy là “không”. Diệt trừ được vọng tâm làm cho chân tâm biểu hiện thì lúc đó mới thấy chân tướng của vũ trụ. Từ đó thành lập thế giới quan “chân không diệu hữu”.
5/ NTPG của đức Thế Tôn tỏ ra rất quan tâm đến thời đại lúc bấy giờ. TTPG vì chỉ chuyên tìm tòi tài liệu của NTPG và giải thích, không lưu ý đến tinh thần thời đại nên trở nên khô khan. ĐTPG vận động phong trào tiếp xúc rộng rãi với với tinh thần thời đại và loại trừ các tệ hại thời đại. Khi ĐTPG truyền bá ra nước ngoài thì phải dùng nhiều phương tiện và tùy cơ ứng biến để phát triển.
Tóm lại :
1/ Tiểu thừa tiêu cực, Đại thừa tích cực.
2/ TT ít nhiều khuynh hướng tự do cá nhân, ĐT do phong trào quần chúng.
3/ TT lấy giải thoát cá nhân làm mục tiêu. ĐT lấy cứu tế xã hội làm chuẩn đích.
4/ TT chủ trương ẩn dật, ĐT chủ trương hoạt động.
5/ TT chủ trương chuyên môn xuất gia, ĐT chủ trương thông tục.
6/ ĐT nêu khẩu hiệu kế thừa tinh thần Phật giáo nguyên thủy.
Nhiều người – nhất là Nam tông – không chấp nhận tất cả các ý kiến này. Có người cho rằng Taiken là học giả về Ấn Độ giáo hơn là về Phật giáo.
6. KẾT LUẬN.
Tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta đã thấy rằng đức Phật (thật ra, các tác giả chứ đâu phải chính đức Phật!) đã dạy rằng chỉ có một Phật thừa, sở dĩ có ba thừa chẳng qua là do “phương tiện” trong một số hoàn cảnh nào đó. Đức Phật dạy Ngũ giới, Thập thiện cho những người chưa tu được theo đường giải thoát, cốt cho họ trồng căn lành để cho các đời sau tu tiếp. Ngài dạy Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cho những ai đủ căn cơ tu giải thoát khỏi luân hồi, chứng Niết bàn. Ngài dạy tu bồ-tát đạo cho những vị căn cơ cao, mau thành quả Phật. Vì thế, tu hành theo phương pháp nào, tông phái nào, Nam tông hay Bắc Tông, thì cũng phải nhớ rằng: Đạo Phật chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. □

Tài liệu tham khảo :
– Phật Học Tinh Yếu, HT Thích Thiền Tâm.
– Đạo Phật Nguyên Thủy và Đạo Phật Đại Thừa, HT W. Rahula.
– Tam tạng Kinh Điển, Bình Anson.
– Khái quát lịch sử truyền bá Kinh tạng, TT Thích Viên Giác.
– Présence du Bouddhisme, Revue France-Asie, Saigon, 1970 ( ?).
– Tìm hiểu về Tam Tạng, Thiện Nhựt (dịch Essence of Tipitaka, U Ko Lay).

PHỤ LỤC.
■ Luật tạng (pali và sanskrit: Vinaya Pitaka). Luật tạng gồm có 5 bộ:
1/ Ba-la-di (Pàràjika), ghi đầy đủ sự giải thích các giới điều quan trọng về kỷ luật có liên quan đến các trọng cấm và các khinh tội.
2/ Ba-dật-đề (Pàcittiya), liệt kê các vi phạm thông thường của tỳ kheo và tỳ kheo ni.
3/ Đại Phẩm (Mahàvagga),
4/ Tiểu phẩm (Cùllavagga), hai quyển 3 và 4 này bàn về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội Tăng Già, thí dụ nói về sự thành đạo của đức Phật, sự khám phá lý Duyên Khởi, về việc Chuyển Pháp Luân (Tứ đế) v.v… … Có bài kể về việc đức Phật từ chối lập Giáo Hội cho nữ nhân sau chấp nhận theo lời thỉnh cầu của ngài A Nan …
5/ Toát yếu (Parivàra), tóm tắt nội dung của Luận tạng, sắp xếp các điều theo đề mục và giải thích do đâu mà có các chế tài …
■ Kinh tạng (p: Suttanta Pitaka) :
1/ Trường bộ kinh (p: Digha Nikàya) có 34 bài kinh, trong đó có Kinh Đại Bát Niết-Bàn, Kinh Đại Quán Niệm (Kinh Tứ Niệm xứ), Kinh Đại Duyên …
2/ Trung bộ kinh (p: Majjhima Nikàya) có 152 kinh xếp trong 15 phẩm (mỗi phẩm một chủ đề), trong đó có Kinh Tịnh Tâm tức Kinh Ví Dụ Cái Cưa, Kinh Chính kiến,Kinh Tứ Diệu Đế tức Đại Kinh Dấu Chân Voi, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Tiểu Không, Kinh Đại Không …
3/ Tương ưng bộ kinh (p: Samyutta Nikàya) gồm có 7762 bản kinh ngắn xếp trong 5 phẩm lớn, trong mỗi phẩm đó có 56 nhóm. Samyutta nghĩa là tương ưng, gọi thế là vì các đề mục liên hệ với nhau.

■ Luận tạng (p: Abhidhamma; s: Abhidharma; phiên âm: A-tỳ-đạt-ma, A-tì-đàm):
►Luận tạng của Thượng tọa bộ, chữ pali, gồm có 7 bộ:
1/ Pháp tập luận (p: Dhammasanganì), 2/ Phân biệt luận (p: Vibhanga),
3/ Luận sự hay Biện giải (p: Kathàvatthu), 4/ Nhân thi thiết luận (p: Puggala Pannati), 5/ Giới thuyết luận (p: Dhàtukathà), 6/ Song luận (p: Yamaka),
7/ Phát thú luận (p: Patthàna).
►Luận tạng của Nhất thiết hữu bộ, chữ sanskrit, cũng gồm 7 bộ:
1/Tập dị môn túc luận (s: Sangìtipariyàya), 2/Pháp uẩn túc luận (s: Dharmaskandha), 3/Thi thiết túc luận (s: Prajnaptisàstra), 4/Thức thân túc luận (s: Vijnànakàya), 5/Giới thân túc luận (s: Dhàtukàya), 6/Phẩm loại túc luận (s: Prakarana), 7/ Phát trí luận (s: Jnànaprasthàna).
►☼ Liệt kê sơ lược kinh điển Phật giáo đại thừa: (dựa theo Bình Anson )
1/ Trước thời Long Thọ: Các kinh Đại Phẩm Bát-Nhã, Tiểu Phẩm Bát-Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Vô Lượng Thọ, Thủ-Lăng-Nghiêm, Duy-Ma- Cật. Trước tác của ngài Mã Minh: Phật sở hạnh tán, Đại trang nghiêm luận, Thập bất thiện nghiệp đạo, Lục thú luân hồi, Sự sư pháp Ngũ thập tụng, Ni Kiền Tử vấn vô ngã nghĩa, Đại tôn địa huyền văn bản luận, Đại thừa khởi tín luận.
2/ Thời Long Thọ, Đề Bà, Bạt Đà La: Ngài Long Thọ trước tác nhiều bộ luận, dịch sang chữ Hán gồm có: Trung quán luận, Bồ đề tâm ly tướng luận, Thập nhị môn luận, Đại Trí độ luận, Thập bát không luận, Đại thừa phá hữu luận, v. v . . Ngài Đề Bà viết: Bách luận, Bách tự luận, Quảng bách luận. Ngài Bạt Đà La viết: Chú thích Trung luận.
3/ Sau thời Long Thọ: kinh Thắng Mạn, Giải Thâm Mật, Đại Bát Niết-Bàn, Lăng-Già.
4/ Thời Vô Trước (thế kỷ IV , V):
Ngài Di-Lặc trước tác: Du-Già Sư Địa luận, Đại Thừa Trang Nghiêm kinh luận, Thập Địa kinh luận, Trung biên phân biệt luận.
Ngài Vô Trước trước tác: Hiển Dương Thánh Giáo luận, Kim Cang Bát Nhã Ba la mật kinh luận, Nhiếp Đại Thừa luận, Thuận Trung luận, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma tạp luận.
Ngài Thế Thân trước tác nhiều, dịch sang chữ Hán có: A Tỳ Đạt Ma Câu Xá luận, , Nhiếp Đại Thừa Luận thích, Duy thức Tam thập tụng, Duy thức Nhị thập tụng, Đại Thừa Bách pháp Minh môn luận, Vô Lượng Thọ kinh Ưu ba đề xá, Phật tính luận v.v…
Bài đọc thêm:
VÌ SAO GỌI LÀ ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA ?
Trích từ Phật Giáo Chính Tín
của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm (Trung Hoa)
Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Trong thời Phật tại thế, vốn không có phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa. Phật pháp chỉ có một vị thuần nhất. Chỉ do đối tượng thuyết pháp không giống nhau cho nên nội dung và cảnh giới thuyết pháp cũng khác nhau mà thôi.
Phật giáo theo Đại thừa chia thành năm thừa: Nhân thừa (Phật giáo cho loài người), Thiên thừa (Phật giáo cho loài trời), Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ-tát thừa.
Tu theo 5 giới và 10 điều thiện ở bậc cao (thượng phẩm) thì sẽ được sinh lên các cõi trời. Tu theo 5 giới 10 điều thiện ở bậc trung bình (trung phẩm) thì sẽ được sinh làm người. Tổng hợp cả hai lại, gọi chung là con đường tu tập của loài người và loài trời. Hàng Thanh văn nhờ nghe pháp tu hành mà được giải thoát khỏi sinh tử. Hàng Độc giác không nghe pháp, không có thầy mà tự mình giác ngộ, được giải thoát khỏi sinh tử. Tổng hợp cả hai lại, gọi chung là con đường giải thoát của nhị thừa.
Con đường Bồ-tát là chủ trương vừa cầu giải thoát, vừa không tách rời con đường loài người và loài trời, do đó con đường Bồ-tát Đại thừa là con đường tổng hợp cả hai con đường giải thoát sinh tử và con đường tái sinh của loài người và loài trời.
Tu theo 5 giới và 10 điều thiện trong con đường loài người và loài trời thì vẫn còn là phàm phu. Người tu hành, chứng đạo giải thoát không còn luân hồi sinh tử nữa, mới gọi là bậc Thánh. Vì chỉ lo lắng cho bản thân mà cầu Phật pháp để được giải thoát, không có tâm nguyện quay trở lại cứu độ chúng sinh, cho nên gọi là Tiểu thừa. Con đường Bồ- tát gọi là Đại thừa, vì lập luận rằng vị Bồ-tát, trên thì cầu đạo Phật vô thượng để giải thoát khỏi sinh tử, dưới thì phát nguyện độ vô lượng chúng sinh để cùng thoát khỏi biển khổ sinh tử.
Về mặt phân bố địa lý mà nói, thông thường gọi là Phật giáo Đại thừa, hay Phật giáo Bắc truyền, theo văn hệ Sanskrit, lấy Trung Hoa làm trung tâm, bao gồm các nước như Nhật Bản, Đại Hàn, Mông Cổ, Tây Tạng, Việt Nam. Phật giáo Nam truyền, còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa, dùng kinh điển thuộc văn hệ Pali, lấy nước Tích Lan làm trung tâm và bao gồm các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam.
Thực ra, đó chỉ là sự phân biệt của riêng Phật giáo Bắc truyền mà thôi, còn Phật giáo Nam truyền thì không công nhận sự phân biệt đó. Đấy là do, trong Luật tạng của Hữu Bộ, quyển 45 và Tạp A Hàm quyển 28 trang 69 đều có ghi danh từ “đại thừa” để chỉ những người tu theo Bát chính đạo và Tạp A Hàm quyển 26 trang 204 dùng danh từ “đại sĩ” chỉ cho những người tu hạnh Bốn nhiếp pháp. Tăng nhất A Hàm cuốn 19 cũng nói rõ sáu độ (ba-la-mật) thuộc về “đại thừa.”
Phật giáo Bắc truyền, trong lĩnh vực lý luận, có phần phát huy hơn Phật giáo Nam truyền, thế nhưng về mặt thực tiễn sinh hoạt thì Phật giáo Bắc truyền không phải theo Đại thừa, và Phật giáo Nam truyền cũng không phải theo Tiểu thừa. Phật giáo Trung Quốc, ngoài việc ăn trường trai ra, cũng không có gì xuất sắc hơn Phật giáo Nam truyền. Phật giáo Trung Quốc do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và lối học nói suông chuyện thanh cao (huyền học tham đàm) cho nên cũng bị lớp sĩ phu đời Ngụy Tấn đối đãi như là một thứ huyền học để tiêu khiển. Lý luận của các tông phái ở Trung Quốc như Thiên Thai Tông và Hoa Nghiêm Tông đều chịu một phần ảnh hưởng của học phong này. Chính vì vậy, một học giả Nhật Bản cận đại, ông Mộc Thôn Thái Hiền (D.T. Suzuki), phê bình Phật giáo Trung Quốc là loại Phật giáo học vấn, không phải là Phật giáo thực tiễn. Phê bình như vậy, không phải là không có lý do. Trên sự thực, cấu trúc tư tưởng của Hoa Nghiêm Tông và Thiên Thai Tông đều xuất phát từ cảnh giới chứng ngộ của các cao tăng Trung Hoa, chứ không có y cứ đầy đủ trên nền tảng giáo lý của truyền thống Phật giáo Ấn Độ.
Do đó, có thể nói tinh thần “bồ-tát đại thừa” chân chính của Phật giáo Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa phổ cập đến dân gian Trung Quốc, chứ đừng nói gì làm nơi quy tụ của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc! Vì vậy mà có người nói Phật giáo Trung Quốc về tư tưởng là Đại thừa, về hành vi là Tiểu thừa. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

…………………………..( Vì Bài 14 quá dài, chúng tôi sẽ đăng tiếp kỳ sau )
Hình : Một ngôi chùa Khmer-NN sưu tầm

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics