Mới hôm nào …

Mới hôm nào …
(Gửi TV 53-60
Kỷ niệm 50 năm ra trường 1960-2010 )

Vâng, mới hôm nào..
Nhưng, trước hết , xin cho tôi được cám ơn Trời , Phật , Đấng Thiêng liêng , Định mênh,v..v…đã cho chúng tôi được ” ở cùng nhau” trong suốt 50 năm qua .
Kể từ năm 1960, chúng tôi từ giã ngôi…… trường Trưng Vương yêu dấu, đến nay đã được một nửa thế kỷ . Nếu tính từ ngày chúng tôi vào hoc từ năm đệ thất 1953 thì chúng tôi đã có 57 năm được ” ở cùng nhau” . Một thời gian khá dài trong lịch sử của cuộc đời! Tôi còn nhớ như in, như chuyện mới xảy ra trước mắt , ngày chúng tôi mới nhập hoc lớp đệ thất Trường Nữ Trung học Trưng Vương Hà Nội, niên khoá 1953, sau một kỳ thi tuyển lựa muôn vàn khó khăn . Trong năm học đầu tiên và duy nhất đó tại Hà Nội, lớp 7B3 chúng tôi đã cùng nhau đến một vùng ngoại ô Hà Nội để tim` hái những lá cây , những hoa ( và nhân tiện những con bướm ! ) đem về ướp khô rồi đính vô những tờ bìa được đóng theo tên và họ của những hoa , lá mà Giáo sư vạn vật – cô Tiến- đã chỉ dạy .
Cái năm học Đệ thất đó trôi nhanh , rất nhanh, khi cái tin di cư vào Nam chính thức được đưa lên báo chí với lịch trình bay hay xuống tầu dời Hà Nội . Chúng tôi theo gia đình vào Sài Gòn sau đó . Trong những năm đầu tiên ở Sài Gòn , vì còn bé , chúng tôi chỉ biết nhìn bố mẹ hay anh chị mình phải vất vả tìm kiếm cách ổn định gia đình mà không giúp được gì . Nhưng chúng tôi cũng có cái ” vất vả” của riêng mình . Nào là phải học nhờ ở trường bạn Gia Long ít lâu, rồi “vất vả dọn về chỗ ở mới vĩnh viễn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ( là một bệnh viện trước đây ) . Những năm học đầu tiên ở đó , tôi và những người bạn nhát gan như tôi đều rất sợ bóng sợ vía với cảm giác như “có ai đó ” cùng lên lầu với mình hay đứng đón mình ở đầu cầu thang trên kia!!!. Rồi hai năm lục , ngũ cũng nhẹ nhàng trôi qua . Tôi còn nhớ một lần, chúng tôi được hướng dẫn đi Gia Kiệm ( hình như sau một trận cháy nhà ở đây..). Một lần khác , chúng tôi được dẫn đi chơi núi Bửu Long -Biên Hòa- với cô Giám thị Nết rất hiền bên cạnh. Lần khác nữa , Ban Giám Hiệu tổ chức cho chúng tôi lên tầu Hát Giang của Hải Quân để đi thăm Vũng Tầu , khởi hành từ Bến Sài Gòn . Tôi không bao giờ quên được bạn Bích Liên , đã cùng chúng tôi đứng trên boong tầu , hát cho chúng tôi nghe bài ” Viễn Du “! ôi , giọng ca trầm ấm của bạn và lời ca của Phạm Duy đã đưa tâm hồn chúng tôi bay bổng lên tận bầu trời cao rộng rồi là đà xuống mặt nước biển bao la . Lúc đó , tôi tự nhiên ao ước được sống cuộc đời du mục hay cứ ở trên biển như thế này mãi mãi . Tôi không muốn trở về để phải học bài , nhất là phải về vẽ địa lý , vẽ vạn vật, may thêu , là mấy thứ tôi sợ hãi nhất lúc bấy giờ !!!
Trong những chương trình văn nghệ nhà trường , bạn Hường Liên cũng đã cho chúng tôi nghe nhiều bài hát rất nổi tiếng qua giọng ca thật truyền cảm của
bạn .Tôi nhớ mãi bài Vườn thu , Hận Đồ Bàn …
Như dòng đời không bao giờ lặng lẽ trôi , năm Đệ Tứ không còn là năm học nhẹ nhàng nữa . Chúng tôi phải sửa soạn thi Trung Hoc Đệ Nhất Cấp , gay go lắm , vì thi viết đã khó , đậu xong, lại phải thi vấn đáp . Hết còn thì giờ mơ mộng!
Chúng tôi rủ nhau hoc chung nhóm . Nhóm tôi có Đoàn-thi-Thọ , Nguyễn-Thái-Hoàng …Chúng tôi nhắc nhở , kèm cập lẫn nhau và trao đổi nhau những tài liệu luyện thi.. Đến kỳ thi vấn đáp , nhiều bạn ỷ y ( hay không tin chắc là mình sẽ đậu thi viết ) , đã không ôn tập kỹ , nhiều chuyện ” cười ra nước mắt ” đã xảy ra. Chẳng hạn một bạn của chúng tôi đã trả lời một vị Giám khảo về câu hỏi:” Nói về những đặc điểm của mắt ” , bạn – đã vì quên hết hay vì quá sợ – trả lời rằng : ” Thưa thầy , mắt có lòng đen và lòng trắng …” ! May mắn thay , vì những câu trả lời đúng khác , bạn đã qua khỏi kỳ vấn đáp đó !
Năm Đệ tam tiếp theo là một năm nhàn nhã, giống như thất nghiệp , để bù đắp cho một năm mất ăn mất ngủ vừa qua . Tới đây, rất nhiều bạn trong chúng tôi-vì chọn ban A,B,C khác nhau- phải tạm chia tay nhau để sang ngồi ở cái lớp bên cạnh với những người bạn cùng ban với mình . Vì là một năm thất nghiệp , tâm hồn nhiều bạn của chúng tôi lại được dịp bay bổng ! Không phải chỉ bay bổng trong sân trường trong giờ ra chơi , ” ăn hàng , hay ” phiếm loạn ” với nhau , mà là bay bổng ra tận phía ngoài cổng trường ( tâm hồn ấy không biết có đậu lại trên một cành cây nào ven đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm , trước cổng trường để giám sát ” người ấy ” không ? ) Ngay từ trong lớp , những bạn này đã nóng long`
mong mỏi tiếng kẻng nhà trường vang lên báo hiệu giờ tan học ! Ngay sau tiếng kẻng, chúng tôi ùa ra , chạy vội tới nhà để xe . Trong dòng người dẫn xe đạp ra khỏi cổng trường , có bạn ý tứ nhìn ra phía bên kia đường , xem có ” người ấy ” đứng chờ hay không ? Dắt xe sang bên kia đường , dắt tà áo dài vào cái dây cài qua cập , nhưng bạn làm cử động này rất chậm chạp , rất lâu , như chưa bao giờ cẩn thận như thế …cho đến khi bạn biết chắc chắn ” người ấy ” đang ở phía sau ,đang nhìn thấy mình dắt áo và đang chờ cho mình lên xe để đi theo! Trên con đường dẫn về nhà , ít nhất cũng đôi ba lần , bạn tôi ngoái lại đằng sau, , đưa tay sửa lại vạt áo cho chắc chắn nó vẫn ở đó, và…chắc chắn ” người ấy” vẫn ở phía sau, như ngày hôm qua , như ngày hôm kia…Và chỉ cần biết thế thôi , chẳng để làm gì hết !…ôi , đẹp biết bao nhiêu , thần tiên biết bao nhiêu, kỳ diệu biết bao nhiêu những giây phút một thời trong đời như thế!!!
Rồi ngày vui lại qua nhanh… Chúng tôi bước vào năm học mới . Đệ nhị rồi đấy! Cô tú đến nơi rồi ! Nhưng ” đường học ” cũng như “đường đời ” không dễ dàng như một lời thốt ra như vậy! Chúng tôi lại đêm ngày miệt mài đèn sách , còn gay go gấp bội năm đệ tứ . Ngoài giờ học trong trường , chúng tôi ghi tên học những lớp luyện thi về một hay hai môn khó đối với mình . Những tài liệu, sách học quý giá vẫn được truyền tay nhau , chúng tôi mong sao cùng thi đỗ hết một lượt . Thật ra không dễ một chút nào . Ngay khi thi đỗ cuối năm đệ nhị, chúng tôi mới chỉ là ” cô tú đơn ” mà thôi . Phải thi đỗ ngay cuối năm đệ nhất sau đó để trở thành “cô tú kép ” vì như thế mới là viên mãn cái bằng tú tài !
Không biết có phải vì tình hình khó khăn như thế , vì tiếng gọi của gia-đình , vì trái tim có tiếng nói riêng của nó , sau cái năm đệ tam đầy mơ mộng kia, vài bạn của chúng tôi đã quyết định đi theo ” người ấy ” , bỏ lại cuộc chơi , bỏ lại bạn bè . Người ở lại nhớ bạn ngẩn ngơ , người ra đi cũng tiếc thương trường xưa lớp cũ …
Và như thế đó , chúng tôi đã cùng nhau ra trường – từ giã ngôi trường yêu dấu Trưng Vương – vào năm 1960 . Chúng tôi không còn những phút giây mơ mộng trên chín từng mây nữa ; chúng tôi như bị ” rớt ” xuống cuộc đời . Dù chưa phải đi làm ngay , dù là sinh viên ở các trường Đại học , những giây phút thần tiên kia không bao giờ trở lại nữa …Chúng tôi trở nên già dặn hơn , điềm đạm , chín chắn hơn , mơ mộng kín đáo hơn …Theo thời gian , chúng tôi chấp nhận tình yêu, chấp nhận gia đình , chấp nhận nghề nghiệp , với tất cả những thử thách của cuộc đời …
Nhưng chúng tôi không quên nhau , không bao giờ quên chúng tôi đã là những con chim non một thời cùng nhau sống trong tổ Mẹ Trưng Vương . Những khi có dịp , chúng tôi vẫn tìm đến nhau , thăm hỏi nhau , nương tựa nhau … Và chỉ những khi đó , chúng tôi mới nhìn thấy – qua mắt nhau – hình ảnh và những kỷ niệm của bảy năm ở trường Trưng vương , để cho những tiếng cười dòn tan oà vỡ, những tiếng xưng hô ” mày , tao ” vang lên tựa như đang cùng đứng với nhau trong sân trường Trưng Vương những năm xưa . ôi , những năm xưa …, mới hôm nào ! …
Vâng , mới hôm nào ! Như trong một sát na , chúng tôi nay đã đang ở tuổi của ông bà nội hay ông bà ngoại của chúng tôi trước đây . Mái tóc từ muối tiêu đang trở nên bạc trắng phủ kín mái đầu . Da đã nhăn , chân bắt đầu bước chậm lại , mắt đã kém , đúng như câu ” mắt mờ chân chậm ” nghe rất xa lạ khi xưa! …Còn nhớ cách đây khoảng ba , bốn năm , chúng tôi còn đùa bỡn , dặn dò nhau:
” Này , đừng cứ ỷ y mà cứ đi nhanh như trước đây , phải tập đi chậm lại kẻo lại bị té bất ngờ …! ” Giờ đây , chúng tôi đang trao cho nhau , truyền cho nhau những bài thuốc , những kinh nghiệm về bệnh cao máu , về cái đau ” kỳ cục ” của đầu gối , cái đau ” vô cớ ” ( ? ) của lưng, v…v…Nhiều bạn trong chúng tôi đã lo cả chuyện hậu sự … đã để lại di chúc … Nhóm chúng tôi đã căn dặn nhau:
” Ngày nào còn đi chơi được thì cứ đi , nhất là đi để gặp lại nhau …” Tôi nghĩ đúng như thế . Không phải chỉ để thăm nhau mà còn để thấy lại bảy năm trung học Trưng Vương của một thời vàng son . Một thời một đời bên nhau !
Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua . Không ai trong chúng tôi dám nghĩ một thời gian dài như thế với bao nhiêu biến cố trong đời nặng nề như thế đã đè nặng lên đôi vai yếu ớt của chúng tôi , mà chúng tôi vẫn đứng vững trên đôi chân của mình , và vẫn đang được ” ở cùng nhau ” như thế này ! Cái gì đã khiến chúng tôi mạnh mẽ như thế ? Tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng ? Tinh thần trung kiên , bền bỉ , nhẫn nại của Bố Mẹ ? Hay tình yêu nào đó của riêng mỗi chúng tôi ( như tình yêu của người bạn đời vẫn còn tươi mới như thuở ban đầu , tình yêu của người ” anh theo Ngọ về ” có khi là trong suốt những năm tháng dài sau đó nữa , để rồi đột ngột về nơi vĩnh hằng , và v…v… ) Có thể là tất cả những lý do đó đã giúp chúng tôi an tâm di dưỡng tâm hồn mình , chu toàn bổn phận gia-đình , nhất là những bạn không may nửa đường đứt gánh …
Một lần , một người bạn hỏi thăm sức khoẻ , tôi nói đùa để bạn yên tâm :”…đau lặt vặt thôi . Nhưng nếu có gì xảy ra thì cũng không sao vì , chỉ còn vài bước nữa , mình cũng sẽ ra khỏi cuộc đời với một số bonus cũng đã kha khá rồi …! ”
Nhớ lại, kể từ ngày ra trường , một số bạn của chúng tôi đã ” rũ nợ trần ” rất sớm , như các bạn : Nguyễn-thị-Phương , Nguyễn-thi-Nga , Duy Chính( Canada ), Phạm-thi-Hân , Thanh ( tráng sĩ ) … và mới gần đây nhất , bạn Nguyễn-ngoc- Châu ( tháng 6-09 ) . Chúng tôi muốn nói với các bạn rằng : ” chúng tôi không quên các bạn đâu . Khi tầu đến bến , chúng tôi sẽ lần lượt lên tầu để đi gặp các bạn …”

Như thế đó … mới hôm nào..!
Thời gian thật lạnh lùng nhưng không quên một ai !!!
Nhã Nhạc Lê-Băng-Tâm
(Viết cho 2010)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics