23/08: 1.Vu Lan và tuổi trẻ(RFA)-2.”Mẹ không cần hoa hồng”-3.Bài học từ người quét rác(Nguyễn Mạnh Hùng)-4. Chìa khóa hạnh phúc-
Category: Như là Ngụ ngôn .. Những nụ cười ..
Posted by: Tbl Đọc: 3557 lần
Vu Lan và tuổi trẻ
Nguồn:RFA-Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam – 2013-08-21
Chùa chuẩn bị mùa Lễ báo hiếu – Lễ Vu Lan-RFA
Với người Việt Nam nói riêng và những Phật tử khắp thế giới nói chung, đại lễ Vu Lan Bồn – Tự Tứ Tăng vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm là một đại lễ có ý nghĩa về lòng hiếu đạo và kết luận công phu tu…
… tập của các tăng sĩ.
Nhưng, trong xã hội Việt Nam hiện tại, vấn đề chữ Hiếu và công phu tu tập của tăng sĩ đã có nhiều thay đổi, điều này làm cho quan niệm về đạo và đời cũng bị bóp méo, thiên lệch, đôi khi thực dụng và kệch cỡm trong mắt giới trung niên và thanh niên.
Một Phật tử tên Lê Quang, hiện sống tại Ninh Bình, chia sẻ với chúng tôi: “Thật ra thì cái Tết Vu Lan thì mang ý nghĩa dân tộc chứ không phải bình thường. Theo cách nhìn nhận của người đứng tuổi như hiện nay thì đây là cái trách nhiệm, ví dụ như hiếu nghĩa ngoài đời, với cha với mẹ, cũng tùy…
Cái cách làm ăn hiện nay thì cái lễ làm như gần đến mức công nghệ rồi. Một số người thì trách nhiệm họ gửi cha gửi mẹ vô trong chùa để có chỗ thờ cúng. Khi mà người ta về với cõi vô hình thì con cháu đến ngày lễ Vu Lan, tức là ngày lễ báo hiếu, người ta đổ về người ta làm những việc báo hiếu cha mẹ.
Nhưng trong cung cách bữa nay với thời buổi hiện nay có nhiều cái nó… Hầu như trong Phật đường cũng bị thị trường hóa mất rồi. Thành ra làm cho những người có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này họ nhìn thấy nhiều cái không được.”
Ngày Lễ Báo hiếu cha mẹ. (Phatgiao.org)
Niềm tin bị xói mòn
Cái cách làm ăn hiện nay thì cái lễ làm như gần đến mức công nghệ rồi. Một số người thì trách nhiệm họ gửi cha gửi mẹ vô trong chùa để có chỗ thờ cúng.
Cũng xin nói thêm, ý nghĩa của đại lễ Vu lan Bồn – Tự Tứ tăng có tính xuyên suốt lịch sử Phật Giáo, liên quan đến buổi Tự Tứ Tăng, nghĩa là các tăng sĩ tự vấn, kể về công phu tu tập của mình sau ba tháng An Cư Kiết Hạ từ Rằm tháng Tư cho đến Rằm tháng Bảy. Và các gia đình Phật Tử dựa vào công phu tu tập cùng năng lượng yêu thương của chư tăng để cầu nguyện, cứu độ các bậc sinh thành đang ở cõi âm được siêu thăng tịnh độ.
Sở dĩ có ba tháng An Cư Kiết Hạ là vì theo quan niệm Phật Giáo, từ giữa tháng Tư âm lịch, vạn vật bắt đầu sinh sôi, nảy nở cho đến Rằm tháng Bảy. Trong ba tháng này, chư tăng hạn chế đi lại dẫm lên các côn trùng, sinh vật bằng cách an cư, ngồi thiền và trì chú cầu nguyện chúng sanh được bình an trong suốt thời gian an cư.
Đến Rằm tháng Bảy, các tăng sĩ xả thiền, ra khỏi cốc và ngồi lại với nhau để tự vấn về công phu tu tập mà mình đã đã được sau ba tháng. Tích xưa kể rằng, sau gần ba tháng tu tập, đức Mục Kiền Liên thiền định và quán chiếu sáu cõi, thấy mẹ mình bị đọa ở địa ngục nhưng không làm sao cứu được, ngài kể lại với Đức Như Lai, nghe học trò kể, Đức Như Lai khuyên các đệ tử hãy cùng nhau hợp lực giải nghiệp, cứu vớt và giúp mẹ của ngài Mục Kiền Liên được giải thoát. Cũng từ đó, truyền thống Phật Giáo luôn kết hợp ngày Báo Hiếu trùng với ngày Tự Tứ Tăng.
Rất tiếc, trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vấn đề tu tập của phần đông các tăng sĩ không còn giữ được nếp nguyên thủy, từ giữa tháng Tư đến Rằm tháng Bảy vẫn thấy xuất hiện khá nhiều các sư chạy xe ngoài đường, thậm chí có sư còn hút thuốc lá, vứt tàn lung tung. Điều này làm tổn hại đến hình ảnh và công phu tu tập của giới tăng sĩ nhà Phật một cách trầm trọng, khiến cho niềm tin của Phật Tử dành cho chư tăng bị giảm đáng kể.
Ba tháng An Cư Kiết Hạ…từ giữa tháng Tư âm lịch, vạn vật bắt đầu sinh sôi, nảy nở cho đến Rằm tháng Bảy. Trong ba tháng này, chư tăng hạn chế đi lại dẫm lên các côn trùng, sinh vật bằng cách an cư, ngồi thiền và trì chú cầu nguyện chúng sanh được bình an trong suốt thời gian an cư
Và trong cơ chế kinh tế thị trường, vấn đề về chữ Hiếu cũng bị phai nhạt và đánh tráo một cách tội lỗi. Nếu như trước đây, nguyên ủy tinh thần Phật Giáo là vô phân biệt, vộ sai biệt, không cần phân biệt giàu nghèo, chữ Hiếu được chưng cất, chắc lọc từ tấm lòng hiếu đạo của con cái dâng lên bậc sinh thành, thì thời bây giờ, chữ Hiếu được định giá bằng tiền của, vật chất và cả sự xa hoa.
Con cháu chuẩn bị ngày Lễ Vu Lan tại nhà. RFA
Ông Lê Quang nói tiếp: “Xưa cái lễ Vu Lan này lớn lắm chứ. Theo những cái chùa lớn họ làm lễ lớn lắm! Trong buổi mưa râm râm, tháng 7, người ta cúng rước vong với thu tế, họ làm luôn cái việc đó. Nhưng bây giờ thấy họ ít làm việc này. Một phần vì cuộc sống một phần vì thị trường hóa quá nên người ta không còn cảm giác tin quá nhiều vấn đề đó nữa. Người ta mặc cảm, chính xác là mặc cảm. Nó không còn cái đức tin sâu sắc như xưa nữa.”
Chữ Hiếu bị bóp méo
Theo như lời nhận định của Đại đức Thích Giác Nhương, thuộc hệ phái Khất Sĩ thì tình hình tu tập của tăng sĩ Phật Giáo hiện nay có nhiều thay đổi đáng kể, nếu như trước đây, chư tăng đặt nặng chuyện tu tập, không cần quan tâm những hệ thống cơ sở vật chất kèm theo như cơ ngơi chùa chiền, tịnh xá… Thì bây giờ, vấn đề tu luyện cho tâm linh được chứng ngộ Phật Pháp bị giảm thiểu, thời gian an cư của phần đông tăng sĩ lại dành cho việc đi cúng kính ở các gia đình, nhận tiền cúng dường và ba tháng An Cư cũng không còn được coi trọng, các ni, sư vẫn xuất hiện khắp các nẻo đường để làm việc riêng của mình.
Cũng theo vị Đại Đức này nhận xét, chữ Hiếu bây giờ gần như hoàn toàn mất đi ý nghĩa của nó. Nhiều gia đình bỏ bê cha mẹ ở nhà cô đơn, buồn tủi, thậm chí đói khổ nhưng vẫn rất nhiệt tình trong ngày lễ Báo Hiếu ở chùa. Đó là phía những Phật tử, về phía các tăng sĩ, phần đông họ bị chi phối bởi tiền bạc. Nghĩa là cùng là Phật tử như nhau, nhưng nếu người giàu có, đi xe hơi sang trọng, đến cúng dường số tiền hàng chục triệu, trăm triệu đồng thì cha mẹ của họ được chăm sóc rất kĩ cho phần cầu siêu, làm bài vị. Còn những Phật tử nghèo, đến cúng dường số tiền nhỏ lẻ, họ vẫn được tiếp đón nhưng cách tiếp đón không mặn nồng, thiếu ấm áp, thậm chí việc cầu siêu mang tính chất qua loa, lấy lệ.
Chữ Hiếu bây giờ gần như hoàn toàn mất đi ý nghĩa của nó. Nhiều gia đình bỏ bê cha mẹ ở nhà cô đơn, buồn tủi, thậm chí đói khổ nhưng vẫn rất nhiệt tình trong ngày lễ Báo Hiếu ở chùa. Đó là phía những Phật tử, về phía các tăng sĩ, phần đông họ bị chi phối bởi tiền bạc
Đó là chưa nói đến phần đông các trụ trì ở các chùa bây giờ rất quan tâm đến tiền cúng dường của Phật Tử, vì theo tỉ lệ ăn chia giữa trụ trì và ban trị sự nhà chùa thì vị trụ trì được hưởng từ 25% đến 45% tiền cúng dường để sử dụng cho việc cá nhân. Và số tiền này không nhỏ, chính vì vậy, nó vô hình trung lôi kéo tâm thế từ chỗ tu luyện sang hưởng lạc. Đây là một thực tế của phần đông các trụ trì ở các chùa thuộc giáo hội Phật Giáo nhà nước trong hiện tại. Đại Đức Thích Giác Nhương chia sẻ rằng ông rất lo lắng về hiện trạng này, nó sẽ đẩy xã hội nói chung và Phật Giáo nói riêng đến chỗ bế tắc, thực dụng và không còn thiêng liêng nữa.
Một ngày nữa thôi, đại lễ Vu Lan Bồn – Tự Tứ Tăng sẽ diễn ra trên khắp đất nước. Và trong thời gian này, dường như tâm trạng của mỗi người con nhà Phật đều dành một món quà nào đó thiêng liêng, vượt ngoài giá trị vật chất để dâng lên bậc sinh thành. Nhưng, cũng trong tình hình chung này, có lắm điều trắc ẩn, khó nói và đôi khi bi thảm khôn nguôi. Âu đó cũng là nghiệp duyên chung có tính vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
……………………………………………………………..
“Mẹ không cần hoa hồng”
Trong khi nhiều đấng sinh thành, đặc biệt là những bà mẹ tại Việt Nam đang hạnh phúc vì thấy con mình cài một hoa hồng đỏ trên ngực trong mùa Vu Lan báo hiếu, thì có những người mẹ từ chối một đóa hoa hồng.
Nguồn:Quỳnh Chi, phóng viên RFA – 2012-09-04
Cài hoa hồng trắng cho những người không còn mẹ và hoa hồng đỏ cho những người còn mẹ trong Ngày lễ Vu Lan. AFT photo
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí
Tiếng chuông chùa ngày rằm tháng Bảy vang lên như báo hiệu “mùa hiếu hạnh”. Trong dòng người chen nhau tấp nập, một cụ già 65 tuổi móm mém chen chân tại một ngôi chùa nhỏ ở Cần Thơ, nơi bà đang tạm trú. Đó là bà Nguyễn Thị Bé.
Vào những ngày này, Phật tử và dân chúng cài hoa hồng đỏ hoặc trắng trên ngực, nô nức kéo nhau cầu phước cho cha mẹ. Ánh mắt khắc khổ đượm chút u sầu của bà Bé như nói cho người ta biết rằng có lẽ bà cũng ước ao được có người cài một cành hoa hồng đỏ thắm; tuy nhiên, sự khao đó đã bị dập tắt vì một nỗi lo khác:
Bông hồng thì cũng quan trọng nhưng mà hồi con chưa phát bệnh thì còn nghĩ đến chuyện đó chứ bây giờ tôi không dám nghĩ đến nữa. Hoàn cảnh gia đình em hẹp lắm. Khó khăn lắm.
Ai cũng bị sức hấp dẫn của một đóa hồng mê hoặc, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức nó. Bà Bé hòa cùng dòng người nhộn nhịp không phải để dâng lời cầu nguyện, cũng chẳng mong được nhận một đóa hồng đỏ mà để tìm cho mình những món quà từ thiện trong các ngày Rằm lớn.
Bà Bé có tất cả 6 người con, tất cả đều đã trưởng thành, trong đó 3 người con lớn đã lập gia đình. Tuy nhiên, sự bần cùng đã không trang bị cho họ một kiến thức cơ bản để có thể trở thành công nhân và họ đành chấp nhận kiếp làm thuê, cuốc mẫm. Còn ba người con khác cũng không thể đỡ đần cho đôi vợ chồng ở tuổi xế chiều. Bà Bé không hiểu hết câu chuyện của Mục Kiều Liên và mẹ để biết về sự tích lễ Vu Lan, nhưng bà chỉ biết rằng đối với người mẹ quê như bà thì một năm 365 ngày đều là những ngày như nhau. Đó là những ngày bà phải lo lắng cho những đứa con nghèo khổ:
Lúc nào tôi cũng thấy mình khổ cực, chứ không được sung sướng, rảnh rang như người khác. Tai họa ở đâu cứ dồn dập hoài.
Từ năm 2008, người con thứ 6 của vợ chồng bà Bé được bác sĩ cho biết bị chứng suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần mỗi tuần để kéo dài sự sống. Từ đó, tất cả những gì hai vợ chồng già tích góp được lần lần đội nón ra đi, từ cái TV cho đến chiếc xe cũ.
Đầu năm ngoái, một người con khác của bà bị tai nạn giao thông nên chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật đến 82%. Cả hai người con bệnh cho đến giờ vẫn chưa phục hồi sức lao động. Từ đó bà Bé và chồng như quỵ ngã. Quê ở tỉnh Sóc Trăng nhưng mấy năm gần đây, bà Bé phải khăn gói lên Cần Thơ ở nhà trọ cùng con để trị bệnh cho họ. Cả gia đình chỉ trông chờ vào một mảnh vườn trái cây nhỏ cùng số tiền lương ít ỏi của người con út thì việc điều trị cho hai người con cùng lúc là quá khó khăn.
Buồn rầu lo sợ lắm, lo là nếu không lo tiền được thì sự sống như thế nào. Từ lúc hai đứa bị bệnh thì cũng một tay tôi nuôi chứ ai. Không có thì cũng phải đi hỏi người ta, chứ không lẽ lại buông xuôi”.Bà bé ốm nhăn nheo, người gầy gộc, cứ tưởng sau lớp da đồi mồi khét nắng kia không có gì ngoài bộ xương khô. Đó có lẽ là hậu quả của những ngày gánh gồng đàn con bệnh tật. Vợ chồng bà có một mảnh vườn nhỏ, trồng được vài chục gốc nhãn. Nhưng với sức vóc của người chồng trên 70 tuổi của bà Bé chỉ có thể giúp ông thu được hơn một triệu mỗi năm từ mảnh vườn .Khi có tiền là nhờ bán được chút gì trồng ngoài vườn hoặc là thằng út có chuyện làm. Còn khi không có những điều đó là không có tiền.Như đã bị dồn vào đường cùng, từ mấy năm nay, bà Bé nuôi con bằng cách vay mượn và nhờ người khác giúp đỡ. Một buổi sáng tháng 4 vừa qua, khi không còn cách nào khác để có tiền chạy thận cho con ngày hôm đó, từ sáng sớm bà Bé ngồi chờ tại văn phòng Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ để kêu cứu.
Hình ảnh bà già đen đủi, với chiếc nón lá cũ tất tả chạy đi xin từng kg gạo khiến bà Bé chẳng khác nào cánh cò gầy nhom đang lặn hụp dưới ao kiếm từng con cá cho con của mình. Anh Giảng Hoàng Đây, con trai út bà Bé, người duy nhất làm ra tiền trong nhà với nghề phụ bán trái cây, cũng không khỏi đau xót khi nghĩ về mẹ mình:
Buồn thì cũng buồn nhưng lúc này em cũng eo hẹp. Cha mẹ sinh mình ra, nuôi mình cực khổ mà không lo được cho cha mẹ thì cũng buồn lắm.
Ước mơ của người con
Lựa chọn hoa hồng thích hợp trong Ngày Lễ Vu Lan. Photo courtesy of dantri
Anh Đây nói rằng mẹ anh là một người đàn bà kém may mắn vì quá lo cho chồng con. Thậm chí, nếu có một điều ước, anh nghĩ rằng có lẽ mẹ anh sẽ dành điều ước đó cho con, hơn là dành phần cho mình mặc dù bà đã đến tuổi sắp gần đất xa trời. Đối với Đây, anh chưa bao giờ mình thấy mẹ dám mua một bữa ăn ngon hay gắp một miếng cá tươi trên mâm cơm. Hình ảnh mà anh nhớ nhất về mẹ là một bà già còng lưng tay run rẩy cầm chén cơm trắng với miếng cá khô. Chính vì thế, anh đã từng ước rằng trong ngày lễ Vu Lan, anh sẽ cho mẹ ăn một bữa ngon:
Người ta có tiền thì mua sắm này nọ cho mẹ, nhưng mình không có thì chỉ nấu một bữa ăn hoặc mua một món nào đó cho mẹ. Quan trọng là tấm lòng. Mẹ ăn cực khổ lắm, tiền để dành lo cho hai anh hết rồi, đâu có tiền mà ăn ngon như người ta…
Tuy nhiên, bữa ăn đó chỉ diễn ra trong mong ước của chàng trai hiếu thảo và bà mẹ già luôn ước “một bữa no”. Thực tế, trong ngày Lễ Vu Lan, bà Bé chẳng thiết tha gì đến việc con cái sẽ làm gì cho bà. Trái lại, bà vẫn làm cái công việc hằng ngày của mình là kiếm đủ 160 ngàn đồng cho con chạy thận vào hôm sau. Mỗi khi vào dịp Rằm Âm lịch, bà lại len lỏi tại các nơi từ thiện với hy vọng có được chút gạo, chút muối. Nhưng ăn uống thì bà còn kham khổ được, chứ còn chạy thận cho con thì bà không biết thêm bớt như thế nào. Một tuần của bà trôi qua không bằng thời gian của 7 ngày mà bằng 3 ngày chạy thận cho con.
Chính vì thế mà trong đêm Rằm tháng Bảy, người mẹ này vẫn tự trách mình:
Nhiều khi mình thấy không có khả năng lo cho con đầy đủ nên cũng hơi buồn chỗ đó.
Có lẽ cho đến lúc mắt đã hết nhìn thấy được, chân không bước nổi nữa và tay cũng không còn đủ sức nâng bước con, bà Bé cũng sẽ không ngừng lo cho con của mình. Đó là hình ảnh của sự hy sinh, chịu thương chịu khó của tất cả những ai từng mang nặng đẻ đau. Những người con của bà Bé quá nghèo để có thể nghĩ đến điều gì khác ngoài mang đến cho bà “một bữa no” và cả đời bà cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến điều gì hơn như thế.
Nhưng biết đâu rồi sẽ đến những mùa Vu Lan mà bà Bé được tưởng nhớ bằng một đóa hoa hồng đỏ thắm trên ngực áo; để bà còn được nghe câu cầu nguyện “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Mời quý vị đóng góp ý kiến về chương trình cũng như các bài viết của Quỳnh Chi tại Quynhchi@rfa.org; hoặc quý thính giả cũng có thể kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.
……………………………………………
Nguồn:VN Express – Thứ sáu, 4/12/2009
Bài học từ người quét rác
“Nếu không gặp được Allen – người quét rác 10 năm về trước có lẽ giờ này, tôi đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền”, Giám đốc Thái Hà Books – Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ quan điểm sống của mình.
Giám đốc Thái Hà Books – Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phụng Hà.
Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình – học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình – thầy Allen.
Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain – Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi. Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất “Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội”.
Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng. Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cám ơn anh. Thế còn anh?) Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.
Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Ta thật là ngu dốt”. Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho họ. Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.
Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là sinh viên. Mà thậm chí anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.
Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.
Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát hiện ra Allen – người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh. Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách, cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.
Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).
Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 hòn. Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.
Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ. Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.
Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước mình.
Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi cũng chỉ có quãng 3.000 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần. Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm thầy.
Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm. Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa. Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ mệnh “sẻ chia” của mình từ ngày đó.
Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” – đáp đền tiếp nối. Cũng từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương.
Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi – Allen.
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thái Hà Books
……………………………………………………………………..
Fw: Chìa khóa hạnh phúc.
An Truong to:…,me
Chìa khóa hạnh phúc.
***
“Một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui hạnh phúc của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui”.
– The Key to Happiness- ” Key to Happiness ”
Phóng viên nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời “Cám ơn!” nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền, một tiếng cũng không thèm mở miệng.
Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi:
– Ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không?
– Cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả – Người bạn đáp lại.
– Như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ? – Sydney Harries lại hỏi tiếp
– Tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ? – Người bạn trả lời.
Một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có “Chiếc chìa khóa của niềm vui hạnh phúc”, nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác cầm giữ.
– Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: “Tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!”, cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.
– Một người mẹ khác thì nói: “Con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!”, bà đã trao chìa khóa niềm vui của mình vào tay con trai.
– Một vị trung niên của một công ty thở dài nói: “Công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút…!”, anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ.
– Bà cụ kia than thở: “Con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!”.
– Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên: “Thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét…”.
Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác chế ngự tình cảm của mình. Lúc chúng ta cho phép người khác điều khiển và chế ngự tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, đối với tình huống hiện tại không có phương pháp nào khác nên trách móc và căm giận, việc này trở thành sự lựa chọn duy nhất của chúng ta.
Chúng ta bắt đầu trách móc người khác đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là: “Tôi khổ như vậy là do người khác và họ phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ này!”. Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui.
Chúng ta dường như thừa nhận mình không có khả năng tự chủ lấy mình, mà chỉ có thể nhờ người nào đó xếp đặt và chi phối mình. Những người như vậy khiến nhiều người không muốn tiếp xúc, gần gũi, lý do đơn giản là bởi khi nhìn thấy họ ta chỉ thấy toàn sự trách móc, giận hờn.
Nhưng, một người biết nắm chắc chiếc chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Tinh thần người đó ổn định, biết chịu trách nhiệm về chính mình không đổ lỗi cho người khác; biết làm chủ xúc cảm và biết tạo, cũng như giữ được niềm vui cho chính mình. Như thế thì trong cuộc sống và công việc hằng ngày, người đó sẽ luôn thảnh thơi, vui vẻ và không bị áp lực từ người khác.
Chiếc chìa khóa niềm vui của bạn ở đâu rồi? Đang nằm trong tay người khác phải không? Hãy nhanh lên mà lấy lại bạn nhé!
Chúc mọi người đều giữ được chiếc chìa khóa niềm vui hạnh phúc của mình!
Haley
(Dịch từ Life-goal)
…………………………………….