Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang (tiếp theo và hết)
Đức Quí Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh
Nhưng khi đó, chiến tranh đến hồi sôi động, quân Pháp đã đánh đến Hải Phòng, dân Hà Nội phải tản cư .Và chàng trai thời chiến lao vào bóng tối hoạt động .Sau chin năm xa cách vì ly loạn và tiếp theo đó là vụ án Nhân Văn, gần 35 năm tù đầy với 15 năm biệt giam, chàng trai ngày xưa giờ đã trở thành một cụ già khó nghèo đơn độc .
Khi cụ đã bị đưa về an trí ở Trà Vy, Thái bình, cụ nhận được tin người xưa, goá chồng đã lâu, mới từ trần trong một bệnh viện . Trước khi lìa đời, bà nhờ tháo bỏ chiếc nhẫn và chuỗi hạt để lại cho gia đình, bà chỉ xin đeo vào tay cho bà bộ vòng sơ-men mà bà vẫn giữ trên tủ thờ để theo bà xuống mộ phần .
(Hình:Đức Quí thứ nhất từ phải). Trở lại Hoa Kỳ, chúng tôi nhận được thư anh Phùng Quán ngày 5-11-94, có đoạn : “…Anh ngồi bên cửa sổ nhìn ra Hồ Tây đầy sương mù và cạnh anh là anh Đang…… đang ngủ say, đắp chiếc chăn “hồ cừu” vợ chồng em tặng .Anh bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn-Du “Gió lạnh cả thế gian thổi thốc vào một người đơn độc” .Với tấm lòng và công trình của hai em và cháu đã ngăn bớt làn gió lạnh đó … Cụ Đang hết lời khen ngợi “cái chăn đắp ấm mà không đè nặng lên ngực như chăn bông” .Thế cũng bõ cái công mang từ nửa vòng trái đất của hai vợ chồng em …”
Trong nhóm bạn hữu quen thuộc, nhiều người đã đọc về cụ Đang, rất cảm phục lý tưởng và nghị lực của cụ, họ đã chung góp cùng chúng tôi ít nhiều gửi về làm quà biếu cụ .
ít lâu sau, chúng tôi lại nhận được tin cụ qua anh Quán, ba tuần lễ trước khi anh mất :
“Hồ Tây,29/12/94
Hai em khuyên anh bỏ rượu nhưng rượu nó bỏ anh vì từ khi anh bệnh, rượu thấy anh mất phong độ của một bậc ẩm giả .Nhờ em nhắn với Mai Kim Ngọc đã nhận được đầy đủ sách báo gửi tặng, và anh đã hồi âm . Mọi việc anh uỷ thác cho MKN, muốn giải quyết thế nào tuỳ Minh (BS Vũ Đình Minh, là nhà văn Mai Kim Ngọc). Cụ Đang đã được cấp một căn hộ 35m2 ở khu Trung ương, hưởng lương hưu Thứ Trưởng .Cụ rất vui, đang sửa soạn về nhà mới .”
(ngưng trích một đoạn ngắn)
*
* *
Cuối mùa thu năm 2001, cả gia đình chúng tôi hẹn nhau cùng về gặp ở Hà Nội và chúng tôi sẽ đưa các con đi dọc từ Bắc xuống Nam để thăm lại quê hương xứ sở .
Tới Hà Nội, chúng tôi đến thăm chị Bội Trâm và cụ Đang ở quán ăn Vọng Ba Lâu, hậu thân của “Chòi Ngó Sóng” ngày xưa .Quán này do chị Trâm chung với một cô giáo bạn mở ra làm phương tiện sinh sống .Cháu cụ Đang sẽ đưa cụ bằng xe ôm tới gặp chúng tôi .
Khu tập thể trường Chu-Văn-An cạnh Hồ Tây không còn đìu hiu lau lách như ngày nào, thay vào đó là cảnh hàng quán đông đúc, taxi chạy tới chạy lui nườm nượp .Khu nhà cũ không còn nhận ra .Buổi tối đèn mắc như sao, chúng tôi chỉ nhớ nhà hàng có cầu thang lên khá rộng rãi .Chúng tôi chọn ngồi ở một bàn dưới nhà sát bờ hồ .
Đâu còn Phùng Quán, đâu còn “Chòi Ngó Sóng” với những bài thơ đề trên vách mà một chiều thu năm xưa tôi hỏi ” Hoàng Hạc Lâu của anh phải không ?”
Tối nay, chỉ có gia đình tôi ngồi với cụ Đang vì chị Trâm còn phải bận rộn trông nhà hàng .Tính ra cụ đã 88 tuổi, trông sắc diện cụ đã khác năm xưa nhiều .Lưng cụ còng hơn khiến cụ trông như nhỏ đi, tóc cụ đã bạc hết, tai cụ đã không còn nghe được nữa . Điều này chúng tôi biết được ít lâu nay và đã sửa soạn giấy tờ để bút đàm .Nhưng khi đọc những hàng chữ viết còn cứng cáp, rất đẹp, và lời văn sắc gọn, tôi thấy cụ vẫn rất minh mẫn và chưa mất cái tính chất dí dỏm trong cảm nghĩ .
(ngưng trích một đoạn ngắn)
Đưa cụ về bằng taxi, trời tối, xóm nhỏ, chỗ nào cũng giống chỗ nào .Người ta ngồi la liệt ở hàng quán vỉa hè .Cụ cũng không rõ lối vào .Dĩ nhiên là chúng tôi cũng chịu thua .Sau, anh taxi phải theo cùng vào xóm hỏi thăm, có vài người nhận ra và dẫn chúng tôi về đến căn hộ của cụ bây giờ nằm trên tầng hai .Sức khoẻ bây giờ đã khác xưa, cụ không còn đạp xe được nữa, nói gì 50, 60 cây số mỗi ngày hay vác xe đạp lên tận lầu năm .Đi đâu là phải có người chở cụ đi .Hèn chi cụ không nhớ đường về nhà .
Chung lối lên cầu thang là một căn hộ khác, không thấy ai, nhưng có tiếng chó sủa oăng-oẳng sau lần cửa đóng .Trong căn phòng cụ ở, nhiều vật dụng lặt vặt cùng sách vở hình ảnh bầy rải rác trên mấy chiếc bàn nhỏ trong phòng .Tôi nhìn thấy có hình cụ với Phạm Duy, có chữ ký của nhạc sĩ dưới lời đề tặng “Yêu anh”, hình chụp chung với Hoàng Phủ Ngọc Tường với câu “Người dựng nóc nhà” và nhiều hình ảnh tài liệu khác .Tôi chú ý đến bức hình khá lớn treo trên tường gần cửa ra vào .Hình một người đàn bà đẹp ,tuổi trung niên, vấn tóc trần, nét mặt thanh thoát .Tôi khẽ hỏi cụ “Đây có phải là bà Huyền Nhiên mà cụ viết trong truyện ?” .Không cần đọc chữ, nhưng cụ hiểu tôi hỏi gì, cụ gật đầu, “Phải, hôm qua là ngày giỗ bà ấy .Năm nào các con bà cũng đến đón tôi đến dự đám giỗ của bà .”
Tôi nhìn quanh, một cụ già nay đã được phục hồi lương bổng, nhưng ở một mình hiu quạnh giữa một thành phố đông người, thấy cũng buồn .
Quay ra cửa, tôi còn nghe thấy cụ nói chuyện với nhà tôi, hẹn sẽ gửi cho anh giấy tờ,hình ảnh gì đó .Tôi chào cụ, cúi đầu đi xuống cầu thang, lòng thầm nghĩ cụ đã già quá rồi, chắc gì đã có lần gặp lại ?
Hôm nay được tin cụ đã qua đời với tuổi 94 .Sống suốt một đời đấu tranh gian khổ, nhưng cụ đã ra đi trong sự tiếc thương, quí trọng của mọi người dành cho một bậc hào kiệt (chữ của Phùng Quán). _ (Hình bên: Học giả Nguyễn-Hữu-Đang mất ngày 8-2-2007 – Nguồn:BBC/Vietnamese)
Nhớ buổi tối năm 1994, khi ra khỏi tiệm ăn, cụ lại nhắc : “Tôi sẽ viết về mái tóc của bà, tôi sẽ đặt tên là Mái tóc quê hương”. Tôi cũng chỉ mỉm cười vâng dạ …vì không biết nói gì .Đời sống bận rộn, ngày nọ tiếp ngày kia, năm lại năm qua nơi xứ người, tôi đã không còn nhớ nhiều chi tiết của những lần gặp mặt xưa kia, nếu không nhờ vào những cuốn băng thâu hình, thâu tiếng cùng những bút tích của cụ .
Giở lại những kỷ vật ngày nào, nghe lại Phùng Quán, Hoàng Cầm đọc thơ, nghe tiếng nói sang sảng của cụ Đang, tôi có cảm tưởng họ như những nhân vật trong cuốn truyện cổ tích hồi tôi còn nhỏ, trong một thời điểm nào đó đã hiện ra, chia xẻ với chúng tôi một khoảng thời gian thật ngắn ngủi và nay họ lại quay trở về những trang sách huyền thoại, cổ tích của tôi .
Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh
Springbrook, tháng 3-2007
- 1."Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" (Nguyễn Du)2."Cươp lộc"(NĐ/basam)-
- 1.Nhà van Dương Nghiêm Mậu(DTL)2.Dương Nghiễm Mậu và tự truyện ..(NTV)
- 1.Nhạc sĩ Lê Hựu Hà-t.t và hết(DTL)2.Tô Thùy Yên,..tiếng thơ lớn..(DTL)
- 1.Nhà văn Lê Xuyên-Bài 4 và hết(DTL) 2.Tuổi thanh xuân bị đánh cắp-3.'Hãy xiên miếng thịt heo..'
- 1.Nhà văn Lê Xuyên- Bài 1,2,3(DTL)*-2.'Tôi và bệnh ung thư' (VB)
- 1-Chúc Têt(NN)2.Xuân cảnh-Trần Nhân Tông(ĐPNN)3.Một chùm thơ xuân-4.Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi..(DTL)
- 1.Lục Bát Du Tử Lê từ cội nguồn Ca dao(TT Miên)2.Thơ T.T.Miên-3.Thơ N.H.Phương&Kim Tuấn-4.Khi người về(DTL)5.Lục bát yêu thương-
- 1.Du Tử Lê:'Phác họa 20 năm Văn học'(VB)2.Phạm Duy,nhạc xây tình người(QG)3.Kết quả cuộc thi "Tác phẩm đầu tay"/2014
- 1.Tác phẩm 'Giỏ Hoa Thời Mới Lớn' của DTL-2.Triển lãm tranh Du Tử Lê tại Atlanta-3.Tác phẩm thứ 60 của Du Tử Lê-
- Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang