23/09: Book 3_14.Nam Tông và Bắc Tông (tiếp theo và hết)

23/09: Book 3_14.Nam Tông và Bắc Tông (tiếp theo và hết)
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 7411 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 3

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bại14.Nam Tông và Bắc Tông (tiếp theo và hết)

Bài đọc thêm:
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHẬT GIÁO
Trước tiên, chúng ta sẽ trình bày sơ lược về lịch sử Phật giáo để có được một cái nhìn tổng quát về Phật giáo cổ đại. Mục đích tối hậu của chúng ta là đào sâu giáo lý uyên nguyên để tìm lại Chánh Pháp, để tìm ra sự…

… thật, để thấy cái thực.
Từ khi Phật thành đạo, thuyết pháp, giảng kinh cho đến khi Ngài Niết-bàn, tạm gọi là thời kỳ nguyên thủy I. Thuở ấy giáo pháp được nói từ kim khẩu của Đức Thế Tôn, mà bao giờ cũng nói thẳng, chỉ thẳng, nói bằng một ngôn ngữ đại chúng, phổ biến, giản dị, ai cũng có thể thấy để thực tri, thực hành và thực chứng. Có thể nói giai đoạn này là giọt nước tinh nguyên đầu nguồn của giáo pháp.
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn kéo dài trên 200 năm, với 3 lần kết tập Tam tạng(1) giáo pháp vẫn còn giữ được tính chất nguyên thủy của đạo Phật, mặc dầu bấy giờ đã bắt đầu manh nha một vài kiến giải sai biệt, nên tạm coi đây là thời kỳ nguyên thủy II, tức là một đạo Phật vẫn còn nguyên thủy do các bậc Trưởng lão Thánh Tăng trùng tuyên.
Rồi sau đó là thời kỳ phân phái. Các tông phái đua nhau xuất hiện cùng với những luận điểm sai khác về giáo lý Đức Phật. Phật giáo sử có ghi lại tên tuổi của những học phái này, con số lên đếùn 18 hoặc 25. Đó là khái niệm về một thời kỳ vườn hoa đua nở hay là thời kỳ của tư tưởng tràn bờ.
Trong thời kỳ phân phái này có thể ghi nhận 3 khuynh hướng:
• Khuynh hướng duy trì giáo lý nguyên thủy của Đức Phật do các vị trưởng lão chủ trương, nên đã trở thành Trưởng Lão Bộ (Theravàda).
• Khuynh hướng triển khai một số điểm giáo lý và giới luật của Đức Phật, và vì có nhiều khuynh hướng luận giải bất đồng nên đã hình thành nhiều bộ phái khác nhau như: Nhất Thiết Hữu Bộ (Sabbatthivàda), Tuyết Sơn Bộ (Hemavatika), Pháp Tạng Bộ (Dhammaguttika). Về sau Nhất Thiết Hữu Bộ lại chia ra thành Ca Diếp Bộ hay Quan Ấm Bộ (Kasapika), Thuyết Chuyển Bộ (Sankantika), Kinh Lượng Bộ (Suttavàda), v.v…
• Khuynh hướng triển khai giáo điển một cách rộng rãi hơn, khơi mào cho tư tưởng Đại Thừa sau này, như Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), Độc Tử Bộ (Vajjiputtaka), Nhất Thuyết Bộ (Ekabbohàrika), Kê Dận Bộ (Gokulika), Pháp Thượng Bộ (Dhammuttarika), Hiền Trụ Bộ (Bhaddayanika), Một Lâm Sơn Bộ (Channagarika), Chánh Lượng Bộ (Sammitiya), Chế Đa Sơn Bộ (Panõnõattivàda), Đa Văn Bộ (Bahulika), Thuyết Giả Bộ (Cetiyavàda), v.v…
Khuynh hướng đầu, do Trưởng Lão Bộ chủ trương, có thể xem là thời kỳ nguyên thủy III.
Sau này khi tư tưởng Đại Thừa được thiết lập thì người ta gọi khuynh hướng thứ hai và thứ ba là Tiểu Thừa.
Còn thời chúng ta thì có người còn tệ hơn nữa đã đồng hóa Nguyên Thủy với Tiểu Thừa.
Đến đây thì giọt nước đầu nguồn – tức là tính chất nguyên thủy của giáo pháp – đã lang thang qua rất nhiều sông cái, sông con, ao hồ, khe rãnh … mất rồi! Một đạo Phật như thật – thật tu, thật chứng – đã biến thành một loại triết học, triết lý cao siêu để lý luận rao bán như một món hàng tinh thần thượng đẳng!
Thời kỳ này kéo dài đến hơn 600 năm sau Phật Niết-bàn, rồi lần lượt ra đời các vị luận sư uyên bác. Đầu tiên là Ngài Mã Minh, tiếp theo là Ngài Long Thọ, sau đó nữa là các Ngài Vô Trước và Thế Thân. Họ đã cùng nhau xiển dương giáo lý Đại Thừa, nên thời kỳ này cũng gọi là thời kỳ Đại Thừa. Thời kỳ Đại Thừa kéo dài từ 600 đến 1.000 sau Phật Niết-bàn. Công việc của các vị luận sư Đại Thừa là sau khi tiếp thu có phê phán tất cả tư tưởng giáo lý Tiểu Thừa của tất cả học phái đương thời, họ rạch ròi cái đúng cái sai, viết lại giáo pháp trong những bộ luận của mình, như Ngài Mã Minh thì có bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận. Ngài Long Thọ thì có Du Già Sư Địa Luận và Trung Quán Luận, v.v… Tuy nhiên luận giải của các Ngài dù chặt chẽ đến đâu cũng không tránh khỏi đưa đến trình trạng mâu thuẫn giữa các luận phái với nhau. Nên khoảng 1.000 năm sau Phật Niết-bàn, Đại Thừa lại phân phái! Sách vở còn ghi lại hàng chục phái Đại Thừa khác nhau ra đời, về sau được gọi là thập đại môn phái. Ví dụ: Mật Tông (hay Du Già Tông, còn gọi là Kim Cang Thừa), Không Tông, Pháp Tướng Tông, Tịnh Độ Tông, v.v… Như vậy là, lại một lần nữa ngàn hoa đua nở, lại một lần nữa tư tưởng tràn bờ.
Đến chừng 1.100 năm sau Phật Niết-bàn, Thiền Tông Trung Hoa ra đời với Tổ Đạt -Ma. Đó có thể gọi là thời kỳ Thiền Tông sau 6 vị Tổ truyền thừa y bát, Thiền Tông lại chia ra làm 5 phái: Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng! Qua thời gian, tại Trung Hoa, bên cạnh các tông phái Thiền, lại nảy sinh các tông phái khác, mỗi tông phái chú trọng một bộ kinh.
Sự có mặt của Thiền Tông sau giai đoạn Tiểu Thừa – Đại Thừa mang ý nghĩa nào? Giá trị gì? Rồi chúng ta sẽ khảo sát sau.
Sư Viên Minh

BIỂU ĐỒ PHÂN PHÁI
(Trích PHẬT HỌC TINH YẾU của HT Thích Thiền Tâm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics