Tác phẩm mới:”Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” -Tác giả: Nguyễn Công Khanh-

LGT-Chúng tôi vừa nhận được tác phẩm mới , nhan đề “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” của tác già Nguyễn Công Khanh , phu quân bạn Đặng Đức Quý, bút hiệu Nguyễn Đặng Bắc Ninh, TV 53-60 . Tác phẩm là một Tuyển Tập  gồm 344 trang. Các bài viết của tác giả hẩy hết là bút ký tự truyện ..

Sách do Hợp Lưu  phát hành

Trang bìa Thuấn Anh *

Hiệu đính Nguyễn Đặng Bắc Ninh.

Tác giả Nguyễn Công Khanh đã thường có bài viết đăng trên các tạp chí và Báo Xuân tại hải ngoại từ rất lâu .

Chúng  tôi xin cám ơn tác già Nguyễn Công Khanh, bạn Đặng Đức Quy/Nguyễn Đặng Bắc Ninh  và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, bằng hữu và các bạn cựu NS Trưng Vương 53-60 .

Bìa trước

Bìa sau

Trân trọng,

Nhã Nhạc

*Chú thích : Thuấn Anh, tên con gái út của tác giả Nguyễn Công Khanh & Đức Quý , cháu đã đích thân vẽ ‘Con trâu’ làm bìa trước cho tác phẩm đẩu tay của ba cháu . Và theo bạn Đức Quý, không hiểu sao cháu vẽ con trâu lại giống ba cháu !!! Theo tôi, đó là con trâu rừng thật đẹp và không giống tác già, cháu Út thật là một họa sĩ tài giỏi ?- NN/BT

========

Chúng tôi  trích đăng bài phân tích/biên khảo rất công phu của Tiến Sĩ Trần Huy Bích viết về tác phẩm “Con Trâu Rừng cuối cùng trên đảo” để quý độc giả và bằng hữu thưởng lãm .

Trân trọng,

Nhã Nhạc

TRẦN HUY BÍCH – Một Vài Cảm Nghĩ Sau Khi Đọc Tuyển Tập Bút Ký “Con Trâu Rừng Cuối CùngTrên Đảo” của Nguyễn Công Khanh

Nguồn:dutule.com
02 Tháng Giêng 201810:31 SA(Xem: 8)
TRẦN HUY BÍCH - Một Vài Cảm Nghĩ Sau Khi Đọc Tuyển Tập Bút Ký "Con Trâu Rừng Cuối CùngTrên Đảo" của Nguyễn Công Khanh
 
Tác giả Trần Huy Bích

Ở thời của chúng ta, nếu sống trong một xã hội tân tiến, số người vượt quá tuổi 80 không phải là hiếm. Nhưng trên 80 mà vẫn minh mẫn, nhớ lại khá rõ dĩ vãng của mình để có thể thuật lại một cách tường tận, vừa để chia sẻ với mọi người, vừa để đưa ra những suy tư đáng được lắng nghe về quê hương, đất nước, xã hội, thân phận con người… thì hiếm hoi hơn. Nếu kể lại với cái tâm thành thật và nhận xét vô tư thì hiếm hơn nữa. Thêm vào đó, khi đã tới (hoặc gần tới) tuổi ấy nhưng vẫn còn đủ nghị lực và sức mạnh thể chất để có thể đi đến nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới, quan sát nhiều khung cảnh xã hội khác nhau, gặp nhiều loại người khác nhau, với một khiếu nhận xét tinh tế của một người có kiến thức rộng…, có thể nói là khá hiếm. “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” của Nguyễn Công Khanh có thể được coi là một trong những trường hợp “khá hiếm” ấy.

Trong 15 bài viết của ông, hầu hết là bút ký tự truyện, ghi lại những chuyện xảy ra quanh đời ông. Cuộc đời ấy có một số nét chung, khá điển hình cho những người vừa đến tuổi trưởng thành, lìa trường học để “vào đời” ở Nam Việt Nam trong những năm 1954-1975. Đi vào chi tiết hơn, ta đọc thấy cuộc đời của một thanh niên sinh ra ở miền Bắc, vào Nam năm 1954 khi đất nước chia đôi. Theo nhạc sĩ Anh Bằng, trường hợp của Nguyễn Công Khanh có mang chút sắc thái điển hình:

“Tôi rời Hà Nội năm 54, năm 18 tuổi. Có nhiều bài hát về Hà nội khá hay, nhưng sau này tôi lại hay nghêu ngao hát bài “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng, vì bài hát có nhiều điểm phù hợp với tôi và trong đó có tên cả hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Hát lên hai chữ “Hà Nội” để lãng mạn tưởng tượng là mình có một người yêu thật sự đã bỏ lại ở thành phố cũ. Nhớ đến Sài Gòn, là nhớ cả một thời tuổi trẻ hoa mộng trong một thành phố mới:

“Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.
… Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi…”

Kỷ niệm với Hà Nội là kỷ niệm của thời niên thiếu. Với Sài Gòn là lúc đi vào tuổi trưởng thành, và thành phố này đã cho tôi hai kỷ niệm khi đến và khi đi khó quên.”

“Những bát phở Việt Nam” và “Cà phê lãng du” của Nguyễn Công Khanh đưa chúng ta trở lại với quê hương trong quá khứ. Người viết những bài ấy “lớn lên với phở Hà Nội,” “ăn phở gần như hàng ngày” ở Sài Gòn. Sau khi trích dẫn những đoạn thơ, đoạn văn lý thú của Tú Mỡ, Thạch Lam (trong Hà Nội Băm Mươi Sáu Phố Phường) Nguyễn Tuân, Vũ Bằng (trong Miếng Ngon Hà Nội và Thương nhớ Mười Hai)…, ông đưa ra một số nhận xét đặc sắc của chính ông. Những nhận xét ấy, từ một người từng ăn phở ở nhiều địa phương khác nhau “suốt dọc Việt Nam” (Đà Nẵng, Nha Trang …) và sau 1975 ở ngoài nước (Portland [Oregon], Los Angeles, Orange County, Washington DC, Richmond [Virginia]…) rất đáng được chú ý.

Rời Hà Nội năm 18, Nguyễn Công Khanh biết quán cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ trước 1954, nhưng rất quen thuộc với cà phê Mai Hương và Hà Nội ở góc đường Lê Lợi và Pasteur, Sài Gòn. Ông có nhiều kỷ niệm với La Pagode, Brodard, Givral …, nhưng cũng viết về các quán cà phê Mai Hương ở Đa Kao, Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng… Từ khi phải lìa quê hương, ông từng có dịp uống cà phê ở New Orleans (Louisiana), ở Paris,  ở vùng Provence miền Nam nước Pháp, ở miền Đông và Tây nước Ý, ở Buenos Aires (Argentina), Bogota (Colombia), các quán Starbucks tại nhiều nơi, cũng như ở nhiều quán cà phê tại Seattle, nơi ông đang sống. Tuy “thưởng thức những ly cà phê có những cái tên mới Tully’s, Seattle’s Best, Starbucks… với những hương vị mới, ở một xứ sở tự do trong một thế giới bao la rộng mở,” ông cho biết “vẫn không thể nào quên được những ly cà phê đen, cà phê sữa đá, những giọt đắng, giọt chờ cố hữu của quê hương.”

Hồi ký tự truyện của Nguyễn Công Khanh giúp ta ôn lại một số chi tiết đáng chú ý về cuộc sống ở Nam Việt Nam trước 1975. Sau khi thi đậu vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh đầu năm 1959, chỉ với học bổng dành cho một sinh viên, ông có cuộc sống khá ung dung: đặt giày Gia bên Khánh Hội, may áo chemise tại Adam trước tòa Đô chánh, may bộ Âu phục tại Tân Tân trên đường Tự Do…

Ông còn dành tiền mua được xe Vespa. Hồi ấy, trong giai đoạn an bình, hưng thịnh của Đệ Nhất Cộng Hòa, một người cha đi làm có thể nuôi được cả gia đình, giáo dục từ Tiểu học đến Đại học không phải trả phí tổn. Một số trường Đại học, Cao đẳng và chuyên môn còn cấp học bổng suốt thời gian theo học cho sinh viên… Người dân Nam Việt Nam đã sống một cách đầy đủ, thoải mái.

Trong một số bài sau, “Tưởng như dòng sông không trở lại,” “Trở lại chiến trường xưa,” “Tháng tư đi về miền Nam,” “Đi lễ giao thừa,” “Đi tìm bản sắc,”…,  Nguyễn Công Khanh đưa ra một số thao thức mỗi khi nghĩ đến tình trạng đất nước hiện nay:

“Cuộc chiến tranh triền miên vừa qua là một cuộc nội chiến tàn hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Bao nhiêu người đã chết, hận thù vẫn chưa tiêu. Hai bên đều bị hai thế lực bên ngoài trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy để tương tàn, sát hại lẫn nhau. Chiến thắng Điện Biên Phủ tưởng sẽ đem lại cho miền Bắc hạnh phúc ấm no, trái lại người dân vẫn bị trầm luân trong cảnh đói khổ bao cấp suốt hơn hai mươi năm trời kế tiếp. Rồi đến ‘Đại Thắng Mùa Xuân,’ đất nước thống nhất, đói khổ trầm luân vẫn tiếp tục và biết bao nhiêu thảm cảnh mới lại tiếp tục xẩy ra, hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam bị đưa đi tù đầy cải tạo, gia đình ly tán. Triệu người vượt biển đi tìm tự do, và hàng trăm ngàn mạng người đã vùi thân dưới biển sâu…”

“… Cá nhân chúng tôi đã hai lần thoát nạn Cộng Sản, lần đầu từ Bắc vào Nam, lần sau từ Việt Nam qua Mỹ, lần nào tôi cũng tìm được một cuộc đời tốt đẹp và tự do hơn. Bây giờ nhìn lại quê hương mình đã rời bỏ, thấy vẫn chưa thoát khỏi những nghịch cảnh khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, tìm quanh nhà cũ không còn, người xưa đã mất, ngôn từ cũng thay đổi, chúng tôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi…”

Ông băn khoăn nghĩ đến thế hệ các con ông lớn lên ở quốc ngoại:

“Tôi bỗng nhớ đến một cuốn truyện bằng Anh ngữ vừa được xuất bản vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi từ mấy tuần nay. Cuốn truyện đã được giới thiệu bằng bài phỏng vấn trong một tạp chí văn chương Mỹ. Tác giả là một thiếu nữ Việt Nam. Cũng như những truyện viết bằng Anh ngữ khác của thế hệ trẻ đã trưởng thành tại Mỹ, họ thường nhắc lại các kỷ niệm êm đềm ở quê hương cũ, đến cảnh trốn thoát đi tìm tự do và những dị biệt trong khi hội nhập với đời sống tại Mỹ. Cô tác giả đã về lại Việt Nam, thăm nơi cô sinh ra và thăm lại ngôi trường cũ mà cô đã học ở đó mấy năm đầu của bậc tiểu học. Những năm đó được cô coi là những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam. Nhưng ngôi trường thời thơ ấu của cô không còn như trước mà nay nhem nhuốc, không được tu bổ. Không hiểu còn những điều gì nữa làm cô thất vọng mà khi trả lời cuộc phỏng vấn, cô nói cô sẽ không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam và cô khẳng định ‘I belong here.’ Điều này cũng dễ hiểu, có hàng trăm lý do khiến người ta trở lại với Việt Nam, và cũng có hàng ngàn điều khác khiến người ta không muốn trở về.”

Ông viết tiếp:

“Bốn thế hệ chúng tôi đã sinh sống nhiều năm ở phần đất này, phần tâm linh thì cha mẹ ông bà chúng tôi cũng đang gần gụi với con cháu nơi đây. Như cô tác giả trẻ tuổi kia, hiển nhiên chúng tôi đã ‘belong here.’ Nghĩ thì nghĩ vậy mà trong lòng vẫn cảm thấy một cái gì ràng buộc không dễ ngoảnh mặt quay đi. Quê nhà dù còn nhiều bất công khốn khó nhưng vẫn là nơi tôi, vợ tôi và các con tôi ra đời, vẫn còn những gì làm tôi hãnh diện vì tôi vẫn nhận với người bản xứ tôi là người Việt Nam. Nhìn quanh, trong gia đình bạn cũng như gia đình tôi, có bao thanh niên đã được cha mẹ đặt tên là Nam hay Việt Nam. Hi vọng trong một tương lai gần, con Rồng Việt Nam sẽ chuyển mình, cho mọi người dân, trong mọi tầng lớp được cái quyền sống tự do, trong công bằng và danh dự.”

Nhiều đoạn ông viết một cách cảm động:

“Anh nghĩ rằng, cho dù anh và đồng bào anh có sống ở đây đến hàng trăm năm nữa cũng không có thể làm hết cái chất Việt Nam đi được. Mọi người như anh đã được tôi luyện trong cái khí thiêng của sông núi, trong cái hào khí của tiền nhân. Cái chất sắt đá của Việt Nam đó đã được đem thử với bao ngọn lửa độc bạo tàn, ngàn năm của Bắc phương, trăm năm của Tây phương, rồi sự đồi trụy của tư bản, sự bần cùng hóa của Cộng Sản, nhưng mọi người vẫn kiên trì ngạo nghễ, vẫn tung hoành, dù có bị tản mát khắp nơi và có bị đời nhồi lên dìm xuống…”

“… Việt Nam, không những chỉ là tiếng nói khi vào đời cho tới khi lìa đời như trong một bài ca, mà Việt Nam, tiếng ấy ngày nay đã được mọi người trên thế giới nhắc đến hàng ngày, hàng tuần trên đài truyền thanh, truyền hình, trên báo chí, trên miệng mọi người khác dòng giống với anh…”

Ông cũng cho biết:

“Khi trẻ em Việt đứng hàng đầu tại các học đường, anh thấy hãnh diện. Việt Nam được nhắc đến khi đồng bào anh vượt biển bị hải tặc lộng hành, anh thấy căm phẫn, xót thương. Và khi Việt Nam bị đem ra bôi xấu, đe dọa, anh lại càng cảm thấy cần có sự hiện diện của mọi người để chận đứng cơn lốc, để làm sáng danh lại hai chữ Việt Nam…Việt Nam, tất cả đã thường trực trong không gian anh thở, trong thời gian anh sống. Từng giây, từng phút đã giúp anh nối chặt với đồng bào anh tại các tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc, với đồng bào anh khắp thế giới, với quê hương xa cách ngàn trùng, với những người ở lại, với những người đã nằm xuống, và với tiền nhân vẫn theo anh phảng phất đâu đây…”

Tuy thế, ông có nỗi lo âu:

“Nhưng sao nhiều người, trong nỗi hân hoan nhìn thấy con mình đang soải cánh bay về tương lai, thành công trong dòng sông chính, vẫn băn khoăn thấy có một khoảng trống ngày càng cách xa … Còn bao nhiêu tính chất Việt Nam trong con cháu họ, khi mà trình độ ngôn ngữ ngày càng khác biệt trầm trọng. Từ biết nói đến biết đọc và hiểu được bài văn là một chặng đường xa, nếu không có ý chí và môi trường hỗ trợ. Có người đặt câu hỏi tiếng Việt có phải là một yếu tố sống còn để giữ gìn bản sắc, tinh thần cho các thế hệ sắp tới của người Việt hải ngọai hay không? Người già luôn luôn bị quá khứ kéo lại, người trẻ thì bị tương lai kéo đi, mà trong cái xã hội siêu kỹ thuật này sức kéo gia tốc ngày càng mạnh. Văn hóa Việt Nam bằng ngoại ngữ để truyền thông với các thế hệ tương lai vẫn còn yếu kém, chập chững, do dự…”

“… Nhiều người cho rằng những hoạt động văn hoá, nhất là báo chí ồn ào hiện nay cũng sẽ chỉ là những âm ba, sẽ lịm dần trong mảnh ao tù trong những thập niên tới, nếu không có gì nối được quãng đứt gián đoạn hiện nay với những thế hệ sắp tới … Đó là chưa nói đến cái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngoại khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau…”

Nguyễn Công Khanh nhận ra một trong những nguyên nhân then chốt cho mối lo ngại khá chính đáng của ông:

“Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người có một cái gì để noi theo. Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là văn hóa truyền thống, là đạo đức kinh doanh… Nếu không thay đổi, chỉ thấy cái thua kém thế giới bên ngoài, còn cố nuôi lòng thù hận và ô nhiễm mọi mặt…, thì có lẽ đã muộn rồi. Như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, lại vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao. Thế hệ tiếp nối của con cháu chúng ta chắc rồi cũng sẽ phải lần mò đi tìm bản sắc riêng cho mình, hay tự quên đi để mặc trôi theo vào dòng sông chính nơi chúng sinh trưởng…”

Trong bài “Tam Giáo Đồng Hành,” Nguyễn Công Khanh cho thấy ông và gia đình ông có tinh thần cởi mở, phóng khoáng:

“Chúng tôi may mắn có những thông gia khác tôn giáo nhưng lại rất ôn hoà cởi mở. Con dâu tôi thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, một con rể đạo Phật, một con rể đạo Hồi, nhưng tất cả đều mặc nhiên thỏa thuận là đạo ai nấy giữ, và các gia đình liên hệ tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Các con tôi cá tính mạnh mẽ, năng động, tự tin, nhưng lại rất hiểu biết và dễ hòa hợp…”

“… Gia đình chúng tôi là nơi ba tôn giáo lớn của thế giới gặp nhau, nhờ ở tình yêu, sự hiểu biết của những người trẻ, và lòng cảm thông của những bậc sinh thành. Nhớ lại trong lịch sử Việt Nam, thời đại của triều Lý và Trần cách đây 700 năm là những thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử. Thời đó, ba tôn giáo Á Đông lớn đã du nhập vào Việt Nam là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, hòa hợp với nhau thành “Tam Giáo Đồng Hành,” khiến cho mọi người trong xứ sở sống đoàn kết với nhau và thành một quốc gia vững mạnh…”

“Di sản vô thừa nhận” là một bút ký xuất sắc với những tham khảo công phu, về đồ gốm Việt Nam. “Con rùa thần cuối cùng trong hồ Hoàn Kiếm” là một biên khảo về truyền thuyết thanh gươm của vua Lê và chuyện trả gươm, về chiếc hồ và những con rùa sống trong hồ. Bài viết kết thúc như sau:

“Cuối cùng thì con rùa không còn nữa. Ngày 19 tháng Giêng năm 2016, người ta thấy xác con rùa nổi lên trên mặt hồ. Con rùa thần cuối cùng đã chết trong hồ Hoàn Kiếm, đúng vào dịp Đại Hội lần thứ 12 của đảng Cộng Sản Việt Nam để chọn những người lãnh đạo cho nhiệm kỳ năm năm tới. Tin rùa chết đã bị chính quyền hạn chế tối đa với báo chí và các cơ quan truyền thông, sợ dư luận công chúng bàn tán những điều không hay liên quan cho Đại Hội.”

Tập bút ký có giá trị đặc biệt với những người Việt sống ở nửa phía Nam của đất nước sau năm 1954, không biết nhiều về phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm ở miền Bắc. Năm 1994, đúng 40 năm sau khi lìa quê hương, ông bà Nguyễn Công Khanh về lại Hà Nội. Một trong những mục đích của chuyến đi là tìm gặp Nguyễn Hữu Đang. Sau khi đọc một bài viết của Phùng Quán, ”Cuối năm Phùng Quán tìm thăm Nguyễn Hữu Đang,” được đăng trên nhiều tạp chí ở ngoài nước năm 1993, ông Khanh cùng người bạn đời của ông coi cụ Đang như một nhân vật trong các huyền thoại truyền kỳ. Do duyên may, qua một người bạn cũ còn ở lại Hà Nội, hai người được gặp cả Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang. Tình thân đến sau một số lần gặp: nhà thơ Phùng Quán coi ông bà Khanh như những người em kết nghĩa (Phùng Quán hơn Nguyễn Công Khanh 4 tuổi), trong khi ông bà Khanh “cũng cảm thấy gần gũi, thân thiết với Phùng Quán.”  Nguyễn Công Khanh chia sẻ với chúng ta lá thư đầu tiên Phùng Quán viết cho vợ chồng ông:

“Hai em cho anh được gọi như vậy, vì anh thấy vui và hạnh phúc khi nghĩ rằng ở xa nửa vòng trái đất, mình cũng có người mà mình có thể coi như anh em ruột thịt. Và thỉnh thoảng lại nhắc nhở, thương nhớ nhau, nghĩ về nhau…Anh chỉ có một mình. Bao nhiêu năm nay, anh vẫn tiếc sao ngày xưa mẹ không “cố gắng” đẻ thêm cho mình mấy đứa em gái, em trai. Chắc cụ cũng định cố gắng, nhưng cụ ông mất sớm, lúc đó mẹ anh mới ngoài hai mươi tuổi, mà không hiểu sao cụ nhất định không đi bước nữa…Nỗi buồn tiếc này luôn luôn ám ảnh anh từ lúc thiếu thời…”

Sự kiện Phùng Quán không có người em nào đúng với những câu thơ đầu tiên trong bài “Lời mẹ dặn”:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con, không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn…

Dù sao đi nữa, qua tình thân ấy Nguyễn Công Khanh biết được nhiều điều đặc biệt về Phùng Quán, có trong tay hầu hết các tác phẩm của nhà thơ, nhà văn quan trọng và khí phách này. Qua Phùng Quán, ông và người bạn đời gặp và tạo nên tình thân với Hoàng Cầm, rồi được biết thêm về Trần Dần, Phùng Cung… Những bài “Bên sóng Hồ Tây, Phùng Quán kể lại một đời thơ,” “Những lá thư cuối cùng của Phùng Quán,” và “Những người Nhân Văn cuối cùng” là những bài viết vô cùng hữu ích, đáng cho chúng ta đọc và lưu giữ một cách trân trọng.

Trong “Hoài bão một thời,” Nguyễn Công Khanh tóm tắt đoạn đời ông từ 1965, khi đã về đất liền sau ba năm “sống mút mùa” trên đảo Phú Quốc, nhiệm sở đầu tiên.  Có những lúc giữ nhiệm vụ hành chánh hoặc thanh tra về Xã Hội và Tị Nạn, sau hợp lại thành bộ Y Tế – Xã Hội, có lúc đi học ở trường Cao đẳng Quốc phòng. Trong những năm ở Sài Gòn, ông liên lạc với các bạn cùng tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, ra nguyệt san, tổ chức hội thảo, cố gắng “làm điều gì hữu ích cho đất nước.” Ông nhắc đến một bài viết của ông đăng trong nguyệt san Hoài Bão của Hội:

Sau đó Đức và Thụy quyết định xuất bản nguyệt san của Hội lấy tên là Hoài Bão… Số 1 ra đời, bài vở khá phong phú. Tôi có đóng góp một bài lấy tên  “Phó Quận Anh Là Ai!”, nói đến cái bỡ ngỡ của một sinh viên mới ra trường được đưa về địa đầu, mang một mớ lý thuyết cao siêu, loay hoay đối đầu với đám du kích quỷ quái và dân quê nghèo nàn. Đến khi gọi là thành thạo, thì lại cố tìm về những nơi yên ổn, nhường chỗ cho các đàn em mới ra ràng lại loay hoay như khi mình mới đến…”

Ông nhắc đến những ngày cuối cùng ở miền Nam, và việc liên lạc lại với bạn bè sau khi tới Mỹ.

Con người tình cảm của Nguyễn Công Khanh lộ rõ hơn cả trong thiên bút ký tự truyện cuối cùng, được dùng làm nhan đề cho cả tập sách, “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo.”

“Đảo” ở đây là đảo Phú Quốc. Tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh đầu năm 1962, sau 9 tháng huấn luyện quân sự, Nguyễn Công Khanh được cử về tỉnh Kiên Giang. Nhiệm vụ của tỉnh giao cho ông là Phó Quận trưởng quận đảo Phú Quốc.

Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam trong vịnh Thái Lan (chiều dài 49 km, chiều ngang chỗ rộng nhất gần 30 km), Phú Quốc cũng là nơi tranh chấp giữa hai phe Quốc gia – Cộng sản. Khi Nguyễn Công Khanh tới đảo năm 1962, chính phủ VNCH chỉ kiểm soát được một số xã ấp sát ven biển. Trên 90% diện tích đảo bị phe CS đe dọa. Tất cả các đường bộ đều bị cắt đứt. Mọi sự giao thông đều phải dùng đường biển. Đứng về phương diện hành chánh, quận đảo chỉ còn lại 2 xã: một xã phía Tây Nam gồm 3 ấp, một xã phía Đông Bắc gồm 2 ấp. Còn một xã nằm sâu phía trong đảo, đã bị xóa tên từ mấy năm trước.

Trong 5 ấp còn lại, 4 ấp đã có hàng rào chiến lược. Nguyễn Công Khanh ghi lại những nhận xét về nhiệm sở đầu tiên của ông như sau:

“Phú Quốc lại gồm các ty, sở như một tỉnh nhỏ. Những công chức làm việc trên đảo thường coi như bị đi đầy. Họ đếm từng ngày một để chóng được trở về đất liền. Buồn nhất là nghe những người lính, bao nhiêu năm không được trở về đất liền, bao nhiêu năm không được trở về quê hương thăm cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Những em nhỏ nói đến Sài Gòn như nghe chuyện một giấc mơ, hay ở một thế giới khác mà nghĩ rằng cả đời mình chắc khó có ngày đến đó được. Những cụ già từ xóm xa, khi đến quận gặp anh vẫn chắp tay vái và gọi anh bằng ‘‘Quan.’’ Dặn mấy ông cụ bao nhiêu lần là chỉ cần gọi bằng ‘‘Ông,’’ nhưng vừa được câu trước, đến câu sau, các cụ lại quen miệng gọi là “Quan” như thường. Đã sang đến thập niên 60 mà khi hỏi các cụ, ai là người đứng đầu nước Việt Nam bây giờ, các cụ vẫn trả lời là ‘Vua Bảo Đại.’

Nhiều lúc anh ngồi nghĩ, trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu cuộc chính biển ở thượng tầng, những làn sóng, những âm ba đó đã chẳng thay đổi được những tư tưởng ở chốn tận cùng này hay sao?”

Về những tranh chiến giữa hai phe trên đảo, ông có nhận xét sau:

“Có một lúc, anh có cảm tưởng như cả hai bên, lính quốc gia và du kích cộng sản trên đảo muốn quên hẳn cái việc là phải đánh phá lẫn nhau. Họ cứ lừ lừ, mặc nhiên chung sống hoà bình để yên hưởng cái cảnh tự do mênh mông của biển cả và của núi rừng. Lâu lắm không nghe thấy một tiếng súng từ trong núi bắn vào các ấp. Cũng lâu lắm không thấy lính đi mở các cuộc hành quân. Sự yên bình đã như đưa hòn đảo trở lại một thời hoang sơ nào đó, xa hẳn cái thế giới đầy cảnh hỗn loạn, bất an bên ngoài…”

“…Nhưng thời gian này chẳng kéo dài được bao lâu, khi mà những bản báo cáo hàng tháng về các hoạt động quân sự gửi về Tiểu khu không có gì hấp dẫn. Phía bên kia chắc cũng vậy, Tỉnh Ủy cũng đã chán đọc những phúc trình trống trơn, chẳng có sự quấy phá nào cả. Cả hai bên lúc đó chẳng còn có thể ngồi yên mà ngắm biển, ngắm rừng được nữa. Lính quốc gia phải bỏ những ngày lai rai họp nhau ngồi nhậu trong quán, phải bỏ những buổi ôm con nằm trên võng, mơ màng hát ầu ơ trong trại gia binh. Còn du kích cũng không còn dịp ngồi hơ tay trên đống lửa chờ khoai mì nướng chín trong một xó núi nào đó. Tất cả đã bị buộc chặt vào một guồng máy, và tất cả đều bị cuốn theo không thể cưỡng lại được. Cũng không thể ngưng lại được, nếu không theo chắc rồi cũng bị nghiến nát…”

“…Bắt đầu dường như bị cấp trên khiển trách ‘ăn không ngồi rồi,’ cả hai bên đều mò ra làm bộ đánh nhau cho có lệ. Tối nào, mọi người cũng chẳng cần phải đợi lâu để được nghe mấy loạt súng bắn bâng quơ vào nhau, vọng từ hai bên bờ sông Dương Đông, ngả ngoài phi trường, như báo cho biết họ đã làm xong cái nhiệm vụ cuối cùng của một ngày và mọi người có thể đi ngủ yên mà không bị ai phá giấc nữa…

“… Trò chơi này hình như cũng không qua mặt cấp trên được lâu, hay có lẽ lúc đầu đánh nhau chơi, sau thành đánh nhau thật…”

Nhưng súng đạn không phải trò đùa, Nguyễn Công Khanh cho biết tiếp:

“Mỗi lần có lính chết, anh lại phải nghe hàng tuần dài tiếng gào khóc, kể lể của người vợ lính từ khu trại gia binh phía sau quận. Nhiều đêm ngủ không nổi. Có lần anh xuống thăm, thấy tội nghiệp người đàn bà, mắt sưng húp, nhìn thấy anh, chị ta lại càng vật vã, gào to bên cạnh mấy đứa con nhỏ mình trần lem luốc, ê a như chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Nhìn những cảnh đó, anh không thể cầm lòng được, nhiều lúc muốn khóc. Nghĩ đến không hiểu tương lai người đàn bà và những đứa trẻ thơ này rồi sẽ ra sao.”

Nguyễn Công Khanh cho biết tâm trạng ông trong một buổi chiều, sau một ngày đến thăm một đảo nhỏ ở gần đảo Phú Quốc:

“Buổi chiều trở về, biển còn xanh, trời còn trong, gió còn nhẹ. Mọi người sau một ngày hoạt động đều mệt mỏi, ngồi tựa vào thành thuyền yên lặng hay lim dim ngủ. Chỉ còn nghe thấy tiếng máy chạy đều và tiếng nước róc rách ở mạn thuyền. Anh mơ màng nghĩ đến những ngày đã qua, sống xa hẳn cuộc đời buồn nản không lối thoát tại thành phố, nay lại được tự do nằm giữa vùng biển rộng trời cao.

“… Tự nhiên, anh nghĩ đến người mình yêu, đang cùng bạn bè phóng xe ‘solex’ trên đường phố, hay đang ngồi cười rỡn tại quán mì Cây Nhãn Dakao ngày nào. Anh mong có người yêu ở bên cạnh, trên con thuyền này, trong cảnh biển chiều mênh mông đang xuống. Anh chắc, sẽ không còn nhìn thấy mọi người xung quanh, chỉ còn hai người trong một vùng êm đềm, ảo mộng. Anh sẽ nắm lấy tay nàng và nghĩ đến một ngày nào đó, anh sẽ mua một trong những hòn đảo nhỏ kia, sẽ có căn nhà bên dòng suối, bên những vòm cây xanh mát, đầy những hoa lá vùng nhiệt đới. Hai người sẽ chạy nhảy dưới những rừng dừa cao, hay trên những bãi cát trắng, không dấu chân người…”

“…Anh yêu hòn đảo và sự tự do. Hàng ngày, anh nghe đài phát thanh tiếp vận từ Saigon loan tin thời tiết: ‘Hôm nay, Phú Quốc trời nhiều mây, hay có mưa…’ Anh tin rằng nàng cũng đang nghe, và đã nhắc nhở nàng nhớ đến anh ở một nơi tận cùng của đất nước…”

“…Mọi người trên ghe đều yên lặng. Tự nhiên, anh lại nghĩ đến những sự mệt mỏi và vô vọng của một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Anh mong rằng, trong giây phút này, mọi người cũng đang mơ màng và cũng đang có những giấc mộng đẹp như anh…”

Trong một kỳ bão biển, văn phòng quận đóng cửa không có việc gì làm. Nguyễn Công Khanh vào kho, lục trong đống văn khố xem có gì đáng đọc hay không. Ông tìm được một quyển Địa Phương Chí của đảo, nghiền ngẫm trong mấy ngày. Có một trang trong Địa Phương Chí nói đến tên bà Kim Giao. Sách không nêu rõ mối liên hệ giữa gia đình bà với vương triều Nguyễn, chỉ nói khi Tây Sơn nổi lên, chúa Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Phú Quốc, bà đem theo gia nhân và năm mươi con trâu ra đảo, nghĩ đến việc khai phá và lập nghiệp lâu dài. Công cuộc của bà thất bại, không hiểu vì quân Tây Sơn đến đánh phá hay đất trên đảo không thích hợp cho việc trồng trọt. Ít lâu sau bà mất, gia nhân bỏ trốn dần về đất liền, và đàn trâu xổng chuồng thành một lũ trâu rừng lang thang trên đảo.

Câu chuyện ấy khiến Nguyễn Công Khanh xúc động. Ông nghĩ đến những con trâu  được mang ra đảo hơn 200 năm trước, hiền lành chỉ biết cầy bừa, nhưng con cháu  chúng về sau trở thành một lũ trâu rừng lang thang. Trong một dịp nói chuyện với một số dân trong rẫy, ngoài vòng ấp chiến lược, ông được họ cho biết đàn trâu chỉ còn lại hai con. Năm trước một con bị bắn chết. Nghe đến đó tự nhiên ông thấy buồn, như đã đánh mất một vật gì quí báu, không thể nào tìm lại được:

“Anh tưởng tượng ra rằng hai con trâu cuối cùng đó chắc đã có một thời được sống trong một đàn. Có những ngày thong dong gặm cỏ trên những ngọn đồi xanh. Có những trưa đằm mình dưới nước trong vùng ‘‘Vũng Trâu Nằm’’ trên vùng Bắc đảo. Có những đêm nằm kề nhau nhai lại cỏ dưới ánh trăng hay bên dòng suối. Có những đêm mưa lạnh nằm chúi vào nhau dưới những tàn cây, hay cả những lần chạy thục mạng vì bị các tay súng săn rượt đuổi.
“…Hai con trâu đó có thể đã chứng kiến bao nhiêu cảnh mất dần của một đàn. Thỉnh thoảng có những người lính gặp chúng, đuổi theo bắn… Hai con trâu còn lại, chắc đã không có nhiều ngày thong dong trên đồng cỏ, không còn những ngày yên ổn nằm bên dòng suối mà chắc đã có nhiều ngày lang thang trốn lủi trong các rừng cây.

“…Bây giờ một con đã bị bắn chết, còn một con lủi thủi cô độc trong một vùng hoang đảo mênh mông. Anh không muốn tưởng tượng thêm nữa về tình cảnh của con trâu rừng cuối cùng trên đảo… Anh bồn chồn, lo lắng về số phận của nó. Anh đã nghĩ đó là một hình ảnh, một huyền  thoại cuối cùng của hòn đảo, của một thiên đường đã mất mà anh đang đi tìm từ ngày đến đảo. Nhưng sao anh thấy cái huyền thoại đó quá mong manh, không hiểu nó sẽ kết thúc vào lúc nào và như thế nào. Tuy anh đã cẩn thận dặn các người lính và dân trên đảo là không nên săn đuổi con trâu nữa…”

Nhưng cuối cùng con trâu cũng bị bắn chết. Nguyễn Công Khanh ghi lại tâm trạng ông khi đột ngột biết tin:

“Anh thẫn thờ đi ra khỏi đồn, tưởng tượng đến phút cuối cùng của con trâu rừng trên đảo đã gục ngã. Tưởng tượng đến cả đám trâu rừng của bà Kim Giao đem ra hơn hai trăm năm trước nay không còn. Tưởng tượng đến cái dấu vết cuối cùng của một thiên đường hoang tưởng đã mất mà anh đang tìm, như bỗng chốc không bao giờ còn tìm thấy lại. Anh trở về nhìn lại cái sọ trâu với cặp sừng, lấy tay phủi hết cát trong cặp mắt sâu hoắm, tưởng như bao nhiêu huyền thoại vẫn còn chứa chất trong đó…”

Ít hôm sau, Nguyễn Công Khanh nhận được giấy thuyên chuyển về tỉnh. Ông trở lại Phú Quốc một lần nữa để giúp việc tổ chức đón phái đoàn tướng Nguyễn Khánh, người có ý định nâng Phú Quốc thành một trung tâm du lịch. Hôm phái đoàn tới, phía Cộng sản dùng súng cối 81 ly bắn vào phi trường, định phá máy bay và tấn công vào phái đoàn dân sự đang chờ ở trạm hàng không. Tướng Nguyễn Khánh sau đó cũng mất quyền. Các chính phủ kế tiếp ở Sài Gòn quá bận về cuộc chiến tranh, không ai nhắc đến dự án ấy nữa. Nguyễn Công Khanh từ biệt Phú Quốc như từ biệt một “thiên đường đã mất.”
Về tới Kiên Giang, Nguyễn Công Khanh bị một trận sốt rét kéo dài nhiều tháng. Khi hồi phục, ông thực hiện quyết định quan trọng nhất trong đời: thành hôn với người yêu. Ông kể tiếp như sau:

“Anh đưa nàng ra thăm lại đảo, lúc cùng nàng đứng dưới gốc dừa trên bãi biển gần Dinh Cậu, nắng ấm, gió rất nhẹ và sóng vỗ thì thầm, anh nhìn ra biển rộng, an bình, nghĩ đến những giấc mơ ngày nào. Trong đó có giấc mơ, mua được một hòn đảo nhỏ để cùng nàng sống những ngày huyền ảo trên đó. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm cũ quay lại, từ ngày đầu tiên anh xách va-li đến đảo và cuối cùng là hình ảnh cặp sừng trên cát của con trâu rừng cuối cùng trên đảo bị bắn hạ ở một ấp xa. Con trâu này là con cháu của bầy trâu mà bà Kim Giao đã đem ra đảo mấy trăm năm trước trong thời Tây Sơn, con trâu cuối cùng mà anh đã cố đi tìm như đi tìm một huyền thoại, thì nay không còn nữa, và ‘Thiên đường đã mất’ của anh đã mất thật rồi.”

Đọc Nguyễn Công Khanh là đọc những lời thật hiền hòa của một tâm hồn nhân hậu, luôn luôn mong điều tốt cho kẻ khác, cho người cũng như sinh vật (con rùa, con trâu…). Chúng ta thấy ở ông một người yêu nước, yêu dân tộc, tự đồng hóa mình với ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, món ăn thức uống Việt Nam. Đó cũng là một người chân thật và trung thành với bạn. Năm 1975, con người ấy hớt hải đưa vợ con kinh hoàng bỏ nước ra đi. Sống ở ngoài nước đã trên 40 năm, ông vẫn băn khoăn, tha thiết với Việt Nam. Tuy có một thái độ sống cởi mở, phóng khoáng, tuy vẫn nhận mình là người Việt, con người ấy vẫn ở xa quê hương nửa vòng trái đất, ngăn cách bằng Thái Bình dương mênh mông.

Trần Huy Bích 

………………………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics