Những ‘thành quả’ có 1 không 2-Phi công phó cho phép tiếp viên VN Airlines buôn lậu- Nhật,Thái Lan,Nam Hàn cảnh giác du lịch VN

Những “thành quả” có 1 không 2
Nguồn:Thanh Quang, phóng viên RFA-2014-03-24


Ba cô gái kéo cày thay trâu ở Hưng Yên.
Courtesy Tiền Phong

“Trâu cày” ở thế kỷ 21

Hôm 16 tháng Ba vừa rồi, TS Nguyễn Thị Từ Huy có dịp đọc bài báo tựa đề “Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thây trâu” mà xem chừng như không dằn được bực tức. Đó là cảnh mà blog Dân Lầm Thang gọi là “Thiên đường mới:…… Người kéo bừa thay trâu”. Theo báo mạng trong nước, trong khi nhiều người vẫn còn đang ăn Tết, du xuân… thì nông dân ở nhiều nơi phải ra đồng làm việc. Và tại Hưng Yên, “không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân phải dùng sức người kéo bừa”, như báo Tiền Phong từng mô tả:

“Sáng mùng 6 Tết, ông Phạm Văn Kháng, 47 tuổi (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng con trai ra bừa khoảnh ruộng nhỏ ngay giáp quốc lộ 5. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu chiếc bừa, con trai ông Kháng vòng qua bụng, hai tay nắm chặt dây, kéo bừa đi. Đằng sau, ông Kháng lựa chiếc bừa đi theo bước chân con trai…

Cách ruộng của ông Kháng vài khoảnh, dù ruộng khá rộng, nhưng cô Hòe (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng ba con gái cũng đang bừa ruộng bằng sức người. Cô Hòe cầm bừa, trong khi ba cô con gái ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn.”

Trước cảnh, nhất là phụ nữ, kéo bừa thay trâu đó, TS Nguyễn Thị Từ Huy nêu lên câu hỏi rằng “Bao giờ anh thôi sống hèn?”, “đàn ông các anh, nhìn cảnh này có nghĩ gì không, có cảm thấy gì không?”.

Blogger Đào Dục Tú  viết “mấy dòng tạp cảm” về tình trạng “ ‘trâu cày’ ở thế kỷ 21”, lưu ý đặc biệt cảnh 3 cô gái ở một làng quê Hưng Yên kéo bừa thay trâu khiến xúc động nhân tâm, khiến, vẫn theo blogger Đào Dục Tú, “ Thậm chí có người  quy kết thẳng thừng vì đàn ông, các đáng mày râu nước này, quá hèn nên mới để chị em phải cõng việc thay trâu thật quá ‘phản cảm’ ở thế kỷ 21”.

    Cảnh kéo cày thay trâu đã có hồi trước năm 1945. Bây giờ lại tái diễn cái cảnh này. Nó cũng chỉ là một trong những cảnh khổ (của nông dân ngày nay) thôi.
-Blogger Phạm Đình Trọng

Qua bài “Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu”, blogger Đào Dục Tú khẳng định rằng cho dù cảnh không vui ấy có thể là trường hợp cá biệt đi chăng nữa, thì chuyện con người phải kéo bừa thay trâu ở năm 2014 trong thế kỷ 21 này, ở năm thứ 39 kể từ ngày đất nước gọi là thống nhất, hòa bình và cùng đi lên “thiên đường” XHCN cũng “ khó có ai có thể chấp nhận, ngoảnh mặt vô cảm ngó lơ”.

Tác giả Đào Dục Tú cho biết là không muốn “vơ đũa cả nắm trách cứ đàn ông nước Việt”, khẳng định rằng họ quyết không phải là “nguyên nhân chính” đẩy chị em, mà cụ thể là ba chị em Hưng Yên vừa nói, vào cảnh kéo bừa thay trâu. Mà theo tác giả, nguyên nhân sâu xa, cũng là sự thật đáng buồn này, chính là do chính sách vĩ mô về nông nghiệp, nông dân nông thôn, dù có tốt đẹp bao nhiêu trên lý thuyết, lại “lộ ra quá nhiều sai lầm, sai lệch trầm trọng” trên thực tế, mà hậu quả nhãn tiền “giữa thanh thiên bạch nhật” là tình trạng cưỡng chế đất đai khắp nơi trong nước hiện nay; là tình trạng dân oan lũ lượt về thủ đô khiếu kiện “đứng ngồi vạ vật” trước  cơ quan công quyền cao nhất để kêu giải oan; rồi chuyện nông dân nhiều nơi bỏ ruộng “chạy lấy người”, tứ tán đi làm thuê làm mướn; rồi chuyện trẻ em vùng cao “quê hương cách mạng một thời” chỉ mong ngóng bát cơm có chút thịt, cho dù là thịt chuột…

Tác giả Đào Dục Tú khẳng định rằng chừng ấy thực trạng không còn là cá biệt nữa trong nhiều năm nay; và thực tế ấy có thể được xem như một hình thức “phản biện” đối với nhiều chính sách “vĩ mô” được mô tả là “vô cùng tốt đẹp” ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở những nơi đất ruộng trở thành “điểm nhậy cảm” và vùng sâu vùng xa. Tác giả liên tưởng đến:

“Hình ảnh cánh đồng bị cắt chia chăng dây đóng cọc hoặc kín cổng cao tường và  những dãy căn hộ cao cấp cao tầng, những khu biệt thự kéo dài không người ở trên cánh đồng xưa kia mầu mỡ ruộng mật bờ xôi ở ven quốc lộ cách thủ đô không xa. Chỉ riêng những chiến dịch bất động sản một thời sôi sùng sục như vạc dầu không biết đã thu hút vào các đại gia bên trong và bên ngoài nhà nước bao nhiêu là đất  ruộng để rồi đẩy đến tình trạng đóng băng nhà cửa đất đai khiến nhà nước phải đổ hàng ngàn tỷ cấp cứu, nhưng nghe chừng không cứu được!  Để rồi không biết bao nhiêu gia đình nông dân… đã và đang rơi vào cảnh như cây bật gốc vì  mất chân đế cơ bản là ruộng, là nghề trồng cấy cổ truyền…”

Rồi hình ảnh ba cô gái kéo bừa thay trâu khiến tác giả không khỏi liên tưởng đến câu thơ dân gian “Ba cô đội gạo lên chùa” trong bối cảnh quá thanh bình êm ái của ngày xưa, để ngày nay chỉ thấy trước mắt trên màn hình nhỏ “Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu”!

Blogger TuấnDDK khẳng định rằng “hình ảnh người nông dân kéo cày thay trâu, lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm và hoàn toàn không phải là cá biệt”, cho thấy điều gọi là “chiến thắng của nông nghiệp” phát xuất từ tình trạng “mồ hôi của nông dân đang phải bán quá rẻ” trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội vừa quá ít lại vừa bị cắt giảm…

Từ Hà Nội, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét rằng vấn đề người nông dân VN phải kéo bừa, kéo cày thay trâu thì có thể người nước ngòai thấy lạ, nhưng dân trong nước, trong những năm gần đây, thấy việc đó đã trở thành bình thường – nó bình thường trong một xã hội không bình thường. Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh giải thích rằng khi sức kéo không còn và người dân phải tự lao động trên mảnh đất giữa lúc mức chi phí về nông nghiệp rất lớn trong khi nông phẩm lại rất rẻ, không thể bù đắp được, thì người dân không thể có đủ tiền để thuê máy móc nhằm thay sức lao động con người. Trong khi đó, họ nuôi con trâu, con bò trong thời điểm này cũng không phải dễ dàng, đồng cỏ thì ngày càng bị thu hẹp…thì con người phải dùng sức lao động của mình để thay trâu bò! Blogger JB Ngưyễn Hữu Vinh lưu ý:

“Tình trạng này phát xuất từ một thời gian dài người ta phát động “3 cuộc cách mạng”, trong đó thì cuộc cách mạng KH-KT là ‘then chốt”, rồi thì cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng văn hóa… Nhưng chúng tôi thấy đây là cái “thành quả” đi ngược lại xu thế tiến bộ xã hội, đi ngược lại thành quả mà thế giới đạt được. Trong khi thế giới đang tiến hành những lao động bình thường, giản đơn cùng nhiều loại lao động khác chủ yếu bằng máy móc để thay thế sức lao động của con người, thì người VN trong xã hội ngày nay lại thay trâu bò kéo cày.”

Về vấn đề này, blogger Phạm Đình Trọng từ trong nước phân tích:

“Cảnh kéo cày thay trâu đã có hồi trước năm 1945. Bây giờ lại tái diễn cái cảnh này. Nó cũng chỉ là một trong những cảnh khổ (của nông dân ngày nay) thôi. Nhưng cái khổ lớn nhất của nông dân bây giờ là họ bị mất đất đai. Đó mới là điều nguy hiểm! Tức là trong số người dân VN hiện nay, thì giới nông dân là khổ nhất và cuộc sống của họ bị đe dọa đến tận cùng rồi. Người nông dân phải thay trâu cày cũng đã là khổ rồi, nhưng cái nguy hiểm hơn là đất của họ có thể bị tước mất vào bất cứ lúc nào. Đó mới là điều đen tối, nguy hiểm và bi đát của người nông dân ngày nay.”

Thưa quý vị, vừa rồi là cảnh người nông dân thế kỷ 21 kéo cày thay trâu. Bây giờ là cảnh “sang sông bằng bao ny-long” của cô giáo và học trò ở vùng cao thuộc tỉnh Điện Biên.
Lãnh đạo chui vào túi nào?


Hình ảnh chụp từ video clip: cô giáo chui túi nilon vượt suối lũ đến trường.

Qua bài “Trường mẫu giáo Sam Lang: Có ai rơi nước mắt?”, blogger Cao Thoại Châu mở đầu rằng “dù rộng lòng hay lạc quan tới mấy thì cũng khó lòng coi là chuyện cười ra nước mắt cảnh các cô giáo và học trò trường mẫu giáo Sam Lang tỉnh Điện Biên ngày ngày qua sông trong 6 tháng mùa mưa bằng một ‘phương tiện giao thông thủy’ không hề có trên đất nước này (trước đây) và chắc cũng khó có ở nơi nào trên trái đất này. Và tác giả không khỏi kinh ngạc:

“Thật không hình dung ra nổi cái cảnh những con người ngồi trong bao nilông nhờ một người khác một tay túm bao, tay kia bơi kéo “bao người” qua dòng nước chảy xiết. Và hình ảnh này sẽ cứ còn chìm trong im lặng nếu không được chính “khách qua sông” là các cô giáo quay lại bằng điện thoại di động…Chuyện người dân trong đó có cả học trò ngày ngày qua sông bằng cách đu dây ròng rọc vừa nguy hiểm vừa hết sức nghịch lý đã từng xảy ra… nhưng có ai rơi nước mắt rùng mình khi lỡ sơ sẩy một chút thì sinh mạng của cô và trò nơi ấy đã trôi theo dòng nước?”

Qua bài “Chui vào… ‘Lãnh đạo chui vào túi nào’?”, Blogger Bùi Văn Bồng nêu lên câu hỏi rằng “Phải chăng Bộ GTVT và các địa phương chỉ nhăm nhe dán mắt vào các Dự án lớn, đắt tiền để… có chùm khế ngọt thật to chia nhau?”, và “Bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ – Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương?”. Về vấn đề này, blogger Phạm Đình Trọng cảnh báo:

    Thật không hình dung ra nổi cái cảnh những con người ngồi trong bao nilông nhờ một người khác một tay túm bao, tay kia bơi kéo “bao người” qua dòng nước chảy xiết.
-Blogger Cao Thoại Châu

“Có điều bi đát là trong lúc nhu cầu tối thiểu về cuộc sống của người dân còn thiếu thốn như thế thì người ta đổ ra hàng chục nghìn tỷ, hàng trăm nghìn tỷ để xây, chẳng hạn như, đền tưởng niệm của những Trần Phú, của những nhà cách mạng tiền bối.v.v… Đó là những cái rất là nghịch lý.”

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh cho đây không phải là trường hợp cá biệt, đồng thời, nó thể hiện mạng sống con người bị coi rẻ ở VN:

“Thật ra, khi nói đến hiện tượng như vậy thì người ta nghĩ rằng mình nói xấu, nghĩ rằng mình tiêu cực, nghĩ rằng mình không có cái nhìn lạc quan…Nhưng dù có muốn thì người dân khó có thể lạc quan trước hiện tượng như vậy. Và theo chỗ tôi biết, hiện tượng như vậy không phải là cá biệt. Nó chỉ đơn giản thể hiện rằng mạng sống của người dân Việt Nam trong nước hiện nay rất rẻ! Tại VN hiện nay, đất đai đắt, nhà cửa đắt, mọi thứ đều đắt, chỉ có mạng con người thì rất rẻ, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, mạng sống người dân bị coi rẻ. Vấn đề này, nếu người ta cho rằng mình nói xấy hay thế nào đó, thì tôi xin miễn bình luận. Mà tôi chỉ biết rằng đó là nói thật, và nói thật nó khác với nói xấu. Vì đó là sự thật. Và có những sự thật ở VN ngày nay còn đau xót hơn thế nữa!”

Vẫn theo bloger JB Nguyễn Hữu Vinh, hiện tượng đó phản ảnh điều mà người ta giăng những khẩu hiệu khắp nơi, trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, ở những chỗ trang trọng nhất trong các hội trường, trong các hội nghị, trong các cuộc phát động tiêu tốn thậm chí hàng tỷ đồng gọi là “học tập đạo đức HCM”.

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh chua chát rằng không biết cảnh “khách qua sông bằng túi ny long” có phải là một “thành quả cách mạng” hay không. Và nhà báo khẳng định là “cái lớp người hiện đang sống phè phỡn trên xương máu của người dân này là lớp người gọi là “con cháu HCM ”, khiến người dân không khỏi thấy đau xót là “nền giáo dục mà hồi năm 1945, ông HCM gọi là nền giáo dục hòan toàn VN, thì cái nền giáo dục đó đã tạo ra loại người như vậy tức những người hiện đang lãnh đạo đất nước này, đang tạo ra một đất nước như ngày hôm nay.

Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay, và xin hẹn với quý vị tuần sau.

……………………………………………….

Phi công phó cho phép tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, March 28, 2014

VIỆT NAM (NV) – Lời khai mới nhất của nữ tiếp viên hàng không Việt Nam Airlines tại cơ quan điều tra của cảnh sát Nhật, được tung ra hôm 27 tháng 3, 2014, đã gây chấn động dư luận tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, 25 tuổi, số hiệu 35 bị bắt trước đó 3 ngày cho biết, đã tham gia đường dây buôn lậu qua sự giới thiệu và cho phép của một phi công phó của Việt Nam Airlines.

Theo đài NHK của Nhật Bản, bà Bích Ngọc bị bắt ngay sau khi đáp xuống phi trường Nagoya. Bà Ngọc bị cáo buộc về tội vận chuyển 21 chiếc áo jacket ăn cắp tại các siêu thị Nhật Bản, từ phi trường Kansai ở Osaka về Việt Nam. Trị giá số hàng ăn cắp nói trên được ước lượng khoảng 1,200 đô la.

 

Tiếp viên hàng không Việt Nam Airlines. (Hình: Việt Nam Net)

Theo NHK, bà Bích Ngọc phủ nhận lời cáo buộc nói bà vận chuyển hàng ăn cắp. Bà nói, không hề biết đó là số hàng được đánh cắp từ các siêu thị của Nhật Bản, nên đã mang về Việt Nam để nhận tiền huê hồng.

Tuy nhiên, cuối cùng thì bà Ngọc thú nhận đã tham gia đường dây buôn lậu hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam, và được một ông phi công phó đồng ý, nói rằng đó là việc có thể làm để “kiếm thêm thu nhập.”

Cũng theo bà Bích Ngọc, vị phi công phó của Vietnam Airlines, đã giới thiệu để các tiếp viên hàng không của mình gặp một người đàn bà Việt Nam 30 tuổi, sinh sống tại Nhật Bản, tên là Nguyễn Thị Ngọc Nga.

Bà Nga đã bị cảnh sát Nhật bắt hồi tháng 2, 2014 và đã nhận tội cầm đầu đường dây phân phối hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.

Bà này nhờ các tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đưa hàng ăn cắp về Việt Nam, giao cho em gái để bán ra thị trường. Danh tính của người em gái này hiện chưa được tiết lộ.

Cũng theo NHK, cảnh sát Nhật Bản đã yêu cầu Việt Nam cho dẫn độ một phi công phó và 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vì dính đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp, sau khi bắt được bà Nguyễn Thị Ngọc Nga và bà Nguyễn Bích Ngọc.

NHK dẫn phúc trình của cảnh sát Nhật nói rằng, những người này đã tham gia đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ tháng 6, 2013.

Theo báo Giáo Dục Việt Nam, ông Phan Xuân Ðức, phó tổng giám đốc Việt Nam Airlines hôm 27 tháng 3, 2014 đã ngỏ lời xin lỗi Nhật Bản về sự việc đáng tiếc nêu trên.

Ông này cũng thông báo việc đình chỉ công việc của 5 nhân viên phi hành đoàn đang bị cảnh sát Nhật truy nã. Vietnam Airlines đã lấy lời khai của 5 người này, cùng với hồ sơ cá nhân của bà Bích Ngọc và sẵn sàng cung cấp cho cảnh sát Nhật.

Theo báo Dân Việt, ông Phan Xuân Ðức xác nhận rằng, các sự kiện vừa xảy ra đã gây tổn hại lớn đến uy tín của Vietnam Airlines. Theo dư luận, Việt Nam Airlines chỉ có thể phục hồi uy tín và ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự bằng những đòn trừng trị nặng nề các cá nhân trong nội bộ hãng mình dính tới ổ buôn lậu. (PL)

……………………….

Tiếp viên Vietnam Airlines bị Nhật bắt
Nguồn:BBC- thứ tư, 26 tháng 3, 2014

 Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam – hình minh họa

Văn phòng của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Tokyo bị cảnh sát Nhật lục soát, trong khi một tiếp viên bị bắt.

Hãng tin Kyodo của Nhật dẫn lời cảnh sát Tokyo nói về vụ bắt giữ nữ tiếp viên 25 tuổi của Vietnam Airlines hôm 26/3.
Cô Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ chuyển quần áo ăn cắp trị giá 125.000 yen lên một chiếc xe buýt đi từ một khách sạn ra sân bay quốc tế Kansai tháng Chín năm ngoái.

Cô bị cáo buộc có dự tính chuyển lậu đồ theo yêu cầu của một phụ nữ 30 tuổi sống tại Nhật, người đã bị truy tố vì tội mua hàng ăn cắp.

Theo cảnh sát, cô Ngọc phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng cô không biết quần áo đã bị đánh cắp.

Cô cũng được dẫn lời nói nhiều đồng nghiệp tại Vietnam Airlines đã chuyển lậu hàng về Việt Nam để có thêm thu nhập.

Theo hãng tin Kyodo, cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines có liên quan việc buôn lậu.

Cảnh sát yêu cầu năm người đến trình báo, nhưng tất cả – gồm một cơ phó và bốn tiếp viên – đều đang không có mặt tại Nhật.
Cấm mang vali to

Mới trong tháng Ba, Vietnam Airlines đã cấm tổ bay mang vali to ra nước ngoài sau các cáo buộc nhân viên mang hàng lậu về Việt Nam.

Vietnam Airlines liên tục muốn cải thiện hình ảnh và chất lượng dịch vụ

Chỉ thị của Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh yêu cầu từ ngày 17/3, tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các đường bay ngắn/trung chỉ được mang cặp bay hay vali xe kéo nhỏ.

Ông Minh yêu cầu nhân viên “tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong việc mua và vận chuyển hàng hóa đặc biệt đối với các đường bay đi Nhật Bản, Nga và châu Âu. Nghiêm cấm việc mang hành lý, vận chuyển hàng hóa sai quy định.”

Chỉ thị cũng nói các trung tâm khai thác của Vietnam Airlines tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, chi nhánh Vietnam Airlines tại nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản, Nga, Úc và châu Âu phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này.

Năm 2009, phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines bị tòa án ở Nhật phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm.

Người này còn bị phạt 500.000 yen Nhật và bị trục xuất về Việt Nam vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.

……………………………………………………….

Nhật, Thái Lan, Nam Hàn cảnh giác du khách Việt Nam
Nguồn:nguoiviet.com-Monday, March 24, 2014

VIỆT NAM (NV) – Trên nẻo đường du lịch Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, du khách Việt có thể chạm trán với những tấm bảng ghi bằng tiếng Việt nguệch ngoạc cảnh cáo là chớ ăn cắp, hoặc gắp quá nhiều thức ăn rồi bỏ cho thừa mứa…

Báo mạng VEF của Việt Nam nói rằng, không ít du khách Việt Nam không giấu được nỗi sượng sùng khi chạm trán với những tấm bảng như vậy, được trương lên tại một số siêu thị, cửa hàng, quán ăn ở ngoại quốc.

 

Một tấm bảng cảnh giác người Việt Nam trong một tiệm ăn Nhật. (Hình: VEF)

Tại Nhật, khoảng tháng 6 năm 2013, xuất hiện tấm bảng viết bằng tiếng Việt nhắc nhở du khách Việt Nam rằng “ăn cắp vặt là phạm tội, và nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm.” Tấm bảng này còn ghi:

“Nếu chúng tôi phát giác ăn cắp vặt thì sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động, tăng cường điều tra.”

Người ta còn thấy xuất hiện những tấm bảng viết bằng tiếng Việt cắm ngay bên trong một nhà hàng buffet ở Thái Lan. Nội dung bảng này viết: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ bị phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cám ơn.”

Còn tại Nam Hàn, người ta thấy xuất hiện một số bảng ghi bằng tiếng Việt nhắc du khách không được vứt rác bừa bãi. Tấm bảng mang hàng chữ như sau: “Khu vực này cấm vứt rác. Nếu vứt rác không đúng luật sẽ bị phạt 1 triệu Won, tương đương 19 triệu đồng Việt Nam, tức khoảng 850 đô la.”

Một số du khách Việt Nam nói với VEF rằng, họ cảm thấy xấu hổ khi đọc được những tấm bảng ghi những dòng chữ viết tiếng Việt kèm với chữ địa phương.

Không chỉ vậy, một số người không rõ quốc tịch nào còn chụp những tấm bảng trên để đưa lên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng hình ảnh người Việt Nam hiện nay trở nên xấu xí hơn bao giờ hết trước mắt cộng đồng quốc tế. (PL)

……………………………………………………..

Gián đất bị thiêu hủy, ‘chuyên gia Trung Quốc’ xách va ly về nước
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, March 23, 2014

BẮC NINH (NV) – Toàn bộ số gián đất được nuôi ở các xã Xuân Lai, huyện Gia Bình và xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, theo hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc đã bị thiêu hủy.

Ðây là lần đần đầu tiên chính quyền Việt Nam hành xử nhanh, dứt khoát với những hiểm họa đến từ Trung Quốc.

Ðầu tuần vừa qua, báo chí Việt Nam loan báo, một số nơi ở Bắc Ninh đang bắt đầu nuôi gián đất dưới sự hướng dẫn của một số cá nhân được gọi là chuyên gia đến từ Trung Quốc.

 

Thiêu hủy gián đất ở tỉnh Bắc Ninh. (Hình: Dân Việt)

Chủ những cơ sở đó cho biết, sau khi xây dựng chuồng, trại theo hướng dẫn của các chuyên gia Trung Quốc, họ đặt mua trứng gián từ Trung Quốc và tùy loại giống mà giá dao động từ 450 ngàn đến 9 triệu đồng một ký, rồi ấp cho trứng nở thành gián.

Lúc đó, trò chuyện với báo giới, một “chuyên gia Trung Quốc,” khẳng định, gián đất được nuôi rộng rãi tại Trung Quốc để cung cấp cho các công ty dược phẩm. Việc đưa gián đất sang Việt Nam là vì muốn giúp người Việt Nam làm giàu.

Trong khi đó giới hữu trách Việt Nam vẫn chưa biết gì về gián đất. Trên thực tế, gián vẫn được xem là loài trung gian gieo rắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ví dụ như dịch tả.

Trước đây, thương lái Trung Quốc đã từng đặt nông dân Việt Nam nuôi ốc bươu vàng, một loại côn trùng hủy hoại mùa màng và trong hàng chục năm qua, ốc bươu vàng vẫn là đại nạn của nông nghiệp Việt Nam.

Dẫu chuyện nuôi gián đất có thể bùng phát thành phong trào như nhiều phong trào do thương lái Trung Quốc khởi xướng trên lãnh thổ Việt Nam, tuần trước, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh cho biết, họ vẫn chưa thể quyết định có ngăn chặn việc nuôi gián đất hay không vì đang chờ hướng dẫn từ Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn.

Sau khi chuyện nuôi gián đất được báo giới cảnh báo, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam ra lệnh thiêu hủy ngay toàn bộ gián đất ở Bắc Ninh vì “tự ý nhập khẩu và nuôi côn trùng.”

Ông Vũ Thái Ninh, trưởng phòng chăn nuôi của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh, cho biết, đến cuối ngày 20 Tháng Ba, cơ quan của ông đã cùng Sở Tài Nguyên-Môi Trường, Sở Công An và chính quyền các địa phương thiêu hủy sạch gián đất ở Bắc Ninh. Những nơi nuôi gián đã đổ đất tẩm xăng vào các khay, bồn chứa gián đất, đốt trụi rồi đào hố, rắc vôi khử trùng tại nơi đã nuôi và chôn gián đất.

Tờ Dân Việt tường thuật, sau sự kiện vừa kể, các “chuyên gia Trung Quốc” đã thu dọn hành lý cá nhân, lên đường về nước.

Tuy nhiên chuyện nuôi gián đất vẫn còn một số lấn cấn cần được giải quyết.

Ông Nguyễn Ðình Nguyên, ngụ ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, một trong những người nuôi gián đất với quy mô lớn cho biết, trước khi cùng hai người khác mở cơ sở nuôi gián đất, ông đã liên lạc với Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh để làm thủ tục đăng ký kinh doanh và được cơ quan này cấp giấy phép thành lập công ty Ðại Thiên, với ngành nghề kinh doanh chính là… nuôi gián đất.

Trò chuyện với tờ Lao Ðộng, ông Nguyên bảo ông và bạn bè đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cho việc nuôi gián đất. Ông chấp nhận thiêu hủy theo yêu cầu của chính quyền nhưng đòi Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh phải có trách nhiệm vì đã cấp giấy phép kinh doanh, chứ không ngăn cản ông đầu tư.

Ông Nguyên còn kể thêm rằng, trước khi báo chí lên tiếng cảnh báo, phòng chăn nuôi của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh đã từng đến kiểm tra, lập biên bản, cho phép công ty Ðại Thiên được nuôi thử nghiệm, chứ ông và thân hữu không làm bừa.

Chưa thấy Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh có ý kiến về trách nhiệm khi cho phép nuôi thử nghiệm. Hiện chỉ mới có một phó giám đốc của Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cán bố của ông “kém hiểu biết” khi cấp giấy phép cho công ty Ðại Thiên nuôi gián đất.

Ðược biết, ngoài công ty Ðại Thiên, Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư Bắc Ninh còn cấp giấy phép kinh doanh cho một cơ sở khác nuôi gián đất. (G.Ð.)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics