02/12: Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2 (tiếp theo) Bài 7- Bài 8

02/12: Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2 (tiếp theo)
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4792 lần

Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 7. Kinh Di Lặc thượng sinh Đâu-Xuất-Thiên

Ngày mồng một Tết là ngày vía đức Di-Lặc. Trong khóa lễ ngày này, Phật tử chúng ta tụng Kinh Di-Lặc. Kinh có hai phần là Di-Lặc Thượng Sinh và Di-Lặc Hạ Sinh, nghĩa là kinh Di-Lặc sinh lên cảnh trời Đâu-Suất và kinh Di-Lặc hạ sinh thành Phật (xuống làm Phật ở cõi Sa-bà, vì thế mới có câu niệm Nam Mô Đương Lai Hạ sinh Di-Lặc Tôn Phật).
Ở đây, chúng tôi xin tóm tắt Kinh Di-Lặc Thượng Sinh để tặng quý đạo hữu ở xa, tại những nơi chưa có chùa và tủ sách, và quý đạo hữu bận công việc làm ăn không có dịp tụng kinh đó trong ngày mùng một Tết.
Tên kinh: Kinh Di-Lặc Thượng Sinh, nghĩa là kinh nói về việc đức Bồ-Tát Di-Lặc sinh lên cảnh trời Đâu-Suất. Người thuật lại: Ngài A-Nan. Kinh bắt đầu bằng câu: “Chính tôi được nghe như vầy …” giống như trong các kinh mà ta đã biết. Nơi Phật nói kinh: trong vườn của ông Cấp Cô Độc, vườn do ông mua lại của Thái tử Kỳ Đà để…

… làm tịnh xá cúng cho Giáo hội, tại thành Xá-Vệ. Người nghe kinh: ngài Kiều-Trần-Như, ngài Ma-Ha Ca-Diếp, ngài Mục-Kiền-Liên, ngài Xá-Lỵ-Phất, bà tỳ-kheo-ni Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề, ông Tu-Đạt-Đa (tức là ông Cấp Cô Độc), bà Tỳ-Xá-Khư, cùng với các tăng ni, cư sĩ, ngài Văn-Thù và các bồ-tát xuất gia, bồ-tát tại gia và thiên long bát bộ.
Nội dung: Phật phóng hào quang, thuyết trăm ức môn đà-la-ni. Bồ-tát Di-Lặc nghe Phật thuyết, liền được trăm ức môn đà-la-ni, đứng dậy, trước mặt Phật.
Ông Ưu-Ba-Ly bạch Phật: “Kinh nói ông A-Dật-Đa (một tên của đức Di-Lặc) sẽ thành Phật kế tiếp theo ngài. Nay ông A-Dật-Đa vẫn còn là phàm, chừng mạng chung thì ông ấy sinh về nơi nào?”.
Phật trả lời: “Mười hai năm nữa, khi ông qua đời liền vãng sinh lên cảnh trời Đâu-Suất, và là bậc nhất sinh bổ xứ bồ-tát được tất cả các vị thiên tử ở đó cúng dàng và xin được ở trong quốc giới của ngài khi ngài tái thế làm Phật. Các bảo nữ cầm các nón báu phát ra tiếng nhạc màu nhiệm, trong đó có diễn nói các hạnh pháp luân đưa đến ngôi bất thoái chuyển. Các cây báu phát ra ánh quang minh, trong đó có diễn nói về Giáo pháp Đại từ Đại bi. Cây báu có gió thổi động phát ra tiếng diễn nói về khổ, không, vô thường, vô ngã. Các món thiên nhạc nổi lên nói về mười điều lành và bốn điều nguyện lớn. Chư thiên nghe thấy đều phát tâm cầu quả Phật. Các vị thiên tử tán thán lục độ của bồ-tát. Trong tiếng nhạc lại nghe thấy diễn nói về khổ, không, vô thường, vô ngã.
Chư thiên ở mười phương đều nguyện vãng sinh về Đâu-Suất thiên cung.
Trong cung Đâu-Suất có năm vị thần lớn là Bảo Tràng rải châu báu biến hóa thành nhạc khí, phát vô lượng âm thanh kỳ diệu; Hoa Đức rải hoa biến thành lọng, phướn; Hương Âm rải hương thơm biến hoá thành hàng trăm sắc báu; Hỷ Lạc rải những hột châu như ý, nói ra những câu quy y Tam Bảo, giảng thuyết về Ngũ giới, vô lượng pháp lành, các pháp ba-la-mật tức là các hạnh tu đưa đến Niết-bàn; Chánh Âm Thanh rải ra các thứ nước, mỗi thức có năm trăm ức đóa hoa, hiện ra các âm thanh vi diệu.”
Phật phán với ông Ưu-Bà-Ly: “Đó là cảnh trời Đâu-Suất, là chỗ báo ứng thắng diệu nhờ Mười điều lành vậy. Như có bậc tỳ-kheo hay tất cả đại chúng chẳng chán vòng sinh tử, những ai thích lên cõi trời, những ai có lòng yêu kính quả Phật tức là quả Bồ-đề cao trội hơn hết, những ai muốn làm đệ tử của Di-Lặc thì nên làm phép quán tưởng ấy. Hễ làm phép quán tưởng ấy thì nên giữ Ngũ Giới, Bát Trai Giới hoặc Cụ Túc Giới, thân tâm tinh tấn, chẳng cầu đoạn trừ hết phiền não, mà hãy tu mười điều lành, luôn luôn tưởng nhớ cảnh trời Đâu-Suất. Đó là chánh quán. Nên để trọn tâm mà nhớ tưởng Phật, xưng niệm danh hiệu đức Di-Lặc. Dầu trong khoảnh khắc mà thọ trì Bát Trai Giới, tu hành những tịnh nghiệp phát thệ nguyện rộng lớn thì sau khi mạng chung liền được vãng sinh lên cảnh trời Đâu-Suất. Lên đó, quy y nơi đức Di-Lặc, chăm chú quán ánh sáng tỏa ra từ nơi chòm lông trắng giữa cặp chân mày của Đức Di-Lặc, liền được siêu thoát khỏi tội báo trong chín mươi ức kiếp sinh tử, rồi được nghe dạy Diệu Pháp theo căn nguyên. Lại được theo Đức Di-Lặc xuống cõi Diêm-Phù-Đề, dự vào hàng nghe pháp đầu tiên …
Chừng ta tịch rồi, tứ chúng và thiên long bát bộ nếu được nghe danh hiệu đức Bồ-tát Di-Lặc mà hoan hỷ cung kính lễ bái thì khi mạng chung sẽ vãng sinh như những chúng nói trên. Những ai chỉ được nghe danh hiệu thôi cũng đủ khỏi phải đọa nơi hắc ám. Những ai lỡ phạm giới cấm, tạo ác nghiệp mà nghe được danh hiệu Bồ-tát Di-Lặc, thành tâm sám hối, sẽ được nghiệp thanh tịnh.”
Phật phán tiếp với ông Ưu-Ba-Ly: “Về đời sau, ngài Bồ-tát Di-Lặc đây sẽ làm nơi quy y lớn cho chúng sinh. Ai quy y nơi ngài sẽ được ngôi bất thối chuyển và khi Ngài thành Phật thì những người tu hành đó sẽ được ngài thọ ký cho.”
Phật lại phán: “Chừng ta tịch diệt trong tứ chúng và thiên long quỷ thần, có ai muốn lên cảnh trời Đâu-Suất thì nên làm phép quán tưởng này: đem hết lòng dạ mà suy xét, tưởng nhớ cảnh trời Đâu-Suất, giữ giới cấm của Phật, từ một ngày đến bảy ngày, suy xét tưởng nhớ và thi hành theo Mười điều lành, dùng công đức ấy mà hồi hướng nguyện sanh lên trước mặt đức Di-Lặc.”
Khi đức Phật giảng xong, vô lượng đại chúng đến đỉnh lễ nơi chân Phật và nơi chân đức Di-Lặc. Những ai chưa đắc đạo đều phát nguyện lớn đời sau được gặp đức Di-Lặc và vãng sinh lên cảnh trời Đâu-Suất.
Phần Kết: Ông A-Nan hỏi Phật chỗ yếu lý của pháp môn này và tên kinh, Phật trả lời: “nên mở đường sanh lên cõi trời cho chúng sinh đời sau, nên chỉ tướng Bồ-đề cho họ. Kinh này tên là Bồ Tát Di-Lặc nhập diệt hay là Quán Bồ-tát Di-Lặc sinh lên cảnh trời Đâu Suất.”
Phật giảng xong, mười vạn vị bồ-Tát được phép Tam-muội Thủ-Lăng-Nghiêm, tám vạn ức chư Thiên phát tâm bồ-đề thảy đều nguyện tùy tùng đức Di-Lặc khi ngài hạ sinh.
Nghe rồi, bốn hàng đệ tử, tám bộ thiên long rất hoan hỷ, lễ Phật và lui ra. □
GHI CHÚ. Quý đạo hữu tụng Kinh Di Lặc Thượng Sinh này nên chú ý đến:
1) Cảnh giới Đâu-Suất Thiên do Phật mô tả, để quán tưởng,
2) Các tiếng vi diệu nói ra: – giáo pháp đại từ đại bi, – giáo lý khổ, không, vô thường, vô ngã, – mười điều lành (thập thiện), – bốn nguyện lớn (tứ hoằng thệ nguyện), – ngũ giới, bát quan trai , – lục độ ba-la-mật.
Đó là căn bản giáo lý đạo Phật và căn bản các pháp môn tu.
3) Tuy nhiên, trong kinh này Phật nhấn mạnh đến Mười điều lành. □

Bài 8. KINH DI-LẶC
HẠ SINH THÀNH PHẬT

Kinh Di-Lặc Hạ Sinh Thành Phật nguyên bản chữ Phạn, được hai vị dịch ra chữ Hán, đó là ngài Cưu-Ma-La-Thập và ngài Nghĩa Tịnh. HT Thích Tâm Châu dùng bản của ngài Nghĩa Tịnh để dịch ra Việt văn. Tổ Đình Từ Quang ấn tống năm 1992 tại Montréal, (cùng chung một quyển với kinh Di-Lặc Thượng Sinh Đâu-Suất-Thiên). Chúng tôi xin tóm tắt như sau này:
“Ngài A-Nan kể lại rằng: vào một thời kia, đức Phật an trụ trên núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng một số đại tỳ-khưu. Bấy giờ, ngài Xá-Lỵ-Phất thỉnh cầu đức Phật nói lại kinh về vị Phật thời sau này là ngài Từ Thị (tức là ngài Di-Lặc) và phân biệt rõ uy đức thần thông của ngài Từ Thị.
Đức Phật nhận lời, bèn thuyết: Vào thời vị lai ấy, nước biển cả cạn dần, để lộ đất đai của vua Chuyển Luân. Nam Thiệm Bộ châu là nơi đất đai sung mãn, đất nước giàu thịnh, không có hình phạt, tai ách. Chúng sinh nơi ấy, nam nữ do thiện nghiệp mà sinh. Mặt đất toàn cỏ xanh mềm. Lúa mọc tự nhiên, tạo ra đầy đủ lương thực. Cây cối hóa ra y phục còn hoa quả thì đầy rẫy.
Con người sống an vui, không phiền não, tật bệnh; đức tướng trang nghiêm, sắc lực viên mãn. Sắp mệnh chung thì tự mình ra nghĩa địa, hóa tại đó.
Thành của vua Chuyển Luân tên là Diệu Chàng Tướng. Dân cư trong thành đều là những người đã trồng nhân tốt. Lâu đài, thành quách, hào rãnh đều làm bằng các thứ quý. Chim đẹp. Hoa thơm. Cây quý. Gió thổi vào chuông khánh treo trên cành cây, phát ra âm thanh nhiệm màu. Ao hồ đẹp mắt, vườn rừng tốt tươi.
Vị Thánh chủ tên là Hướng Khư, đó là Kim Luân Vương, uy đức, giàu mạnh, cai trị bốn châu. Khắp nơi được hưởng thái bình. Kho tàng chứa đầy trân bảo. Do phúc nghiệp trước mà nay quả báo thành tựu. Nhà vua có một nghìn người con. Vị đại thần tên Thiện Tịnh làm quốc sư, ngài là một bậc đa văn, giỏi giang tột bực. Phu nhân là bà Tịnh Diệu, một phụ nữ đoan nghiêm, được mọi người quý trọng.
Đức Từ Thị từ trời Đâu-Suất mượn nơi phu nhân mà mang thân sau cùng. Khi đứng vịn cành hoa, phu nhân đản sinh ra đức Từ Thị. Sinh từ nách phải của thân mẫu, đức Từ Thị phóng ra ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Khi ánh sáng chiếu tràn lan ba cõi, nơi nơi đều kính ngưỡng. Vua Trời Đế Thích tự tay nâng Bồ-tát, Bồ-tát đi bẩy bước, mỗi bước nở hoa sen báu. Bồ-tát nhìn mười phương và tuyên cáo với chư thiên và nhân chúng rằng: “Đây là thân tối hậu, đạt tới vô sinh, chứng nhập Niết-bàn”.
Rồng phun nước tắm, chư thiên rải hoa, che lọng, ai nấy đều hoan hỷ. Thân Bồ-tát đủ băm hai tướng tốt, đủ mọi ánh sáng. Tôn phụ Thiện Tịnh coi tướng con, biết rằng nếu ở thế gian thì thành Chuyển Luân Vương, nếu xuất gia thì thành Phật. Bồ-tát khôn lớn, thân tướng đoan nghiêm, lòng từ trải khắp. Thân ngài sắc vàng, tỏa sáng rực rỡ, mắt ngài ánh xanh, tiếng ngài như phạm âm. Ngài giỏi mọi nghề. Nhận thấy sự việc thế tục toàn là khổ đau, Ngài liền nghĩ đến xuất gia, tu hành cho đến khi chứng đạo để cứu vớt chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi. Ngày mà Ngài khởi đại nguyện, có tám vạn bốn nghìn người phát tâm tu phạm hạnh. Riêng Ngài thì ngay đêm phát tâm, Ngài chứng được ngôi đẳng giác địa. Sau ngài thành ngôi chính giác dưới gốc cây bồ-đề vĩ đại tên là Long Hoa.
Ngài thuyết pháp độ sinh, dạy dứt bỏ các phiền não, thuyết tứ diệu đế, dạy tu bát chính đạo để lên bờ Niết-bàn. Chúng họp đông đảo trong vườn Diệu Hoa nghe pháp. Hướng Khư Luân vương được nghe pháp thâm diệu, tâm thích xuất gia. Quần chúng, kể cả trẻ nhỏ, ào ạt theo vua xuất gia tu đạo. Vị quan Chủ Tạng tên là Thiện Tài với nghìn quyến thuộc, cung nữ Tỳ-Xá-Khư với tùy tùng thật đông , cùng trăm nghìn thiện nam tín nữ nghe Phật nói pháp, đều cầu xuất gia.
Ngài quán sát tất cả tâm chúng sinh rồi tuyên diễn pháp yếu. Ngài dạy cho chúng sinh biết rằng sở dĩ được sinh trong pháp hội của Ngài là vì đã tu theo chính đạo do Phật Thích-Ca dạy, hoặc vì đã dùng hương hoa, tràng phan, lọng tán để cúng dàng Phật Mưu-Ni, hoặc vì đã dùng vật liệu thơm tho sạch sẽ để xây cất cúng dàng tháp của Phật Mưu- Ni, hoặc vì đã quy y Tam bảo, tu mọi thiện hạnh, hoặc vì đã thụ trì học xứ khéo giữ không phạm, hoặc vì đã cúng dường thức ăn, áo mặc, thuốc men cho tứ phương tăng, hoặc vì thụ trì tám giới, hoặc vì đã dùng giáo đạo Thanh văn diệt trừ phiền não.
Ngài thuyết pháp ba hội.
Hội thứ nhất, Ngài thuyết pháp độ các Thanh văn khỏi phiền não chướng. Số người được độ tới chín mươi sáu ức.
Hội thứ nhì, Ngài thuyết pháp độ các Thanh văn qua biển vô minh. Số người được độ tới chín mươi bốn ức.
Hội thứ ba, Ngài thuyết pháp độ các Thanh văn điều phục thiện tâm. Số người được độ tới chín mươi hai ức.
Ba lần chuyển pháp, chư thiên cúng dàng hương hoa, dâng y phục đẹp, tràn ngập đường xá. Tràng phan âm nhạc la liệt bên đường. Mục đích của các vị là cung kính chiêm ngưỡng vị Đại Y Vương ra đời hóa độ.
Vua trời Đế Thích cùng chúng nhân, thiên cùng tán thán công đức của đức Đại Từ Tôn, nhất tâm kính lễ bậc Thiên Thượng Tôn có uy đức lớn làm cho chúng ma quy tâm đỉnh lễ, tán ngưỡng đạo sư. Thiên chúng Phạm Vương cùng các quyến thuộc dùng Phạm âm mà xiển dương diệu pháp. Nhiều vị la-hán lìa hẳn được phiền não. Nhân, Thiên, Long thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, La-sát, Dược-xoa … hoan hỉ cúng dường.
Khi ấy, đại chúng dứt được chướng, trừ được hoặc, tu hạnh thanh tịnh, siêu việt sinh tử; không ham của báu, đạt đến vô ngã, xé lưới tham ái, tĩnh lự hoàn toàn.
Thế tôn Từ Thị thuyết pháp độ sinh trong sáu vạn năm, hóa đọâ trăm vạn ức chúng sinh qua biển phiền não. Sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, chính pháp còn lại được sáu vạn năm.
Đức Phật Thích-Ca thuyết tiếp: Ở trong pháp của ta, thâm tâm tín thụ thì sẽ gặp Ngài Từ Thị. Người thông tuệ nghe nói đến việc này ai cũng vui mừng mong gặp Ngài Từ Thị, cầu được gặp hội Long Hoa.
Đức Thế Tôn đã vì ngài Xá-Lỵ-Phất và đại chúng diễn nói sự việc vị lai về ngài Từ Thị. Ngài lại nói rằng ai nghe được pháp này mà thụ trì, đọc tụng, tu hành, cúng dàng hương hoa, viết chép kinh quyển, diễn nói chính pháp cho người khác … thì về đời sau sẽ được gặp ngài Từ Thị trong hội Long Hoa, được nhờ ơn cứu độ.
Khi đức Thế Tôn thuyết xong, ngài Xá-Lỵ-Phất và tất cả đại chúng hoan hỉ tín thụ, đỉnh lễ vâng làm”. (1)
Nhiều người tưởng rằng Long Hoa Tam Hội sắp tới nay mai, đó là một sự sai lầm. Theo kinh sách thì phải nhiều triệu năm nữa ngài Di-Lặc mới hạ sanh. Có nơi đưa ra con số 30.000 năm, có lẽ đó là con số nhỏ nhất! Chúng ta cứ coi số nhỏ nhất ấy thì thấy cũng còn lâu lắm mới đến hội Long Hoa.(2)
Trước hết, chúng ta nói về tên của ngài. Tên pali là Metteya; tên sanskrit là Maitreya. Tiếng pali metta, tiếng sanskrit maitri nghĩa là lòng từ, cho nên theo nghĩa mà dịch thì tên ấy là Từ, Từ Thị. Theo âm mà phiên thì thành ra Mai-Đát-Lệ, Mạt-Đát-Lị-Da, Di- Đế-Lễ, Di-Lặc. Một tên khác của ngài là Ajita, phiên âm thành A-Dật-Đa, dịch nghĩa là Vô Năng Thắng (Invincible). Theo truyền thuyết thì danh xưng Từ Thị bắt nguồn từ việc này: từ khi mới phát tâm bồ-đề, ngài không ăn thịt.
Ngài sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, sau trở thành đệ tử của đức Phật, nhập diệt trước đức Phật, làm một vị bồ-tát trụ tại cõi trời Đâu-Suất tức là một trong sáu cõi trời thuộc Dục giới (theo thứ tư từ thấp lên cao, đó là Tứ Thiên Vương thiên, Đao-Lị thiên, Dạ-Ma thiên, Đâu-Suất thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, gọi chung là lục dục thiên). Nơi đó, ngài đã tu đến bậc thập địa, tức là “gần thành Phật”. Đâu-Suất thiên được coi như là cõi tịnh độ của ngài.
Tụng kinh Di-Lặc, bài học cần được rút ra để học và hành là thực hành hạnh từ ghi rõ ngay trong tên của ngài. Tiếp đến là thực hành hạnh xả (điều này, chúng tôi đã trình bày trong bài Ngày vía đức Di-Lặc tức mồng một Tết).(3)
Chúng tôi cũng như nhiều đạo hữu, thắc mắc rằng hội Long Hoa còn lâu lắm mới tới, sốt ruột quá, mình có được dự hội không! Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta phải hiểu ẩn ý ở đằng sau lời kinh. Rõ ràng là ở trong cả hai kinh, đức Thích-Ca đã dạy phương pháp tu hành: tứ đế, bát chánh đạo, lục độ v.v… Cứ như thế mà tu thì hẳn là có kết quả, có kết quả thì chắc chắn là được hưởng những điều đã được mô tả trong kinh, lâu hay mau cũng không còn là vấn đề nữa! □
CHÚ THÍCH.
(1) Đại ý: Kinh này do ngài Xá-Lị-Phất khởi thỉnh đức Phật Thích-Ca thuyết diễn. Đức Phật giảng rằng: về sau, Bồ-tát Di-Lặc sẽ rời cung Đâu-Suất, giáng sinh nơi cõi nhân gian, ngồi nơi cội cây Long Hoa mà thành Phật. Bấy giờ thọ mạng của người đời là 84 ngàn tuổi. Cha của bồ-tát là Thiện Tịnh, làm đại thần quốc sư ở triều Thánh vuơng Hướng Khư. Mẹ là bà Tịnh Diệu. Khi bồ-tát thành Phật, ngài độ cho cả triều vua, cho cha mẹ và nhân dân trong cả nước đều tu hành. Ngài mở ba kỳ thuyết pháp: kỳ đầu độ cho 96 ức người, kỳ nhì độ cho 94 ức người, kỳ ba độ cho 92 ức người. Đức Phật Thích Ca có giảng rằng: ai muốn sinh về cõi của đức Phật vị lai Di-Lặc thì từ nay khá tu hành ngũ giới, bát giới, thập thiện, cụ túc giới và hạnh bồ-tát. (chép theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn.
(2) – Phật học Từ điển nói trên đây, mục Di-Lặc: Tính theo quyển Phật tổ thống ký thì từ đức Thích-Ca cho đến khi đức Di-Lặc ra đời là 8.108.000 năm. Cũng theo từ điển ấy, ở mục Long Hoa hội, con số đưa ra là 56 ức 7 ngàn vạn năm; chẳng biết có phải viết như thế này không: 5 670 000 000.
– Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh cho biết: 10 vạn là một ức – tức là 10 lũy thừa 5, và một vạn vạn cũng là một ức – tức là 10 lũy thừa 8. (Một tỉ là 10 lũy thừa 9). Từ điển Annamite-Chinois-Français của E.Gouin ghi ức là cent mille tức là 100.000 hay 10 vạn.
– Từ điển Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme của Philippe Cornu cho biết rằng: về thời mà ngài Di-Lặc hạ sanh kể từ Phật Thích-Ca, nơi thì đưa ra con số 30.000 năm, chỗ khác thì bảo 3 tỉ 920 triệu năm (3.920.000.000). Vào thời ngài, tuổi thọ của con người là 84.000 năm.
– The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen đưa ra con số 30.000 năm.
– The Seeker’s Glossary of Buddhism nói nhiều tỉ năm
(3) Trong cuốn Kinh Di-Lặc (HT Thích Tâm Châu dịch, Tổ Đình Từ Quang ấn tống tại Montréal năm 1992) từ trang 53 đến trang 60, có ghi rõ hành trạng của Ngài Di Lặc.

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2-Montreal 2010

(Hình:Chùa Đại Kim–Myanma – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics