Du Tử Lê và Thơ Thiền Tính

Du Tử Lê và Thơ Thiền Tính

Trong những kỳ trước , chúng tôi đã gửi tới bạn đọc hai nét đặc biệt trong thơ Du Tử Lê, được phân tích lần đầu tiên trong tác phẩm “Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn” (VDTLĐSTNTMH) của tác giả Nguyễn-Đức-Tùng :
đó là Tình yêu quê hương và Tình Bạn qua thơ Du Tử Lê . Hôm nay, cũng qua sự phân tích thấu đáo(dưới mắt nhìn của một bác sĩ phân -tâm-học) và bằng một giọng văn mạch lạc mà trôi chảy, của một nhà thơ, tác giả Nguyễn-Đức-Tùng đã mở ra một chương khác , cũng đặc biệt , trong tác phẩm của ông (VDTLĐSTNTMH). Xin mời đọc :
Thiền Trong Thơ Du Tử Lê
(Chương 8 )
Sự thật vốn không có hình dáng . Các khoảnh khắc trôi đi không dừng lại . Nhưng thơ làm cho sự thật có hình dáng, làm cho khoảnh khắc dừng lại, gọi là thể . Dù chỉ là trong giây lát .
Thơ thiền là gì ?
Tôi không trả lời được, dù đã nhiều lần tự hỏi câu này . Tôi chỉ có thể nhận ra chúng mà thôi, và…… nếu may mắn hơn, trong những hoàn cảnh đặc biệt ,tôi cũng có thể giải thích cho mình tại sao tôi nhận ra được chúng .
Thơ thiền không phải là thơ viết về thiền .
Trong mưa cũ có sầu vai mới
Trong lá vừa xanh có lấp vùi
Du Tử Lê viết về sự kết thúc cũng là nói về sự khởi đầu, khi anh viết về sự khởi đầu cũng là lúc anh nói về cái kết thúc .
Thơ thiền không rao giảng về luân lý hay đạo đức .
Ta ngửa cổ gọi linh hồn thống khổ
Đi về đâu ? Thân xác mượn từ đâu ?
Du Tủ Lê trong khi vui chơi giữa chốn trần gian , thỉnh thoảng lại quay về cửa Phật, quỳ lạy trước sân chùa . Ngẫm cho cùng, ai trong chúng ta mà không từng làm như thế, hay thường xuyên làm như thế, mỗi ngày ? Đôi khi tôi nghĩ : nếu cuộc đời là những ngày vui liên tiếp bất tận , loài người có còn biết đến Chúa hay Phật trên cõi Trời ?
Thơ thiền cũng không nói về sự cầu nguyện .
ta trở lại nghĩa trang đời đợi nắng
ngồi bên đường nghe bạn kể đêm sương
là một trong những câu thơ có tính thiền nhất của Du Tử Lê (DTL). Anh không nói về sự cầu nguyện . Chính anh là sự cầu nguyện . Ra biển sóng to gió lớn, lúc hoạn nạn khó khăn, một mình bước đi trong bóng đêm hung hiểm, con người chợt nhớ đến những điều thiêng liêng huyền bí .Danh vọng , tiền bạc, tình nghĩa trần gian, thất bại, thành công, những lúc như thế trở nên nhỏ bé vô cùng trước những điều mơ hồ lớn lao , lần đầu tiên ta bắt đầu học cách đối diện . Đó là lúc con người bị tổn thương . Phải chăng lúc bị tổn thương, bạn trở về với chân diện mục của mình ?
quành lui, tìm, mưa : chôn, vùi
mái, tôi sân thượng, chỗ ngồi thốn , tâm
quanh` lui, tìm, chim, cây : câm
phố treo thang, cũ, sóng cồn cào, khuya
quành lui, tìm, ai(?,) ai : lìa
ma, che thập giá, mộ, nhoè nhoẹt , sơn
quành lui, tìm, sông : quy hàng
hiên, sâu, phố xá : thơm buồn, bã rơi
quành lui, tìm : tôi, tôi, tôi?
Lớn lên, dời bầu sữa mẹ vào đời, mỗi người đi một con đường riêng biệt, tự học hỏi, tự khổ đau, vùi chôn khuất lấp . Thơ DTL la` cuộc tranh luận không cùng giữa anh và cuộc đời, giữa anh và tâm hồn mình . Anh bắt đầu cuộc tranh cãi này bằng tình yêu, nhưng tình yêu chỉ là duyên cớ, là cách nói, một chọn lựa khởi đầu .
Ta đứng thẳng trong tình ta lẫm liệt
Núi chưa từng khuất phục gió mưa sa
Anh cũng hứa với mình sẽ sống trọn vẹn cho đến phút cuối .
Chim lìa đời còn đập cánh thiết tha
Cuộc tranh luận tâm linh trong mỗi nhà thơ kéo dài bất tận, vì nếu ngưng nghỉ, cái chết sẽ đến trong im lặng, chim không đập cánh . Mặc dù những năm gần đây, từ phía bên kia đỉnh đồi cuộc sống, thơ DTL mang đẫm hương vị thiền, Phật giáo hoặc Thiên Chúa giáo , như trong các tập: Vì em tôi đã làm sa di, và , Qua môi em : tôi thở biết bao đời, nếu đi ngược thời gian, người đọc có thể nhận ra tính tôn giáo và tính thiền trong những bài thơ rất sớm của anh .
Kẻ phán xét trong nàng
Bảo chiều nay bão lớn
Và ngày mai hãy thả chim câu .
Sự tranh luận giữa một tâm hồn yêu cuộc sống, sôi nổi vang động, và một tiếng nói khác, trầm tĩnh, thì thầm, nhưng chưa bao giờ tắt, thật sự là mảnh đất trổ hoa cho những suy tư triết học và thiền học trong thơ DTL .Thơ anh vừa là cánh cửa mở vào căn nhà tâm linh vừa chính là căn nhà đó với bộn bề ngổn ngang bàn ghế, sách vở, quần áo, bụi bậm gương soi của quá khứ và tương lai, không ngừng chiếu rọi vào nhau . Tôi có cảm tưởng sau khi mẹ anh qua đời, và sau những đổ vỡ ly tan của bao bão tố cuộc tình, anh chiêm nghiệm nhiều hơn lẽ thành bại, lẽ sống chết, vốn là những dấu hỏi vào đời của anh .
………….
Trong một ý nghĩa nào đó, DTL cũng tự mình đi được rất xa, và tìm thấy sự hiện hữu của mình trong mối quan hệ giao thoa với người khác, như kẻ lữ hành soi mặt lên giòng suối .
Tìm thấy trong ta một chiếc giày
Em từng khua những bậc thang vui
Đôi khi tôi cũng đọc câu này của anh bằng cách đảo ngược một chữ, theo kiểu riêng của mình, như sau :
Tìm thấy ta trong một chiếc giày
Tôi nghĩ : làm viêc, vui chơi, và yêu thương có lẽ là ba công việc quan trọng nhất của đời người . Nếu DTL thể hiện phần nào được thiền tính trong thơ, trước hết là nhờ anh xuất phát từ một đời sống phong phú, đầy đặn, thậm chí có khi dữ dội hoang đàng . Biết sống, anh biết cách vui như một đứa trẻ :
Trời hôm nay trời rất bâng khuâng
khi không nắng dịu ấm vô cùng
sau khi Xuân Diệu đã viết : Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
và sau khi Hồ Dếnh đã viết : Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương
mà anh còn viết như thế thì chàng trai ba mươi tuổi này (1975) quả thật có một cảm thụ rất hồn nhiên, rất riêng của mình . Quả nhiên anh viết tiếp, bất ngờ mới mẻ, không lập lại bất cứ ai :
Trời hôm nay của riêng tôi thôi
của một đôi môi một mắt cười
……………..
Xã hội công dân dạy chúng ta sống như một bổn phận, thiền dạy chúng ta sống như một nỗi hân hoan . Nhiều người có thể cho rằng DTL thường nói về sự tạm bợ của hạnh phúc, nhưng tôi thiết nghĩ anh nói nhiều hơn về sự vĩnh cửu
Mai quên nhau mất lời chào
hôm nay chăn gối vẫn ngào ngạt hương
là anh nói về ngày mai hay hôm nay ? về tạm bợ chia lìa hay có nhau hoài niệm vĩnh hằng ?
Nguyễn-Đức-Tùng (VDTLĐSTNTMH – Tự Lực Bookstore, Cali . 2007)
(còn tiếp)
Đông 2010- NN
Hình trên : Chùa Kyaik Pun với 4 bức tượng Phật, ở Bago-Miến Điện

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics