Những Cây Thông Đầu Đời

Những cây thông đầu đời

Nhã Nhạc

Hàng năm, mùa thu được đánh dấu vào ngày 22 tháng chín, nhưng thường từ giữa tháng chin trở đi, chúng ta đã có thể thấy phảng phất đâu đó mùa thu đang trở lại ; chẳng hạn có một ngày tiết trời êm ả hơn, một làn gió từ mát đến se lạnh, trời nhiều mây trắng bàng bạc , v..v… Với tôi, với thời tiết như thế, một câu thơ quen thuộc lại hiện ra trong đầu: “Hôm nay có phải là thu / Mây năm xưa đã phiêu du trở về ..” (1) Mấy năm gần đây, những chiếc lá vàng đầu tiên hiện ra thường làm tôi nhớ đến mùa thu trong vườn hoa Luxembourg (Paris), nơi có những pho tượng trắng của Anatole France vẫn đứng đó cả từng trăm năm để chờ những chiếc lá vàng rơi lả tả trên vai (pho tượng) .Tôi cũng nhớ “rừng phong thu”, Seattle, bạn ĐQ của tôi đang đón một mùa thu nữa trong đời với ba chú hươu ngơ ngác vườn sau …

Nhưng, nơi tôi ở thì rất hiếm lá vàng hay những hàng cây phong lá đỏ au ; ngoại trừ gần nhà, trên một con đê nhỏ phân đôi đường Fairview, ngay dưới chân cầu, khúc gần với xa-lộ 405, và chỉ trên một đoạn ngắn thôi, đó là một hàng cây phong mà mỗi năm, từ giữa tháng mười trở đi, những lá thu phong chuyển từ sắc vàng sang vàng đậm, rồi đỏ sẫm, làm xao xuyến lòng người … Ở con đường bên kia, song song với hàng cây phong này , cũng trên một con đê nhỏ chia đôi một con đường, là những hàng cây thông với lá thông xanh ngát một mầu “ever green” . Hai mầu tương phản này đều gợi nhớ nhiều kỷ niệm trong tôi .

Nơi xứ người, cây thông ở khắp nơi, dễ tìm, dễ thấy . Ở Sài Gòn, trước 1975, tôi chỉ thấy cây thông đứng “trơ gan” cùng tuyết trắng trên những postal-card mà thôi . Tôi nhớ tôi thường ao ước được lên Đà Lạt để tận mắt thấy thông . Mãi đến khi tôi đã vào Đại học, năm thứ hai thì phải (tôi không nhớ rõ năm nào), một người bạn của tôi, bên Dược khoa, đã ghi tên chúng tôi vào danh sách Sinh viên Liên trường Đại học Sài Gòn đi cắm trại tại Đà Lạt . Đó là lần đầu tiên tôi được thấy những cây thông . Xe vào cửa ngõ Đà Lạt, những cây thông, những rặng thông , đã hiện ra, xanh ngát một vùng … Những ngày hôm sau, sinh viên chúng tôi đi thăm danh lam thắng cảnh của Đà Lạt . Những cây thông, với hình dáng đặc biệt, trên đường dẫn đến hồ Than Thở , thác Cam Ly …và nhất là những cây thông trên Đồi Cù … Ôi, quê hương tôi ! …Xin cám ơn Trời đã ban cho quê hương tôi những cảnh sắc tuyệt vời như thế ! Hình ảnh những cây thông của quê hương đã mau chóng làm phai mờ những cây thông trên tấm card năm xưa .

Trước khi chia tay thông, một đêm liên hoan văn nghệ với nhiều màn trình diễn : ca nhạc, ngâm thơ, kịch v.v..với ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên …đều là “cây nhà lá vườn” được tổ chức cho Sinh viên Liên trường như một món quà tạm biệt nhau , để ra về thì khó quên . Bạn tôi nhắc tôi nhớ đến trong đêm liên hoan, một sinh viên – hình như chính là tác giả Hồng Duyệt – đã hát tặng anh chị em bài Đường Chiều do Hồng Duyệt sáng tác và nổi tiếng ngay thời gian đó .

Một tuần lễ (hay mười ngày, tôi cũng không nhớ rõ) sống với thông như thế, ngày chia tay Đà Lạt đã tới . Vài người bạn, kể cả tôi, đã ngắt một hay hai cành thông nhỏ mang về Sài Gòn để được nhìn thông, lâu chừng nào hay chừng nấy . Riêng tôi, tôi đã cắm cành thông vào bình đựng hoa và mỗi tối, tôi mang thông ra sân cho hưởng chút không khí mát mẻ, trong lành của trời đất .

Sau này, ra đời, nhà tôi và tôi cũng dăm ba lần viếng thăm Đà Lạt . Dưới chân những cây thông ở Đồi Cù, “chàng của tôi” đã hát cho tôi nghe : Đồi thông, Chiều vàng, Em đến thăm anh một chiều mưa … Giọng chàng tốt, lên bổng xuống trầm, theo đúng bài bản vì chàng chơi ghi-ta giỏi , biết nhiều về nhạc lý …Tôi cảm thấy một thứ hạnh phúc đầm ấm, đầy ắp tâm hồn ; tuy có khác với thứ hạnh phúc khi tôi được sống với các bạn cùng trang lứa , tay nắm tay, đi giữa những hàng thông, cùng nhìn về một tương lai đầy hứa hẹn trước mặt …thứ hạnh phúc này thật đơn sơ, chất phác và hồn nhiên, chúng tôi không có một chương trình, một tính toán nào ngoài “chương trình học” của nhà trường . Chúng tôi, đúng như ai đã nói: “ Hôm xưa em đến, mắt như lòng * (2)…” Tựu chung, cả hai thứ hạnh phúc này đều đã ghi đậm nét trong tâm khảm tôi . Mỗi khi tôi nhớ lại, đó là những kỷ niệm thật đẹp, hiếm hoi với bạn về những cây thông đầu đời và rồi, kỷ niệm vàng son, thiết thân về những cây thông với gia đình .

Nhưng những kỷ niệm tươi đẹp, quí giá vì hiếm hoi, cũng như những kỷ niệm vàng son, thiết thân ấy không còn được nguyên vẹn cả trăm phần nữa khi tin anh LQC đã đột ngột về miền vĩnh hằng . Trong hàng chục năm, ở Đà Nẵng hay tại Sài Gòn, mỗi năm anh đều đề nghị, yêu cầu, hay năn nỉ tôi ( cả ba từ ngữ này đều đồng nghĩa với nhau) , anh muốn tôi thu xếp để anh có thể thăm viếng Đà Lạt cùng với các bạn sinh viên , hoặc các anh chị em của tôi, hoặc đi cùng với bất cứ ai , miễn sao có tôi cùng đi …Anh nói : không phải anh không biết “đi” Đà Lạt , mà anh chỉ muốn có tôi đi cùng, dù là tôi đi chung với ai ….Mỗi khi anh nói như thế, tôi đều trả lời: “ Để em tính xem sao”.

Và câu nói duy nhất đó là một điệp khúc cho hàng chục năm trôi qua ; quên hay cố tình quên: theo nghĩa nào thì cũng tệ như nhau!

Những ngày sau khi anh mất, tôi không thiết tha đi Đà Lạt nữa ; cây thông trong những tấm card ai gửi, dù tôi lướt nhanh, cũng vẫn đủ làm nhói đau con tim .

Hàng năm, trên xứ người, khi những hàng thu phong trên đoạn đường Fairview thay sắc lá đỏ au, tương phản với màu xanh ngắt “ever green” của hàng thông đường bên, tôi cảm thấy đau lòng và tự hỏi : hình như tôi đã không phải là một người tử tế (như tôi tưởng) , tôi đã không áp dụng lời dạy của gia đình và học đường những năm niên thiếu: Đừng để đến ngày mai việc gì có thể làm hôm nay.?!

Nhã Nhạc

Cali Tiết thu Canh Dần – 2010

(Hình : Thông-Rừng thông- Nhà tranh Đa Lat – by amavinh – NN sưu tầm)

(1): Thơ Đinh Hùng – (2) : Thơ Huy Cận

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics