Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú:1/Thư đi tin lại-Kỳ 26–2/Câu chuyện đường xa-3/Phật tánh-

THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 26

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú – Montreal 2010

Chùa Khmer 6.jpg1

Một ngôi chùa Khmer (Hình NN sưu tầm)

243 – Theo như lời đạo hữu kể thì đạo hữu đã coi chùa Nhất Trụ tức là chùa Một Cột ở Thủ Đức gần Sài Gòn, dựng trước năm 1975 . Chùa đó xây cất y hệt chùa Một Cột ở Hà Nội (chính chùa này cũng được sửa lại vì năm 1954, không biết kẻ nào đã phá chùa). Theo Đại Việt Sử ký toàn thư thì vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen, dắt vua lên đài . Khi vua kể cho triều thần nghe thì triều thần nghĩ rằng đó là điềm gở . Một nhà sư khuyên vua cho dựng một cái cột đá lớn giữa hồ, làm đài sen ở trên giống như vua đã thấy trong mộng, thờ Phật Bà Quan Âm . Rồi cho chư tăng đi quanh đài, tụng kinh cầu cho vua sống lâu, vì thế chùa có tên là Diên Hựu (1049).

Ghi chú: điều sau này tôi nói thêm, để đạo hữu nào về tận nơi rồi coi cho chính xác . Chùa Diên Hựu là một cái chùa riêng chứ không phải là chùa Một Cột . Tại cái hồ của chùa ấy, tên là hồ Linh Chiểu, thì có chùa Một Cột . Xin quý đạo hữu cho ý kiến, mắt tôi chưa thấy nên chỉ nêu vấn đề thôi .

244 – Cái mái cong thì nhiều nước dùng chứ không riêng gì nước Tàu . Tôi không phải là kiến trúc sư nhưng tôi cũng nhận thấy cái mái cong của Việt Nam mình chỉ cong in ít thôi chứ không cong quá, cong đến vênh lên, nó chỉ cong chút chút như lấy bàn tay vuốt nhẹ lên mà thôi . Xem hình các chùa và đình nước mình thấy khoái con mắt, tuy vậy phải có người chuyên môn giảng thì mình mới hiểu . Người nước ngoài ít phân biệt được, nên khi coi chùa, đình … của mình, họ hay nghĩ đến mỹ thuật Tàu hoặc Nhật . Chúng mình nên giới thiệu cho họ những cái cột cao vuông ở các đầu nhà, các bức tường hay ở gần ngoài cổng tam quan, với “bông hoa” ở trên, đặc biệt lắm .

245 – Đây là mấy chữ phiên âm tên của sáu vị tổ Thiền Tông theo tiếng Anh :

1/ Bồ-đề-đạt-ma : Bodhidharma (khoảng 470-543 ?). 2/ Huệ Khả : Hui-k’o (487-593). 3/ Tăng Xán : Seng-t’san (tịch 606 ?). 4/ Đạo Tín : Tao-hsin (580-651). 5/ Hoằng Nhẫn : Hung-jen (601-674). 6/ Huệ Năng : Hui-neng (638-713).
Về Nhị tổ Huệ Khả, có nhiều chuyện chép trong sách, người đọc ngày nay hơi thắc mắc . Một là: lúc ngài sinh ra, có ánh sáng chói chang như hào quang nên được đặt tên là Quang . Hai là : được thần nhân mách đi về phương Nam mà tìm thày, nên có chữ Thần, vì thế tên ngài là Thần Quang (sau được ngài Bồ-đề-đạt-ma đặt tên là Huệ Khả ). Ba là : ngài đứng ngoài sân chờ ngài Bồ-đề-đạt-ma đang quay mặt vào vách ngồi thiền, tuyết xuống ngập đến đầu gối mà không biết. Sau, ngài tự chặt một cánh tay dâng lên ngài Bồ-đề-đạt-ma để chứng minh lòng thành thực cầu pháp của mình . Bốn là : ngài xông xáo làm đủ nghề, kể cả vào chợ mà thuyết pháp, làm cho các tu sĩ bất mãn . Năm là : ngài bị một nhà sư vu cáo nên phải tội, chết năm 107 tuổi . Việc này ngài biết trước, ngài nói ngài phải trả một món nợ .

246 – Bà-la-môn giáo (Brahmanisme, Brahmanism) là một tôn giáo lớn của Ấn Độ, có từ trước khi Đức Phật Thích-Ca, chi phối sinh hoạt xã hội và chính trị của Ấn Độ .
Đạo ấy công nhận Brahma (Phạm Thiên) là đấng chúa tể thế gian . Thánh kinh là bộ Phệ-đà (Véda) gồm có bốn quyển, Tàu gọi là Tứ Minh . Xã hội chia làm bốn giai cấp: bà-la-môn (brahmane) tức là tu sĩ lo việc cúng tế, tôn giáo ; sát-đế-lỵ (khastrya) tức là vua, công, hầu, khanh, tướng ; phệ-xá(vaisya) tức là thương gia ; thủ-đà-la (sudra) tức là nông dân và thợ thuyền . Ngoài ra còn số người hạ tiện gọi là chiên-đà-la (candela) làm nghề mà người bấy giờ cho là hèn hạ như đồ tể . Khi đức Thích-Ca sáng lập đạo Phật thì một trong sự thể hiện lòng từ bi của ngài là không phân chia giai cấp (chủng phái), bất cứ ai cũng có thể tu thành Phật được, trong hàng ngũ tăng sĩ có đủ mọi hạng người trong xã hội Ấn bấy giờ .

Ngày nay, tôn giáo chính ở Ấn Độ là Ấn-Độ giáo (Hindouisme, Hinduism).

247 – Không phải chỉ có ở Việt Nam mới có pháp nạn . Ở Trung quốc, Phật giáo đã gặp những thời kỳ pháp nạn rất nặng nề . Người ta có nói đến một pháp nạn lớn ở bên Tàu do một ông vua thiếu tiền gây ra . Câu chuyện như sau này : Vào thời Hậu Chu (951-960), năm 955, vua Thế Tông ban chiếu ra lệnh ai còn cha mẹ phải nuôi nấng thì không được xuất gia, chùa chiền nào không có sắc chỉ thì phải bãi bỏ . Mới nghe, người ta tưởng đó là nhằm mục đích hạn chế số người đi tu quá đông và số chùa chiền mọc ra quá nhiều . Sau, Thế Tông lại ra lệnh thu hết chuông , khánh, đồ bằng đồng v. v.. của các chùa để đúc tiền với lý do : vì lâu không đúc tiền nên dân chúng thiếu tiền dùng . Để chặn các quan can ngăn, vua giải thích rằng dạo Phật là đạo từ bi, bồ-tát không những bố thí hai con mắt mà cả bố thí thân mệnh nữa, vậy thì mấy thứ chuông, khánh … không đáng kể mà lại giúp được chúng sinh, thế là đúng với đường lối của đạo Phật ! Vô số tượng Phật cùng đồ đồng trong các chùa bị đem vào lò đúc tiền, mấy ngàn ngôi chùa bị phá . Rồi đến các điều kiện xuất gia khó khăn, triều đình đặt các kỳ thi cử cho tăng ni, bắt họ phải đợi đến khi nào nhận được độ điệp (giấy chứng nhận) của triều đình mới được ở chùa . Nhìn con số 951-960 trên đây thì biết triều đại này hết sức ngắn ngủi . Người ta cho là quả báo nhãn tiền .

248 – Nếu tôi nhớ không lầm thì chuyện”cõng thiếu nữ” là một chuyện Thiền bên Nhật Bản . Hai thày trò thiền sư kia sắp qua một con suối . Trên bờ, có một cô gái ngại ngùng không dám bước xuống nước để lội qua . Thiền sư ghé vai cõng cô ta sang bờ bên kia, bỏ cô ta xuống rồi tiếp tục đi . Anh đệ tử luẩn quẩn hoài với ý nghĩ tại sao thày mình lại phạm giới, gần phụ nữ đến mức cõng người ta . Mấy ngày sau, ý nghĩ đó vẫn bám trong óc, anh ta không nhịn được bèn hỏi thày . Thày đáp : “Ta đã bỏ cô gái ấy từ lúc đến bờ sông, còn nhà ngươi thì vẫn cõng cô ta trong trí . Mệt quá !” . Thiền sư đã đến mức không còn chấp trước gì nữa nên hoàn toàn tự do, đệ tử còn chấp trước nên thắc mắc hoài .

Đạo hữu ạ, khi tôi kể chuyện này ở chùa, có một ông bạn hỏi tôi : “Nếu gặp trường hợp này, anh có cõng không ?” Tôi đáp : “Tôi không phải là thiền sư . Vả lại, tôi đau lưng lắm, chữa lưng chưa khỏi, cõng ai được ?” . Ông bạn đó tiếp : “Tôi ấy à, tôi cứ cõng . Ai hỏi thì tôi bảo rằng tôi hết chấp trước rồi ! “ , ánh mắt của ổng cho thấy ổng đang cười .

249 – Sa-môn (nhà sư) Đạo Nhất đến chùa Bát Nhã của Thiền sư Hoài Nhượng (đệ tử của Lục tổ Huệ Năng), không nghe giảng kinh sách, chỉ ngồi thiền . Được thiền sư hỏi thì sa-môn trả lời : “ngồi thiền để thành Phật “ . Thiền sư không nói gì, lấy hòn gạch mài xuống đất bên cạnh sa-môn . Sa-môn hỏi : “mài gạch làm gì ?” . Thiền sư đáp :”để làm gương” . Sa-môn nói :”làm sao mà thành gương được !” . Thiền sư nói :”mài gạch không thành gương được thì tọa thiền sao thành Phật được .”.

Đối với Thiền tông, chủ trương là : “Chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật “ chứ không phải là tọa thiền suốt ngày . Đây là Thiền đốn ngộ .

Sa-môn nói trên đây sau là thiền sư Mã Tổ, hết sức nổi tiếng, thuộc dòng Hoài Nhượng .

250 – Tôi cũng không khác gì đạo hữu đâu, coi mấy câu chuyện nhà Thiền, chẳng hiểu chi ráo trọi . Mấy ông Thiền sư hành động, ăn nói kỳ quặc, không những là gàn dở mà có khi phạm thánh nữa, vô lễ đối với Phât . Ông thì quát, ông thì đánh,ông thì véo mũi, lại có ông chẻ tượng Phật ra, làm củi đun nước pha trà mà uống . Ghê nữa là ông nào đó tuyên bố rằng : “nói chữ Phật xong, phải xúc miệng ba ngày “. Đạo hữu nghe, có giật mình chăng ? Hỏi ra thì đơn giản lắm : đối với các vị đó, Phật chỉ là một phương tiện để đi đến giác ngộ . Nếu giác ngộ rồi mà còn bám vào Phật nữa thì bị vướng vít . Qua bờ bên kia rồi, không dại gì mà vác cái bè trên vai, phải bỏ cái bè mà đi thong dong chứ . Đạo hữu ơi, mấy vị đó đắc quả rồi, mới thế chứ, còn người phàm chúng ta thì “sức mấy” .

251 – Tôi nghĩ rằng câu chuyện về niệm Phật mà đạo hữu nói đó có tính cách khuyên bảo nhiều hơn là thật . “Có một người kia, chăm niệm Phật, lúc chết được vãng sanh Tây phương Cực lạc . Người ấy về báo cho nười thân hay rằng ở trên đó có rất nhiều hoa sen trong ao bảy báu . Khi một người bắt đầu niệm Phật thì có một bông sen hiện ra . Những bông đẹp là thuộc về những người chăm niệm Phật . Những bông hoa ủ rũ là của những người lười biếng, giải đãi . Nếu hoa héo đi là người nào đó bỏ niệm Phật rồi “.

Quả thật, trong kinh có nói rằng mỗi người niệm Phật khi vãng sanh thì từ một bông hoa sen mà hóa sanh (hoa khai kiến Phật, kiến chư Bồ-tát = hoa nở thấy Phật, thấy các Bồ-tát). Tôi cho rằng câu chuyện mới kể này có mục đích khuyến khích người ta chăm chỉ tu theo pháp môn niệm Phật . Thiếu gì người nghĩ rằng lúc gần chết, niệm một hơi mười niệm là có đức Di-Đà và thánh chúng đến rước ! Lại còn có người nghĩ : Ai làm bậy, lúc gần chết thì niệm Phật cũng kịp mà ! Lý luận như vậy hỏng quá, lý do đơn giản là : chưa kịp niệm đã chết .

252 – Nam Phương là một dòng thiền Việt Nam do thiền sư người Ấn (Thiên Trúc) tên là Vinitaruci (Tì-ni-đa-lưu-chi ) đến nước ta năm 580 lập ra . Thường gọi là dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi . Quan Bích là một dòng thiền khác ở Việt Nam do Thiền sư Tàu Vô Ngôn Thông đến nước ta năm 820 lập ra . Thường gọi là dòng thiền Vô Ngôn Thông .Còn một dòng thiền thứ ba nữa gọi là dòng thiền Thảo Đường . Thảo Đường là tên một nhà sư Tàu đang du hóa ở Chiêm Thành khi quân của vua Lý Thánh Tông sang đánh Chiêm Thành năm 1069 . Quân ta bắt được nhiều tù binh trong số đó có nhà sư Thảo Đường . Vua Lý cho phép lập dòng thiền Thảo Đường . Về sau, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Hương Vân đại đầu đà (vua Trần Nhân Tông) làm sơ tổ là một dòng thiền hoàn toàn Việt Nam

253 – Vào cuối thế kỷ thứ II, viên thái thú nhà Đông Hán bên Tàu đang cai trị nước ta là Sĩ Nhiếp, người ta nói rằng ông ấy không phải là người độc ác như các thái thú khác, làm được việc tốt như cho dân lập trường dạy chữ …cho nên người Việt mình biết ơn, gọi là Sĩ Vương . Lúc ấy, bên Tàu có loạn, sĩ phu chạy sang lánh bên Giao Chỉ, đất thuộc quyền Sĩ Nhiếp . Đệ tử hai đạo Nho và Lão công kích đạo Phật . Có người Tàu tên là Mâu Bác viết cuốn Lý Hoặc Luận để bác ý kiến sai nhầm của họ . Dựa vào tài liệu ấy, người ta nói rằng Phật giáo tới Việt Nam từ thế kỷ thứ II, có thể là sớm hơn, bởi vì có những nhà sư Ấn Độ dùng đường biển đi qua nước ta, dừng lại truyền đạo rồi mới sang Tàu .

(còn tiếp)

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
………………………………………

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển ba

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú- Montreal 2010

Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca thành đạo, kể :

Đề tài ôn tập : 3. CÂU CHUYỆN ĐƯỜNG XA

– Đã mỏi chân chưa con? Nhà sư già ân cần hỏi chú tiểu đồng đi theo sau.
– Bạch thầy, chưa ạ; Chú bé trả lời.
– Được, khi nào mỏi thì nói với thầy, ta sẽ nghỉ một lát. Từ sáng đến giờ, không thấy con nói chi, ta e con mệt nên hỏi như vậy. Có gì suy nghĩ thế con?
– Bạch thầy, ngày hôm qua, thầy và con nghỉ tại chùa Vân Am, ở đó đang làm lễ kỷ niệm ngày Đức Bổn Sư thành đạo. Từ tối qua đến nay, con vẫn suy nghĩ tự hỏi Đức Bổn Sư thành đạo là thế nào? Vì mải nghĩ nên con không nói gì. Vả lại, con nghĩ lông bông lắm, không có gì mạch lạc, vì thế con lại càng lẩn quẩn thêm. Thầy mở lòng từ bi giảng cho con nghe.
Vị sư già yên lặng, quay lại nhìn chú tiểu đồng. Từ khi theo thầy đi đây đi đó, chú đã học hỏi được khá nhiều, ít khi học trên sách vở mà phần nhiều là qua lời chỉ dạy vắn tắt nhưng rành rẽ của nhà sư.
– Ừ, thầy nói cho con nghe. Dưới gốc cây bồ-đề, đức Thế Tôn ngồi thiền. Trước đó, Ngài đã theo hai ông thầy để học đạo, rốt cuộc không được như ý, phải bỏ đi, tự mình tìm lấy. Một ngày kia, tia sáng lóe ra trong đầu óc Ngài, Ngài đã tìm được Chân lý, Ngài đã thành đạo.
– Bạch thầy, tìm được Chân lý là thế nào?
– Nói dài, con có nhớ được chăng?
– Con xin cố gắng.
– Thế này. Đức Thế Tôn tham thiền, nhập định, suy nghĩ về vạn sự vạn vật, về vũ trụ, về nhân sinh, nhất là về nhân sinh, tức là về đời người. Ngài đã thấy rõ “cuộc đời là bể khổ”. Con còn nhớ các điều khổ tóm tắt ra sao không?
– Dạ có, chú bé nhanh nhẹn trả lời. Mọi thứ khổ tóm lại chẳng qua 8 điều: sinh, già, bệnh, chết, cầu chẳng được, ưa mà xa, ghét mà gần, năm ấm khổ. Bạch thầy đúng, cuộc đời là bể khổ. Con nhớ thoang thoáng hình như có lần Đức Thế Tôn thuyết pháp xong rồi, có đến mấy chục vị tì kheo tự vẫn.
– Không phải, đó là sau khi nghe thuyết về tấm thân xác này là túi chứa đồ dơ. Mấy vị tì kheo đó không hiểu, đi hủy cái túi chứa đồ dơ đó bằng cách tự vẫn. Thật ra “quán thân bất tịnh” là nhằm mục đích phá ái dục. Khi Ma Vương cho con gái thật đẹp đến phá Đức Phật, Ngài nạt rằng: “Túi da chứa đồ dơ kia, hãy đi mau!” Thế là bọn họ mắc cỡ, đi mất!
– Bạch thầy, tìm thấy rằng “đời là bể khổ”, nhưng đã là chân lý chưa?
– Đâu phải! Thiếu gì người biết rằng đời là bể khổ, nhưng Đức Thế Tôn biết nguyên do sinh ra khổ, biết cách chấm dứt sự khổ. Điều ấy mới là quan trọng. Nguyên do sinh ra khổ là ái dục, lòng yêu thích, lòng ham muốn, là vô minh. Muốn chấm dứt khổ thì cắt ái dục đi, dứt vô minh đi.
– Bạch thầy, như vậy là đơn giản lắm. Nhưng, làm cách nào mà cắt ái dục được, dứt vô minh được?
– Đức Thế Tôn chỉ cách: hãy thi hành tám đường chánh. Là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Con nhớ ra rồi. Thầy vừa mới nhắc lại Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
– Đúng đó. Khi Đức Thế Tôn nói pháp, làm gì có sách vở ghi chép nên muốn dễ nhớ người ta hay dùng con số. Tứ Diệu Đế là Khổ đế (nói về khổ), Tập đế (nguyên nhân của khổ), Diệt đế (diệt khổ), Đạo đế (đường thoát khổ).
– Xin thầy giảng cho con nghe về Bát Chánh Đạo.
– Con đang hỏi ta về sự thành đạo của Đức Thế Tôn. Đến lưng chừng con muốn quẹo sang nẻo khác, thế thì làm sao rõ được đề tài. Học về Bát Chánh Đạo, tức là Bát Thánh Đạo hay Trung Đạo, phải một buổi khác chớ!
– Xin vâng. Bạch thầy, nếu chỉ có thế thì Đức Thế Tôn là một nhà luân lý học.
– Không hẳn như vậy. Trong pháp của Ngài thiếu gì chỗ bàn về luân lý, nhưng dó không phải là điểm chánh. Điểm chánh, Ngài nói rõ rồi: “Như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Giải thoát khỏi cái gì? Khỏi vòng sanh tử luân hồi.
– Bạch thầy, thế nào là Sinh Tử Luân Hồi?
– Đây lại là một sự thật, một chân lý mà Đức Thế Tôn đã giác ngộ. Ngài dạy rằng: Tất cả mọi sự việc ta làm, nói và nghĩ, tốt hay xấu, không tốt không xấu, đều tích lũy lại thành một thứ gọi là nghiệp. Cái nghiệp này sẽ quyết định những gì ta được hưởng thụ hoặc phải hứng chịu ở các kiếp sau. Cũng như ngày nay, những gì mà ta gánh lấy là do nghiệp ở các kiếp trước đem lại. Chính cái nghiệp này làm cho con người sinh tử mãi, chết kiếp này, sống sang kiếp khác, cái nghiệp không dứt nên chìm đắm trong vòng luân hồi.
– Như vậy có phải là Luật Nhân Quả không?
– Do Luật Nhân-Quả, nhân nào quả nấy, nên mới có nghiệp. Nhân này sinh ra quả này; quả này lại làm nhân mới, sinh ra quả mới, cứ thế hoài. Cái nghiệp tích lũy lại đủ thứ, tốt, xấu, không tốt không xấu, mang nghiệp quả sang kiếp tiếp theo. Thân xác tan biến đi, thần thức mang cái nghiệp sang một kiếp sống mới.
– Con thấy có người tốt lắm mà sao lại khổ, và ngược lại có người xấu mà lại sướng.
– Có gì đâu, người tốt gây nhân lành, nhân lành sẽ gây quả lành; người tốt mà bị khổ là vì cái nghiệp xấu ở các kiếp trước đem lại kiếp này. Còn người xấu kia gây nhân ác, nhân ác sẽ gây quả ác, sau sẽ ráng chịu, còn như kẻ ác mà đang hưởng sướng là vì nghiệp lành các kiếp trước còn rớt lại.
– Bạch thầy, như vậy ai làm nấy chịu, ai tu người đó hưởng. Con vẫn nghe: “Phúc đức tại mẫu”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Như vậy “cha làm” mà con chịu!
– Thuyết nhân quả của Nhà Phật gọi đủ là thuyết nhân duyên quả báo. Nhân, thầy đã nói rồi. Duyên là những cái phụ vào để cho nhân thành ra quả, y như nước, phân bón, ánh nắng v.v… giúp cho hạt lúa nẩy mầm mọc thành cây lúa, cho hạt lúa vậy. Người mẹ kia ăn ở hiền lành phúc hậu, tạo ra cái khung cảnh tốt trong gia đình, người con nhờ duyên đó mà noi theo các điều lành, gây nghiệp lành cho chính mình, thế gọi là “phúc đức tại mẫu”. Có thể nói thêm phúc đức tại phụ, tại huynh đệ, tại vua quan được lắm chứ! Còn như người cha tàn ác, làm gương xấu cho con theo, đem cái duyên đến cho con làm ác, con làm ác thì gây nghiệp ác, “khát nước” là phải rồi. Tuy vậy, nếu người con biết suy nghĩ, có nghị lực thì có thể phản ứng lại, gây duyên lành để cho cha hồi tỉnh. Có gì cấm đoán điều đó đâu? Có gì bắt buộc gặp cảnh nào thì chịu theo đó đâu; đem chánh kiến, chánh tư duy ra để biết, rồi làm chánh nghiệp, tức là gây nghiệp tốt, thế là hiểu bát chánh đạo chứ còn gì.
– Bạch thầy, thế là Đức Phật đã tìm ra chân lý và chân lý đó có nhiều định luật. Nay con đã biết luật nhân quả, chính luật nhân quả đã tạo ra cái nghiệp, chính cái nghiệp làm cho con người luân hồi, kiếp sau làm người khác.
– Đại khái là như thế. Nhưng cẩn thận. Không chắc kiếp sau làm người khác đâu. Có 6 đường cho kiếp sau: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, thiên, ba đường kể trước là ba đường ác, tức là ác đạo. Ba đường sau là ba đường lành, tức là thiện đạo. Có 4 đường nữa là thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. Đó là bốn thánh đạo của những bậc đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
– Đức Phật nhìn thấy đủ 10 cảnh giới, chúng ta chỉ thấy có một cảnh giới là cảnh người. Những ai thiếu lòng tin có thể lý luận rằng đức Thế Tôn đã tưởng tượng ra như vậy. Ngài dùng phép gì mà thấy?
– Có 5 loại mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Nói là mắt cho dễ hiểu, chắc đâu phải là mắt. Đó là sự biết, sự hiểu biết, một khả năng để biết, theo trình độ giác ngộ tiến lên dần dần cũng như người đi học ngoài đời qua bậc tiểu học rồi lên trung học, đại học vậy. Chưa nên nói về chỗ này ngay bây giờ, sợ lạc đề. Chúng ta tiếp tục: đức Thế Tôn nhận thấy cuộc đời là bể khổ và chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát. Để thoát khổ, phải hành Bát Chánh Đạo, và còn nhiều đường nữa, gọi chung là 37 phẩm trợ đạo trong đó gồm luôn Bát Chánh Đạo. Trước khi, hay khi tu hành như vậy, phải hiểu thêm các lý, vì hành thuộc về phần sự, Lý và Sự phải đi đôi.
– Bạch thầy, đó là những lý nào?
– Tóm tắt lại, Đức Thế Tôn dạy về khổ, vô thường, vô ngã, không, niết-bàn và thực tướng. Ngài thành đạo là vì đã thấu suốt hết các lý đó, đem ra ứng dụng để thành Phật.
– Xin thầy giảng ngắn cho con nghe các lý đó.
– Trên đây, đã nói tứ diệu đế, phần niết-bàn nằm trong diệt đế. Ở đời, chẳng có gì là bền vững, từ trái núi to lớn kia cho đến con vật nhỏ li ti dưới nước. Cái gì cũng thay đổi, có thứ thay đổi từng giây từng phút, có thứ phải cả thế kỷ mới thay đổi, nhưng cái gì cũng thay đổi. Đó là lý vô thường. Đã biết vô thường thì đừng có tham đắm làm chi; không tham đắm thì khỏi khổ, đơn giản quá phải không? Còn như vô ngã, nôm na là “không có ta”. Quả là rắc rối! Cái ta sờ sờ ra đây mà nói rằng không có ta, như thế có vẻ gàn. Nhưng, phân tích cho cùng, cái ta đây chỉ là một sự kết hợp của xương thịt tức phần vật chất hay sắc, với mấy thứ nữa là thọ, tưởng, hành, thức, tức phần tinh thần. Mấy thứ đó không kết hợp nữa thì không có cái ta. Biết không có ta thì hết ích kỷ, hết nghĩ đến “ta”, “của ta”, danh lợi, tiền tài, ta và người, ta và chúng sinh, ta và vạn vật là một. Là một thì phải thương yêu, do đó lòng từ bi phát sinh, từ bi là một trong hai đức căn bản từ bi và trí tuệ của Phật giáo.
Nói vậy thì dễ nhưng thực hành vô cùng khó khăn. Hiểu được lý vô ngã đã khó mà hành được lý vô ngã còn khó hơn nhiều. Còn lý Niết-bàn là như thế này: không phải Niết-bàn là một nơi chốn sung sướng như người ta nói thiên đàng đâu. Người đạt đến Niết-bàn là người diệt được tham, sân, si tức tam độc, thực hiện được lý vô ngã và thoát khỏi sinh tử luân hồi.
– Bạch thầy, ai, cái gì vô Niết-bàn?
– Lúc chết rồi, thần thức đầu thai sang kiếp khác, đó là trường hợp thông thường. Còn như việc nhập Niết-bàn, cái gì nhập Niết-bàn, thầy chưa học đến chỗ đó. Tuy vậy, không nên nói “nhập Niết-bàn” mà nên nói “chứng ngộ Niết-bàn”. Niết-bàn là một tình trạng của tâm, không phải một nơi chốn. Các bậc tu hành chứng ngộ Niết-bàn chỉ các bậc đó mới biết, không có chữ để tả ra được, vì thế ai tu đến mức đó mới biết, phải chính mình chứng, không ai kể ra được sự chứng ngộ đó bằng ngôn ngữ thông thường.
– Bây giờ con mới hiểu thế nào là “đạo bản vô ngôn thuyết” và trong kinh Kim Cương có đoạn ghi “Là không thể nói được”. Con nghĩ rằng đến chỗ đó thì quả là “không thể nói được”.
– Phải đó. Cái chân lý của phàm phu chúng ta gọi là tục đế. Cái chân lý của các bậc thánh gọi là chân đế hay đệ nhất nghĩa đế. Đến mức này là mức tuyệt đối, thoát ra ngoài cảnh tương đối rồi, nên không còn thiện ác, thánh phàm, vì thế mới nói “Niết Bàn tức phiền não, Phật tức chúng sinh”. Khi nào học kinh cần phải chú ý đến hai loại chân lý đó thì mới không bị hoang mang. Bát-nhã Tâm Kinh ghi: “vô trí diệc vô đắc”, rồi ngay dưới lại ghi “đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”. Mới nghe thấy mâu thuẫn “vô đắc rồi lại đắc”, nhưng phần trên là đệ nhất nghĩa đế, phần dưới là tục đế!
– Bạch thầy, xin cho con vài chữ về thực tướng.
– Trong Kinh Thập Thiện, đức Thế Tôn đại ý bảo Long Vương rằng: các loài trong đại hải này hình tướng khác nhau rất nhiều. Đó là mới nói đến các loài cá, cua, tôm, sò v.v… dưới nước, nếu nói mọi chúng sinh thì hình tướng khác nhau cả. Ngay như người ta trong cõi đời này, có ai giống hệt ai đâu? Đó là nói về hình tướng, tức là cái hình thức bên ngoài. Nhưng, theo đức Thế Tôn, tất cả đều có chung một bản thể, một thứ không nhìn thấy được, bản thể đó có nhiều tên để gọi, tùy theo kinh sách. Có nơi gọi là Phật tánh, là Di Đà tự tánh, là Chân tâm, tâm Chân như, Bổn lai diện mục v.v… tất cả các tên đó chỉ là tạm, không mô tả ra được cái bản thể. Bản thể đó bao trùm tận hư không, cái đó là có thật, các hình tướng tuy có nhưng chỉ là giả thôi, vì thế cái bản thể ấy được gọi là thực tướng. Tóm lại, hình tướng thì khác nhau, nhưng thực tướng là một. Biết vô ngã, biết vô thường là mới biết về hiện tượng. Biết thực tướng mới là biết về bản thể. Gọi cho dễ hiểu, dễ tưởng tượng, người ta dùng danh từ Pháp thân Phật. Nhập Niết-bàn, chứng ngộ Niết-bàn là hòa vào Pháp thân đó, tan vào bản thể của vũ trụ, và như vậy sẽ thường trụ khắp nơi và sẽ “là” tất cả. “Là” tất cả nên biết tất cả, do đó mới gọi là Phật nhãn, do đó mới hiểu Phật có khắp nơi và có mọi lúc. Thầy trò mình hàng ngày niệm Đức A-Di-Đà, sự thật là chúng ta niệm Pháp thân Phật đó, vì Đức A-Di-Đà là gì? Ngài Vô-lượng-quang (chiếu khắp nơi) và Vô-lượng-thọ (lúc nào cũng có), chẳng phải chính là Pháp thân Phật đấy ư?
– Bạch Thày, tu Phật là nhằm mục đích gì?
– Nhằm đạt đến Pháp thân Phật.
Xa xa, mái chùa Pháp Hoa đã hiện ra, sắp tới nơi nghỉ, nhà sư không nói thêm nữa, chú tiểu sốc lại gói hành lý trên vai, yên lặng mà bước, mắt hướng về chùa. □

………………………..

Đề tài ôn tập :

Quyển 1 -Bài 30. PHẬT TÁNH
Chúng ta hay được nghe nhắc đến câu: “Ai ai cũng có Phật tánh” [thật ra trong kinh Phạm Võng, câu đó có nghĩa rộng hơn, như sau: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Tất cả chúng sanh đều có tánh giác ngộ nơi mình”; theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn]. Nói nhiều lần rồi quen đi, nhưng tôi vẫn không hiểu kỹ Phật tánh là gì.
Khi tụng kinh Phổ Môn, đến câu “nguyện cho con sớm được đồng thân Pháp tánh” tôi thắc mắc thế nào là Pháp tánh, có khác Phật tánh không, tại sao nói “đồng thân”? Và trong mấy chữ “tu tâm dưỡng tánh” thì tánh này là gì?
Nghe nói về tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và Thiền tông, lại biết câu: “kiến tánh thành Phật”, tôi tự hỏi “tánh” là gì, có khác “tâm” không. Chắc quý vị cũng muốn hiểu một chút như chúng tôi, cho nên tôi tra cứu trong vài cuốn sách để tìm tài liệu.
Trước hết, chúng ta bỏ ra ngoài chữ “tánh” nói thường ngày: tánh nóng nảy, tính trầm lặng, tính hồ đồ, tính bốc đồng, tính dữ tợn, tính hiền lành v.v … Đó là nói về tánh nết, tánh người.
Rồi chúng ta phân biệt hai chữ Pháp tánh và Phật tánh. Pháp tánh là một thứ gì đó mà đạo Phật nói rằng thấm nhuần vạn sự vạn vật, còn Phật tánh thì chung cho chúng sinh. Vậy thì hơi có sự khác nhau giữa hai chữ đó. Tuy nhiên trên thực tế, không thấy phân biệt gì lắm, trừ khi muốn nhấn mạnh. Muốn “đồng thân Pháp tánh” là muốn “nhập” vào cái Pháp tánh đó, nôm na là muốn thành Phật, muốn lên Niết-bàn. “Người ta cũng dùng chữ Pháp tánh để gọi Niết-bàn của Phật, vì nó là cái thể tánh thường trụ chẳng biến đổi” (Đ.T.Còn) [Niết-bàn của Phật là rốt ráo, cao hơn Niết-bàn của các vị thanh văn chẳng hạn].
Bắt gặp chữ “thể tánh” vừa rồi, tôi tìm ngay cuốn Thế giới quan Phật giáo của HT Thích Mật Thể, và thấy: “Đi vào Phật giáo, ta thấy có hai nguyên lý căn bản:
1/ Hết thảy hiện tượng đều chuyển biến vô thường 2/ Bản thể bất sinh bất diệt.”
Thật là gọn, thật là rõ, hay quá. Phật tánh mà chúng ta nghe nói luôn luôn đó chính là cái bản thể mà HT Mật Thể vừa nêu ra. Vậy quý bạn thanh niên ở đây chắc vui bụng, các phénomènes thì vô thường, còn essence của chúng là bất sinh bất diệt. Nếu các bạn cần cho người Canadien ở đây nghe một chút thì không cần dùng chữ nature-de-Bouddha tiếng Pháp (hay chữ Buddha-nature tiếng Anh), nên dùng chữ essence, hay chữ noumène. Nói rằng họ có nature-de-Bouddha thì chắc họ không thích vì họ có phải là bouddhistes đâu!
Đạo Phật lấy một hình ảnh rất hay như sau: Tất cả các hiện tượng trên thế gian khác biệt nhau, được ví với muôn vàn ngọn sóng trên mặt đại dương. Bao nhiêu sóng đó có một thứ chung, đó là nước. Nước dụ cho bản thể. Cần nhấn mạnh thêm vào lập trường sau này của đạo Phật: sóng và nước không rời nhau, nghĩa là chớ tách riêng hai thứ hiện tượng và bản thể, chúng là hai mặt của một đồng tiền, có cái này là có cái kia. Sở dĩ cần nói vậy vì ở ngoài đời có phái cho rằng bản thể có trước, có phái cho rằng hiện tượng có trước.
HT Mật Thể viết tiếp: “Bản thể ấy, Phật giáo gọi là Tâm. Chớ hiểu lầm chữ tâm theo nghĩa chật hẹp của triết học là tinh thần chủ quan sinh ra vũ trụ khách quan, lại không nên hiểu lầm tâm là ý tưởng thuần túy của nhà triết học duy tâm Hégel là ý niệm của cộng đồng khách quan. Theo nghĩa của Phật giáo, tâm là ‘bản thể chung của vũ trụ’.” … “Chỉ có một bản thể bình đẳng như nhất, Phật giáo thường gọi bản thể này là ‘chân không’ hay ‘không tướng’, như trong Bát-nhã tâm kinh nói ‘ thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt’ nghĩa là ‘tướng chân không của các pháp (= hiện tượng) không sinh không diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘ thể tính của cái sắc bản nhiên trong sạch trùm khắp pháp giới (= vũ trụ) ”.
Nói một chữ tâm không thôi thì dễ hiểu lầm, cho nên người ta phải dùng chữ kép “chân tâm” hay viết theo kiểu mới Tâm với chữ T hoa, T lớn. Cái tâm mà chúng ta nói đến hàng ngày, cái tâm “con vượn chuyền cành” của người phàm như chúng ta thì được gọi là vọng tâm hay chúng sinh tâm.
Bây giờ đến một thắc mắc: “Phật tánh là bản thể. Làm sao mà thấy? Không tai nghe mắt thấy thì tin sao được! Nếu cứ bắt công nhận mà không chứng minh thì đúng là ‘giaó điều’ mất rồi.”. Câu hỏi này hay lắm vì nó bộc lộ điều thắc mắc của một số đông. Bản thể là một cái gì tuyệt đối, không dùng ngôn ngữ nơi thế gian tương đối của chúng ta (đen trắng, xấu đẹp, cao thấp, ngày đêm, yêu ghét …) mà mô tả được, vì thế Tâm kinh đưa ra một loạt những phủ định “không thêm không bớt, không nhơ không sạch, không sinh không diệt…”. Người ta còn trích dẫn câu đầu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử nói về Đạo của Lão Giáo: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”, Đạo mà đem ra nói được thì không còn là Đạo thường nữa.
“Này chư tỳ-khưu, chính Như Lai cũng đã chịu cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Nhưng Như Lai đã sớm nhận thức đặc tánh vô thường của vạn pháp, thấy rằng tất cả đều phải chịu chung cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Vì nhận thấy như vậy, Như Lai đi tìm trạng thái tuyệt đối châu toàn, vô sanh bất diệt, không bệnh, không già, không phiền não, không nhiễm ô và Như Lai đã thành tựu đạo quả Niết -bàn, không sanh, không chết, không phiền não, không nhiễm ô. Như Lai đã thấy và đã chứng nghiệm. Như Lai đã hoàn toàn giải thoát. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai và khi nhập diệt rồi, Như Lai không còn trở lại nữa” (Lời Phật dạy).
Điều ấy chưa đủ thuyết phục các bạn trẻ, được huấn luyện trong duy lý và thực nghiệm, trong khi sự chứng Niết-bàn đòi hỏi sự tu hành đắc trí huệ bát-nhã khác hẳn phàm trí. Cái trí do thiện tri thức, thày, tổ, Phật luyện cho mà có gọi là trí hữu sư, có thấy tánh cũng chỉ phần nào thôi; cái trí do mình tu hành cao mà được gọi là trí vô sư, có cái trí này mới thấy tánh một cách trọn vẹn. Dùng lý luận thì không thấy tánh, dùng trực giác ở một độ cao nào đó thì thấy tánh, lúc ấy gọi là ngộ; ngộ một phần gọi là giải ngộ, ngộ toàn phần gọi là chứng ngộ; ngộ thì tự mình biết. Ai ăn thì người đó no, tả cho người khác thì chỉ tàm tạm thôi, khi nào chính cái người khác đó no thì người ấy biết. Xưa kia nghe nói “lạnh thấu xương”, nay tới Canada không cần ai mô tả cũng biết thế nào là lạnh! Chính mình trực tiếp với cái lạnh mà.
Chúng ta lại đi tìm thêm. Trong sách Yếu chỉ Thiền tông, HT Thích Thanh Từ giảng như sau: “Giác tánh (hay tánh giác) và chân tâm là hai tên mà một thể. Nhận ra chân tâm là thấy giác tánh. Vọng tâm là tâm phức tạp, dao động, không thực. Chân tâm là tâm chân thực, không dao động, thường hằng … Lấy thí dụ về mắt, mắt thấy cảnh, cảnh đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái thấy không đổi. Có cảnh thì mắt thấy cảnh, không cảnh thì mắt thấy không cảnh, cảnh khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng có. Mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy sáng thấy tối là do sự mở nhắm của con mắt, chớ không can hệ gì đến cái thấy. Ví như bóng đèn với điện. Gắn bóng thì sáng, bỏ bóng thì tối. Sáng, tối do bóng đèn gắn vào hay tháo ra, không can hệ gì đến điện. Cái thấy không thuộc về cảnh, không thuộc về con mắt, nó chính là tâm, vì có thấy là có biết, biết tức là tâm. Lấy thí dụ về tai: tiếng có đến trăm ngàn nhưng cái nghe vẫn là một, cái nghe quả thực là tâm. Thế là tâm thấy, tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi chúng ta. Nhưng tối kỵ khi có ý thức hợp tác với nó, vì ý thức là cái so lường phân biệt, luôn luôn biến động không dừng.
Tuy nhiên, có một cái gì bên trong chúng ta nó theo rõi được sự rong ruổi của ý thức, nó thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng. Cái biết được vọng, nó không phải là vọng, nó chính là tâm vậy. Vọng dấy lên là do vin theo bóng dáng trần cảnh, nó do nhân duyên, có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng vin theo trần cảnh, không thuộc nhân duyên, nó thường hằng, bất biến, chân thực, nó chính là chân tâm.
Vì thể nó rỗng lặng nên gọi là Pháp thân thanh tịnh, thể này hằng giác tri nên gọi là Phật tánh, chân tâm. Mắt tai mũi lưỡi thân ý đều hiển lộ tánh giác nên nơi mắt gọi là tánh thấy, nơi tai gọi là tánh nghe, nơi mũi gọi là tánh ngửi, nơi lưỡi gọi là tánh nếm, …. sáu nơi để sáu chữ giác đứng đầu, tất cả đều do tánh giác phát ra. Trên dụng, dường như có sáu, bản thể vẫn là một. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Từ một tinh minh sinh sáu hòa hợp’… Các thiền sư thường dùng xảo thuật để làm cho đệ tử nhận ra tánh giác của mình qua biểu hiện ở sáu căn, đặc biệt ở hai căn dễ nhận nhất là mắt và tai….” □
[Trích dẫn không trung thực trăm phần trăm,vì chúng tôi đã cắt ngắn đi vài chỗ].

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú-Montreal 2010

………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics