23/08/2013: 1.Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú:Thư đi tin lại-Kỳ 17 & Lễ Vu Lan-2.Tâm từ tâm-Bốn ngôi nhà(N.M. Hùng)-

23/08: 1.Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú:Thư đi tin lại-Kỳ 17 & Lễ Vu Lan-2.Tâm từ tâm-Bốn ngôi nhà(N.M. Hùng)-
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 8024 lần

THƯ ĐI TIN LẠI – KỲ 17 – Montreal 2010
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

136 – Chữ Nho của tôi là số không, điển cố càng kém hơn, khi các đạo hữu hỏi mà tôi bí, thì tôi “phone” tìm mấy ông bạn xưa kia dạy môn Văn để cầu cứu . Đa thư loạn mục, “đa thư loạn tâm” thì dễ hiểu rồi, nhiều sách quá thì rối mắt, rối tâm . Còn cái điển…

… “con dê” như đạo hữu hỏi thì hỏi mãi mới ra (cấm đùa nghe, người ta đang tu đây nè). Có anh chàng kia mất một con dê,huy động cả nhà đi kiếm, và sang mượn cả người làm của ông hàng xóm . Ông ta hỏi: “Có một con dê thôi mà sao kéo lắm người đi tìm vậy ?”. Trả lời: “Mỗi ngã ba, ngã tư, lại phải chia người ra mà tìm dê, cho nên phải đi cho đông”. Rốt cuộc, vẫn chẳng thấy dê đâu vì quá nhiều ngã rẽ !

Bài học rút ra là: Học mà theo nhiều nẻo quá thì khó thành .

Đạo hữu nhớ chuyện La chèvre de Mr Séguin của Alphonse Daudet không ? Chẳng giống chuyện trên một tí ti nào nhỉ !

137 – Trúc Lâm (phạn Venuvana) còn có tên khác là Trúc Viên . Nghĩa đen là rừng trúc, rừng tre hay vườn trúc, vườn tre . Khi đức Phật mới thành đạo và tới thành Vương Xá(Rajagriha) thì vua Tần-bà-xa-la (Bimbasara) dâng cúng một vườn tre để đức Phật yên trụ nơi đó mà hoằng pháp . Đó chính là Trúc Lâm hay Trúc Viên .

Môn phái Trúc Lâm Yên Tử là một phái thiền do người Việt Nam sáng lập . Núi Yên Tử ở vùng Đông Triều, gần đường số 18, ở Mao Khê quẹo vào, ngày nay có nhiều du khách . Trên núi còn nhiều di tích . Nghe nói đang sửa sang .

138 – Đạo hữu thắc mắc : Phật thọ 80 tuổi, ngài A-Nan là em Phật . Ngài Ca-Diếp làm tổ thứ nhất, rồi mới đến ngài A-Nan làm tổ thứ nhì thì chắc là ngài A-Nan phải sống lâu lắm? Xin trả lời: Ngài A-Nan là em họ đức Phật, sinh ra vào lúc Phật thành đạo, nên ngài kém Phật 35 tuổi . Khi đức Phật bát-niết-bàn thì ngài A-Nan 45 tuổi . Tạm cho là ngài A-Diếp làm tổ trong 30 năm thì khi ngài A-Nan nối sự nghiệp tổ vào lúc gần 80 tuổi . Theo sách thì ngài A-Nan thọ 120 tuổi .

139 – Đạo hữu nói rằng: Niết-bàn có bốn đức là thường, lạc, ngã, tịnh . Đạo hữu không thắc mắc gì về thường,lạc và tịnh nhưng còn thắc mắc về chữ ngã . Tại sao tới Niết-bàn rồi lại còn ngã ? Xin thưa: đấy là chân ngã , không phải là cái ta, cái ego,, cái le moi, the self, như ta nghe hàng ngày . Chân ngã cũng là thực ngã, đối với giả ngã, tục ngã . Đó chính là Phật tánh .

140 – Tuy bộ sách đó gọi là Phật học phổ thông, nhưng tôi nghĩ rằng trình độ đã cao lắm . Bộ này có nhiều quyển, trong những quyển cuối HT Thiện Hoa giảng các kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang và Luận Đại thừa Khởi tín, toàn là kinh và luận “hạng nặng” cả . Nếu đạo hữu mới học thì tôi đề nghị coi cuốn Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần trước đã rồi mới vào mấy cuốn đầu của Phật học Phổ Thông, mấy quyển về kinh và luận thì từ từ đã, chớ vội, “dục tốc bất đạt” mà !

141 – Đạo hữu nói đúng lắm . Trên các bức hình Phật, các chữ Nho ghi là Nam vô, thí dụ Nam vô A Di-Đà-Phật . Mấy nhà Nho muốn bài bác đạo Phật, thường nói : rõ ràng nhé, nước Nam không có Phật A-Di-Đà, theo làm chi ! Phải đọc là Nam mô, do chữ pali Namo` và chữ sanskrit Namah phiên âm ra . “Nam mô nghĩa là quy y, quy mạng, chí tâm hướng về (Phật), tức là quyết chí tuân theo (Phật),tôn kính Phật mà gửi đời mình cho Phật” (theo từ điển Đoàn Trung Còn) .

Ghi chú: Chữ NHo ghi là ban nhược, phải đọc là bát nhã mới đúng là phiên âm chữ prajna, tức là trí huệ .

142 – Hoan nghênh em chịu khó chép kinh điển để xin công đức . Thứ nhất, em tự ý sửa Vi Đà thành Di-Đà là không được đâu, sách in đúng đấy . Vi Đà thần hộ pháp (bảo vệ Phật pháp), còn Di-Đà là do chữ A-Di-Đà nói gọn . Thứ nhì, theo ý riêng tôi, thời nay có máy in, máy photocopy, em khỏi chép, để thì giờ tìm hiểu và thực hành thì hơn . Chúc em tinh tấn .

143 – Thường tịch quang tịnh độ nghĩa là gì ? Thường, trái với vô thường, là còn mãi mãi . Chữ này dùng để chỉ Phật tánh tức Pháp thân Phật . Tịch là vắng lặng . Chữ này dùng để chỉ sự giác ngộ . Quang là sáng . Chữ này dùng để chỉ trí huệ bát-nhã (thật ra bát nhã là trí huệ, nhưng phải nhấn mạnh trí huệ bát nhã để khác biệt với trí huệ của người phàm). Vậy Thường Tịch Quang là ba chữ để chỉ Pháp thân, Giác ngộ và Trí Huệ . Đó là ba đức của cõi Cực lạc .

144 – Về sự tích của đức Thế Tôn, có những chi tiết cần phải kiểm lại . Nói về việc xuất gia của ngài, sách Phật học tinh hoa của HT Thiền Tâm, Viện Phật học Quốc tế xuất bản 1984,tr. 127 có trích dẫn kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, nói rằng thái tử Tất đạt Đa xuất gia năm 19 tuổi khi công nương Da-du-đà-la mới có thai . Đa số các tài liệu, kể cả lời của HT Thiền Tâm ngay trang đó, đều chép rằng ngài xuất gia năm 29 tuổi khi mới có con tên là La-hầu-la .

Suivant une bonne tradition, au moment où Gôtama quitta sa maison pour embrasser la vie religieuse, il était âge de vingt-neuf ans (H. Oldenberg, Le Bouddha, sa vie, sa doctrine, sa communaute, Librairie Felix Alcan, Paris, 1921, p. 106).

145 – Khuyển nho là thế nào ? (Khuyển nghĩa là chó) . Chữ này không dính líu gì đến đạo Khổng mà cũng chẳng liên can gì đến đạo Phật . Câu chuyện như thế này : vào thế kỷ thứ tư, thứ năm trước Tây lịch, tại Hy Lạp, có một phái Triết học gọi là Cyniques (Anh : Cynic School). Các đối thủ của phái này ghen ghét nên đặt tên như vậy (cynique : thuộc về chó, đê tiện, mặt dạn mày dày). Phái này do một môn đệ của Socrate (Anh : Socrates) là Antisthene (Anh : Antisthenes) lập ra, chủ trương sống hết sức sơ sài và chỉ chấp nhận cái thiện, bao nhiêu hình thức bỏ hết . Antisthene có một môn đệ rất nổi tiếng là Diogene, sống trong một cái thùng . Có lần ông cầm đèn giữa ban ngày, gặp ai cũng đưa đèn lên soi mặt, « để tìm xem có kẻ nào là người quân tử không ? » . Tục truyền rằng A-lịch-sơn đại đế (Pháp :Alexandre la Grand) đến thăm ông và hỏi rrawng`oong có muốn nhà vua giúp gì không ? Diogene trả lời : «Có, xin đứng tránh ra, đừng che mặt trời của tôi ». Một hôm, trông thấy một người nghèo xuống sông vực nước uống bằng hai bàn tay khum lại, Diogene nghĩ rằng cái bát của mình là dư nên đập bể bát luôn .

146 – Đạo Phật du nhập vào nơi nào thì uốn theo phong tục của nơi đó nhưng vẫn giữ nguyên tinh túy . Cũng có lúc, vào những thời « thụt lùi », có thể Phật giáo bị coi như một mớ giáo điều yếm thế và một số nghi thức mê tín dị đoan, ngay cả là « buôn thần bán thánh ». Vì thế trong lịch sử nước ta, đã có lúc các nhà sư « trốn việc quan đi ở chùa », bị chính quyền bắt đi thi, kém thì bắt hoàn tục !

Đối với nhiều người Việt chúng ta, thì đi chùa, tin Phật nhưng vẫn cho Trời là ở trên Phật « nhờ ơn Trời Phật .. », hay « nhờ ơn Trời Phật, Tổ tiên .. » Theo lối suy nghĩ và cảm xúc tự bao nhiêu ngàn năm nay, thì Trời là đấng Tạo Hóa, sinh ra tất cả, nhưng chúng ta quan niệm về Trời nhè nhẹ thôi, khỏi đặt vấn đề tranh cãi, đi sâu vào thần học làm chi . Còn phải kiếm sống trên mảnh đất hẹp, còn phải đề phòng quân Hán, quân Tống, quân Minh,quân Thanh và .. chứ ! TRời có thưởng, có phạt (ngã đau như Trời giáng, Trời ra tai, Trời đánh còn tránh miếng ăn ..) trong khi ấy, Phật là từ bi, cứu khổ, cứu nạn . Các nhà nghiên cứu nêu ra vấn đề : đạo Phật không công nhận có một đấng Tạo Hóa, thế mà người Việt mình vẫn nói Trời trong khi vẫn đi lễ Phật, mâu thuẫn nhỉ . Đạo Phật không công nhận có một linh hồn trường cửu và bất biến, thế mà ở nhà vẫn có bàn thờ, thờ cúng Tổ tiên ! Chúng mình vẫn sống như vậy cả mấy ngàn năm nay rồi, đâu có sao ! Ai nghiên cứu thì cứ việc . Tin lẽ nhân quả, nhiệp báo, làm lành tránh dữ, niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc quốc, thế là đầy đủ lắm với người « bình thường ». Tết đến, đi chùa, đến trước bàn thờ ngài Quán Âm xin xâm, van vái một cách thành kính và tự nhiên . Vào đền, trước khi lên đồng, cũng niệm « Nam mô A-Di-Đà Phật » ! Đức Phật có ở đó mà thấy vậy chắc cũng chỉ nhập định thôi . Tại sao ? Vạn sự giai không ! Khi thấm nhuần Phật pháp, sẽ hay . Làm lành tránh dữ, tin nhân quả và tái sinh, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thành kính với Tổ tiên, thế chẳng là đáng quý đáng phục lắm sao !

147 – Tôi cũng không hiểu cái lệ cài hoa lên áo nhân ngày lễ Vu Lan có từ bao giờ . Chắc chắn một điều là đó không phải là một phong tục cổ truyền của dân tộc ta . Một ông bạn tôi nói rằng : có một bài viết, gọi là Bông hồng cài áo, trong đó nói đến phong tục ấy ở bên Nhật Bản ; bài này văn hay và gây được mối xúc động khi nhớ đến cha mẹ . Có lẽ mấy em trong gia đình Phật tử lấy ý kiến ở đó, mà làm hoa để cài vào áo vào ngày Rằn thang ;bảy . Ai đươc, gài hoa cũng góp chút đỉnh vào thùng mà không nghĩ ngợi gì cả .

148 – Bích quán Bà-la-môn là tên để chỉ ngài Bồ-đề-đạt-ma khi ngài sang Trung quốc quay mặt nhìn vách trong nhiều năm . Bích quán nghĩa là nhìn vách, nhìn tường . Bà-la-môn là giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ, chuyên lo việc tế lễ . Đạo Bà-la-môn hiện hữu trước cả thời đức Phật . Gọi ngài là Bà-la-môn không đúng hẳn vì ngài là tổ thứ 28 của Phật giáo và là sơ tổ của Thiền tông, có lẽ thấy ngài là người Ấn nên người ta gọi như vậy . Nói « nhìn vách » thì ta hiểu là thiền định, không nên chấp vào nghĩa đen . Trong cuốn « Thiền luận », D.T. Suzuki đã giải thích, đại khái bích quán là thiền định vững như tường vách, không gì lay chuyển nổi, với một ý chí vững bền như sắt đá . Thiền sư là người dùng ý chí mãnh liệt nhất . Thiền là gì ? « Là nấu dầu trên lửa hực » như thiền sư đã nói .

TB . Về Thiền và các vấn đề liên quan đến tu Thiền và Thiền tông, tôi đề nghị đạo hữu liên lạc với làng Cây Phong ở Montreal .
(Còn tiếp)

-o0o-

LỄ VU LAN

BƯỚC VÀO CỬA PHÂT-Quyển 1-2010

Hoằng Hữu Nguyễ Văn Phú

Trong lịch ta, rằm tháng giêng là tiết Thượng Nguyên, rằm tháng bảy là tiết Trung Nguyên, rằm tháng mười là tiết Hạ Nguyên. Đối với Phật tử thì rằm tháng giêng là một ngày lễ quan trọng, vì thế mới có câu: Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng. Còn ngày rằm tháng bảy cũng là một ngày lễ quan trọng, đó là ngày lễ Vu-Lan. Rằm tháng mười không có lễ nào của đạo Phật nhưng lại là một ngày lễ lớn của dân Việt Nam ta, gọi là lễ cơm mới.

Vu-Lan do chữ Vu-Lan-Bồn nói ngắn. Chữ Phạn Ullambana phiên âm thật sát là ô-lam-bà-na, phiên âm gần đúng là vu-lan-bồn. Chữ ấy có nghĩa là cứu các vong linh ra khỏi nạn khổ.

Hôm nay, rằm tháng bảy, chúng ta tụng Kinh Vu-Lan, nhờ đó chúng ta biết nguồn gốc lễ Vu-Lan là do chuyện ngài Mục-Liên cứu mẹ. Ngài Mục-Liên là một đại đệ tử của đức Phật, là bậc thần thông đệ nhất. Ngài thấy mẹ bị đọa thành quỉ đói, khổ sở vô cùng, Ngài muốn cứu mẹ mà không nổi nên về cầu cứu đức Phật. Đức Phật dạy phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng, nhân ngày tán hạ tức là ngày rằm tháng bảy, thì mới đủ thần lực. Do đó, mẹ ngài được giải thoát. Phật dạy thêm : mỗi năm, đến ngày rằm tháng bảy, hãy kính thỉnh chư tăng lập đàn để cứu khổ cho tổ tiên cha mẹ bảy đời.

Nhờ tụng Kinh Báo Hiếu, chúng ta biết thêm rằng, rằm tháng bảy lại chính là ngày báo ân cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng. Trong Kinh Vu-Lan, chúng ta biết rằng: thỉnh được chư đại đức tăng ni là những vị Đều trì giới rất thanh rất tịnh, Đạo đức dày, chánh định chân tâm, thì Hiện tiền phụ mẫu của người Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn.

Tam đồ khổ luôn luôn ra khỏi, Cảnh thanh nhàn cũng lại tự nhiên.

Như còn cha mẹ hiện tiền,

Nhờ ơn cũng được bách niên thọ thời,

Như cha mẹ bảy đời quá vãng,

Sẽ hóa sanh nơi sáng, thiên cung…

Trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, đức Phật dạy ngài A-Nan rằng ơn cha nghĩa mẹ rất sâu dày : một là mang thai nặng nề khó nhọc, hai là sanh nở hiểm nguy đau đớn, ba là nuôi dạy vất vả cực khổ, bốn là dành phần ngọt bùi cho con, năm là nhường cho con nằm chỗ khô ráo, sáu là chăm sóc lo cho con no ấm dù bản thân chịu thiếu thốn, bảy là không nề hà ô uế miễn là con được sạch sẽ, tám là luôn luôn lo lắng về mọi mặt cho con, chín là hy sinh hết để cho con sung sướng, mười là chăm chút lo cho cuộc đời của con được thanh nhàn. Vì thế, bổn phận làm con có làm bao nhiêu cũng không thể trả nổi ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ được.

Vậy, rằm tháng bảy là ngày để Phật tử tỏ lòng hiếu kính, biết ơn cha mẹ và tổ tiên. Tại sao chúng ta thấy lễ Vu-Lan mang thêm ý nghĩa nữa là cúng cô hồn? Một tài liệu cho biết rằng đó là do truyện ngài A-Nan, thị giả của đức Phật, cung cấp đồ ăn cho các quỷ đói. Theo truyện ấy thì ngài A-Nan gặp một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu (có nghĩa là miệng phun lửa) xấu xí, gày gò, cổ rất nhỏ. Nó bảo ngài rằng ngài sắp chết nhưng nếu ngài cho tất cả lũ quỷ đói ăn uống no nê thì ngài sẽ thọ mạng lâu dài và chính quỷ ấy được lên trời. Ngài A-Nan về trình với đức Phật, đức Phật ban cho ngài A-Nan một thần chú, nhờ đó mà tất cả quỷ đói được no đủ và chúa quỷ cầm cờ do đức Phật ban cho để dẫn các cô hồn đã được xá tội, lên tịnh độ.

Trong bài Văn tế Thập loại chúng sinh, đại văn hào Nguyễn Du đã đề cập đến việc dựng đàn giải thoát cho mười loại chúng sinh đau khổ :

1/ Vua chúa bị giết.

2/ Quí nữ liều thân.

3/ Tể thần thất thế.

4/ Đại tướng bại trận.

5/ Ham giàu chết đường.

6/ Ham danh chết quán.

7/ Buôn bán chết xa.

8/ Binh lính chết trận.

9/ Kỳ nữ cô đơn.

10/ Chết do nghèo nàn tai họa. Kiếp phù sinh như bào, như ảnh, Có câu rằng vạn cảnh giai không. Ai ơi lấy Phật làm lòng, Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi …

Vào ngày này, các chùa còn tổ chức phóng sinh, tức là thả chim, thả cá cho chúng được tự do. Lại còn tổ chức thí thực cho bà con nghèo ăn một bữa no nê. Xưa kia, nước ta có tục thả thuyền giấy trên sông vào đêm rằm tháng bảy, thuyền cắm cờ, trên đó lại có các hình nhân, với ý nghĩa là những tướng và quân giương cờ của Phật, dẫn các cô hồn vượt qua bể khổ.

Phần cuối bài cúng cô hồn có mấy câu sau đây :

Cháo cơm dù có ít nhiều,

Ăn uống đều cùng thong thả.

Tụng chân ngôn, ít biến nên nhiều,

Niệm bí chú, không mà có cả.

Chẳng được cậy lớn mà tranh bé,

Nữa lại còn mắc chữ tham sân.

Đã quy y cải dữ làm lành,

Thì xá ở cho lòng hỷ xả.

Trước đã răn giải thoát một lời,

Sau lại bảo Tâm kinh bát nhã.

Tìm về đất Phật nghỉ ngơi,

Vâng hộ mọi người hỉ hả.

Phúc đẳng hà sa,

Khương lưu ròng rã. Cẩn cáo.

Nhớ lại khi còn ở trong nước, đồng bào chúng ta cúng tháng bảy rất lớn, không bắt buộc làm lễ đúng vào ngày rằm mà bất kỳ ngày nào trong tháng bảy, các tư gia và nhất là các xưởng máy, tiệm buôn, nhà hàng … không khi nào thiếu. Đối với các vị xuất gia thì mỗi năm khai hạ vào rằm tháng tư và tán hạ vào rằm tháng bảy. Mỗi khi xong một khóa hạ thì các ngài thêm một tuổi đạo, vì thế ngày rằm tháng bảy đối với các ngài là một ngày vui, gọi là hoan hỷ nhật. Chính vào ngày này, khi còn đang hội đông đủ tại đạo tràng, các ngài tuân theo lời Phật dạy, hợp lời chú nguyện để làm lễ Vu-Lan vì lợi ích của tất cả, người đã khuất và người còn hiện tiền.

Hôm nay, Phật tử chúng ta lên chùa lễ Phật, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ [Cửu huyền: đời mình + bốn đời trước mình + bốn đời sau mình. Thất tổ: kể từ ông nội của mình lên sáu đời nữa], cầu an cho phụ mẫu hiện tiền, … chúng ta có thể học được những điều gì?

Thứ nhất là chúng ta, và đặc biệt là các bạn trẻ, nên thực hành những bổn phận làm con và làm cháu của mình mỗi ngày mỗi chu đáo hơn; các bạn trẻ nên biết rằng không thiếu gì người lớn tuổi cho đến giờ phút này vẫn tha thiết nhớ cha nhớ mẹ, và thường ân hận rằng lúc cha mẹ còn sống, mình chưa hầu hạ chăm nom đến nơi đến chốn. Thứ nhì là luôn luôn nghĩ rằng chúng ta và toàn thể chúng sinh liên hệ chằng chịt với nhau, tất cả là một, một là tất cả, cho nên thực hành từ bi hỷ xả đối với chúng sinh cũng là thực hành từ bi hỷ xả đối với chính chúng ta. Nếu khung cảnh cõi ta bà này mà tốt hơn, đẹp hơn, thì tất cả đều cùng hưởng. Thứ ba là nên suy ngẫm về địa ngục. Nghe thì xa xôi quá, huyền bí quá nhưng sự thật thì hàng ngày chúng ta thấy bao nhiêu là cảnh địa ngục trên trái đất này, hoặc cảnh địa ngục xung quanh chúng ta, và có khi cảnh địa ngục ở ngay bên cạnh chúng ta nữa. Cái thứ địa ngục trần gian ấy không do ai bày ra cả mà lại do con người tạo ra, cũng có thể do chính chúng ta tạo ra không chừng! Suy xét cho cùng, mọi cảnh địa ngục ấy bắt nguồn từ cái tâm ác, từ tham sân si mà ra. Đạo Phật có mặt nơi đây để giúp chúng ta chiến thắng ba độc ấy, xóa cảnh địa ngục trần gian, tiến lên tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau. Chẳng khác gì bà Thanh Đề nhờ Phật pháp, tâm đã chuyển hóa mà thoát ra khỏi ác đạo. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất mà Phật tử chúng ta có thể học và hành.

Nhân ngày hoan hỷ hôm nay, toàn thể Phật tử kính mừng Hòa Thượng, chư Đại đức Tăng, Ni thêm một tuổi hạ và kính chúc quý ngài Phật đạo sớm viên thành. Kính chúc quý vị và quý đạo hữu tâm bồ đề kiên cố, chí tu học vững vàng, thân tâm thường an lạc. □

Hoẵng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Book 1 – Montreal 2010

( Đã đăng trong Mục : Phật hoc trên trang Web này – NN)
– See more at: http://www.saungon.net/tbl/?itemid=430#sthash.KbDrN9kB.dpuf

………………………………

Fwd: Tâm từ tâm – Bốn ngôi nhà
Greg Le to: me

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng

Bốn ngôi nhà
Tại sao tôi cảm thấy cô đơn và bất hạnh? Tại sao tôi sợ hãi và bất an? Theo giáo lý nhà Phật, có thể vì tôi đã thiếu ý thức và không chịu chăm sóc ngôi nhà của mình mỗi ngày. Giáo lý nhà Phật nói rằng nếu ngôi nhà của tôi đẹp đẽ, ấm cúng, nhiều năng lượng, chắc chắn tôi sẽ khỏe mạnh và có bình an, nhất định tôi hạnh phúc và mãn nguyện.

Ngôi nhà đầu tiên chính ngôi nhà tâm. Tôi biết cơ thể của tôi gồm hai phần là thân và tâm. Tôi vẫn chăm sóc thân tôi hàng ngày. Thân tôi được ăn, uống, ngủ, nghỉ; Tôi cho thân được mặc đẹp, được đeo đồ trang sức, rồi nước hoa, dầu thơm. Nhưng quả thật, đã quá nhiều khi tôi quên lửng mất tâm. Được học Phật pháp, tôi mới biết ra, mỗi khi giận dữ, tôi đều mang rác vào ngôi nhà tâm của mình. Những khi căng thẳng hay cô đơn, sợ hãi và lo lắng, tôi cũng đang làm bẩn ngôi nhà tâm của mình. Đến khi tôi biết ngồi xuống, nhắm mắt lại và nhẹ nhàng theo dõi hơi thở. Lúc ấy, tôi thở thật nhẹ nhàng. Tôi nhớ lại những lời hướng dẫn và mỉm cười thật tươi trong lúc thở. Khi thở vào, tôi biết rằng hơi thở đang chầm chậm vào sâu trong phổi. Khi thở ra, tôi biết mình đang thả thán khí vào trời đất. Vậy mà chỉ trong vài phút, tôi đã thấy tâm mình thanh thản. Tôi đang chăm sóc cho ngôi nhà tâm của mình. Tôi ngăn rác, và không làm vấy bẩn thêm. Tôi đã nhớ đến ngôi nhà tâm của tôi, và bắt đầu biết chăm sóc tâm như vẫn chăm sóc thân.

Mọi người đều có thể chăm sóc ngôi nhà tâm của mình bằng cách sống thư giãn. Hãy tập sống với khoan dung và độ lượng. Hãy tập nhận biết, thông cảm, và chia sẻ. Hãy mỉm cười mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi gặp khó khăn và bất trắc. Bạn có biết rằng ai là người giàu nhất không? Đó là người có tâm, sống có tâm. Còn người nghèo nhất là ai sống không có tâm, thiếu đi cái tâm.

Ngôi nhà thứ hai là ngôi nhà huyết thống. Đó là quan hệ của ta với cha mẹ ông bà, với con cái cháu chắt, với họ hàng nội ngoại, với tổ tiên nhiều đời. Chúng ta cần nhớ đến tổ tiên và các thế hệ. Chúng ta cần thương yêu và chăm sóc các thành viên trong nhà. Mỗi thành viên của gia đình mình là những người gần gũi nhất của ta. Và nếu như bạn không yêu thương những người trong ngôi nhà huyết thống của mình thì đó thật sự là một thảm họa!

Trong ngôi nhà huyết thống, những người gần gũi với mình là quan trọng nhất: vợ, chồng, con cái, cha mẹ. Tuy nhiên những mối quan hệ xa hơn cũng là những rễ cây quan trọng giúp cho cây gia đình huyết thống của ta thêm bền vững. Nếu không có nhiều thời gian, mỗi ngày bạn hãy dành ít phút nghĩ đến họ với những tình cảm yêu thương và trìu mến nhất. Nếu có thể bạn nên gửi nhắn tin hay viết thư, gọi điện thoại hay đến thăm những thành viên trong ngôi nhà huyết thống của mình. Khi bạn cho đi tình cảm và sự yêu thương, bạn đang nhận được rất nhiều và lâu dài đấy.

Ngôi nhà thứ ba là ngôi nhà đồng nghiệp. Hầu như mỗi người đều ở bên cạnh đồng nghiệp của mình nhiều hơn cả thời gian ở với vợ chồng con cái hay bố mẹ. Ít nhất, người ta có mặt ở cơ quan đến tám giờ đồng hồ; thường là nhiều hơn. Từ sáng sớm đến tận tối. Có khi đêm khuya mới về đến nhà. Thời gian bạn ở bên người thân thực sự là mấy tiếng? Bởi bạn đã mất tám giờ để ngủ rồi mà.

Hãy yêu thương các đồng nghiệp của mình. Người đau khổ nhất là những người phải làm việc với những đồng nghiệp mà mình không ưa. Và khi mình không ưa các đồng nghiệp, chính mình là người chịu thiệt thòi đầu tiên và lớn nhất. Tôi thấy thương cho những ai luôn nghĩ rằng mình chỉ là người đi làm thuê. Khi đó họ làm việc không hiệu quả, và khó thấy mình hạnh phúc. Tôi luôn nghĩ, người làm thuê lớn nhất ở cơ quan chính là ông sếp. Đó là người vất vả nhất, lo nhiều nhất, phục vụ nhiều nhất.

Đáng tiếc là có không ít người lấy thời gian của cơ quan để làm việc riêng. Cái lãng phí lớn nhất là lãng phí thời gian. Kẻ cắp đáng phê phán nhất là kẻ lấy cắp thời gian. Và bạn có là kẻ cắp không? Bạn có thật sự đang góp phần xây dựng ngôi nhà đồng nghiệp, ngôi nhà cơ quan của mình không?

Ngôi nhà thứ tư là ngôi nhà tâm linh. Dù bạn theo tôn giáo nào, bạn đang may mắn có ngôi nhà thứ tư của mình. Đây là chỗ dựa tinh thần rất tốt. Khi thất vọng hay chán nản, khi buồn bực hay gặp những chuyện không may, ngôi nhà tâm linh luôn chở che bạn. Nếu bạn không theo tôn giáo nào, lúc gặp điều không như ý, cuối cùng bạn cũng kêu lên “Trời ơi!” và bạn thấy nhẹ nhàng hơn. Như vậy, dù bạn không theo tôn giáo nào, khi bạn ốm đau hay bị tai nạn, khi bạn bất lực hay cô đơn, ngôi nhà tâm linh vẫn luôn hiển hiện bên bạn. Bạn chỉ việc chui vào để hưởng cái ấm áp của mùa đông, cái mát mẻ của mùa hè.
Nhiều người có thói quen dọn nhà của mình và vứt rác ra xung quanh. Nhưng, nếu quanh ngôi nhà của mình chỉ toàn nhiễm ô và rác rưởi thì ta có sống hạnh phúc và bình an, có được sự thảnh thơi và sung sướng không? Hẳn là không bao giờ. Bởi còn sống tức ta còn phải thở. Mà thở bằng không khí trong sạch của bầu trời, từ xung quanh quanh bạn.

Chúng ta không chỉ tập chăm sóc bốn ngôi nhà của mình mà cần chăm sóc con đường vào ngôi nhà. Cần trồng hoa và cây trái quanh những ngôi nhà ấy. Nếu chúng ta biết và có thói quen chăm sóc những gì không phải của mình thì những gì của mình mới thành tuyệt diệu, và cuộc sống của ta mới thực sự viên mãn.

Theo kinh nghiệm của tôi, những ai chăm sóc tốt bốn ngôi nhà của mình luôn thì mãi có bình an và hạnh phúc. Những ai biết vì cái chung, vì cộng đồng thì luôn được yêu quý và tôn trọng, luôn vững chãi và thảnh thơi.

Theo: Văn hóa Phật giáo

Nguồn: vanhoaphatgiaoblog.com

……………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics