19/08: Bài 49. Bàn Về Từ Bi – Bài 50. Lòng Từ

19/08: 49. Bàn Về Từ Bi – 50. Lòng Từ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4758 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

NHÂN NGÀY KỶ NIỆM ĐỨC QUÁN THẾ ÂM

BÀI 49. BÀN VỀ TỪ BI

Phật tử không ai là không biết kinh Phổ Môn và Bồ-tát Quan Thế Âm. Các ngày vía của Ngài là 19 tháng 2, 19 tháng 6, và 19 tháng 9 Âm lịch. Không phải chỉ riêng vào các ngày đó, các Phật tử mới tụng kinh Phổ Môn (thường gọi là kinh Cầu An) mà gần như tháng nào hay gặp dịp cần là Phật tử tụng kinh Phổ Môn, niệm danh hiệu Ngài, chẳng khác trẻ thơ cầu mong mẹ hiền về che chở.

Quả thật, đối với chúng ta, Bồ-tát Quan Thế Âm là một người mẹ hiền thương yêu các con rất mực. Tượng Ngài hình người nữ đứng trên hoa sen, tay mặt cầm cành dương, tay trái cầm bình thanh tịnh, trong bình đựng nước cam lộ.

Bồ-tát Quan Thế Âm là hiện thân của đức Từ Bi.

Không tình thương nào tha thiết hơn tình mẹ thương con, chân thành, thâm thúy, bao la. Bồ-tát Quan Thế Âm là người mẹ hiền của chúng sinh, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một khi nghe tiếng kêu…

… thương của chúng sinh, Ngài liền hiện thân đến an ủi. Thật vậy, danh hiệu của Ngài là Quan Thế Âm có nghĩa là quán sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Vì thế trong các khóa lễ chúng ta vẫn tụng: “Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát Ma-ha- tát”.

Cành dương liễu mà Ngài cầm bên tay mặt tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Tại sao vậy? Vì cành dương liễu không mềm quá đến nỗi gió nhẹ cũng gục, mà cũng không cứng quá đến nỗi gió lớn phải gãy, trái lại, nó dẻo dai chỉ uốn theo gió mà vẫn vươn lên, nó theo hoàn cảnh mà không bị hoàn cảnh chi phối. Nhờ đức nhẫn nhục con người tùy thuận chúng sinh rồi uốn nắn chúng sinh theo chánh đạo. Thoạt nhìn, con người nhẫn nhục có vẻ như con người yếu đuối, hèn kém, sự thực người đó vượt lên trên kẻ phàm tục, không giận không hờn.

Nước cam lộ thơm ngọt chẳng những giúp người ta qua cơn khát cháy cổ mà về tinh thần mang lại niềm an vui vô tận. Chúng sinh bị phiền não thiêu đốt, nhờ nước cam lộ của Ngài Quán Thế Âm mà qua cảnh lửa cháy tâm can. Do lòng từ bi, Ngài đã cùng nước cam lộ để dập tắt lò phiền não.

Nước cam lộ được đựng trong bình thanh tịnh, tượng trưng cho ba nghiệp thanh tịnh. Từ bi mà không thanh tịnh thì còn đâu là từ bi. Bố thí mà còn mong đền đáp, cầu khen ngợi, muốn lợi danh thì đâu còn là bố thí!

Nói tóm lại, đức Bồ-tát “đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn” thực hiện công hạnh từ bi của Ngài qua thân khẩu ý thanh tịnh và con đường nhẫn nhục để tùy thuận chúng sinh dìu dắt họ ra khỏi khổ não.

Đức Phật đã từng dạy Ngài Ca-Diếp rằng: “Bốn tâm vô lượng của bồ-tát có thể làm cội gốc cho tất cả hạnh lành”… “Chỉ có bốn tâm vô lượng có thể làm cho bồ-tát được đầy đủ sáu pháp ba-la-mật, những công hạnh khác chẳng quyết định được như vậy”.

Bốn tâm vô lượng mà đức Phật nói đó chính là từ, bi, hỷ, xả.

Từ là lòng thương tất cả mọi người, tất cả chúng sinh, sẵn sàng giúp cho họ được sự vui, sướng, lợi ích về vật chất và về tinh thần. Tấm lòng bình đẳng, không nhiễm mọi sự khổ, sướng. Đối với chúng sinh không phân biệt kẻ oán thù, người thân thích, không lựa kẻ thông minh, người ngu độn, kẻ hiền hậu, người ác trược. Với ai, cũng thương tất cả và giúp đỡ cho tất cả. Lòng Từ của chư Phật, chư bồ-tát mênh mông, vô tận, phổ khắp tất cả mười phương các cõi thế giới nên cũng kêu là Đại từ.

Trong kinh Đại Bát-niết-bàn, đức Phật có giảng về “từ” và “đại từ”. Ngài nói: “… Lúc bấy giờ, bồ-tát đối với cha mẹ và keœ oán ghét bậc nhất, tâm được bình đẳng, không sai khác. Như trên đây, gọi là được tâm từ… Bậc sơ địa bồ-tát lúc tu đại thừa thấy keœ hung ác bất tín (nhất xiển đề), tâm không phân biệt, không thấy lỗi của họ nên không sinh lòng sân. Do nghĩa này mà gọi là “Đại từ… ”

Còn bi nghĩa là gì?

“Bi là lòng thương xót của chư Phật, chư Bồ-tát đối với sự đau khổ của chúng sinh. Thấy chúng sinh mê lầm, sa ngã, đau đớn, khổ não, hoạn nạn thì các Ngài lấy làm cảm động, mong cho họ mau thoát khỏi các cảnh ấy và hằng tìm dịp mà giúp, nâng đỡ, độ thoát họ nữa. Bi khác với đại bi như thế này: còn tu tập, chưa đắc đạo thì có lòng bi. Chư Phật, chư đại bồ-tát, chư vị thành đạo các Ngài có lòng đại bi tràn trề, không bờ bến… ”

Hai chữ từ và bi thường đi đôi với nhau thành từ bi. Phân tích kỹ một chút, chúng ta thấy hai khía cạnh: thấy chúng sinh đau khổ, động lòng thương, tìm cách trừ đau khổ đi cho họ, đó là bi. Thương yêu hết thảy chúng sinh, mưu cầu cho họ được lợi ích, an vui, đó là từ. Rút lại, trừ khổ, cho vui, đó là từ bi.

Bồ-tát Quán Thế Âm là bậc đại từ đại bi, Ngài độ chúng sinh như thế nào?

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn của Bồ-tát Quán Thế Âm, đức Phật dạy Bồ-tát Vô Tận Ý rằng: “Nếu có vô lượng chúng sinh phải chịu mọi sự khổ não, được nghe Bồ-tát Quán Thế Âm đây mà dốc lòng xưng danh hiệu Ngài, thì Ngài tức thời quán xét tiếng cuả người ấy để họ được giải thoát…

Ai nhiều lòng dục, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì lìa được lòng dục. Ai nhiều hờn giận, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì lìa được lòng sân. Ai nhiều vô minh, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Aâm thì lìa được ngu si…

Ngài dùng sức phương tiện nói pháp. Nếu cần hiện thân Phật mới độ được chúng sinh thì Ngài hiện thân Phật mà nói pháp, nếu cần hiện thân trưởng giả thì Ngaì hiện thân trưởng giả, nếu cần hiện thân phụ nữ thì Ngài hiện thân phụ nữ v.v… nghĩa là Ngài dùng hết thảy thân hình dạo đi các cõi để độ chúng sinh… Bồ-tát Quán Thế Âm đối với chúng sinh ở trong tai nạn nguy cấp sợ hãi, Ngài hay ban cho nhũng điều không lo sợ, cho nên ở cõi sa-bà này đều gọi Ngài là bậc Thí Vô Úy… Trong bài kệ ở cuối phẩm, có những câu này:

Sức diệu trí Quán Âm → Hay cứu đời thoát khổ

Rộng tu trí phương tiện Các cõi nước mười phương

Đều hiện thân khắp cả… Chân quán, thanh tịnh quán

Trí tuệ quán rộng lớn Bi quán và từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng Sức thanh tịnh không nhơ…

Bi thể ran như sấm Từ ý diệu như mây

Tuôn mưa pháp cam lộ Dập tắt lửa phiền não…

Quán Âm bậc Tịnh thánh Hay làm nơi nương tựa

Cho nạn chết, khổ não…

Đứng trước tượng Ngài, người Phật tử nào cũng cảm thấy một thứ gì dịu hiền, gần gũi, trang nghiêm, kính mến đến nỗi bật thành lời xưng tụng chân thành, van cầu thiết tha. Trí Khải Đại Sư, tổ sáng lập tông Thiên Thai, đã viết đoạn văn sau này (do HT.Thanh Từ ghi lại):

“Cầm nhành dương Ngài rưới nước cam lộ lên khắp cả, trừ nhiệt não làm cho mọi người được tắm trong dòng suối thanh lương. Nghe tiếng kêu mà cứu khổ cho tứ sanh, Ngài thuyết pháp để độ thoát cho lục đạo. Sẵn tâm niệm từ bi kiên cố, đủ dáng veœ tự tại trang nghiêm, không ai cầu mà chẳng ứng, không nguyện nào chẳng thành. Cho nên, chúng con là keœ xuất gia, an trụ trong tịnh quán, chí thành đọc lại mật ngôn và gia trì pháp thủy. Tịnh thủy này vuông tròn tùy theo bình chứa đựng, có hay không cũng tùy tiết tùy thời. Mùa xuân là loãng, mùa đông thì đặc, khi chảy khi đọng thật là mênh mông; nguồn sâu khó lường, chảy mãi thao thao, thật là dòng linh khôn tuyệt. Ở trong khe đá, nước ngâm bóng loài rồng, ở dưới ao thu, nước tẩm lấy bóng nguyệt. Tịnh thủy này hoặc đọng dưới ngòi bút của đấng quân vương để rồi làm tràn ngập sóng âm, hoặc nằm trên đầu nhành dương liễu của vị giác hữu tình để rưới thành cam lộ linh diệu. Chỉ cần một giọt nước rưới lên là mười phương đều sạch trong. ”

Phật tử chúng ta tụng kinh Phổ Môn, nhân ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm, cần học, hành tinh thần từ bi của Ngài.

Không phải chỉ có đấng quân vương hay vị bồ-tát mới có thể rưới nước cam lộ cho sinh dân. Những kẻ còn tu tập như chúng ta từng ngày từng giờ có thể phát tâm từ bi. Dứt được một điều đau khổ tinh thần hay vật chất cho đồng loại, đem lại một niềm an vui nhỏ nhít đến cho người bên cạnh, ấy là thực hành từ bi. Không phải đợi xuất gia, không phải đợi mặc áo tràng, ngày nào giờ nào cũng tu tập được như vậy. Đừng chê điều thiện nhỏ mà không làm, trái lại cứ làm và tăng trưởng nó lên, căn lành ở đó, nhân lành là thế, tích lại, trữ lại, rồi dần dà với thân khẩu ý thanh tịnh, ta tạo thêm duyên để nhân lành thành quả tốt. Nếu cứ gõ mõ tụng kinh Phổ Môn, nếu cứ cầu xin Ngài Quán Thế Âm, mà bản thân chưa thanh tịnh, căn lành chưa gây, thì làm sao mà có cảm ứng cho được.

Có văn, phải có tư rồi phải có tu nữa. Có giáo, có lý thì phải có hành kèm theo. Nếu không, có người sẽ tự hỏi: Ngài Thiên Thai nói rằng “cầu nào mà chẳng ứng, nguyện nào mà chẳng thành”, tại sao tôi chẳng thấy ứng, thấy thành gì cả? Cần phải nhớ rằng Ngài Thiên Thai có nói thêm: “vuông hay tròn tùy theo bình chứa đựng, có hay không cũng tùy tiết, tùy thời”.

Năng lễ sở lễ tính không tịch, Cảm ứng đạo giao nan tư nghị dịch là

Phật, chúng sinh tính thường rỗng lặng, Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Chúng ta cầu xin đức Quán Thế Âm, mong được cảm ứng. Mà sự cảm ứng này, chắc chắn có, không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên muốn có thì phải “rỗng lặng” đã, nếu tham sân si đầy mình thì cảm ứng vào đâu được!

Bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, ấy là căn bản của các công hạnh khác, đức Phật đã dạy rõ như vậy. □

BÀI 50. LÒNG TỪ

Trong số các danh từ mà Phật tử chúng ta nghe nói đến nhiều nhất, có ba chữ tham sân si (ba độc, tam độc) và bốn chữ từ bi hỷ xả (bốn tâm vô lượng, tứ vô lượng tâm). Vì nghe quá nhiều cho nên chúng ta thấy quá quen, mà do quá quen nên coi nhẹ, cho rằng mình hiểu rồi!

Hôm nay, chúng tôi xin trình bày hầu quý đạo hữu về chữ Từ. Trong thực tế, người Việt chúng ta hay nói hai chữ Từ Bi chung với nhau, nói một chữ Từ không thôi, thấy có vẻ thiêu thiếu.

Khi soạn bài nói này, chúng tôi coi mấy bản dịch cuốn kinh có tên là Mettā Sutta. Chữ pali Sutta nghĩa là kinh, Mettā nghĩa là từ (từ không thôi, chứ không phải là từ bi, vì bi là Karunā). Mettā tương đuơng với chữ sanskrit Maitri. Nếu dịch là Kinh Từ thì cảm thấy cụt lủn, cho nên có người dịch là Kinh Tâm Từ, người khác dịch là Kinh Từ Bi, lại có người dịch là Kinh Thương Yêu. Chúng tôi đề nghị dùng chữ Kinh Lòng Từ hay Kinh Tâm Từ.

Từ và Bi là hai ý niệm khác nhau: nói thật gọn thì từ là cho vui, bi là cứu khổ.

HT Nārada viết trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp :“Mettā là cái gì làm cho lòng ta êm dịu. Mettā là trạng thái tâm của người bạn tốt. Mettā là lòng thành thật ước mong rằng tất cả chúng sinh đều được sống an lành hạnh phúc. Mettā cũng có khi được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thực muốn cho người bạn của mình được an vui hạnh phúc”.

Chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ đơn giản là lòng mong ước, thì có lẽ giống như những điều viết trong thiếp chúc Tết của chúng ta! Vì thế HT Nārada phải nói dài hơn, ngài dùng chữ thương yêu, và ngài nói kỹ các chi tiết để chúng ta khỏi hiểu lầm cả chữ thương yêu nữa.

Thương yêu vợ con, thương yêu bạn bè, thương yêu người trong xóm trong làng .. chưa phải là Từ, đó tạm gọi là một khía cạnh nhỏ bé của lòng Từ mà thôi. Thương yêu một người nào đó có thể gợi ra ý trìu mến, ý luyến ái, ý tình dục, mà thương yêu như vậy sẽ dẫn đến phiền não (chúng ta đã biết rằng nguồn gốc của khổ đau chính là ái dục!).

HT Nārada bảo cho chúng ta biết rằng: Tình đồng chí, tình đồng chủng, tình đồng hương, tình đồng đạo đều không phải là lòng Từ! Thiện ý, thiện chí, hảo tâm, từ ái, bác ái chỉ là những danh từ tạm là đồng nghĩa với mettā mà thôi.

Trở về Kinh Lòng Từ, chúng ta đọc được các dòng sau đây:

“Nguyện thái bình an lạc, → Nguyện tất cả sinh linh,

Tràn đầy muôn hạnh phúc, Chúng sinh dù yếu mạnh,

Lớn nhỏ hoặc trung bình, Thấp cao không đồng đẳng,

Hết thảy chúng hữu tình, Lòng từ không phân biệt,

Hữu hình hoặc vô hình, Đã sinh hoặc chưa sinh,

Gần xa không kể xiết, Nguyện tất cả sinh linh,

Tràn đầy muôn hạnh phúc. Đừng lừa đảo lẫn nhau,

Chớ bất mãn điều gì, Đừng mong ai đau khổ,

Vì tâm niệm sân si, Hoặc vì nuôi oán tưởng.

Hãy mở rộng tình thương, Hy sinh như từ mẫu,

Suốt đời lo che chở , Đứa con một của mình,

Hãy phát tâm vô lượng, Đến tất cả sinh linh …”

Như vậy là đức Phật dạy rằng: “Lòng Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sinh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà, suốt đời che chở cho con”.

So sánh lòng Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh trên đây, đức Phật không đề cập đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ, Ngài chỉ nhấn mạnh vào lòng mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền muốn cho con duy nhất của mình được sống an lành.

Làm cho người khác được yên vui là đặc điểm quan trọng của lòng Từ. Người có lòng Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sinh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không nhìn thấy phần xấu xa hư hỏng của một ai.

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ khi tóm tắt nội dung Kinh Lòng Từ, đã cho chúng ta biết: “Bản kinh chứa tải nhiều giá trị đạo đức rất cao, nhất là hạnh ban rải tình thương đến con người và các loại chúng sinh một cách không phân biệt .. Tình thương này vượt khỏi giới tính, thân sơ, bạn thù, ta người … Tình thương như vậy chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng bao la, vô ngã, không vị kỷ.” Chúng ta nắm bắt ngay chữ “vô ngã” ở trong câu đó, làm cho ta thấy rằng tu lên đến mức ấy không phải là dễ!

Bây giờ, chúng ta tự hỏi: “Thế thì hàng ngày chúng ta thực hành tu lòng Từ thế nào?”

Thứ nhất là gieo trồng lòng Từ cho chính mình đã, mình gắng gạt bỏ những tư tưởng oán hờn, sân hận, bực bội, ghét bỏ, báo thù … trong tâm mình; mình chỉ nghĩ đến những điều vui vẻ, an lành, hạnh phúc.

Thứ nhì là phải hiểu rằng bất cứ ai cũng có cái tốt cái xấu. Chúng ta hãy bỏ qua các điều xấu của họ mà chỉ nghĩ đến những điều tốt của họ.

Thứ ba là thực hành lòng Từ dần dần như những vòng đồng tâm càng ngày càng rộng: bắt đầu từ người thân trong gia đình, rồi đến bạn bè, sau tới mọi người và cuối cùng tới toàn thể chúng sinh.

Việc khó hơn tất cả là việc thể hiện lòng Từ đối với người coi mình là kẻ thù, việc này phải kiên nhẫn và can đảm lắm mới làm nổi.

Phật giáo có chữ ba-la-mật. Bố thí ba-la-mật là bố thí một cách tự nhiên như thở hít, không nghĩ mình giúp cho ai, giúp cái gì, không mong cầu phước báo. Trải lòng Từ cũng phải làm một cách tự nhiên, không mong cầu phước báo. Tuy vậy, kinh sách có nói đến các phước báo.

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ đã nói lên ý sau đây: “Hiện tại: người tu tâm Từ có giấc ngủ an lành, không có mộng mị khiếp đảm. Đi đứng nằm ngồi, tâm tư luôn luôn an lạc. Được mọi người quý mến, tin phục, hộ trì và giúp đỡ. Đời sau: sẽ được sinh vào các cảnh giới tốt. Nếu sinh làm người thì không có kẻ thù, không bị ai hiềm khích, hãm hại, sống trong sự an lành và hạnh phúc .. Tâm Từ còn có khả năng chuyển hóa cuộc đời khổ đau, phân chia, tranh chấp, không thù hận (mang tới) hòa bình, an lạc và giải thoát.”

Nhân đây, chúng tôi xin ghi lại lời khuyên của HT Thích Đức Nhuận: “Tôi cần nhắc người thụ trì, hãy tránh thái độ tụng kinh để kể công với Phật, hay để tiêu khiển thời gian, hoặc biến thời kinh thành buổi nhạc lễ. Không nên tụng kinh vì mục đích cầu phúc báo, danh lợi nhân gian. Đọc tụng kinh điển trước là để hiểu rõ và sau là hành trì. Hiểu rõ để thực hành khỏi sai. Hành trì để bản thân và tha nhân được an lạc .. Phải siêng năng đọc tụng, nghiền ngẫm nghĩa lý, rồi đích thân ứng dụng và thực hành ” □

Tài liệu:

– HT Nārada, Tứ Vô Lượng Tâm. Phạm Kim Khánh dịch (trong sách Đức Phật và Phật pháp).

– Kinh Tụng Hàng Ngày. Tỳ-kheo Thích Nhật Từ biên soạn. Đạo Phật Ngày Nay xuất bản, 2002. Lời giới thiệu của Sa môn Thích Đức Nhuận, chùa Giác Minh Saigon.

– Kinh Từ Bi. Ni sư Ayya Khema. Diệu Liên chuyển ngữ. Tìm trong internet BuddhaSasana Bình Anson.

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cử Phật- Book I- Montreal 2010

(Hình: Nga Mi Sơn Tự- Trung Quốc.- NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics