Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang

Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang
Nguyễn-Đặng Bắc Ninh
Anh có thật xương rồng
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân ?
Phùng Quán
(Lời giới thiệu : Hôm nay xin gửi đến bạn đọc một “thiên hồi ký” rất đặc biệt của Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh . Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh là bút hiệu của bạn Đặng-Đức-Quý (Trưng Vương 53-60) . Năm 2006, khi đi Seattle và ở lại thăm anh chị Công Khanh&Đức Quí trong dăm ngày , chúng tôi được đọc một bài bạn Đức Quí viết về Phùng Quán , đăng trong Văn Học 1996 ; vài năm sau , khoảng 2007 hay 2008 , thiên hồi ký này được đăng trong Thế Kỷ 21 .
Lòng riêng, tôi rất kính phuc và đôi khi , rất xúc động về những nhân vật lịch sử này, nay mới có dịp gửi đến bạn đọc bài viết mới để cùng thưởng lãm.-NN)
Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang
Tôi đi làm về, mở e-mail, thấy nhà thơ Trần-Mộng-Tú báo tin : anh chị có biết cụ Nguyễn
Hữu-Đang mất rồi không ? Chị biết là chúng tôi có mối giao tình muộn màng nhưng khá đậm đà với ông già đặc biệt này .Tôi nói cũng vừa biết…… nhưng chưa rõ chi tiết, vì thời gian sau này khi biết cụ Đang đã có đời sống ổn định, chúng tôi thỉnh thoảng chỉ gửi lời hỏi thăm qua chị Bội Trâm, vợ anh Phùng Quán .Lần sau cùng gặp lại, cách đây đã mấy năm, cụ hẹn sẽ gửi một số tài liệu cho chúng tôi mà rồi cũng không thấy .Tôi chợt nghĩ: hay là cụ có gửi nhưng vì lý do nào đó thư của cụ đã không tới được chúng tôi ?
Năm 1994, chúng tôi chọn đúng mùa Cốm Vòng để về thăm lại Hà Nội sau nhiều năm sống ở hải ngoại. Chúng tôi dẫn theo cô út, vì cháu còn đang đi học không vướng bận gia đình hay công việc làm như các anh chị nó . (Hình:Đức Quí thứ hai từ trái)
Cũng vào thời gian đó, chúng tôi tình cờ đọc được bài báo cũ của Phùng Quán viết chuyện về thăm Nguyễn-Hữu-Đang, một bậc đàn anh trong nhóm Nhân Văn mà Phùng Quán vẫn ngưỡng mộ và cùng chung chí hướng xây dựng một xã hội lý tưởng .Sau đó, họ đã theo nhau sa vào mấy chục năm tù đầy điêu đứng .Riêng tôi, dù đã theo dõi vụ án Nhân Văn từ hồi còn ít tuổi, vì vào những năm giữa thập niên 1950, báo chí miền Nam đã luôn luôn nhắc đến vụ này, tôi không chú ý nhiều đến nhân vật Nguyễn Hữu Đang mà lại thuộc lòng những lời thơ khẳng khái của Phùng Quán :
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu …
Ngoài ra, tôi được biết những tên tuổi khác trong nhóm như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Cung, Hoàng Cầm … là do những thơ văn của họ được phổ biến .Trong trí tưởng tôi, họ như những nhân vật trong huyền thoại hay trong truyện cổ tích .
Như nhiều người, khi đọc bài <<Tìm thăm Nguyễn hữu Đang>> của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động .Cụ là một người từ khi chúng tôi chưa ra đời, đã lừng lẫy khắp nơi, xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa hoc, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt 50 năm qua đã bị đầy đoạ đến cùng cực .
Chồng tôi thì liên tưởng đến những nhân vật trong truyện kiếm hiệp, Nguyễn Hữu Đang như một Lệnh Hồ Xung bị đầy xuống hắc lao dưới lòng đất, chân tay cùm kẹp suốt đêm ngày, sống mà như chết trong bóng tối mịt mùng, bao năm mới thoát ra khỏi để lại nhìn thấy ánh mặt trời .Cụ Đang càng đáng phục là dù phải sống trong tình huống cơ cực mà phong cách ngôn từ của cụ vẫn an nhiên như một bậc vương giả trí thức < Thức ăn của cụ thì toàn là cóc, nhái .Và cô đơn đến độ phải đeo lục lạc vào thắt lưng để nghe tiếng kêu loong coong mà thấy đỡ đơn độc .Nhưng mối ưu tư nhất của ông già này là làm sao lúc chết không làm phiền đến ai <<Ở đây nơi quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ nằm để chết …Đấy, dưới chân bụi tre có một chỗ trũng, phủ đầy lá tre rụng …tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp tới đó trước khi nhắm mắt xuôi tay .>>
Tôi rùng mình nhớ lại câu thơ của Tô Thuỳ Yên:
Sống ở trên đời ghê gớm quá
Mà ta sống được có kỳ không?
Suy nghĩ mãi là nên mang món quà gì biếu ông cụ? Chưa quen biết,không dám mạo muội biếu tiền vì sợ xúc phạm, mà ở Việt Nam cho tới những năm đó có tiền chưa chắc đã có vật dụng tốt để mua .Đọc lại cảnh sống của cụ, chúng tôi quyết định đem về một cái túi ngủ (sleeping bag),có lẽ là đắc dụng, tuy nó chiếm hết một phần tư chiếc va li lớn .
Ra khỏi phi trường Nội Bài, sau khi đã lo xong thủ tục, ba vợ chồng con cái chúng tôi bước ngay vào bầu không khí nóng và ẩm của Hà Nội .Trong số họ hàng bà con ra đón, đi đầu thấy có một ông già cao lớn tóc trắng, mặc áo sơ-mi đỏ xậm, ông anh họ của chúng tôi vội giới thiệu đây là nhà thơ Hoàng Cầm . Dù vẫn biết sẽ về gặp nhà thơ vì ông là người cùng quê vừa là bạn học với những anh chị lớn tuổi trong họ nhưng chúng tôi ngạc nhiên không ngờ ông lại cất công ra tận phi trường đón chúng tôi .
Sau buổi tối hàn huyên và sắp đặt chương trình tại khách sạn, ngày hôm sau chúng tôi cùng mấy người trong họ và cả nhà thơ Hoàng Cầm về thăm quê cũ và viếng mộ cha tôi .Xong việc, người em họ lớn tuổi hẹn ngày đưa chúng tôi đến gặp cụ Đang tại nhà Phùng Quán vì cụ gần như thường xuyên ở đó .Tôi không ngờ Phùng Quán vẫn còn sống và chị Quán lại là em của hai bà giáo bạn chị tôi .Trái đất thật là nhỏ .
Bữa đó là ngày 9 tháng 9 năm 1994, một ngày Hà Nội có liễu rủ mượt mà, nắng thu trải ánh vàng dịu trên mặt Hồ Tây gợn sóng .Khu tập thể trường Chu Văn An trông hoang dã, cây cối um tùm .Căn nhà của Phùng Quán nhìn ra mặt hồ thoáng mát . Phía sau, anh nhặt nhạnh gỗ và tranh xây một căn gác để tiếp các bạn, anh đặt tên là <<Chòi Ngó Sóng>> .
Bước chân vào cổng, chúng tôi gặp ngay một ông trông chưa có vẻ già lắm, mặc sơ-mi cộc tay màu xanh, tóc cũng hớt ngắn, dáng vẻ dắn dỏi nhanh nhẹn .Tôi cúi đầu chào <<Thưa…chắc đây là ông Phùng Quán?>> Hưng, người em họ tôi cười:Không,đây là bác Đang>>. Tôi xửng xốt nghĩ thầm: Trời đất, tính ra năm nay cụ đã ngoài 80 mà sao trông cụ trẻ thế nảy?…
Đi theo cụ, qua một cái bể non bộ có những bông hoa súng vươn trên mặt nước và qua lối đi rải rác mấy chậu lan, chúng tôi tới gian có bàn nước là chỗ tiếp khách , chị Bội Trâm, vợ anh Quán tươi cười ra đón .Trông chị nhỏ nhắn, phong thái lịch thiệp mà cương nghị, rõ ra một người đã qua nhiều thử thách trong đời . Một ông già cao gầy, mặc bộ bà ba trắng ngà, tóc búi củ hành sau gáy, râu tóc muối nhiều hơn tiêu, nước da mầu đồng, đang ngồi trên ghế tràng kỷ; thấy chúng tôi ông vội xỏ chân vào dép đứng lên chào .Đây mới thực là nhà thơ Phùng Quán . Năm đó, anh mới có 63 tuổi, mà tôi tưởng anh già hơn nhiều .Và anh vẫn còn sống .Thế mới lạ . Sau này, chị Trâm nói chuyện, chính Quyên con gái anh chị học ở Đại học Hà Nội, thầy giáo nhắc đến nhóm Nhân Văn và nói là Phùng Quán đã chết rồi, mấy người bạn nhìn cháu cười, Quyên phải nói <<Thưa thầy, bố con vẫn còn sống>>. Trách gì người ở xa ngàn dặm như chúng tôi .
Đức Quí Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh
(còn tiếp)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics