Thiền Trong Thơ Du Tử Lê (bài hai)

Thiền Trong Thơ Du Tử Lê (bài hai)
Nguyễn-Đức-Tùng
(VDTLĐSTNTMH)

…..Hình như khá lâu ,trước Trịnh Công Sơn ( sống trong đời sống cần có một tấm lòng), DTL đã từng viết :
Ai cũng thế, cần tấm lòng để sống
(11/89 )
Sự hiện hữu chỉ có ý nghĩa khi con người thường xuyên ý thức về nó . Khả năng tự ý thức được xem là một khả năng quan trọng đối với các thiền sinh . Chỉ một phút rời xa ý thức về sự tồn tại, anh sẽ lạc đường . Đẩy đến tột cùng sự hiện hữu là ngôn ngữ . Ngôn ngữ là tiếng nói của vô thức trong phân tâm học, là tỉnh thức trong Phật giáo,là tương thông trong Thiên chúa giáo, là người làm chứng, vừa là người dẫn đường , là ngọn đuốc, vừa là bóng tối .
Muốn biết bóng đêm, hãy ném ngọn đèn đi, mới biết bóng đêm ( Lacand) .
Không có gì ngạc nhiên là nỗi buồn, cô đơn, sự đau khổ đôi khi dạy cho chúng ta nhiều hơn về con đường trở lại cội nguồn .
Hồn cuối bãi tâm đầu ghềnh
Những chai máu lạnh ……. ân tình treo cao .
Con người phải sống thật hiu hắt như anh :
Bất khả tư nghì nỗi xót, đau
Bến giác, bờ mê bạc mái đầu
Ngày nghiêng nhớ xuống vai tiền kiếp
Chuông mõ âm âm ngã mạn, nào ?
……….
Bay suốt đời chưa thấy được mình
Ta hồn chim biển, bóng trong kinh
Soi gương thấy lệ ai còn, chảy
Chiếc lá người bay ngoài nhân duyên
……….
Trì tụng cho tình kinh Vãng Sinh
Một pho Phụ Rẫy . Một pho Quên
Đêm đêm trăn trở Tăng và Pháp
Ngón nào là Phật ? Ngón nào trăng ?
mới hy vọng có ngày đến được với giác ngộ chăng ?
Nghệ thuật vừa là con đường từ xã hội trở lại với thiên nhiên, vừa là sự tạo lập thế giới bên ngoài trên mảnh đất nội tâm, là sự giao thoa giữa cái tôi và tha nhân mà Phật giáo gọi là là Đại Ngã, mà dưới cái nhìn của Freud là Siêu ngã ( Superego), và Jung, một cách nào đó, gọi là sự Thăng hoa (sublimation). Như thế bằng chính kinh nghiệm và thể nghiệm của mình , nhà thơ lần lượt giở ra từng trang sách của cuốn kinh không lời, trước hết, bằng niềm vui, hoan lạc, sau đó, bằng đau khổ, cô đơn, sau đó nữa, bằng chiêm nghiệm và minh triết . Có hai con đường để đến được giác ngộ trong Phật giáo, một là tịnh tiến, hai là ngay lập tức, đốn ngộ . Thơ thiền DTL ở vào giai đoạn nào , hướng về phía nào? Anh đào sâu thật kỹ những nỗi đau mà thoạt nhìn, đối với nhiều người có vẻ bi luỵ :
Sương trần thân mây chia ly
Nhập chung nỗi chết sầu khô héo về
Điều đó không phải là không đúng, nhưng tôi cho rằng anh không thể làm khác được. Cũng như Đức Phật nói ngàn pháp, mỗi pháp dành cho một loại chúng sinh, con đường đi của mỗi người phải chính là tấm gương đời sống của người đó, cảnh ngộ của người đó, cơ duyên của người đó . Không mở được cánh cửa tâm hồn, thì không vào được căn nhà của bản thể . Không phải là một nhà nghiên cứu Phật pháp, không phải là một tăng sĩ hay thiền sư, chỉ nhờ vào linh cảm lạ lùng của thi sĩ , mà anh thấy được điều này :
Tôi xa người như xa núi sông
Em bên kia suối bên kia rừng
Em bên kia nắng bên kia gió
Tôi một dòng sương lên mênh mông
…………….
chính nhờ thế mà anh bắt đầu thấy được :
Em ngủ trong rừng cây
Mà lòng tôi rất đầy
Mùa hè sao rực rỡ
Hàng cây xanh lá gầy
Và để hiểu ra rằng :
Ngay bôi, xoá cũng không là đứt đoạn
Chia ly kia, em ạ , để quay về
DTL hay nói đến đi và về, sự trở về, nói đến cố hương . Những năm sau này, anh cũng thường nói trực tiếp nhiều hơn đến Phật , đến Chúa, đến Quán Thế âm bồ tát . Thật ra thơ thiền Việt Nam có truyền thống lâu đời, rất sớm từ khi thiền được du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa, nhưng truyền thống ấy không phải khi nào cũng nở rộ trong văn học. Trừ Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ, Tuệ Mai, …và một vài người , các nhà thơ Việt Nam bận tâm nhiều hơn đến các trào lưu khác . Có thể nói DTL là người đầu tiên trở lại làm thơ thiền với một khuynh hướng . Sự nhắc nhở một cách rõ rệt(obvious) về thiền trong thơ anh vừa là sự dũng cảm cần thiết, vừa là một cạm bẫy nguy hiểm: anh thừa biết thơ mang tính thiền không nhất thiết phải nhắc đến Phật và Quán Thế âm, chú tiểu và cổng chùa . Chính sự đau khổ mà anh nhắc nhở với loài người đã là cánh cửa đầu tiên mở vào chứng ngộ , sự đau khổ có ý nghĩa định nghĩa cho tồn tại của con người trên trái đất . Những hành giả chưa từng tự họ trải nghiệm cay đắng trần gian, nếu chứng ngộ , chắc phải là những trái tim mênh mông mà chúng ta không thể có được .
Mặt khác, sự mở ra những bí ẩn của đời sống,lật những trang sách khác nhau mỗi ngày mang lại niềm vui mới mẻ mà tuổi trẻ không từng chạm tới, chỉ có sự từng trải mới tìm ra, như rượu để lâu trong bình đã ngọt . Tình yêu cuộc sống đã chín như thế trên cành cây DTL, nên anh cũng dùng hoài niệm để nuôi dưỡng tâm hồn :
Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
Và thấy trong kinh đủ bóng hình
Nhưng thường khi thơ anh là sự vượt qua
Cánh chim tịch tịnh miền vô niệm
Vô chấp, em ngồi như Quan âm
Tập thơ mới nhất của anh, ” (Nếu cần) hãy cho bài thơ một tên gọi “, không được đặt tên là thơ thiền, vẫn tràn đầy hương vị của chén trà hoa mộc trong một thiền phòng sáng sớm, và bìa sách, trình bày tuyệt đẹp bởi hoạ sĩ Derek Phạm, với chân dung DTL lùi ra xa, là ẩn dụ đẹp về sự tự biến mất mình, và ra đi không dấu vết, như chim không để lại đường bay .
Tôi lưỡng thể với nắng mưa kẻ khác
Tựa điều gì ẩm mục giữa câu kinh
Thượng đế nối bản lề tôi với đất
Em nối tôi vào thơ ấu lênh đênh
Tôi lưỡng thể với tình yêu tuyệt tự
Như âm dương nào nói nửa lời
Tôi dọn trước cho mình nôi cát bụi
Và bất ngờ em nữa có quay lui
Thiền vượt ra ngoài sự dạy và học, tách khỏi các truyền thống, không tìm thấy trong ngôn ngữ, chỉ thẳng vào tánh của sự vật và của tâm . Vậy thiền có thể nào được tìm thấy trong thơ chăng ?
Nguyễn-Đức-Tùng (VDTLĐSTNTMH – Tự Lực Bookstore ,Cali . 2007)
(còn tiếp)-Hình trên :Đồi Mandalay, Miến Điện , nơi Đức Phật đã từng đặt chân đến
NN

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics