TAM GIÁO VÀ CHÚNG TA

TAM GIáO Và CHúNG TA
Nguyễn-văn-Phú
(Lời giới thiệu : Kỳ này , xin gửi đến bạn đọc một bài viết được trích trong tác phẩm GóP NHẶT của tác giả Nguyễn-văn-Phú ( cựu Hiệu trưởng trường Trung học Hưng-Đạo Sài Gòn và cũng là Giáo sư Toán Đệ Nhị cấp các trường trung học Sài Gòn trước năm 1975.) Tựa đề như trên đã tự nói lên những điều tác giả muốn gửi đến người…… đọc , qua sự phân tích chính xác và giọng văn lôi cuốn
của tác giả . – nn )
XIN MỜI ĐỌC
Tam giáo và chúng ta
Có người bảo rằng người Việt Nam mình , nói chung , đối với tôn giáo không có nóng hổi , chỉ âm ấm thôi . Nhận xét ấy có chính xác hay không là do sự để tâm quan sát của mỗi người . Từ mấy ngàn năm nay , chúng ta đã thấm nhuần tam giáo , chúng ta chẳng để ý gì nhưng những quan niệm của tam giáo đã in vào tiềm thức của chúng ta , hầu như là chảy trong các mạch máu của chúng ta . Có khi lập trường tôn giáo không phù hợp với sinh hoạt hàng ngày . Thí dụ như chúng ta lễ Phật , mà Phật giáo thì chủ trương rằng không có một linh hồn bất biến và bất diệt , đồng thời chúng ta cúng bái tổ tiên , hàm ẩn sự công nhận rằng có linh hồn tổ tiên luôn luôn phù hộ con cháu , chẳng đi đầu thai gì cả . Có ai giải thích cho thì càng hay , mà không có ai giải thích cũng chẳng sao ! Lão giáo nói vô vi , Phật giáo cũng nói vô vi , giống nhau hay khác nhau ? Thôi được để đó xét sau , chỉ biết đạo Phật dạy không được gây nghiệp xấu thì cố thực hành , đạo Lão nói đến cái nhàn vui thú cảnh thiên nhiên ( chẳng biết ngài Lão tử có dùng chữ nhàn không ) thì cũng thấy thú vị . Rồi Khổng giáo dạy nhân nghĩa , phải quá rồi còn gì . Nghe đến ” lấy chí nhân thay cường bạo , đem đại nghĩa thắng hung tàn ” , lòng rung theo hùng khí của bản kim cổ hùng văn . Đọc được câu ” hét một tiếng vút tận thái hư ” hoặc ” ở trong dường có ý , muốn nói bỗng quên rồi ” , sao mà ham làm vậy!
Cụ Nguyễn-đình-Chiểu dạy : ” Trai thời trung hiếu làm đầu , Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình .” Nhận xét rằng có vẻ cổ cổ làm sao ấy ! Quân sư phụ nghe có vẻ ” lạc hậu ” chút chút ! Nhưng hàng ngày dạy con ,dạy cháu , không dùng các danh từ nhân , nghĩa , lễ , trí , tín , mà vẫn bàng bạc cái tinh thần ấy . Làm gì còn ai đòi ” cái chiếu không thẳng thì không ngồi ” , nhưng ngồi ăn , ngồi uống , mình chẳng dạy trẻ phải nghiêm chỉnh là gì ! ( tuy vậy , đôi khi có người quên , ngồi xem phim chưởng , phim bộ , mỗi người một đĩa cơm , để nghe tài tử nói : ” em không chịu gả cho anh đâu ” , miệng nhai mà không biết cơm có món gì ) .
Sắp về hưu , mệt mỏi về cuộc phấn đấu kiếm sống , chán ngán về tình đời , thèm được thoải mái , người ta nghĩ đến ” nhàn ” :
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa ,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi
( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
Non cao mấy chén rượu tùng say ,
Xa tục , tiên ông ẩn chốn này .
Tung tích ngày xưa , thôi chớ hỏi
Chim mây muôn dặm tự do bay !
(Nguyễn Thượng Hiền )
Côn sơn có suối nước trong ,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Côn sơn có đá tần vần ,
Mưa tuôn đá sạch ta ngồi ta chơi…
Sao không về phắt đi nào ,
Đời người vương vất biết bao cái lầm !
( Côn sơn ca , Nguyễn Trãi )
Bẵng quên thân thế chẳng hề vương ,
Lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường .
Năm hết trong non không sẵn lịch ,
Nhìn xem cúc nở biết trùng dương .
( Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang )
Tuổi già tới , nay đau khớp , mai tê chân , ngày này vô bệnh viện thăm ông bạn già ốm , ngày khác đến nhà quàn viếng ông hội viên cao niên quy tiên , trong lòng bắt đầu nghĩ đến luật vô thường của nhà Phật , tự đặt câu hỏi về mấy chữ
” sinh ký tử quy ” , ừ thì về , ai mà chẳng phải về , nhưng về đâu ? Thế là đi tìm câu giải đáp nơi Phật tổ .
Đã mang lấy nghiệp vào thân ,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa .
Thiện căn ở tại lòng ta ,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài .
( Kiều , Nguyễn Du )
Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm ,
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm .
Mưa tạnh , hoa trơ non vắng lặng ,
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn .
( Trúc Lâm sơ tổ , Tràn Thái Tông )
Không còn nghĩ chuyện phải trái , bỏ lợi danh , khi lòng đã lắng thì còn trơ ngọn núi vắng lặng ( tức là chỉ còn có Phật tánh thôi ) nhưng Phật tánh vẫn sống động như tiếng chim kêu , xuân có tàn cũng chẳng sao , thời gian có ảnh hưởng gì nữa đâu!
Chúng mình , trẻ thì cha mẹ dạy dỗ bàng bạc theo lời đức thánh Khổng , sắp về hưu thì ao ước cảnh thiên nhiên như mấy vị Lão gia , về già thì đi tìm học Đức Thích Ca . Trên thực tế , có khi nào đọc Tứ Thư , Ngũ Kinh đâu , có khi nào tìm đến Đạo Đức Kinh hoặc Nam Hoa Kinh đâu , và cũng khó mà đến chùa thỉnh vài quyển Kinh , mà có thỉnh thì cũng mờ mờ mịt mịt, tu lỵ,tu ly,ma ha tu lỵ! Ấy thế mà Tam giáo ở ngay trong chúng ta , mờ nhạt hay đậm nét , ý thức hay mơ hồ ….
Nguễn văn Phú
( Góp Nhặt – Hưng Đạo xuất bản 1999 )
Hình trên là tượng Phật Bà Quan âm ở Chiba-Nhật , cao 56 mét , xây năm 1961 ( NN sưutầm )

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics