Quán Biên Thùy (Ngọc Hoài Phương)

Lời mở: Cùng với tác giả Ngọc Hoài Phương, Du Tử Lê …chúng tôi muốn được thắp nén nhang tưởng niệm nhà báo Trương Trọng Trác, đã ra đi vừa được tròn hai năm : ngày 1 tháng 1 năm 2009 – ngày 1 tháng 1 năm 2011 . – NN)

Nguồn : Việt Herald

  Quán Biên Thù

Ngọc Hoài Phương
    (01/04/2011)

Có đi thì phải có về

           Về đâu ở giữa cơn mê, nửa chừng…

                        

Nhanh thật, mới đó mà bạn tôi, nhà báo Trọng Kim tức Trương Trọng Trác, Chủ nhiệm bán nguyệt san Ngày Nay ở Houston, Texas đã ra đi được tròn hai năm, mờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 2009. Thế nên, mặc dù mấy ngày vừa qua tiệc tùng liên miên, mờ mịt, sáng nay, ngày đầu năm dương lịch 2011, tôi cùng Du Tử Lê và vài người bạn lại hẹn hò gặp nhau ở “Quán Biên Thùy” để gợi lại những kỷ niệm về Trác, người bạn học từ thuở xa xưa, hơn nửa thế kỷ trước dưới mái trường Chu Văn An…

Tôi không gọi nhà hàng này bằng cái tên do chính chủ nhân của nó (anh Hào) đặt ra là “Lan Hương”, mà tự mình gán cho một cái tên riêng: “Quán Biên Thùy”. Quán nằm ở cuối một khu thương mại trên đường Westminster thuộc thành phố Santa Ana, giáp ranh với Garden Grove và Westminster, chỉ cách khu Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa chừng 6 phút lái xe. Chẳng xa xôi gì nhưng, không hiểu sao cứ mỗi lần đến đây, ngồi nhìn hàng rào giây kẽm (dù không có gai) qua khu đất trống bên kia, tôi lại nhớ về một thời đã qua ở quê nhà, với những lần đi công tác cho tòa báo đến những địa danh heo hút các tỉnh miền Trung… Chắc có lẽ một phần vì, những hình ảnh xa xưa đó chưa xóa mờ được trong trí nhớ nên, ngay từ buổi đầu tiên Du Tử Lê hẹn đến đây uống cà phê, tôi đã đặt tên cho quán là “Quán Biên Thùy”.

Điểm đặc biệt ở Quán Biên Thùy mà có lẽ không một nhà hàng, quán nào trong khu Little Saigon Thành Cam này có được là khách khứa tới đây ăn sáng, uống cà được dịp nghe lại tiếng… gà gáy phát ra từ khu nhà phía bên kia khoảng đất trống.

Được nghe lại tiếng gà gáy vào buổi sáng cũng có thêm một cái cớ để nhớ lại quê xa…

Còn nhớ, một buổi sáng cuối năm 2007, trời lạnh và có gió. Ở đây, cứ mỗi khi nghe nói đến “Gió Santa Ana” thì mọi người dân sinh sống trong vùng Nam Cali này lại phải đề phòng cẩn thận hơn thường lệ. Gió vào mùa Hè thường tạo ra những trận cháy rừng khủng khiếp; còn gió xảy ra vào mùa Đông thì lạnh buốt hơn những ngày lặng gió.

Buổi sáng hôm đó, tôi có hẹn uống cà phê với Du Tử Lê tại quán Biên Thùy vào lúc 9 giờ sáng. Mới hơn 8 giờ, Lê đã điện thoại nhắc nhở: “Nhớ sáng nay ở Lan Hương! Có Trương Trọng Trác đang lái xe từ Los Angeles xuống. Trác mới tới Cali hôm qua. À, tao có gọi thêm thằng Chấn nữa.”

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần về Cali công tác cho sở, Trác thường cố mthu xếp thì giờ để gặp gỡ bạn bè, ít nhất một, vài lần. Có khi chỉ đủ thời gian uống cạn ly cà phê, có lần kéo dài suốt cả buổi sáng qua bữa ăn trưa…

Nhắc đến Trác, cuối năm 2007, tôi bỗng chợt nhớ lại năm 1982, một phần tư thế kỷ trước, vợ chồng Trác – Minh Hà từ Houston qua chơi. Và, chúng tôi có một bữa ăn chiều tại nhà hàng Ngân Đình trong Bolsa Mini Mall. Sau hơn 7 năm lưu lạc xứ người, mặc dù vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ, điện thoại, nhưng có lẽ đây là buổi “họp mặt chính thức” đầu tiên của anh em chúng tôi, những người bạn cùng chung lớp dưới mái trường Chu Văn An từ giữa thập niên 50. Dù chỉ quy tụ có 4 người là Trương Trọng Trác, Nguyễn Đức Cung, Du Tử Lê và tôi, cộng thêm Minh Hà, Phương Dung nữa là 6; vậy mà cũng thật đầm ấm, thật vui nhộn… qua món ăn trứ danh của nhà hàng này là Chả Cá Thăng Long. Riêng tôi, vì không biết ăn cá nên chọn món Bún Chả Hà Nội. Bữa ăn rồi cũng qua đi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ríu rít “cậu cậu, tớ tớ, mày mày, tao tao” cứ nhặng cả lên về những “chuyện ngày xưa”, thuở còn mãi đũng quần trên ghế nhà trường. Không muốn làm mấy ông cụt hứng, “hai mợ” Hà, Dung bèn rủ nhau ra ngoài dạo phố…

Lần đó, cả Trác và tôi đều có chụp một số hình kỷ niệm. Và tấm hình mà tôi thích nhất có lẽ là tấm ghi lại bốn người bạn học cũ với hai đứng là Trác, Cung và hai ngồi là tôi và Lê…

Trở lại với buổi sáng cuối năm 2007, trong đầu tôi bỗng lóe lên một “dự án”: Nếu gọi được Cung – tự “Cung Thuốc Lào” đến thì vui biết mấy, mình sẽ có được một tấm hình “after” sau đúng một phần tư thế kỷ. Thế cho nên khi vừa tới Lan Hương, sau màn bắt tay, cười cười, nói nói được mấy câu là tôi bốc ngay điện thoại gọi Cung: “Cậu đang làm gì vậy?”. “- Lát nữa tớ có hẹn với nha sĩ, có gì lạ không?”. “- Trác mới ở Houston về chơi. À, cậu có nhớ hồi 1982 tụi mình chụp với nhau mấy tấm hình tại quán Ngân Đình không?” “- Nhớ chứ, mà sao?”. “- Thì tớ đang có “dự án” sẽ có những tấm hình “after” của 4 thằng sau đúng 25 năm. Vậy cậu gọi tới nha sĩ đổi cái hẹn vào buổi chiều đi”. Tiếng Cung sốt sắng: “Xong ngay! Xong ngay! Mặc dù cái răng của tớ đang nhức…”

Vậy là “dự án” của tôi đã hoàn tất. Hình “before” – 1982- do Minh Hà bấm; và lần này, 2007, do Cậu Trời Nguyễn Ngọc Chấn đảm trách. Tôi rất lấy làm thích thú về hai tấm hình “Before” và “After” này nên đã cố gắng ghép liền vào nhau.

Năm 2008, Trác lại ghé qua Cali hai lần. Lần đầu, cuối tháng 3, đầu tháng tư, và lần thứ nhì trung tuần tháng 7. Lại cà phê cà pháo tại Quán Biên Thùy, Chez Rose, phở Nguyễn Huệ hoặc tỉm sắm Long Phụng Lầu…

Trước khi trở lại Houston, Trác còn gặp bạn bè thêm một lần vào tối 19 tháng 7-2008 tại nhà Nguyễn Hữu Khang nhân ngày giỗ năm thứ 3 Khang lìa bỏ cõi tạm. Khang cũng là dân Khoa Học ngày xưa như Trác, nhưng tốt nghiệp sau Trác một năm vì Trác thi nhẩy hồi Tú Tài I. Khang cũng một thời là Giảng viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn trước 75… Hôm đó, ngoài những tấm hình mới chụp, tôi còn rửa thêm cho Trác (cũng như Cung và Lê) một tấm hình cỡ 8×10 được ghép bằng hai tấm Before (1982) và After (2007) với lời nhắn nhủ: “Cậu về kiếm một cái khung để chưng ở tòa báo”. Ngoài ra, tôi còn cho Trác một tấm hình đen trắng chụp cả lớp năm Đệ Ngũ hơn nửa thế kỷ trước (1957). Còn nhớ, có lần khi đem mấy tấm hình ngày xưa ra coi lại, Phương Dung cũng xán đến coi ké. Tôi chỉ cho Dung thấy: “Đây là anh Phạm Duy Ánh, anh Du Tử Lê… Anh Bách, anh Trác…” Dung lấy ngón tay chỉ vào một người đứng hàng trên cùng: “Thế còn cậu bé này là ai?”. “- À, đó là bác sĩ Văn Sơn Trường, đứng cạnh là Toàn Bò (LS. Nguyễn Thế Toàn), Ngô Anh Tề (dân Công Chánh, hiện ở Oklahoma), Nguyễn Trí Phú (Đại Úy Phú biệt tích vào những ngày cuối tháng 4-75, chúng tôi không nhận được một tin tức gì về anh từ mấy chục năm nay) …”

Lần đó, Trác hẹn: “Sẽ gặp lại các cậu đầu tháng 12 này, có cả Hà cũng qua nữa, dự tiệc cưới con thằng Thông Híp”. Nhắc đến “Thông Híp”, tôi chợt nhớ Trương Trọng Trác và Trịnh Quốc Thông không phải chỉ học chung lớp ở Chu Văn An Sài Gòn sau ngày di cư vào Nam, mà hai cậu này đã từng học chung từ lớp Ba ở Hà Nội… Chả thế mà, những lần có dịp qua Cali, Trác thường liên lạc hẹn hò để xẹt qua Long Beach, đến vấn an mẹ già của Thông, mà bấy lâu nay Trác vẫn coi như mẹ của mình. Đời người chẳng khác gì một dòng sông. Dòng sông thì có nhiều “khúc”, và mỗi khúc lại có nhiều “ngăn”… Đối với Trương Trọng Trác, cái ngăn có hình ảnh “Thông Híp” là ngăn “lớp ba” tiểu học ở Hà Nội. Trong khi đó “Ngăn” có hình ảnh “ông Trưởng Ty” Nguyễn Đức Cung – tự Cung Thuốc Lào – là ngăn của các “nhiếp ảnh gia” nhà nghề. “Ngăn” đá banh một thời lừng lẫy thì nhất định không thể quên Nguyễn Quang Minh (Minh Dê), Nguyễn Thế Toàn, Nguyễn Chí Viễn, Văn Sơn Trường, Ngô Đình Ngân, Lê Ái Quốc… Còn ngăn liên quan đến lãnh vực văn thơ, báo chí thì bắt buộc phải nhớ đến các “cậu trời” CNN Nguyễn Ngọc Chấn, Du Tử Lê, Bùi Vĩnh Hưng, Phương Kều…

Nhắc đến “Thông Híp”, một người bạn lâu năm nhất của Trác, thiết tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây để có đôi hàng về một trong những “quái nhân” của lớp chúng tôi. Mặc dù cùng thi đậu vào Chu Văn An năm đệ thất (1955), nhưng tới cuối năm đệ Ngũ, Thông thi nhẩy đậu “Trung Học Đệ Nhất Cấp” lên học Đệ Tam, nhưng cuối năm đó, Thông lại “thi nhẩy” lần nữa và đậu Tú Tài I lên Đệ Nhất trong khi các bạn mới ì ạch lên Đệ Tam, tức là cách nhau 2 lớp (2 năm)… Sau khi đã thi đậu vào Đại Học Sư Phạm (ban Lý Hóa), có lần Thông trở lại trường “hăm he” bạn bè: “Tụi bay lẹ lẹ lên, không nên chờ ngày tao ra trường trở lại đóng vai… “Thầy” thì phiền lắm đó!”

Có lẽ một phần vì lời “hăm he” của Thông Híp nên cuối năm Đệ Tam, lớp tôi có 8 cậu thi nhẩy đậu “Tú Một”, mà toàn đậu Bình và Bình Thứ mới hách chứ. Cái lạ nhất mà có lẽ suốt đời tôi không thể quên được là “Thủ Khoa Toàn Quốc” năm đó là một trong những người thuộc lớp tôi: Nguyễn Gia Kiểng. Năm sau Kiểng lại đoạt chức Thủ Khoa Toàn Quốc Tú II và vồ một học bổng qua Tây… Năm Đệ Tam, Nguyễn Gia Kiểng là Trưởng lớp, tôi nắm chức Trưởng ban Văn Nghệ, Vũ Thành An làm Trưởng tiểu ban Nhạc. Năm sau, Kiểng thi nhẩy đậu Tú I, tôi được đôn lên làm Trưởng Lớp và “Thầy Phó Tế” Vũ Thành An làm trưởng ban Văn Nghệ…

Nhưng điều mà anh em chúng tôi lấy làm thích thú nhất là sau hơn nửa thế kỷ nổi trôi theo vận nước, lưu lạc khắp bốn phương trời, ngoài một số đã yên giấc ngàn thu, những người còn lại đều lần lượt quy về một mối kết thành danh sách dài thoòng như sớ Táo quân… Ở vào cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” này mà anh em chúng tôi vẫn có được nhiều dịp gặp gỡ, đàn đúm, nhắc lại  chuyện xưa tích cũ” bằng lối xưng hô “cậu cậu, tớ tớ; mày mày, tao tao….” thì quả là hạnh phúc vô cùng!

Ấy vậy mà Trọng Kim – Trương Trọng Trác đã lỡ hẹn một lần với bạn bè “Sẽ gặp lại đầu tháng 12 này trong tiệc cưới con trai thằng Thông Híp!”

Cuối tháng 12 -2008, tôi biết Trác đã được chuyển qua một khu khác của Bệnh viện… Và sáng tinh mơ ngày đầu năm dương lịch, điện thoại reo liên hồi… Tôi chẳng dám bốc nghe vì nghĩ rằng không có ai lại gọi điện thoại chúc mừng năm mới vào cái giờ “gà chưa gáy” này! Chắc hẳn đây phải là một chuyện bất thường nên điện thoại mới réo liên tục như vậy! Và mãi đến chiều, sau khi đã nhỏ nhẹ rào trước đón sau, tôi mới dám thông báo cho Phương Dung biết tin buồn về Trác.

Thứ Sáu 2 tháng 1-09, Nguyễn Xuân Hoàng bay qua Houston; Chủ Nhật 4 tháng 1, Du Tử Lê cũng đi… Cậu Út Việt Dzũng đòi đi, tôi không dám cản nhưng chỉ nhắc “Báo Xuân năm nay trễ quá rồi, nếu em qua Houston tiễn đưa anh Trác, ít nhất cũng mất ba ngày vừa đi vừa về, chắc không ổn!”. Dzũng ở lại… Tang lễ Trác diễn ra sáng thứ Hai 5 tháng 1, thì cũng ngày hôm đó, vào lúc 12 giờ trưa (giờ Cali) Trọng Nghĩa – Mộng Lan mời tôi lên đài Truyền hình Little Saigon TV để nhắc lại những kỷ niệm về Trương Trọng Trác, một thời đã qua…

Sáng thứ Ba, khi ghé Zip Post mua mấy tờ báo như thường lệ, gặp một chị gật đầu chào, chị nói: “Nghề chính của Thầy Trác là dạy học mà không thấy báo nào nhắc đến”. À thì ra chị này là một trong những học trò cũ của Trương Trọng Trác. Chị nói tiếp: “Em học Thầy Trác hai năm cuối trung học ở LVD. Thầy Trác dạy hay lắm…” Thì đã nói, đời người như một dòng sông, có nhiều khúc với rất nhiều ngăn. Mỗi người nhìn về Trương Trọng Trác qua một lãnh vực, một hình ảnh hoàn toàn khác nhau. Người thì thấy Trác qua hình ảnh của một phóng viên chiến trường, lặn lội theo những cuộc hành quân của các đơn vị Hoa Kỳ… Có người chỉ thấy Trác qua hình ảnh một ông thầy dạy toán nghiêm túc… Cũng có người chỉ gặp anh trong những buổi sinh hoạt của Hướng Đạo… Người khác biết Trác là một kỹ sư, một khoa học gia; có người chỉ biết anh là một nhà báo với bút hiệu Trọng Kim, Tr.3…

Riêng với tôi, Trương Trọng Trác là một trong số 73 bạn học cùng lớp Đệ Thất B.2 Chu Văn An năm 1955. Anh học giỏi, đứng đầu lớp năm đó, anh cũng là con chim đầu đàn của đội banh lớp tôi… Và do đó, bài viết này chỉ là một ghi nhận vụn vặt không màu mè hoa lá, không cao siêu khó hiểu của cậu học trò lớp Đệ Thất B.2 thuở nào…

Ấy vậy mà thấm thoắt bạn tôi đã bỏ cuộc chơi được tròn hai năm.

(1-1-2009 – 1-1-2011)!

Tiễn người,

 chuyển nắng thành mưa!

 Thôi thì một chút

 cũng vừa lòng nhau…

Ngọc Hoài Phương

 

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics