Hoăng Hữu NVP:1.Nói về địa ngục-2.Bồ Tát Địa Tang,-/3.Quảng Tánh:Dục như mật ngọt ..

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 2 -Montreal 2010

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú .

Đề tài ôn tập: Bài 17-Nói về đạ ngục .

Một ngôi chùa Nhật(Hình trên Net)

Cách đây mấy tuần, chúng ta đã tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bản Nguyện, thường được gọi ngắn là kinh Địa Tạng. Kinh này khá dài, gồm ba quyển : quyển Thượng (có 4 phẩm), quyển Trung ( có 5 phẩm) và quyển Hạ (có 4 phẩm). Như vậy là có tất cả 13 phẩm.
Cũng như các kinh khác, kinh này bắt đầu bằng đoạn: “Tôi đã nghe như vầy: Một thời kia, đức Phật nói pháp cho thân mẫu nghe ở trên cung trời Đao-Lợi”. Điều đáng chú ý là “đức Phật nói pháp cho thân mẫu”; có người đã dựa vào chi tiết này để nói lên lòng hiếu của đức Phật và dựa vào chữ hiếu đó để khai triển các ý trình bày trong kinh.
Hôm nay, chúng tôi căn cứ vào phẩm 5 để nói về địa ngục. (1)
Theo quan niệm về tái sinh của đạo Phật thì sau khi chết, con người tùy theo nghiệp nặng nhẹ xấu tốt mà tái sinh vào một trong sáu cảnh giới : địa ngục, ngạ quỷ (quỷ đói), súc sinh (loài vật), a-tu-la (một loại thần), người (nhân), thiên (sống trên các từng trời). [Các bậc thánh – thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật – thì thoát khỏi sinh tử luân hồi]. Sau khi hết các quả báo tốt hay xấu thì lại tái sinh, vì thế nếu có bị đọa địa ngục thì đến một lúc nào đó cũng có thể thoát ra được (trừ trường hợp tội quá nặng như sẽ nói sau đây).
Những ai phải đọa địa ngục? Là những người phạm các tội ngũ nghịch hoặc tội thập ác. Ngũ nghịch là: 1) giết cha  2) giết mẹ  3) giết a-la-hán  4) phá hòa hiệp tăng  5) đâm chém Phật chảy máu. Sẽ bị đọa vào năm địa ngục vô gián (ngũ vô gián địa ngục, vô gián nghĩa là không gián đoạn, khổ sở liên tục, không biết đến khi nào ra). Nguyện thứ 18 trong số 48 nguyện của đức Phật A-Di-Đà  đã nói : Nếu tôi được làm Phật, thì chúng sinh mười phương chí tâm tín lạc, muốn sinh về nước tôi, cho đến mười niệm mà chẳng sinh, thì tôi chẳng giữ ngôi chính giác. Chỉ trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, gièm pha chính giác (mười niệm nói đó là mười niệm Phật).
Thập ác là : 1) sát sinh  2) trộm cắp  3) tà hạnh  4) nói dối  5) nói lời nhơ nhớp   6) nói lưỡi hai chiều   7) nói lời ác độc   8) tham  9) sân  10) si (tà kiến). Đó là ba ác nghiệp về thân, bốn ác nghiệp về miệng và ba ác nghiệp về ý.
Theo kinh Địa Tạng thì: về phương Đông của cõi Diêm-Phù-Đề, có núi Thiết Vi (Thiết = sắt, Vi = bao bọc xung quanh, Thiết Vi = núi bao bọc bằng sắt) trong đó tối om, ánh sáng mặt trời mặt trăng không soi tới. Trong núi ấy, gồm những địa ngục lớn, nhỏ. Địa ngục lớn là địa ngục Vô Gián tại đó cực hình không lúc nào dừng; địa ngục A Tỳ nơi không thể ra khỏi, và các địa ngục Tứ giác (Bốn sừng, Bốn góc), Phi đao (Dao bay), Hỏa tiễn (Mũi tên lửa), Giáp sơn (Núi ép), Thông thuơng (Dáo nhọn đâm lủng), Thiết xa (Xe sắt), Thiết sàng (Giường sắt) , Thiết Ngưu (Bò sắt), Thiết y (Áo sắt), Thiên nhẫn (Ngàn mũi nhọn), Thiết lư (Lừa sắt), Dương đồng (Biển nước đồng sôi), Bảo trụ (Ôm cột đồng nung đỏ), Lưu hỏa (Lửa táp), Canh thiệt (Cày lưỡi), Tỏa thủ (Chặt đầu), Thiêu cước (Đốt chân), Đạm nhãn (Móc mắt), Thiết hoàn (Viên sắt), Thanh luận (Cãi vã), Thiết thù (Trái cân sắt), Đa sân (Nhiều giận). Lại còn các địa ngục Khiếu hoán (Kêu cứu), Bạt thiệt (Kéo lưỡi), Phẩn niệu (Cứt đái), Đồng tỏa (Khóa đồng), Hỏa tượng (Voi lửa), Hỏa mã (Ngựa lửa), Hỏa sơn (Núi lửa), Hỏa thạch (Đá lửa), Hỏa sàng (Giường lửa), Hỏa lương (Rường nhà lửa), Hỏa ưng (Chim ưng lửa), Cứ nha (Cưa răng), Bác bì (Lột da), Ẩm huyết (Uống máu), Thiêu thủ (Đốt tay), Thiêu cước (Đốt chân), Đảo thích (Đâm ngược), Hỏa ốc (Nhà lửa), Thiết ốc (Nhà sắt), Hỏa lang (Chó sói lửa) …
Đọc tên các địa ngục ấy, người ta có thể tưởng tượng ra các cực hình mà tội nhân phải chịu. Thí dụ: trong ngục Thiết hoàn, tội nhân phải nuốt những viên sắt nung nóng đỏ, trong địa gục Thiết lư, tội nhân phải ghép chung với lừa sắt đóng ách vào xe …
Nhiều người đọc kinh đến phẩm này nảy ra thắc mắc : Chết rồi, không còn thân xác, không còn cảm giác thì dù có nung nóng cột đồng rồi bắt ôm vào đấy thì lấy gì mà ôm cột, lấy gì mà thấy nóng? Về điều này, trước hết chúng ta hãy nói đến những người đi chùa lễ Phật, tuy chưa hiểu gì lắm về Phật pháp nhưng có lòng tin sâu đậm. Kinh dạy như thế, thì nhận như thế. Làm ác là gieo nhân ác; đã gieo nhân ác thì phải lãnh quả ác. Quả ác ghê gớm nhất là bị đọa vào địa ngục, địa ngục với bao nhiêu cảnh ghê sợ, mới chỉ nghe tên không thôi cũng đã ghê sợ rồi! Muốn tránh đọa vào địa ngục thì phải tránh làm điều ác, mà phải làm điều lành. Một người làm lành, ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, … những người xung quanh. Cứ như thế, y theo lời kinh dạy mà tránh ác, làm lành. Rõ ràng đó là một khía cạnh tốt đẹp, tích cực của tôn giáo đối với con người và đối với xã hội.
Bây giờ, chúng ta bàn xa hơn. Bước thứ nhất, về câu hỏi tại sao không còn
thân xác mà ôm cột đồng nung đỏ lại thấy nóng bỏng?. Thì cứ nhớ lại các giấc mơ, đặc biệt là các ác mộng. Trong mộng, cũng lo sợ, hốt hoảng, đau đớn, khóc lóc …
Bước thứ hai, chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa ẩn sau các lời văn. Tất cả các địa ngục với tên xấu xí mới kể trên đây đều ở trong núi Thiết Vi, núi này tối om, ánh sáng mặt trời, mặt trăng không chiếu tới. Đây là kinh muốn nói tới sự tối tăm, dốt nát, mờ mịt … đó chẳng qua là vô minh, nhân tố đầu tiên của thập nhị nhân duyên ! Con người ta khi đã bị vô minh xâm chiếm thì tâm hồn mờ mịt, không nhận ra chân lý, một chút chân lý cũng không thấy nổi; từ tư tưởng, lời nói cho đến hành động đều sai trái, từ đó mà gây vô lượng tội lỗi, chất đầy như núi, ấy là núi Thiết Vi vậy! Sao mà lắm thứ địa ngục thế? Chỉ vì tội lỗi của con người có rất nhiều loại. Nói khác, vô minh có rất nhiều thứ bậc . Vô minh cực kỳ sâu dầy, không thể thoát nổi, đó là địa ngục Vô gián. Vô minh khó thoát, đó là địa ngục A Tỳ. Có thứ vô minh bắt nguồn từ bốn thứ tình dục, sắc dục, dâm dục, thực dục; đó là địa ngục Tứ giác. Có thứ vô minh xúi người ta chém giết nhau, đó là địa ngục Phi đao. Có thứ vô minh làm cho người ta đau nhức như bị tên lửa bắn trúng (Hỏa tiễn), như bị dồn ép (Giáp sơn), như bị giáo đâm (Thông thương), như bị xe sắt cán (Thiết xa) …
Khi nghe kể những hình phạt ở các địa ngục thì chúng ta có thể tưởng tượng ra các nỗi thống khổ của những ai sống trong các tình trạng vô minh. Thí dụ như tham dục làm cho người ta ham muốn đến mức trong lòng như bỏng cháy, vì thế mới gọi là lửa tham. Tất cả đều do cái nghiệp của mỗi người. Do nghiệp mà cảm thọ như vậy. Địa ngục do ta tự tạo ra. Tránh đọa vào địa ngục cũng do chính ta.
Còn bước thứ ba thì sao? Đó là bài học để áp dụng vào việc tu hành. Tôi là kẻ sơ cơ mà nói tu hành, hẳn là không nói nổi. May sao, gần đây, tôi được lão đạo hữu Diệu Minh (cụ bà Trịnh Minh Cầu) tặng một số kinh sách, trong đó có quyển Địa Tạng mật nghĩa của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, in tại Saigon năm 1966. Xin thành thực đa tạ lão đạo hữu. Tôi đã đọc và nhờ đó trích được mấy đoạn. Đầu sách ấy, cụ Viên Pháp đã viết bài Thay lời tựa, đầu đề là Tôi đi nghe giảng kinh Địa Tạng, bài này viết năm 1957:
“Cụ Chánh Trí giảng đúng với giáo nghĩa của Đại thừa. Ngoài Tâm không pháp cho nên sự sự đều là tâm, vật vật đều là tâm. Tâm tác thiên đường, tâm tạo địa ngục. Tất cả đều do Một Tâm (duy Nhất Tâm), không gì ngoài nó. Cho nên có chúng sinh thọ khổ địa ngục nơi Tự Tâm thì Địa Tạng Bồ-tát cũng cứu độ trong Tự Tâm …
Đạo hữu Chánh Trí đã đem lại cho thính giả một niềm tin tưởng vững chãi, phấn tấn, vì mình có tự tin ở  mình có ông Bồ-tát biết dùng hạt minh châu Đại trí tuệ chiếu phá vô minh, tiêu trừ những nỗi lòng đen tối, cởi mở những quan niệm sai lầm, đập phá ngục tham, sân, si, ái … thì mình mới khỏi cầu ai xa lạ, viễn vông, vừa khó khăn, vừa không chắc, khỏi mắc phải cái tánh ỷ lại thần quyền, mơ hồ và tai hại”.
Tôi cho rằng cụ Viên Pháp bàn thật hay, song nghĩ lại, tôi thấy lo lo vì nếu tôi lễ Bồ-tát Địa Tạng thì liệu tôi có ỷ lại thần quyền chăng? May sao, ở cuối sách, cụ Chánh Trí đã giải đáp như sau : “Chẳng những nên lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường Bồ-tát Địa Tạng mà cần phải tiếp tục, nhưng với một tinh thần mới, một thái độ mới. Nên gắng ghi nhớ và thực hành mấy điều sau đây :
1. Thêm vào sự tin tưởng và lễ bái, việc đọc Kinh Địa Tạng.
2. Suy gẫm cho nhiều, cho sâu, những lời vàng ngọc của Phật.
3. Thực hành những gì Kinh dạy làm.
Thâm ý của đức Thế Tôn là đưa ra câu chuyện Bồ-tát để gây niềm tin nhân đó mà khuyến cáo về hậu quả tai hại của những việc chẳng lành, rốt cuộc dạy bảo những phương pháp khử ác tồn thiện. Vì vậy, phải chiêm ngưỡng, lễ bái để phát lòng tin, cần suy gẫm cho nhiều để thâm nhập giáo pháp của Phật về luật nghiệp báo nghiêm minh, chót hết cần phải thực hành những phương pháp tu sửa dạy rõ trong Kinh, nếu chúng ta thật tâm cương quyết thoát ly địa ngục và tự ban cho mình những phước lạc Phật hứa khả”.
Để kết thúc, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng lý nhân quả nghiệp báo là một chân lý của càn khôn vũ trụ, đức Phật không sáng tạo ra chân lý đó. Gây nhân thì hái quả, nhân lành thì quả lành, nhân ác thì quả ác. Đức Phật không dọa trừng phạt mà cũng không hứa khen thưởng. Địa ngục là do ta tự tạo ; để tránh được địa ngục cũng là do ta tinh tấn tu hành. Ngoài ra, nhìn vào thực tế, không phải đợi sau khi chết mới thấy địa ngục, ngay trong đời sống hàng ngày trên trái đất này, thiếu gì cảnh địa ngục mà người ta gọi là địa ngục trần gian. Địa ngục ấy ở ngay trong lòng mình, trong gia đình mình, trong khung cảnh làm việc của mình, trong xã hội của mình !
Có một triết gia phái Hiện sinh đã nói: Địa ngục, chính là kẻ khác (L’enfer, c’est les autres)! Đạo Phật dạy chúng ta rằng: Mình hãy quay vào trong mà xét mình, Mình phải gây nhân lành để gặt quả lành và tâm bình thì thế giới bình. □

======================

Bài 18- Bồ Tát Địa Tạng

Trong chùa chúng ta đây, nhìn lên chính điện, về bên phải bàn thờ Phật, chúng ta thấy bàn thờ Bồ-tát Quán Âm và về bên trái chúng ta thấy bàn thờ Bồ-tát Địa Tạng. Nhiều lần, ban Hoằng pháp chúng tôi đã trình bày về ngài Quán Âm, hôm nay xin nói chút ít về ngài Địa Tạng. Những điều sắp nói đây phần lớn được lấy ra từ kinh Địa Tạng.
Địa Tạng, tiếng Phạn ghi là Ksitigarbha, là một vị bồ tát ở cõi trời Đao-Lỵ.
Danh xưng : Địa tạng có nghĩa là an nhẫn, bất động như đại địa, tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Đó là lời giải thích ngắn gọn của HT Thanh Từ. Cụ Chánh Trí đi sâu vào chi tiết để nhấn mạnh vào mật nghĩa như sau: Địa nghĩa là đất, ý nói cứng rắn, sâu dày. Tạng hay tàng  nghĩa là cất giữ, cất dấu, chứa đựng – ý nói ngậm chứa tất cả. Vậy vị Bồ-tát nói trong Kinh không phải là một nhân vật lịch sử như đức Phật Thích-Ca, mà là một nhân vật tượng trưng, một tỷ dụ để chỉ cái Bản thể của chúng sinh. Bản thể ấy thường được biết dưới cái tên là Tâm. Tâm vô hình, vô tướng, không ai đập phá được cho nên nói là cứng rắn. Tâm không thể dò lóng, đo lường được cho nên nói là sâu dày. Tâm là cái vô cùng cực, ngoài Tâm không có vật gì hết, hay không một vật nào có được ngoài cái vô cùng vô cực, cho nên gọi là ngậm chứa tất cả.
Cụ Chánh Trí diễn giải như vậy, là vì cụ căn cứ vào bài xưng tán Bồ-tát Địa Tạng ở đầu Kinh: Chí tâm quy mạng lễ , U Minh Giáo Chủ Bổn tôn, Địa Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát, Khể thủ Từ bi Đại Giáo chủ, Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tàng …
Cụ Chánh Trí dịch là : Tôi hết lòng kính lạy, Đức Giáo chủ cõi U Minh, Đại Bồ-tát Địa Tạng Bổn tôn, Tôi cúi đầu trước Ngài là vị Đại Giáo chủ, mà trong danh hiệu, chữ Địa có nghĩa là , cứng rắn, sâu dày và ngậm chứa tất cả …
Tiền thân : 1. Dưới thời đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người con gái dòng Bà- la-môn dốc lòng sùng kính Tam Bảo. Mẹ cô đã không tin Tam Bảo mà lại còn khinh rẻ chê bai. Sợ rằng mẹ sẽ bị đọa vào ác đạo, cô hết lòng khuyên nhủ, nhưng không được. Sau khi mẹ chết, do lòng chí hiếu, cô gắng tạo phước lành rồi cô cầu xin đức Phật Giác Hoa cho biết mẹ cô sinh về đâu. Ngài dạy về nhà nhớ đến danh hiệu ngài thì sẽ toại nguyện. Cô được thấy cảnh địa ngục là nơi mẹ cô phải đọa. Nhờ phước đức của cô mà mẹ cô được sinh lên cõi trời. Trước cảnh khổ nơi địa ngục, cô đã phát nguyện:  Bao giờ địa ngục trống không, chúng sinh độ hết, thì cô mới thành Phật. Cô gái ấy chính là một tiền thân của đức Địa Tạng.
2. Dưới thời Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu, có một vị tiểu vương hết mực thương yêu dân, làm nhiều điều lành để mang lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên, dân nước này lại hung ác. Cho nên vị tiểu vương đã phát nguyện rằng nếu chưa độ hết những chúng sinh tội khổ chứng được quả bồ-đề, thì chính mình chưa thành Phật. Vị tiểu vương đó là một tiền thân của đức Địa Tạng.
3. Dưới thời Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, có một cô gái dòng Bà-la-môn tên là Quang Mục, rất hiếu thảo với mẹ. Sau khi mẹ chết, cô thắc mắc không biết mẹ tái sinh về đâu. Do lòng chí hiếu và công đức cúng dường một vị la- hán, cô biết được rằng mẹ đang bị đọa nơi địa ngục vì tội giết hại sinh vật và mắng nhiếc người khác. Nhờ oai lực của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục và phước đức của cô mà mẹ cô ra khỏi địa ngục, đầu thai làm con của người đầy tớ của cô để chịu kiếp hạ tiện cho đến năm 13 tuổi mới chết để về cõi trời. Quang Mục đã phát nguyện cứu vớt tất cả các chúng sinh bị tội khổ nơi ba ác đạo cho đến khi họ thành Phật cả thì mình mới thành bậc chính giác. Nàng Quang Mục là một tiền thân của đức Địa Tạng.
4. Dưới thời đức Phật Sư Tử Phấn Chấn Vạn Hạnh Cụ Túc, có một vị trưởng giả đã lập nguyện rằng sau khi độ thoát chúng sinh bị khốn khổ rồi thì chính mình mới thành Phật. Vị trưởng giả ấy là một tiền thân của đức Địa Tạng.
Hạnh nguyện: Trong Kinh Địa Tạng, chúng ta thấy rằng ở trên cung trời Đao-Lỵ, đức Phật đã thọ ký cho Bồ-tát Địa Tạng như sau này: Địa Tạng hãy ghi nhớ: “Ngày nay tôi ở cõi trời Đao-Lỵ, trong đại hội có tất cả chư Phật, trời, rồng, bát bộ nhiều đến trăm ngàn muôn ức không thể nói, tôi đem trời, người, các chúng sinh… chưa ra khỏi tam giới, còn ở trong nhà lửa, giao phó cho ông. Ông chớ để chúng sinh ấy rơi vào đường ác trong một ngày một đêm”.
Như vậy là đức Phật Thích-Ca đã phó chúc cho ngài cứu độ chúng sinh – từ lúc đức Phật nhập Niết-bàn cho đến khi ngài Di-Lặc ra đời. Hạnh nguyện của ngài theo như các tiền thân của ngài  là làm cho các địa ngục trống không.
Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn,
Chưởng thượng minh châu quang nhiếp đại thiên thế giới.
nghĩa là:   Rung tích trượng mở toang địa ngục,
Nâng minh châu soi khắp đại thiên.
Hình tượng : Người ta thường tạc tượng đức Địa Tạng ngồi trên con lân (ngài Văn Thù thì ngồi trên con sư tử xanh; còn ngài Phổ Hiền thì ngồi trên con voi trắng sáu ngà. Chúng ta nên nhớ mấy chi tiết ấy để dễ nhận ra các ngài khi vào các chùa). Ngài mặc áo cà-sa vàng và đội mũ tỳ-lư, tức là y phục trang nghiêm của một vị tỳ-khưu sắp làm lễ. Tay phải của ngài cầm tích trượng, đầu tích trượng có bốn cái khoen tượng trưng cho tứ diệu đế. Mỗi khoen mang ba cái vòng, mười hai cái vòng ấy tượng trưng cho thập nhị nhân duyên. Tay trái của ngài cầm hạt minh châu, tượng trưng cho trí tuệ. Bước đầu thì có thể hiểu rằng ngài dùng tích trượng để phá cửa địa ngục, giải thoát cho tội nhân trong đó. Và ngài dùng hạt minh châu soi đường để họ đi đến nơi giải thoát.
Tìm hiểu kỹ hơn thì sang bước thứ hai : muốn được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi thì phải tu theo đường mà đức Phật đã dạy là tứ diệu đế (bao gồm bát chánh đạo ở đế thứ tư) và thập nhị nhân duyên. Muốn hiểu thấu những điều ấy thì phải trau giồi trí tuệ bát-nhã (chứ không phải là phàm trí) để thấy được thực tướng của vạn pháp. Trí tuệ bát-nhã đây chính là hạt minh châu, soi tới đâu thì chốn địa ngục tối tăm lui đi khỏi đó, nói rõ ra là màn vô minh bị vén lên, bao nhiêu điên đảo tức là mọi nhận định sai lầm (khổ mà cho là sướng, vô thường mà cho là thường, vô ngã mà cho là hữu ngã, bất tịnh mà cho là tịnh …) đều bị phá tan, bấy giờ Phật tánh hiển lộ !
Mật nghĩa : Nếu quý đạo hữu có đủ duyên thì nên tìm đọc cuốn Địa Tạng mật nghĩa của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong đó cụ đồng hóa ngài Địa Tạng với Chân Tâm. Ở đây, thời giờ eo hẹp, chúng tôi xin trích một đoạn ở cuối sách: Theo Kinh, thần lực, từ bi, trí huệ và biện tài của ngài Địa Tạng không thể nghĩ bàn, nghĩa là không thể quan niệm, tưởng tượng được. Mà Địa Tạng tượng trưng cho Tâm thì chính Tâm là sức mạnh, là từ bi, là trí huệ, là tài hùng biện vô lượng vô biên đó.
Lại nữa, nếu hiểu rằng Tâm mới là con người thật, mới chính là ta thì mỗi chúng ta là một nguồn sức mạnh tâm linh, một suối từ bi, một mặt trời trí huệ, một núi hùng biện, tất cả đều vô cùng vô tận, không thể kể cho hết được, và cũng không thể đem ra suy gẫm, bàn luận được. Tất cả những đức tướng ấy đều tuyệt đối.
Vậy con người có đầy đủ điều kiện, phương tiện để tự mình cứu vớt lấy mình (thần lực), đầy đủ thuơng xót để làm lành (từ bi), đầy đủ sáng suốt để phân biệt giả chân, thiện ác, chánh tà (trí huệ), đầy đủ tài biện luận để giải nghi (biện tài). Do đây, Phật mới gởi gấm chúng sanh cho Địa Tạng gìn giữ, nói một cách khác, giao chúng ta cho Tâm chúng ta trông nom, đừng để rơi vào nẻo ác.
Sở dĩ chúng ta được Tâm Địa Tạng trông nom như thế mà thường hay sa đọa, chỉ vì chúng ta hay thối bước trên đường tu tập. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng cốt yếu ở chỗ gieo giống thì ngay đây, gieo đi, dù hột giống lành chỉ bằng sợi tóc. Vì có giống là có cây, có trái … Lúc muốn làm việc ác, lúc sắp làm việc ác thì nên dừng lại, nhớ nghĩ đến Phật (niệm Phật), nhớ nghĩ đến Pháp (nhất cú nhất kệ) thì sẽ được Bồ-tát hay Tâm phá nát địa ngục là sự mê muội tối tăm của mình.
Bài học rút từ Kinh Địa Tạng là như vậy. □

GHI CHÚ.
Trong kinh nói đến cõi trời Đao-Lỵ. Chúng ta nên tìm hiểu thêm: Tam giới hay ba cõi là cảnh giới của chúng sinh chưa giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, kể từ các cảnh tiên (chư thiên) trên cao cho đến địa ngục ở thấp nhất. Tam giới gồm có: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Ở Dục giới, chúng sinh còn muốn ăn và muốn dâm, bậc trên là Lục dục thiên. Ở Sắc giới, chư Tiên không còn ăn và không còn dâm, nhưng còn mang hình hài đẹp đẽ, ở cung điện nguy nga (Sắc giới có 20 tầng).
Ở Vô sắc giới, chư Đại tiên không còn hình hài, cung điện mà chỉ còn giữ tâm thức thôi (Vô sắc giới có 4 tầng).
Lục dục thiên nghĩa là sáu từng trời, sáu cảnh Tiên trong cõi Dục gồm có :
1. Tứ thiên vương thiên,    2. Đao-lỵ thiên,    3. Dạ-ma thiên,
4. Đâu-suất thiên,     5. Hóa lạc thiên,    6. Tha hóa tự tại thiên.
Đao-lỵ thiên còn có tên là Tam thập tam thiên tức là 33 cảnh Tiên, ở trên đỉnh núi Tu di. Vua Đế Thích (Indra) trông coi cả 33 cảnh tiên ấy (1 cảnh trung ương với vua Đế Thích ngự tại Thiện pháp đường nơi Hỷ kiến thành, và bốn phương mỗi phương có 8 cảnh : 4 x 8 = 32). □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

……………………………………………………………… 

Dục như mật ngọt dính trên lưỡi dao

Nguồn:TV Hoa Sen- 27-08-2016

 Quảng Tánh

Dục như mật ngọt dính trên lưỡi dao

honeySinh ra trong cõi Dục nên bản chất của chúng sinh là tham dục. Vì vô minh và ái dục mà chúng sinh mãi trầm luân trong đau khổ. Đức Phật đã răn dạy, muốn giảm bớt khổ đau thì phải hạn chế tham dục, và muốn chấm dứt khổ đau thì phải đoạn tận ái dục và vô minh.

Dĩ nhiên người học Phật ai cũng biết rõ điều này. Nhưng để vượt thắng ái dục thì không phải ai cũng làm được. Tùy duyên nghiệp của mỗi người mà có các phiền não nặng nhẹ khác nhau. Ai có phước trí thì nhẹ nhàng, ai ít phước và kém trí thì nghiệp ái dục biểu hiện rất nặng nề. Thời Thế Tôn, một vị Tỳ-kheo đã chân thành phát lộ “Con có nhiều tâm dục, thân ý lẫy lừng không thể dừng nghỉ”.

Để chuyển hóa tâm tham dục, Thế Tôn đã dạy pháp quán bất tịnh. Bất tịnh có nghĩa là  không sạch, nhơ nhớp. Quán sát vạn pháp, nhất là những gì mình yêu thích để thấy rõ sự nhơ nhớp, không sạch của nó; sâu xa hơn là thấy rõ trong bản chất của chúng vốn ẩn tàng hiểm họa, vô thường, vô ngã. Nhờ đó mà giữ tâm định tĩnh, bất động trước năm dục.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Tỳ-kheo đó bạch Phật:

Hôm nay, Như Lai vì các Tỳ-kheo dạy pháp mười tưởng. Ai có thể tu tập mười tưởng ấy thì sẽ dứt sạch các hữu lậu, thành tựu hạnh vô lậu. Nhưng bạch Thế Tôn! Như con không thể kham tu hành mười tưởng ấy. Vì sao? Vì con có nhiều tâm dục, thân ý lẫy lừng không thể dừng nghỉ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo đó rằng:

Nay thầy nên bỏ tưởng tịnh mà suy nghĩ về tưởng bất tịnh, bỏ tưởng hữu thường mà suy nghĩ về tưởng vô thường, bỏ tưởng hữu ngã mà suy nghĩ về tưởng vô ngã, bỏ tưởng những điều vui thích mà suy nghĩ về tưởng các điều không vui. Vì sao? Nếu Tỳ-kheo suy nghĩ về tưởng tịnh thì tâm dục lừng lẫy, nếu suy nghĩ về tưởng bất tịnh thì không còn tâm dục. Tỳ-kheo nên biết! Dục là bất tịnh như đống phân kia, dục như con vẹt lắm điều, dục hay phản bội như rắn độc, dục như huyễn hóa, như mặt trời tan tuyết. Nên suy nghĩ lìa bỏ dục như tránh xa gò mả, dục trở lại tự hại như rắn chứa nọc độc; họa của dục không chán như uống nước muối; dục khó đầy như biển nuốt dòng sông; dục có nhiều sự đáng sợ như làng quỷ La-sát; dục như oan gia thường phải xa lìa; dục như ít vị ngọt dính trên lưỡi dao; dục không thể yêu mến như xương trắng bên đường; dục hiện dáng bề ngoài như hoa mọc từ chuồng heo; dục không chân thật như bình đựng đồ nhơ nhớp, bên ngoài thấy lạ; dục không chắc chắn như đống bọt.

Tỳ-kheo! Nay thầy nên nghĩ xa lìa tưởng tham dục mà suy nghĩ về tưởng bất tịnh. Tỳ-kheo! Nay thầy hãy nhớ rằng, xưa kia Phật Ca-diếp đã vâng theo và thực hành mười tưởng, nay nên suy nghĩ thêm về mười tưởng ấy thì tâm hữu lậu liền giải thoát.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 46. Kết cấm,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.303)

Quán bất tịnh là thấy rõ như thật bản chất của nó đang là, không sạch đúng nghĩa chứ không hề gượng ép kiểu “tự kỷ ám thị”. Thân mình và thân người không sạch, một túi da chứa đồ bất tịnh bên trong. Dục nguy hiểm thực sự như nọc rắn, dục như uống nước muối không bao giờ hết khát, dục không bao giờ đủ đầy như biển nhận nước sông, dục như liếm mật trên lưỡi dao. Dục như huyễn hóa, như tuyết tan nhanh dưới ánh nắng mặt trời, như đống bọt tuy có hình nhưng trống rỗng. Vì phần lớn chúng ta chỉ thấy bên ngoài, bất tịnh mà nghĩ là tịnh, vì nhận lầm nên chạy theo mãi trong luân hồi.

Thế Tôn đã dạy: “Nếu Tỳ-kheo suy nghĩ về tưởng tịnh thì tâm dục lừng lẫy, nếu suy nghĩ về tưởng bất tịnh thì không còn tâm dục”. Hình ảnh nếm chút mật trên lưỡi dao với hiểm họa đứt lưỡi đang cận kề thật ấn tượng. Dĩ nhiên mật thì ngọt ngào, nhưng nó tiềm ẩn nguy cơ bị cắt đứt lưỡi bất cứ lúc nào. Nếu siêng năng quán tưởng bất tịnh, thấy rõ sự nguy hiểm, vô thường và trống rỗng của dục thì dục tâm mới lắng dịu. Tâm có tịnh thì thân mới an và hành giả trở nên vững chãi trước bão giông cám dỗ của ngũ dục và ngũ trần.

Quảng Tánh

……………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics