26/04: 43.Phổ Đà Sơn – 44.Câu chuyện trong rừng (HH/NVP)

26/04: 43.Phổ Đà Sơn – 44.Câu chuyện trong rừng
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 8164 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI43. PHỔ ĐÀ SƠN

Hôm nay, xin nói về núi Phổ-Đà và bồ-tát Quán Âm.

Trong Từ điển Phật học, tác giả Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách viết ở mục Phổ Đà sơn như sau : “Phổ Đà sơn cũng được gọi là Tiểu Bạch Hoa, Mai Sầm sơn. Một ngọn núi trên đảo Phổ Đà, một trong Tứ đại danh sơn của Trung Quốc. Nơi này là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng tại đây và được xem là trú xứ của bồ-tát Quán Thế Âm. Một vài truyền thuyết kể lại việc Phổ Đà sơn trở thành trú xứ của đức Quan Thế Âm. Tên Phổ Đà vốn xuất phát từ chữ potalaka của Phạn ngữ, tên của một hòn đảo tại Ấn-Độ dương. Hòn đảo này cũng được biết là trú xứ của đức Quán Thế Âm. Năm 847, một vị tăng người Ấn-Độ bỗng nhiên thấy ngài Quan Thế Âm xuất hiện trong một hang động trên một ngọn núi. Sau đó vị này đặt cho núi này là Potalaka, dịch âm là Phổ Đà”.

Một truyền thuyết rất nổi tiếng khác bảo rằng một vị tăng…

… người Nhật muốn thỉnh một tượng Quan Âm từ Ngũ Đài sơn sang Nhật. Trên đường trở về nước thì thuyền của ông gặp bão. Ông nguyện trước bức tượng đức Quan Âm rằng nếu thoát khỏi nạn này, ông sẽ xây dựng một ngôi chùa để cúng dường. Ngay sau đó thì thuyền của ông như được một bàn tay vô hình dẫn ngay đến núi Phổ Đà (tác giả cần phải nói rõ: núi Phổ Đà này ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chứ không phải là núi Phổ Đà ở Ấn Độ Dương). Để báo ân, ông bèn lập một ngôi chùa tại đây và từ đó , đức Quan Âm cũng được xem là vị bồ-tát chuyên giúp những người đi biển”.

Từ điển ấy quên không nói một chi tiết quan trọng là chữ potalaka đã có ở trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm. Thật vậy nếu chúng ta coi bộ sách Nhập Pháp Giới của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng thì thấy : “Này thiện nam tử, phương Nam đây có tòa núi tên là Bổ-Đặc-Lạc-Ca. Núi ấy có bồ-tát tên Quán Tự Tại …” . Bổ -Đặc-Lạc-Ca là do potalaka phiên âm ra.

Đạo hữu nào thích nhiều chi tiết hơn thì coi trang 47 trong cuốn Những hạt đậu biết nhảy : “Nam Hải Phổ Đà sơn, thuyết pháp đạo tràng của Quán Thế Âm bồ-tát, trong kinh Phật thì ghi là ở vùng Nam Hải, có ngọn núi Phổ-Đà-Lạc-Gia sơn (hay Bồ-Đa-Lạc sơn) là nơi mà ngài tu hành. Trên thực tế thì đạo tràng này nằm trên một ngọn núi giữa biển, thuộc về quần đảo Châu Sơn ngoài khơi cửa sông Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang, thuộc vùng Đông Hải của Trung Quốc”. Sau đó, nơi trang 246: “Tương truyền rằng vào khoảng năm 1000, một vị cao tăng Nhật Bản tên là Tuệ Ngạc đã sang Ngũ Đài sơn thỉnh được một tượng Quán Thế Âm, định mang về nước. Trên đường biển đi ngang qua vùng quần đảo Châu Sơn (phía ngoài cửa biển của sông Dương Tử và sông Tiền Đường, gần quần đảo Okinawa), thuyền của ông gặp gió bão đành phải tấp vào một hòn đảo nhỏ đợi cho biển lặng gió yên. Nào ngờ những ngày sau đó mưa gió liên miên và thuyền bị hư hại nặng không thể tiếp tục cuộc hải trình được nữa. Nhà sư nghĩ rằng có lẽ bồ-tát Quan Thế Âm muốn dừng chân tại vùng biển này, cho nên ông cùng dân chúng địa phương tìm một địa điểm để xây dựng đạo tràng cho bồ-tát. Họ tìm được một thế đất tốt trước cửa động Triều Âm, bên cạnh rừng Tử Trúc nên đã xây cất một thiền viện đặt tên là Tu Viện Quán Âm Dừng Chân. Tín đồ Phật giáo suy diễn ra rằng đây chính là thuyết pháp đạo tràng của ngài như trong sách Phật đã ghi. Vì vậy người ta đặt tên cho núi này là Phổ-Đà sơn. Từ đó Phổ-Đà sơn trở thành một trong bốn thánh địa Phật giáo của Trung Quốc. Mỗi năm vào ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9 âm lịch là ngày kỷ niệm sinh nhật, thành đạo và xuất gia của ngài, tín đồ từ Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Việt Nam, Đài Loan, Đông Nam Á, nhất là Đại Hàn, Nhật Bản kéo đến dâng hương đông như trẩy hội”.

Tác giả nói rằng kinh Phật ghi là Nam Hải và Phổ-Đà-Lạc-Gia sơn v.v… Điều này tôi đã nhắc ở trên, đó là trong kinh Hoa Nghiêm.

Tóm lại : Khi người ta xây đạo tràng của ngài Quán Âm trên núi của một hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía Đông tỉnh Chiết Giang, người ta nhớ lại đoạn này trong kinh Hoa Nghiêm rồi đặt tên là Phổ-Đà.

Chúng tôi đã có nhiều dịp nói về ngài Quán Thế Âm. Có thể nói không sai rằng ngài Quán Thế Âm là vị bồ-tát gần gũi với chúng ta nhất, chúng ta luôn luôn kêu cầu đến ngài như bầy con gọi mẹ khi đói khát hay khi đau khổ. Ngay tên của ngài cũng đủ cho chúng ta thấy rằng ngài là bậc quán sát tiếng kêu than của chúng sinh để độ cho họ thoát khổ. Gần như tháng nào chúng ta cũng tụng Kinh Phổ Môn nói về công hạnh cứu khổ cứu nạn của ngài và chúng ta hằng niệm “Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-Tát Ma-ha-tát” và trì chú “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni”.

Vì thời gian dành cho buổi nói chuyện ngày hôm nay có hạn, chúng tôi xin chỉ nói một số ít chi tiết mà thôi. Ngài Quán Âm không phải là một nhân vật trong lịch sử loài người. Chúng ta biết tiền thân của ngài nhờ kinh Bi Hoa : “Thời đức Phật Bảo Tạng, ngài là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Ngài theo vua cha đến nghe Phật thuyết pháp và thỉnh Phật cùng tăng chúng về cung cúng dường. Do công đức ấy, được Phật thọ ký sau này làm bồ-tát hiệu là Quán Thế Âm, phụ tá đức Phật A-Di-Đà giáo hóa chúng sanh và sau nữa sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương”.

Tượng của ngài mang nhiều hình thức : theo Mật Tông Tây Tạng, ngài là một người nam, ngoài ra ở Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam … chúng ta thấy tượng ngài dưới dạng người nữ. Có rất nhiều loại tượng và mỗi loại liên hệ đến một sự tích: Quán Âm mã đầu, Quán Âm cửu diện, Quán Âm Thiên thủ thiên nhãn, Quán Âm hài nhi, Quán Âm Nam hải, Quán Âm tử trúc, Quán Âm bạch y, Quán Âm thủy nguyệt, Quán Âm xách giỏ cá… Chúng tôi mới được coi một bức hình, vẽ ngài Quán Âm mang một bình thuốc chữa cho người cùi. Nhưng quen thuộc nhất với chúng ta là ngài Quán Âm dương chi, tượng ngài Quán Âm với bình tịnh thủy và ngành dương liễu; ngay tại sân chùa Liên Hoa (Brossard), chúng ta có tượng ấy, có lẽ là bức tượng đầu tiên tại Bắc Mỹ.

Tôi xin kể cho quý vị nghe một trường hợp mà tôi tin là có thật vì tôi biết rõ: một gia đình đã thoát nạn hải tặc Thái Lan trên đường vượt biên, vì tên cướp hung dữ khi trông thấy tượng Phật trên ngực một đứa trẻ trong gia đình thì ra lệnh cho đồng bọn rút lui. Xin thưa: chúng ta không nên quan trọng hóa quá mà lại thành ra mang tiếng là mê tín.

Trước khi dứt lời, chúng tôi xin kể một chuyện liên quan đến núi Phổ Đà như sau : tại một làng hẻo lánh kia có hai mẹ con một bà lão. Mẹ rất chăm niệm Phật, con thì lêu lổng hư đốn không coi mẹ ra gì. Bà lão chỉ biết cầu xin ngài Quán Âm chuyển hóa tính nết cho con bà. Một hôm, thấy thiên hạ rủ nhau đi lên núi Phổ Đà để đảnh lễ ngài Quán Âm, người con vì tò mò cũng đi theo, mong được thấy ngài. Tới nơi, anh ta tìm mãi mà chẳng thấy ngài Quán Âm. Đang chán nản, anh ta gặp một nhà tu ngồi bên đường, liền hỏi xem có biết ngài Quán Âm ở đâu không. Nhà tu trả lời: “Cứ trở về nhà đi, nếu thấy ai mặc áo trái, đi dép chân nọ lẫn sang chân kia, thì đúng là bồ-tát Quán Âm đó”. Anh ta lật đật đi về, tới nhà lúc nửa đêm, đập cửa ầm ầm. Bà mẹ sợ quá, vội ra mở cửa như mọi khi. Thấy mẹ ra, anh ta nhìn kỹ, ngạc nhiên rồi thụp xuống lạy : “Con lạy ngài Quán Âm”. Bà mẹ bảo : “Lầm rồi”. Anh ta đáp : “Nhà tu bảo ai mặc áo trái, đi dép chân nọ lẫn sang chân kia thì đúng là ngài”. Bà mẹ trong lúc quá vội vàng đmột người con hiếu thảo. □

CHÚ THÍCH

1/ Nhập Pháp Giới, Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, quyển 2, trang 66, nhà xuất bản Xuân Thu, Los Alamitos, 1994.

BÀi 44. CÂU CHUYỆN TRONG RỪNG

Tại một khu rừng vắng vẻ kia, có một cái am nhỏ. Một vị tăng tu ở đó. Thỉnh thoảng lắm mới có một hai chú tiều phu đi qua, hay vài chú thợ săn đi lại.

Một hôm có một vị hoàng tử đi săn, đuổi theo con thú, đi sâu vào rừng, thú chẳng thấy mà lại lạc đường. Loanh quanh hồi lâu, ông hoàng đến gần cửa am, gặp vị tăng. Ông hoàng nhũn nhặn nói:

– Thưa Ngài, tại hạ lạc đường tới đây, xin chào Ngài và xin phép Ngài cho nghỉ chân chốc lát.

– Mời Ngài quá bộ vô trong, ngồi nghỉ. Cửa Phật rộng mở cho mọi người. Xin Ngài đừng chê bai nơi hẻo lánh và tha cho tội thất lễ, đón Ngài mà không đủ tiện nghi.

– Xin đừng khách sáo, gặp Ngài trong lúc này, tại hạ rất mừng.

Hoàng tử nói xong bước vào trong am, ngồi xuống tấm đá đối diện nhà sư, nhìn vào đống than, thấy mấy củ khoai nướng chín vàng. Biết ý, nhà sư mời:

– Khoai mới nướng, mời Ngài dùng thử cho đỡ mệt, đây cũng có cả nước nóng, tuy không pha trà, nhưng pha lá rừng khô, kể cũng gần được như trà.

Hoàng tử chưa bao giờ thấy vị trà nào ngon và củ khoai nào bùi như vậy.

– Bạch Ngài, tôi hiểu Ngài đang tu ở đây, xin cho hỏi một lời. Trong cung, Mẫu hậu tụng kinh hàng ngày, mà tôi thì chưa có duyên được học hỏi Phật pháp.

– Xin Vương tử cứ hỏi, biết đến đâu xin đáp đến đó.

– Vậy thì xin Ngài cho biết thế nào là Phật?

– Phật là đấng giác ngộ.

– Giác ngộ điều gì?

– Giác ngộ chân lý.

– Chân lý đó ra sao?

– Rất đơn giản. Chân lý đó như sau: Đời là bể khổ. Nguồn gốc của khổ là ái dục. Muốn hết khổ thời đoạn tuyệt ái dục. Muốn đoạn tuyệt như thế thì cần phải theo tám đường chính.

– Xin khoan nói về tám đường chính đó. Tại hạ nghĩ chẳng lẽ chân lý có thế thôi sao?

– Còn chứ. Thế gian này có một định luật chi phối: đó là luật nhân quả. Gieo nhân nào được quả nấy. Làm điều lành, gây nghiệp lành. Làm điều ác, gây nghiệp ác. Hết kiếp này, sang kiếp khác, cái nghiệp ấy nó theo hoài, đó là quả báo. Chúng sinh quanh quẩn trong vòng sinh tử luân hồi.

– Phải chăng Ngài muốn nhắc đến thuyết luân hồi mười hai nhân duyên mà có lần tôi đã thoáng nghe.

– Đúng vậy.

– Xin để nói sau, chân lý còn nữa chứ?

– Còn, tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Nói rõ ra, có một thứ, tạm gọi bằng một cái tên là “tâm”, chung cho muôn loài. Nếu mê, cái tâm đó bị che, thì là chúng sinh. Nếu tỉnh, cái tâm đó rõ ra, thì là Phật.

– Thành Phật là thế nào?

– Trước đã nói, Phật là giác ngộ, là hết mê, là giải thoát.

– Giải thoát khỏi cái gì?

– Khỏi sinh tử luân hồi.

– Tại hạ có thể thành Phật được không?

– Tất cả chúng sinh ai cũng có thể thành Phật được, không riêng gì Ngài. “Tâm, Phật, chúng sinh, tam vô sai biệt” mà!

– Làm sao thành Phật?

– Phải tu.

– Tu thế nào?

Đến đây tiếng ồn ào nổi dậy, quân sĩ do nhà vua sai đi tìm hoàng tử đã tới, vui mừng đến làm lễ để đón hoàng tử về.

Hoàng tử nói:

– Mời Ngài về hoàng cung cùng với tôi, để tôi có dịp nói chuyện thêm.

– Không dám, thỉnh Ngài hồi cung. Bần tăng xin ở lại am này, chừng nào Ngài muốn nói chuyện xin quá bộ lại đây.

– Ngài chê nơi hoàng cung sao?

– Không dám. Xưa có một vị cao tăng tu đã nhiều kiếp, chỉ vì khi được ngồi vào ghế báu do vua ban, sinh một tà niệm, thế mà hụt bao công đức, bị lên nhọt hình mặt người ở chân, Ngài không biết chăng?

– Vậy, xin hẹn có ngày gần đây sẽ trở lại. Đa tạ Ngài đã chỉ giáo mấy điều căn bản, song tại hạ còn muốn hỏi nhiều…

Đoàn quan quân

đi đã xa, tu sĩ bình thản ngồi thiền, như chẳng có gì xẩy ra. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics