Hồi ký Nguyễn Thị Nga My, bi kịch và chuyện tình Trịnh Công Sơn
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, October 10, 2014
Du Tử Lê
Hình tác giả “Ðời Hoa Thầm Kín.”
Sau nhiều chục năm giữ riêng cho mình hãnh diện, đồng thời thảm kịch, Nguyễn Thị Nga My, người con gái thứ ba trong một gia đình có tới 4 chị em (*) mà, dung nhan của họ, như bốn huyền thoại nhan sắc một thời vàng-mười, giữa rêu phong, cổ tích Huế – Ðã ngậm ngùi, nhìn lại đời mình, trong hồi ký “Ðời Hoa Thầm Kín” (ÐHTK).
ÐHTK dầy gần 200 trang khổ lớn, nhiều ảnh màu, gồm ba tuyển tập. Tuy nhiên, người đọc cũng có thể hiểu là 3 đoạn đời của một trong 4 người con gái họ Nguyễn, nức tiếng nhan sắc một thời của đất Thần Kinh.
Tuy không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng ngay tự những dòng chữ đầu tiên của hồi ký, tuyển tập thứ nhất, tựa đề “Những cô gái Huế đất Thần Kinh xưa,” Nguyễn Thị Nga My đã cho thấy khả năng mô tả một cách linh động những nét đẹp, không chỉ của các cô gái Huế cách đây trên dưới nửa thế kỷ mà, tác giả còn đi sâu vào những góc khuất kín của truyền thống con gái Huế nề nếp, trước mọi biến động của thời thế, xã hội – Dù cho họ là những người con gái mà, chỉ cần nghe tới tên của họ, giới thanh niên, trí thức đã nôn nao thổn thức trông, đợi…
Tôi không biết giai đoạn này có phải là giai đoạn giàu có hạnh phúc và, hãnh diện nhất, một đời thiếu nữ của tác giả? Nhưng, hiển nhiên đó là những năm tháng mà, mỗi bước đường của cô là một lẵng hoa chào đón, reo vui cùng tiếng chim, tiếng khánh thánh thót hân hoan, dẫn đường.
Ðó là những năm tháng mà sự thành đạt trên lộ trình học vấn, tỷ lệ thuận với nhan sắc của người con gái, như một biểu tượng dung nhan trời đất dành riêng cho cố đô khói-sương-lãng-mạn-nghiêm-cẩn.
Ðó cũng là thời gian, Nguyễn Thị Nga My, như bất cứ người nữ nào, dù ở hoàn cảnh hay điều kiện nào, cũng đều được quyền vẽ riêng cho mình một “vương quốc tương lai.” Nơi người nữ sẽ lên ngồi nữ hoàng hạnh phúc… Cô gìn giữ phẩm hạnh đời mình, cho một tương lai mà (cũng như mọi người) cô tin, vốn trong tầm với…
Nhưng, giữa khi Nguyễn Thị Nga My thấu hiểu những gì Thượng Ðế đã ưu ái, hào phóng dành riêng cho cô, từ một nhan sắc (đáng mơ ước của nhiều người) và, một sở học căn bản, một vốn ngoại ngữ đủ sức tung cánh không chỉ trời Ðông mà, cả trời Tây nữa thì, những dự báo bất thường về những cơn lốc xoáy hủy diệt tàn khốc, có thể ví với những trận sóng thần, đã manh nha ở cuối đường. Ðó là một kỷ niệm đẹp như một tiếng thở dài của quá khứ in sâu, khi cô từ chối lời “xin một đứa con” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi họ tình cờ gặp nhau ở Ðà Lạt, 1969.
Ký ức liên quan tới gặp gỡ vừa kể, đến nay vẫn còn như một câu hỏi, chỉ định mệnh hàm hỗn mới có thể trả lời cho Nga My, được cô viết lại nơi Tuyển Tập Hai, tựa đề “Một kỷ niệm về Trịnh Công Sơn.”
Ở tâm bão của kỷ niệm đẹp nhưng không đủ sức bay lên tầng trời cao rộng, Nga My viết:
“Một tuần tại Ðà Lạt qua rất nhanh, đáng lẽ ngày nghỉ phép của tôi đã qua hết, nhưng S. năn nỉ tôi ở lại thêm. Vậy cho nên, thay vì về lại Nha Trang để lấy máy bay về lại Saigon theo kỳ hạn (tôi đã mua vé máy bay khứ hồi), tôi phải đánh điện về SCAG (một chi nhánh của tòa Ðại Sứ Mỹ) xin nghỉ thêm một tuần lễ nữa, lấy lý do là bị bệnh. S. đề nghị tôi sẽ theo xe hơi của Khiêm (chồng Phùng Thăng) về lại Saigon sau này. Vì ở Ðà Lạt lâu thêm, tôi có cơ hội gặp một người anh bà con xa bên ngoại. Anh đã lớn tuổi, về hưu, một mình, cô đơn trong một ngôi nhà nhỏ, có một khu vườn khá rộng, không được chăm sóc kỹ, nhưng nên thơ với cái cổng bằng tre đơn sơ. Trong vườn, tôi thấy mấy giàn su le và vài giàn đậu ngự, có mấy chú gà và một, hai cô gà mái đẻ trứng nữa. Tánh anh rất nghệ sĩ, thường thích làm thơ và ngâm thơ. Nhưng anh ngâm thơ quá dở cộng thêm điệu bộ, lối ngâm ngớ ngẩn làm ai cũng bật cười. Anh và S. rất hợp nhau, anh Thuần của tôi cũng bị lôi cuốn ngay khi gặp S. lần đầu và hai người không biết nói chuyện gì mà trông hợp lắm. Tôi thì bận rộn nấu cái món mà tôi gọi là Soupe Bouillabaisse nhưng thật ra chỉ có ít rau cải, su le, cà rốt, khoai tây và vài con cá nhỏ. Tôi nấu thêm một món chè đậu ngự. Anh Th. đãi S. món dưa chua làm bằng cọng của bông cải trắng (chou-fleur) và món cá kho đặc biệt của anh. Tôi thấy S. ăn cá kho ngon miệng lắm, còn món chè đậu ngự của tôi thì S. chỉ ăn một, hai muỗng cà phê mặc dù tôi nài ép. Ðàn ông uống rượu thường không thích ăn ngọt, S. không gầy sao được vì dù soupe có bổ khỏe cũng không ăn bao nhiêu. Buổi tối hôm đó, trời lạnh và khuya quá, nên S., Thao và tôi phải ngủ lại nhà anh Thuần. Trên lầu, trong một phòng dư, chỉ có một cái giường. S. nằm giữa, Thao một bên và tôi một bên. Tôi có một cái chăn riêng. Tuổi trẻ rất dễ thích nghi, nên dù không có quần áo ngủ để thay và phải mặc quần ban ngay, tôi vẫn ngủ ngon giấc. Nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc và có lẽ S. cũng không ngủ được, tôi nghe S. hỏi: ‘My có thể thể cho S. một đứa con không?’ Tôi sợ quá, sợ chú Thao nghe thì kỳ quá, nên tôi vội trả lời vắn tắt: ‘My còn trinh trắng, tại sao lại cho S.?!’ Sau đó tôi nhớ hai đứa không nói thêm nữa và tôi ngủ thiếp đi khi nào không biết. Tôi nghĩ lời cầu xin của S. chân thành, chứ không phải là một câu nói ham muốn tầm thường…” (ÐHTK, tr. 80, 81, 82).
(Còn tiếp một kỳ)
(*) Ba người kia là Trà My, Kiều My vai chị và, Diệm My, em gái của Nga My.
………………………………………………….
Khoảng cách nào giữa đời thường và, văn chương Ðào Hiếu?
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, October 03, 2014
Du Tử Lê
Với vốn sống phong phú, nếu không muốn nói là “ngoại khổ,” óc nhận xét tinh tế, kinh nghiệm “trận-địa-chiến” tiểu thuyết của Ðào Hiếu, tôi nghĩ ông là một trong rất ít nhà văn hàng đầu ở lãnh vực hiện-thực-xã hội. Hư cấu nếu có trong truyện của ông, chỉ tựa “làm duyên” cùng, chữ nghĩa chỉn chu mà thôi.
Nhà văn Ðào Hiếu. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)
Mấy yếu tố căn bản vừa kể, vốn là điểm mạnh của họ Ðào trong thể loại truyện dài, một lần nữa, lại xuất hiện “hoành tráng” trong tác phẩm “Khói Trắng Thiên Ðàng,” dầy gần 250 trang.
Khác hơn truyện dài “Bù Khú Tiên Sinh” xây dựng trên những mảng sương mù ký ức nhà sàn và, sự chập chờn lửa rừng thực/ảo, ở tác phẩm mới này, Ðào Hiếu ném người đọc vào giữa tâm bão của những mặt xã hội kín, khuất. Ðó là câu chuyện của một người con gái 16 tuổi, từ vai trò tiếp viên café ôm, trở thành “cao thủ” của một đường dây phân phối ma túy, loại mới nhất Methamphétamine – – Sau khi vô tình rơi vào cõi “thiên la địa võng.” Những cánh tay xúc-tu của loài bạch tuộc đen, đã đưa một cô gái quê, nổi trôi từ tầng địa ngục này, qua tầng địa ngục khác. Cái may mắn duy nhất của cô gái-ma-túy này là, cô gặp, nhận được chân tình của một người đàn ông lớn tuổi…
Truyện dài “Khói Trắng Thiên Ðàng” của Ðào Hiếu, với tôi, không hẳn là sản phẩm lao động trí tuệ, với những thông điệp báo động, cháy bỏng khẩn thiết, của một nhà văn, trước những vấn nạn vây khổn xã hội – – (Mà), nó như một thứ tự sự kể, một hồi ký (hành trình sống) khốc liệt của cô gái nhà quê, 16 tuổi và, của những người con gái đồng cảnh ngộ.
Vì truyện dài “Khói Trắng Thiên Ðàng” (KTTÐ) là một hồi ký, một tự sự kể, cho nên, vẫn theo tôi, tự thân đã là cả một khối thuốc nổ hiện thực cực mạnh, khiến nó không cần phải có những cao trào, những nút thắt, nút mở hay, những cố gắng đào xới tâm lý hoặc khai thác bản năng tình dục của con người để lôi cuốn người đọc. Mà, tính cao trào, sức công phá đã tiềm ẩn trong từng con chữ…
Hơn thế, để giảm bớt tính “sát thương” của khối chất nổ, đôi chỗ, tác giả đã dùng tới sở trường trào phúng, (riễu cợt ngay cả chính mình), cũng như bản chất thi sĩ của ông, hầu giúp người đọc có được đôi chút thư giãn cần thiết. Thí dụ:
Em bước vào làm bóng tối hỗn loạn
Xô đẩy tan tác
Ðêm rách nát sau tiếng nổ của gót hài
Những ánh đèn tự chọc vào mắt mình
Ðứt bóng.
Trăng rớt xuống sân vỡ như gương soi
Máu nguyệt động chảy đen trần gian…
(Trích chương 4, KTTÐ)
Cũng vì tính ngồn ngộn dữ kiện sống tiếp thu được từ “hiện trường,” nên những chương đoạn trong KTTÐ là một bộ phim chuyển động mau. Những cắt lát dứt khoát, quyết liệt, khiến người đọc khó rời khỏi trang sách.
Tôi muốn nói, ngoài trải nghiệm hiện thực, tài hoa của Ðào Hiếu, còn san bằng, xóa sạch khoảng cách giữa tiểu thuyết và đời thường.
Bên cạnh đó, qua từng con chữ, người đọc cũng gặp được không ít những so sánh liên tưởng bất ngờ, mới mẻ (tới đắng lòng), đôi chỗ lại đậm đặc chất thi ca. Ở phương diện kỹ thuật này, tôi nghĩ, Ðào Hiếu đã là một thi sĩ, nhiều hơn một nhà văn.
Thí dụ, ngay từ khởi truyện, Ðào Hiếu đã so sánh (cụ thể) nhân vật nữ của ông với một con khỉ nhỏ. Một con khỉ nhỏ lí lắc, tinh ranh, với bản năng đôi khi ngây ngô, khờ khạo, như nhân vật nữ (như chính ông?) cũng lí lắc, tinh ranh (và đôi khi cũng ngây ngô, khờ khạo do bản chất).
Tôi rất thích những ý tưởng, hình ảnh rất thơ, khá nhiều trong KTTÐ của họ Ðào. Như:
“…Ông cầm cuốn sách lên tay, mở ra. Cơn gió từ những trang sách thổi vào mặt. Những dòng chữ ùa ra, bay quanh ông như đàn chim. Ðó là tập thơ đầu tay của ông: mới mẻ, trong trắng, nhưng vẫn còn bí ẩn như một thế giới chưa được biết đến…” (Trích chương 3, KTTÐ)
Hoặc:
“…Bụi và lá bần khô cùng bốc lên. Rừng bần rào rạt như sóng. Gió lướt trên những tán lá xanh um, hoa bần bay lả tả và những trái bần đong đưa rập rềnh, trôi dạt. Gió chạy trên ngọn cây như sóng lướt trên mặt biển xôn xao, nắng chiều đọng trên vòm lá…” (Trích chương 11, KTTÐ)
Hoặc:
“…Trong căn phòng im lặng giữa một xóm lao động nghèo nàn, tiếng khóc của ông như tiếng giun dế luẩn quẩn giữa bốn bức vách ẩm mốc. Ông nghe rất rõ và ngạc nhiên thấy như đó là tiếng khóc của một người nào khác vô tình, vừa đến chia sẻ cùng ông…” (Trích chương 14, KTTÐ)
Hoặc nữa:
“…Lúc ấy trái bần chín trĩu cả những vạt rừng. Mùi thơm của nó làm ngây ngất những cơn gió. Con sóc nhỏ không còn hái trái cho người cha mà hái tặng ông. Nó chuyền cành lanh lẹ, dẫn dụ ông đi lạc vào một cõi trời đất nồng nàn thứ mùi ngai ngái của vỏ cây lên men…” (Trích chương 21, KTTÐ)
Trong rất nhiều trang văn của mình, Ðào Hiếu cũng đem lại cho người đọc những xúc động tự nhiên, khi ông viết về những cái chết của một số sinh vật, có nghiệp duyên với ông từ thời niên thiếu và, cái chết của chúng… đã sống lại vì cái chết của con chó nhỏ, người bạn trung thành của cô-gái-ma-túy…
Cái chết, “khung cửa hẹp” của bất cứ một sinh vật hữu tình nào, dù là con người hay con vật; bên cạnh những tình bạn giữa hai người tù nữ, cùng cảnh ngộ.
Tôi muốn gọi đó là những dòng chữ chói lọi tình yêu và, tinh ròng tình bạn, của những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Tựa đó là những sinh vật ngoài hành tinh. Nhưng tình người nơi họ, lại là một thứ gì giống như xa xỉ và, xa lạ với những sinh vật vô cảm, được gọi là con người nhởn nhơ giữa xã hội.
Tuy (hay nhờ) sống cạn kiệt thân, tâm với những “cái chết trắng,” với những kẻ trộm chó, với những “diệu thủ” trộm cắp, tiêu thụ đồ, xe ăn cắp, thậm chí sát nhân,… họ Ðào vẫn không quên cho thấy, ở cái thế giới bạo lực hoang dã kia, thấp thoáng đâu đó, vẫn là những bảo bọc, chia sẻ của những kẻ đạo tặc. Phải chăng, tác giả muốn nhấn mạnh, giữa khi đạo lý nhân quần ngày một phá sản, thì đám người sống bên lề xã hội, trong chừng mực nào đó, vẫn có cho riêng họ một thứ đạo lý: “Ðạo lý giang hồ”?!?
Trên tất cả mọi trải nghiệm, sống trong và sống giữa tâm-bão-đen hiện thực xã hội, tôi vẫn thấy cái Tâm-Nhân-Bản (tôi biết hoa ba chữ “Tâm-Nhân-Bản”) của ông.
Theo tôi, chính ngọn lửa nhân bản rực rỡ nơi họ Ðào, đã làm thành nhân cách nhà văn, nơi từng trang sách của ông.
Từ đấy, tôi không nghĩ, có dễ chúng ta còn thấy phải đòi hỏi thêm một điều gì, nơi nhà văn, sống như một đường gươm này!
Du Tử Lê
(California, Tháng Tám 2014)
………………………………………………………
Nhà văn Pháp giành giải Noel Văn Học 2014
Nguồn:RFA-09-10-2014
Nhà văn người Pháp Patrick Modiano vừa giành giải Noel Văn Học năm 2014
RFA/AFP
Nhà văn người Pháp Patrick Modiano vừa giành giải Noel Văn Học năm 2014 với tổng giá trị tiền thưởng 1.1 triệu đô la Mỹ.
Giải thưởng danh giá trên trao cho ông vì “với nghệ thuật hồi tưởng, ông đã tái hiện những số phận bấp bênh nhất và khám phá cuộc sống – thế giới trong sự chiếm đóng.”
Nhà văn Modiano năm nay 69 tuổi, ông từng nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Người Mất Tích” (Missing Person), cuốn này đã dành giải Prix Goncourt năm 1978.
Modiano sinh ra ở ngoại ô thủ đô Paris ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc hồi tháng 7 năm 1945. Cha ông là người Italy gốc Do Thái, mẹ ông là diễn viên người Bỉ.
Mặc dù là người nổi tiếng nhưng ông sống khá kín tiếng trước báo chí và hiếm khi xuất hiện trước giới truyền thông.
===============
Nguồn:BBC- 10-10-2014
Nữ sinh Pakistan được Nobel hòa bình
Nữ sinh Malala Yousafzai, người được thế giới biết đến sau khi cô bị Taliban bắn, đã được trao giải Nobel hòa bình năm nay.
Giải cũng được trao cho ông Kailash Satyarthi, sinh năm 1954, một nhà hoạt động cho quyền trẻ em ở Ấn Độ.
Cô Malala Yousafzai, 17 tuổi, được cả thế giới quan tâm sau khi sống sót từ vụ ám sát của Taliban tháng Mười 2012.
Lời kêu gọi quyền bình đẳng của cô tại quê nhà Pakistan đã khiến dân quân nổi giận.
Bị bắn vào đầu, cô bị hôn mê và được đưa sang bệnh viện tại Birmingham, Anh để điều trị.
Vụ ám sát khiến các lãnh đạo thế giới lên án và tôn vinh Malala như anh hùng.
Thông cáo của ủy ban Nobel nói: “Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình.”
“Cô đã cố gắng làm được trong điều kiện hiểm nguy nhất.”
Trong khi đó, ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, nổi bật với pohng trào đòi chấm dứt nô lệ và bóc lột trẻ em từ năm 1980, khi ông bỏ nghề kỹ sư điện.
Ông giúp giải cứu hàng chục ngàn trẻ em bị bắt làm nô lệ, và giúp các em được học hành.
Thorbjørn Jagland, chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, nói ông Kailash Satyarthi đã “đứng đầu nhiều hình thức phản đối và xuống đường, tất cả đều hòa bình, tập trung vào sự bóc lột trẻ em”.
…………………………………….